Sau lần đó mỗi lần tôi gặp được bố, tôi thấy bố tôi vui lắm. Bố dạy bảo, trò chuyện, căn dặn tôi rất đủ điều. Tôi sung sướng và hạnh phúc lẫn tự hào được làm con gái bố. Mỗi bước tôi đi dù khó khăn đến đâu bố cũng bên tôi động viên kịp thời. Bố kể cho tôi nghe về cuộc đời của bố. Chuyện rằng: Thời gian trôi đi từ nửa thế kỉ trước, câu chuyện này chỉ còn những người già họa chăng mới nhớ. Ở một làng quê thuộc tỉnh Thái Bình có hai gia đình rất thân nhau. Họ thân nhau tới mức củ khoai bẻ nửa, đấu thóc chia hai. Và một ngày cả hai bà vợ đều mang thai. Họ hẹn với nhau rằng nếu cả hai cùng sinh trai hoặc gái thì khi hai đứa bé sinh ra sẽ làm lễ cho chúng kết nghĩa làm chị làm em như anh em một nhà. Còn nếu như hai bà, người sinh con trai kẻ sinh con gái thì họ sẽ làm lễ gả con cho nhau ngay sau khi cả hai đứa trẻ ra đời. Đến ngày khai hoa, hai đứa trẻ một trai mộ gái ra đời trong sự vui mừng khôn xiết của hai họ, giao ước được thực hiện.
Ngày qua tháng lại, hai trẻ lớn lên và trở thành đôi trai tài gái sắc. Họ yêu nhau giống như ông tơ bà nguyệt sắp đặt xe duyên cho họ từ kiếp nào. Nhưng thương thay cho mối tình mặn nồng tưởng không gì có thể chia cắt được lại bị vướng vào chuyện vẫn thường xảy ra trong cuộc đời này. Gia đình người con trai vướng vào chuyện mang ơn một gia đình khác. Người con trai buộc phải lựa chọn giữa “bên tình bên nghĩa bên nào nặng hơn”? Người con trai phải lấy một người con gái không yêu để trả món nợ đời của gia đình. Vậy là mối giao ước keo sơn đành để lại. Gia đình nhà cô gái càng thêm thương cho gia đình người bạn, xót xa cảnh hai con trẻ phải đôi đường đôi ngả. Người con gái sống âm thầm, lặng lẽ vắng hẳn tiếng cười tiếng nói. Mỗi lần nhìn thấy bóng dáng người yêu lại thảng thốt nhớ lại mối tình xưa. Người con trai dù đã lấy vợ song chàng chẳng thể nào quên nổi người con gái mình yêu. Chuyện từ ngàn xưa ở trên đời cho tới tận bây giờ có mấy ai sống hạnh phúc bên người mình không yêu, người con trai cũng không là ngoại lệ.
Sau đám cưới chẳng được bao ngày, đôi vợ chồng trẻ cơm chẳng lành canh không ngọt, ông chằng bà chuộc bắt đầu ruồng rẫy lẫn nhau. Người vợ cắp nón về nhà đẻ trong lúc bụng đang mang thai đứa con đầu lòng. Sinh con xong, người vợ mang trả cháu cho gia đình bên nội. Rồi cả đôi vợ chồng ấy thoát li khỏi quê hương theo một cách riêng. Chuyện vợ chồng đứt ngang đường, người con trai càng nhớ tới mối tình đầu nồng thắm, nghĩ tới người yêu bao nhiêu thì chàng trai càng thương đứa con của mình bấy nhiêu. Một lần về thăm quê, lấy hết can đảm của người đi xa về, trái tim người con trai vẫn thổn thức tiếng gọi tha thiết của tình yêu. Người con trai dẫn con đến gặp người yêu, tuy nhiên chuyện cũ qua rồi dù có đau đớn bao nhiêu thì cả hai cũng chẳng dám nhắc tới, dù cho bên ngoài vẫn nói nói, cười cười nhưng trong sâu thẳm con tim cả hai đều đau như thắt chẳng thể vỡ òa tiếng yêu thương. Dằn lòng gửi lại những yêu thương, thổn thức chia tay người con gái, người con trai chỉ dám dặn một câu ý tứ xa vời:
- Thôi, hay cậu đừng đi lấy chồng nữa, ở nhà nuôi con giúp tớ.
Tay trong tay, người con gái lặng im mắt ngấn lệ sầu.
- Chờ anh về… chờ anh về…
Người con trai lí nhí trong họng mấy lời hẹn ước. Chỉ bấy nhiêu thôi lời người yêu nói, cô gái như hiểu được tất cả nỗi giằng xé trong lòng của người yêu mình, chẳng biết nói làm sao? Biết hẹn ước thế nào cho đúng nghĩa? Bây giờ người con trai còn đi chiến đấu, biết hẹn ngày nào về…
Bước trong hàng quân, lòng người nơi chiến trận mong đất nước hòa bình, quê hương sạch bóng quân thù. Người con trai trở về trong vòng tình yêu của người con gái. Người con trai sẽ bù đắp cho người con gái tất cả. Họ và con sẽ sống một cuộc đời viên mãn. Các thành viên trong gia đình phải nhất mực yêu thương nhau, những đứa con sau của họ phải hết lòng yêu thương anh trai chúng nó, bởi chúng đều cùng một bố sinh ra, nhưng anh chúng nó thiệt thòi lớn lắm, không có tình yêu thương của mẹ lại thiếu vắng cha, những thứ đó không gì bù đắp được ngòai tình yêu thương to lớn của tổ ấm gia đình.
Niềm khát khao nhỏ nhoi nhưng cháy bỏng của người con trai không thành hiện thực. Như bao chàng trai Việt Nam khác người con trai đã ngã xuống nơi chiến trận. Người con trai hi sinh cho ngày mai, cho nền độc lập tự do và khi ấy người con trai còn mang theo cả nỗi niềm của mình sang thế giới bên kia…
Còn người con gái đẹp người đẹp nét ấy thề với lòng quyết chờ ngày tái hợp lên duyên với người con trai. Lời dặn, cô gái vẫn nhớ như in nhưng không thể mang con người yêu về nuôi được vì cô chẳng phải vợ cũng chẳng phải họ hàng. Cô gái chỉ biết âm thầm chăm con của người yêu bằng cả tấm lòng của người mẹ.
Năm này qua năm khác cô gái mong bóng nhạn trở về. Nhưng rồi một ngày, cô gái là một trong những người chính thức dự lễ truy điệu chàng trai mình yêu ở ủy ban xã, đất dưới chân cô như sụp đổ… Cô tôn thờ mối tình trong trắng….
Nghe truyện mà tái tim tôi như vỡ ra, tan nát. Tôi mất hết cảm giác của con người thực tại, đau khổ trào dâng trong lòng, thương xót không vô cớ… tôi đã ngồi khóc như mưa như gió, tôi xót xa… Người ta thường có câu “ chết là hết”. Nhưng không, người ta đã quá nhầm. Chết chưa phải là hết, chết chỉ là sự chấm dứt một cuộc đời hiện tại để tiếp tục sống một cuộc đời khác. Tôi đã hiểu hơn những gì bố tôi muốn nói với tôi, và tôi càng thấm thía một điều trên đời này, mỗi con người đều có một khoảng riêng tư sâu lắng. Không phải gặp ai cũng nói ra chuyện của mình, cái gì cũng có thể chia sẻ, bố tôi cũng vậy. Tôi hiểu giờ đây bố đã gửi gắm tình cảm yêu thương nhất mực dành cho tôi người con gái nuôi của bố. Tôi nhớ lại lần thứ hai bố về nhập vào Hải đó là vào một ngày giáp tết nguyên đán. Vợ chồng anh Mạnh lên văn phòng chia tay gia đình tôi trước khi chúng tôi về quê ăn tết. Bố đã về nhập vào Anh Hải như lời dặn lần trước, nhưng hôm đó bố không khóc. Bố ngồi nói chuyện với chúng tôi, những đứa con trai, con gái, con dâu, con rể của bố, bố căn dặn chúng tôi sống với nhau cho cho có tình có nghĩa.
Bố nói rằng:
- Các con hãy hiểu rằng bố đang tồn tại, đừng bao giờ nghĩ bố đã chết. Bố vẫn còn sống trong trái tim các con từng giờ từng phút, thân xác của bố tuy không còn nhưng linh hồn bố luôn gần gũi các con. Bố nói thế này cho các con của bố hiểu ý bố dạy. Ví như bố đã hi sinh cách đây mấy chục năm nhưng trong lòng con Mạnh chưa khi nào quên bố, còn bố dù không còn thân xác như các con nhưng ở nơi đây bố vẫn đau đáu nghĩ về con, bố trông con trưởng thành từng ngày… như vậy bố không phải là người đã chết. Tuy không nhìn thấy bố nhưng trong thâm tâm các con lúc nào cũng thấy sự hiện diện của bố như vậy chứng tỏ rằng bố vẫn đang còn tồn tại cùng người thân. Chỉ có những người còn đang sống mà họ không cần biết đến cha mẹ ông bà của họ là ai, người thân ruột thịt của họ con cháu họ là ai, ở đâu, họ chỉ sống cho riêng họ, họ cố tình quên đi cái cái đạo lí con người, cái tâm của họ bị mất đi, họ không hiểu thế nào là sống cho có đạo làm người, đạo gia tiên. Họ sẵn sàng bỏ đi tất cả để theo đuổi mục đích riêng phục vụ cho chính họ, họ chà đạp lên cả luân thường đạo lí, không biết yêu thương đồng loại, không coi đồng loại như máu mủ ruột thịt của mình, những người như thế mới thật sự đã chết, họ đã chết trong lòng người thân và trong xã hội nơi họ đang tồn tại…Khi nghe bố nói các con sẽ hiểu hơn có quan niệm mới hơn về chữ “sống” và “chết” của con người. Khái niệm về sự sống chết sẽ được hiểu rộng hơn… Bố cảm ơn các con đã giành cho bố hạnh phúc này. Hôm nay bố gọi con giai bố, con dâu bố lên đây là để gia đình ta đoàn viên, các con trai, gái, dâu, rể của bố hãy nhớ mốc ngày hôm nay, để rồi mỗi ngày qua đi…ta đã sống tốt rồi thì ta sẽ sống cho tốt hơn nữa…sống sao cho “tốt đời đẹp đạo” Con người sống phải lấy chữ lương tâm đạo đức làm đầu các con ạ… Và rồi bố nhận xét điểm ưu, nhược của mỗi đứa con của bố, cần phải thay đổi thế nào cho con người toàn diện hơn. Bố bảo lẽ ra những điều này các con đã được bố mẹ dạy từ khi nhỏ nhưng nay vì chúng tôi những đứa con của bố lớn đến bằng này tuổi mà vẫn chịu một nỗi thiệt thòi không lấy gì bù đắp được. Chúng tôi chưa được nghe một lời dạy bảo nào từ bố, thì lần này âu cũng là một kỉ niệm đáng ghi nhớ trong cuộc đời của mỗi chúng tôi, và đây cũng là niềm an ủi, một hạnh phúc nho nhỏ theo lẽ thường của người làm cha làm mẹ. Chúng tôi, những người con của bố đã khóc trong hạnh phúc thiêng liêng mà tôi biết không phải bất cứ ai cũng có hạnh phúc này.
Rất nhiều ngày sau này tôi vẫn nhớ những điều dạy bảo của bố, qua bố tôi hiểu hơn về thế giới tôi đang tiếp cận trong đó có những người ruột thịt của tôi. Trước đây tôi tự hào về mình lắm, tôi tự cho mình là người đặc biệt, là kì tài, và hiểu biết về thế giới tâm linh hơn hẳn những người khác, nhưng giờ đây tôi mới hiểu thêm rằng người ta nói con người luôn luôn vướng phải cái chữ “tôi” quả là không sai chút nào. Nhớ lại cả một quá trình gặp bố đúng là bố đã dẫn dắt tôi hiểu nhiều về cuộc đời của bố, tôi sẽ hiểu về những con người nơi ấy nhiều hơn và đây cũng là những bài học cho tôi cố gắng tự hoàn thiện mình. Khi trước chính tôi không hiểu gì về cuộc đời bố để mà chia sẻ, để mà thông cảm để mà yêu thương, đã thế tôi chụp mũ đánh giá bố tôi là người ích kỉ, không biết thông cảm cho người vợ trẻ của bố. Hoặc cả những điều bố nhắc nhở dặn dò khi bố trở về có cờ dong trống rước thì tôi lại cho rằng bố nói vậy mà bố chẳng hiểu gì, nhưng thực ra tôi mới là người không hiểu gì cả, tôi bảo thủ chỉ cố tình hiểu theo cái lí của mình mà không chịu lắng nghe người khác nói. Bố nhận tôi làm con là vì bố quá thương tôi và bố cũng muốn bù đắp cho anh tôi. Bố nhận tôi làm con gái bố là để cho chúng tôi những người đang sống.
Nhớ hôm bố về gặp các con, anh Mạnh hỏi bố.
- Bố ơi! Bố cứ nói thật với con đi, thế bao nhiêu năm ở bên Lào bố có “dì” nào sinh cho con một đứa em không hả bố.
Nghe anh nói bố nghiêm mặt quát:
- Con nghĩ thế nào về bố mà hỏi bố câu ấy? Phẩm chất đạo đức của người lính cụ Hồ là phải như thế nào? Con nghĩ gì mà hỏi bố thế, các con coi thường bố đấy phải không?”
Thấy bố quát tôi sợ xin lỗi thay anh rồi thắc mắc:
- Dạ thưa bố con có nói sai bố tha thứ cho con gái bố, thế sao trước khi đi tìm mộ bố chúng con mời bố về bố lại bảo bố đi bản chơi bị phỉ nó bắn chết có phải không ạ?
Bố cười bảo tôi:
- Con gái nghe bố dạy, con làm việc này là việc tâm việc đức khi tiếp xúc với người âm, con phải biết lắng nghe người ta nói, khi người ta nói cái gì không biết phải tìm hiểu rồi hãy nói không nên nói bừa nói ẩu, bố rất không vừa lòng với con, khi con hỏi trường hợp bố hi sinh, bố đã nói bố hi sinh ở Cánh đồng Chum rồi con còn cãi bố, tức quá thì bố nói như vậy. Bố hi sinh trong trường hợp đang chiến đấu bố bị thương rất nặng ở đùi và bụng bên phải máu ra nhiều nên hi sinh.
Tôi tò mò hỏi:
- Bố ơi, con rất muốn biết, trước lúc chết bố có biết mình sẽ chết không ạ, lúc đó bố có nghĩ gì không hả bố.
Dừng một lúc bố rầu rầu nói:
- Bố bị thương nặng lắm. Trước lúc chết bố vẫn tỉnh táo. Bố nghĩ về cuộc chiến tranh này và tin vào ngày chiến thắng… rồi bố nghĩ về quê hương, bố nghĩ về con trai bố, bố thương anh của con thắt ruột…, rồi bố… ngóp ngép bố… chết…
Nghe bố nói, họng tôi nghẹt đắng không thể nào hỏi thêm bố được câu nào, tôi hình dung ra cảnh đó mà trong lòng cồn cào xót xa. Tôi hiểu tại sao bố lại thương lại xót anh Mạnh đến như thế. Cái lần tôi gặp mẹ anh Mạnh. Khi nói chuyện, tôi thấy bà xưng mợ với vợ chồng anh Mạnh nhưng người em cùng mẹ của anh Mạnh thì bà lại xưng bằng mẹ. Tôi hỏi anh Mạnh, anh bảo, anh cũng chẳng biết từ hồi bé tí mẹ đã dạy anh gọi mẹ là mợ mỗi khi anh tìm đến thăm bà, và cái từ mợ ấy anh cũng chỉ được gọi năm thì mười họa chứ có được gặp bà đâu mà gọi. Ôi trời ơi! Tôi chẳng biết nói thế nào chỉ biết nhớ như in câu chuyện bố kể “… Những đứa con sau của chàng và nàng phải hết lòng yêu thương anh trai chúng nó, bởi chúng đều cùng một bố sinh ra, nhưng anh chúng nó thiệt thòi lớn lắm, không có tình yêu thương của mẹ lại thiếu vắng cha, những thứ đó không gì bù đắp được ngoài tình yêu thương to lớn của tổ ấm gia đình… Có lẽ bố giận mẹ anh Mạnh nhất là việc mẹ anh bỏ đứa con mà chính mình dứt ruột đẻ ra. Thương bố bao nhiêu thì tôi chỉ biết cố sống tốt hơn, cố hoàn thiện mình nhiều hơn để có thể bù đắp cho tất cả những gì mà khi xưa bố đã mất mát. Tôi hiểu bố đã rất cố gắng tiếp tiếp xúc với tôi bằng mọi cách, bằng cử chỉ hành động bằng lời nói, có nghĩa bằng tất cả tình thương yêu bố dành cho tôi là bố muốn truyền sang cho tôi sức mạnh của tình yêu thương bao la, và tôi cố gắng cảm nhận nó một cách chính xác nhất, tôi thật cố gắng hết mình để đón nhận tình cảm thiêng liêng, quí báu này của con người từ hai cõi giới.
Bố tôi thường bảo chuyện của bố tôi đã được biết, bố mong tôi hiểu, sự hiểu biết của tôi về bố phải được liên hệ rộng hơn trong cuộc đời này. Điều này thật quan trọng bằng công việc của tôi đang làm, nó đòi hỏi phải trải qua nhiều sự việc, hiện tượng và tôi biết còn nhiều gian nan vất vả đang nằm phía trước.
Bố tôi là người rất nóng nóng tính, nhưng bố tôi là người rất đỗi thương yêu tôi. Bố bảo bố chỉ hợp nhất với mỗi con gái bố cho nên tôi mới được bố cho biết về cuộc đời bố nhiều hơn bất cứ ai. Qua bố tôi tự tích lũy thêm được nhiều hiểu biết, việc nhận thức này như một sự thẩm thấu trong tôi, bố vẫn thường dạy tôi rằng nếu như con người ta không chịu trải mình và trau dồi, để gột bỏ bớt cái “ Tôi” trong mỗi người thì khó lắm, điều bố mong muốn nhất là chính tôi phải hiểu rằng công việc của tôi còn rất dài. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người âm, tôi đã được trải nghiệm trong thế giới nhiệm màu, qua đây sẽ là một sự minh chứng, chứng minh sự tồn tại của con người trong thế giới bên kia, sự nhận thức ấy chính là một sự khai sáng tâm linh của con người. Và bố nhấn mạnh với tôi rằng nếu như tôi không phải người am hiểu về bản chất của tâm linh thì rồi tất cả đều sẽ trở thành nửa vời.. Bố muốn tôi hiểu được điều bố nói.
Nghe bố dạy tôi giật mình, quả thật tôi chưa nghĩ đến điều này, việc bố nói tôi còn phải nghĩ xem nên bắt đầu từ những việc như thế nào? vấn đề này đòi hỏi tôi phải có nhiều trải nghiệm mới có thể hiểu để mà tự giải thích được phần nào.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !