Lá thư được gửi vào hòm thư mà không có địa chỉ để hồi âm. Tên tôi, Alma Singer, được đánh máy ở mặt trước. Tất cả những lá thư tôi từng nhận được đều của Misha, nhưng cậu ấy chưa bao giờ dùng máy chữ. Tôi mở ra. Chỉ có hai dòng. Alma thân mến, thư viết. Xin hãy gặp tôi lúc 4 giờ ngày thứ Bảy chỗ những chiếc ghế dài trước lối vào vườn thú Công viên Trung tâm. Tôi nghĩ cháu biết tôi là ai. Thân mến, Leopold Gursky.
Tôi không biết mình đã ngồi trên chiếc ghế công viên này bao lâu. Ánh sáng đã gần tàn, nhưng trước đó khi còn sáng, tôi có thể chiêm ngưỡng và thán phục những bức tượng. Một con gấu, một con hà mã, một con gì đó có móng sừng chẽ ra mà tôi cho là dê. Trên đường tới, tôi đi qua một đài phun nước. Bể nước khô cạn. Tôi nhìn xem liệu có đồng tiền nào dưới đáy không. Nhưng chỉ có lá rụng. Bây giờ lá có khắp mọi nơi, rụng và rụng, biến thế giới trở lại thành đất. Đôi lúc tôi quên rằng thế giới không có cùng lịch trình như tôi. Rằng mọi thứ không phải đang chết, hoặc rằng nếu nó đang chết thì nó sẽ trở lại với sự sống - chỉ cần chút ánh nắng và sự khích lệ thông thường. Đôi khi tôi nghĩ: mình già hơn cái cây kia, già hơn cái ghế này, già hơn mưa. Nhưng chưa hẳn. Tôi không già hơn mưa. Mưa đã rơi từ bao năm và sau khi tôi ra đi mưa sẽ vẫn rơi.
Tôi đọc lá thư một lần nữa. Tôi nghĩ cháu biết tôi là ai, thư viết. Nhưng tôi không biết bất kỳ ai tên Leopold Gursky.
Tôi quyết định ngồi đây và đợi. Đời tôi không còn gì nữa để làm. Hai mông tôi có thể ê ẩm, nhưng cứ cho đó là điều tệ nhất đi. Nếu tôi khát, chẳng có gì tội lỗi nếu tôi quỳ xuống và liếm cỏ. Tôi thích tưởng tượng hai chân mình đâm rễ vào đất và rêu mọc trên hai bàn tay. Có lẽ tôi sẽ bỏ đôi giày ra cho quá trình đó nhanh hơn. Đất ướt giữa các ngón chân, lại được như một cậu bé. Lá sẽ mọc từ các ngón tay tôi. Có thể một đứa trẻ sẽ trèo lên tôi. Thằng nhỏ mà tôi quan sát đang ném sỏi vào bồn nước trống không, nó không đủ lớn để leo cây. Bạn có thể nói rằng nó quá khôn ngoan so với tuổi. Có lẽ nó tin rằng nó không được sinh ra cho thế giới này. Tôi muốn nói với nó: Nếu không là cháu thì ai?
Có khi thực sự là thư của Misha. Đó là kiểu chuyện cậu ấy có thể làm. Thứ Bảy tôi sẽ đi, và kia, cậu ấy sẽ ngồi trên ghế. Đã hai tháng trôi qua kể từ buổi chiều đó trong phòng cậu, với cha mẹ cậu quát nhau phía bên kia bức tường. Tôi sẽ nói cho cậu biết tôi nhớ cậu chừng nào.
Gursky - nghe có vẻ là cái tên Nga.
Có lẽ thư của Misha.
Nhưng có thể không.
Đôi lúc tôi chẳng nghĩ gì và đôi lúc tôi nghĩ về đời mình. Ít nhất tôi đã có một cuộc sống. Cuộc sống kiểu gì? Một cuộc sống thôi. Tôi đã sống. Không dễ dàng. Ấy thế nhưng. Tôi đã thấy nó có ít điều không thể chịu nổi ra sao.
