Toàn giục mẹ mình:
- Mình về thôi, má!
Suốt trên quãng đường về dù bà cố dò hỏi, nhưng Toàn không hé răng nửa lời về buổi trò chuyện với nhà sư. Chỉ khi về đến gần nhà Toàn mới đột nhiên nói:
- Con muốn đi qua bà nội!
Thím Liên ngạc nhiên:
- Qua bên đó làm gì con, để bữa khác đi cho sớm, bây giờ gần giữa trưa rồi, đây qua đó đến hơn trăm cây số.
Nhưng Toàn vẫn cương quyết:
- Con có việc này cần lắm, con phải đi!
Chưa bao giờ thím Liên thấy con như vậy! Bà nghĩ có lẽ nhà sư đã nói gì đó nên Toàn mới gấp đi như thế. Bà đành phải chấp thuận, nhưng căn dặn:
- Nếu liệu không về sớm được thì con ở bên đó ngủ với nội, bữa sau về cũng được.
Toàn đáp gọn lõn:
- Vài bữa con mới về!
° ° ° Thấy cháu nội về bất ngờ, bà nội Năm đã ngạc nhiên, mà bà còn ngạc nhiên hơn khi Toàn hỏi:
- Nội nhớ ông giáo Luận không nội?
- Giáo Luận nào, phải ông giáo ngày trước dạy con và mấy đứa trong nhà rồi chết bất đắc kỳ tử đó không?
- Dạ, đúng rồi nội. Ông giáo chẳng biết tại sao chết, nhưng nội cấm tụi con không đứa nào được qua nhà đó nữa từ sau khi ông ấy chết!
Bà nội Năm gục gật đầu:
- Nhớ chứ. Mà sao tự nhiên con hỏi thăm nhà đó làm gì?
- Dạ… con muốn biết coi bây giờ còn ở chỗ cũ không?
- Còn. Nhưng con không nhớ lời nội dặn sao, nhà đó… có vong, không nên tới!
Toàn ngơ ngác:
- Có vong là sao nội?
- Là có người chết bởi… âm hồn, nên âm khí nơi đó nặng nề lấm!
- Thì ra chỉ vì chuyện ấy mà ngày trước nội cấm không cho tụi con qua đó, đến nỗi bây giờ con muốn quên đường qua nhà của thầy luôn. Mà nè nội, sao nội tin làm gì chuyện vong hồn gì đó. Thầy Luận là người tốt, thầy được học sinh kính yêu, rồi thầy chẳng may chết sớm, vậy có gì đâu gọi là vong với âm hồn?
Bà nội Năm hạ thấp giọng như sợ có người nghe:
- Chính vì ông giáo chết bất đắc nên người ta mới nói… Mà thôi, chuyện nhà đó đã lâu rồi không qua lại, con còn nhắc tới làm gì. Mà chuyến này con về là để lo việc gì, sao má mày đâu không về?
Toàn đáp khiến bà nội giật mình:
- Con về chỉ vì chuyện nhà ông giáo!
Bà nội trố mắt:
- Chuyện gì?
Toàn gấp gáp đứng lên:
- Để con đi xong việc rồi về chơi mấy bữa.
Anh đi thang ra cửa trước sự lo lắng của nội:
- Mà con đi đâu?
- Việc riêng của con mà!
Nơi Toàn tìm tới đúng là ngôi nhà của ông giáo Luận. Lâu ngày không ghé qua, quả là có nhiều thay đổi, nên Toàn phải hỏi mấy lượt người ta mới chỉ cho:
- Nhà thầy giáo Luận từ khi ông ấy mất thì có nhiều thay đổi. Hồi xưa đường vào nhà thầy là đi bên cạnh đình làng, nhưng những năm trước người ta bít con đường đó, mở con đường mới đi từ bến sông lên gần hơn. Bây giờ cậu cứ theo lộ xe đây, đi tới chỗ bến đớ, thấy có cái cổng xi măng đề mấy chữ: Từ đường ông Hội Đồng, cậu cứ theo đó mà đi chừng vài trăm mét, hỏi nhà giáo Luận ai cũng biết.
Toàn còn nhớ thời anh còn nhỏ đã từng đi qua ngõ này, nhà hội đồng Kinh lớn nhất vùng, có nuôi nhiều chó dữ, nên tuy con đường qua lại đã có từ lâu, nhưng bọn trẻ như anh không thích đi, bởi sợ chó. Mà người thường nhắc Toàn không nên đi lối này lại là một cô gái, bạn học với Toàn, mà lúc này Toàn đang chợt nhớ tới, Quỳnh Mai!
Chuyện Toàn trở về đây đột ngột là cũng bởi Quỳnh Mai. Cô bạn học này ngày xưa suýt nữa đã cùng với Toàn lên Sài Gòn học tiếp bằng Tú Tài, nếu không vì cái chết đột ngột của ông giáo. Rồi từ đó Toàn không còn liên lạc gì, dẫu khi học ở Sài Gòn trong mấy năm đầu anh cũng đã có gửi về năm sáu lá thư mà không thấy hồi âm…
- Cậu tìm nhà ai?
Thấy Toàn ăn mặc ra dáng công tử nên một chị gánh hàng rong lên tiếng hỏi. Toàn đã nhớ lối vào nhà thầy Luận, nên chỉ tay và đáp: