Huân tước John Roxton và tôi cùng nhau rẽ xuống đường Vigo, đi qua những cổng chính màu xám xịt của khu phố quý phái nổi tiếng. Ở cuối một hành lang dài màu xám, người quen mới của tôi đẩy cánh cửa và vặn nút điện lên. Một chùm đèn chiếu sáng qua những bóng màu, nổi lên toàn bộ căn phòng trước mặt chúng tôi một thứ ánh sáng rực rỡ màu hồng. Đứng ở ngưỡng cửa, liếc nhìn chung quanh, tôi có cảm tưởng chung là nơi đây cực kỳ tiện nghi và sang trọng, kết hợp với bầu không khí của tiên giới. Chỗ nào cũng thấy lẫn lộn giữa cái sang trọng của một người giàu có biết thưởng thức và sự luộm thuộm vô ý của một gã chưa vợ. Những tấm lông thú đắt tiền và những tấm thảm nhiều màu óng ánh kỳ lạ mua từ một phiên chợ Phương Đông trải kín sàn. Những bức tranh và ảnh mà ngay cả đôi mắt không thành thạo của tôi cũng có thể biết được ngay là rất đắc và hiếm có, treo đầy trên bốn bức tường. Những bức vẽ các võ sĩ quyền anh, các cô gái múa ba lê, những con ngựa đua treo lẫn các bức tranh đầy kích dục của Fragonard, các bức tranh hùng dũng của Girardet và những bức tranh mơ mộng của Turner. Nhưng trong số những đồ trang hoàng khác nhau này, tôi chú ý tới những chiếc huy chương và những chiếc cúp, chúng giúp tôi đoán chắc rằng chủ nhân của chúng - Huân tước Roxton phải là một nhà thể thao nổi tiếng thời còn trai trẻ. Đó là hai chiếc mái chèo một màu xanh thẫm và chiếc kia màu hồng đào được treo bắt chéo phía trên lò sưởi. Những thanh kiếm bịt đầu và những chiếc găng tay treo đầy trên tường chứng tỏ chủ nhân của chúng là bậc thầy về môn đấu kiếm. Xung quanh tường nhà hàng loạt những cái đầu thú - chiến công của chủ nhân trong những cuộc đi săn, đó là đầu của những con thú nổi tiếng từ khắp các vùng trên thế giới trong đó tôi chú ý có loài tê giác trắng vô cùng quý hiếm, bĩu cái môi kiêu kỳ của nó trên tất cả những con khác.
Ở giữa tấm thảm đỏ sang trọng là một cái bàn nửa đen nửa vàng của vua Louis thứ mười lăm, một thứ đồ cổ quý giá, ngày nay đã bị mất đi tính thiêng liêng, đem dùng bình thường, mang đầy những vết ly tách và vết những đầu mẫu xì gà. . Gần đó là một khay thuốc lá bằng bạc và một bình đựng nước xi rô mà từ đó ông chủ ít lời của tôi cũng đã kịp rót đầy vào hai chiếc cốc cao để mời khách. Sauk hi chỉ tay vào một chiếc ghế mời tôi ngồi và đặt cốc xi rô cạnh đó, Huân tước Roxton mời tôi một điếu xì gà Habana dài ngoằng. Sau đó ông ngồi xuống chiếc ghế đối diện, mắt nhìn không chớp, đôi mắt ông ta sáng lấp lánh và thản nhiên đến lạ kỳ - một đôi mắt màu xanh nhạt lạnh lùng - màu của mặt nước hồ bị đóng băng.
Qua làn khói mờ ảo của thuốc xì gà, tôi nhận thấy khuôn mặt của Huân tước Roxton rất đỗi quen thuộc. Tôi đã có dịp xem nhiều bức ảnh của ông trên báo. Cái mũi khoằm, hai má hõm vào mệt mỏi, mái tóc hung đỏ, đỉnh đầu hơi hói, bộ ria cong lên đầy nam tính, chòm râu dưới cằm vểnh ra từ cái cằm cũng nhô ra không kém. Tôi cảm thấy ở Huân tước Roxton có một điều gì đó giống nhân vật Đôn Kihôtê, hay Napôlêông đệ tam, mặt khác ông lại giống một người Anh điển hình sống ở nông thôn - một con người nhiệt tình, cảnh giác và phóng khoáng, một người rất yêu chó và ngựa. Da của ông đỏ au vì được tắm đầy đủ nắng và gió. Đôi lông mày rậm và dài khiến cho cặp mắt lạnh lùng trở nên dữ tợn hơn, vẻ dữ tợn còn được tăng thêm bởi vầng trán rộng như muốn che khuất đôi mắt. Nhìn sơ qua thì có cảm giác Huân tước Roxton là một người gầy gò nhưng sự thực ông là người rất săn chắc. Ông thường tự hào rằng ở nước Anh rất ít người có được thể lực như ông. Ông cao khoảng hơn sáu feet. Đó chính là những gì tôi có thể nói về Huân tước Roxton, người đang ngồi trước mặt tôi, miệng cắn xì gà, mắt nhìn tôi không chớp.
- Nào! - Cuối cùng thì ông ta cũng cất tiếng - Chúng ta đã đồng ý dấn thân vào cuộc thám hiểm này phải không anh bạn đồng hành của tôi! Chúng ta đã dấn thân vào sự hiểm nguy, cả cậu và tôi. Tôi cho rằng khi cậu bước vào hội trường buổi tối hôm nay, trong đầu cậu chưa từng có ý nghĩ về một cuộc phiêu lưu nào đó phải không?
- Tôi không hề nghĩ đến điều đó!
- Tôi cũng vậy! Nhưng giờ thì cả hai chúng ta cùng ở đây. Tôi vừa trở về sau ba tuần ở Uganda và qua Xcốtlen sau đó tôi sẽ ký một hợp đồng cho thuê nhà và thế là xong. Thế còn cậu?
- Cũng chẳng có gì! Mọi việc xuất phát từ công việc làm báo của tôi. Tôi là phóng viên của tờ Gazette.
- Tất nhiên tôi đã nghe cậu nói như thế trong cuộc hội thảo. À này! Nhân tiện tôi có một việc nhỏ muốn nhờ cậu làm.
- Rất vui lòng, thưa Huân tước!
- Chắc cậu không ngại khó khăn chứ? Tôi muốn nói đến Ballinger - ông ta chính là sự khó khăn đấy. Đã bao giờ cậu đã nghe nói về ông ta chưa?
- Chưa!
- Tại sao lại thế nhỉ? Thế cậu sống ở đâu? Ngài John Ballinger là một tay đua ngựa nổi tiếng nhất miền Bắc đấy! Bình thường tôi cũng ngang ngửa với ông ấy nhưng đến những bước nhảy siêu phàm của ông ta thì tôi xin bái phục. Tuy nhiên có một điều là khi không được tiếp tục tham gia đua nữa, ông ta lao vào nghiện rượu. Và gọi việc nghiện rượu của mình là vượt lên trên sự tầm thường. Hôm thứ ba tôi gặp ông ấy đang trong tình trạng say rượu. Chưa bao giờ tôi chứng kiến ông ấy hung hãn đến vậy! Phòng của ông ấy ở ngay bên trên. Bác sĩ nói rằng ông ta phải được ăn một cái gì đấy. Nhưng khi nhìn thấy ông ấy nằm trên giường với khẩu côn quay trong tay và chửi té tát những ai đến gần thì những người phục vụ rất sợ hãi.
- Thế thì ý ngài muốn gì? - Tôi hỏi.
- Ý tôi là cả hai chúng ta sẽ cùng giúp ông ấy ăn, được không? Bây giờ chắc ông ấy đang lơ mơ. Ông ấy chỉ có thể phát hiện một trong hai chúng ta và anh sẽ nhân cơ hội giữ chặt ông ta lại, và tôi chụp vỏ gối vào tay sau đó thì dùng bơm để bơm thức ăn vào miệng ông ấy.
Đúng là một công việc kỳ quặc mà tự nhiên tôi vớ phải. Tôi không nghĩ rằng mình là một người đàn ông dũng cảm. Trí tưởng tượng phong phú của người Ai-len trong tôi càng khiến tôi khốn khổ hơn bao giờ hết. Tôi được nuôi dưỡng để trở thành một kẻ hèn yếu và luôn luôn sợ hãi. Nhưng tự nhiên lúc này tôi dám nói rằng tôi có thể quăng mình qua vách đá giống như người Phổ trong các cuốn sách về lịch sử mà tôi đã từng được đọc nếu như lòng dũng cảm của tôi được khuyến khích chứ không phải do sĩ diện. Ý nghĩ về người đàn ông nghiện rượu ở tầng trên tự nhiên làm cho tôi cảm thấy hết cả sợ hãi. Tôi chỉ muốn lên ngay trên đó xem sự thể thế nào. Huân tước Roxton nói thêm với tôi mấy câu nữa về người đàn ông nghiện rượu đó nhưng những gì ông nói chỉ làm tôi thêm bực mình.
- Thôi! Ngài đừng nói thêm gì nữa! Chỉ vô ích thôi! - Tôi nói - Nào! Bây giờ chúng ta lên đó xem nào.
Tôi đứng dậy và Huân tước Roxton cũng đứng lên theo, bất ngờ Huân tước Roxton mỉm cười một cách khó hiểu, đập nhẹ vào ngực tôi mấy cái, đẩy tôi ngồi phịch xuống ghế.
- Thôi! Xin lỗi anh bạn trẻ! Chờ một chút nữa! - Ông ta nói.
Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta.
- Buổi sáng hôm nay tôi đã chăm sóc ông Ballinger cẩn thận rồi. Ông ta đã bắn thủng một lỗ trên áo ngủ của tôi. Cám ơn cái bàn tay già nua run rẩy của ông ta nếu không thì... Nhưng chúng tôi cũng đã kịp mặc cho ông ấy một cái áo jacket. Chắc là sẽ ổn thôi. Chàng trai trẻ! Tôi hy vọng cậu không sợ. Cậu biết không? Chúng ta sẽ đi Nam Mỹ và tôi thì cần một người bạn đường thực sự dũng cảm và dám đương đầu. Tôi đã gặp được cậu và tôi dám chắc rằng cậu sẽ không làm tôi thất vọng đâu. Cậu thấy đấy, chỉ có tôi với cậu chịu trách nhiệm về ông già Summerlee này. À này! Có phải cậu là cái cậu Malone - người đã chơi trong đội bóng bầu dục cho đội Ai-len đấy không?
- Có lẽ thế! - Tôi trả lời dè dặt.
- Tôi đã nhìn thấy cậu trước kia rồi! Tôi đã chứng kiến trận đó mà. Hôm cậu chơi tay Richmond ấy. Một quả bóng đánh lạc hướng tuyệt nhất trong mùa bóng mà tôi được chứng kiến. Tôi chưa từng bở lỡ một trận bóng bầu dục nào đâu! Nhưng lý do tôi mời cậu đến đây không phải là để nói chuyện thể thao. Chúng ta cần phải thảo luận kỹ về chuyến đi. Đây là tin về cuộc đua thuyền trên trang nhất của tờ The Times. Thứ tư này người ta sẽ bán chiếc du thuyền Booth, nếu cậu và giáo sư Challenger đồng ý thì tôi sẽ mua nó. Thế nào? Rất tốt! Tôi sẽ giải quyết chuyện đó! Thế cậu sẽ mang những thứ gì?
- Để tôi xem đã!
- Cậu biết bắn súng không?
- Cũng ở hạng trung bình trong vùng!
- Tuyệt vời! Đó là điều cần thiết mà một người trẻ tuổi như cậu cần phải biết! Cậu là một con ong không có nọc và chỉ bay quanh quẩn cái tổ của mình. Cậu sẽ chỉ biết đứng nhìn khi có kẻ nào đó lấy mật trong tổ của cậu nhưng cậu sẽ cần phải cầm chắc tay súng khi chúng ta đến những khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ đấy. Nếu ông giáo sư Challenger không phải là một kẻ điên khùng hoặc một tên dối trá thì chắc chắn chúng ta sẽ gặp được nhiều điều thú vị. Cậu có loại súng gì?
Ông Roxton mở một cái hộp gỗ sồi ra. Tôi thấy trong đó là một dãy những nòng súng được xếp song song với nhau như những cái ống hơi của một cây đàn organ.
- Để tôi xem cậu có thể dùng được loại nào trong số này!
Nói rồi ông ta lần lượt lấy ra từng khẩu súng trong hộp cho tôi xem. Ông ta bóp cò súng kêu lách cách sau đó nhẹ nhàng đặt chúng trở lại chỗ cũ. Động tác ấy khiến cho tôi có cảm giác rằng ông như một người mẹ đang chăm sóc đàn con của mình.
- Đây là khẩu Bland 557 cực nhanh. Tôi đã bắn con tê giác kia bằng khẩu súng này đấy! - Ông nói và đưa mắt về phía cái đầu con tê giác trắng treo trên tường - Đứng ở khoảng cách mười yard và đoàng... thế là chú ta đã gia nhập vào bộ sưu tập của tôi.
"Đó chính là khẩu súng tôi dùng chống lại những người lái xe chở nô lệ ở Peruvian ba năm về trước. Có những lúc, anh bạn trẻ ạ, mỗi người chúng ta phải đứng hẳn về phía công lý và nhận quyền hoặc là chúng ta sẽ phải luôn luôn cảm thấy mình là người có lỗi. Mỗi khẩu súng này là dành cho một tên giết nô lệ đây. Nhiều súng quá, phải không? Cây súng bự này là dành cho Pedro Lopez, tên trùm của bọn chún má tôi đã giết chết ở chỗ nước xoáy trên sông Putonayo. Còn đầy là cây súng thích hợp với cậu.
Ông Roxton nói và nhấc một khẩu súng màu nâu bạc rất đẹp.
- Kính ngắm chuẩn xác, năm hộp đạn. Cậu có thể hoàn toàn tin cậy ở nó!
Ông đưa khẩu súng cho tôi và đóng nắp hộp làm bằng gỗ sồi lại. Sau đó ông ngồi xuống ghế và tiếp tục nói:
- Nhân tiện cậu trả lời tôi xem cậu biết gì về giáo sư Challenger?
- Đến hôm nay tôi mới biết ông ấy!
- Tôi cũng vậy! Thật buồn cười khi cả hai chúng ta lao vào cuộc phiêu lưu theo mệnh lệnh của một người mà chúng ta không hề biết. Ông Challenger giống như một con chim già kiêu ngạo. Ngay cả những bậc trưởng lão trong giới khoa học cũng chẳng mấy ưa ông ta! Sao cậu lại tình nguyện tham gia vào cuộc phiêu lưu này?
Tôi kể vắn tắt cho Huân tước Roxton nghe về cuộc gặp gỡ sáng nay với giáo sư Challenger. Huân tước Roxton lắng nghe một cách chăm chú. Sau đó ông lấy một tấm bản đồ Nam Mỹ ra và trải trên mặt bàn.
- Tôi tin rằng những gì giáo sư Challenger nói cậu đều đúng cả - Huân tước Roxton nói một cách nghiêm túc - Tôi có lý do để nói như thế! Nam Mỹ là một nơi mà tôi rất yêu quý. Nếu cậu đi từ Darien tới Fuego cậu sẽ thấy rằng đó là một nơi vĩ đại nhất, giàu có nhất và đẹp đẽ nhất trên hành tinh này. Loài người chưa biết được vùng đất đó và vì thế họ chưa tưởng tượng được nó như thế nào. Tôi gần như đã thành thổ dân ở đó, tôi đã trải qua hai mùa khô ở nơi này khi tôi chạm trán với bọn buôn bán nô lệ. Thời gian ở đó, tôi được nghe những câu chuyện về truyền thống của người da đỏ và những điều tương tự như thế, nhưng đằng sau những câu chuyện đó là điều lý thú hơn. Cậu càng hiểu biết thêm về vùng đất đó cậu sẽ thấy rằng ở trên đời này cái gì cũng có thể xảy ra - chàng trai trẻ ạ - bất kỳ điều gì! Những con suối nhỏ mà chạy theo chúng là những câu chuyện dân gian ly kỳ được bao phủ bởi bóng tối của rừng già. Cậu nhìn đây, đây là vùng Matto Grosso - Huân tước Roxton lấy điếu xì gà chỉ vào bản đồ - xem trên đây này, nơi ba vùng tiếp giáp với nhau, chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên cả. Như ông Challenger đã nói, nơi đó có con sông dài năm mươi ngàn dặm chảy trong một khu rừng có diện tích gần bằng cả châu Âu. Cậu thử tưởng tượng xem nếu tôi và cậu đứng ở mỗi đầu của cánh rừng thì cũng giống tôi ở Xcốtlen còn cậu ở vùng Constantinople. Người ta cũng mới làm một con đường mòn đâu đó ở khu vực này. Thủy triều ở đây lên rất cao khoảng 40 feet và quá nửa nơi đây sẽ biến thành bãi lầy, cậu sẽ không tài nào lội qua được đâu. Tại sao ở những vùng như thế lại không có những điều kỳ diệu và tuyệt vời được ẩn chứa cơ chứ? Tại sao chúng ta chứ không phải ai khác khám phá vùng đất đó? Hơn nữa... - khuôn mặt ông Roxton sáng bừng lên một cách kỳ lạ - mỗi thước đất ở đó đều chứa đựng một sự mạo hiểm nhất định, chàng trai trẻ ạ! Đó chính là ý nghĩa của cuộc sống này. Chỉ có như thế chúng ta mới thấy đáng sống, khao khát sống. Chúng ta đang có một cuộc sống quá êm ả và tẻ nhạt. Hãy cho tôi những vùng đất rộng lớn chưa có người khai phá, hãy cho tôi những khoảng không gian mênh mông và cho tôi một khẩu súng để tôi có thể lao vào những cuộc viễn du tìm kiếm những điều mới mẻ. Tôi đã tham gia vào những cuộc giao đấu, những cuộc đua ngựa vượt rào, những cuộc thử nghiệm máy bay nhưng phải nói rằng cuộc săn lùng loài ác thú này giống như một giấc mơ, một cảm giác mới lạ chưa từng được biết đến - Huân tước Roxton tỏ ra hân hoan trước viễn cảnh trong đầu.
Có lẽ tôi đã tốn hơi nhiều thời gian để nói về ông bạn mới quen này nhưng ông ta sẽ là người bạn đồng hành của tôi một thời gian dài. Ban đầu mới gặp tôi đã nghĩ ông ta thật đáng mến, cách nói chuyện rất thông minh và lối suy nghĩ đầy cá tính và tôi cần phải tiếp cận ông ta để có mối quan hệ tốt về sau. Tôi để mặc ông ấy ngồi đó với viễn cảnh của riêng mình, tay lau dầu chiếc cò súng của khẩu súng trường, mắt bừng lên với ý nghĩ những chuyến du hành phía trước. Tôi nhận ra rằng nếu có một sự nguy hiểm nào đó đáng kể đang đợi chúng tôi trong chuyến thám hiểm sắp tới thì sẽ không có ai trên khắp nước Anh này có cái đầu lạnh lùng và một trái tim dũng cảm hơn người đàn ông này để chia sẻ và chiến đấu.
Đêm đó tôi cảm thấy người rất mệt mỏi. Tôi ngồi đối diện với Mc Ardle - biên tập viên tin tức tờ Gazette và giải thích toàn bộ sự việc tại cuộc hội thảo cho ông ta nghe. Ông Mc Ardle cho rằng đây là một thông tin quan trọng cần thông báo sớm cho tổng biên tập George Beaumont. Tôi và ông Mc Ardle cùng thống nhất với nhau sẽ viết một bản báo cáo về toàn bộ cuộc thám hiểm theo kiểu những bức thư liên tục tường trình về chuyến đi và chúng sẽ được biên tập để đăng trên tờ Gazette của tôi hoặc sẽ được giữ lại để đăng sau theo sự đồng ý hay không của giáo sư Challenger bởi vì chúng tôi cũng chưa biết được giáo sư Challenger sẽ đặt ra điều kiện gì để đổi lấy sự chỉ dẫn chi tiết cho cuộc thám hiểm này.
Khi chúng tôi gọi điện hỏi về điều này thì ngay lập tức nhận được phản ứng vô cùng giận dữ của ông đối với cánh báo chí và rồi ông cũng nói thêm khi nào chúng tôi mua được thuyền thì ông ta sẽ chỉ dẫn chúng tôi chi tiết và khi đó cuộc thám hiểm của chúng tôi mới có thể bắt đầu được.
Lần thứ hai chúng tôi gọi điện đến nhưng không nhận được sự trả lời ngoài tiếng than vãn của bà vợ giáo sư rằng ông ấy đang rất bực và bà mong chúng tôi sẽ không làm cho tình trạng này tồi tệ hơn.
Cuối ngày hôm sau khi chúng tôi cố gắng liên lạc với Giáo sư Challenger lần thứ ba thì nghe thấy tiếng loảng xoảng ghê tai rồi nhận được tin báo từ tổng đại rằng chiếc nghe điện thoại nhà Giáo sư Challenger đã bị đập vỡ. Cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ không liên lạc với Giáo sư Challenger nữa.
Thưa các độc giả kiên nhẫn kính mến của tôi! Từ bây giờ tôi sẽ không thể nói chuyện trực tiếp với các bạn được nữa. Từ giờ trở đi (nếu như có độc giả nào vẫn tiếp tục theo dõi câu chuyện) tất cả sự việc sẽ diễn ra trên những trang giấy mà tôi gửi về cho ông Mc Ardle. Tôi để lại những tài liệu có liên quan đến chuyến đi độc nhất vô nhị này phòng khi nhỡ tôi không quay trở về thì mọi người vẫn có thể biết được những gì xảy ra trong chuyến đi của tôi. Tôi đang viết những dòng này trong khoang của một chiếc tàu thủy chở khách mang tên Francissa, chúng sẽ được gửi trở lại theo người hoa tiêu tới tay của ông Mc Ardle. Tôi vẽ trong cuốn vở một bức tranh, đó là ký ức còn lại của tôi về đất nước, hình ảnh mà tôi sẽ mang theo trong suốt cuộc hành trình.
Đó là một buổi sáng cuối xuân sương mù ẩm ướt, làn mưa mỏng bay lất phất. Ba bóng người mặc áo mưa lấp lóa đang đi xuống cầu tàu. Đi trước họ là người phu khuân vác đẩy một chiếc xe chở đầy hòm xiểng và cả những bao đựng súng. Giáo sư Summerlee dáng người cao lớn đang buồn bã lê những bước dài, đầu cúi xuống, trông ông ta có vẻ như đang hối tiếc về quyết định của mình. Huân tước Roxton bước những bước nhanh nhẹn, khuôn mặt tràn đầy nhiệt huyết của ông như bừng sáng lên dưới chiếc mũ kiểu đi săn và trên chiếc khăn quàng cổ. Về phần tôi, tôi rất vui vì đã có một ngày chuẩn bị bận rộn và cũng hơi buồn vì vẫn còn day dứt trong lòng. Đúng lúc chúng tôi bước lên tàu thì đột nhiên có tiếng hét to phía sau lưng. Thì ra đó là Giáo sư Challenger - người trước đó đã hứa tiễn chân chúng tôi. Giáo sư chạy theo chúng tôi, miệng thở phù phù, mặt đỏ bừng vẻ rất tức giận.
- Không! Cám ơn! Tôi không muốn lên trên tàu đâu! Tôi chỉ có mấy lời muốn nói với các ông ngay tại đây mà thôi. Tôi tha thiết đề nghị các ông đừng nghĩ rằng tôi đã mắc nợ các ông vì dàn xếp cuộc thám hiểm này. Tôi muốn các ông hiểu rằng đó hoàn toàn chỉ là vấn đề cáu giận nhất thời, tôi phủ nhận ý kiến cho rằng những sự việc trên là do mong muốn cá nhân của tôi. Sự thật là sự thật và không có điều gì mà các ông báo cáo có thể ảnh hưởng đến sự thật mặc dù những điều đó có thể gây nên sự thích thú và tò mò trong số những bọn người tầm thường. Các hướng dẫn cần thiết cho chuyến đi của các ông tôi đã để trong phong bì dán kín này. Các ông sẽ chỉ được mở khi đặt chân đến thị trấn thượng nguồn sông Amazon có tên Manos chứ không phải vào cái ngày được ghi ngoài phong bì đâu nhé. Các ông có nghe rõ không? Tôi trông cậy hoàn toàn vào danh dự của các ông khi thực hiện những điều kiện của tôi. Cậu Malone! Tôi hoàn toàn không hạn chế thư từ của cậu gửi về tòa soạn bởi vì sự chuyển tải những thông tin phản ánh sự thật là mục đích chính của cậu trong chuyến đi lần này. Nhưng tôi yêu cầu cậu không được nêu tên cụ thể những địa danh đó và tòa soạn của cậu cũng không được đăng tải những gì cậu gửi, trước khi cậu quay trở về. Tạm biệt nhé! Cậu đã làm được một điều gì đó khiến tôi đỡ "ghê tởm" cái nghề của cậu đấy, cái nghề mà tôi chắc rằng cậu cũng chẳng thích thú gì. Tạm biệt nhé Huân tước Roxton. Theo tôi biết thì đối với ngài khoa học giống như một cuốn sách mà các trang giấy đã được dán kín nhưng tôi tin chắc rằng ngài sẽ rất hào hứng với những chuyến đi săn thú vị đang ở phía trước. Không nghi ngờ gì nữa rằng ngài sẽ có cơ hội để kể chi tiết là làm thế nào ngài bắn hạ cái con thú lưỡng hình đó trong tạp chí Field. Tạm biệt nhé Giáo sư Summerlee. Nếu ngài vẫn còn có khả năng tự trau dồi kiến thức cho bản thân - điều mà nói thành thực là tôi cũng chẳng mấy tin tưởng lắm, thì chắc rằng khi trở về Luân Đôn, ngài sẽ trở thành một người thông minh hơn.
Nói rồi Giáo sư Challenger quay gót và chỉ một phút sau tôi chỉ nhìn thấy cái bóng lùn lùn của ông mờ dần trong màn mưa. Thế là giờ đây chúng tôi đang đi xuyên qua eo biển Manche. Có tiếng chuông reo báo hiệu đã hết giờ viết thư, đến giờ tạm biệt người hoa tiêu. Từ giờ trở đi chúng tôi đã bắt đầu cuộc thám hiểm có một không hai của mình. Cầu Chúa cho chúng tôi trở về an toàn.