Lúc còn nhỏ cha tôi thường cho tôi đi cắt tóc.
Nơi cắt tóc ông thường đến là quán của chú Tân.
Quán của chú cách trường cha tôi dạy học không xa. Hàng ngày chú đi xe đạp chở dụng cụ đồ nghề theo. Hết khách chú lại dọn đồ cho tất cả vào chiếc túi da, buộc bên cạnh cái “Gácba ga" rồi ra về. Quán không phải khoá vì không có cửa. Đằng trước có cái biển quảng cáo cắt dán bằng giấy màu vàng bị mấy con gián đói quá ăn mất dấu á, một chữ T và một chữ C nên thành Tân ca to. Chú biết vậy mà vẫn để vậy. Cha tôi thì bảo: “Chú Tân có dán chữ X,Y, Z vào đấy thì người ta vẫn đến đây để
Hiếm không mấy khi hai cha con tôi cùng cắt tóc một đợt. Gặp lúc như thế chú thường hỏi:
- Thầy cắt trước hay cháu cắt trước? - Bao giờ chú cũng xưng hô trân trọng như thế.
- Chú cứ cắt cho cháu trước. - Nói rồi cha tôi thong thả ngồi xuống chiếc ghế cạnh đấy. Nó là những thanh gỗ bắt chéo chân, căng bạt lên trên làm mặt, có thể gấp lại gọn gàng. Tôi cũng ngồi lên trên một chiếc ghế như thế nhưng chú chế thêm một chiếc tựa bằng gỗ cơ động ở phía sau. Chú Tân quàng lên người tôi một chiếc khăn bằng vải dù hoa. Tay trái đỡ lấy trán, tay phải đưa tông đơ chui vào đám tóc cắt rất ngọt rồi chú hất tóc trên tông đơ xuống tấm vải. Tôi nhìn những sợi tóc nhỏ, mềm và vàng vàng không như tóc của cha tôi vừa to vừa cứng. Qua chiếc gương soi, nhìn chú chuyển chỗ liên tục cứ y như một thợ cầy, mỗi một lần đưa tông đơ, tóc trên đầu tôi thành rãnh như một xá cầy. Chú vừa cắt tóc vừa nói chuyện với cha tôi, cứ nói một câu lại “Thưa thầy" một câu. Thầy Tuân là Hiệu trưởng nhà trường nhưng chú Tân không bao giờ gọi như cha tôi mà chỉ một mực gọi là “Thủ trưởng". Thầy Tuân người lùn, mập, cổ ngắn và có yếm, cử chỉ chậm chạp, giọng nói ụt ịt. Chú nhận định: “Do ăn bẩn nên bị mất giọng". Cha tôi nhăn mặt, chuyển hướng câu chuyện: “Cắt tóc trẻ con khó hơn cắt tóc cho người lớn". Chú vừa bóp tông đơ vừa trả lời: "Thầy ạ - Cũng không hoàn toàn như thế đâu. Cắt tóc trẻ con cũng dễ lắm". Tôi hiểu ý chú, tuy không cần cắt cầu kỳ nhưng trẻ con thường hay ngọ nguậy vì rặm, tông đơ dễ chệch một đường là giống như cày lỏi và sợ nhất là lúc cạo mặt, rất hay bị đứt. Có một lần cha tôi cắt tóc và cho tôi đi theo. Tôi đứng ngoài cửa nhìn chú quàng chiếc khăn dù hoa xong liền lấy lược chải tóc, rẽ ngôi cẩn thận, cầu kỳ và chậm rãi. Chiếc tông đơ làm việc từ sau gáy ra đằng trước. Tóc cha tôi cứng và lấm chấm muối tiêu không cuộn thành bông trên tông đơ như tóc của tôi mà cứ trượt xuống tấm vải như thợ Sơn tràng đốn gỗ lao từ trên núi xuống. Cắt hết một lượt, chú cất tông đơ, tay phải cầm kéo, tay trái cầm lược vược ngược tóc lên. Chiếc kéo của chú bắt đầu dạo nhạc, một bản độc tấu kéo cất lên:
Choách. Choách choách - Xoẹt - Choách
Choách. Choách choách - Xoẹt - Choách
Choách choách. Choách choách. Xoẹt…
Tóc cha tôi cứ ràn rạt rơi xuống, có khi chỉ nghe tiếng kéo mà chả nhìn thấy sợi nào. Đã bao nhiêu năm tôi không sao quên được bản nhạc kéo của chú Tân. Nhìn chú lúc ấy không còn bị căng thẳng như cắt bằng tông đơ. Động tác thoáng đạt. Tay trái vược tóc như giở sách, mắt chăm chú như nhìn vào khuông nhạc. Tay phải vung kéo lên, hạ kéo xuống như một nghệ sỹ. Từng âm thanh như bay lên, lượn xuống khoan khoan nhặt nhặt Choách, Choách choách - Xoẹt - Choách. Choách choách - Xoẹt - Choách - Xoẹt…đến nỗi mắt tôi ngước nhìn theo tay chú Tân mà người cứ như bay lên theo từng lọn tóc.
Cuộc đời con người thật lạ, có khi biến cố dồn dập, có lúc như biển lặng sóng yên nhưng cuộc đời cha tôi cho đến lúc về hưu cứ bình bình như thế, hình như chả bao giờ biết đến gió lớn, mưa to, cứ đều đều mà sống. Tôi cứ ngỡ rằng cha tôi chỉ là một ông giáo nghiêm cẩn, không có gì sâu sắc hay đặc biệt, không như người ta muốn gì là làm cho bằng được, sôi nổi nhiệt tình biến những ước mơ trở thành hiện thực. Cũng tại tôi không để ý đến thôi. Thường thì người ta hay quan sát, dễ bị ấn tượng trước những điều dữ dội hoặc bị chết lịm đi bởi những rung cảm dịu êm, còn cha tôi không ồn ào, cũng không tỏ ra lắng đọng, chưa bao giờ thấy ông nói tới điều gì to tát trong cuộc sống. Một lần về nhà, thấy cha già đi. Đấy là lúc tôi đã lớn và ra đi công tác. Tôi nhận thấy tóc trên đầu cha đã quá lứa, râu mọc kín cằm lan cả lên tóc mai chơm chởm như mạ gieo thẳng. Biết tính cha tôi, làm nghề Giáo nên rất coi trọng sự mẫu mực. Ông bảo: "Giáo dục cũng như bộ mặt cần sạch sẽ, sáng sủa, sang trọng" nên chưa bao giờ tôi thấy ông để râu tóc lỡ trớn như vậy. Mặc dù cha tôi đã về hưu, lương nhà giáo đạm bạc nhưng tiền cắt tóc, cạo râu bao giờ cha tôi cũng giữ đủ còn bao nhiêu đưa tất cho mẹ tôi tiêu gì tuỳ ý. Nhìn đám râu phỉ trên má, tôi hỏi:
- Cha về hưu rồi, râu tóc trông bừa bộn quá.
- Chú Tân chết rồi. - Cha buồn buồn bảo với tôi - Chú ấy bị ung thư, không chữa được.
Thì ra thế! Chú mất rồi thì đã có hiệu cắt tóc khác. Hiện có rất nhiều hiệu cắt tóc - gội đầu hiện đại và sang trọng hơn cái quán Tân ca to cũ kỹ, trang bị nghèo nàn. Nhưng rồi tôi như chợt nhận ra điều gì đó mà không hiểu đó là điều gì. Tôi cho rằng cha tôi không còn dạy học nữa nên ngại đi cạo mặt và trở nên dễ dãi. Khuôn mặt cha tôi cứ ba lần cạo, một lần cắt. Mỗi lần cạo mặt, một vệt xanh xanh ẩn sâu dưới cằm trông cha thật là đàn ông, đường hoàng và rất “Sạch sẽ, sáng sủa, sang trọng". Thấy vậy tôi liền mua cho cha chiếc bàn cạo râu Philips có lưỡi cắt tỉa chạy bằng pin. Cha tôi ngắm nghía rồi hỏi tôi cách sử dụng. Tôi cạo cho tôi một lần làm mẫu mặc dù râu của tôi trông rõ chán chả khác gì đám mạ bị trâu đằm. Cha tôi cầm lấy chiếc bàn cạo ngắm nghía rồi mỉm cười: “Kiểu như máy cắt cỏ". Rồi cha tôi cạo thử, mỗi lần bàn cạo chạy được một đường, cha lại lấy tay xoa xoa y như chú Tân. Tôi thấy cũng vui vui và nhớ lại những lần đi cắt tóc hay cạo râu cùng với cha. Phải đến lúc cắt tóc xong hai người mới trò chuyện cứ làm như là lúc này mới là lúc thích hợp vậy. Chú Tân mở chiếc dao cạo rồi kéo miếng da thô treo trên vách, cứ liếc đi liếc lại lưỡi dao vào đấy nhưng mắt vẫn nhìn cha tôi mà nói chuyện. Tất tật những lời chú nói tôi đều nhận thấy sự ngưỡng mộ, chú cứ coi cha tôi như là thần tượng vậy. Cha tôi nghe rồi điềm đạm bảo: “Chú đừng có nói quá lên như thế". Chú liền đáp lại: “Em nói thật đấy"! Công việc cắt tóc và cạo mặt cũng đem lại cho người ta một thú vui, một chút thư giãn, phong thái cộng với sự niềm nở, chăm chút và yêu thích công việc làm cho người ta vô cùng dễ chịu. Những lúc đi theo cha tôi, đến tiết mục cạo râu thế nào chú Tân cũng sai tôi đổ nước từ chiếc phích ra cái nắp nhôm. Tự tay chú lấy chiếc chổi lông nhúng vào nước nóng xong chà lên bánh xà phòng thơm Hoa Nhài, quết đi quết lại rồi đưa vào khay nhựa đánh cho sủi bọt, đoạn quay ra đỡ lấy đầu cha tôi đặt từ từ cho ngửa ra chiếc tựa phía sau, tay chú cứ xoa xoa lên bộ râu của cha tôi rồi nhận xét:
- Thầy mà để râu trông sẽ như một trang hảo hán.
Cha tôi đang lim dim mắt, còn tôi thì chả nghĩ như chú Tân, cứ gì tốt râu mới là trang hảo hán. Không biết cha tôi để râu sẽ đẹp như thế nào nhưng hiện tôi trông râu của cha như những gốc rạ lúa chiêm. Tôi rất sợ mỗi lần ngủ cha tôi cứ lấy râu cù vào bụng và cà vào tổ chim của tôi, rặm chết đi được. Chú Tân bắt đầu nhúng chổi vào khay nước xà phòng, vẩy cho bớt nước rồi quết lên đám râu trên mặt, đặt dao nghiêng đi một góc rồi bắt đầu cạo. Nghe từng tiếng râu đứt sồn sột, bọt xà phòng dính đầy râu bị chú Tân vẩy ngay xuống đất. Cứ cạo xong chú lại lấy tay xoa xoa lên chỗ vừa cạo, còn cha tôi hai mắt dim lại chắc lúc ấy đang cực kỳ dễ chịu. Có lần cạo mặt cho tôi, chú cũng xoa xoa như thế khiến tôi rất chi là buồn ngủ. Xong xuôi, chú đứng giật lùi ra xa ngắm nghía. Rồi bỗng nhiên chú bảo:
- Giá cái đầu của thầy Tập mà nằm lên trên cái cổ của Thủ trưởng Tuân thì tốt quá!
Cha tôi cựa mình định đứng dậy, nét mặt trang nghiêm, cất giọng the thé: “Chú đừng có nói ẩu như thế". Chú tiến lại ấn cha tôi ngồi xuống: “Thầy cứ bình tĩnh, chưa xong đâu ạ" rồi vừa với tay lấy chiếc lược, tay kia cầm chiếc kéo chải chải vuốt vuốt, tiếng kéo lách tách phứt đi những sợi không chịu đứng vào hàng rồi thủng thẳng nói tiếp: “Em nói thật đấy!".
