Mê Hiệp Ký Chương 5 part 2

Chương 5 part 2
Sắc trời hừng sáng, mưa đã tạnh.

Tiếng chim líu lo đâu đó, trong không gian lành lạnh thoang thoảng mùi đất bùn ẩm ướt, tất cả từ khung của sổ đã hỏng ùa vào phòng. Hà Y tỉnh dậy rất sớm, mặc lại y phục. Tay vẫn bị xích với chàng, đương nhiên chẳng thể đi đâu, chỉ có thể ngồi trên ghế bên giường, uống chén trà lạnh đêm qua.

Đến khi nàng quay đầu lại nhìn, Mộ Dung Vô Phong đã tỉnh rồi.

“Chào buổi sáng”, nàng nhanh miệng nói trước.

“Chào buổi sáng”, dường như chàng có chút ngượng ngùng nhìn nàng.

“Tối qua ngài ngủ ngon không?”, nàng lại hỏi.

“Được”, Mộ Dung Vô Phong vừa nói, hai tay chống xuống, từ từ ngồi dậy. Bởi vì hai chân không tiện, đến động tác đơn giản như ngồi dậy khỏi giường thôi mà dáng vẻ của chàng cũng chật vật hơn người thường không biết bao nhiêu lần. Nàng tiếp tục uống trà rồi lại thấy chàng từ từ dịch về phía chiếc ghế. Đền khi sắp tới rồi, cả người có chút không thăng bằng, Hà Y bèn nhẹ nhàng đưa tay đỡ lấy lưng chàng. Mộ Dung Vô Phong lãnh đạm nói: “Đa tạ”. Hà Y cười khổ trong lòng, sao giữa họ lại đột nhiên trở nên khách khí rồi.

“Không có bữa sáng, chỉ có trà tối qua”, nàng cười nói.

“Tôi uống một chút”, chàng nói. Đón lấy chén trà từ tay nàng, chàng nhìn cái chén, nhíu mày rồi lại đặt xuống.

Cái chén rõ ràng không được rửa sạch sẽ, bên trên còn lưu vết cáu bẩn của trà đọng lại không biết bao nhiêu năm.

“Không uống nữa sao?”, nàng hỏi.

Chàng lắc đầu. Hà Y lấy trở lại, một hơi uống cạn.

Mình sai rồi, mình không thể hiểu chàng. Hà Y thầm nhủ. Nàng khẽ cười, nhìn Mộ Dung Vô Phong. Tinh thần của chàng so với tối qua có vẻ đã khá lên nhiều rồi, chỉ có sắc mặt vẫn có chút tai tái. Chàng ngẩng đầu, chăm chú nhìn Hà Y.

Ánh mắt sâu lắng, chuyên chú.

Hà Y bị chàng nhìn tới mức có chút luống cuống, đón lấy ánh mắt ấy, nói: “Ngài nhìn tôi chằm chằm thế làm gì?”.

Chàng trầm mặc.

“Ngài bỗng dưng biến thành người câm từ lúc nào thế?”

“Ta…”, chàng mở miệng, muốn nói gì đó, nhưng lại không biết phải nói từ đâu.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Nhanh tới mức tựa như khiến cho chàng không kịp suy nghĩ kỹ.

Đương nhiên nếu suy nghĩ kỹ, có lẽ chàng đã không làm gì cả.

Cuộc đời này của chàng cho đến giờ, cực hiếm khi “làm” đi trước “nghĩ”.

“Nếu tôi là ngài tôi sẽ không nghĩ ngợi nhiều. Ngài nghĩ ngợi nhiều quá rồi”, nàng an ủi chàng, tựa như biết rõ tâm tư của chàng.

“Nàng thì sao? Nàng có bận tâm gì không?”, chàng hỏi.

“Rất ít nghĩ ngợi. Có lẽ vì tôi quá ngố”, nàng nhìn chàng, cười ý vị.

“Hà Y”, đây là lần đầu tiên chàng dũng hai chữ này gọi nàng: “Nói cho ta biết, nàng là ai? Quê hương ở đâu? Năm nay tuế nguyệt đã bao nhiêu tuổi rồi?”.

Hà Y nói: “Ngài điên rồi! Hỏi tôi những thứ ấy làm gì? Năm nay ngài bao nhiêu tuổi rồi?”.

“Sắp hai mươi hai”, chàng thành thật trả lời. “Tuy ta không biết mình có sinh ra ở đây hay không, nhưng từ nhỏ tới giờ ta lớn lên trong cốc”.

“Tôi không tin. Mười năm trước ngài đã thành danh rồi”, nàng phản bác.

“Năm mười tuổi ta bắt đầu làm chủ y quán ngoài Vân Mộng cốc. Lúc ấy ta đã hành nghề y được bốn năm rồi”.

Hà Y thè lưỡi, nói: “Ngài đừng hỏi việc của tôi. Tôi không muốn nói”.

“Không muốn nói cũng không sao. Những điều ấy vốn không hề quan trọng”, chàng từ tốn nói.

Cửa đột nhiên bị mở ra, tiểu nhị của khách điếm tiến vào, bê tới một chậu nước nóng để rửa mặt. Hà Y nhìn một lượt, chậu và khăn đều mới tinh. Trong lòng nhủ thầm, những thứ đồ dùng hằng ngày này mà không sạch sẽ, Mộ Dung Vô Phong thà chết đói, chết bẩn cũng không chịu dùng, . Sớm đã nghe nói, các đại phu trong Vân Mộng cốc ai cũng ưa sạch sẽ, đặc biệt là Mộ Dung Vô Phong.

Hà Y nói: “Nước nóng tới rồi, ngài dùng trước đi”.

Mộ Dung Vô Phong nói: “Nàng dùng trước”.

Tiều nhị nói: “Hai vị không cần nhường nhau, tiểu nhân sẽ bê chậu nữa lên là được. Còn nữa bên dưới có một vị nhờ tiểu nhân chuyển lời tới hai vị, xin hai vị không cần lo lắng, mọi việc sẽ sớm xong xuôi. Cũng hỏi thêm hai vị có trúng phải loại độc nào không?”.

Hà Y vui mừng nói: “Độc cũng không gấp, gấp chính là cái xích này, xin vị ở dưới nào chớ có quên lấy chìa khóa”.

Tiểu nhị vâng dạ một tiếng, đóng cửa xuống lầu.

Hai người trầm lặng không nói năng gì, đều đang đợi tiểu nhị quay lên, qua một lúc, cửa lại được mở ra, tiến vào là Tạ Đình Vân.

“Cốc chủ, ngài vẫn ổn chứ?”, Tạ Đình Vân bước vội tới, cúi mình thi lễ, trầm giọng hỏi thăm: “Là do thuộc hạ làm việc không chu tất, để cốc chủ chịu phiền toài, xin cốc chủ trách tội!”.

Mộ Dung Vô Phong nói: “Ta không sao. Các ngươi đến bao lâu rồi?”.

“Bọn thuộc hạ vẫn luôn bám theo sau, đến khi hửng sáng đã khống chế toàn bộ người của Đường môn, Đường Tam chạy mất rồi, cũng may chìa khóa vẫn còn ở trên người Đường Thập”, Tạ Đình Vân lấy chìa khóa ra, mở xích sắt. Hà Y cười nói: “Hai vị từ từ nói chuyện, tôi còn có việc, xin đi trước một bước”, nói rồi tung người nhảy xuống lầu, gặp Triệu Khiêm Hòa đang đợi bên dưới mượn một con ngựa phi đi như bay.

Thần Nông Trấn, Thính Phong lâu.

Hà Y quay trở lại nơi tối qua từng đến. Gió sớm trên sông thổi tới có phần giá buốt, nhưng khí lạnh sớm đã bị hơi trà ấm nóng bên trong đánh tan rồi.

Trời hãy còn sớm, khách khứa cũng rất thưa, người Hà Y muốn tìm vừa hay đang trực. Đó là một bồi bàn trung tuổi có chòm râu khá rậm.

Hà Y tười cười thăm hỏi: “Xin hỏi đây phải chăng là Tôn đại ca?”.

Người bồi bàn trung niên gật đầu, nói: “Không dám, tiểu nhân là Tôn Phúc. Cô nương muốn tìm tiểu nhân?”.

Hà Y nói: “Tôi họ Sở”.

“Ra là Sở cô nương, chẳng hay cô nương muốn gọi gì?”.

Hà Y nói: “Lần đầu tiên rời nhà đi xa tìm đại phu khám bệnh, đi đường nhàm chán, muốn nghe một chút chuyện giang hồ, nghe nói đại ca làm bồi bàn ở đây đã lâu. Bụng chưa không biết bao nhiêu chuyện giang hồ, cho nên mới cố ý tìm hỏi. Tôi vừa nói chuyện ổn thỏa với chưởng quỹ rồi, việc hôm nay của đại ca miễn đi, đây là hai mươi lạng bạc, xin đại ca nhận lấy”, Tôn Phúc nhận lấy đĩnh bạc, mừng tới không khép nổi miệng, nói: “Nói hay lắm, nói hay lắm, trong cái bụng nhỏ này, thứ khác không có, chuyện trong giang hồ, chuyện ngồi lê đôi mách cũng có được một rổ. Chỉ không biết tiểu cô nương muốn nghe chuyện gì?”.

Hà Y nói: “Tôi vốn tới khám bệnh, đương nhiên quan tâm đến chính chuyện của thần y Mộ Dung. Nghe nói ngài ấy tính khí cổ quái, rất khó giao tiếp. Cũng không tùy ý nhận bệnh nhân, đại ca nói xem, nếu tôi trực tiếp đến tìm ngài ấy xin khám chữa, có chút hy vọng nào không?”.

Tôn Phúc cười nói: “Có chỗ cô nương không biết. Thần y có ba thói quen, ở đây không ai không biết, không ai là không hiểu”.

“Hử?”

Tôn Phúc nói: “Thứ nhất, ở đây khám bệnh đều có trình tự, ai cũng phải theo quy củ. Đại đa số bệnh nhân chỉ cần vào những y quán trong trấn chỗ chúng tôi đây là có thể trị khỏi. Chỉ có những trường hợp nguy hiểm nhất, khó chữa nhất mới được đưa vào trong cốc. Nếu như bệnh tình của cô nương không nguy tới tính mạng, vậy hi vọng gặp được cốc chủ không lớn. Mỗi một bệnh nhân đều phải theo trình tự, mặc kệ anh có tiền có thế, cũng không thể phá lệ. Cho nên điều thứ nhất chính là, về phương diện quy củ, nói một là một”.

Hà Y nói: “Cốc này lớn như vậy, không có quy củ đương nhiên không được”.

Tôn Phúc cười: “Nhưng cái kiểu giữ quy tắc của vị lão gia này chỗ chúng tôi, chỉ sợ cô nương cũng chưa từng gặp qua. Tỉ dụ như năm đó Mộ Dung tiên sinh mới tuổi thiếu niên nhưng đã thành danh, không biết như thế nào mà danh tiếng của ngài vang tới tận ngoại vực, có một người Hồi ở nước Đại Thực[1], tên gọi là Ô Lý Nha lập chí muốn bái tiên sinh làm thầy muốn học thành một danh y nức tiếng. Người này bỏ ra hai năm, không quản đường sá xa xôi vạn dặm lăn lội tới đây, trên đường chịu bao nhiêu khổ cực, so với năm xưa Huyền Trang pháp sư đi lấy kinh cũng chẳng kém bao xa. Lúc đến được đây, cả người gầy rộc như một sợi mì, may mà được đệ tử thứ hai của tiên sinh là Trần đại phu thu nhận, điều dưỡng hơn một tháng trời mới có sức đến gặp Mộ Dung tiên sinh. Nói ra, cái vị Ô Lý Nha này một lòng thành, khiến cả trấn từ trên xuống dưới ai cũng cảm động tới rơi lệ. Mọi ngươi đều nghĩ, người có nghị lực có quyết tâm như thế, làm sao Mộ Dung tiên sinh có thể bỏ qua đây? Kết quả lại khiến cho ai nầy đều kinh ngạc không thôi. Vị lão gia kia của chúng tôi nói, anh đã đến đây học y thuật, thì phải qua được đề thi ngài ấy ra. Bởi vì mỗi một học trò của tiên sinh đều phải thông qua khảo thí mới được vào cốc. Ai cũng không thể ngoại lệ”.

[1]Cách gọi của người thời Đường, Tống với đế quốc Arab thời bấy giờ

Hà Y hỏi: “Đại ca nói, cái vị Ô Lý…gì gì đó là người ngoại quốc, liệu anh ta có thể nói mấy câu tiếng Trung đây?”.

Tôn Phúc nói: “Tuy anh ta là người ngoại quốc, nhưng phụ thân từng tới trung nguyên buôn bán làm ăn, cho nên anh ta có thể nói được tiếng Hán, nói cũng rất khá. Với lại anh ta từ nhỏ đã thích Trung y, rất nhiều sách y, cái gì mà Thái y cục như liệu trình văn cách, Tập hãi bối thư phương, Nhân trai trực chỉ, Chứng loại bản thảo đều có thể đọc thuộc lòng như nước chảy, nghe nói lúc chuyện phiếm với Trần đại phu, anh ta thuận miệng trích ra hai chú thích nhỏ trong Vân Mộng cứu kinh và Thương hàn luận án của Mộ Dung tiên sinh không sai lấy một chữ, làm Trần đại phu giật mình kinh ngạc! Không ngờ tới một người ngoại quốc lại có thể có tài này. Nhưng mà khi Ô Lý Nha Đa này cầm đề thi trong tay thì vẫn là trợn mắt ngẩn ra, nói là chỉ có thể làm non nửa, phần còn lại không biết là nói về cái gì. Cho nên khảo hạch không qua được”.

Hà Y nói: “Đại ca nói xem, liệu có phải là Mộ Dung tiên sinh muốn dập tắt khí thế của anh ta, cố ý ra đề khó chăng?”.

Tôn Phúc nghĩ một lúc, nói: “Chắc không phải. Một là, Trần đại phu lúc giới thiệu cũng không nói với tiên sinh vị Ô Lý tiên sinh này quen đọc sách y, cho nên cũng chẳng có chuyện đàn áp khí thế gì. Hai là, mỗi năm số người đến xin bái sư nhiều như cỏ, ai cũng phải làm bài thi này, thông thường một hai năm có tới mười mấy kỳ khảo thí, nhưng những người thi đỗ cực ít. Cho nên đề thi có khó cũng là chuyện tưởng tượng đươc. Nói ra thì vị Ô Lý tiên sinh này cũng rất có khí phách, quyết tâm thi đỗ bằng được, thế là một mình thuê một căn nhà nhỏ ở đầu đông của trấn, trừ một ngày ba bữa ăn còn đâu thì đều đóng cửa đọc sách, hoặc cũng chỉ qua lại với Trần đại phu, Giải đại phu, Ngô đại phu, mấy vị học trò của Mộ Dung tiên sinh mà thôi. Anh ta là người hào phóng, nói chuyện hài hước, rất thân quen với mọi ngươi trong trấn này, mọi người tìm cho anh ta một chân tiểu nhị ở quán rượu, bình thường vẫn gọi anh ta là ‘lão Ô’. Anh ta cứ thế vùi đầu vào học tập chừng một năm, tự tin hơn trước gấp trăm lần mà đi thi. Ai cũng cho rằng lần này nhất định thành công, đến pháo chúc mừng cũng mua sẵn rồi, ai ngờ nghe ngóng một hồi, hóa ra lại không đỗ. Lần này lão Ô bực rồi, ngay đêm ấy tuyên bố sẽ mọc rễ ở trấn này, đổi tên thành ‘Mộ Dung Ô Lý’, tự là ‘Nha Da’, hiệu là ‘Khố Độc Tử’[2]. Một tháng sau, lại cưới một cô nương trấn này, rồi tiếp tục sớm tối học tập. Lại qua hơn nửa năm nữa, sinh được một đứa con gọi là ‘Mộ Dung Huyên’, chính là dùng điển cố ‘Huyên Hồ Tế Thế’[3]. Rồi lại thi lại, lại trượt! Cô nương nói có kỳ quái không? Lão Ô này xem ra chẳng ngốc chút nào, ngày thường anh ta tính tiền, đầu óc còn nhanh hơn bàn tính, cũng không biết có phải trúng tà hay không nữa, cứ thế mà thi trượt. Nhưng cùng đề thi ấy, lại có một người trẻ tuổi tên là Sái Tuyên làm được, cũng chính là Sái Tuyên đại phu của Trừng Minh quán bây giờ. Lần này thì cả Trần đại phu, Ngô đại phu mấy vị đều không nhịn nổi rồi, bèn nhao nhao tới cầu xin cho anh ta. Vị lão gia kia của chúng tôi vẫn nói quy tắc là bình đẳng với mọi người. Ai cầu xin cũng vô dụng. Cuối cùng vợ của lão Ô cũng không chịu nổi nữa, thì ra cô ấy cũng họ Mộ Dung, là họ hàng xa gì gì đó của cốc chủ. Vợ của lão Ô rất thẳng thắn, chính là đi nói với cốc chủ rằng, ngài ấy xem người ấy nhà tôi liệu có tố chất làm đại phu không, nếu không thì dứt khoát bảo với anh ta, để anh ta bỏ ý nghĩ ấy đi mà đổi sang nghề khác, kiếm tiền nuôi gia đình. Cô nương đoán nổi không? Cốc chủ nói ngài cũng không biết lão Ô có tố chất làm đại phu hay không. Chỉ biết không thi đỗ thì không thể làm học trò của ngài. Còn như về sau bọn họ làm nghề nào, thì ấy là việc của bọn họ, không liên quan gì tới ngài ấy”.

[2]Chăm chỉ đọc sách.

[3]Treo hồ lô mà đi chữa bệnh, cứu giúp thế gian: Phí Trường Phòng là người Nhữ Nam, Hà Nam, một hôm nhìn thấy một ông lão (tức Hồ ông) chống gậy trúc, đầu gậy có treo một quả hồ lô, bán thuốc ngoài phố, đến khi tời tối chợ tan, Hồ ông nhảy vào trong hồ lô, lúc ấy chỉ có mình Phí Trường Phòng thấy, cảm thất rất kì lạ. Bới thế hôm sau đem rượu thịt đến hầu, Hồ ông biết ý của Phí Trường bèn hẹn hôm sau quay lại. Hôm sau lúc Trường Phong quay lại, Hồ ông bèn đưa anh ta vào hồ lô, chỉ thấy trong hồ lô sảnh lớn, phòng to, bài trí hoa mỹ, Phí Trường Phong bèn bái Hồ ông làm thầy, học tập y thuật và tiên thuật, mấy năm sau Phí Trường Phòng học nghề xong cũng bắt đầu treo hồ lô đi hành nghề y cứu đời. Về sau người đời dùng điều này để chỉ người hành nghề y.

Hà Y nghe Tôn Phúc nói cả nửa ngày trời, vốn không tin lắm, nhưng câu cuối cùng kia thì lại cảm thấy rất quen tai, tựa như đúng là câu cửa miệng của Mộ Dung Vô Phong, bất giác tin tới tám, chín phần, không nhịn được hỏi: “Vậy vị lão Ô ấy cuối cùng thi đỗ không?”.

Tôn Phúc nói: “Lúc cô nương đi qua cửa lẽ nào không thấy một người mặc áo đỏ đừng ở của chào hỏi khách, cứ như khách khứa ai cũng là họ hàng thân thích của anh ta?”.

Hà Y nghĩ một lúc rồi nói: “Không có ấn tượng gì, hình như đúng là có một người mặc áo đỏ”.

“Đấy chính là lão Ô, nhị chưởng quỹ ở đây.”

Hà Y cười ha ha rồi nói: “Vậy thói quen thứ hai là gì? Nói ra nghe thử coi”.

Tôn Phúc thấy nàng nghe tới mức say sưa thì càng hứng khởi, nói tiếp: “Thói quen thứ hai chính là ưa sạch sẽ. Hẳn cô nương cũng biết, phàm hành nghề y thì mười người có tới tám người ưa sạch sẽ. Ví dụ như ở Vân Mộng cốc này, các đại phu già nửa mỗi ngày đều phải tắm rửa ít nhất một lần, thay quần áo so với người thường thường xuyên hơn nhiều. Cho nên ở chỗ chúng tôi, tiệm bán y phục là nhiều nhất. Tiệm tạp hóa của Lý nhị gia ở đối diện có bán một loại khăn tắm, nghe nói là loại cốc chủ thích dùng nhất, ai đến đây chữa bệnh, khi ra về đều mua mấy cái gọi là làm kỷ niệm. Nhưng sự ưa sạch sẽ của cốc chủ đặc biệt hơn người khác, chính là ngài rất kiệm lời với người khác, cùng ở một chỗ với học trò của mình cũng chỉ nói việc y, không thì sẽ ở một mình đọc sách, nghiên cứu y thư, phê sửa bệnh án. Nếu cô không tìm ngài nói chuyện, ngài sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tìm cô nới chuyện. Mọi người hoàn toàn không hiểu tâm tư của ngài. Còn có một chuyện rất kỳ lạ. Mấy vị quản gia của cốc chủ, nhà ai cũng bao nhiêu là kẻ hầu người hạ, khi ra ngoài đều đem theo bảy tám tùy tùng, nhưng cốc chủ thì lại ở một mình, hằng ngày trừ mấy vị quản gia có việc vào bẩm báo là có thể ra vào, còn bất cứ ai khác đều không thể tiến vô. Ngài trời sinh đã không khỏe, thường sinh bệnh, nhưng lại nhất quyết không để ai khác hầu cận bên cạnh. Có một lần ngài lâm bệnh nặng, bất tỉnh mấy ngày không dậy nổi, lúc ấy có một vị gọi là Lưu tổng quản, thấy ngài bệnh nặng quá, không sao yên tâm được, bèn gọi hai nha hoàn của mình vào hầu hạ. Khi đó cốc chủ bệnh rất nặng, bất tỉnh nhân sự, không phát hiện ra. Đến khi ngài tỉnh dậy thì vô cùng giận dữ, ngay hôm đó điều Lưu tổng quản ra khỏi cốc, từ bấy đến giờ cũng không gọi về nữa. Mấy vị tổng quản còn lại từ đó đều không dám vuốt râu hùm. Cô nương, cô nương nói có kỳ quái không? Mọi người đều nói, trong tòa nhà cốc chủ ở có việc lạ, ban đêm có ma”.

Hà Y vừa nghe thấy liền cảm giác gió lạnh âm u bốn phương thổi tới, khắp người lạnh toát, hơi run run hỏi: “Ma quỷ gì vậy?”.

Tôn Phúc cười đáp: “Cô nương chớ sợ. Cho dù có ma quỷ thật đi nữa thì cũng là ma quỷ tốt. Cô nghĩ xem, cốc chủ đã cứu sống không biết bao nhiêu người, bình thường chỉ thây người ta dập đầu thắp hương cầu khấn cho ngài ấy, làm sao có ma quỷ tới hại ngài được? Chỉ là ngài ấy cứ khăng khăng ở một mình khiến cho tòa nhà ấy trở nên thần bí, kẻ hiếu sự bèn nhân thế dựng chuyện mà thôi”.

Hà Y hỏi: “Thật sự không ai được vào trang viên của cốc chủ sao?”.

Tôn Phúc đáp: “Cũng không hoàn toàn là thế. Trước đây bọn trẻ con trong cốc thường tụ tập nhau vào đấy chơi, nào là trốn tìm, nào là bắt dế, bởi vì trong đó có một cái hồ lớn, trên hồ lại có cầu, bọn trẻ ở đây đều biết bơi, cứ mùa hè chúng lại tới hồ bơi lội nô đùa. Nhưng ai ngờ mùa đông năm ngoái có đứa nhóc năm tuổi bởi ham chơi mà trượt chân ngã xuống hồ, hại cố chủ suýt mất mạng, từ đó bọn trẻ con lại cũng không được vào trong nữa”.

Hà Y nói: “Ma quỷ lúc nãy nói liệu có phải là đứa trẻ này không? Tại sao lại hại cốc chủ suýt nữa mất mạng?”.

Tôn Phúc nói: “Lại nói, mùa đông năm ngoái rét đậm, tuyết rơi một trận làm nước hồ cực lạnh nhưng chưa đóng băng hẳn. Mấy đứa trẻ vốn đang chơi trong đình trên cửu khúc kiều, không biết thế nào lại có một đứa, chính là con gái của người đánh xe ngựa trong cốc, trượt chân ngã xuống hồ, tuy mặt nước, có đóng một lớp băng nhưng rất mỏng, không chịu nổi sức nặng của đứa trẻ, thế là nó chìm xuống hồ. Lũ trẻ còn lại sợ hãi đứng ngây ra đấy. Đứa lớn nhất là một thằng nhóc cũng chưa lên mười bèn hét toáng lên. Nói kể cũng khéo, đúng lúc ấy cốc chủ vừa từ bên ngoài về, định đến đình giữa hồ ngồi một lúc, nghe thấy tiếng vội đến đấy, chẳng nghĩ ngợi lao thẳng xuống mò dưới nước rất lâu mới thấy đứa trẻ kia, cũng không biết làm thế nào mà có thể đưa nó lên cầu, còn bản thân mình lại bị lạnh tới mức không còn chút sức lực nào nữa”.

Hà Y cười nói: “Câu chuyện này chắc bị thêm thắt rồi. Ai mà biết chân của cốc chủ không thể cử động, làm sao ngài ấy bơi được?”.

Tôn Phúc nói: “Chắc không phải, chúng tôi vốn cũng nghĩ thế. Huống chi ngài ấy từ nhỏ đã bị phong thấp, không chịu nổi lạnh và ẩm ướt. Ngài ấy làm thế nào đưa được cô bé kia lên, cho đến tận bây giờ mọi người vẫn không sao đoán được, chỉ biết khó khăn lắm ngài mới đưa được cô bé kia lên, còn bản thân mình thì lại chìm xuống, đợi đến khi cả đám người chạy tới đưa ngài lên, ngài đã không còn thở nữa rồi. Phải nhờ mấy vị đại phu đôn đáo trên đầu cầu rất lâu mới giúp ngài nôn ra bao nhiêu nước, nhưng người vẫn còn yếu ớt, nằm liệt hôn mê mấy ngày liền, nghe nói bệnh phong thấp cũng bởi thế mà nặng hơn gấp mấy lần, các khớp xương trên người đều sưng lên”.

Hà Y than: “Thật đáng thương”.

Tôn Phúc lắc lắc đầu, nói: “Người đáng thương không chỉ có mình ngài ấy. Tính khí của cốc chủ ở đây không ai là không biết, lúc ngài bệnh thì không gặp bất cứ ai. Lần đó tin cốc chủ lâm bệnh từ trong cốc truyền ra, mấy bệnh nhân ngài định điều trị đều chuyển cho đại phu khác, tin ấy khiến cho một người lo lắng tới phát khóc”.

Hà Y hỏi: “Là ai lo lắng đến thế?”.

Tôn Phúc nhỏ giọng nói: “Hẳn cô nương cũng biết chỗ chúng tôi còn có một vị đại phu gọi là ‘Diệu thủ quan âm’ Ngô Du?”.

Hà Y nói: “Chưa từng nghe qua”.

Tôn Phúc nói: “Nói về vị Ngô đại phu này, cô ấy là đệ nhất mỹ nhân ở chỗ chúng tôi, vốn xuất thân nhà quan lại đừng nói y thuật hạng nhất, đến cầm kỳ thi họa cũng đều tinh thông. Vì phụ thân làm quan trong triều gặp chuyện mới đổi sang học y thuật, trước khi đến đây đã có chút tiếng tăm ở quê nhà. Nghe nói từ khi cốc chủ ra đề thi tới nay, chỉ có mình Ngô đại phu làm được tốt nhất. Phải nói tính tình vị Ngô đại phu này cực kỳ dịu dàng dễ chịu, rất biết quan tâm chăm sóc, là người được lòng người nhất ở đây. Ai cũng nói cô ấy với cốc chủ là một cặp trời sinh. Nghe nói, lúc bình thường nói chuyện, cốc chủ đều rất lạnh nhạt, chỉ duy nhất đối với vị Ngô cô nương ấy thì lại rất khách khí. Ngài ấy dạy học trò cực kỳ nghiêm khắc, ngôn từ nói rất khắc nghiệt, chỉ duy đối với Ngô cô nương thì ít khi nặng lời. Nhưng lần bị bệnh nặng ấy, ngài cự tuyệt không chịu gặp bất cứ ai, kể cả Ngô đại phu cũng bị chặn ở ngoài cửa. Kết quả, một người bệnh gần chết trong phòng, một người ngoài cửa cũng lo muốn chết, chẳng được mấy ngày, Ngô đại phu đã héo hon gầy rộc đi, qua mấy ngày nữa cô ấy cũng đổ bệnh”.

Hà Y nghe tới say sưa, hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”.

Tôn Phúc nói: “Sau đó? Sau đó cái gì? Sau đó cốc chủ khỏi bệnh, bệnh của Ngô đại phu cũng tự nhiên mà khỏi thôi. Hai người bọn họ lại khách khí với nhau như trước. Chỉ đáng tiếc, tâm tư của Ngô cô nương cốc chủ trước sau không hiểu, lại làm lỡ dở cô ấy”.

Hà Y hỏi: “Nói đến cốc chủ của các vị, tôi có nghi vấn này, đại ca từng nghe qua rốt cuộc phụ thân của cốc chủ là ai không?”.

Tông Phúc bật cười, nói: “Đây là lần đầu tiên cô nương tới Vân Mộng cốc?”.

Hà Y đáp: “Đúng vậy. Câu hỏi này rất kỳ lạ à?”.

Tôn phúc đáp: “Không lạ. Chẳng qua ở đây ai cũng bảo, phụ thân của cốc chủ chính là Thiên Sơn Băng Vương”, ông ta nói ra câu này rất tùy tiện cứ như là kiến thức phổ thông vậy. Hà Y kinh ngạc ngây người.

“Tại sao?”

“Bởi vì trước khi đại tiểu thư biến mất mấy ngày, hai vị kiếm khách nổi tiếng nhất thiên hạ từng đến Phi Diên cốc đọ kiếm. Kết quả là Thiên Sơn Băng Vương thắng. Mọi người đều nói, đại tiểu thư đã bỏ đi theo ông ấy.”

Hà Y hỏi: “Đại ca có chứng cớ gì không?”.

Tôn Phúc đáp: “Làm gì có chứng cớ, chứng cớ duy nhất chính là khoảng thời gian trước kia khi đại tiểu thư biến mất, chỗ chúng tôi chỉ có sự kiện kia là không tầm thường”.

Hà Y nói: “Ý đại ca là, nếu có hai việc không tầm thường cùng phát sinh ở một chỗ thì giữa hai việc ấy nhất định có quan hệ với nhau?”.

Tôn Phúc nói: “Lý lẽ ấy tuy có chút cổ quái nhưng mọi người đều nghĩ thế”.

Hà Y nói: “Đại ca từng gặp Băng Vương?”.

Tôn Phúc đáp: “Đấy là việc của hai mươi mấy năm trước, khinh công, kiếm thuật của Băng Vương là số một thiên hạ, vị ấy đến đi không ai biết, đủ tư cách đến xem tỉ thí cũng chỉ có ba vị có danh tiếng trong võ lâm thôi, tóm lại cực kỳ ít người từng gặp qua vị ấy. Trong cốc thì chưa có ai từng gặp được”.

“Lẽ nào Băng Vương không ăn cơm, không ngủ nghỉ? Nếu có ăn cơm, nhất định phải có ai đó gặp ở tửu lâu. Nếu ngủ nghỉ, nhất định phải ở khách điếm”.

“Viêc ấy không sai. Vấn đề ở chỗ, nơi này của chúng tôi một năm bốn mùa đều có khách tứ xứ đổ đến, nói toàn tiếng địa phương khác, với lại chưa có ai từng gặp Băng Vương, kể cả ông ta có ngồi ăn mì ngay trước mặt cô, cô cũng chẳng biết được đó là ông ta”.


Hà Y thở dài một tiếng, lại hỏi: “Vậy người tỉ thí với Băng Vương là ai? Mà ba vị đến xem tỉ thí là ai?”.

Nguồn: truyen8.mobi/t32933-me-hiep-ky-chuong-5-part-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận