Từ khi xuất hiện trên trái đất cho đến nay, nhân loại mải miết đi tìm hạnh phúc. Oái oăm thay! Không phải ai cũng tìm được. Tác phẩm “Người đàn ông mưu cầu hạnh phúc” chỉ ra một phương pháp tìm hạnh phúc khá đơn giản, hiệu quả nhưng rõ ràng đòi hỏi sự nỗ lực lớn trong việc thay đổi cách sống, thay đổi thói quen.
Bối cảnh của câu chuyện là khu du lịch - nghỉ mát nổi tiếng: Đảo Bali của “Đất nước vạn đảo Indonesia”. Indonesia có tất cả hơn 16.000 đảo lớn, nhỏ; với hơn 5.000 hòn đảo có người sinh sống, Bali được xem là hòn đảo đẹp nhất, hấp dẫn nhất và cũng bí ẩn nhất.
Nhân vật chính của quyển sách chỉ có hai người. Đó là Julian - cũng là người xưng “tôi” trong tác phẩm và một người đàn ông luống tuổi có tên là Samtyang. Julian là người phương Tây, là khách du lịch; còn Samtyang là dân gốc của đảo Bali, được xem là một thầy chữa bệnh, nhưng trong tác phẩm ông là một người thầy trên nhiều phương diện.
Với cách viết gần như ghi nhật ký và đặt trọng tâm vào những lời đối thoại, nhà văn Laurent Gounelle đã tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối. Để viết được quyển sách này, chắc tác giả phải nghiên cứu nhiều về tôn giáo, triết học, tâm lý, ngôn ngữ...; bởi vì sức hấp dẫn của quyển sách không phải là những tình tiết gay cấn, ly kỳ mà là những kết luận rất thú vị được rút ra trong khi hai người đối thoại với nhau.