Lại lâu lắm tôi mới có dịp về thăm nhà vừa lúc cha tôi đi cắt tóc về, nhìn thấy râu ria vẫn còn luộm thuộm, tôi hỏi:
- Sao cha cắt tóc mà không cạo râu?
Cha tôi chỉ “Ừ" một tiếng rồi đi vào trong nhà lấy ra một chiếc gương treo tường, một miếng da nhám rộng bản và thật là ngạc nhiên khi cha tôi vào nhà xách tiếp ra một chiếc ghế y hệt như chiếc ghế cắt tóc của chú Tân. Nhìn cha tôi sắp xếp dụng cụ ra một phía góc hè tôi chợt nhận ra rằng đã bao nhiêu năm nay hình bóng của chú Tân, cái công việc của một người thợ cắt tóc, đơn giản và bé nhỏ ám vào không xoá mờ đi được. Bàn dao cạo râu Philips có lưỡi cắt tỉa chạy tự động, cha tôi xếp lại bỏ vào vỏ hộp và chưa dùng thêm một lần nào.
Tôi hiểu. Tôi đã hiểu cái điều mà tôi không biết đó là điều gì.
Tôi bắt đầu lăng xăng chạy vào phòng khách, xách chiếc phích nước mang ra, lục trong chiếc túi tự tạo từng thứ đồ nghề mà cha tôi sắm: một cái chổi lông cán tròn, một con dao cạo cán sừng, một chiếc kéo, một chiếc lược nhựa màu nâu hệt như những thứ dụng cụ của chú Tân. Tôi bảo cha tôi ngồi xuống chiếc ghế rồi lặng lẽ đến bên cha, cố gắng hình dung, nhớ lại toàn bộ những thao tác năm xưa của chú Tân. Tôi cầm lấy cái kéo, tay trái dùng lược vược tóc lên. Mặc dù không phải cắt gì nhưng tôi vẫn cố gắng làm công việc của một thợ cắt tóc. Bản nhạc kéo năm xưa bỗng cất vang lên trong tôi. Lúc đầu thì có vẻ chệch choạc nhưng rồi cũng mau chóng bắt nhịp
Choách. Choách choách - Xoẹt - Choách
Choách. Choách choách - Xoẹt - Choách
Choách choách. Choách choách. Xoẹt…
Tôi làm như đang cắt tóc thật sự và hoà mình vào bản nhạc kéo mà đã bao năm nay tôi vẫn nhớ giờ đây nó như lại được bay lên, bay lên…Đến tiết mục cạo râu, cũng đổ nước nóng ra chiếc nắp, nhúng chổi, quệt quệt lên bánh xà phòng rồi đưa vào khay nhựa đánh cho sủi bọt. Tôi lấy chổi quyệt nước xà phòng âm ấm lên má cha và cũng dạng hai chân ra y chang như chú Tân. Mỗi lần cạo xong lại đưa tay xoa xoa lên chỗ vừa mới cạo. Xong xuôi, tôi đứng lùi ra xa ngắm nhìn cái vệt xanh xanh của gốc râu quanh chiếc cằm khoẻ mạnh, thấy khuôn mặt cha không già so với năm xưa, vẫn "Sạch sẽ, sáng sủa, sang trọng" như ngày nào. Chỉ tiếc là chiếc ghế cha tôi đóng thiếu mất chiếc tựa đằng sau nên đầu cha tôi hơi tự ngửa ra phía sau, hai mắt dim lại. Tôi cố bắt chiếc giọng của chú Tân:
- Giá cái đầu của thầy Tập mà nằm lên trên cái cổ của Thủ trưởng Tuân thì tốt quá!
Rồi lại còn the thé nhại giọng của cha tôi nữa chứ:
- Chú đừng có mà nói ẩu thế!
Cha tôi bừng mở mắt, ngồi lại ngay ngắn rồi cất cười lên ha hả. Hai cha con tôi cùng cười ha hả. Tôi chưa thấy bao giờ cha tôi cười sung sướng đến thế. Cha đập hai bàn tay vào đùi “đét" một cái, đứng dậy:
- Vào nhà uống nước đi con.