Mẹ Thơm Một Cái Chương 17

Chương 17
Tôi rất buồn, lại mở máy tính ra, để những con ma cà rồng chạy lui chạy tới khắp Kyoto từ ba trăm năm trước chiếm lĩnh bộ nhớ tạm thời của tôi, tránh lại có tài nguyên dư thừa nhớ về Xù.

Mẹ vẫn liên tục ho, đổ mồ hôi trộm, tôi chỉ biết bất lực dừng gõ bàn phím, ngoài nói mấy câu động viên ra, chẳng biết giúp gì nữa.

Khó khăn lắm mẹ mới ngưng được cơn ho vật vã, rồi ngủ thiếp đi trong tư thế kỳ quặc. Quả Cầu Nhỏ và tôi rốt cuộc cũng thở phào nhẹ nhõm.

Tôi nhớ đến Giai Nghi.

Mọi thứ về Giai Nghi đủ để viết trọn một câu chuyện trong sáng và đau buồn về tuổi trẻ mà cả đám chúng tôi cùng sở hữu, vẹn toàn nhưng cũng đầy ắp tiếc nuối.

Tôi yêu Giai Nghi, bắt đầu từ năm thứ hai trung học cơ sở ngô nghê cho đến năm thứ ba đại học vẫn còn ngây ngô, rất cố gắng để yêu Giai Nghi tám năm trời. Nhưng nếu đổi một định nghĩa khác về yêu, thì đến bây giờ tôi vẫn rất yêu Giai Nghi, tròn mười lăm năm rồi, chưa từng gián đoạn; có điều con người Giai Nghi mà tôi yêu vẫn dừng lại ở Giai Nghi trước kia, không thể chuyển đổi về thời gian không gian hiện tại.

Tôi hiểu, tôi trung thành với tình cảm của mình, chứ không phải với “con người”.

“À, người con gái của lòng anh hồi đó thay đổi rồi, thật ra anh không thể tiếp tục tình cảm của mình, nhưng lại quen lưu giữ tình cảm đó, giống như văn khắc trên bia mộ vậy.” Quả Cầu Nhỏ nói.

“Cảm giác yêu sẽ không thay đổi, nhưng người mình yêu thì lại không thể đi tiếp cùng nhau nữa.” Tôi nói, nhưng thật ra không cần phải giải thích.

Tôi phát hiện tuổi của Quả Cầu Nhỏ không thể là mười bảy.

Có lẽ lớn hơn một chút?

“Hôm nay anh viết được 3000 chữ thôi, cứ thế này thì không thực hiện được ước mơ đâu.” Quả Cầu Nhỏ nhắc tôi, nhưng sự chú ý của tôi đã mất kiểm soát.

Tôi không biết cuối cùng Xù liệu có giống như Giai Nghi, trở thành một chú giải trong quá khứ không.

Những sự tốt đẹp không còn thuộc về tôi, thì chỉ có thể là một tình yêu đã qua, mà không phải là một tình yêu tiếp diễn.

Ban đầu tôi rất hy vọng sau khi chia tay Xù, hai đứa vẫn quan tâm lẫn nhau như ruột thịt, nhưng gắn bó sâu sắc quá, thực ra tôi sẽ phiền lòng với tình cảm mới của Xù, tôi không thể làm như trong tưởng tượng của mình: thật lòng cầu chúc hạnh phúc cho cô ấy.

Nói cho cùng, tôi rất không hoàn hảo, thậm chí khiếm khuyết tùm lum.

Những điều cầu chúc của tôi, có lẽ nên đưa từng chút một, gom góp cho hoàn chỉnh hơn.

“Thế nên mới có em, đừng đuổi em đi.” Quả Cầu Nhỏ cầu xin.

Tôi khóc.

Gục đầu vào lòng Quả Cầu Nhỏ.

31/12/2004

Mặc dù mỗi lần ho đều sặc chảy nước mắt, nhưng tối hôm trước mẹ chỉ sốt nhẹ, không lâu sau thì đổ mồ hôi hạ sốt, không cần uống thuốc giảm sốt.

Hôm qua bác sĩ đánh giá tình hình, quyết định cho mẹ xuất viện vào ngày mai, nhưng về nhà vẫn phải tự cách ly, hẹn hai tuần sau quay lại bệnh viện lấy máu và xét nghiệm đờm. Bác sĩ đã nói vậy, đương nhiên chúng tôi không có ý kiến gì khác. Mẹ chờ ngày này đã quá lâu.

“Tốt quá, mẹ đã được về nhà rồi.” Quả Cầu Nhỏ nhảy tưng tưng.

“Ừ, tốt quá đi!” Tôi cười hì hì, lắc lắc đuôi tóc của Quả Cầu Nhỏ.

Mẹ rất vui mừng, bắt đầu thu dọn đồ đạc như đứa trẻ hân hoan chuẩn bị ngày mai đi chơi xa.

Tôi ở bên cạnh nhưng chẳng giúp nổi việc gì, chỉ đứng xem mẹ đang thi triển phép thuật.

Mẹ dọn dẹp sắp xếp đồ đạc cũng có một triết lý riêng về ngăn nắp trật tự. Nếu là tôi soạn đồ, chắc chắn sẽ lỉnh kỉnh túi nhỏ túi to, nhưng mẹ lại có thể chia nhóm phân loại, đóng gói đồ đạc bằng số túi tối thiểu.

Trưa hôm qua tiệm thuốc tạm nghỉ, ba lái xe chở phần lớn đồ đạc đi, còn anh cả đang giám sát thi công nhà mới, các nhóm thợ lắp điều hòa, thiết bị gia dụng và đồ nội thất kéo đến cùng ngày, bận tối mắt tối mũi, nhưng rõ ràng vẫn không kịp để mẹ xuất viện có ngay nhà mới sạch sẽ để tĩnh dưỡng.

Thật đáng tiếc, chúng tôi dự kiến ít nhất phải hai tuần nữa mới thu xếp ổn thỏa nhà mới. Đến lúc đó chắc mẹ đã lại phải vào bệnh viện làm hóa trị liệu đợt hai.

Đêm khuya hôm qua, ba chở tôi đến Đào Viên, hẹn cả thằng út ở đó dể tham gia lễ cúng bà ngoại. Hôm đó nghe nói là ngày lạnh nhất mùa đông năm nay, lại mưa suốt ngày, tôi không mặc áo khoác, phải liên tục vận nội lực chống rét, kết quả vẫn bị lạnh tê tái.

Lễ cúng bà ngoại không có mẹ, trận mưa lạnh buốt ấy như muốn nói điều gì.

Tối hôm nay, cuối cùng mẹ đã trở về căn nhà quen thuộc, vào ngày cuối cùng của năm 2004.

Nếu đây là một tiểu thuyết, tôi sẽ viết rằng: “Mong sao tất cả tai họa và đau buồn đều dừng lại ở năm 2004.”

Đáng tiếc đây lại là đời thực.

Tôi chỉ biết trong năm mới đến, phải biết trân trọng từng ngày, và hết sức cố gắng.

Nhưng có những thứ muốn trân trọng cũng chẳng còn cơ hội. Tôi đã không chờ được cú điện thoại đếm ngược của Chó Xù. Khoảnh khắc bắt đầu năm mới của cô ấy trôi qua, đã không còn thuộc về tôi.

23/2/2005

Bây giờ là ngày 23 tháng 2 năm 2005, cách ghi chép gần nhất về đồng hành cùng mẹ đã năm mươi tư ngày.

Cách năm mươi tư ngày không ghi chép, mẹ giờ đang nằm bên cạnh tôi, tiến hành đợt hóa trị liệu lần thứ ba.

Khoảng thời gian ngắt quãng đó đương nhiên xảy ra rất nhiều việc, tôi thử chọn một số chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất để dốc lòng.

Mẹ rất băn khoăn, lần đầu hóa trị liệu đã nằm viện bốn chục ngày, quá nhiều. Lâu đến mức không thể xóa tan nỗi sợ hãi đằng đẵng bất tận, ngày nào cũng sốt lên sốt xuống, phát hiện vi khuẩn lao, ống dẫn nhân tạo vỡ bung phải tháo bỏ, bao nhiêu là khó khăn tai nạn ngăn cản mẹ bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện Chương Cơ. Sau đó bà ngoại lại mất vào đúng thời gian này, khiến cho mẹ bị giam trong phòng bệnh càng cảm thấy bất lực.

Sau khi về nhà, mẹ bắt đầu thấy giận hai tuần nằm thêm trong bệnh viện. Viết thư cho cậu út và mợ cả, mẹ liên tục nhắc chuyện này, khi cậu cả và dì năm đến Chương Hóa thăm, mẹ cũng kiên định cho rằng, trong đợt nằm viện làm hóa trị lần thứ hai, bệnh viện phải “trả lại công bằng” cho mẹ.

Quả là rất đáng yêu.

Tôi buộc phải thừa nhận, sau khi mẹ ra viện, tôi liền thả lỏng rất nhiều, giống một cục c. dài dài đần độn, ngày nào cũng ngủ với Puma đến trưa mới dậy, bữa sáng đã có người nhà lo cho mẹ, tôi chỉ phụ trách đi chợ mua thức ăn chiều tối, và ở cạnh mẹ viết sách (lúc đó chúng tôi đã cùng xem xong phần chiếu lại của Nàng Dae Chang Geum và Nấc thang lên thiên đường, trở thành khán giản trung thành của tám kênh văn nghệ giải trí).

Nói ra thì không chỉ mình mẹ tôi, mẹ vừa mắc bệnh, nhiều “điểm mù” trong nhà bỗng chốc lộ ra rõ mồn một, những “điểm mù” đó phản ánh rằng bình thường chúng tôi đã buông thả cho phép mình thờ ơ với gia đình này đến nhường nào.

Bình thường mẹ nghỉ ngơi trên lầu. Bởi vì nếu ở dưới tiệm, sẽ có rất nhiều khách quen, hàng xóm, nhân viên các công ty dược phẩm xúm lấy mẹ hỏi thăm động viên nọ kia, tuy là quan tâm, nhưng chắc chắn mẹ không nghỉ ngơi được, còn phải tốn sức nói chuyện, trình bày bệnh tình, rồi lại an ủi ngược lại mọi người về nhân tình thế thái, nên thà cứ ở trên lầu xem ti vi rồi ngủ. Vả lại, tiệm thuốc tầng một rất nhiều người lui tới, cũng không phù hợp “tự cách ly”.

Có một buổi tối đóng cửa tiệm thuốc xong, mẹ xuống làm sổ sách dấu má, lúc đi qua cây nước nóng lạnh, phát hiện trên bề mặt vỏ nhựa đầy bụi bẩn, mẹ lặng lẽ lấy khăn ra lau, khiến bọn tôi trông thấy thất kinh hồn vía, vội vàng yêu cầu mẹ nghỉ ngơi. Cứ như vậy, mỗi người đều ôm nỗi ăn năn và bứt rứt, bèn cầm khăn lên làm vệ sinh tủ thuốc và cửa kính, ngay cả người chưa từng cầm khăn lau là ba cũng đi tìm chỗ để lau. Bấy giờ mẹ mới lẩm bẩm sao không có ai để ý cây nước bị bẩn đến mức thế này.

Lại một buổi tối khác đóng cửa tiệm thuốc, chúng tôi đang ở dưới nhà bỗng ngửi thấy mùi trứng xì dầu quen thuộc, lên nhà tìm hiểu, quả nhiên mẹ đang lén lút vào bếp, làm món trứng rán xì dầu nhãn hiệu mẹ hiền mà tôi yêu thích nhất, trong nồi còn có canh cà chua sắp sôi. Cả nhà bật cười, xúm vào giúp mẹ lấy bát lấy đũa. Bóng dáng nhỏ bé của mẹ như con thoi chạy đi chạy lại giữa bếp với phòng ăn, mãi mãi là điểm khởi đầu của hương vị gia đình.

Mẹ kể một chuyện dễ thương về đón năm mới.

Hồi đó mẹ vẫn còn là một nhóc tì, ông ngoại đem nhóc tì mẹ đi khắp các nhà để chúc Tết. Ở dưới quê, nhà ai cũng nghèo, vật chất thiếu thốn, nhưng tình người lại nồng hậu lạ kỳ. Trong tay ông ngoại chỉ có sáu trái quýt, đến nhà ai ông cũng lấy ra hai trái cung kính đem tặng, ngồi ở phòng khách hàn huyên một hồi, lúc đứng dậy cáo từ, người trong nhà liền vào trong lấy ra hai trái quýt khác đem tặng lại, để ông ngoại tiếp tục đi chúc Tết nhà khác.

Cứ thế, tổng số quýt trên tay vẫn vậy, nhưng các trái quýt thì thay đổi liên tục, mẹ theo ông ngoại đi chúc Tết từ đầu làng đến cuối làng. Mọi người đều rất ăn ý – mà tôi gọi là một sự đồng thuận ấm áp.

Nhưng từ khi mẹ về nhà tĩnh dưỡng, không phải việc gì cũng được tốt đẹp. Lúc đó cả nhà luôn chìm trong một bầu không khí kỳ dị, và cũng có những xung đột ngấm ngầm ẩn chứa trong cuộc sống hằng ngày.

Ba trở nên rất nhạy cảm, rất dễ chán nản thất vọng, hoặc nổi cáu với người nhà chỉ vì những chuyện cỏn con. Ba cũng bắt đầu nghi ngờ những thành tựu của bản thân không được mọi người coi trọng, chẳng hạn như làm chủ tịch của rất nhiều công đoàn và chủ tịch xã đoàn Ratary v.v..., ba trở nên hơi mất phương hướng.

Từ sau khi mẹ mắc bệnh, ba coi việc rút lui khỏi xã đoàn Rotary là một hy sinh to lớn. Tôi thực sự không có cách gì đồng tình với ba, bởi vì chính ba còn không coi xã đoàn Rotary mà mình tham gia là một tổ chức tốt. Còn nhớ một lần trên xe đi Đào Viên viếng bà ngoại, ba lại nhắc chuyện này, tôi không kìm được nói với ba, anh cả cho rằng nếu mẹ không khỏi được bệnh, thì anh có lấy bằng tiến sĩ cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì thế đã xin phép giáo sư hướng dẫn trong trường cho nghỉ phép để tập trung chăm sóc mẹ, như thế mới gọi là hy sinh... Đem thứ rất quý giá, rất quan trọng của mình ra đánh đổi mới tính là hy sinh. Rút lui khỏi một tổ chức mà bản thân cũng không coi trọng thì tính làm gì.

Thực ra anh em tôi không phải không coi trọng sự nghiệp và các danh hiệu ba theo đuổi, nhưng cũng như anh cả khuyên ba, quả thật trong quá trình theo đuổi thành tựu của mình ba đã thiếu sự quan tâm. Rất nhiều quan tâm. Bắt đầu học cách dịu dàng từ bây giờ vẫn chưa muộn.

Ngoài ra, bà nội trở nên không biết làm gì. Bà rất muốn giúp đỡ, cũng rất cố gắng gắn mình vào hệ thống cơ cấu chăm sóc giúp đỡ mẹ, nhưng luôn luôn bất đồng quan điểm với mọi người trong vấn đề ăn uống. Nói bất đồng quan điểm cũng không đúng lắm, bà nội là người luôn chấp nhận nhượng bộ, nhưng... bà cũng âm thầm duy trì một số nguyên tắc tiết kiệm của bản thân, và không muốn mọi người động chạm đến nguyên tắc của mình.

Lấy ví dụ, ban đầu bà nội không thích ăn đồ buffet chúng tôi mua về, hoặc chỉ ăn thức ăn dư thừa của bữa buffet trước, bởi bà nội cho rằng đồ ăn chúng tôi mua về chỉ để phục vụ một mình mẹ, không phải của cả nhà. Nếu chúng tôi mua gà rán và khoai tây chiên chứa nhiều calo từ hàng fastfood về (hồng cầu ưa thích nhất thứ này), thì bà nội sẽ giục mẹ ăn thật nhanh, còn nhấn mạnh đây là thức ăn chúng tôi đo ni đóng giày riêng cho mẹ, song bản thân bà lại không đụng đến.

Tính cách của tôi thuộc loại thế nào cũng được, tôi rất tôn trọng ý chí tự do của mọi người, nếu trong nhà có người bỗng nhiên thích ăn pháo đùng hoặc vụn thủy tinh, tôi sẽ chỉ phụ trách chụp ảnh lưu niệm. Nhưng anh cả thì lại có “tính cách cần có của người anh”, anh vắt óc tìm cách giải thích cho bà nội, và kiên trì rằng thức ăn mua về là để cả nhà cùng ăn, có gì ngon lành thì cà nhà cùng tẩm bổ, trong nhà không cần có người chuyên phụ trách thức ăn thừa. Có một tối, bà nội một mình đun món cá đã thiu định ăn, anh cả trông thấy nổi xung, bèn lấy cái tô to gắp hết thức ăn thừa ăn sạch, mới làm cho bà nội sợ quá phải nhượng bộ.

Dĩ nhiên bà nội cũng có những chỗ đáng yêu, mặc dù hai chục năm qua không có thực tiễn bếp núc, nhưng dưới sự hướng dẫn của mẹ, bà đã nấu ra một nồi gà hầm, được mẹ khen một câu “rất ngon”, thế là cả tuần tiếp đó ngày nào cũng gà hầm. Sau đó mẹ lại khen một câu canh khoai lang ngon, chúng tôi bèn trải qua một tuần hoành tráng toàn canh khoai lang.

May thay bầu không khí này đã được cải thiện khá nhiều, ngoài thứ không khí đó, rất nhiều họ hàng hoặc bạn học cũ lâu năm không gặp, thậm chí cả những người tôi không ngờ tới như chị Sài, đều nói là họ đã đọc Mẹ, thơm một cái của tôi đăng dài kỳ trên mạng. Hỏi tôi vì sao không viết tiếp...

Ôi! Vì phải cày bản thảo cho kịp đấy!

24/2/2005

Vậy thì bắt đầu kể từ ngày 14 tháng 1 năm 2005, mẹ nhập viện làm hóa trị lần thứ hai.

Lần thứ hai, thực tế chỉ làm hóa trị có năm ngày, tức là năm bịch Ara-C, bệnh viện không ai chịu đứng ra làm phẫn thuật đặt port-A (một loại mạch máu nhân tạo đặt giữa hai vai, có thể dùng hơi nửa năm), bác sĩ điều trị cũng chẳng đặt ống dẫn nhân tạo vào trong cánh tay – một phương pháp đơn giản hơn – nữa.

Mẹ đành lần lượt truyền dịch vào hai tay, cách ba ngày đổi một kim mới, nếu vừa phải truyền thuốc vừa phải truyền máu, thì hai tay đều bị chọc kim. Mẹ thì nhẹ cả người, dù sao phẫu thuật cũng luôn khiến người ta khiếp sợ, nhưng tôi và anh cả lại rất đau đầu. Bởi vì hai tay liên tục bị chọc kim như vậy, mạch máu lại rất yếu ớt, dễ gây ra các vấn đề như xơ cứng tĩnh mạnh v.v...

Trong khi mẹ còn bị lao phổi, sợ lây nhiễm cho các bệnh nhân khác, chúng tôi buộc phải lựa phòng cách ly đơn đắt đỏ, trừ đi bảo hiểm y tế, mỗi ngày phải trả 2500 tệ. Chậc chậc.

Phòng đơn dĩ nhiên khá là dễ chịu, tôi đặt laptop của mình lên bàn trà nhỏ, điên cuồng cày bản thảo. Tôi đã lần lượt chiến đấu với xê ri truyện Sát thủ, ba tập đầu Truyền kỳ về thợ săn mạng sống, tập truyện ngắn, bản thảo sửa lại Đồng nhân thứ tám của Thiếu Lâm tự trong một không khí như vậy.

Một người bạn trên mạng, nick Nguyệt Quang Mẫu Nại nhắn tin cho tôi nói rất đúng, chất lượng phòng đơn đâu chỉ gấp đôi phòng hai người.

Ở phòng đơn, nói năng không cần thì thào, đồ dùng có thể quăng thoải mái khắp nơi, mỗi anh em đều có thể có chỗ cho mình, và quan trọng nhất là, có thể tùy ý đổi kênh ti vi. Thế là mẹ đều đặn xemChuyện tình Paris, tiếp tục theo dõi Nấc thang lên thiên đường và Ngọt đắng cuộc đời trên các kênh phim ảnh. Còn tôi say sưa với kênh Animal Planet.

Animal Planet có một kỳ chuyên về hổ Bengal, khiến tôi rất ấn tượng.

Ống kính bám theo một con hổ cái mới sinh hai con (hổ đực đi đâu không biết). Hổ mẹ dũng mãnh thiện chiến, bản lĩnh hiếm có, một mình chăm sóc hai hổ nhóc ngây ngô vụng về, dạy chúng săn mồi, làm mẫu cách nín thở theo dõi, từng bước áp sát con mồi, dạy cách điều chỉnh nhịp điệu giữa lúc rình mồi với chồm lên vồ mồi, dạy cách cướp linh dương và ngựa vằn với cá sấu bên bờ sông v.v... Tôi xem hai chú hổ con động tác hệt nhau rạp mình trườn về phía đám linh dương đang ăn cỏ, nhưng mấy lần đều bị lộ khiến đang linh dương cảnh giác lảng xa, cảm giác rất thú vị.

Nhưng quãng thời gian yên ổn chẳng được bao lâu. Lúc hổ con hai tuổi, trên lãnh địa của ba mẹ con hổ sống nương tựa vào nhau đột nhiên xuất hiện một vị khách không mời... một con hổ đực rất lực lưỡng.

Tôi cứ ngỡ hổ đến hai tuổi đã trưởng thành rồi, nhưng nhìn trên màn ảnh, con hổ đực xâm phạm kia còn to gấp đôi, to hơn cả hổ cái. Người làm phim giải thích, hổ đến bốn tuổi mới đủ sức sống độc lập, khi đó nó sẽ rời xa hổ mẹ, đi tới nơi khác mở mang vương quốc của riêng mình. (Lãnh địa của hổ đực thường rộng gấp ba, bốn lần của hổ cái). Còn trước đó, chúng hoàn toàn không phải là đối thủ của hổ trưởng thành.

Nguồn: truyen8.mobi/t127271-me-thom-mot-cai-chuong-17.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận