Mật Thám Phong Vân Chương 122 : Đúc tiền

Trường An, phủ Kinh Triệu.
Kinh thành có khá nhiều quảng trường lớn để dân chúng tập hợp, giả dụ quanh Ngõa Tử để diễn võ đấu vật, hoặc quanh Câu Lan diễn ca múa. Ngoài ra cạnh cổng thành nơi dán cáo thị cũng có, nơi này thi thoảng có chém đầu thị uy, ra quân giết địch gì đó.
Lúc này gần cửa Minh Đức đang rất đông người vây lấy. Đại lộ Chu Tước tuy rộng mấy làn đường vẫn bị tắc nghẽn.
- Nào nào, tránh ra, đừng chen nữa, để ta chen.
- Ngươi cái đồ lưu manh, dám sờ mông bà, ngươi ... Ấy, chẳng hay vị quan nhân đây có rảnh rỗi, nhớ ghé lầu Đinh của nô gia ...
- Ài, lại một đống tham quan sắp sinh ra, dân chúng vẫn khổ thôi. - Lão nhân nào đó nói thầm.
Hôm nay là ngày dán bảng đề danh, kỳ thi Hội đã xong một tháng trước. Trong chỗ người kia chủ yếu là nho sinh, đều nhón chân xem tên mình, có kẻ nhảy cẫng ôm nhau hò hét, có kẻ thất thểu chui ra. Đặc biệt có vài tỷ muội xuất hiện, nghe đâu vài vị sĩ tử trước khi thi đều đi "xả xui", tiện thể hứng lên thề hẹn chơi vài câu. Nay tỷ muội cũng chạy ra dò tên xem sao. Thời đại này cũng khá hài hước, tài tử sánh cùng kỹ nữ, xử nữ đi với tham quan.


Bên kia đường, có vài nhóm nho sĩ đang tụ tập. Các vị đây đều ăn mặc khá thời trang, đầu đóng khăn, áo dài in hoa, tay không cầm quạt thì cũng cầm kẹo hồ lô gì đó.
- Hoàng huynh quả thật xứng danh đệ nhất, Quốc Tử Giám đỗ đầu không nói, ngay cả bảng vàng thi Hội cũng xếp trên.
- Còn phải nói, chỉ e Trung thu tới vẫn là Hoàng huynh đối đáp cùng Đạo Quân trên điện mất thôi.
Người họ Hoàng chỉ cười mỉm. Gã chính là Hoàng Anh Hoa nổi danh miền nam, lúc trước dạo chơi Tô Châu gặp gỡ Ngô Oánh Oánh.
Hoàng Anh Hoa, Ngô Vực, Trịnh Khắc, Ngụy An Hành nhóm này đều là những người đỗ cao trong kỳ thi Hội vừa rồi.
Trịnh Khắc quay qua một người thấp bé :
- Cũng phải chúc mừng Ngụy huynh, nghe nói trực tiếp vào Long Đồ các, cơ hội thân cận Đạo Quân không xa rồi.
- Không dám, không dám.
- Diệp huynh, đừng buồn làm gì, dù sao làm Thái học sinh cũng không tệ.
- Haha, tiểu đệ chỉ thấy hổ thẹn thôi.
Diệp Tố Tân, một trong "tứ đại tài tử Giang Nam" cũng có mặt, nhớ năm trước còn theo đuôi Lăng Vân lên kinh thành.
Cùng lúc ở một nhóm khác.
- Chúc mừng Vương huynh, đỗ thẳng vào nội xá.
- Haha, dù sao cũng là Thái học sinh cả thôi.
- Làm sao giống nhau, Vương huynh không phải người Trường An, có thể vào nội xá là vinh hạnh cho huynh đệ chúng ta.
Đủ loại chúc tụng, chia buồn có ở khắp nơi.
Những kỳ thi kiểu này là cơ hội người nổi tiếng khắp Nam Tống tụ hội về, quen biết lẫn nhau, đấu đá lẫn nhau, bắt đầu đặt chân vào quan trường.
Quốc Tử Giám thực ra không phải là một trường học, trái lại tương tự bộ Giáo dục sau này.
Dưới Quốc Tử Giám chia thành sáu trường, gồm Quốc tử học, Thái học, Thư học, Tứ môn học, Toán học và Luật học. Ngoài ra bên ngoài còn có vài trường nhỏ, Thiên văn học dính đến Khâm Thiên giám, Võ học do bộ Binh quản lý, hay Y học liên quan đến Y quan viện. Tuy vậy vào trường nào cũng gọi là Thái học sinh. Còn đỗ thi Hội có tư cách Tiến sĩ.
Đối với dân chúng Thái học sinh hay Tiến sĩ đều là "người giỏi" cả. Nhưng đối với kẻ học hành, mấy danh xưng này cách nhau cả vạn dặm. Dù sao thi vào Quốc Tử Giám hỗn loạn hơn, giống như thi vào Đại học trước kia, còn thi Hội thi Đình chỉ dành cho người ưu tú tham gia.
Quốc Tử Giám chia làm ba xá, ngoại xá, nội xá, thượng xá, mang ý nghĩa phân cấp rất cao, đặc biệt là thượng xá. Học sinh mới đỗ vào đều có tư sách ngoại xá sinh, chỉ những vị trí đầu tiên lên thẳng nội xá. Trong quá trình học, cứ hết một kỳ sẽ xếp hạng lại giữa nội - ngoại xá. Riêng thượng xá chỉ dành cho nội xá sinh thi tuyển, đỗ vào thượng xá và giữ nguyên tư cách đó đến khi mãn khóa thì thành Tiến sĩ như thi Hội, đại loại lớp "tài năng".
Vào nội xá ngoài đỗ cao, còn xét đến "đức hạnh" tốt. Hai chữ này thực ra là lỗ hổng để đi chui. Bấy lâu nay đều tồn tại một quy tắc ngầm, nho sinh xuất thân kinh thành sẽ có "đức hạnh" cao hơn, đám xuất thân ở vùng sâu vùng xa dù giỏi mấy cũng dễ bị cho ra ngoài.
Vương Cỗ Doãn nghĩ gì đó, chuyển đề tài :
- Ài, năm nay nghe nói còn có cả thương nhân gia đinh vào Quốc Tử Giám.
- Có chuyện này? - Lư Bằng Quân hỏi lại.
- Ta cũng chỉ biết thế, nghe đâu nhà giàu Giang Nam.
- Cái đám đó chỉ làm ô danh thái học sinh chúng ta.
Kẻ bị đồn "gia đinh" kia chính là Lăng Phong, không biết ai rảnh hơi tung tin ra. Hắn đang vi vu tận Sơn Đông, thân phận kém nhất trong trường nhưng chưa gì đã được "để ý" đến.
...
Cách đó vài căn phố.
Đây là một phủ đệ nhỏ, Gia Cát Vinh đang nhâm nhi chén trà cùng một người trung niên.
Tiền trang sắp xây xong, Lăng Phong quá thiếu người đành giao lại cho Gia Cát Vinh.
Lăng Phong tuy một lần bị thót tim vì giao chuyện tiền bạc cho người khác nắm. Nhưng quả thật hắn không đủ dài tay mà lo tất cả mọi chuyện. Ít nhất Gia Cát Vinh là kẻ có đầu óc nhất mà Lăng Phong dùng được, thê nhi thân thích đều không có.
Nếu Lăng Phong muốn chú tâm vào rèn luyện cùng Hắc kỳ, bắt buộc hắn phải thả việc cho người khác lo. Có lẽ vấn đề nằm ở lòng trung thành.
Để có thể vào đây ngồi với người kia, Gia Cát Vinh cũng tốn không ít tiền bạc nước miếng. Lần này gã cần xin quyền đúc tiền cho tiền trang Phong Vân.
Người trung niên ngồi đối diện là Phạm Tông Doãn, Giám chính Chú Tiến giám, quan ngũ phẩm.
Chú Tiến Giám, một trong cửu giám, cơ quan thuộc bộ Hộ, chuyên lo chuyện đúc tiền của thiên hạ, thậm chí quản cả tỉ giá vàng bạc. Cái chỗ này, "ăn vụng" cũng dễ, mà bị hại chết cũng rất dễ.
Chuyện đúc tiền không phải độc quyền của triều đình.
Ban đầu triều đình cấm tiền tư nhân, nhưng Nam Tống quá lớn, đúc ngoài luật rất nhiều. Triều đình quản không nổi, buộc phải cấp quyền đúc cho vài chỗ.
Dần dà, dân gian xin quyền đúc tiền không phải chuyện lạ, dù hầu hết đều ở xa kinh thành. Những đám đổ phường, tiền trang làm ăn lớn nhân đó cũng đút lót xin xỏ quyền đúc. Những chỗ này tuy vậy chỉ xin đúc tiền đồng, tiền sắt để tiêu thụ nhỏ lẻ. Nhưng khổ nổi Lăng Phong đào ra vàng, hắn cần đúc đĩnh vàng.
Tiền thời Tống có từ tiền sắt - đồng đến đĩnh bạc - vàng. Thông dụng nhất là văn tiền đồng và quán bạc. Bởi đúc bạc kiểu gì cũng bị "thêm bớt" gì đó vào, dần dà mất giá. Hiện tại gần 2 quán mới được 1 lượng bạc, dù sao đã có thể ra phố ăn một bữa no say.
Đúc bạc đã vậy, đừng nói đến đúc vàng. Tỉ giá vàng bình thường gấp 10 lần bạc, nhưng việc đúc bị lũng đoạn dẫn đến tỉ giá lên xuống rất thất thường.
Dù vậy đĩnh vàng - bạc chủ yếu đều do triều đình đúc, lưu thông có dấu riêng của quan phủ, còn gọi là quan tiền. Gần đây chiến tranh thiên tai cần tiền, triều đình quốc khố không đủ cung ứng kịp, đành đề ra một cái ngạch, địa phương có thể tự đúc bằng với chỗ ngạch đó để chi tiêu. Thành ra nhân lúc hỗn loạn, vàng bạc không đúng tỉ lệ từ đâu tuồn ra vô kể. Lăng Phong cũng nhắm vào chỗ này để kiếm ăn. Tiền trang của hắn dĩ nhiên phục vụ dân chúng thương nhân, nhưng kiếm lời nhiều nhất là khi có chuyện lớn.
Phạm Tông Doãn là kẻ có tài hoa, nhưng đường thi cử không tốt, tuy vậy tính khí lại khá cố chấp. Sáu năm trước ông ta đỗ Quốc Tử Giám, nhưng lại hỏng thi Hội. Phạm Tông Doãn mãn khóa Thái học sinh không có tư cách thượng xá, không ra làm quan ngay, quyết tâm thi lấy Tiến sĩ, mãi ba năm trước mới đỗ.
Gia Cát Vinh mất mấy ngày tìm hiểu về người này, ghi một bài thơ gửi lên, đến hôm nay mới được gặp.
Phạm Tông Doãn vuốt râu nhìn tờ giấy nói :
- Ngươi có tài hoa, vì sao không thi lấy công danh?
- Thói đời bây giờ, công danh có tác dụng gì. - Gia Cát Vinh cười mỉa mai.
- Ngươi nói vậy ý gì? - Phạm Tông Doãn khó chịu.
Phạm Tông Doãn hơi sượng mặt. Gã xuất thân tiến sĩ, cũng may Gia Cát Vinh làm thơ không tệ, nếu không với thân phận chênh lệch mà nói năng "đụng chạm" kiểu kia, Phạm Tông Doãn đã đạp ra ngoài đường.
Gia Cát Vinh giả vờ không để ý, nói tiếp :
- Tiểu nhân trước kia ngưỡng mộ đại nhân, cũng muốn theo chân ngài bước vào quan lộ. Nhưng rồi nhìn đại nhân hùng tài vĩ lược, rút cục mãi bị kẻ khác chèn ép, vẫn chỉ làm ở Chú Tiến giám này. Người thô thiển như tiểu nhân, chỉ e chưa đặt được chân vào đã bị chặt mất.
- Ngươi nói ta tầm mắt không đủ rộng?
- Hoàn toàn ngược lại. Tầm mắt của ngài quá rộng, nên ông trời đố kỵ.
Phạm Tông Doãn chân mày giãn ra, Gia Cát Vinh nói trúng tim của gã.
Phạm Tông Doãn vẫn nghĩ, mình không hề kém cỏi, chẳng qua vì có tài, trời không cho cơ hội, nói đúng hơn là người ở trên cao "không cho cơ hội".
- Haha. Như ngươi nói, thấy ta không có tương lai, liền bỏ đi.
- Đại nhân, vậy cũng không phải. Nếu tiểu nhân theo ngài vào quan lộ, chỉ e vướng chân ngài. Nhưng tiểu nhân sẵn sàng giúp ngài tài lộ a. Dù đi đường nào cũng đều là thực lòng.
Phạm Tông Doãn nói sang chuyện khác :
- Ngươi cũng biết việc đúc tiền vàng, triều đình không thể dễ dàng cho phép?
Gia Cát Vinh cười mỉm, chỉ sợ không nói, một khi nói ra là có "đường đi".
- Đại nhân, tiểu nhân dĩ nhiên biết việc này khó khăn. Đại nhân thiên tân vạn khổ.
Gia Cát Vinh nói rồi cố ý nhích cái khay trên bàn một chút. Trên khay là cây bút được đúc bằng vàng.
Phạm Tông Doãn liếc nhìn cái khay, nhếch mép nói :
- Vậy đi, may cho ngươi, sắp đến kỳ hạn đi sứ Đại Kim. Giao cho phường các ngươi đúc tiền này. Chẳng qua số lượng ...
- Đại nhân, việc này tiểu nhân sẽ tính toán kỹ.
Phạm Tông Doãn cười nhẹ, ba chữ "tính toán kỹ" kia hàm ý gã hiểu rõ, nhưng vẫn phất tay :
- Đừng nghĩ ta cần chút tiền hiếu kính của ngươi ...
- Dĩ nhiên. Đại nhân xem trọng thi từ như vậy, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.
- Haha, ngươi ...
- Mong đại nhân chỉ dạy thêm. - Gia Cát Vinh khom lưng.
- ... nhân tài như ngươi, không ra làm quan, quả thật phí phạm.
- Đa tạ lời khuyên của đại nhân.
Cả hai cùng cười lớn, cũng không biết đằng sau nụ cười là điều gì?

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/mat-tham-phong-van/chuong-122/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận