Từ bấy lâu, em đã ấn định ngày này. Chủ nhật, ngày 23 tháng Mười, bốn hôm sau ngày em được tự do. Gần như em chắc chắn về ngày liên quan đến chuyến đi ấy. Về phần mẹ em, em không ảo tưởng. Thực tế, em không có cơ may nào gặp mẹ vào ngày này, em biết vậy.
Tất cả các nghiên cứu mà em đã đọc đều dẫn đến cùng một kết luận: thời gian giam hãm càng kéo dài thì người bị giam hãm càng ít tận dụng những phòng tiếp khách tự do. Mới đầu, họ cảm thấy an ủi vì có người để nói chuyện. Sau đó, phần đông họ thấy chán; dần dần, họ tự trở lại với bản thân, thu mình lại, khép kín, như những con ốc sên thu mình trong chiếc vỏ dày. Họ buông xuôi. Mẹ em bị bắt giam đã được mười bốn năm, và chắc chắn mẹ đã vượt qua giai đoạn lặng lẽ đã từ lâu.
Điều đó không ngăn cản em ra đi. Em cần đến gần nhà tù của mẹ, cần nhìn nơi mẹ bị giam giữ, cần nhìn thật kỹ lần lượt từng cửa sổ một. Bất chợt thấy ở gần bên mẹ đến thế, bất chấp những song sắt, những bức tường, những chòi canh, đó đã là một chút của những cuộc gặp lại. Và thêm nữa, dẫu sao cũng có một cơ may, dù rất nhỏ, nhưng em phải đuổi
Em đi tàu điện ngầm đến bến cuối phía Nam. Trong cả chuyến đi, em ngồi thẳng trên ghế của mình, nhắm mắt, nín thở. Em chỉ hít thở khoảng hai mươi lần.
Ra khỏi tàu điện ngầm, em đã phải lách đường qua đám đông những người nhập cư đến theo chiều ngược lại - đám khách quen thuộc vào những giờ cao điểm. Điều này do đã biết trước, nên em không hoảng sợ.
Em đi bộ đến trạm biên giới. Em cảm thấy rất bình tĩnh. Em biết rõ thủ tục, nên không bị ngạc nhiên bất ngờ. Dù sao, em cũng không làm gì phạm pháp cả.
Tại điểm kiểm tra, em điền cẩn thận vào tờ khai mẫu. Ở câu hỏi: mục đích di chuyển, em đánh dấu vào ô du lịch, rồi em bước đến buồng do người máy canh giữ. Em đưa tờ khai vào máy scan, cùng với hộ chiếu. Người máy cười.
- Xin vui lòng ngẩng đầu, và không cử động nữa.
Người máy soi trong mắt em, scan con ngươi.
- Tất cả đều hợp lệ, cô K. Chúc một chuyến đi thú vị trong Vùng Tối.
Em lấy lại hộ chiếu, đi theo hành lang dẫn đến Ga phía Nam. Em không cần xem chỉ dẫn theo những tấm biển bật sáng: em đã thuộc lòng tất cả giờ các chuyến tàu chạy về quận 17, và em biết phải đi đâu: làn 64, khởi hành lúc 8 giờ 19 phút. Vẫn còn rất sớm, tuy nhiên, em vẫn nhanh
chân bước.
Toa tàu vắng tanh. Ngoài em ra, nhiều lắm chỉ có khoảng chục người - đây là điều thoải mái khi di chuyển ngược con lắc đồng hồ. Em nhớ có một phụ nữ đứng tuổi, cùng một bé gái nhỏ. Những người khác, em không để ý. Em ngỡ rằng mình đã cần cảm thấy cô đơn trên thế giới.
Trong cả chuyến đi, em ngồi dựa trán vào ô kính, nhìn phong cảnh trôi qua: đầu tiên là những khu phố mới - người ta không thấy khác biệt với ở bên trong bức tường - rồi những khu phố cũ hơn, rồi những đổ nát cùng với những khu dân nghèo, và tất cả những con người ấy đang đào bới gạch vụn phía dưới những tòa nhà hiếm hoi còn trụ lại. Ở giữa thế giới nghèo khổ phơi bày ra ấy, thỉnh thoảng lại mọc lên một thành phố mới được canh giữ, sáng loáng những tấm kính và kim loại đến mức như thể nó không phải là thật vậy. Rồi tất cả bắt đầu lại, những khu phố nghèo khổ, gạch nát, đến vô tận. Em không ngừng tự nhủ, chính từ đây mà em đến, chính từ đây mà em đến, em hoảng hốt vì vẻ xấu xí và cảnh hoang tàn này. Tuy nhiên, em vẫn đã đợi chờ để đến đây. Em đã xem nhiều tấm ảnh, tất nhiên, từ những bài phóng sự, nhưng, người ta đã làm cho chúng trở nên đẹp hơn, khi tận mắt nhìn thấy, thì mọi thứ không được như thế.
Ngang qua quận 10, những đứa trẻ chơi đùa leo trèo trên những chiếc nhẫn khổng lồ bằng bê tông nhiều màu sắc, giữa những bãi đất hoang ven đường. Em lại nghĩ đến công viên nhỏ nơi em chơi ngày bé, nghĩ đến những người phụ nữ ngồi trên những chiếc ghế dài, với khuôn mặt hao mòn, với nụ cười méo mó. Thật kỳ lạ, khung cảnh này không gợi lên trong em sự sợ hãi hay chán ngán; đúng hơn nó gợi trong em một nỗi buồn man mác, như là hoài niệm - Chính là từ đây mà em đến - cảm giác thoảng qua khi trở về quê hương.
Chauvigny là một thành phố mới được xây dựng toàn bộ xung quanh nhà tù của nó. Ngoài đường sắt, không một con đường nào dẫn đến đây, điều đó cho phép một sự kiểm soát chặt chẽ việc đi lại, và hạn chế nguy cơ tụ tập những cuộc gặp gỡ mờ ám. Em thấy yên tâm. Tàu đến ga lúc 9 giờ 36 phút, như dự kiến. Em xuống bến ngay khi cửa mở. Người phụ nữ và cô bé cũng xuống. Thời tiết nóng một cách ngạc nhiên đối với tiết trời tháng Mười. Nếu không phải thì đó là do em xúc động. Em cởi áo khoác, và em bắt đầu chặng đường.
Em không gặp bất cứ khó khăn nào để nhìn thấy nhà tù - nó cao và rộng đến mức người ta có thể nhìn thấy nó từ mọi nơi trong thành phố. Ngoài những người đi bộ hướng vào khu Trung tâm như em, không còn ai trên đường phố - như thể những người dân đã rời khỏi thành phố, hoặc lúc này,
họ ở rịt trong nhà. Em vẫn luôn thích thế - càng ít người thì càng vui.
Một sợi dây an ninh phân luồng dòng hành khách, trong đó có em. Phải chờ đợi thật lâu. Việc này không làm em khó chịu. Em đã chờ đợi từ nhiều năm nay; em không khó chịu khi chỉ chờ đợi vài giờ.
Hơn 12 giờ, cuối cùng lượt của em cũng đến. Em không run khi trình diện trước người máy tự động. Em biết việc em phải làm.
- Xin vui lòng trình giấy tờ của cô.
Em giơ giấy tờ ngang tầm mắt của người máy.
- Tốt rồi, cô K ạ, tất cả đều hợp lệ. Bây giờ xin cô cho biết mục đích chuyến thăm của cô.
- Tôi muốn đến buồng tiếp khách tự do.
- Buồng ngẫu nhiên hay buồng cá nhân cụ thể?
- Buồng cá nhân cụ thể.
- Xin vui lòng cho biết danh tính người được yêu cầu.
- Moïra Steiner.
- Xin vui lòng đọc từng từ một.
- S-T-E-I-N-E-R.
Máy tính bất động một hồi lâu, thời gian lục tìm trong bộ nhớ trong của nó.
- Moïra Steiner không còn bị giam nữa. Việc giam giữ bà ấy kết thúc ngày 22 tháng Ba năm 2102, - người máy đọc bằng giọng đơn điệu hoàn toàn khớp với giọng cười giả tạo của nó.
- Anh... Anh muốn nói bà ấy đã không phải thực hiện hết thời gian án phạt của bà ấy?
- Chính xác, thưa cô.
Trong một hồi lâu, em không biết nói gì. Rồi cuối cùng, không còn cách nào khác, em chỉ ấp úng:
- Có... có cách nào để biết nơi nào tôi có thể tìm thấy bà ấy không?
- Hoàn toàn có. Nếu cô muốn, chúng tôi sẽ đưa cô tới chỗ bà ấy.
- Tôi... tôi không hiểu. Anh muốn nói bà ấy vẫn còn ở bên trong nhà tù ư?
Người máy sững lại một hồi, rồi lặp lại:
- Nếu cô muốn, chúng tôi sẽ đưa cô tới chỗ bà ấy.
Em đã hiểu rằng câu hỏi vượt quá ngưỡng khả năng của người máy, và em không moi được thêm thông tin gì từ nó nữa. Em nói, cảm ơn, chúc anh một ngày tốt lành, rồi em bước qua cổng soi an ninh.
Một người máy khác đã đợi sẵn em trong sân, một mẫu người máy rất cổ, da như da giấy. Hai bàn tay và khuôn mặt mang những dấu vết sửa chữa tạm bợ - sửa tạm bằng những miếng vá kim loại và mẩu da nhân tạo không được ngon lành lắm. Một đồ bỏ đi thực sự khi đến cuối lộ trình - em không nói thế để biện hộ cho chuyện xảy ra tiếp sau, nhưng đó là một thực tế.
- Để thăm bà Moïra Steiner, xin mời đi theo tôi.
Em đi theo người máy, không hiểu lắm nó quay lại bằng cách nào. Người máy bước đi khập khiễng. Việc này khiến cho mỗi bước nó đi lại tạo ra một tiếng cọt kẹt nho nhỏ ở phần hông.
Đi được khoảng hai mươi mét từ tòa nhà chính, người máy rẽ sang phải, bước trên một lối đi dài dải sỏi. Ở cuối lối đi, có một khoảng quây, được đóng bằng một cánh cửa. Đột nhiên em cảm thấy khó chịu.
- Anh có thể giải thích anh dẫn tôi đi đâu không?
- Xin mời đi theo tôi, - người máy nhắc lại, chính xác cùng tông giọng lúc trước.
- Anh có chắc chắn là đi đúng hướng không?
- Xin mời đi theo tôi.
Em tự hiểu không nên đặt thêm câu hỏi nữa.
Khi người máy và em đến trước khoảng quây, cánh cửa mở ra, từ từ, và em nhìn thấy: những lối đi hai bên trồng những cây thông đỏ, khổng lồ và song song nhau, với những khối xi măng hình chữ nhật, thẳng hàng và khá sít nhau, sầu thảm, dài tít tắp.
- Chắc có sự nhầm lẫn nào đó.
Không nghe thấy lời nhận xét của em, người máy quay lại phía em, cười. Hành động này làm nó hiện ra những nếp nhăn đáng sợ ở khóe môi.
- Moïra Steiner, lối đi 12, số 6820, giữa mốc 57 và 58. Trong trường hợp có vấn đề, đừng ngần ngại nói qua
cửa con.
- Tôi nói với anh, chắc có sự nhầm lẫn nào đó!
Người máy vẫn luôn cười.
- Trong trường hợp có vấn đề, đừng ngần ngại nói qua cửa con.
Rồi người máy cọt kẹt xoay lại. Em túm cánh tay giữ
nó lại.
- Đồ máy móc rác rưởi! Tôi muốn gặp mẹ tôi!
Toàn bộ cơ thể nó bắt đầu rung lên. Em lắc người nó và rú lên:
- Đồ máy móc rác rưởi, hãy nói mẹ tôi ở đâu?
- L...l... ối đi 12 - người máy nấc lên, - s...ố...
Đột nhiên, người máy sững lại. Em nghe thấy một tiếng cạch bên trong nó, rồi thấy nó lùi lại sau, đổ vật trên nền sỏi, mắt nhắm nghiền, môi hé mở. Một cái rung chạy qua trên da nó, một dạng rùng mình. Nó bắt đầu khò khè, chỉ vài giây. Và nó tắt lịm trong một hơi thở.
Phần sau, em gần như không biết gì nữa. Em chỉ nhớ đã mở to mắt trên những lối đi thênh thang ấy, trên những cây thông đỏ cao to ấy, hàng trăm ngôi mộ thẳng hàng, và tất cả vẻ như phi lý. Như thể thế giới đột nhiên dừng lại, bị lấy hết đi các vật chất của nó ở ngưỡng cửa nghĩa địa này. Ở đó, không còn vật chất, không còn màu sắc, không còn cảm giác. Chỉ có bóng tối lẫn với bầu im lặng, những làn đường ngoằn ngoèo giữa những cây thông đỏ, và bầu trời đổ sụp trên những ngôi mộ. Toàn thân em chỉ còn là nỗi đau đớn.
Em không nhớ đã mở lọ thuốc an thần, không nhớ đã nuốt những viên thuốc. Nhưng chắc là em đã làm thế, vì một giờ sau, người ta tìm thấy em bất tỉnh bên cạnh xác
người máy.
Khi tỉnh lại, em thấy mình đang nằm trên một cái giường, bị giữ bằng nhiều dây đai. Em nghe tiếng lách cách nhỏ của máy móc, rất gần bên em. Em định mở mi mắt, nhưng không thể được. Một giọng nói với em:
- Đừng cử động. Đừng cố nói. Cô đang ở trong bệnh viện. Chúng tôi chăm sóc cô.
Khi em tỉnh lại một lần nữa, cuối cùng em cũng mở được mắt. Thầy Fernand đang ở đầu giường. Thầy có vẻ lo lắng sau những ngày căng thẳng.
- Em cảm thấy thế nào?
- Khỏe ạ.
Đúng là thế. Em không còn cảm thấy gì nữa, chắc là do những loại thuốc người ta tiêm cho em. Thầy Fernand đặt tay lên ga trải giường, không quá xa bàn tay em. Em bị cố định lại, tù nhân của những chiếc đai.
- Em sẽ còn cảm thấy bồng bềnh trong vài ngày nữa.
- Mẹ em...
Em thấy mặt thầy co lại.
- Đừng nói gì nữa, Lila.
- Mẹ em mất rồi!
- Tôi biết. Bây giờ đừng nói gì nữa nhé. Em phải nghỉ ngơi đi.
Dù sao, em cũng quá mệt nên cũng không trái lời thầy được. Em nhắm mắt lại và thiếp đi, một lần nữa.
Họ đã duy trì em trong trạng thái mê man trọn một tuần; không còn đau đớn gì nữa. Ngày nào thầy Fernand cũng đến thăm em. Thầy ngồi bên cạnh giường, bàn tay đặt gần bàn tay em. Có lúc, em cố gắng nói, nhưng như thể là mồm em bị dán băng dính còn lưỡi em bị dính vào vòm miệng vậy. Thầy Fernand thì thầm: Đừng nói gì cả. Em không phải lo đâu. Mọi chuyện đã có tôi.
Thật vậy, mọi thứ thầy đều chăm lo hết: báo tin cho Thư viện, tưới đám cây dương xỉ, dọn tủ lạnh và trả tiền các hóa đơn của em. Duy chỉ có điều, khi muốn đem con mèo về nuôi, thì thầy không thấy nó nữa. Con Pacha đã bỏ đi qua cửa sổ vẫn mở. Nó không trở về. Điều này không làm thầy Fernand lo lắng: Tất nhiên chúng ta sẽ tìm thấy nó, nhờ có chíp định vị. Chỉ phải chờ đợi cho hết thời hạn quy định trước khi bắt đầu các cuộc tìm kiếm. Với cả đây không phải là vấn đề cấp bách.
Nỗi đau quay trở lại khi người ta bắt đầu giảm liều thuốc dịu đau. Em đã yêu cầu được chìm trong cơn mê trở lại, nhưng họ từ chối: họ không thể kéo dài hơn nữa những liều thuốc mạnh; việc này sẽ trở nên nguy hiểm, có vẻ thế. Em phản đối. Đám người mê muội. Em sợ cóc gì nguy hiểm. Tất cả những gì em muốn, là không phải đau đớn nữa.
Em giãy giụa. Em gọi mẹ, kêu gào phản đối, vã mồ hôi, nôn mửa, và tè ra ga giường. Không tác dụng gì cả. Người ta lau dọn hết, rồi họ lại siết các dây đai và đóng cửa, để tránh cho cả tầng nhà nghe thấy tiếng em.
Em cầu xin thầy Fernand can thiệp, để buộc họ cho em dùng thuốc lại. Em cứ nghĩ thầy sẽ chấp nhận giúp, nhưng thầy đã nói đi nói lại cùng những lý do từ chối. Quá nguy hiểm, đại loại thế. Thế là rõ rồi, thầy ở cùng phe với bọn họ.
- Ít nhất thầy hãy yêu cầu họ tháo bỏ các dây đai cho em!
- Tôi không thể làm gì cả, Lila ạ.
Em gào lên:
- Nhưng tại sao họ lại trói em?
- Để bảo vệ em.
- Khỏi cái gì?
- Khỏi chính bản thân em. Em đã có ý định tự tử.
- Điều đó là không đúng!
- Uống trọn một hộp thuốc an thần, điều đó cũng không khác gì.
- Thầy đã không hiểu! Em không muốn chết, em chỉ muốn dừng lại.
- Dừng lại gì?
- Dừng lại đau đớn.
- Nghe này, Lila, chuyện này là không thể thỏa hiệp: đối với lúc này, người ta phải giữ em ở đây, tại bệnh viện. Bệnh viện tâm thần.
- Thầy Fernand, em xin thầy, hãy tìm cách để em ra
khỏi đây!
Thầy trả lời với giọng buồn bã:
- Không có chuyện đó được đâu.
Em đã trải qua những ngày khó khăn. Phần lớn thời gian, em ở lại một mình với nỗi đau đớn không chấp nhận nổi ấy, ký ức về khu nghĩa trang và những ngôi mộ thẳng hàng, và hình ảnh của mẹ em, hoàng hậu của em đã băng hà, thiên thần của em đã gãy cánh. Cả cuộc đời em vừa vỡ tan.
Trước đây, em tưởng tượng mẹ còn sống, vẫn hít thở ở một nơi nào đó, thì thế giới có một ý nghĩa, sự tồn tại của em có một mục đích. Giờ đây, không còn lại gì nữa, chỉ còn thinh không; em đã mất mọi lý do để sống. Tuy nhiên, thật lạ, em không muốn cuộc sống dừng lại. Có điều gì đó còn cưỡng lại, em không biết là gì.
Nằm bị giữ chặt trên giường, suy nghĩ thật nhiều, giờ này sang giờ khác, ngày này sang ngày khác, cuối cùng em cũng tìm ra: em không muốn chết mà không hiểu chuyện gì đã xảy đến với mình. Em phải tìm hiểu điều vô lý ấy. Em cần biết vì sao mẹ đã làm vậy với em, dù tình yêu của mẹ dành cho em là vô vàn. Đó là điều em hy vọng khi đến Chauvigny: một sự khởi đầu cho câu trả lời, một sự bắt đầu cho lời giải thích.
Bây giờ khi mẹ đã mất, mọi thứ trở nên khó khăn hơn, em chưa rõ sẽ phải làm thế nào, nhưng dù sao, vẫn cần phải cố gắng, tìm kiếm những bằng chứng, những tài liệu, vẫn cần phải đấu tranh thêm nữa. Khi em có được câu trả lời, thì vẫn luôn còn thời gian để quyết định liệu em tiếp tục tự cho mình hình phạt phải sống nữa hay không.
Bắt đầu từ đấy, em cảm thấy rất bình yên. Em đã làm mọi thứ em có thể để bóp nhẹt nỗi đau tang thương của mình. Em để nó sang một bên; em giữ lại nó cho sau này. Trước mắt, điều quan trọng là thuyết phục họ rằng em không bị điên, cũng không có ý định tự tử, và biết việc này sẽ không đơn giản.
Một buổi sáng, Fernand đến báo trước em sắp phải đón tiếp hai viên thanh tra đến hỏi thăm. Bây giờ em đã hồi phục một chút, các bác sĩ đã cho phép họ.
- Thanh tra ư? Vì sao?
Fernand vừa húng hắng ho vừa kéo ghế gần lại.
- Chuyến đi của em trong Vùng Tối... Chuyến đến thăm nhà tù ở Chauvigny của em... Bộ tìm hiểu làm sao em biết được tên mẹ em.
- ...
- Tên mẹ em đã bị xóa khỏi toàn bộ các tài liệu được đưa đến cho chúng ta. Vì thế hẳn em có được cái tên ấy bằng những con đường không hợp pháp. Một cuộc điều tra đã được mở ra.
- Và em hình dung là thầy cũng cho là thế, em nghĩ vậy.
- Làm sao em có thể nói vậy chứ?
- Vì dù sao, thầy không có vẻ gì là phản đối khi người ta đến thẩm vấn em ngay trên giường bệnh viện.
- Nếu tôi có thể giúp đỡ em, tôi sẽ làm, hãy tin tôi! Nhưng đây là yêu cầu của Bộ.
- Không có gì đâu, - thầy Fernand ạ, em hiểu.
- Em sẽ làm gì, hả Lila? Em sẽ nói gì?
- Ừ thì... sự thật. Em tin là em không có lựa chọn.
- Em sẽ bị trừng phạt, - thầy đáp lại, giọng lạc đi.
- Em biết, nhưng biết làm sao, đây là yêu cầu của Bộ, chúng ta không thể làm gì cả!
Em làm ra vẻ cay độc, ra vẻ em đang ở trong tình cảnh nguy khốn. Tất nhiên em không có chút mảy may ý định kể sự thật. Vậy thì cần phải có một cách giải thích khác có thể nghe được. Các thanh tra chắc phải ngày mai mới đến, lại vào cuối buổi sáng nữa. Em còn chưa đến một ngày để tìm ra cách thoát khỏi rắc rối.
Người ta có lý khi nói đêm tối mang đến lời khuyên. Em tin mọi thứ có ở sức mạnh của giấc mơ và của bóng tối: bị bao bọc trong bóng tối, não người trở nên sắc sảo hơn, hoặc có thể có đủ khả năng nắm bắt những lời thì thầm của thần linh đến mang theo những gợi ý. Tất nhiên em không chắc về các thần linh, nhưng ý nghĩ ấy làm em hài lòng. Em thích nghĩ rằng đêm ấy, nằm trên giường, bị giữ bằng các dây đai, em đón tiếp chuyến thăm của người thân đã mất. Khi em nghe được lời thì thầm với em câu trả lời, em đã hỏi:
- Bác chắc chắn chứ? Bác không thấy phiền chứ?
- Nghĩ gì vậy, cô bé! Ngược lại, bác thấy vui.
Hai điều tra viên có mặt lúc 11 giờ. Hai gã trong bộ đồng phục - áo rơ-đanh-gốt với những chiếc cúc vàng, quần cộc váy màu ăng-tra-xít, thắt lưng da rộng bản - cầm thấp chiếc mũ của họ: Thưa cô chúng tôi sẽ cố gắng không quấy rầy cô quá lâu, chúng tôi có vài câu hỏi nhỏ muốn đặt ra cho cô, mọi việc sẽ được giải quyết nhanh nếu cô hợp tác. Em nói, Vâng, thưa các ông tôi hiểu, vẻ phục tùng và buồn rầu, và em nhìn thấy một tia sáng lên trong đôi mắt họ.
Họ ngồi gần giường, grammabook đặt trên đầu gối để ghi lại lời khai của em. Em không mất bình tĩnh, em đã chuẩn bị tất cả: em biết từng từ em sắp nói với họ.
Vẻ mặt xúc động - cần phải để họ hiểu em đã khổ tâm như thế nào khi nói với họ những lời thú nhận này-, em nói:
- Thưa các ông, từ rất lâu rồi tôi đã biết về mẹ tôi. Rất lâu, từ trước khi rời khỏi Trung tâm.
Họ nhìn nhau, rất nhanh, vẻ ngạc nhiên, và em nhìn thấy nhúm râu nhọn rung rinh trên cằm họ.
- Thưa các ông, hồi còn bé, tôi đã không hỏi gì cả. Ông ấy đã nói với tôi, mẹ cháu tên là Moïra Steiner, tôi có thể làm gì được? Rồi ông ấy nói thêm: Mẹ cháu đang ở trong tù, ở Chauvigny, quận 17. Ông ấy đã làm như vậy để tốt cho tôi, các ông biết đấy. Ông ấy nghĩ đây là điều quan trọng tôi cần phải biết. Sau đó, ông ấy bắt tôi thề không được nói lại chuyện này với ai, bởi vì ông ấy không được phép tiết lộ với tôi tất cả chuyện ấy, và ông ấy sẽ gặp rắc rối lớn nếu mọi chuyện bị lộ. Tôi đã giữ im lặng, bởi vì tôi đã thề, và bởi vì tôi không muốn gây ra những phiền phức cho ông ấy, các ông hiểu không?
Họ nhìn em, sững sờ.
- Nhưng... nhưng, thưa cô, cô đang nói về ai vậy?
- Về ông Kauffmann, người đỡ đầu cho tôi. Chính ông ấy đã tiết lộ cho tôi tất cả.
Đó là món sa-lát nhỏ tươi ngon em làm cho hai gã khờ ấy. Càng nói, em càng thấy sự phẫn nộ làm biến dạng bộ mặt của họ, trong khi bàn tay giơ xương của họ chạy trên bàn phím grammabook.
Không một khoảnh khắc nào họ tỏ ra nghi ngờ điều em kể với họ. Ông Kauffmann vốn đã là một cục nợ lớn. Em tưởng tượng trong mắt họ, điều này là sự thật trừ khi có một tố cáo mới. Cuối cùng, một người trong họ đã hỏi em:
- Cô có ý kiến gì về cách mà ông ấy đã có được những thông tin đó không, thưa cô?
- Lúc đó tôi nhỏ quá, các ông biết đấy. Tôi đã không tìm hiểu để biết.
- Không có gì nghiêm trọng cả. Cô đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều.
Em gật đầu, như để nói cảm ơn. Họ ban cho em một nụ cười đẹp rầu rĩ, rồi rút lui bằng đầu mũi chân, sau vài bước lùi khúm núm. Em nhắm mắt lại, kiệt sức. Từ đầu môi, em thì thầm: Cảm ơn. Và, ở bên tai, em nghe thấy một tiếng cười vui vẻ.
Khi biết chuyện em đã kể cho các viên thanh tra, thầy Fernand không có một lời bình luận nào. Em không biết liệu thầy có tin chuyện đó hay không. Cũng không quan trọng. Khi họ đến hỏi thầy, thầy đã trả lời tất cả đều có thể: trong một thời gian rất dài, ông Kauffmann nhận được những hậu thuẫn từ Bộ, chưa kể đến những mạng lưới ít nhiều phi pháp mà ông ấy có mối liên hệ. Có bao nhiêu cách thức để ông ấy có được thông tin bí mật, nếu ông ấy muốn vậy. Tóm lại, nếu có những nghi ngờ, thì thầy Fernand cũng không nói gì, và thầy đã lựa chọn khẳng định cách em giải thích sự việc.
Thầy tiếp tục đến thăm em hàng ngày, trong cả thời gian các buổi chiều. Thầy mang cho em nhiều loại quả: Chúng tốt cho sức khỏe, nhiều vitamin lắm. Em luôn ghét các loại quả - cà chua hay lê đắng, cũng đều như nhau cả. Nhưng đây không phải lúc để tạo ra những tranh cãi; vì thế, em trả lời: Cảm ơn, thầy Fernand, thầy để đấy rồi em sẽ ăn sau. Rồi buổi tối, em tuồn chúng cho các y tá.
Con Pacha cuối cùng đã định cư ở bên ngoài bức tường. Thật không thể tin nổi nó đã có thể thực hiện một quãng đường như thế, và vượt qua ranh giới mà không bị phát hiện.
- Nó liên tục di chuyển từ quận này sang quận khác, - thầy Fernand giải thích với em. - Nó đi lang thang. Người ta có thể theo dấu nó, nhưng có nguy cơ không thể tóm được nó đúng thời điểm phù hợp. Đó là Vùng Tối, em hiểu thế nào rồi đấy.
- Vùng Tối ư, thật khủng khiếp! Con mèo của em đã sai đường rồi.
Thầy gật đầu, và qua vẻ ăn năn của thầy, em đã thấy thầy không nhận ra em đang mỉa mai.
Em tiếp tục áp dụng chiến thuật của mình: em tỏ ra không thể chê trách, bình tĩnh và đáng yêu với những người chăm sóc, tuyệt đối ngoan ngoãn. Em có kinh nghiệm trong một hệ thống như thế này, mọi đấu tranh trực diện, mình sẽ nắm phần thua trước. Tốt hơn nên biết dùng mưu.
Những cố gắng của em đã được đền đáp: cuối cùng người ta đã nới lỏng các dây đai. Rồi, khi thấy em không có một dấu hiệu manh động nào, họ đã tháo hẳn chúng ra. Điều này lại cho em hy vọng.
- Thầy thấy đấy, thầy Fernand, ở đây tất cả mọi người đều hài lòng về em. Thầy nghĩ khi nào em có thể ra viện? - Em hỏi thầy như vậy mỗi ngày.
Thầy không trả lời. Em vẫn chưa thoát ra khỏi rắc rối.
Vậy là em nằm trong viện đã gần được ba tuần, và em bắt đầu thấy chán ngấy. Ngoài thầy Fernand, không ai đến thăm em - em cũng không chờ đợi ai, thật lòng mà nói. Trừ anh. Em đã biết anh phải trở lại làm nhiệm vụ trong Vùng Tối, và em ngạc nhiên vì không nhận được tin tức.
- Em có thể dùng grammabook của em được không?
- Không thể được, Lila ạ: nó bị thu để giám định.
- Sao lại thế ạ?
- Người ta kiểm tra thư từ qua lại của em, những gì em đọc, và cả những gì em tìm kiếm.
- Tóm lại, người ta lục lọi mọi thứ.
- Đó là thủ tục.
- Thật ghê tởm.
- Người ta chỉ tìm hiểu điều gì đã tác động để em phạm phải hành động điên rồ đến vậy.
Em không trả lời nữa. Em tự khen ngợi mình đã cẩn thận khi đến Thư viện để thực hiện những tìm kiếm về mẹ. Nếu muốn, những người thanh tra hoàn toàn có thể lục tìm trong bộ nhớ grammabook của em, họ sẽ không thấy gì cả. Không khổng khồng không, không có gì là chẳng có gì - thế là luôn chiến thắng.
Vài ngày sau em lại tiếp tục nài xin:
- Thầy Fernand, thầy biết mọi chuyện đến đâu rồi, grammabook của em đâu?
Em thấy thầy cau lại.
- Em vẫn còn mệt lắm, Lila ạ...
- Thầy không trả lời câu hỏi của em, thầy Fernand: người ta đã xong việc với grammabook của em chưa?
- Tôi không tin các bác sĩ đồng ý để...
- Chuyện tầm phào! Các bác sĩ không liên quan ở đây: em tràn đầy năng lượng, và em sắp nổ tung vì chán ngán. Thầy muốn em nói với thầy thế ư, thầy Fernand? Vấn đề không đến từ các bác sĩ, mà đến từ chính thầy: chính thầy tìm mọi cớ có thể để tịch thu grammabook của em!
Mặt thầy đỏ lựng. Thầy Fernand quý báu, đây là một phần trong mặt tốt của thầy, gần như hoàn toàn không có khả năng làm khác đi những suy nghĩ ở sâu trong lòng. Mặc dù vậy, thầy vẫn cự nự trong khoảng hơn một tuần nữa. Em nghĩ, thầy cảm thấy yên tâm khi giữ em bị ngăn cách hoàn toàn với thế giới, phụ thuộc vào thầy. Vào lòng thương xót của thầy.
Cuối cùng, em dần xói mòn ý chí của thầy: em tra tấn thầy và dồn thầy vào thế đuối lý, thầy đã quyết định trả lại em grammabook. Tin nhắn đầu tiên là dành cho anh:
Milo thân mến, tôi khỏe. Như có thể anh đã biết, tôi được đưa đến Trung tâm tâm thần của quận 14. Tôi hy vọng sớm được ra khỏi đây, và tôi nóng lòng trở về Thư viện tiếp tục làm việc.
Thân ái,
Lila K
Em không dám ngỏ ý anh đến thăm em, nhưng trái tim em muốn vậy. Buổi tối hôm ấy, em nhận được tin trả lời
của anh:
Lila thân mến,
Cảm ơn vì tin nhắn của cô. Sau điều mà cô nhờ nói lại với tôi hôm ấy, tôi thú nhận với cô tôi không ngờ đến chuyện này. Tôi vui mừng khi biết tin cô đã bình phục.
Chúc cô khỏe,
Milo
Milo thân mến,
Tin nhắn của anh làm tôi bối rối. Anh muốn nói gì khi nói " sau điều mà cô nhờ nói lại với tôi hôm ấy"? Không bao giờ tôi nhờ cậy ai nhắn lời cho anh. Xin anh hãy nói rõ hơn cho tôi biết.
Lila thân mến,
Mười ngày trước, tôi đã đến bệnh viện để thăm cô. Nhưng cô đã cho nhắn lại rằng cô không muốn gặp tôi nữa. Nếu đúng là như vậy, dĩ nhiên tôi sẽ tôn trọng mong muốn của cô. Nhưng sau tin nhắn vừa rồi của cô, tôi hiểu đã có một sự nhầm lẫn.
Milo thân mến,
Nhầm lẫn. Tôi không biết từ này liệu có thích hợp để nói rằng ai đó đã tự cho phép mình nói thay vị thế của tôi, mà không báo trước, cũng không hỏi ý kiến tôi. Nhưng nếu từ này thích hợp, vậy thì đúng, đã có một sự nhầm lẫn. Hãy đến thăm tôi khi nào anh muốn.
Lila thân mến,
Ngày mai tôi sẽ qua, trong buổi chiều.
Em đã không nói gì với thầy Fernand. Có lẽ đáng ra em nên nói. Đáng ra thầy nên được chuẩn bị trước.
Khi anh vào trong phòng, thầy đứng phắt dậy - bất ngờ, hẳn là thế, và thù địch, chắc chắn là thế. Nhưng điều đó không có vẻ làm anh bị tác động. Anh chào thầy bằng cái gật đầu, rồi anh tiến lại gần giường.
- Cô thế nào rồi?
- Cũng không quá tệ ạ.
- Trông mặt cô tươi tỉnh lắm.
- Đó là bởi vì tôi mừng vì anh đến đấy!
Thật sự em nghĩ vậy, nhưng đó cũng là để niềm khoái chí xỏ xiên thầy Fernand.
- Các bác sĩ nói sao? Họ còn định giữ cô lại đây lâu nữa không?
- Tôi không biết. Người ta không muốn nói gì với tôi. Ồ, Milo, anh không thể biết tôi chán ngán đến mức nào, và tôi nóng lòng trở lại làm việc như thế nào đâu!
- Tôi chờ cô, Lila ạ. Tất cả mọi người chờ cô.
Lúc này thầy Fernand mới phá vỡ sự im lặng bực bội mà thầy nín nhịn trong đó.
- Chúng ta còn chưa biết liệu Lila sẽ quay trở lại làm việc ở Thư viện nữa hay không, - thầy lạnh lùng nói.
Em ném sang thầy cái nhìn sửng sốt. Thầy nhìn xoáy vào mặt anh với ánh mắt thù địch.
- Vấn đề là giữ Lila ở đây trong thời gian dài. Ý định tự tử của cô ấy...
- Thầy Fernand, em không bao giờ muốn tự tử. Em đã giải thích điều đó với thầy mà!
- Dù thế nào đi nữa, em cần trợ giúp, đó là điều hiển nhiên! - Thầy phản ứng lại với vẻ gây sự.
Chưa khi nào em thấy thầy trong trạng thái như thế. Như thể sự có mặt của anh làm thầy trở thành con người độc ác vậy.
- Điều đó là không thể, thầy Fernand! Em muốn ra khỏi đây và tiếp tục cuộc sống của mình. Em khỏe rồi.
- Không, em không khỏe. Và cho đến khi có lệnh mới, thì em vẫn sẽ ở đây!
Cho đến lúc này, em đã cố gắng làm vẻ mặt bình thường, nhưng giờ đây em không thể nữa, và tất cả biến mất, như
thể một dòng thác đổ phía sau đôi kính đen của em vậy. Lila mít ướt.
- Tại sao em lại làm mọi chuyện phức tạp lên thế? - Thầy Fernand than thở. - Tại sao em không muốn tin tưởng những người lo lắng thực sự cho em chứ?
- Chúng ta không thể xem xét một giải pháp phải chăng ư? - Anh đã hỏi. Hãy để Lila tiếp tục làm việc tại Thư viện, đồng thời vẫn hỗ trợ điều trị cho cô ấy, nếu các bác sĩ cho rằng điều đó là cần thiết?
Thầy Fernand ném về anh cái nhìn lạnh buốt.
- Trong trường hợp này, tôi không cho rằng anh là người có thể đưa ra lời khuyên.
- Thầy Fernand, thầy làm sao vậy? - Tôi kêu lên,
hoảng hốt.
Nhưng anh đã nói một cách bình tình:
- Không sao, Lila, không sao, - đồng thời đặt bàn tay vỗ về lên cánh tay em.
Em cảm thấy rung động. Còn thầy Fernand đã chuyển thành tái xanh. Bàn tay anh đặt trên cánh tay em, với thầy, thế là quá lắm. Thầy bắt đầu hú lên:
- Chính anh đã xúi giục Lila làm điều điên dại này, đúng không? Tất nhiên, chính là anh!
- Thầy Fernand! Xin thầy, hãy dừng lại!
Nhưng lời thầy tiếp tục tuôn ra:
- Một nhà tù ở tận cuối của Vùng Tối! Lila sẽ không bao giờ thực hiện được chuyến đi ấy nếu không phải là bị xúi giục tới đó. Cô ấy rất sợ nơi đông người và tiếng ồn. Chính anh đã xúi giục cô ấy, tôi chắc chắn điều đó! Chính anh!
Thầy thách thức, tái xanh, run rẩy và đầy căm hận. Anh vẫn lặng yên một hồi, bình tĩnh nhìn vào mặt thầy, rồi anh đáp lại với giọng lạnh lùng:
- Tôi hiểu rằng từ bấy lâu nay, Lila khát khao gặp lại mẹ. Tôi không nhìn thấy điều gì là điên dại trong mong muốn
ấy cả.
- Mẹ của cô ấy ư! Nhưng người đàn bà đó không phải là mẹ của cô ấy. Bà ta đã bị tước quyền. Bị tước quyền, anh hiểu không?
- Có vẻ như Lila nhìn nhận mọi chuyện theo một cách khác đấy.
Thầy Fernand lại bắt đầu rú lên:
- Anh muốn tôi nói với anh về người mẹ đó?
- Thầy Fernand, đừng nói nữa! Xin thầy, đừng nói nữa!
Thầy không nghe em.
- Anh muốn tôi nói cho biết người mẹ đó đã làm gì không?
Lúc này, em òa khóc nức nở, hai tay bịt tai lại. Em đã cố bịt chặt bằng tất cả sức lực, nhưng em vẫn nghe thấy.
- Anh thấy chưa? - Fernand nói và chỉ vào xương đòn trái của em. Anh nhìn thấy chưa? Đó là vết gãy không bao giờ lành vì đã bị nối lệch. Người ta sẽ không biết được việc đó xảy ra như thế nào - người mẹ của Lila đã không nói nhiều trong phiên xử bà ta. Bà ta cũng không biết giải thích những vụ gãy xương trước xảy ra như thế nào - năm lần ở xương sườn, ba lần ở đốt ngón tay phải - mà người ta đã thấy các dấu vết khi chụp X quang con bé! Thế nào, anh nói gì về việc đó?
Anh nhìn em, sửng sốt, sợ hãi. Em quay mặt đi. Em không thể dừng khóc được nữa.
- Và đôi bàn tay cô ấy! Anh thấy không, đôi bàn tay cô ấy? Những vết bỏng, giờ đã thành sẹo, đã làm dính các ngón tay cô ấy lại với nhau. Khi Lila đến Trung tâm, các bác sĩ phẫu thuật đã phải tách chúng ra bằng dao mổ đấy. Đấy là thứ mà anh gọi là một người mẹ ư?
Anh lặng im. Qua nước mắt, tôi nhìn thấy vẻ rụng rời của anh, và như thế còn tồi tệ hơn. Thầy Fernand đã ngừng gào thét anh. Thầy vẻ như bị kiệt sức, và như bị rời rạc bởi chính sự hung bạo của mình. Sau một hồi lâu, anh đã trả lời bằng một giọng rất bình tĩnh:
- Tôi không biết liệu đó có phải là một người mẹ hay không. Nhưng Lila có vẻ nghĩ thế, và tôi cho rằng ý kiến của cô ấy xứng đáng được coi trọng, cho dù dường như anh thấy là sai lệch.
Những lời anh nói như một dòng nước lạnh đổ lên cơn nóng giận của thầy Fernand.
- Anh buộc tội tôi đã xúi giục Lila thực hiện một chuyến đi mà theo anh đáng ra cô ấy không bao giờ dám làm nếu chỉ riêng ý định của cô ấy. Tôi chỉ có một điều để nói với anh: nếu anh nghĩ Lila không có khả năng thực hiện việc đó, thì có thể là anh không hiểu cô ấy như là anh vẫn tưởng đâu.
Rồi anh quay sang em:
- Hãy chăm sóc bản thân cẩn thận nhé.
Một lần nữa, anh đặt bàn tay lên cánh tay em.
- Tôi sẽ sớm trở lại.
Và anh đi, không nói thêm một lời, và không một cái nhìn dành cho thầy Fernand.
Em thu mình dưới tấm chăn, quay lưng lại thầy Fernand. Ý nghĩ ở lại một mình với thầy khiến em không chịu đựng nổi. Thôi nào, Lila, đừng trẻ con thế! Em không nhúc nhích. Hãy nói gì đó. Hãy nói gì đó, tôi xin em. Thầy có thể cứ làm phiền thế. Dù thế nào, em cũng không thể. Em cảm thấy giống như sau một tai họa, khi tất cả mọi thứ đã bị tàn phá, khi không còn lại gì nữa, chỉ có sự thinh lặng. Em chỉ có một ước muốn: nhìn thấy thầy đi khỏi. Nhưng anh nghĩ xem, thầy vẫn mải miết: Tôi cầu xin em, hãy nói gì với tôi. Thôi nào, hãy nói điều gì đó. Em đã tưởng thầy sẽ không bao giờ dừng lại.
20 giờ, cô ý ta tạt qua báo hết giờ thăm hỏi. Em nghe thấy Fernand thu nhặt mũ, áo khoác, và đóng túi đựng grammabook. Khi thầy nói lời tạm biệt, em không trả lời.
Tối đến thì có tin nhắn của anh: Khi nào tôi có thể qua mà không phiền? Em cảm thấy được an ủi vì anh vẫn còn có ý định nói chuyện với em, sau tất cả những điều em đã giấu anh về quá khứ của mình. Tuy nhiên, em vẫn cảm thấy lo lắng. Em băn khoăn anh đánh giá thế nào về em, khi giờ đây anh đã biết về mẹ em. Em viết trả lời: Buổi sáng, lúc đó không bao giờ có ai. Sau đó, em đề nghị một mũi tiêm, để ngủ.
Thuốc làm em ngủ mê mệt: em vẫn còn ngủ dở khi
anh đến.
- Sau hôm qua, cô thế nào?
- Tôi không biết nữa.
Anh ngồi lên đầu giường. Trong một hồi, anh im lặng chăm chú nhìn em, rồi em thấy anh đưa mắt nhìn xương đòn của em. Ngay lập tức em chỉnh lại phần trên chiếc áo ngủ. Liền ngay sau đó, em nghĩ, em thậm chí chưa chải tóc - thật là ngốc nghếch, đúng không ạ?
- Lila, tại sao đã không nói gì với tôi thế?
Em cúi mặt xuống, không trả lời.
- Vậy mà tôi cứ tưởng tôi đã cho thấy rằng cô có thể tin tưởng ở tôi.
- Milo, tôi chắc chắn với anh, đây không phải vấn đề về lòng tin, nhưng... anh nghĩ chuyện ấy có dễ dàng không? Những... điều... ấy, anh nghĩ người ta có thể kể lại chúng như vậy không? Cho dù tôi đã rất muốn, tôi... không thể.
Anh gật đầu, vẻ khổ tâm.
- Có phải anh cũng coi tôi như một người điên không?
- Tôi không xét đoán gì.
- Anh không thấy lạ khi tôi mong muốn gặp lại mẹ, sau... sau những chuyện đó sao?
- Tôi không xét đoán gì, - anh nhắc lại.
- Tôi không tìm cách phủ nhận những điều mẹ đã làm với tôi, anh biết đấy. Tất cả những điều thầy Fernand kể, tôi... tôi cũng nhớ. Chúng dần dần trở lại.
Em nhìn đôi bàn tay mình đặt trên chăn, những vết sẹo mảnh chạy giữa các ngón tay.
- Cho dù đáng lẽ tôi đã quên, thì cơ thể tôi vẫn lưu giữ lại đầy đủ các dấu vết.
Anh đưa hai bàn tay phủ lên hai bàn tay em. Em cứ để vậy, với cảm tưởng bối rối rằng hơi ấm của lòng bàn tay anh có quyền năng xóa mờ đi những vết sẹo ấy.
- Điều kỳ lạ nhất, anh thấy không, đó là mẹ yêu thương tôi. Tôi chắc chắn điều đó, Milo ạ: mẹ yêu tôi. Về điều này, tôi cũng có những kỷ niệm rõ ràng. Nhưng làm sao có thể giải thích được, mặc dù yêu tôi, sao mẹ có thể...
Bàn tay em cảm nhận một cái nắm tay của anh, nhẹ và nhanh. Nhưng anh không nói gì.
- Điều khó khăn nhất, đó là không biết. Không hiểu chuyện đó đã xảy ra như thế nào. Đấy là lý do tại sao tôi đi đến Chauvigny: gặp mẹ, đề nghị mẹ giải thích cho tôi, nếu mẹ vẫn còn trong trạng thái làm được điều ấy. Bây giờ, tôi biết rằng đó là điều không thể, không bao giờ, và đau đớn lắm, anh biết đấy. Không có mẹ, tôi thiếu mất một phần lịch sử đời mình.
- Vậy trong hồ sơ của cô, cô đã không tìm thấy gì sao?
- Hồ sơ của tôi trống rỗng, Milo ạ. Tất cả những gì liên quan đến mẹ tôi đã bị xóa đi. Đó là thủ tục, hình như thế, khi một người mẹ bị tước đi các quyền của mình. Người ta xóa đi dấu vết của mẹ. Ở chỗ tên mẹ, người ta để những dấu gạch chéo. Nếu như tôi có thể truy cập hồ sơ của mẹ, chắc chắn tôi sẽ thấy các manh mối của câu trả lời, những chi tiết giúp tôi hiểu. Nhưng không bao giờ người ta để tôi truy cập vào đó. Về mặt chính thức, mẹ không còn lại gì nữa đối với tôi. Đã từ nhiều năm khi mà mọi liên hệ về mặt pháp lý giữa chúng tôi bị cắt đứt.
- Dù sao, điều này cũng đáng để cô thử cố.
Em lắc đầu.
- Hôm qua, anh đã thấy phản ứng của thầy Fernand như thế nào, chỉ từ ý nghĩ tôi cố gặp lại mẹ. Thầy coi tôi như một người điên. Hãy tưởng tượng phản ứng của thầy ấy nếu tôi đòi tiếp cận hồ sơ của mẹ! Không hy vọng gì cả.
- Vậy thì cô định làm gì?
- Ra khỏi đây. Rời khỏi ngôi nhà của những người điên này. Trong lúc này, tôi không có mục đích nào khác. Còn sau đó, tôi không biết.
- Lila, cô không đơn độc. Tôi ở đây; tôi sẽ giúp cô.
Em nói lời cảm ơn. Em rất cảm động, thật lòng, ngay cả khi em không thấy rõ lắm anh có thể làm được gì cho em, trong trường hợp này. Anh đứng lên, đột ngột.
- Anh đã đi rồi ư?
- Vâng, tôi phải đi đây.
- Anh sẽ trở lại thăm tôi chứ?
- Tôi không biết liệu tôi có thể. Tôi... tôi cần phải trở lại Vùng Tối.
- Nhưng anh vừa mới từ đó về mà!
- Nói thật, việc này không được định trước, nhưng có những yêu cầu mới xuất hiện. Tôi phải đến đó, tôi không có lựa chọn.
Em nghĩ đến những lời động viên anh vừa mới nói với em, tôi ở đây; tôi sẽ giúp cô, và em cười cay đắng, vùi đôi bàn tay trở lại dưới lớp chăn. Bỗng nhiên, em giận mình đã để anh chạm vào chúng. Anh nghiêm giọng:
- Người ta yêu cầu tôi bày tỏ ý kiến trong cuộc điều tra về tâm lý liên quan đến cô. Họ muốn bản tường trình. Hãy tin tưởng ở tôi, sẽ không có chuyện tôi nối giáo cho giặc đâu.
- Anh thật tử tế, nhưng tôi không chắc thế sẽ là đủ.
- Cô đừng lo lắng về cuộc điều tra ấy. Nó chỉ là một thủ tục còn hình thức hơn bất cứ một việc nào khác. Họ không có đủ yếu tố để giam giữ cô đâu.
- Thầy Fernand lại không nghĩ vậy.
- Đừng nghĩ đến Fernand nữa. Hãy nghĩ đến cô. Tôi chắc chắn tất cả sẽ trôi qua tốt đẹp.
Em thở dài:
- Bao giờ anh trở về?
- Tôi còn chưa biết.
- Tôi có thể viết cho anh không?
- Tốt hơn là nên tránh.
- Chuyện gì xảy ra vậy, Milo?
- Không có gì quan trọng đâu. Xin cô đừng hỏi tôi nhiều về việc ấy.
Em đưa mắt nhìn chiếc máy quay đang quay cần mẫn, ở ngay trên đầu chúng ta, và em đã hiểu anh không muốn nói chuyện với sự có mặt của nó.
Anh cúi xuống, thì thầm vào tai em:
- Đừng lo lắng. Chúng ta sẽ nhanh gặp lại nhau thôi, tôi hứa đấy.
- Như thế nào ạ?
- Cô còn nhớ ngõ cụt nơi tôi đưa cô đến vào hôm tôi qua nhà cô không?
Em gật đầu - em đã quay lại chỗ đó nhiều lần trong những cuộc đi dạo, như đi hành hương vậy.
- Nếu một ngày nào đó tôi hẹn gặp cô ở đó, cô đến được không?
Em lại gật đầu. Anh thì thầm với giọng hầu như không nghe được:
- Nếu tình cờ cô nhận được một tin nhắn của Lucrezia hỏi thăm tình hình sức khỏe và chúc cô nhanh chóng bình phục, thì hẹn gặp ở ngõ cụt, lúc 20 giờ, cùng ngày. Tôi sẽ ở đó. Nếu, vì một lý do nào đó, cô không thể đến đó vào hôm ấy, thì hẹn cô vào hôm sau, cũng tại đó, vào giờ đó. Cô đã hiểu chưa?
Em đồng ý.
- Đừng đi thẳng đến đó. Hãy rẽ và quay lại nhiều lần, giống như tôi đã làm ấy, quan trọng đấy. Việc này làm nhiễu loạn các rô-bốt theo dõi; chúng sẽ bị rối loạn các chương trình và loạn xác định các vị trí.
- Tôi hiểu rồi. Nhưng anh Milo này, tại sao lại bí mật thế? Hãy nói với tôi chuyện xảy ra!
- Không có gì đáng để cô lo lắng đâu.
Em ngờ rằng đó là một lời nói dối, nhưng anh có vẻ rất chắc chắn về mình, rất yên tâm, và em chỉ còn biết tin lời anh.
Thầy Fernand quay lại, vào đầu buổi chiều, bộ mặt như vừa trải qua những ngày tồi tệ, bộ mặt sau khi chị Lucienne bỏ đi, như vào buổi sáng hôm ấy, sau một đêm không chợp mắt, thầy đến với bộ mặt khiến anh phải não lòng. Nhưng em không muốn để mình mủi lòng. Em quá giận thầy về chuyện hôm trước.
- Em thế nào, Lila?
- Theo ý thầy thì thế nào?
- Tôi biết là em giận tôi.
- Em không dám đâu.
- Dù em nghĩ...
- Em biết: tất cả những gì thầy làm, thầy làm để tốt cho em, cho dù đôi khi em rất khó nhận ra điều đó.
- Hoàn toàn đúng.
Em nhắm mắt, không trả lời.
- Nghe này, như thế này chúng ta sẽ không đạt được gì cả. Em muốn gì hả, Lila? Em thật sự muốn gì?
- Em muốn ra khỏi đây, - em vẫn không mở mắt trả lời.
- Em nghĩ điều này là hợp lý sau... sau việc em đã
làm sao?
- Em đã giải thích rồi, nhưng rõ ràng là thầy không
muốn hiểu!
- Chuyến đi điên rồ để tìm lại mẹ em...
- Có quá nhiều câu hỏi không có câu trả lời, thầy Fernand ạ. Em muốn biết. Bất cứ ai cũng sẽ hiểu.
- Việc này sẽ do các bác sĩ tâm thần quyết định.
- Quyết định của các bác sĩ tâm thần cũng sẽ dựa trên những ý kiến khác nhau về em mà họ nhận được, có phải đúng thế không?
- Chính xác.
- Thầy là người giám hộ của em. Vì vậy, ý kiến của thầy sẽ mang tính quyết định.
- Có thể.
Em mở mắt ra.
- Thầy sẽ nói gì với họ, thầy Fernand? Rằng em bị điên? Đó là điều thầy nghĩ, đúng không?
Thầy nhìn em bằng cái nhìn bồn chồn, kích động, mà mỗi lần vậy đều làm em thấy khó chịu.
- Em không muốn ở lại đây, đúng không?
Em lắc đầu.
- Tôi cũng không muốn thế đâu, tôi cũng không muốn em ở lại đây. Như vậy tất cả những gì tôi làm cho em sẽ là
thất bại.
- Vậy thì thầy sẵn sàng đưa ra ý kiến có lợi cho em?
- Đúng vậy, Lila, với một điều kiện: em không trở lại Thư viện nữa.
- Thầy không thể yêu cầu em một việc như thế!
- Không chỉ tôi có thể thế, mà tôi làm thế. Thư viện, chính từ đấy mà mọi thứ xấu xa xảy đến. Những cuốn sách đó, những bài báo đó đã làm đầu em quay cuồng.
- Ồ, thầy Fernand, làm ơn đừng buộc tội những cuốn sách! Hãy dũng cảm một chút: hãy nói thẳng là thầy giận
anh Milo!
- Đúng là tôi cũng đang định nói đây - em thấy, tôi không lẩn tránh vấn đề. Nghe này, tôi... tôi không biết chuyện gì xảy ra giữa hai người, nhưng em cần phải hiểu một điều: gã này không đàng hoàng. Những nhiệm vụ của ông ta trong Vùng Tối, những mối liên lạc ông ta lập ra ở đó, những mối quan hệ ông ta có... Tất cả những điều đó cho thấy những ý tưởng không trong sạch, về mặt chính trị. Mọi thứ đang thay đổi, Lila ạ. Cuối cùng chính phủ đã quyết định sắp xếp lại công việc ở Bộ Văn hóa, quyết định nắm lại tất cả. Milo Templeton vừa bị mất đi mấy cái ô lớn. Ông ta sớm gặp các phiền phức thôi.
Em lắc đầu.
- Thầy nói lung tung quá!
- Gã đó nguy hiểm đấy, hãy tin tôi. Cần phải cắt đứt các liên hệ, em phải thoát ra vòng ảnh hưởng của ông ta. Em đã có một quá khứ khá nặng nề rồi, Lila. Em không thể cho phép tự gây tổn hại cho bản thân với ông ta nữa.
- ...
- Thế nào, đồng ý chưa? Tôi đưa ý kiến có lợi cho em, nhưng em cam kết thôi việc ở Thư viện và không gặp lại Milo Templeton nữa? Đồng ý chứ, Lila?
- Em có lựa chọn không? - Em hỏi, cay đắng.
Thầy mím môi.
- Không, em không có lựa chọn.
Ngày 25 tháng Mười một, Bộ đã công bố kết luận khám nghiệm người máy mà em đã tấn công: cái chết xảy ra do đứt nhiều mạch tiếp nối với bộ não đã quá hư mòn. Ngoài ra, vụ mổ khám nghiệm còn chứng thực một tình trạng rất xuống cấp trước đó: hư hỏng nhiều bộ phận, sự biến chất của lớp da nhân tạo kéo theo sự ô nhiễm các dịch lỏng, mòn các khớp, đốt và các mạch chính, loãng xương... Tóm lại, người ta có việc cần giải quyết với một người máy đã ở cuối chặng đường, mà sự sống của nó chỉ như treo trên sợi tóc. Như vậy, tất cả làm cho tin rằng em không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết đó. Người máy đã chết một cái chết đẹp, nếu có thể nói vậy.
Ngày 26, Bộ chính thức từ bỏ truy xét chống lại em vì có hành vi bạo lực dẫn đến ngộ sát.
Ngày 30, các chuyên gia về thần kinh đã nộp báo cáo: theo họ, em không có biểu hiện nguy hiểm cho chính bản thân em, tuy nhiên, họ nhắc đến xu hướng ám ảnh và năng lực phán đoán đôi khi sai lệch. Họ cho phép em ra viện, đồng thời bắt buộc kiểm tra tâm lý mỗi tháng một lần, rồi ba tháng
một lần.
Em không nói với anh em vui sướng vì một lần nữa phải bị đặt dưới sự giám sát của một đám chuyên gia, mà cuối cùng, vì đến lúc em có thể ra khỏi ngôi nhà của những kẻ điên, em đã sẵn sàng làm quen. Dù sao, em đã bắt đầu quen với những hội đồng chuyên gia và nhiều ủy ban khác. Em không lo lắng: em sẽ biết phải làm thế nào với lũ người ngu xuẩn này.
Em trở về căn hộ của em ngày mùng 1 tháng Mười hai. Ba ngày sau, thầy Fernand qua thăm em.
- Lila này, tôi có một tin buồn: con Pacha sẽ không trở về nữa. Chúng tôi đã bị mất tín hiệu của nó đã mấy ngày nay. Khi đó, nó đang ở trong quận 10, Chúa mới biết chuyện gì có thể xảy đến với nó, ở khu đó... Tôi rất tiếc.
Em đã rơi mấy giọt nước mắt, ngay cả nếu em không chắc con Pacha đáng phải thương xót. Chết khi lang thang trong một khu rừng ở thành thị, thì đối với một con mèo xa lông, đó là một cái chết đẹp. Em gần như ghen tị với số phận của nó. Ít nhất nó đã biết dành được tự do cho mình.
Em vẫn luôn không nhận được tin tức gì của anh, và em bồn chồn lo lắng khi nghĩ đến điều thầy Fernand nói ở bệnh viện: Mọi việc đang thay đổi, Lila ạ. Ông bạn Templeton của em đã mất đi vài cái ô lớn. Lúc này, anh đang ở đâu? Thật là khó khăn khi không biết điều đó. Nhiều lần, em đã định liên lạc với anh, nhưng anh đã dứt khoát yêu cầu không được làm vậy nên em đành thôi. Em chỉ còn biết cảm thấy nỗi lo lắng của mình ngày càng nhiều hơn.
Ngày 8 tháng Mười hai, thầy Fernand báo cho em biết Bộ vừa đưa ra lệnh điều tra nhằm vào anh.
- Ông ta bị gọi làm chứng trong một vụ việc liên quan những tài liệu trái phép. Ông ta đã không đáp lại lệnh
triệu tập.
- Anh ấy không mạo hiểm trả lời: anh ấy đang làm nhiệm vụ trong Vùng Tối mà!
- Ông ta không phải đang làm nhiệm vụ, Lila ạ: ông ta đang bỏ trốn - dù sao trên Bộ cũng cho là như vậy. Và tôi có thể đảm bảo với em ông ta sẽ gặp rắc rối nếu chẳng may trở về bên trong bức tường.
Ngày hôm sau, vào cuối buổi sáng, thì có tin nhắn của Lucrezia đến:
Lila thân mến,
Chỉ một lời để nói với em thôi rằng chị nghĩ nhiều về em. Chị hy vọng em đã qua chuyện không may và chúng ta sớm gặp lại nhau ở Thư viện. Với tình bạn chân thành, chúc em mau chóng bình phục.
Người bạn tận tâm của em
Lucrezia
Những lời mà em nóng lòng mong đợi ấy giờ đây đang hiện trên màn hình grammabook, em run rẩy khi nhận được chúng. Em không tin nổi rằng anh đã quay về. Với tất cả những mối đe dọa đang nhằm vào anh, điều này có vẻ thật điên rồ.
Chị Lucrezia thân mến,
Cảm ơn vì tin nhắn thắm thiết của chị, em vô cùng xúc động. Em đọc đi đọc lại từng từ một và sẽ trân trọng gìn giữ trong
trí nhớ.
Giờ đây em đã hoàn toàn bình phục. Nhưng than ôi, hoàn cảnh bắt buộc em phải từ bỏ công việc ở Thư viện. Chị phải biết rằng em rất tiếc nuối, em đã phải đối diện với một lựa chọn khó khăn.
Chị Lucrezia thân mến, em mong chị may mắn. Chị bảo trọng nhé.
Thân ái,
Lila
Em lên đường vào khoảng 18 giờ 30. Em không quên lời hướng dẫn: em dành thời gian thực hiện hàng nghìn lần rẽ rồi vòng lại, để chắc chắn đã làm đảo lộn các dấu vết.
Khi em đến ngõ cụt, trước 20 giờ một lúc, anh đã ở đó. Lúc này, mặt anh đầy râu. Tóc anh đã mọc dài, và các nếp nhăn càng rõ nét hơn. Nhưng đúng là anh.
- Tại sao anh quay về, Milo? Như vậy thật là điên!
- Tôi cũng thấy vậy, tôi rất vui mừng được gặp lại cô.
- Đây không phải lúc để trêu đùa đâu! Anh đang gặp nguy hiểm!
- Thôi nào, đừng có cuống lên như vậy. Họ không làm gì được tôi đâu.
- Họ không cần phải có những lời buộc tội cụ thể để bắt giam anh, cũng như tôi, anh biết rõ điều đó mà! Sao anh lại mạo hiểm đến vậy?
- Tôi phải quay về bên trong bức tường, cô biết không. Có một cuộc gặp quan trọng, với một cô gái rất đẹp, tại một nơi bình yên. Một cuộc hẹn gặp không được phép từ chối.
- Anh không nên đùa thế!
- Cô có nhớ lời tôi đã hứa với cô ở bệnh viện không?
- ...
- Tôi hứa sẽ giúp cô, cô nhớ không?
Anh rút từ trong túi một chiếc thẻ nhớ.
- Cái gì vậy, Milo?
- Đưa tay cô đây.
Anh đặt chiếc thẻ nhớ vào lòng bàn tay em, rồi anh dịu dàng nắm tay em lại.
- Hồ sơ của mẹ cô.
Tự nhiên, em bắt đầu run rẩy.
- Làm thế nào anh có được nó?
- Tôi tìm kiếm.
- Nhưng không thể nào!
- Đúng là không thể. Cô cũng biết, Lila, tôi có nhiều kẻ thù, đúng vậy, nhưng tôi cũng có rất nhiều bạn.
- Thật không thể tin nổi, thật bất ngờ quá. Tôi biết cảm ơn anh thế nào đây?
- Bằng cách tìm ra những câu trả lời cho các câu hỏi vẫn giày vò cô. Bằng cách giải phóng khỏi những ám ảnh.
Em gật đầu, khe khẽ.
- Từ đáy lòng, tôi mong cô đạt được mục đích. Sau đó, có thể sẽ là thời gian để bắt đầu sống.
Em cúi đầu, không trả lời, bởi vì thật sự, vẫn chưa có gì được quyết định, cho phần tiếp sau. Mở nắm tay, nhìn chiếc thẻ nhớ, em hỏi anh:
- Khi nào tôi phải trả nó cho anh?
- Cô có thể giữ lấy nó; đây chỉ là một bản sao. Hãy giữ nó thật cẩn thận. Hãy đọc nó thật kín đáo nhất có thể, không bao giờ được nhập nó với bộ nhớ grammabook của cô nhé. Một khi cô đã tìm hiểu được, hãy hủy nó. Không cần phải giải thích với cô những phiền toái sẽ gặp phải nếu người ta phát hiện ra cô sở hữu nó. Hãy thứ lỗi cho tôi vì nói đến những điều này trong một ngày nhiều cảm xúc như hôm nay, nhưng tôi muốn bảo đảm rằng cô nhận thức rõ những rủi ro, để mà cô cẩn trọng.
- Đừng lo, Milo, tôi có thói quen đó mà.
Chúng ta im lặng một hồi lâu nhìn nhau, không ai nói gì. Rồi cuối cùng anh hỏi:
- Cô không quay lại Thư viện nữa, đúng không?
- Vâng, tôi đã xin nghỉ. Tôi không có lựa chọn. Đó là một phần trao đổi để tôi được... tự do.
- Cô đã đúng. Nếu điều đó có lợi cho việc cô được ra viện, thì không nên do dự. Tốt. Giờ tôi phải đi rồi.
- Khi nào tôi được gặp lại anh?
- Tôi không biết, Lila ạ. Mọi việc vẫn còn quá bấp bênh.
- Anh sẽ lại đi luôn à?
- Ngay tối nay.
- Ngộ nhỡ không bao giờ anh có thể quay về?
- Thế thì, chính cô sẽ đến tìm tôi trong Vùng Tối. Cô sẽ làm thế, đúng không?
Em nói:
- Vâng, dĩ nhiên, tôi sẽ làm thế.
Và đúng thế, Milo ạ: em cảm thấy có khả năng làm
việc đó.
Sau đó, em không biết điều gì chiếm lấy em - lòng biết ơn, hay nỗi lo sợ phải xa rời anh - em có sự cuồng nhiệt, một sự cuồng nhiệt tự nhiên: em sà vào lòng anh. Em không hiểu làm sao em có thể làm được thế, thật lòng, em không hiểu. Anh ôm ghì lấy em, và ôm chặt đến nỗi làm em sợ. Nhưng đã quá muộn để lùi lại. Em nhắm mắt, và em để anh ôm.
Môi anh hôn lên tóc em, hôn lên thái dương, hôn lên trán, em không thấy ghê tởm, Milo ạ, không chút nào, mà ngược lại. Thật êm dịu ngoài sức tưởng tưởng của em. Em run rẩy. Đã từ quá lâu rồi em không biết đến niềm vui được động chạm. Khi miệng anh đặt lên miệng em, em hé môi, không ghê sợ, không chút ngập ngừng. Đó như thể một điều kỳ diệu vậy. Em cảm thấy dòng máu chảy bên trong em, sau mỗi nhịp tim đập, cảm thấy da anh, lưỡi anh, hơi thở anh, hơi ấm của hai ta quyện lại, và lần đầu tiên từ rất nhiều năm, em có cảm giác được... biết nói thế nào nhỉ? Được sống, không có từ nào khác. Cuối cùng, được sống.
Khi anh mở vòng tay, em nhìn anh, ngây dại. Em không tin nổi thế là đã kết thúc.
- Họ đang đợi anh. Anh không thể cho phép mình đến muộn. Em hiểu không?
- Tất nhiên ạ.
Em đưa tay chỉnh lại cổ áo khoác cho anh. Em cần chạm vào anh thêm nữa. Khi em thấy dưới những ngón tay mình cảm giác mềm dịu ấy quanh cổ anh, em khẽ mở một bên vạt áo khoác. Em nhìn thấy chiếc khăn quàng.
- Em không muốn nó nữa, và nó quá đẹp... Anh không muốn vứt nó đi. Anh hy vọng em không giận.
Em lắc đầu. Nước mắt rưng rưng.
- Không đâu, tất nhiên là không rồi. Anh đã đúng. Nó rất hợp với anh. Em... em tin là không ai có thể mang nó thích hợp hơn anh.
Anh cười.
- Bây giờ, thật sự anh cần phải đi rồi. Hãy chờ mười lăm phút sau rồi hãy đi nhé, có được không?
Em gật đầu.
- Tạm biệt, Lila.
- Tạm biệt, Milo. Hãy cẩn trọng nhé.
- Đừng lo lắng nhé. Chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi.
Em cúi đầu, tay ở trong túi, nhìn anh đi. Ánh sáng của những đèn cây hầu như không chạm được vào anh, như thể bóng tối đã nuốt lấy anh. Và đây giống như một hình ảnh của lần cuối cùng, Milo, em tự nhủ, không thể nào, em sẽ gặp lại, em chắc chắn vậy. Thật phi thường những con đường mà niềm hy vọng có thể mang lại.