Nếu không phải thư của Misha, có thể là thư của người đàn ông đeo kính làm việc ở Cơ quan Lưu trữ Thành phố ở số 31 phố Chambers, người đã gọi tôi là cô Thịt thỏ. Tôi chưa bao giờ hỏi tên ông, nhưng ông biết tên tôi và địa chỉ của tôi, bởi tôi phải điền vào mẫu khai. Có thể ông đã tìm ra điều gì đó - một hồ sơ, một giấy chứng nhận. Hoặc có thể ông nghĩ tôi nhiều hơn mười lăm tuổi.
Có một thời tôi đã sống trong rừng, hay trong các khu rừng. Tôi đã ăn sâu. Tôi đã ăn bọ. Tôi ăn bất cứ thứ gì có thể cho vào mồm. Đôi khi tôi nôn. Dạ dày tôi là một mớ hổ lốn, nhưng tôi cần thứ gì đó để nhai. Tôi uống nước từ các vũng bùn. Tuyết. Bất cứ thứ gì tôi có thể vớ được. Thi thoảng tôi lẻn vào các hầm chứa khoai tây của nông dân quanh các làng của họ. Đó là nơi ẩn nấp tốt bởi trong mùa đông chúng ấm hơn một chút. Nhưng ở đó cũng có chuột. Để nói rằng tôi đã ăn chuột sống - vâng, tôi đã thế. Rõ ràng tôi rất muốn sống. Và chỉ có một lý do: nàng.
Sự thật là nàng đã nói với tôi rằng nàng không thể yêu tôi. Khi nói tạm biệt, nàng đang nói vĩnh biệt.
Ấy thế nhưng.
Tôi tự làm mình quên đi. Tôi không biết tại sao. Tôi cứ tự hỏi mình suốt. Nhưng tôi đã làm thế.
Hoặc có khi là thư của ông già người Do Thái làm ở Văn phòng Hành chính Thành phố ở số 1 phố Centre. Ông ấy trông có thể là Leopold Gursky. Có lẽ ông ấy biết điều gì đó về Alma Moritz, hoặc Isaac, hoặc Lịch sử tình yêu.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình có thể khiến bản thân trông thấy những thứ không có thật. Khi ấy tôi mười tuổi, đang đi bộ từ trường về nhà. Mấy đứa con trai cùng lớp tôi chạy tới, vừa chạy vừa hét với cười. Tôi muốn được như bọn chúng. Ấy thế nhưng. Tôi không biết làm thế nào. Tôi luôn cảm thấy khác những đứa khác, sự khác biệt làm tôi đau đớn. Và rồi tôi rẽ qua một góc và trông thấy nó. Một con voi khổng lồ, đứng một mình giữa quảng trường. Tôi biết mình đang tưởng tượng ra nó. Ấy thế nhưng. Tôi muốn tin là có nó.
Thế nên tôi cố.
Và thấy rằng mình có thể.
Hoặc có thể đó là thư của người gác cửa ở số 450 phố 52 khu Đông. Có lẽ ông ấy đã hỏi Isaac về Lịch sử tình yêu. Có thể Isaac đã hỏi ông ấy tên tôi. Có thể trước khi chết ông ấy đã tìm ra tôi là ai, và đã đưa người gác cửa thứ gì đó để trao cho tôi.
Sau cái ngày tôi trông thấy con voi, tôi để cho bản thân nhìn thấy nhiều hơn và tin nhiều hơn. Đó là trò chơi tôi chơi với bản thân. Khi tôi nói với Alma những gì tôi trông thấy, nàng cười và bảo nàng yêu trí tưởng tượng của tôi. Vì nàng, tôi đã làm cho cuội thành kim cương, giày thành gương, tôi đã biến thủy tinh thành nước, tôi chắp đôi cánh cho nàng và kéo những con chim khỏi tai nàng, và trong các túi của nàng, nàng sẽ thấy những chiếc lông chim, tôi bảo một quả lê trở thành quả dứa, quả dứa thành bóng điện, bóng điện thành mặt trăng, và mặt trăng trở thành một đồng xu tôi thả để xin tình yêu của nàng, cả hai đều là mặt phải: tôi biết mình không thể thua.
Và bây giờ, cuối đời mình, tôi hầu như không thể chỉ ra sự khác biệt giữa điều có thật và điều tôi tin. Chẳng hạn lá thư này trong tay tôi - tôi có thể cảm nhận nó giữa các ngón tay mình. Giấy nhẵn, trừ những vết nhăn. Tôi có thể giở nó ra và gập nó vào lần nữa. Cũng chắc chắn như tôi đang ngồi đây lúc này, lá thư này tồn tại.
Ấy thế nhưng.
Tự trong tim, tôi biết rằng trong tay mình chẳng có gì.
Hoặc có khi đó là thư của chính Isaac, viết trước khi ông mất. Có thể Leopold Gursky là một nhân vật khác trong sách của ông. Có thể có những điều ông muốn nói với tôi. Và bây giờ thì đã quá muộn - khi ngày mai tôi đến, chiếc ghế ở công viên sẽ trống.
Có rất nhiều cách để được sống, nhưng chỉ có một cách để chết. Tôi mặc nhiên thừa nhận điều ấy. Tôi nghĩ: Ít ra ở đây họ cũng sẽ tìm thấy tôi trước khi tôi làm cả tòa nhà bốc mùi. Sau khi bà Freid mất và không ai thấy bà trong ba ngày, họ luồn những tờ bướm dưới kẽ cửa ghi, HÔM NAY HÃY ĐỂ CỬA SỔ NHÀ MÌNH MỞ, ĐÃ KÝ, BAN QUẢN LÝ. Và thế là tất cả chúng tôi được hưởng một luồng gió mới nhờ ơn bà Freid - người đã có một cuộc đời dài với những biến cố lạ lùng mà hồi còn bé bà không bao giờ có thể tưởng tượng nổi, kết thúc với chuyến cuối cùng tới hiệu tạp hóa để mua một hộp bánh quy mà bà chưa kịp mở ra khi bà nằm xuống nghỉ và tim ngừng đập.
Tôi nghĩ: tốt hơn là đợi ngoài trời. Thời tiết chuyển vòng tồi tệ hơn, cái rét cắt da trong không khí, những chiếc lá vương vãi. Đôi khi tôi nghĩ và đôi khi tôi không nghĩ về đời mình. Thi thoảng, khi tự nhiên nổi hứng, tôi làm một cuộc khảo sát chóng vánh: Không dành cho câu hỏi: Có cảm giác được hai chân của mình không? Không để trả lời cho câu hỏi: Còn hai mông? Có dành cho câu hỏi: Tim mình có đập không?
Ấy thế nhưng.
Tôi kiên nhẫn. Rõ rành rành là có những người khác, trên những chiếc ghế khác của công viên. Thần chết bận rộn. Có rất nhiều người chuẩn bị chết. Để thần chết không nghĩ rằng tôi đang đùa cợt, tôi lấy tấm thẻ vẫn mang theo trong ví ra và cẩn thận dùng ghim băng kim vào áo khoác.
Có hàng trăm thứ có thể thay đổi cuộc sống của bạn. Và trong vài ngày, ở khoảng thời gian giữa lúc tôi nhận được lá thư và lúc tôi gặp người đã gửi nó - dù là ai, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Một viên cảnh sát đi qua. Anh ta đọc tấm thẻ cài trên ngực tôi và nhìn tôi. Tôi nghĩ anh ta sắp đặt một cái gương dưới mũi tôi để xem liệu tôi có còn thở, nhưng anh ta chỉ hỏi xem tôi có ổn không. Tôi bảo có, bởi tôi biết nói gì đây, tôi đã đợi nàng cả đời, nàng là đối nghịch với cái chết - thế mà giờ tôi vẫn ở đây chờ đợi sao?
Cuối cùng thứ Bảy cũng tới. Chiếc váy dài duy nhất tôi có, chiếc tôi đã mặc ở Bức tường phía Tây, đã quá chật. Thế nên tôi mặc váy ngắn và nhét lá thư vào túi. Rồi tôi lên đường.
Vì đời tôi đã sắp hết, tôi có thể nói rằng điều khiến tôi đau đớn nhất trong cuộc đời là mức độ thay đổi. Hôm nay bạn là con người, và hôm sau họ đã bảo bạn là con chó. Ban đầu thật khó chịu nổi điều ấy nhưng sau một thời gian bạn học được cách không coi đó là mất mát. Thậm chí có lúc trở nên buồn cười không chịu nổi khi nhận ra bạn ít cần giữ nguyên bản thân đến thế nào để có thể tiếp tục nỗ lực mà người ta gọi là - vì không thể chọn được từ hay hơn - làm người.
Tôi ra khỏi ga tàu điện ngầm và đi bộ về phía Công viên Trung tâm. Tôi đi qua khách sạn Plaza. Đã là mùa thu, những chiếc lá đang chuyển sang màu nâu và rụng xuống.
Tôi vào công viên chỗ phố 59 và đi dọc theo con đường nhỏ về phía vườn thú. Khi tôi đến lối vào công viên, tim tôi ngừng lại. Có khoảng hai mươi lăm chiếc ghế dài sắp thành một hàng. Trong số đó có bảy chiếc có người ngồi.
Làm thế nào tôi biết đó là ông ấy?
Tôi đi qua đi lại hàng ghế. Chẳng ai có vẻ chú ý tới tôi. Cuối cùng tôi ngồi xuống bên cạnh một người đàn ông. Ông ta chẳng để ý gì.
Đồng hồ đeo tay của tôi báo 4 giờ 02. Có lẽ ông ấy đến muộn.
Một lần tôi đang nấp trong một hầm chứa khoai tây thì bọn SS(1) đến. Lối vào được che một lớp cỏ khô mỏng. Những bước chân của chúng lại gần, tôi có thể nghe tiếng chúng nói như chúng đang nằm trong tai mình. Bọn chúng có hai tên. Một tên bảo, Vợ tao đang ngủ với một thằng khác, tên còn lại nói, Làm thế nào mày biết? và gã đầu tiên bảo, Tao không biết, tao chỉ nghi thế, khiến gã thứ hai hỏi, Sao mày lại nghi vậy? trong lúc tim tôi thắt lại, Chỉ là cảm giác, tay thứ nhất nói trong lúc tôi tưởng tượng ra viên đạn sẽ xuyên qua óc mình, Tao không thể nghĩ chính xác, gã nói, Tao mất hết cả ham muốn rồi.
Mười lăm phút trôi qua, rồi hai mươi phút. Người đàn ông bên cạnh tôi đứng dậy và bỏ đi. Một phụ nữ ngồi xuống và mở một cuốn sách. Cách đó một ghế, một phụ nữ khác đứng dậy. Cách đó hai ghế, một bà mẹ ngồi xuống và đung đưa chiếc nôi của con mình bên cạnh một ông già. Cách đó ba ghế, một đôi tình nhân cười to và nắm tay nhau. Rồi tôi nhìn theo họ đứng dậy và bỏ. Bà mẹ đứng dậy và đẩy nôi đi. Còn lại người phụ nữ, ông già, và tôi. Hai mươi phút nữa trôi qua. Trời bắt đầu muộn. Tôi thấy rằng dù là ai, ông ta cũng sẽ không tới. Người phụ nữ gập sách lại và bước đi. Ông già và tôi là hai người còn lại. Tôi đứng dậy rời khỏi đó. Tôi thất vọng. Tôi không biết mình đã mong chờ gì. Tôi bắt đầu bỏ đi. Tôi bước qua ông già. Có một cái thẻ gắn trên ngực ông bằng ghim băng. Nó đề, TÊN TÔI LÀ LEO GURSKY TÔI KHÔNG CÓ GIA ĐÌNH LÀM ƠN GỌI CHO NGHĨA ĐỊA PINELAWN TÔI CÓ MỘT LÔ Ở ĐÓ TRONG KHU DÀNH CHO NGƯỜI DO THÁI XIN CẢM ƠN VÌ ĐÃ QUAN TÂM.
Nhờ người vợ chán chuyện chờ đợi người lính của mình, tôi đã sống. Tất cả những gì hắn phải làm là chọc cỏ khô và thấy rằng dưới đó chẳng có gì. Nếu như đầu óc hắn không bận nghĩ nhiều điều đến thế, tôi đã bị phát hiện rồi. Đôi khi tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với cô ta. Tôi thích tưởng tượng ra lần đầu tiên cô ta ngả người để hôn kẻ xa lạ đó, chắc hẳn cô ta đã thấy mình phải lòng anh ta ra sao, hoặc có lẽ đơn giản chỉ là để thoát khỏi nỗi cô đơn của cô, và giống như một thứ vô nghĩa nhỏ nhoi làm bùng lên một thảm họa tự nhiên cách nửa vòng thế giới, chỉ có điều chuyện này đối lập với thảm họa, cô ta vô tình cứu mạng tôi với cử chỉ đẹp đẽ không hề suy nghĩ ấy, và cô không bao giờ biết, và điều đó cũng là một phần của lịch sử tình yêu.
Tôi đứng trước mặt ông.
Có vẻ ông chẳng hề nhận thấy.
Tôi nói, “Cháu tên là Alma.”
Và đó là lúc tôi trông thấy nàng. Thật lạ lùng, những điều trí óc có thể làm khi trái tim chỉ lối. Nàng trông khác với tôi nhớ. Nhưng không hẳn. Vẫn hệt như xưa. Đôi mắt: đó là vẻ tôi biết về nàng. Tôi nghĩ, Vậy đây là cách một thiên thần được gửi tới. Dừng lại ở tuổi mà nàng yêu ngươi nhất.
Em biết điều gì, tôi nói. Cái tên anh thích.
Tôi nói “Cháu được đặt tên theo cô gái đại diện cho mọi cô gái trong một cuốn sách tên là Lịch sử tình yêu.”
Tôi nói, Anh đã viết cuốn sách ấy.
“Ồ,” tôi nói. “Cháu nghiêm túc đấy. Đó là cuốn sách có thật.”
Tôi vờ ra vẻ đồng ý. Tôi nói: Anh không thể nghiêm túc hơn.
Tôi không biết nói gì. Ông ấy già lắm. Có thể ông ấy đùa hoặc có thể ông ấy lẫn. Để khơi chuyện, tôi nói, “Ông là nhà văn à?”
Ông ấy nói: “Nói theo một cách thì thế.”
Tôi hỏi tên các cuốn sách của ông. Ông bảo, Lịch sử tình yêu là một cuốn, Ngôn từ cho tất cả là một cuốn khác.
“Lạ thật,” tôi nói. “Có khi có hai cuốn sách tên Lịch sử tình yêu.”
Ông ấy không nói gì. Hai mắt ông sáng lên.
“Cuốn cháu đang nói tới do Zvi Litvinoff viết,” tôi nói. “Ông ấy viết bằng tiếng Tây Ban Nha. Cha cháu đã tặng cho mẹ cháu khi họ gặp nhau lần đầu tiên. Rồi cha cháu mất, mẹ cháu cất nó đi cho tới cách đây khoảng tám tháng, khi một người viết thư đề nghị mẹ dịch nó. Giờ bà chỉ còn vài chương nữa là xong. Trong cuốn Lịch sử tình yêu cháu đang nói đến có một chương tên là “Thời kỳ im lặng,” một chương là “Sự ra đời của cảm xúc,” và một chương là…”
Người đàn ông già nhất thế giới cười to.
Ông nói, “Em đang nói gì với anh rằng em cũng yêu Zvi à? Chẳng phải đã đủ lắm rồi khi em yêu anh, và rồi em yêu anh và Bruno, và rồi em chỉ yêu Bruno, rồi em chẳng yêu cả Bruno lẫn anh hay sao?”
Tôi bắt đầu thấy lo lắng. Có thể ông ấy điên. Hoặc quá cô đơn.
Trời đang dần tối.
Tôi nói, “Cháu xin lỗi. Cháu không hiểu.”
Tôi thấy rằng tôi đã khiến nàng sợ hãi. Tôi biết đã quá muộn để tranh cãi. Sáu mươi năm đã trôi qua.
Tôi nói, Hãy tha thứ cho anh. Cho anh biết em thích những phần nào. Thế còn “Thời kỳ thủy tinh” thì sao? Anh muốn làm em cười.
Hai mắt nàng mở to.
Cả khóc nữa.
Giờ thì nàng trông sợ hãi và ngạc nhiên.
Và rồi tôi nhận ra.
Dường như không thể.
Nhưng chưa hẳn.
Nếu những điều tôi tin là có thể thực ra lại là không thể, và những điều tôi tin là không thể thực ra không phải là không thể thì sao?
Ví dụ.
Nếu cô gái ngồi bên cạnh tôi trên chiếc ghế này có thật thì sao?
Nếu cô bé tên Alma, đặt theo tên Alma của tôi thì sao?
Nếu cuốn sách của tôi đã không hề mất trong một vụ ngập thì sao?
Nếu…
Một người đàn ông bước qua.
Xin lỗi, tôi gọi với theo ông ta.
Vâng? ông ta nói.
Có một người đang ngồi cạnh tôi phải không á?
Ông ta trông bối rối.
Tôi không hiểu, ông ta nói.
Tôi cũng không hiểu, tôi nói. Phiền ông trả lời câu hỏi được chứ?
Có một người đang ngồi cạnh ông phải không?
Đó là điều tôi đang hỏi.
Và ông ta nói, Vâng.
Thế nên tôi nói, Có phải đó là một cô gái, mười lăm, có thể mười sáu, thôi nói lại là có thể cô bé ấy tròn mười bốn tuổi phải không?
Ông ta bật cười và đáp, Có.
Có theo nghĩa ngược với không chứ?
Theo nghĩa ngược với không, ông ta đáp.
Cảm ơn, tôi nói.
Ông ta bước đi.
Tôi quay lại phía cô gái.
Đúng thật. Trông cô ta quen quen. Nhưng không hẳn. Cô trông không giống Alma của tôi lắm, bởi tôi đã quan sát kỹ. Chẳng hạn cô ta cao hơn nhiều. Và tóc đen. Cô có khe hở ở răng cửa.
Bruno là ai? cô gái hỏi.
Tôi nhìn kỹ gương mặt cô. Tôi cố nghĩ câu trả lời.
Nói về tàng hình đi, tôi nói.
Vẻ mặt sợ hãi và ngạc nhiên của cô gái giờ đã thêm nét bối rối.
Nhưng ông ấy là ai?
Là người bạn mà tôi không có.
Cô gái nhìn tôi, chờ đợi.
Ông ấy là nhân vật tuyệt vời nhất tôi từng viết.
Cô gái không nói gì. Tôi sợ là cô sẽ đứng lên và bỏ tôi ở lại. Tôi không thể nghĩ được điều gì khác để nói. Thế nên tôi nói cho cô sự thật.
Ông ấy chết rồi.
Thật đau đớn khi nói điều đó. Nhưng chưa hẳn. Còn hơn thế nhiều.
Ông ấy chết vào một ngày tháng Bảy năm 1941.
Tôi đợi cô đứng lên và bước đi. Nhưng. Cô vẫn ngồi đó, không hề chớp mắt.
Tôi đã đi xa lắm rồi.
Tôi nghĩ, Tại sao không đi xa thêm chút nữa chứ?
Còn nữa.
Tôi có được sự chú ý của cô. Thật vui khi thấy thế. Cô chờ đợi, lắng nghe.
Tôi có một đứa con trai chưa bao giờ biết tôi tồn tại.
Một con bồ câu vỗ cánh bay lên trời. Tôi nói,
Tên nó là Isaac.
Và rồi tôi nhận ra rằng tôi đang tìm lầm người.
Tôi nhìn vào đôi mắt người đàn ông già nhất thế giới để tìm cậu bé biết yêu khi mười tuổi.
Tôi nói, “Có phải ông từng yêu một cô gái tên là Alma?”
Ông im lặng. Đôi môi ông run rẩy. Tôi nghĩ ông không hiểu, thế nên tôi hỏi lại. “Có phải ông từng yêu một cô gái tên là Alma Mereminski?”
Ông chìa một tay ra. Ông vỗ hai lần vào cánh tay tôi. Tôi biết ông đang cố nói với tôi điều gì đó, nhưng tôi không biết là gì.
Tôi nói, “Có phải ông từng yêu cô gái tên Alma Mereminski bỏ sang Mỹ?”
Hai mắt ông tràn lệ, ông vỗ cánh tay tôi hai lần, rồi lại hai lần nữa.
Tôi nói, “Người con trai mà ông nghĩ là không biết rằng ông tồn tại, có phải tên ông ấy là Isaac Moritz không?”
Tôi cảm thấy tim mình đập dồn dập. Tôi nghĩ: tôi đã sống lâu thế này rồi. Làm ơn đi. Lâu thêm một chút sẽ không giết chết tôi. Tôi muốn gọi to tên cô gái, tôi lấy làm vui sướng được gọi cái tên ấy, bởi tôi biết rằng theo một cách nào đó, chính tình yêu của tôi đã mang lại cho cô cái tên ấy. Thế nhưng. Tôi không thể cất lời. Tôi sợ mình đã chọn sai câu. Cô nói, Người con trai mà ông nghĩ rằng không biết… tôi vỗ vào tay cô hai lần. Cô nắm chặt lấy những ngón tay tôi. Tôi vỗ cô hai lần. Cô tựa đầu vào vai tôi. Tôi vỗ tay cô hai lần. Cô choàng một cánh tay qua người tôi. Tôi vỗ tay cô hai lần. Cô choàng cả hai tay quanh người và ôm chặt tôi. Tôi ngừng vỗ.
Alma, tôi nói.
Cô nói, Vâng.
Alma, tôi nói lần nữa.
Cô nói, Vâng.
Alma, tôi nói.
Cô vỗ vỗ tôi hai lần.
CÁI CHẾT CỦA LEOPOLD GURSKY
Leopold Gursky bắt đầu hấp hối vào ngày 18 tháng Tám năm 1920.
Ông chết trong lúc tập đi.
Ông chết lúc đang đứng bên bảng.
Và cũng như vậy, một lần, trong lúc đang mang một chiếc khay nặng.
Ông chết trong lúc đang thực hành một cách ký tên mới.
Đang mở cửa sổ.
Đang rửa chỗ kín của mình trong lúc tắm.
Ông chết trong cô đơn, bởi ông quá xấu hổ nên không gọi điện cho ai.
Hoặc ông chết trong lúc đang nghĩ về Alma.
Hoặc khi ông chọn không làm thế.
Thực sự không có nhiều điều để nói.
Ông là một nhà văn vĩ đại.
Ông đã yêu.
Đó là cuộc đời ông.
- Hết truyện -
Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!