Miền Đất Ấy Chương 4


Chương 4
Vùng đất ấy yêu tôi

- Mẹ con mình sẽ đi dạo. - Một câu trả lời có thể mang đến một sự thật hoàn toàn, có khi chỉ một phần, hoặc cũng có thể tuyệt đối chẳng nói lên điều gì. Liệu bạn có gan nói dối mẹ của bạn không, mẹ ruột của chính bạn đó?

- Đi dạo ư? Chúng ta đang đi dạo ở đâu vậy?

Những câu hỏi. Suốt cả một đời chỉ toàn là những câu hỏi. Con đã ở đâu cho đến tận lúc này hả? Con ở với ai? Con đã làm những gì? Chớ có giải thích rối rắm nhé, nếu không con sẽ bị mẹ chỉnh mạng sườn đấy.

Bất kỳ câu trả lời nào thì trước hết đều là một lời nói dối. Bà đã chưa bao giờ mang tạp dề mà bị dính lòng trứng vàng cả, bà chưa bao giờ có tấm tạp dề nào. Người dân ở  nông thôn: là những người như chúng tôi vốn đã, đang và sẽ mãi mãi như thế. Nhưng tôi nhớ là bà có chiếc giày vải trong tay. Mẹ hứa với con sẽ ngủ trong suốt chuyến đi, mẹ hứa với con chứ? Như vậy thì chúng ta sẽ đến nơi nhanh hơn. Nếu mẹ muốn thì hãy cầu nguyện chút đi, để gọi giấc ngủ đến. Ghế băng cũng êm đấy, tiện lợi cho một giấc ngủ ngon. Tựa đầu xuống đi mẹ. Hãy ngủ đi, ngủ đi mẹ. Hãy nghỉ ngơi đi, chặng đường chỉ kéo dài vài giờ thôi. Mình đang đi dạo, đúng thế, mẹ con mình đang đi dạo đấy. Đi khỏi nơi đó. Bị cơn lũ kéo đi. Trời không ban cánh cho rắn, chính vì thế mà chúng ta bị cơn lũ kéo đi. Với vận tốc sáu mươi cây số giờ, do những ổ gà. Sau đó thì tốt hơn: chỉ còn chút nữa thôi chúng ta sẽ đến đoạn đường nhựa. Gần thôi. Ngay trước khi đến Inhambupe.

Cơn lũ đã làm bật tung những cọc rào và bây giờ kéo theo mẹ tôi, vào lúc giữa đêm. Những dòng nước này đi đâu ư? Đổ ra sông Inhambupe. Thế sông Inhambupe đổ ra đâu? Ra biển. Mẹ tôi sẽ biến thành nàng tiên cá. Tôi đã luôn luôn thấy rằng bà có một cơ thể của nàng tiên cá.

- Tại sao con lại không tậu một con ngựa duyệt binh  hả? Con này là một con chuyên chạy nước kiệu, với cái yên cứng queo đến khủng khiếp. Mẹ sẽ phát ốm khi đến nơi mất thôi. Mẹ đã bắt đầu cảm thấy chóng mặt rồi.

Bà nôn lên chân tôi. Bị choáng váng. Bà luôn cảm thấy cơn buồn nôn đó, từ năm này sang năm khác, trước khi ít lâu bụng lại căng tròn lên. Những đứa trẻ. Cứ năm một đứa. Và đứa nào cũng thế, chuyện thật khủng khiếp. Bố thường nói: - A, người đàn bà này, với những cơn buồn nôn của


cô ta...

Liệu có phải mẹ lại mang bầu lần nữa không nhỉ? Tôi hạ kính cửa sổ và để mặt mẹ chìa ra ngoài. Gió thổi khiến cho những thứ mẹ nôn vương vào quần áo tôi, hắt lên mặt tôi, chỗ nào cũng có. Cây cối cứ chạy vù vù, hệt như những
vết sáng bạc lấp lóa. Miễn sao tất cả trôi đi
thật nhanh.

 

- Đáng tiếc là hôm nay mẹ đã không chơi. Hôm nay chắc chắn thế nào cũng về con ngựa.

Nelo, anh trai của em ơi, tiền mà anh gửi về, bà ấy đều nướng vào chơi bicho(1): trong những ô vuông kỳ cục và trả tiền bằng hối phiếu mà chúng chẳng bao giờ kết thúc. Em đã từng nhủ rằng sau khi trả tiền xong chiếc ti vi, thì bà sẽ dịu bớt đi. Đừng mơ nhé. Khi mà anh chậm gửi tiền về, bà ấy vò đầu bứt tai, không biết phải làm gì với tất cả các chủ nợ cứ đến réo ở cửa. Chính ông già phải tự xoay xở để sắp xếp lại trật tự trong gia đình, ông già khốn khổ, chính ông phải chạy đôn đáo tìm những công việc lặt vặt để sống, hôm nay chỗ này, ngày mai chỗ khác, ông nhảy vào làm ngay mỗi khi tìm thấy việc. Còn bà thì đã chẳng giúp gì, lại còn đòi hỏi. Suốt đời bà chỉ toàn đòi hỏi và luôn miệng nói rằng đấy là một gánh nặng chết người đối với gia đình. Lúc nào cũng là cãi cọ, hết trận này đến trận khác. Tiền mà anh gửi về thì tiêu tan thành khói, không ai nhìn thấy màu sắc chúng như thế nào. Có thể nói đó là tiền bị rút phép thông công. Em thấy thương hại những đứa em. Chúng đói lắm, anh Nelo ạ. Có lẽ anh phải tận mắt nhìn cảnh cùng quẫn bần hàn trong cái nhà này. Bố thì than thân trách phận. Ông nói rằng việc chuyển nhà đến Feira de Santana đã là điều bất hạnh lớn nhất của đời ông. Ông đã chẳng bao giờ hiểu nổi. Ông sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được.

- Bố biết đó là gì không, khi một người đàn ông không còn kiểm soát gia đình nữa? Con đã nghe hết những lời phàn nàn của bố rồi, ông bố già khốn khổ ạ, ngược hẳn với những gì bố nghĩ đấy. Và con thấy bố có lý. Tất cả mọi người đều có lý. Chính thế gian này mới là bất hạnh. Chính cái thế giới này mới chẳng đáng giá gì, bố nghe thấy con nói chứ bố?

Không phải là trái đất đang quay, mà là đầu óc tôi đang quay cuồng đây. Như thể tôi đang bước đi lảo đảo vì đã uống quá nhiều vậy. Buồn ngủ, lo lắng, mất ngủ. Và những cơn rung lắc không ngừng của chiếc ô tô, với ba người ngồi trong: bà ấy, tôi và anh tài xế của tòa thị chính, người này đến và trưng ra bộ mặt càu cạu gớm ghiếc, nhưng dù sao cũng đã đến. Đúng là đã rất muộn thật. Khổ thân anh ta. Vắt hết tất cả ngần ấy, ép lấy nước và phục vụ những người mới đến, có nghĩa là những người phiêu lưu sẽ đến dự đám an táng. Vùng quê tôi không có những hàng cọ(1). Quê tôi có nước cốt của cỏ gà. Của “suc”, như người nơi đây vẫn nói thế. Thuốc độc hàng đầu. Thế đã bao giờ bạn ngửi thấy mùi nôn của chính mẹ bạn chưa?

