Dần dần tôi quên Mô-ri-ta Mi-xu và không hề nghĩ đến rằng giờ cô ta đang ở đâu, ra sao, dường như chưa bao giờ có hai lần gặp gỡ giữa chúng tôi.
Nhu một con tàu trên mặt biển khuất dần sau phía chân trời, bóng dáng của Mi-xu đầu tiên mờ dần trong trí nhớ của tôi, rồi biến thành một điểm nhỏ không còn nhận ra, và cuối cùng hoàn toàn mất hẳn. Tôi cho rằng cô ta đã không có và sẽ không bao giờ có ý nghĩa gì đối với tôi.
Nhưng quên đi một con người đâu có thể dễ dàng, và tôi còn hai lần nhớ tới Mi-xu. Như bóng một đám mây lướt qua đỉnh núi cao đứng cô đơn giữa trời, những hồi tưởng kia cũng vậy, chỉ một thoáng lướt qua tâm hồn tôi rồi biến mất.
Lần thứ nhất xảy ra vào mùa xuân năm sau đó. Lần đó tôi đi thả khinh khí cầu quảng cáo để kiếm thêm. Công việc rất đơn giản: nằm dài dưới nắng trên mái nhà, tôi phải chú ý theo dõi sao cho những quả khinh khí cầu không bị gió cuốn đi. Từ phía dưới vẳng lên tiếng ồn ào của thành phố: tiếng máy xe hơi, tiếng chuông tàu điện, tiếng còi tàu. Và xung quanh tôi là những mái nhà của Tô-ki-ô trải dài, cả một biển mái nhà. Những ngôi nhà trông giống như các hộp diêm, xếp từng hàng không đều nhau, chạy ra tận chân trời. Vô số những ngôi nhà. Và trong đó vô số những con người… Những con người cũng như tôi…
“Trên đời này biết bao nhiêu là người, và tất cả đều khác nhau, không thể tìm ra được hai kẻ giống nhau,- tôi vừa xoa bóp đôi bàn tay bị tê, vừa nghĩ. - Họ sống vui mừng, đau khổ…”
Và tôi nhớ đến Mi-xu.
“Và cô ta đã mất hút đi trong thành phố khổng lồ mờ mịt này, - tôi nghĩ, - không biết giờ này cô ta đang làm gì?”
Ý nhĩ đó hiện lên trong đầu tôi như một mẩu gỗ nhỏ nổi lên bề mặt dòng nước đục, nổi lên một thoáng rồi lại biến mất trong lòng sâu…
Một lần khác, tôi ngồi trong hiệu cắt tóc cạnh nhà tôi không xa, chẳng biết làm gì, tôi giở xem mấy tờ tạp chí trên bàn, trong số đó có cả “Những ngôi sao điện ảnh”.
Trên trang cuối cùng, như thường lệ, đăng những bức thư của độc giả.
Một ả ngớ ngẩn nào đó kể về mình, về những người thân, về công việc, nghề nghiệp và mối tình bất hạnh của mình… Cô ta viết rằng cô ta bị một sinh viên, người mà cô ta đã làm quen qua thư từ và được cô ta hiến thân trong lần gặp gỡ thứ ba, bỏ rơi.
Cô gái này có tên khác, và có lẽ Mi-xu không bao giờ dám viết như vậy, nhưng dù sao bức thư này nói về chuyện của chúng tôi.
Phía dưới đăng thư trả lời của tòa soạn. Có lẽ do một bà có văn hóa nào đó viết. Bà ta giận dữ, bằng những lời đẹp đẽ, lên án chàng trai nọ, lên án sự vô trách nhiệm của anh ta, tuyên bố rằng một người đàn ông như vậy không xứng đáng với tình yêu của phụ nữ và cuối cùng bà ta khuyên cô gái hãy quên anh ta đi để bắt đầu làm lại cuộc đời mới.
Tôi ngẩng đầu lên khỏi trang tạp chí. Ông thợ cắt tóc già lách cách tông đơ, còn cậu bé giúp việc đang rán bánh trên bếp điện.
Đọc xong bức thư, tôi cảm thấy ác cảm đối với tác giả của nó. Mặt bà ta có lẽ cũng dày như đế ủng, nên mới tự cho mình quyền nhìn người khác một cách trịnh thượng như vậy. Câu trả lời của bà ta không cứu được ai và cũng không giết chết ai. Hơn nữa, chẳng lẽ lại có thể dùng những lời giáo huấn thô thiển để cứu chữa lành các vết thương lòng? Nghĩ cho cùng, bà ta cũng đã làm một cách vô trách nhiệm.
- Cuộc đời bây giờ là thế đấy. Ở đâu cũng vậy cả thôi, - Ông già thợ cắt tóc nói với khách hàng.
Tôi ném tờ tạp chí sang một bên và quên ngay Mi-xu.
Thêm một năm trôi qua. Những lúc khó khăn Kim lại giao việc cho tôi, dù là không hoàn toàn trong sạch lắm, nhưng nhờ vậy mà tôi tốt nghiệp được đại học.
Năm đó bắt đầu chiến tranh ở Triều Tiên.
Các trường tư nhân trong nước gặp phải những khó khăn tài chính, vì vậy sinh viên được tuyển vào học đã được tốt nghiệp không bị một hạn chế nào cả. Nhờ thế mà tôi và bạn tôi, Na-ga-xi-ma, vốn rất ít đến trường nghe giảng và kiến thức khoa học cũng chẳng được bao nhiêu, cũng được nhận bằng. Thế là chúng tôi bị vứt ra đường…
- Thôi nhé, tạm biệt cậu. Chúc cậu mạnh khỏe.
- Tạm biệt.
Chúng tôi chia tay nhau trên sườn dốc ngọn đồi Xi-un-ga-đai.
Chúng tôi quả là những người bạn chân chính: ăn cùng một bát, thậm chí dùng chung cả quần áo lót, và bây giờ chúng tôi xa nhau. Mỗi người đều dấn bước vào cái đại dương có tên gọi là xã hội. Cái gì sẽ đến với chúng tôi? Ai biết trước được! Nhưng chúng tôi muốn rằng bên cạnh tôi và bên cạnh bạn tôi luôn có một người đàn bà…
Khóa học của chúng tôi gặp may. Nhờ chiến tranh Triều Tiên, công nghiệp phát triển, và chúng tôi tìm ra việc khá dễ dàng. Tất nhiên chúng tôi không dám mơ ước sẽ được đến làm việc ở các ngân hàng, công ty lớn - ở đó họ chỉ lấy người tốt nghiệp đại học tổng hợp Tô-ki-ô.
Tôi vào làm việc ở một hãng buôn đinh. Hãng này không thuộc vào loại lớn, ngoài giám đốc và hai viên quản lý, biên chế của nó gồm hơn hai chục nhân viên. Nhưng hãng này kí hợp đồng với các xí nghiệp sắt rất lớn, và vì vậy rất có tương lai. Việc làm ăn của nó đang phát đạt, và tôi hoàn toàn bằng lòng. Nói cho cùng, việc nó hơi nhỏ nhưng chưa phải là điều quan trọng lắm.
“Thà làm đầu gà trống còn hơn làm đít bò cái”, - tôi kết thúc bức thư gửi về nhà báo việc đã kiếm được chỗ làm bằng câu châm ngôn mà tôi học được trong các năm làm sinh viên.
Cuối cùng, trước mắt tôi, sau bao nhiêu năm đói khát, cùng quẫn, đã xuất hiện niềm tin, ánh sáng.
Trong số nhân viên của hãng, hầu như không ai có trình độ đại học, chỉ riêng một mình tôi vừa mới rời ghế sinh viên, tức là người trẻ nhất và có học thức nhất. Vì vậy, ngay từ ngày đầu tiên, tôi đã không nghi ngờ rằng các cô gái sẽ nhìn tôi với một sự ngưỡng mộ.
Nhưng cái cơ bản nhất là cần thiết phải trở thành đầu gà trống. Điều này tốt hơn là đứng ở bực cuối cùng của một công ty lớn - tức là làm đít bò cái.
Trong tàu điện ngầm, tôi đứng nhìn vào cửa kính tối đen, cố hình dung ra mình 10 - 15 năm sau sẽ như thế nào và mỉm cười rạng rỡ.
Những chiếc ghế bành quay sang trọng bọc da mà các ông quản lý Ca-tao-ca và I- ô-xi-mu-ra ngồi không giống như ghế của những nhân viên cộng sự khác. Những bộ máy điện thoại màu trắng in bóng trên mặt bàn sáng loáng. Buổi sáng tất cả mọi người đứng chào Ca-tao-ca và I-ô-xi-mu-ra. Còn Hi-rôi-a-ma phải mang chè vào tận phòng họ.
Mười năm năm sau tôi cũng sẽ trở thành người như vậy.
Để có được điều đó, cần phải làm gì?
Trên đường về nhà, tôi mua ở hiệu sách cũ mấy quyển “Bí mật thành công”. “Làm công danh như thế nào”. Đọc chúng rất khó, cũng khó như hiểu chúng nói về những chuyện gì, Tác giả của một trong số những quyển sách như vậy, quyển sách “Sức mạnh của niềm tin” (dịch từ tiếng Anh), khuyên hàng ngày đứng trước gương nói to lên điều mình muốn đạt được. Tác giả cuốn sách này khẳng định rằng sự tự ám thị như vậy sẽ thôi miên con người, làm khơi dậy trong anh ta những sức mạnh thần bí giúp anh ta thực hiện được bất kỳ một mơ ước nào. Và tất cả những cuốn sách này đều đồng thanh khẳng định rằng để đạt được công danh, mọi phương tiện đều tốt cả…
Vào giờ nghỉ trưa, khi tất cả đều đi chơi và trong phòng không còn ai, tôi vào phòng rửa mặt, đến đứng trước gương và khẽ nói.
- Tôi sẽ đạt được danh vọng! Ta sẽ đạt được danh vọng bằng bất kỳ giá nào! Ta sẽ đạt được tất cả.
Khuôn mặt tôi trong gương trông rất đần độn và thảm hại, méo mó như người đang bị chứng táo bón hành hạ. Tuy vậy, tôi vẫn nhắc đi nhắc lại những lời trên một cách thành tâm, cố gắng.
Và một lần, khi tất cả đã đi dạo chơi, tôi đang đứng trước gương và thực hiện nghi lễ thường ngày của mình, thì chợt nhận thấy trong gương, bên cạnh mặt mình khuôn mặt một cô gái trẻ.
Cô gái bối rối trước.
Đó là Mi-u-ra Ma-ri-cô, cháu gái của ngài giám đốc. Có lẽ vì vậy mà hai người quản lý, trong lúc nói chuyện, gọi cô ta là “Mi-xơ” (Miss: mi-xơ) dùng để gọi kính trọng các cô gái chưa chồng). Cô ta đã làm việc ở đây sang năm thứ hai.
- Tôi tưởng là có kẻ trộm vào đây…
- Ờ - ờ - ờ…
- Xin lỗi anh, - cô ta mỉm cười nói. - Tôi đi chơi về và nghe tiếng của anh, tôi rất ngạc nhiên và còn định gọi người đến. - Cô ta rót một cốc nước đầy và vừa uống vừa nhìn thẳng vào mặt tôi. - Anh kỳ quặc thế nào ấy I-ô-xi-ô-ca ạ!
- Sao chị lại cho là như vậy?
- Anh sống kín đáo, tách biệt, ít nói chuyện với ai, và bỗng nhiên lại nói chuyện với chính mình ở trong phòng rửa mặt.
Tôi nghe cô ta nhưng đầu nghĩ hoàn toàn về chuyện khác. Ôi đôi mắt của cô ta! Lấp lánh như hai viên kim cương đen! Cặp môi cô ta vừa uống nước xong đỏ hồng, mọng ướt, những giọt nước long lanh chảy lăn theo chiếc cằm trắng như tuyết.
Tôi nhớ lại câu chuyện của Na-ga-xi-ma về những cô gái hái nho trong nắng mùa thu.
Ôi giá như tôi được yêu một cô như vậy, hoặc ít ra được nói chuyện với cô ta! Và đấy, Mi-u-ra Ma-ri-cô đang đứng trước mặt tôi! Có lẽ cô ta còn đẹp hơn các cô thôn nữ kia nữa.
Và tôi bỗng nhiên thấy rằng trong tôi, sự khâm phục trước sắc đẹp của Ma- ri-cô còn trộn lẫn một cảm giác vụ lợi khác. Bởi vì cô gái này là cháu gái của ngài giám đốc, và như thế có nghĩa là sự gần gũi với cô ta đối với tôi sẽ không vô ích.
- Biết làm sao được! - Tôi thở dài. - Bởi vì ở đây tôi là lính mới; tôi lại có nhiều điều phải lo lắng. Thứ nhất, cần phải học sử dụng bàn tính. Trước đây chưa bao giờ tôi học cái này cả. Và bây giờ đêm nào tôi cũng thấy những bàn tính có chân cứ đuổi riết theo tôi.
- Tội nghiệp! - Ma-ri-cô phá ra cười. - Quả thường ngày tôi cũng thấy anh hay cau có gẩy từng con tính. Nhưng anh đã tốt nghiệp đại học và việc này anh cũng sẽ làm được không khó gì.
- Này, - tôi nói bằng một giọng nghiêm chỉnh. - Hay chị dạy cho tôi? Chị tính rất giỏi mà.
- Nhưng…
- “Nhưng” cái gì nữa? Người nào biết rồi cần phải giúp những người chưa biết - đó là nghĩa vụ của tình người.
Cô gái cúi đầu, xoay xoay chiếc cốc trong tay. Rồi e thẹn nhìn tôi. Khuôn mặt cô ta thật đẹp, thật dịu dàng. Không như mặt của ả ngốc tốt bụng Mi-xu.
Những buổi học của chúng tôi diễn ra ở một quán trà cách chỗ làm việc không xa.
Ma-ri-cô bày vẽ rất tận tình, còn tôi là một học sinh ngoan ngoãn, cố gắng nhất.
Chúng tôi chọn quán trà là vì, thứ nhất, tôi không muốn cho các nhân viên khác chỉ có trình độ trung cấp kỹ thuật vốn hàng ngày đã nhìn tôi với vẻ không thiện cảm, biết rằng tôi, một kỹ sư có bằng hẳn hoi, lại không biết sử dụng bàn tính: thứ hai, ở trong quán trà cũng dễ bắt những câu chuyện thân mật với Ma- ri-cô hơn.
Ý nghĩ về cô ta càng ngày càng hay xuất hiện trong đầu tôi, và những cuộc gặp gỡ với Mô-ri-ta Mi-xu giờ trở nên xa xôi, đến nỗi tôi không còn tin chắc có thật sự đã bao giờ tồn tại trên đời này một cô gái với tên Mô-ri-ta Mi-xu hay không?
Nhưng những hành động của chúng ta đối với người khác không thể không để lại dấu vết gì, chúng không biến mất như những bông tuyết tan dưới ánh mặt trời tháng hai. Anh có thể vĩnh viễn từ bỏ, có thể quên đi nhưng nên nhớ rằng những hành động của anh sẽ được giữ lại trong trí nhớ, trong kỷ niệm của người khác. Nhưng lúc đó tôi nào có nghĩ đến điều này…
Chẳng lẽ tôi lại giảo quyệt, mất dạy hơn những người đàn ông khác? Tôi không nghĩ như vậy. Ít ra là một nửa trong số chúng ta phải trải qua những gì như giữa tôi và Mi-xu, và sự cố gắng của tôi để được Ma-ri-cô yêu mến và để chiếm cảm tình của giám đốc, chắc bất cứ nhân viên nào cũng hiểu được …
Vâng, tôi không phải là con người đứng đắn, nhưng chẳng lẽ tôi là lọai đặc biệt trong đội ngũ những nhân viên phục vụ của các công ty ở Tô-ki-ô, những người vẫn mơ ước về một cuộc sống sung túc, yên ổn?
Vâng, tôi quyết định lợi dụng tình yêu của Ma-ri-cô cho con đường danh vọng của mình, nhưng quả thật tôi cũng yêu mến cô ta. Tôi say mê chiếc cổ trắng như tuyết, nụ cười mỉm thoáng qua và sự thông minh nhanh nhẹn của cô ta.
Hai tháng sau khi tôi nhận việc, vào đầu tháng sáu, hãng của chúng tôi tổ chức một cuộc đi chơi tập thể dành cho các nhân viên. Đó là sáng kiến của giám đốc. Buổi dạo chơi tập thể này này nhằm mục đích tạo sự gần gũi thân mật giữa những người đã làm việc ở đây lâu và những nhân viên mới đến. Chỗ để dạo chơi ở cạnh một trong những chiếc hồ ở chân núi Phút-di-a-ma.
Thứ bảy, chúng tôi đi tàu hỏa đến Ô-đem-ba rồi chuyển sang ô-tô buýt. Ngày hôm đó nóng nực, trong xe ngột ngạt. Những ngọn đồi xanh lướt nhanh ngoài cửa sổ. Nhưng không ai chú ý đến đến phong cảnh. Chúng tôi hò hát, khao nhau các loại bánh kẹo, Xai-a-ma-xan, người già nhất trong số các nhân viên của hãng, thổi kèn ác-mô-ni-ca.
- Xem kìa, I-ô-xi-ô-ca và Ma-ri-cô cứ quấn quýt với nhau. Ở tàu hỏa cũng vậy, ở ô tô cũng vậy, cứ cặp kè. Có chuyện lôi thôi rồi.
Mọi người cười trêu chúng tôi, nhưng đó chỉ là những câu đùa vô tư, không ác ý.
- Các người chỉ nói… chúng tôi chỉ… Việc này thì có gì đặc biệt đâu nào? - Ma-ri-cô chống chế, mỉm cười sung sướng và ngượng nghịu.
Tôi không cố che giấu tình cảm của mình như khi ở nhà nữa.
- Trước khi đến làm việc ở hãng, em làm gì ở đâu? - Tôi vừa nhai kẹo ngọt mà Ma-ri-cô đưa cho tôi vừa suồng sã hỏi, mắt nhìn lên cửa sổ lên những ngọn cây ngả nghiêng bên đường. - Chắc là sống ở quê với bà ngoại?
- Không, -cô ta bất ngờ trước giọng nói của tôi. - Trước đây em có làm ít lâu tại văn phòng của xí nghiệp dược phẩm Cây-đô.
“Xí nghiệp dược phẩm Cây-đô? Mình nghe cái tên này ở đâu rồi nhỉ?”
- Ở đó chế thuốc à?
- Vâng. Trước đây làm xà phòng, còn bây giờ làm thuốc.
“Mình đã nghe điều này ở đâu nhỉ? A phải rồi, Mi-xu… Hình như Mi-xu làm ở đó.
- Xí nghiệp nhỏ thôi, nhưng em thích ở đó lắm.
- Thế ở đó có cô Mi-xu… Mô-ri-ta Mi-xu làm không?
- Có. Hình như quê cô ta ở Ca-va-cô-xi phải không? Anh biết cô ta à, anh I- ô-xi-ô-ca?
- Không, anh chỉ hỏi vậy tôi. Một anh bạn của anh…
Tôi im lặng.
Cô ta không nhận thấy gì cả. Nhưng nếu có nhận thấy, thì tôi cũng có cách giải thích rằng mặt tôi đỏ lên và vì mệt và vì trong xe nóng quá.
Lát sau chúng tôi đến cạnh một chiếc hồ nước xanh. Những mái nhà màu đỏ màu vàng xung quanh chiếc hồ chìm ngập trong màu xanh của cây cối, còn những ngôi nhà nghỉ mát trông hệt như những hộp đồ chơi. Các cô gái ồn ào xô đẩy nhau xuống xe.
Mùa nghỉ mát mùa hè còn chưa bắt đầu, nhưng trên bờ hồ các quán ăn, các cửa hàng lưu niệm đã mở cửa.
Một gia đình người Mỹ - có lẽ là sĩ quan trong quân đội chiếm đóng - đang ngồi thuyền gắn máy lướt trên mặt hồ.
- Tuyệt quá! - Ma-ri-cô thì thầm, mắt không rời chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt nước đang rẽ mặt hồ phẳng lặng ra làm hai nửa.
Gió thổi chiếc khăn trên đầu cô ta phất phơ.
- Anh có thích thể thao không, anh I-ô-xi-ô-ca?
- Có.
- Môn gì?
- Cưỡi ngựa.
Không biết tại sao tôi lại trả lời như vậy. Có lẽ là vì muốn khoe khoang. Và ngay lập tức tôi phải trả giá cho chuyện đó.
- Anh hay cưỡi ngựa à?
- Đôi khi.
- Hay quá! Anh biểu diễn cho chúng em xem nhé! Hình như ở đâu đây có cho thuê ngựa.
Từ chối lúc này đã quá muộn.
Đằng sau quầy bán đồ lưu niệm, chúng tôi thấy bốn người nông dân đang dắt ngựa cho ăn. Ma-ri-cô chạy đến chỗ họ, tôi thất thểu theo sau. “Muốn ra sao thì ra. Chỉ làm sao đừng sợ. Đây có phải ngựa đua của trường đua Tô-ki-ô đâu, chỉ là mấy con nghẽo nông dân thôi mà!”
Nhưng tôi rất lo cho cánh tay phải của tôi.
Đúng như tôi đoán, mấy con ngựa rất gầy, mắt đầy ghèn, hàng đàn ruồi bâu quanh. Mọi người đứng nhìn chúng tôi cười đùa, trêu chọc. Tôi cần phải tỏ rõ mình!
Người nông dân thấy tôi vất vả mới leo lên được lưng ngựa, cười khẩy. Con ngựa già lo lắng nheo mắt, lắc đầu, cong đít lên như muốn hất khỏi mình một gánh nặng không biết từ đâu mang đến.
- Hình như lần đầu tiên anh cưỡi ngựa? - Người nông dân kính cẩn hỏi.
- Ai bảo anh thế?!
- Nếu thế thì không cần phải giúp anh.
Tôi suýt nữa thì văng tục, may có Ma-ri-cô đứng bên cạnh.
Không bao giờ tôi nghĩ rằng con ngựa lại to đến như vậy. Tôi có cảm tưởng như chân tôi đang ngồi kẹp lên trên một chiếc thùng lớn tướng. Người nông dân khe khẽ lấy tay vỗ lên mông ngựa và nó bắt đầu khuệnh khoạng bước đi.
- Anh I-ô-xi-ô-ca, cẩn thận không ngã đấy, -Ma-ri-cô kêu to.
- Khéo vẽ trò! - Cánh đàn ông nhìn tôi ghen tị và không thiện cảm.
Tôi chẩm chậm đi qua trước mặt họ.
“Không có gì ghê gớm cả, - tôi tự động viên mình. - Loài ngựa như thế này không bao giờ chạy nhanh hoặc lồng lên đâu”. Nắm chặt dây cương, tôi quay người nở một nụ cười đắc thắng.
Ma-ri-cô đứng trên bờ hồ lấp lánh đáp lại tôi một nụ cười rạng rỡ. Bầu trời tháng sáu rất trong xanh.
Con ngựa bỗng nhiên đứng lại và bắt đầu ngắt cỏ ăn.
Tôi kéo căng dây cương và đánh khe khẽ lên sườn ngựa, nhưng nó không hề mảy may chú ý đến tôi và vẫn tiếp tục gặm cỏ.
- Sao thế, anh I-ô-xi-ô-ca?
- Sao cậu dừng lại thế? Phóng đi xem nào.
Tất cả mọi người nhìn tôi, và tôi luống cuống, mồ hôi rịn ra trên trán. Tôi đánh mạnh lên mông ngựa, nó ngẩng đầu lên như muốn nói: “Này sao anh cứ quấy nhiễu tôi thế nhỉ?” - và uể oải bước đi tiếp.
Tôi quay lại phía Ma-ri-cô nở một nụ cười đắc thắng.
Nhưng Ma-ri-cô, đứng bên bờ mặt hồ lấp lánh ánh bạc, nhìn tôi hơi bối rối. Bầu trời tháng sáu trong xanh…
Con ngựa lại dừng. Bây giờ nó dùng chiếc đuôi dài đuổi ruồi và đám ruồi bay rối rít quanh bộ mặt đẫm mồ hôi của tôi.
- Tại sao anh không bắt nó chạy nhanh lên, anh I-ô-xi-ô-ca?
- E… Ngựa nó thông minh lắm. Nó biết ai đang cưỡi nó chứ. Nếu là người mới, đến tai nó cũng chẳng thèm nhúc nhích.
“Được rồi, đợi đấy, đồ chết tiệt, - tôi nghĩ thầm. - Đợi đấy, rồi tao sẽ cho mày nhảy lồng lên”.
Tôi lấy hết sức bình sinh đấm mạnh lên phần mông của ngựa. Tốt lắm. Con ngựa vươn cổ ra và rảo bước chạy dọc theo đồng cỏ xanh.
Tôi quay lại mỉm cười đắc thắng với Ma-ri-cô.
Còn Ma-ri-cô, đứng trên bờ mặt hồ lấp lánh buồn ngơ ngác nhìn tôi.
Nhưng ngựa lại dừng. Nghe có tiếng nước chảy xuống đất. Năm… Mười… mười một giây… Tôi có cảm tưởng như nó kéo dài vô tận.
- Làm cái trò ngu ngốc gì thế kia?
- Nhìn phát lợm!
- Đấy là còn chưa…
Con ngựa trơ tráo quay chiếc mông rộng về phía đám phụ nữ và cong đuôi lên. Mùi phân tươi lập tức xộc vào mũi tôi.
Tôi cảm thấy như chính mình vừa làm cái việc bất nhã đó ngay trước mắt đám đông đáng kính. Không thể chịu nhục nhã hơn nữa, tôi tụt xuống đất, và con ngựa ngu ngốc đó, thấy mình được tự do, chạy ngay về phía chủ của mình.
Đám phụ nữ ôm bụng cười ngặt nghẹo, cố tránh không nhìn tôi. Còn cánh đàn ông thân mật vỗ vai tôi cười rất to.
Ma-ri-cô không còn trên bờ hồ nữa…
Nhưng tuy thế, cái tình tiết đáng xấu hổ đó vẫn mang lại lợi cho tôi. Từ trước đến nay các bạn đồng nghiệp có vẻ tránh tôi, bây giờ quan hệ giữa chúng tôi trở nên thân mật hơn.
Khi ăn trưa và trong ô-tô trên đường về nhà, mọi người chỉ nói về tôi; nhưng Ma-ri-cô ra sức bảo vệ tôi, và thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp ánh mắt đầy thông cảm của cô ta.
Để khỏi phải đi lại con đường buổi sớm đến đây, chúng tôi chọn một con đường khác, mặc dù nó xa hơn.
Vầng mặt trời to màu hung đỏ treo nơi chân trời, hào phóng tỏa từng dòng ánh sáng lên làng mạc, đồi rừng, ruộng đồng. Ngọn Phút-di-a-Na-ga-xi-ma bệ vệ nổi cao lên trong từng làn sương nhạt.
- Anh có giận em không đấy ? - Ma-ri-cô ép sát vào người tôi, hỏi.
- Vì sao?
- Vì em bắt anh cưỡi ngựa.
- Em nói gì vậy! có gì đâu… đến khỉ cũng có lúc rơi trên cây xuống nữa là…
Tôi cảm thấy mình rất hạnh phúc.
Những năm tháng sinh viên vất vả đã lùi lại phía sau. Những cơn đói thường xuyên, những lần làm thuê cho Kim, những tấm áp phích giả dối …. Vĩnh biệt, quá khứ. Bây giờ tôi cho là một người đàn ông đầy nghị lực, đầy quyết tâm sắt đá trở thành đầu của một con gà trống.
Tôi sẽ làm nên công danh! Bằng bất cứ giá nào tôi cũng sẽ làm nên công danh!
Lúc trời đã bắt đầu tối, chúng tôi thấy ở giữa rừng có mấy ngôi nhà bằng gỗ giống như trại lính. Xung quanh đó không có lấy một bóng nhà dân nào.
- Cái gì kia? Trường học à - Tôi hỏi người bán vé.
- Đâu?
- Mấy ngôi nhà trống như trại lính kia kìa.
- À-à đó là trại hủi. Bệnh viện dành cho những người bị bệnh hủi.
- Dành cho những kẻ bị trời phạt à?
- Cho họ đấy.
- Đóng cửa sổ lại nhanh lên, không vi trùng bay vào xe bây giờ.
Tất cả đều cười, nhưng có một vài người vội chạy lại đóng cửa sổ thật.
Bệnh viện dành cho những người hủi! Nó đứng cô đơn giữa rừng. Xung quanh không có một ngôi nhà dân nào. Dưới bầu trời chiều xám, cánh rừng và những ngôi nhà trông buồn bã dường như có một bóng đen của sự buồn thảm nặng nề trùm lên tất cả.
- Những người hủi cần phải nh 80e t ra ngoài đảo và làm cho tuyệt đường sinh đẻ, để họ không còn con cái khổ sở, - tôi nói.
- Anh nói nghiêm chỉnh đấy à? - Ma-ri-cô mệt mỏi hỏi tôi.
- Nghiêm chỉnh. Chẳng lẽ anh nói không phải sao?
- Nhưng dã man quá. Anh không thương hại những người như vậy à.
Cả hai chúng tôi bối rối im lặng. Nhưng khi xe đến Ôm-đem-ba, sự bối rối im lặng cũng biến mất. Chúng tôi thì có liên quan đến những người bị bệnh hủi? Tôi không muốn biết đến họ! Và thậm chí ngồi nghĩ đến chuyện có nên thương hại họ hay không cũng đã ngớ ngẩn rồi.
Ma-ri-cô lại trở nên vui vẻ. Tôi kể cho cô ta nghe những mẩu chuyện tiếu lâm, cô ta cười rất to, bàn tay bịt miệng.
Đến Tô-ki-ô chúng tôi chia tay nhau. Những người có gia đình đi ngay về nhà, còn mấy chàng độc thân chưa muốn giải tán vội.
- Bây giờ đi tắm một cái thì khoái biết mấy!
- Đúng lắm! Ta đến nhà tắm Thổ-Nhĩ Kỳ đi! Một người nào đó đề nghị, tất cả mọi người hưởng ứng.
- Đi nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ đi!
Trong thời gian gần đây ở Tô-ki-ô bắt đầu xuất hiện những nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ. Đến đây sự mệt mỏi của cả ngày sẽ như được trút sạch, nhưng cái chính - và điều này hấp dẫn chúng tôi nhiều hơn cả - ở đó có những cô xoa bóp gần như trần truồng phục vụ.
Ở nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ tôi lại nhớ đến Mi-xu.