Nắng Trong Đáy Mắt Sông

Sông
Năm ấy mùa màng thất bát. Cây lúa oằn xuống không phải vì trĩu hạt mà vì khô lá, trốc gốc. Làng xóm tiêu điều.

Việt hôn con rồi đặt ảnh lại bàn thờ, lấy tấm khăn đỏ phủ lên trên. Anh bảo: “Mở cửa mả xong rồi, anh phải đi ra ngoài kiếm kế sinh nhai, chứ như vầy thì đói cả nút chứ chả chơi.”

Thế rồi anh đi biệt, hai trăm ngày trôi cái vèo, không một tin nhắn, không một xu về.

Chị Sương ôm mẹ tôi khóc ngất: ''Khổ thân cháu quá thím ơi! Mẹ chồng mất chưa đoạn tang thì đứa con trai duy nhất cũng đòi theo bà. Thế rồi anh Việt cũng đành đoạn bỏ đi biệt xứ. Anh ấy còn sống hay đã gửi thân nơi nào, cháu cũng không được biết. Sao số cháu nó chó má vậy hả thím ơi???”

Mẹ tôi lặng im vỗ vỗ lưng chị, mắt nhìn ra con sông lấp lánh nắng trước nhà mà ngỡ như nhìn vào khoảng không nào vô định, xa xăm lắm...

Một đêm sấm chớp đì đoàng, chị theo con trai, tay vẫn cầm chặt chai thuốc sâu.

Hàng xóm kéo đến chật nhà, xì xào bàn tán, chê bai chị cao số hại chết cả nhà, lại có kẻ tiếc thương chị hồng nhan bạc mệnh. Tặc lưỡi một cái, thế là cái chết của chị trôi tuột ra sông, tan biến như chưa từng tồn tại. Họ còn bận với nồi cơm hàng ngày, hơi đâu...

Năm ấy tôi mười hai tuổi.

“Mình chia tay em nhé! Anh đã một đời vợ, lại không thể có con. Anh không thể ác với em như vậy được!”

Tiếng anh dìu dặt da diết hơn cả giọng Khánh Ly đang nỉ non một bản nhạc Trịnh, thì thầm hơn cả tiếng sóng đang đùa nhẹ vào mấy bụi dừa nước mé sông. Bó hoa hồng trên bàn đỏ rực, rung rinh những giọt nước lóng lánh như pha lê, nhìn tôi cười giễu cợt: “Mày buồn à? Mày buồn cái gì?”

Ừ nhỉ! Tôi buồn gì? Buồn vì một kết cục đúng như mình dự liệu sao? Hay buồn vì vở kịch dù vụng nhưng tôi vẫn không muốn nó kết thúc sớm như vậy?

Anh đeo một chiếc nhẫn vàng mười rất to ngay ngón áp út, đè lên chiếc nhẫn trơn nhỏ xíu, mỏng manh. Tôi giật mình! Sao giờ mình mới thấy nhỉ?

Hai triệu đồng và một bản hợp đồng sơ sài với công ty thám tử, tôi có trong tay bản trích ngang khá đầy đủ: một vợ, một con rưỡi, hai nhà và một cái quân hàm.

Tôi thích thú nhìn anh say sưa với vai diễn của mình. Cái cảm giác ngắm từng cử động nhỏ trên khuôn mặt khi anh nói về người vợ “cũ”, khi anh bảo mình đang nuôi đứa con của bà chị gái vắn số... Thật khó tả, nó vừa đau đớn, vừa khinh bỉ, vừa thương xót, vừa tủi hờn.

Anh chả dại, anh khôn lõi! Chơi bời cũng đủ chán, vợ lại sắp sinh quý tử. Dừng ngay lúc này, anh còn giữ được một hình ảnh không sứt mẻ trong mắt tôi. Anh tính cả đấy, chả chơi!

Tôi khóc ré lên, “Không! Em chỉ cần anh thôi, mình có thể xin con nuôi mà anh?”

“Anh không thể nhẫn tâm như vậy được đâu! Em hãy đến với Xuân đi, anh ấy tốt hơn anh gấp ngàn lần.” Thế rồi anh nhẫn tâm bỏ chạy khỏi nụ cười nửa miệng của tôi.

Bạn bè chửi tôi ngu, nói tôi bắt cá hai tay, anh phát hiện ra nên bỏ. Đáng đời tôi lắm. Nhưng rồi rất nhanh, chẳng còn ai nhắc đến chuyện ấy nữa.

Năm ấy tôi hai mươi tư tuổi.

Chị nghỉ làm đã một tuần rồi. Chồng bệnh. Chị nhân viên văn phòng, tôi nhân viên kinh doanh. Chẳng ai hiểu tại sao một cử nhân văn học lại chui vào làm chân sales quèn, năm thì mười họa mới đến công ty, doanh số thấp tẹt, đồng nghĩa với hoa hồng ngắn cũn. Họ xì xào tôi sống bằng gì nhỉ? Lạ nhất là rất hay mời chị đi ăn chơi nhảy múa. Tôi vào công ty để dạo chơi à?

Thì đúng thế chứ còn gì nữa! Một cuộc dạo chơi xem cuối con đường ấy là gì? Thì đây! Tôi đường hoàng bước vào nhà anh, dạo quanh tổ ấm của anh, chăm chú nghe chị huyên thuyên than vãn từ chồng qua con. “Anh đi công tác suốt, từ hồi có thằng nhóc anh mới bớt bị cơ quan cử đi đấy! Đúng là cha con nó hợp tuổi nhau, em ạ! Cơ mà khổ, tự dưng lại đổ bệnh thế, đúng là cái số chị không được nhờ chồng, em ạ! Chán cái mớ đời!”

“Nhà chị có khoảng sân rộng nhỉ! Có thể trồng một vườn rau sạch đấy!” - Tôi nói một câu lạc đề, rồi vội vã ra về.

Chiều mưa. Con đường trở thành một dòng sông trắng xóa nước. Nó không đỏ rực mặt trời như nước sông quê tôi, cũng không lấp lánh ánh đèn như nước sông nơi tôi và anh hò hẹn. Nó nhờ nhợ, lềnh bềnh rác rến. Thảng, một chiếc xe rú ga, dòng sông ấy lại ngầu lên, sùi ra mớ bọt mép đủ thứ hỗn tạp.

Tôi không lên công ty nữa. Lâu, rất lâu sau đó, tôi nghe nói chị cũng xin nghỉ làm để ở nhà chăm anh. Nghe đâu anh bệnh rất nặng. Chỉ “nghe đâu” thôi, tôi không kiểm chứng.

Tôi dửng dưng trước cái chết của chị Sương, dửng dưng trước cả cơn giãy giụa của con tim mình. Nhưng tôi sợ mình dửng dưng trước cái chết của anh. Chỉ là mơ hồ sợ, chưa chắc đã như vậy! Ai té thì người ấy phải tự đứng dậy thôi, nào ai nâng đỡ cho ai cả đời được?

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t124169-nang-trong-day-mat-song.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận