Lục Mạch Thần Kiếm
Tác giả: Kim Dung
Hồi 140
Trúng Ðề Thi Hư Trúc Nên Duyên
Dịch giả: Hàn Giang Nhạn
Nguồn: Sưu Tầm
Ả cung nữ nói:
- Bao tiên sinh thật là người mau lẹ. Công chúa nương nương có ba vấn đề thỉnh giáo: Một là trong đời Bao tiên sinh cho nơi nào là nơi khoái lạc hơn hết?
- Tại hạ thích thú nhất là khi còn học nghề nắn đồ sứ trong một tiệm kia. Lão chủ suốt ngày cáu kỉnh đánh mắng tại hạ. Một hôm tại hạ điên tiết lên, bao nhiêu bình trà chén uống nước, cho chí lọ hoa tượng phật, tại hạ đập vỡ tan tành không còn một cái nào nguyên vẹn, rồi bỏ đi. Ðó là một việc thích thú nhất trong đời tại hạ. Cung nữ cô nương! Tại hạ trả lời như vậy có trúng tuyển chăng?
Cung nữ đáp:
- Trúng hay không tỳ tử chẳng biết. Cái đó phải do công chúa nương nương quyết định. Bây giờ đến vấn đề thứ hai:
- Bao tiên sinh bình sinh yêu ai nhất, người đó tên là gì?
Bao Bất Ðồng không suy nghĩ gì đáp ngay:
- Tại hạ yêu nhất là Bao Bất Tịnh.
Cung nữ hỏi:
- Ðiều thứ ba là tướng mạo người mà Bao tiên sinh yêu đó ra sao?
Bao Bất Ðồng đáp:
- Người này mới lên ba tuổi. Một mắt nhỏ, mũi hếch lên trời, vành tai vảnh ra. Bao mỗ bảo gì y cũng nhất quyết phản đối, bảo y khóc thì y cười, bảo y cười thì y lại khóc. Y thường khóc đến hai giờ không nín. Y chính là đứa con gái của Bao mỗ tên gọi là Bao Bất Tịnh.
Ả cung nữ cười khẽ một tiếng.
Các hào khách thì cười ồ cả lên và đều cho Bao Bất Ðồng mau mồm lẹ miệng.
Ả cung nữ lại nói:
- Xin Bao tiên sinh hãy qua mé bên nghỉ ngơi và xin mời vị thứ hai.
Ðoàn Dự chỉ nóng lòng được ra ngoài thủ thỉ với Vương Ngọc Yến, còn chuyện thấy hay không thấy công chúa chàng chẳng lấy chi làm quan hệ.
Chàng liền tiến lên xá dài nói:
- Tại hạ là Ðoàn Dự ở nước Ðại Lý kính cẩn dâng lời vấn an công chúa nương nương. Tại hạ ở nơi hẻo lánh tận biên cương miền Nam bữa nay được đến thượng quốc và được hậu đãi, rất cám ơn thịnh tình.
Cung nữ nói:
- Té ra điện hạ là Trấn Nam vương thế tử nước Ðại Lý. Ðiện hạ bất tất phải quá khiêm nhượng. Nay điện hạ đến đây là một nơi hủ lậu không đủ lễ cung nghinh quý khách rất lấy làm áy náy.
Ðoàn Dự nói:
- Tỷ tỷ thiệt là quá khách khí! Bữa nay công chúa không nước nhàn rỗi xin để ngày khác lại tương kiến cũng không sao.
Ả cung nữ nói ngay:
- Ðiện hạ đã chẳng quản xa xôi tới đây. Xin trả lời cho câu hỏi thứ nhất là điện hạ cho nơi nào là nơi khoái lạc nhất?
Ðoàn Dự buột miệng đáp ngay:
- Nơi khoái lạc nhất của tại hạ là cái giếng khô bùn lầy. Mọi người không nhịn được cười ồ cả lên.
Ðoàn Dự cũng không giải thích. Ngoài Mộ Dung Phục ra không ai hay về câu chuyện khoái lạc của chàng trong giếng khô.
Có người khẽ lên tiếng chê bai:
- Chẳng lẽ gã này là con rùa nên mới thích chui xuống đống bùn lầy trong giếng khô?
Ả cung nữ lại lên tiếng hỏi:
- Bình sinh điện hạ yêu ai hơn hết, người đó tên là gì?
Ðoàn Dự toan mở miệng trả lời thì đột nhiên bên phải kéo tay, bên trái có người giật áo.
Ba Thiên Thạch đứng một bên chàng, khẽ rỉ tai:
- Công tử nói là Trấn Nam vương.
Chu Ðan Thần ở bên kia nhắc chàng:
- Công tử nói là Trấn Nam vương phi.
Nguyên hai gã này đứng bên Ðoàn Dự thấy chàng trả lời câu hỏi thứ nhất rất là thất lễ, đến câu hỏi thứ hai lại khiến cho người ta chê cười. Chàng đến đây cầu hôn cùng công chúa mà lại nói ra yêu một vị cô nương khác, thì khi nào công chúa còn ưng thuận lấy chàng? Nên một gã mách chàng trả lời người yêu thứ nhất là phụ thân, để tỏ lòng trung quên hiếu phụ. Ðó là ý nghĩ của Tam công trong triều Ba Thiên Thạch. Còn kẽ mách người yêu nhất đời là mẫu thân thì chính là ý kiến dịu dàng từ ái của kẽ sĩ văn nho Chu Ðan Thần.
Ðoàn Dự nghe cung nữ hỏi người yêu nhất đời là ai, toan buột miệng nói đến Vương Ngọc Yến, nhưng thấy Chu, Ðan hai người kéo tay giật áo chàng nghĩ ngay tới mình là Trấn Nam vương thế tử nước Ðại Lý, qua Tây Hạ thì lời ăn tiếng nói cùng cách cử động có quan hệ đến phong thể bản quốc. Chàng cho là mình mất mặt thì chẳng hề gì nhưng không thể để cho nước Ðại Lý vì mình mà hại đến quốc thể.
Chàng liền đáp:
- Tại hạ yêu nhất dĩ nhiên là phụ thân và mẫu thân.
Câu nói này, chàng liền đem so sánh tình yêu song thân với tình yêu Vương Ngọc Yến, thấy khác nhau xa mà không thể phân biệt được bên nào nặng bên nào nhẹ. Nhưng chàng cũng tự biết rằng câu mình trả lời yêu nhất song thân không phải là giả trá.
Ả cung nữ lại hỏi:
- Tướng mạo lệnh tôn cùng lệnh đường thế nào? Có giống điện hạ không?
Ðoàn Dự đáp:
- Gia phụ mặt vuông, mày rậm mắt to. Tướng mạo cực kỳ uy võ mà tính nết lại ôn hoà...
Chàng nói đến đây bỗng giật mình tự nhủ:
- Té ra tướng mạo mình chỉ giống mẫu thân chứ không giống phụ thân. Về điểm này trước nay chưa bao giờ mình nghĩ tới.
Ả cung nữ thấy Ðoàn Dự chỉ trả lời một nữa, rồi không nói nữa thì cho rằng mẫu thân chàng là bậc Vương phi cao quý, nên chàng không muốn nói rõ tướng mạo trước mặt mọi người.
Ả nghĩ vậy liền nói:
- Ða tạ điện hạ. Xin mời điện hạ qua bên nghỉ ngơi.
Tôn Tản Vương tử nghe giọng nói ả cung nữ đối với Ðoàn Dự ra chiều vừa trọng vọng vừa thân mật, trong lòng ngấm ngầm nổi ghen, lẩm bẩm:
- Ngươi là Vương tử ta đây cũng là Vương tử phỏng có kém gì? Huống chi nước Thổ Phồn ta vừa lớn, vừa mạnh hơn nước Ðại Lý nhiều. Chẳng lẽ cái bộ mặt trắng trẻo của ngươi lại chiếm được tiện nghi hơn ta?
Gã nghĩ vậy rồi không chờ được nữa sấn sổ tiến lên nói:
- Vương tử nước Thổ Phồn là Tôn Tản xin hội diện cùng công chúa.
Ả cung nữ nói:
- Vương tử điện hạ quang lâm, tệ quốc rất lấy làm vinh hạnh. Công chúa nương nương tệ quốc có ba vấn đề...
Tôn Tán có tính nóng nảy không chờ cung nữ nói hết, liền cười đáp:
- Ba vấn đề của công chúa ta đã nghe rõ rồi. Ngươi bất tất phải nhắc lại và ta cũng trả lời luôn một lúc, chẳng cần phải nói từng câu một. Chỗ khoái lạc nhất trong đời ta là chốn động phòng sau khi được làm phò mã, kết nghĩa phu thê với công chúa. Người ta yêu nhất đời là Văn Nghi công chúa. Ðương nhiên nàng họ Lý còn khuê danh nàng dĩ nhiên ta chẳng hay. Sau này lên đạo vợ chồng nhất định nàng sẽ cho ta rõ. Còn tướng mạo công chúa thật giống như thần tiên trên trời có một dưới đất không hai. Ha ha! Ngươi tưởng ta trả lời như vậy có trúng tuyển chăng?
Trong đám đông có đến quá nữa có cùng một ý nghĩ giống Tôn Tản và đều định trả lời như vậy. Họ nghe Tôn Tản nói ra rồi đều ngầm hối hận, tự nghĩ:
- Biết thế mình tiến lên trả lời trước đi có phải hay hơn không. Bây giờ mình cũng đáp như vậy chẳng hoá ra học mót ư?
Tiêu Phong nghe ả cung nữ hỏi những người trả lời với tấc dạ lo âu chẳng hiểu mình có trúng tuyển hay không?
Nhiều người hết sức nịnh hót để lấy lòng công chúa, có người tự cao tự đại, ra chuyện ta đây chẳng ai bằng. Ông nghe nhiều quá thấy nhàm tai, không có ý muốn ở lại chờ xem câu chuyện đi đến đâu và toan bỏ đi ngay.
Giữa lúc ông đang chán nản, bỗng nghe Mộ Dung Phục lên tiếng:
- Tại hạ là Cô Tô Mộ Dung Phục ở Yến Tử ổ, từng nghe phương danh công chúa đã lâu. Bữa nay đến xin bái yết!
Ả cung nữ nói:
- Té ra là Mộ Dung công tử ở Cô Tô chuyên về tuyệt kỹ gậy ông đập lưng ông. Tỳ nữ tuy ở trong thâm cung nhưng cũng được nghe tiếng lớn về công tử.
Mộ Dung Phục mừng thầm nghĩ bụng:
- Ả cung nữ còn biết tên tuổi ta thì dĩ nhiên công chúa phải biết nhiều hơn. Không chừng họ thường bàn bạc với nhau về ta rồi.
Y lại nói:
- Tại hạ không dám. Tiện danh sợ làm nhơ tai cô nương!
Ả cung nữ nói:
- Tệ quốc tuy ở chốn biên cương hẻo lánh, nhưng cũng từng được nghe thanh danh \"Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung\". Tỳ nữ được nghe Bắc Kiều Phong đại hiệp đã đổi họ Tiêu và hiện là một vị cao quan nước Ðại Liêu. Chẳng hiểu vụ đó có đúng không?
Mộ Dung Phục đáp:
- Ðúng thế!
Y đã nhìn thấy Tiêu Phong cùng đi vào Thanh Phụng Các rồi, nhưng không muốn nói toẹt ra.
Ả cung nữ lại hỏi:
- Công tử cùng Tiêu đại hiệp nổi danh ngang nhau, chắc là quen biết nhau? Chẳng hiểu nhân phẩm Tiêu đại hiệp thế nào? Võ công y so với công tử ai cao ai thấp? Câu hỏi này khiến cho Mộ Dung Phục bẽn lẽn vô cùng. Y đã cùng Tiêu Phong tỷ đấu ở chùa Thiếu Lâm và bị thất bại, quần hùng đều biết rõ. Nếu y phủ nhận, tất sẽ bị thiên hạ hào kiệt chê cười. Nhưng y cũng không muốn nói thẳng là mình thua Tiêu Phong.
Y liền đánh trống lảng:
- Lời cô nương hỏi đây phải chăng là một trong ba vấn đề của công chúa đưa ra?
Ả cung nữ vội đáp:
- Không phải đâu! Xin công tử miễn trách. Mấy năm nay tỳ nữ nghe người ta nói đến danh vọng của Tiêu đại hiệp nhiều lắm, nên trong lòng ngưỡng mộ, hỏi vậy mà thôi.
Mộ Dung Phục nói:
- Tiêu quan hiện giờ ở ngay bên cô nương. Nếu cô nương cao hứng thì cứ hỏi ngay y biết.
Mộ Dung Phục vừa thốt ra câu này, mọi người nhốn nháo cả lên.
Ta nên biết rằng oai danh Tiêu Phong đồn đại xa gần, nhân sĩ võ lâm nghe đến tên y chẳng ai là không chấn động.
Ả cung nữ trong lòng xúc động vô cùng giọng nàng run run nói:
- Té ra Tiêu đại hiệp cũng hạ cố đến tệ quốc thực tình chẳng ai biết gì thật là ngạo mạn. Tiêu đại hiệp là bậc đại nhân rộng lượng xin rộng lượng khoan thứ cho.
Tiêu Phong chỉ khịt mũi một tiếng, chứ không trả lời.
Mộ Dung Phục nghe giọng nói của ả cung nữ đối với Tiêu Phong có vẽ trọng hơn mình nhiều thì không khỏi ngấm ngầm kinh hãi nghĩ thầm:
- Thằng cha Tiêu Phong này cũng chưa lấy vợ, mà y lại ở ngôi cao làm đến chức Nam Viện đại vương nước Ðại Liêu, trong tay nắm giữ binh quyền, đâu có phải là một gã bạch đinh như mình. Nếu công chúa nước Tây Hạ tuyển y vào làm phò mã, thì biết làm thế nào đây?
Ả cung nữ nói:
- Ðể tỳ tử hỏi Mộ Dung công tử trước, còn Tiêu đại hiệp xin chờ cho một chút và xin miễn tội cho tỳ tử.
Rồi ả quay lại hỏi Mộ Dung Phục:
- Xin hỏi công tử: Ðối với công tử thì địa phương nào khoái lạc nhất?
Vấn đề này Mộ Dung Phục đã nghe ả hỏi rất nhiều người, thế mà lúc ả hỏi đến cũng cứng lưỡi không biết trả lời ra sao. Nguyên y suốt đời bận bịu lo lắng bôn tẩu về công cuộc phục quốc, chưa có một lúc nào khoái lạc cả. Người ngoài thấy y là một chàng thiếu niên anh tuấn, võ công cao cường lừng danh thiên hạ, khách giang hồ ai cũng kinh sợ. Trông bề ngoài tưởng y đã thoả mãn lắm rồi, mà thực ra trong lòng y chưa bao giờ cảm thấy một mối khoái lạc chân chính. Mộ Dung Phục ngẩn người một lúc, rồi nói:
- Tôi chỉ tìm thấy sự khoái lạc chân chính sau này, chứ không phải hiện tại, mà cũng không phải ở quá khứ.
Ả cung nữ cũng tưởng câu trả lời của y tương tự như Tôn Tản nghĩa là chờ khi nào được làm phò mã cùng công chúa thành thân bấy giờ mới là lúc khoái lạc chân chính. Sự thực cái khoái lạc mà Mộ Dung Phục nói đây là y hy vọng sau này sẽ lên ngôi Hoàng đế nước Ðại Yên lúc trung hưng phục quốc.
Ả cung nữ lại tủm tỉm cười hỏi:
- Bình sinh công tử yêu ai nhất? Tên người đó là gì?
Mộ Dung Phục thở dài đáp:
- Tại hạ không có ai là người yêu nhất đời.
Ả cung nữ nói:
- Vậy thì vấn đề thứ ba tỳ nữ không hỏi nữa.
Mộ Dung Phục nói:
- Tại hạ mong rằng sau khi được gặp công chúa sẽ trả lời cô nương về vấn đề này.
Ả cung nữ nói:
- Xin Mộ Dung công tử qua bên nghỉ ngơi. Tiêu đại hiệp! Ðại hiệp đã đến tệ quốc, tỳ tử tuân lệnh công chúa cũng xin đưa ba vấn đề đó ra dù biết là mạo phạm oai hùm.
Ả hỏi luôn mấy lần mà vẫn không có tiếng người đáp lại.
Hư Trúc liền lên tiếng:
- Ðại ca tại hạ bỏ đi rồi! Xin cô nương miễn trách!
Cung nữ cả kinh hỏi:
- Tiêu đại hiệp đi rồi ư?
Hư Trúc đáp:
- Ðúng thế!
Nguyên Tiêu Phong thấy Văn Nghi công chúa sai cung nữ đưa vấn đề ra hỏi mọi người, ông thấy những câu hỏi này tuy có thâm ý mà rõ ràng không muốn gia hại ai liền nghĩ bụng:
- Khi ba câu hỏi kia đưa ra hỏi mình thì mình biết trả lời thế nào? Ông chợt nhớ tới A Châu, lòng đau như cắt, nhưng không muốn tiết lộ tâm tình trước mặt mọi người, liền trở gót ra khỏi nhà thạch thất. Lúc này cửa nhà thạch thất đã mở sẵn, ông nhẹ bước ra đi, không một ai hay biết.
Ả cung nữ ra chiều lo lắng hỏi:
- Không hiểu Tiêu đại hiệp sao lại bỏ đi? Hay là đại hiệp trách bọn tỳ tử vô lễ chăng?
Hư Trúc đáp:
- Ðại ca tại hạ không phải là người khí độ hẹp hòi, chẳng khi nào vì những tiểu tiết mà trách ai. Hừ! Chắc y lại bị những còn sâu rượu nó đòi hỏi nên ra ngoài đánh chén với tân khách rồi.
Ả cung nữ nói:
- Phải rồi! Tỳ nữ đã được nghe Tiêu đại hiệp tửu lượng thiên hạ vô song, thế mà bọn tỳ tử không chuẩn bị sẵn rượu nơi đây để kính khách thật là có lỗi. Lúc tiên sinh gặp Tiêu đại hiệp xin chuyển lời của công chúa nương nương cáo lỗi cùng đại hiệp.
Ả cung nữ này nói năng hoạt bát và dễ nghe, so với ả cung nữ mời rượu bên ngoài chỉ hay thẹn thò, thì ả này thật lanh lợi hơn nhiều.
Hư Trúc nói:
- Khi nào gặp đại ca, tại hạ xin nhắc lại những lời cô nương.
Ả cung nữ hỏi lại:
- Tôn tính đại danh tiên sinh là gì?
Hư Trúc ấp úng đáp:
- Tại hạ ư? ... Tại hạ... đạo hiệu là Hư Trúc Tử.
Ả cung nữ lại hỏi:
- Bình sinh tiên sinh thích nơi nào nhất?
Hư Trúc buột miệng thở dài đáp:
- Ở trong hầm nước đá tối om.
Y vừa nói đến hầm nước đá bỗng có tiếng thanh âm thiếu nữ khẽ \"Ồ\" lên một tiếng. Tiếp theo là tiếng loạng choạng, rồi một cái chén rớt xuống đất vỡ tan.
Ả cung nữ lại hỏi:
- Bình sinh tiên sinh yêu người nào nhất và tên là gì?
Hư Trúc đáp:
- Tại hạ không hiểu tên vị cô nương đó là gì.
Mọi người nghe y đáp như vậy thì cười \"Ồ\" cả lên. Ai nấy đều cho y là một gã si cuồng. ở đời khi nào lại có người mình vẫn yêu mà không biết tên?
Ả cung nữ nói:
- Tiên sinh không biết tên họ vị cô nương đó cũng chẳng có chi là kỳ. Ngày xưa, hiếu tử Ðồng Vĩnh thấy tiên nữ hạ phàm, cũng chẳng biết người tiên tên họ là gì, gốc gác ra sao, mà hai người vẫn yêu nhau. Hư Trúc Tử tiên sinh! Chắc là dong mạo vũ cô nương đó xinh đẹp phi thường phải không?
Hư Trúc đáp:
- Dung mạo nàng thế nào tại hạ cũng không biết nốt.
Trong nhà thạch thất tiếng cười nổi dậy như sấm vang. Ai cũng lấy làm kỳ, một kỳ văn trong thiên hạ, có người lại cho là Hư Trúc cố ý bày trò cười.
Mọi người đang cười ầm lên, bỗng nghe thanh âm một thiếu nữ khẽ hỏi:
- Chàng có phải là \"Mộng lang\" chăng?
Hư Trúc giật mình kinh hãi, run lên hỏi:
- Nàng là \"Mộng cô\" đấy ư? Tại hạ tưởng chết về nàng.
Y giơ tay ra đưa về phía trước tiến lên mấy bước.
Bỗng ngửi thấy một mùi hương ngào ngạt. Rồi một bàn tay mềm mại nắm tay y. truyện copy từ tunghoanh.com
Một thanh âm quen tai nói thầm vào tai Hư Trúc:
- Mộng lang! Ta không tìm thấy chàng, nên phải bày ra cách xin phụ hoàng treo bảng văn để mong chàng trở lại.
Hư Trúc kinh hãi nói:
- Nàng là...
Thiếu nữ nói:
- Chúng ta vào trong kia nói chuyện. Mộng lang! Ta suốt ngày thâu đêm tưởng nhớ đến chàng cho tới bây giờ...
Nàng vừa nói rất khẽ vừa dắt tay Hư Trúc, lén lút xuyên qua bức màn đi vào nội đường.
Trong nhà thạch thất mọi người cười nói rất là huyên náo.
Ả cung nữ vẫn lần lượt đưa vấn đề ra hỏi mọi người.
Ả hỏi cho kỳ hết, rồi mới tuyên bố:
- Xin các vị hãy ra phòng ngoài uống trà. Những tranh vẽ cùng đại tự treo trên vách là đề tặng tống tân khách, xin các vị tự lựa chọn lấy. Công chúa nương nương muốn cùng vị nào tương kiến sẽ cho người ra mời.
Trong bóng tối nhiều tiếng người la lên:
- Chúng ta muốn gặp công chúa! Chúng ta muốn được yết kiến công chúa ngay!
- Ðem bọn ta hết chỗ này đến chỗ khác làm trò tiêu khiển chăng?
Ả cung nữ nói:
- Các vị hãy ra ngoài nghỉ ngơi một chút, đừng để công chúa nương nương khỏi phiền lòng.
Câu nói sau cùng của ả cung nữ quả nhiên công hiệu như thần.
Mọi người đến Linh Châu ai cũng mong được làm phò mã. Nếu mà chống cự ý chỉ của công chúa tất nhiên nàng chẳng chịu vời vào tương kiến. Ðã không được vào yết kiến, còn hòng làm phò mã thế nào được?
Ả cung nữ vừa nói vậy, mọi người lập tức yên tĩnh trở lại và lũ lượt kéo ra khỏi nhà thạch thất.
Bên ngoài thạch thất, ánh lửa lập loè, soi rõ đường đi.
Mọi người theo lối cũ trở ra sảnh đường uống trà.
Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến lại gặp nhau. Chàng kể lại cho nàng nghe ba câu hỏi của công chúa.
Vương Ngọc Yến nghe Ðoàn Dự thuật chuyện chàng trả lời, chỗ vui thú nhất trong đời chàng là nơi bùn lầy dưới đáy giếng khô, thì không khỏi phỡ cười. Nàng đỏ mặt lên, rồi khẽ rỉ vào tai chàng:
- Tiểu muội cũng đồng ý nghĩ với Dự ca.
Mọi người uống cạn một tuần trà, nội giám bưng ra những cuộc trục tranh vẽ hoặc chữ viết để mọi người lựa chọn. Nhưng bấy nhiêu người trong lòng hồi hộp, chỉ thấp thỏm về chuyện công chúa có vời mình vào tương kiến không? Còn lòng nào mà nghĩ tới tranh vẽ cùng bút thiếp.
Ðoàn Dự thì chỉ tìm lấy bức tranh Thiếu song thích tú đồ, chẳng một ai đến tranh cướp với chàng bức họa này.
Ðoàn Dự cùng Vương Ngọc Yến ngồi sóng vai thưởng ngoạn bức hoạ hồi lâu, rồi chợt nhớ đến trong mình Hư Trúc cũng có bức hoạ đồ tương tự. Chàng muốn bảo y lấy ra để so sánh, nhưng khi đảo mắt nhìn bốn phía trong nhà đại sảnh chẳng thấy bóng Hư Trúc đâu cả.
Chàng liền cất tiếng gọi:
- Nhị ca! Nhị ca!
Cũng không thấy tiếng người đáp lại.
Ðoàn Dự tự hỏi:
- Y cùng đại ca đi đâu rồi? Hay là đã gặp phải chuyện gì nguy hiểm?
Ðoàn Dự còn đang lo lắng, thì đột nhiên một tên cung nữ chạy đến bên chàng, nói:
- Hư Trúc tiên sinh có bức thư đưa lại cho Ðoàn công tử điện hạ!
Ả nói xong, hai tay nâng phong thơ bằng giấy vàng chói lọi đưa cho Ðoàn Dự.
Ðoàn Dự đón lấy thử mở coi, mũi ngửi thấy mùi hương thoang thoảng. Trên tờ hoa tiên viết: \"Mọi sự đến may mắn và rất là khoái lạc! Nhưng nghĩ lại đã để tam đệ phải một phen nhọc lòng vô ích, thật áy náy vô cùng. Chẳng những thế tiểu huynh thất tín với Ðoàn lão ba nữa, mà không làm thế nào được. Vậy tiểu huynh viết mấy dòng chữ này thông tri cho tam đệ.\" Dưới ký tên: Nhị ca .
Ðoàn Dự vốn biết vị tiểu hoà thượng nhị ca này vốn ít đọc sách nên lời lẽ không được hay. Tay chàng cầm lá thư ngẩn người ra suy nghĩ mà chẳng hiểu gì ráo trọi.
Tôn Tản Vương tử đứng đằng xa trông thấy ả cung nữ cầm mảnh hoa tiên đưa cho Ðoàn Dự, lửa ghen sôi lên sùng sục. Gã cho là công chúa mời Ðoàn Dự vào tương kiến, bụng bảo dạ:
- Gớm chưa! Quả nhiên thằng lỏi mặt trắng đã tranh tiên mất rồi. Khi nào mình chịu để gã được yên thân.
Gã liền lớn tiếng quát:
- Bọn ta không thể nào tha ngươi được!
Rồi gã sồng sộc nhảy xổ lại phía Ðoàn Dự.
Tôn Tản đến trước mặt Ðoàn Dự, đưa tay trái ra cướp lấy tờ hoa tiên, tay phải đánh một quyền thật nặng vào trước ngực chàng.
Ðoàn Dự đang mải ngẫm nghĩ không hiểu ý tứ Hư Trúc nói gì thì bị Tôn Tản phóng quyền đánh tới một cách bất ngờ, chàng không kịp né tránh.
Thiệt ra thoi quyền của Tôn Tản đánh tới mau như điện chớp dù chàng có né tránh cũng không kịp được.
\"Binh\"! Thoi quyền đập trúng ngực Ðoàn Dự. Nhưng nội lực trong người chàng đầy rẫy tự nhiên phản ứng lại.
Bỗng nghe đánh véo một tiếng vang lên, rồi tiếp theo là tiếng huỵch và tiếng la.
Tôn Tản Vương tử bị hất ra xa mấy bước, vật mình mạnh xuống kỷ trà, chén ấm rơi xuống vỡ tan tành.
Tôn Tản không nhũn được rú lên một tiếng: \"Úi chao\" .
Gã chưa kịp đứng lên đã nhìn thấy tờ hoa hiên lớn tiếng đọc:
- Mọi sự đều may mắn và rất là khoái lạc!...
Mọi người rõ ràng thấy y bị Ðoàn Dự hất mạnh ra, mà sao còn nói: \"Mọi sự đều may mắn và rất là khoái lạc\" thì kinh ngạc vô cùng, chẳng hiểu ra sao cả.