- Ta buộc phải làm mọi thứ một mình, - bà phàn nàn. - Chẳng ai giúp đỡ ta cả. Không một đứa nào trong đám con gái của ta có khả năng giặt cho ta đống quần áo bẩn và cho ta những nếp quần áo sạch sẽ để ta thay cả. Thế lũ con trai đã đi học rồi ư?

Chính lúc ấy thì tôi thực hiện điều mà lẽ ra tôi nên làm từ lâu rồi. Tôi giữ chặt lưng bà, tôi nhẹ nhàng nâng người bà lên, để bà chỉnh được vị trí tiện lợi nhất bên cửa sổ xe hơi. Bà lại bắt đầu than vãn: - Ta đau đầu quá. Chắc là nó sắp sửa nổ tung rồi con ạ. Con đưa mẹ tới bác sĩ chứ? Mẹ thấy người không ổn chút nào hết.

Bà tuôn ra hết những cơn đau của mình theo vận tốc của một cơn lũ: đau gan, đau ruột, đau thận, đau tim. Hơn nữa tự nhiên bà lại còn bị mù nữa. Chẳng ai để ý mà phát hiện ra điều ấy cả, là bà đã bị mù rồi. Bà đã không sao luồn được chỉ qua lỗ kim nữa rồi, - và ta lại còn phải khâu vá hết chỗ này.

- Ta sẽ viết thư cho Nelo. Nó phải về đây để  đưa ta đi khám bác sĩ. Vậy tại sao Nelo lại không bao giờ đến đây nhỉ?

 

Đột nhiên, chính tôi lại cảm thấy một cơn đau dữ dội bất tận. Trong tâm hồn ư? Bà đã nhìn thấy anh ấy chết rồi mà bà vẫn không tin vào cái chết ấy. Bà không thể giết chết giấc mơ đẹp đẽ của bà. Chắc chắn là thế. – Trước khi con đánh thức ta dậy, ta đã có một cơn ác mộng khủng khiếp. Ta đã mơ thấy nó chết. Thực sự khủng khiếp. Nelo hãy còn quá trẻ. Mong đấng Chúa Trời ban cho nó sống nhiều năm nữa, đấy là tất cả những gì ta
cầu xin.

- Này, anh bạn ơi, đừng chạy nhanh quá thế. Bà già không được khỏe lắm - Tôi nói với người
tài xế.

- Chính vì thế nên tôi mới phải chạy nhanh mà. Tốt hơn là đến đó cho thật nhanh, anh không nghĩ thế sao?

- Ông ngoại Ioio hả? Là ông ngoại phải không? Mình đang trong xe jeep của ông ngoại Ioio à?

- Không phải đâu mẹ. Chúng ta đang ngồi trong xe của tòa thị chính mà.

 

- Thế à. Nó tốt hơn một cái xe bò đấy. Con biết chứ, mẹ không hối tiếc những chuyến du lịch ngày xưa bằng xe bò đâu, chúng chẳng bao giờ
kết thúc.

Thời kỳ của những con ngựa. Tôi lạc trong những ngóc ngách sâu thẳm nhất của thế giới. Trong suốt một tuần liền, tôi lang thang vật vờ hết con hẻm này đến con phố khác ở Inhambupe, không có lấy một xu dính túi, trên một mảnh đất mà không hề quen biết ai. Một tuần liền tôi đợi chiếc xe tải, bởi con ngựa đưa tôi đến đó thì nó đã lẻn ra khỏi vườn và quay về chuồng của nó, một mình tôi. Người ta nói rằng nhờ phân và nước tiểu của chúng để lại mà các con vật nhận ra đường đi. Tất cả chúng ta đều là những nô lệ của một con ngựa, cho dù chúng ta có đi đến đâu. Hiện giờ người ta vừa nói với tôi: - Anh thấy rồi chứ? Mọi thứ đã thay đổi. Ngày nay chúng ta có thể rời São Paulo để trở về đây chỉ trong một ngày. Và điều đó là đúng thật. Chúng ta đã khám phá ra những cái bánh xe và chúng ta chạy trên đó, hầu như ngày nào cũng chạy mà chẳng thèm thận trọng chút nào: chỉ cần đếm những cây thập tự nằm dọc đường là biết. Những cây thập tự. Các cô các chú. Anh em họ. Cha mẹ. Những con người đã tìm thấy sự an nghỉ dưới những bánh xe. Còn tôi thì cứ không ngừng tự hỏi: Mọi thứ đã thay đổi ư? Cái gì đã thực sự thay đổi đây?

- Đã lâu lắm rồi mẹ không đến đây, đến nỗi mẹ thậm chí đã quên cả mặt mọi người. Mẹ rất muốn gặp ông ngoại Ioio.

- Ông đang ở Salvador cơ mà. Ông đi thăm con gái.

- Một đứa con gái ư. Chớ có nói chuyện với mẹ về lũ con gái nhé.

Một lần bà đã nói với tôi: - Mẹ những muốn được sinh ra là con trai.

Chỉ là nói đùa thôi, tôi đã hỏi bà: - Tại sao thế? Để cầm cán mai ư?

Khi ấy bà đã thổ lộ một điều mà cho đến tận hôm nay nó vẫn chấp chới trong đầu tôi: - Không, không phải vì chuyện ấy đâu. Có vô vàn người đàn bà đã từng cầm cuốc cầm mai rồi đó thôi. Mẹ thì muốn làm đàn ông để có thể là ông chủ vận mệnh của mình. Đi bất kỳ nơi đâu mẹ thích, mà không phải giải thích với bất kỳ ai hết.

“Một đứa con gái ư. Đừng nói với mẹ về lũ con gái nhé”.

- Mẹ thực tình chỉ muốn có toàn con trai thôi.

Chúng tôi đang hoang mang trên những chùm đàn hồi. Trái đất kể từ đây không còn quay như cái trục của một cỗ xe bò nữa. Cuộc sống đòi hỏi sự vội vã. Mẹ tựa đầu vào vai tôi, rồi lại nhấc ra. Bà bắt  đầu ngọ nguậy và làm mình làm mẩy, đúng bộ dạng khi mẹ tự đập đầu vào tường. Đó là lần đầu tiên trong đời bà tựa đầu vào vai tôi. Chúng tôi thuộc lớp người thô lỗ cổ hủ. Chúng tôi không hề biết đến sự dịu dàng. Những gì chúng tôi được ban cho hồi còn bé, thì sau đó họ lại từ chối ban tiếp cho chúng tôi. Theo ý tôi, đấy là do thiếu thói quen. Mày vận quần dài hả? Thế thì mày là một thằng đàn ông. Và nếu như mày là một gã đàn ông, thì mọi hành động cử chỉ của mày phải cứng cỏi. Thô lỗ. Mạnh mẽ. Có tính cách. Việc là một người đàn ông thì hệt như là vị thánh Trés-Sainte Trinité vậy.

Bà bắt đầu tự cào da mình. Bà có một sức mạnh không tưởng. Bà tự cào cấu mình bằng tất cả sự dữ dội mà các bà mẹ đã làm. Tôi cố gắng giữ tay bà. Rất chật vật, nhưng tôi cố gắng. Sắc thái trên mặt bà khiến tôi kinh hoàng. “Một đứa con gái à. Đừng nói với mẹ về lũ con gái nhé.” Hiện giờ, tôi lo sợ điều tồi tệ nhất: bà sẽ không chịu đựng nổi nữa. Tôi đọc thấy đoạn kết trên khuôn mặt bà. Thế nếu bà chết bây giờ thì làm thế nào đây? Sẽ là chuyến quay về để tổ chức liền hai lễ an táng. Điều ấy có vẻ như đơn giản, nhưng lại không đơn giản chút nào.

Bị nguyền rủa bởi chính bản chất của mình. Năm đứa con gái, năm người đàn bà, năm lần bất hạnh. – Một con chim ưng đã bậy lên định mệnh của ta rồi. - Tôi  nghe thấy bà lẩm bẩm, trong lúc tôi bắt đầu cầu nguyện, không phải là một lời cầu nguyện bất kỳ đâu, - mà con trai cả của bà (Nelo, con yêu của mẹ) thường đọc to trên những cánh đồng, khi nó còn bé, điều đã khiến mọi người rất vui: Đừng khóc, con trai của ta/ Đừng khóc, bởi cuộc sống/ là một trận đấu bền bỉ/ Sống, đó là chiến đấu.

- Nelo, con trai ta, ta vẫn còn dấu vết đây này. Con đã không bao giờ biết bởi ta đã không bao giờ cho phép con biết. - Viên đạn đã làm sướt bắp chân bà, lấy đi một mẩu da thịt. Bà không bịa chuyện đâu. Bà vẫn còn vết sẹo đó.

Vâng, vâng, hãy kể hết đi mẹ, tôi tự nhủ. Mẹ không thể chết mà không giải tỏa được sức nặng này. Nó vẫn còn khiến mẹ đau lắm, đúng không?

Đây không phải chỉ là kỷ niệm về một phát súng đâu. Đó là cả một câu chuyện dài. Năm đứa con gái, năm câu chuyện.

Khi nhìn sắc diện bà lúc ấy, tôi tự nhủ giờ của bà đã điểm. Đã bao giờ bạn tận mắt nhìn thấy cái chết chưa? Trực diện ấy? Nó xấu lắm. Dưới gầm trời này không có gì xấu hơn thế. – Hãy kể tiếp đi, mẹ yêu quý của con. Thực ra chuyện đã xảy đến như thế nào?

 

- Adelaïde đang ở trên giường, vẫn còn chưa thay băng. Nó vừa sinh một thằng con trai hôm trước đó. Nó đang chỉ cho mẹ xem vết đứt trên bụng mình. Nó khóc. Chính chồng nó đã gây ra vết này. Ghen tuông. Ghen với ông bác sĩ đã đỡ đẻ cho nó, con có thấu không. Mẹ thì đang hãi hùng, khi hắn bước vào, vừa đi vừa nổ súng. Một viên đạn đã trúng vào chân mẹ. Những viên khác, hắn đã gửi gắm hết trong bụng chị gái của con đó.

- Vậy là không phải chị ấy đã chết khi sinh con ư?

- Ta đã nói cho mi biết hết rồi. Không phải là do sinh con đâu, không phải.

Những cái trục của cặp mắt bà chắc đã hỏng rồi. Chúng không còn quay nữa. Có thể nói hai cái điểm trên tròng mắt bà đã bị sỉn đi và mất hẳn độ sáng. Chúng còn nhìn thấy gì nhỉ? Vậy chúng có thể còn nhìn thấy gì chứ?

- Tất cả những gì ta đau đớn đều từ đứa con gái ấy.

 

Mẹ đã thuyết phục được tôi. Chính điều ấy là điều kỳ lạ nhất: mẹ luôn luôn thuyết phục được tôi. Tất cả mọi người đều có lý. Đó là sự thật thực sự: tất cả mọi người đều có lý.

- Con gái quá cố Adelaïde của ta. Con gái ta. Mong sao đức Chúa Trời dành cho nó một chỗ tốt trên ấy. Ta đã báo trước cho nó biết rồi: hãy cẩn thận với gã đàn ông ấy. Ta không hiểu gì về bản chất của đàn bà cả. Nó không yêu thằng đó, nó suốt đời tránh hắn, cho đến cái ngày ta đã nói chuyện với nó về điều ấy. Có ích gì đâu cơ chứ? Ngày hôm sau nó đã biến mất. Ba ngày phải chịu đau đớn tủi nhục như một con vật. Do tất cả những chuyện ấy, ta đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm nó. Ta đã chạy đến sở cảnh sát, đến bệnh viện, đến những khách sạn. Con có biết nó ở đâu không? Trong nhà thổ đấy. Bị giam hãm trong một phòng. Với ngay cả ta mà nó cũng không được quyền nói chuyện. Bị giam cầm và bị đánh đập. Ta đã quay lại sở cảnh sát, và kể hết mọi chuyện cho viên cảnh sát trưởng nghe. Khi ấy ông ta nói rằng sẽ giải quyết ổn thỏa. Trên thực tế thì ông ta đã giải quyết ổn thỏa thật. Nó đã tổ chức hôn lễ ở sở cảnh sát, bởi nó vẫn còn ở tuổi vị thành niên. Trong suốt phần đời còn lại, nó đã phải chịu những trận đòn. Và càng bị đánh đập nhiều thì nó lại càng phải lòng gã ấy.

Những câu chuyện xưa cũ. Ai trong số chúng tôi lại không biết chúng nhỉ, thuộc lòng và thuộc như những đầu ngón tay của mình đây? Nelo, chắc chắn là anh ấy biết rõ. Và bây giờ bà lại coi tôi là anh ấy. Có hàng đống bí mật đối với anh đấy, ông khốt của em ạ, trong đáy hòm gia đình. Bà rốt cục cũng đã mở hòm ra. Anh thấy không? Anh ngửi thấy mùi không? Anh nghe thấy không? Tất cả đều dành cho anh, ở nơi mà lúc này anh đang hiện diện.

Chính vì anh mà những đợt chuyển nhà bắt đầu, bởi anh là người đầu tiên mở đường. Chúng em chỉ nhận được toàn tin tốt từ anh. Tia sáng lấp lánh tỏa ra từ ngôi sao của anh đã khiến cho những đêm tàn lụi của chúng em sáng lên, dưới chân chày, chân cối, suốt đêm, đến mức hai bàn tay phát sần đầy chai sạn và luôn miệng phàn nàn về cuộc đời. Chính lũ con gái là cằn nhằn nhiều nhất:

- Cứ suốt đời phải cầm chày mà giã.

- Cứ suốt đời với cái thùng trên đầu.

- Cứ suốt đời phải nạo sắn.

- Cứ suốt đời phải đi hái đậu.

Chúa Trời đã nghe thấy bản nhạc catilen, giai điệu buồn thảm của mỗi ngày, của mỗi đêm. Cuối cùng chúng tôi đã biết rằng Người là bà con của mình và rằng Người đang ở Feira de Santana. Người đã gọi hai trong số các em gái của tôi đến hoàng triều của Người. Một hoàng triều đầy ánh sáng – thứ ánh sáng của một trường học Quốc gia. Hai em gái trong thế giới này hoan hỉ. Chúng tôi bắt đầu hứa, bắt đầu hát rất to giai điệu cũ kỹ: Đất đai của Chúa chắc chắn là bạt ngàn vô kể, ở đó chắc có chỗ cho tất cả chúng tôi. Không, không phải chỉ có chỗ thôi đâu. Hơn thế: những vùng đất này có những thanh chắn, có luật lệ, có những điều cấm đoán. Đấy là những gì chúng tôi biết được khi những lá thư bắt đầu được gửi tới gia đình. Chúa đang phẫn nộ: lũ con gái bắt đầu thích yêu. Chúa dọa sẽ đuổi học chúng, Chúa không thích những đứa con gái chơi bời yêu đương. Tôi vẫn còn như nhìn thấy mẹ, một lá thư trên tay, trán nhăn lại, mẹ lúc lắc đầu, nửa đau buồn, nửa cương quyết. Mẹ rất bình tĩnh, chúng tôi cũng giả vờ rất bình tĩnh khi mẹ nói:

- Chúng nó sẽ không về đây đâu. Chính mẹ sẽ đi đến đấy. Rồi sau đó là các con.

Quyết định không dễ dàng. Lý do: là bố. Như thường lệ thôi mà.

Đó đã là những chuỗi ngày hoảng sợ, lo lắng, bối rối, cãi cọ, chí chóe. Và biết bao lời hứa hẹn. Không có bất kỳ vị thánh nào được gợi lên để Người can thiệp giúp chúng tôi. Tất cả mọi người đều muốn ra đi. Bố là người duy nhất. Hôm trước ngày đi bố còn vò đầu bứt tai, giậm chân giậm tay. Mẹ nhất định không chịu nhả cái dự án của mình. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ cương quyết như lần ấy. Bà nói:

 

- Ông ngoại đã rút mẹ ra khỏi trường khi mẹ viết lá thư đầu tiên cho một người mẹ yêu. Mẹ không thể cho phép điều ấy lại xảy đến với các con gái của mẹ.

Đúng thế, bà đã không cho phép điều ấy. Công lý đã được hoàn trả. Chúng tôi cuối cùng được ở trong một ngôi nhà nhỏ tồi tàn trong một con phố tồi tàn của một khu phố tồi tàn, không nước, không điện, không cống rãnh, không phòng tắm. Mẹ đã thuê ngôi nhà trong lúc tin tưởng vào số tiền mà anh gửi về mỗi tháng và khi giấy báo lĩnh tiền của anh mà đến chậm, thì đó là những lời than vãn ai oán đến độ như không bao giờ chấm dứt. Cả nhà sống trong nỗi lo lắng sợ hãi thường trực bị đuổi ra đường. Thế là mẹ bắt đầu ra sức làm việc trên chiếc máy khâu, trong lúc chờ ông già gửi đậu và bột mì từ trang trại tới. Thi thoảng ông cũng đến, để phàn nàn về mọi thứ. Mẹ cứ làm việc đến chết, tôi nghĩ rằng đó là để không nhân nhượng thôi, là vấn đề kiểu hãnh cá nhân, sợ thất bại. Ấy thế nhưng cả nhà tiếp tục sống trong một ngôi nhà tồi tệ hơn cả ngàn lần so với ngôi nhà ở nông thôn. Điều an ủi của chúng tôi, đó là chúng tôi có thể đi bộ đến trường, có nghĩa là, chúng tôi có thể được đi học.

- Chỉ cần một đứa con gái trốn khỏi nhà là tất cả lũ còn lại đi theo. - Bà tiếp tục nói, trúc trắc từng câu một, hệt như cái xe ô tô này vậy. Tôi lại nói với gã tài xế hãy giữ bình tĩnh. Hắn chỉ có mỗi một cơn điên thôi, đó là đi sao cho tới được nơi cần đến. Chúng tôi đã đến được khu đường rải nhựa. Bốn mươi ki-lô-mét tồi tệ nhất của chặng đường đã ở phía sau. Đôi khi tôi nghĩ chính bốn mươi ki-lô-mét đó đã làm lên sự khác biệt hoàn toàn. – Ký ức của mẹ vẫn còn muôn vàn đau đớn, Nelo con trai của mẹ ơi. Vẫn còn đau lắm. Con vẫn còn chưa biết, điều mà một người mẹ, trong suốt cả đời mình, cứ phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hệt như một mụ điên, để cố gắng tìm kiếm lũ con gái của mình. Và lúc nào cũng nơm nớp, không biết khi tìm được các con rồi thì liệu chúng còn sống hay đã chết. Con không biết nỗi xấu hổ là như thế nào đâu, bởi con không phải là một người đàn bà và con cũng chưa bao giờ cảm nhận được những dòng nước mắt chạy dài trên khuôn mặt đỏ bừng. Khuôn mặt tổ mối. Tổ mối của thời gian. – Kiên nhẫn đi mẹ. Chúng ta hãy kiên nhẫn, cần phải thế thôi. – Đã đến lúc những câu nói trở nên vô tác dụng, tôi biết thế. Nhưng tôi phải nói với bà câu gì đây. Giờ khắc đớn đau. Tôi có thể làm gì để khiến mẹ bình tĩnh đây? Có thể đó là những khoảng khắc cuối cùng của mẹ, chạy trên đường thì có ích gì? Cha, chồng, con cái: những cái răng sâu của thời gian. Cơ thể anh sẽ khiến đất thõa mãn cơn đói. Con có thể làm gì để mẹ có một cái chết nhẹ nhàng đây? – Nỗi xấu hổ đã phải chạy khắp nơi để tìm kiếm ông bác sĩ, người sẽ nói được đứa trẻ đang ở trong bụng con gái mình có phải là của người đàn ông đã bắt nó đi hay không?

Ít ra thì đứa con gái đó yên ổn, đúng không?

- Dẫu có chuyện gì thì nó vẫn còn sống. Và lại được đối xử tốt.

- Thế thì chúng ta sẽ quên đi quá khứ. Chúng ta sẽ bỏ mặc tất cả đi mẹ.

 

- Có những điều mà ta không quên. Mẹ thì mẹ không bao giờ quên.

Tôi nhớ chứ, đương nhiên là tôi nhớ.

Nơi ấy gọi là Maragogipe và cách đây năm trăm dặm. Chúng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó đâu, bởi chúng tôi sẽ không bao giờ dám phiêu lưu đến vùng đó. Sau khi đã dò xét, lục lọi, bị đánh, băng qua những chặng đường, chúng tôi dừng lại để nghỉ. Đó là một cuộc tìm kiếm vô vọng. – Có thấy một đứa con gái đi qua đây không, dáng vẻ thế này, ăn vận thế kia? Nó tên là Noemia. Noemia Lopes Cruz. Mẹ không sao đứng vững được nữa. Chỉ trong có một ngày mà mẹ đã đi bộ hai mươi ki-lô-mét, trên con đường đến Irara. Tại sao mẹ lại chọn con đường đến Irara nhỉ? Khi người ta không định được hướng, thì cứ đi lang thang khắp chốn, tất cả các hướng. Phải hết sức thận trọng trong tất cả các ngã rẽ, từng quả đồi, từng lãnh địa. Chính trong khoảng thời kỳ này mẹ bắt đầu trút mọi tội lỗi lên bố, mỗi lần bố đến thăm chúng tôi bố bắt đầu phản pháo đả kích lại mẹ. Và không có cách nào để biết được Noemia đã đi theo con đường chết tiệt nào. Maragogipe. Sáu tháng sau, một người đàn ông đến trước mặt chúng tôi, đem theo thông tin. Hắn không đến để an ủi chúng tôi đâu, mà là để chấm dứt một giai đoạn dài lo lắng và trăn trở. Đứa con gái mà hắn đã dẫn đi đang mang thai và hắn có mặt tại đây hiện giờ để thông báo hắn sẽ trả lại cho cha mẹ cô gái ấy. Bởi hắn đã nhầm. Hắn đã đem đi một cô gái mà cô ta không còn trinh nữa và hắn không thể tiếp tục sống với một người đàn bà đã từng vấy máu mình với máu của một người đàn ông khác, trước hắn. Hắn thậm chí còn không biết liệu cô gái này chỉ có gã đàn ông đến trước hắn hay còn nhiều người khác nữa, đấy chính là lý do mà hắn không cảm thấy phải chịu trách nhiệm cho cái đang nằm trong bụng cô gái – và cái ấy đang bắt đầu lớn dần. Mẹ đang là một cái ống quần trên mặt bàn, một cách kiên nhẫn. Bà nghe tất cả mà không nói câu nào hết. Khi gã đàn ông kia đã nói xong, bà đứng lên và chỉ thẳng ngón trỏ vào giữa mặt hắn. Đó là một gã còn trẻ, lùn tịt, da nâu sáng, mái tóc chải chuốt và được cắt ngắn. Hắn có vẻ là một gã cư 7b14 ng quyết, dứt khoát, dạng người không bao giờ đem rắc rối về nhà. Nhưng lần này, hắn sợ vàng cả người, mặt rúm ró và đầy sợ sệt, như thể hắn đã quên béng chuyện hắn đến làm gì ở nhà chúng tôi.

- Mày chỉ là một thằng con hoang thôi. – Đấy là những gì mà mẹ, với ngón tay không chút thương xót của mình, xổ thẳng vào mặt hắn. Căng thẳng, gã đàn ông quắt người lại trên ghế, có vẻ như đang tự vệ trước một cú nện dữ dội chết người. – Và hơn nữa, tao sẽ nã một viên đạn vào chính cái miệng thối của mày. - Hắn bị hạ gục bởi cơn thịnh nộ đáng gờm của một người đàn bà (mà chắc chắn hắn không chờ đợi), bà nói với hắn: “Mày không được một người đàn bà đẻ ra đâu. Mà là một con bò cái đẻ ra mày đấy”, và bà cứ lớn dần, khoác lên người những hình khối quỷ quái ghê sợ trước mắt hắn, gã đàn ông lúc này chỉ còn bé tí như hình hài của một con chuột nhắt, hắn giật nảy mình trên ghế, như thể hắn hành động mà không suy nghĩ, phác một động tác rồi bỏ chạy. Dành cho niềm bất hạnh của hắn, đó là tôi đã đứng chặn ngang cửa. – Hượm chút đã, - tôi nói. – Chúng ta sẽ xem xét nhé, xem điều gì sẽ được rút ra qua toàn bộ câu chuyện này.

Hắn đã bị trúng bẫy. Hắn ở trong tình thế tuyệt vọng. Thế nên hắn nói tới bác sĩ. Hắn muốn nghe lời tuyên bố bất khả kháng về dòng máu của thằng bé hay con bé đang nằm trong bụng em gái tôi. Một khi chứng minh được rằng đứa trẻ ấy không phải là của người khác thì hắn sẽ tiếp tục sống với em tôi. Hắn sẽ đi tới cùng là cưới nó, nhưng chỉ ở nhà thờ thôi – điều mà trên thực tế sẽ giải quyết ổn thỏa mọi chuyện. Với người dân quê tôi, hôn lễ tôn giáo mới là quan trọng nhất. Hôn lễ dân sự chẳng có tác dụng gì. - Đó là việc tối thiểu cần phải làm, - bà già lên tiếng, - việc tìm kiếm bác sĩ cần phải được bàn đến. - Và vì chuyện này mà bà đã lên đường, trong một chuyến đi lầm lì, theo gã đàn ông kia về nơi thẳm xa của vùng Maragogipe. Tôi tự hỏi không biết đã có bao nhiêu lời thóa mạ, lời xúc phạm, cục cằn thô lỗ mà bà đem theo mình chúng cứ bị vướng trong cổ họng bà không sao thoát ra được. Bà phải quay về ngay ngày hôm sau, được một đoàn người tháp tùng: con gái bà, chồng của con gái bà cùng cha mẹ hắn, thậm chí một đứa em trai của gã được gọi là chú rể kia. Người ta không bao giờ biết Noemia đã nói gì với bác sĩ, nói chuyện riêng. Chúng tôi chỉ biết rằng chính ông ta đã đề nghị cuộc trò chuyện trực diện giữa hai người và sau đó viết đơn đề nghị xét nghiệm máu. Tất cả đều đã kết thúc tốt đẹp. Bằng chứng ư, em gái tôi đã có đến tám đứa con và theo như người ta nói thì đều do chính gã chồng kia đã nói toạc ra.

- Với ta thì chúng chỉ để lại toàn những phiền muộn. - Giọng bà lại lề dề cất lên, thấm đẫm nỗi buồn. Bà khiến ta nghĩ đến một khoảng thời gian thoáng qua trong quá khứ: vào lúc mà ngày đang tàn dần từng chút trên đường viền đỏ phía chân trời. Trước hình ảnh của cuộc đời mà chúng tôi đã trải qua: một giờ dài đằng đẵng của buổi niệm kinh tối. – Ta đã đang chuẩn bị ngủ thì nghe thấy một tiếng động lạ, tiếng động của ai đó nhảy qua cửa sổ. Ta đã ngỡ đó là một tên trộm. Ta đến xem phòng lũ con gái, chúng chắc phải ngủ từ lâu rồi. Ta vẫn còn ba đứa con gái, đấy là suy nghĩ tức thời của ta lúc đó. Khi ta vào đến trong phòng thì nhìn thấy Zuleïde đang ngồi quỳ trên giường, với tay đóng cánh cửa sổ. Ta đã hỏi nó có chuyện gì xảy ra. Nó liền đáp lại: - Chính là điều mẹ đang nghĩ đấy. Hai đứa con gái kia đang ngủ hay đang giả vờ ngủ, trong chiếc giường tầng của chúng. Zuleïde bước xuống hẳn giường của nó và cứ đứng trân trân như vậy, ở giữa phòng. Nó còn nhắc lại: - Chính xác là điều mẹ đang nghĩ đấy. Nếu mẹ muốn giết con, thì hãy giết đi. Còn con thì không muốn nói dối. Hai đứa kia biết hết, bởi hàng đêm chúng đều nhìn thấy những gì đã diễn ra. Chúng chẳng kể gì cho ta nghe cả. Chính đó là điều mà ta không hiểu nổi: tại sao chúng lại không kể gì cho ta nghe chứ?

Gió buổi tối lạnh giá, chúng luồn vào qua cửa sổ xe ô tô. Trong xe, chúng tôi rất cần tạo không khí thoáng. Bà đã nôn hết những gì có thể nôn, vấn đề bây giờ là mùi bốc lên. - Nhanh hơn nữa đi. - Giờ lại đến chính tôi đề nghị người tài xế. Sao cho chúng tôi phải đến nơi nhanh nhất có thể, sao cho đến được đến nơi mà bà vẫn còn sống. Tôi không thể mở to mắt do quá nhiều gió. Chúng thổi bạt tóc tôi ra phía sau, rồi thổi luồn từ phía sau tới, chúng ném tôi xuống rãnh cống của thời gian.

- Thế là ta đã nhắn cho bố con: hãy đến đem con nhỏ này về đi. Tôi không thể chịu đựng được nữa rồi. Kể từ bây giờ, chính anh phải chăm nom nó. Hãy nhét một cái mai vào tay nó đi. Khi biết bố đến đón nó, con có biết nó đã làm gì không, con bé Zuleïde đó?

- Ê, Dina này, đợi chút đi. Zilda, đến đây.

Cả ba chị em gái đi học về. Chúng hợp thành một nhóm nhỏ, đi tách hẳn những đứa học trò khác cùng trường.

- Các em đi thẳng một mạch về nhà chứ? – Zuleïde hỏi.

- Đương nhiên rồi. Sao chị lại hỏi thế?

 

- Chị gửi lại những kỷ niệm của chị về gia đình.

Những kỷ niệm đẹp nhất.

- Thế chị không về nhà à?

- Hai em hãy nhìn này. – Zuleïde chỉ tay lên một thân cây. – Các em nhìn thấy con ruồi hoa ấy không?

- Có ạ. Nhưng con ruồi hoa ấy thì có gì đặc biệt hả chị?

- Chả có gì đâu. Hãy nói với bố rằng vùng nông thôn nhà quê ấy, đó là vũng thối nhé.

Nó đi xa dần, chạy mà như nhảy, những bước trúc trắc, hệt như một đứa trẻ chơi nhảy lò cò vậy. Hai đứa em gái nó nhìn nhau, chẳng nói lời nào. Thi thoảng Zuleïde dừng lại, ngoái nhìn về phía sau và thốt lời giã biệt.

- Chị thậm chí không để lại cho chúng em một cái địa chỉ nào sao? – Một trong hai đứa kêu lên.

- Chị sẽ viết thư về cho các em. - Zuleïde đáp, rồi bắt đầu ba chân bốn cẳng bỏ chạy.

Một năm sau, nó mới viết thư về, từ một nơi gọi là Pojuca, để báo nó vừa sinh hạ một bé gái. Nó đồng ý để mọi người đến thăm nó. Cánh cửa nhà nó sẽ mở rộng đón chào tất thảy mọi người. Và thậm chí, khi đứa trẻ biết đứng vững, nó sẽ đưa về chào anh em họ hàng. Đó quả là một lá thư vui nhộn đấy, và kết thúc như thế này: hãy nói với bố rằng vùng nông thôn nhà quê là một vũng thối. Chắc chắn rằng các em gái nó còn nhớ câu này và sẽ còn cười bả lả về nó.

Đáng tiếc là lá thư ấy chúng không được đọc. Cả chúng nữa đã đi xa rồi. Rất xa.

 

Tiếng mô tơ ô tô gầm rú cũng không to hơn tiếng gầm rú của mô tơ tôi. Chạy đi, Totonhim, chạy đi. Mi phải cứu được mẹ của mi, bởi mi phải cứu sống chính mi. Đó là niềm hy vọng cuối cùng còn lại của mi. Y học, ma túy, nước hãm, lời phù phép, lời hứa, cái gì băng qua trước mặt mi thì đều phải cẩn thận hết. Chiếc ô tô này xé tan con đường, và con đường này lại đang vò xé chính mi và quan trọng gì đâu nếu như chính con đường này xé toạc rốn, tim hay lỗ đít của đất nước Brésil. Salvador, Bahia, đối với người dân vùng Bahia. Recife-Pernambuco đang nói với mọi người. A lô, alô, Sở loa phóng thanh đây. Đài Tiếng nói Sertão đây, chúng tôi sẽ tặng cho các bạn một trang âm nhạc tuyệt vời, đặc biệt dành cho thiếu nữ vận váy trắng và xanh lơ mà lúc này đang dạo chơi trên sân nhà thờ, tay trong tay một thiếu nữ khác vận váy hồng và vàng. Các màu sắc và những bông hoa cũng trở nên phát điên. Quỷ Xa-tăng cầu khẩn sự dung hòa, hắn đang sốt ruột dưới địa ngục. Salvador, thủ phủ của tình yêu. Chú ý, chú ý nhé. Chúa hôm nay nói chuyện trên kênh truyền hình quốc gia, chú ý nhé Junco, vào hai mươi giờ tối nay hãy bật hai mươi mấy cỗ máy lên nhé. Chúa sẽ nói chuyện. Người có tồn tại đấy. Điều mà Người không muốn, đó là cam kết. Mẹ tôi cần nghe.

- Ô, không đâu, con trai của ta, con nhầm rồi. Hãy hỏi những người khai thác cuốn Saint Nom của Ta mà xem. Ta đảm bảo với con là những gì họ làm không phải là uổng đâu.

 

- Thế số tiền mà chúng con cho cha xứ, cũng trong cuốn Saint Nom của Người à?

- Đấy là vấn đề của cha xứ và của người đã sáng tạo ra nó.

- Điều đó có nghĩa là Người nghe thấy con nói, ồ xin lỗi, có nghĩa rằng Người, rằng  Đức Tối Ưu kính mến, rốt cục thì cần phải nói thế nào cho đúng đây?

- Mỗi người có cách riêng của mình. Nhưng ta thích họ tránh nói những lời sỗ sàng.

- Thế thì Người tồn tại thật ư?

- Ta khoác lên mình mặt trời và mặt trăng, điểm tô cho những vì tinh tú và mang một tia chớp trên mỗi cánh tay. Con muốn biết sự thật thực sự ư? Ta là quán quân quốc gia của tất cả những kỳ thi tuyển hóa trang. Chắc chắn chính vì thế mà người ta nói Ta là người Brésil(1).

 

Bà đã tựa đầu vào vai tôi, lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng của đời bà. Bà đã đi đến đoạn
cuối rồi.

- Mẹ ơi, mẹ ơi, con đã nói chuyện với Người. Bây giờ thì con biết hết rồi.

- Hãy bình tĩnh đi nào, - bà nói. – Mẹ đang mệt quá rồi.

Bà chìm vào giấc ngủ.

Bình mình bắt đầu ló dạng. Chắc phải tầm bốn hoặc năm giờ sáng. Chỉ lát nữa thôi, tôi sẽ biết giờ một cách chính xác, trong thành phố các tiểu thương từ xa đến và họ lúc này kiểm soát thời gian của họ rất hoàn hảo. Chúng tôi đến nơi rồi. Đây là thành phố đấy: một thế giới những cánh cửa hàng mở ra và đóng lại, một cuộc sống theo hai khoảng thời gian, mở ra và đóng lại, đóng lại và mở ra, không gì ngoài hai động tác này của thời gian. Khách sạn và nhà trọ bẩn thỉu dành cho đám con trai những điền chủ đến đây học tập, dành cho những tài xế đến đây nghỉ ngơi. Năm sáu trường trung học cơ sở, những cánh cửa mở ra và khép lại. Nhà thổ bên phải dành cho ai thích đến, bệnh viện nằm bên trái. Tôi vẫn còn chưa biết liệu nên đưa mẹ đến bệnh viện, đến nhà thương điên hay đến nhà xác đây. Liệu đã bao giờ bạn cảm nhận rõ hơi thở hổn hển của chính mẹ mình chưa? Rất nhiều bà con họ hàng của tôi trú ngụ trong những thị trấn ngoại ô, ở cửa ngõ vào thành phố. Họ chiếm cả một khu phố, họ chắc phải dậy rồi. Họ đầm mình trong khu biệt cư, bì bõm trong cống rãnh. Chẳng cần phải đi xa lắm đâu. Ngay ở đây thôi thì ta cũng tìm thấy những người đến từ Alagoihnas, từ Bahia. Cuộc đời khốn khó nghèo khổ, tôi không muốn hai trăm năm hạn hán nữa, tôi không muốn nạn đói kéo dài một thế kỷ nữa. Những con người nhà quê đứng xếp hàng trước cửa nhà của những người nhà quê hiện đang sống ở thành phố. Khu ngoại vi là khu bẩn thỉu nhất, lộn xộn nhất trong khắp các khu phố. Ở đây, mọi thứ giống hệt như ở Feira de Santana. Tôi biết rõ lắm, bởi tôi đã từng sống ở đó.

Điều anh nghĩ là do sự điên khùng của anh tạo ra đấy. - Gã gác cổng nhà cứu tế đang gà gật và dửng dưng, buồn bã và bẳn gắt, hình như đã nói với tôi như thế. Một thế giới toàn những con người buồn bã. Một thế giới mang chính xác bộ mặt của tôi. - Như tôi đã nói với anh, - nữ y tá với khuôn mặt mỏng và cố nén, giấu cặp mắt mình sau cặp kính. Mảnh khảnh, tựa như lớp thực vật sống trong bồn vậy. Những đường gân hằn sau làn da, hệt như mẹ tôi. – Giám đốc vẫn còn đang ngủ.
- Cô ta thông báo cho tôi biết. Còn tôi thì hỏi:
- Tại sao?

Nghe xong câu hỏi của tôi, cô ta nhìn tôi qua gọng kính và tôi tìm ra câu trả lời trong cặp mắt ngái ngủ của cô ta: - Bởi vì anh đến quá sớm. Còn tôi thì tự nhủ: - Không đâu, người đẹp ạ. Chúng tôi đã đến quá muộn thì có. Cô ta cụp mắt xuống. Màn diễn thành màn câm. Tuy nhiên tôi nghe thấy cô ta nói: - Anh có biết làm người trực quầy trong một ngôi nhà dành cho bọn điên thì như thế nào không hả? Và hơn nữa lại bị đánh thức bởi một người đàn ông và một người đàn bà hôi hoắc chất nôn mửa nữa?

 

Chúng ta cùng đợi vậy. Giám đốc sẽ chỉ đến vào lúc tám giờ. Và cho đến tận tám giờ thì tôi đi đi lại lại trên vỉa hè không biết bao nhiêu ngàn lần. Người tài xế ngủ, rũ rượi trên vô lăng, mẹ ngủ, nằm co quắp trên ghế xe phía sau. Những đứa trẻ đi qua, rất vui trên đường tới trường. Những đứa trẻ gái vận quần áo màu xanh nước biển và màu trắng, đám con trai thì vận đồ kaki. Hãy chôn những người chết của mình đi, lũ trẻ thơ của ta. Tương lai là màu xanh lơ và màu trắng. Hoặc giống như bố nói: thuộc về đấng Chúa Trời.

May làm sao, vị giám đốc chính là Jonga. Chúng tôi đã trở thành bạn bè nhau nhân những đợt bầu cử mới đây, khi anh ta đến Junco, tìm thêm vài lá phiếu cho một người anh em họ. Tôi đã thu thập được cho anh ta vài lá. Tôi đã nhận được một lá thư cảm ơn của anh ta, và nói nếu có cần anh ta giúp đỡ gì thì chớ có ngần ngại. Tôi đã chẳng xấu hổ gì khi chường mặt mình ra trong bộ dạng lôi thôi lếch thếch lúc đó lẫn việc giới thiệu mẹ trong tình trạng của bà. Một bà ăn mày. Nói ra thì đau lòng, nhưng đó là sự thật. Jonga tỏ ra rất cởi mở, thậm chí là thiện chí. Anh ta đã cố an ủi tôi:

- Nếu như tất cả chúng ta đều có một nỗi cực nhọc phải mang vác, thì anh đã có phần của anh rồi đấy.

Mẹ sẽ nhận được những điều kiện điều trị tốt nhất có thể, tôi có thể tin tưởng nơi anh ta và có thể ngủ ngon. Chúng tôi đang nói chuyện tào lao, thì bà nói:

- Thật là một bác sĩ đẹp trai. Ông ấy làm việc ở đài truyền hình, đúng không?

Tôi đã nghĩ đến điều mà ta thường gọi là tình đoàn kết nhân loại. Nó có tồn tại đấy chứ, đúng thế. Lúc mà ta quen biết ai đó trong điều kiện có thể giúp đỡ họ. Nói tóm lại, trong vùng chúng tôi, chuyện ấy đã và vẫn thường diễn ra. Trên thực tế, có lẽ nên gọi đấy là một sự trao đổi dịch vụ thì đúng hơn.

Họ chẳng đợi tôi về để dự lễ chôn cất. Tôi không hề phiền muộn về chuyện này chút nào. Mệt bã người như tôi lúc đó, thì tôi chỉ muốn đổ ập lên một chiếc giường và nhắm mắt lại thôi. Bố phàn nàn:

- Chẳng có mấy người.

- Bây giờ, bố sẽ làm gì?

- Bố sẽ đi dạo một vòng trong những cánh đồng, thăm hỏi những người bà con. Ngày mai bố sẽ bắt xe buýt, xuống Alagoinhas và từ đó bố sẽ lấy xe về Feira.

Thăm viếng bà con trong những cánh đồng. Đây là điều khiến bố vui nhất.

- Tiền chi phí cho mọi chuyện sẽ nhiều đấy bố ạ, bố đã nghĩ đến chuyện này chưa, tiền viện phí của mẹ, hàng tháng.

- Bố đang túng đến nực cười đây này. Công việc, tuần tới đây thì có, còn tuần sau đó thì chẳng có gì.

- Số tiền con kiếm được chẳng nhiều nhặn
gì đâu.

- Ít thì tiêu ít, nó cũng đã trợ giúp cho con rồi còn gì.

 

- Bố à, con nghĩ rằng bố chưa hiểu ý con đâu. Mẹ ấy mà...

- Đương nhiên là có chứ, bố đã hiểu. Tại sao con lại nghĩ bố không hiểu hả?

- Thế thì, bố nghĩ sẽ làm gì?

- Bố sẽ xem liệu có tìm được một cô gái trẻ nào không, một cô gái trong họ hàng nhà ta, mà cô ấy muốn chăm nom ngôi nhà.

Một ông già và ba thằng nhỏ. Bốn cái miệng cần phải nuôi.

- Thế còn mẹ thì sao? Nhà thương – tiền hàng tháng.

- Cả bố cũng không cầm cự được lâu nữa là. Bố tin chắc thế.

Đúng lúc ấy thì tôi bắt đầu cảm thấy bị lạc đường, bị bỏ rơi, cô độc. Tất cả những gì còn lại trong tôi chỉ là thứ tình cảm của một điều phi lý bất tận. Mẹ Phi lý. Bố Phi lý. Tôi Phi lý. “Cuộc đời của mi chỉ dựa trên sự tình cờ may rủi thôi”. Và mi cảm thấy mình là sản phẩm của sự tình cờ may rủi ấy. Sự nổi loạn, vẫn còn và luôn luôn, nhưng kể từ đây còn dữ dội hơn, nguy hiểm hơn. Mi sẽ không chết vì sợ, vì một viên đạn, hay vì một thói hư tật xấu nào đó. Mi sẽ chết vì bị lún sâu vào những rắc rối, sự thừa kế ngọt ngào mà họ đã để lại cho mi. Để trả thanh toán tiền tang lễ, thì đã phải đi vay rồi, mà là vay lãi kia. Một sự khốn quẫn, sự khốn quẫn của một sự khốn quẫn khác. Cha của mi không biết liệu ông có tiền để ăn trong những ngày tới đây không, và lại càng không thể biết liệu ông có thể trả được những món nợ lãi cho tang lễ của con trai ông không. Ông đang kể cho mi nghe là trong suốt đời mình, ông đã làm việc cực nhọc, không bao giờ và không một ai có thể coi ông là một thằng lười biếng được. Và giờ đây ông chỉ còn lại hai bàn tay đầy những vết chai sần. Và khi mi đã hỏi ông lần thứ ba: - Thế bố sẽ làm gì? – Ông đáp lời mi: - nếu mà bố không quá già như thế này, bố sẽ đi São Paulo-Paraná. Ông có lẽ chắc đã muốn tôi khuyến khích ông lên đường. Nelo, anh trai yêu dấu của em ơi, em sẽ không khóc cho cái chết của anh đâu. Anh đã ra đi vào đúng thời điểm tốt nhất rồi. Giờ thì em hiểu anh, rất có thể là em bắt đầu hiểu anh.

- Bố ơi, hãy nghe con nói với bố này. Con sẽ ra đi.

- Đâu vậy?

- Số tiền mà con nhận được ở tòa thị chính vào cuối tháng sẽ được dành để mua vé.

Ông cố nài hỏi:

- Đi đâu vậy?

- Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng con nghĩ số tiền đó cũng đủ để con đi đến nơi nào con muốn.

- Ở đây con có một công việc. Dẫu là không nhiều, song là một món chắc chắn. Thế nên, con hãy suy nghĩ kỹ đi. Hãy nghĩ tốt đi.

- Con không biết bố có biết chuyện này không, con có một con bò, trong khu chăn thả của ông nội đã khuất bóng ấy. Con sẽ bán nó đi, để thêm tiền cho chuyến đi.

- Nhưng mà con sẽ đi đâu?

- Đến São Paulo.

 

Có một điều mà tôi không hiểu được, đó là tại sao ông già không bao giờ chấp nhận bất kỳ ý tưởng nào của chúng tôi. Cứ phải đặt ông vào tình thế đã rồi, để ông phải thừa nhận. Nhưng luôn luôn là miễn cưỡng.

- Con cũng giống như những đứa kia thôi. Con không thích ở đây. - Ông nói trong lúc nổi giận, như thể ông đã nhảy một bước vào quá khứ và bất thình lình ông bỗng lại trở thành người cha của thời kỳ trước. - Chẳng có ai thích nơi đây cả. Chẳng ai thích mảnh đất này.

Ông thì thích nó đấy, tôi biết, tất cả mọi người đều biết.

Đã thốt xong lời khiển trách, bố dịu giọng lại, ông hình như cố nhẫn nhục hơn là bực mình:

- Con làm tốt đấy. - Ông nói. – Hãy theo tấm gương...

Ông cụp mắt xuống, mà không nói hết câu của mình.

 

 

 

Rio de Janeiro 3.7.75

José Giése da Cruz thân mến,

Chính ở Juazeiro da Bahia (vào năm 1970, tôi nghĩ thế) tôi đã nói với anh về một câu chuyện mà tôi đang viết về Junco và câu chuyện ấy bắt đầu thế này: - Địa điểm nằm ở đâu không quan trọng. Nó rất xa anh. Bởi Junco không chiếm một vị trí khả dĩ trên tấm bản đồ thế giới.

Đấy là cuộc hội ngộ cuối cùng của chúng ta, nhưng lúc ấy thì tôi vẫn còn chưa biết đó sẽ là lần cuối cùng đâu.

Chúng ta đã nói chuyện suốt một tháng trời, anh nhớ không?

Phải nói là khùng thật, tất cả những gì anh  đã kể cho tôi nghe trong suốt chuyến đi ấy mà nó đã đưa chúng ta đến Junco, sau đó là Nova Soure, Pombal, rồi Jorro, vẫn chỉ là để gặp lại những người bà con. Anh đã muốn giúp tôi để tôi viết câu chuyện của mình, tôi biết lắm. Nhưng anh đã không đủ kiên nhẫn đợi được đến lúc kết thúc. Cuộc đời là thế.


Tôi đã không bao giờ quên lần dừng chân ở Mimoso. Những ông già nông dân vây quanh tụi mình. Lý do: người ta sẽ trải nhựa đường trên quảng trường ở Junco. Anh đã hỏi họ:

- Ông thị trưởng đã dạy cho các ông cách trồng đậu chứ? Đã dạy các ông cách chọn hạt giống chứ? Đã dạy các ông cách bón phân cho đất chứ? Không à? Thế thì đó không phải là một ông thị trưởng
tốt đâu.

Đồng ý, ông bạn Giése của tôi ạ, câu chuyện này không phải là chuyện của anh, dẫu nó liên quan rất nhiều đến chúng ta, đến anh, đến tôi, đến anh bạn quá cố Lela de Tote và cả gã Humberto Vieira. Hãy nhớ chuyện này nữa: sau khi đã ngang dọc tung hoành khá nhiều trong vùng São Paulo, thì Lela đã buông tay, anh ta đã ra đi, như người ta nói, đến một thế giới tốt đẹp hơn.

Anh cũng chẳng chậm trễ noi theo gương anh ta, để lại sau lưng anh, ngoài một niềm tiếc nuối vô tận, là hàng lô những câu hỏi. Nhưng Humberto và tôi, chúng tôi vẫn còn ở đây và chúng tôi vẫn nghĩ rằng cuộc sống này rất đáng để sống.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với Sonia và Gabriel, vợ và con trai tôi, mà đáng buồn là anh sẽ chẳng bao giờ biết họ.

Tôi muốn chia sẻ câu chuyện này với bà già Durvalice và ông già Irineu, với cha mẹ tôi và với mười hai anh em trai của tôi, mà anh đã giúp đỡ họ rất nhiều, cả tôi nữa cũng sẽ không quên rằng anh đã giúp tôi học hết các khóa tại trường Trung học cơ sở ở Alagoinhas-Bahia.

Lạy Chúa lòng lành, anh có nghe thấy tôi
nói không?

 

Người em họ của anh

A. T.



1. Trò chơi xổ số.

1. Liên hệ đến bài thơ nổi tiếng của Gonçalves Dias (1823–1864) : Bài hát của kẻ tha hương: "Quê tôi có những hàng cọ/ Nơi cây thanh phong đứng hát/ Bài hát của đàn chim trú ở đây/ Chẳng hay lắm đâu/ Chỉ là bài hát của thanh phong mà thôi."

1. Liên tưởng đến câu châm ngôn dân gian : «Chúa là người Brésil».

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87371


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận