1
Hồi mười lăm tuổi tôi bị viêm gan. Bệnh phát vào mùa thu và dứt vào mùa xuân. Tiết trời càng lạnh và càng tối thì người tôi càng yếu đi. Sang đến năm sau thì tình hình mới khá lên. Tháng Giêng trời ấm, mẹ kê giường cho tôi ra ngoài bao lơn. Tôi nhìn thấy bầu trời, mặt trời, mây và nghe thấy lũ trẻ chơi trong sân. Sẩm tối một ngày tháng Hai tôi nghe con chim két hót.
Gia đình tôi ở trên tầng ba một ngôi nhà bề thế xây hồi cuối thể kỷ ở phố Blumenstrasse. Lần đầu ra đường, tôi đi từ nhà đến phố Ga. Vào một ngày thứ Hai trong tháng Mười, trên đường từ trường về nhà tôi đã bị nôn. Đã từ vài hôm tôi thấy yếu trong người, yếu như chưa bao giờ yếu thế trong đời. Chân cẳng nặng như chì. Ở nhà hay đến trường, mỗi khi lên thang gác là tôi không nhấc nổi chân. Ăn uống cũng không vào. Ngay cả khi đói bụng ngồi vào bàn thì chẳng mấy chốc đã ngán tận cổ. Sáng sớm ngủ dậy mồm khô khốc, có cảm giác gan ruột nặng như đá và nằm sai chỗ trong cơ thể. Tôi xấu hổ vì yếu nhược như thế. Tôi càng xấu hổ khi bị nôn. Đó cũ
ng là chuyện chưa xảy ra lần nào trong đời. Mồm đầy ứ, tôi mím chặt môi định nuốt xuống, tay bưng mồm nhưng vẫn nôn ộc ra kẽ tay. Rồi tôi dựa vào tường nhà, nhìn đống nôn dưới chân và ọe ra chất nhầy nhàn nhạt.
Một người phụ nữ chạy lại giúp tôi, và cô làm việc đó một cách thô bạo. Cô tóm tay và xềnh xệch lôi tôi qua một hành lang tối đi và sân sau. Phía trên là dây phơi quần áo chăng từ cửa sổ này qua cửa sổ kia. Ngoài sân xếp đầy gỗ, trong nhà xưởng mở toang có tiếng lưỡi cưa rít và mùn cưa bay. Bên cạnh cửa vào sân có vòi nước. Người phụ nữ mở vòi, trước tiên rửa tay tôi, rồi cô hứng nước trong lòng bàn tay khum khum táp vào mặt tôi. Tôi lấy khăn mùi soa lau khô mặt.
“Cầm lấy cái kia!” Bên cạnh vòi nước có hai cái xô, cô lấy một cái và vặn nước vào. Tôi hứng nước vào cái xô thứ hai và đi theo cô qua hành lang. Cô lấy đà thật mạnh, mước hắt tóe xuống vỉa hè và cuốn bãi nôn xuống cống. Cô lấy xô nước kia khỏi tay tôi và xối thêm lần nữa xuống vỉa hè.
Cô đứng thẳng lên và thấy tôi khóc. “Cậu bé,” cô ngạc nhiên nói, “kìa cậu bé.” Cô choàng tay ôm tôi. Tôi không cao hơn cô là mấy. Tôi cảm nhận bầu vú cô áp vào ngực mình, ngửi thấy hơi thở hôi hám của chính mình cùng mồ hôi mới của cô trong vòng tay ôm chặt và không biết để hai tay vào đâu. Tôi thôi khóc.
Cô hỏi nhà tôi ở đâu, đặt xô vào hành lang rồi đưa tôi về nhà. Cô đi cạnh tôi, một tay cầm cặp xách của tôi còn tay kia nắm tay tôi. Đường từ phố Ga về Blumenstrasse không xa. Cô đi nhanh và dứt khoát, làm tôi cũng dễ bước theo. Đến trước cửa nhà tôi cô chia tay.
Ông bác sĩ mà mẹ tôi mời đến nhà cùng ngày hôm ấy chẩn đoán chứng viêm gan. Một hôm nào đó tôi kể cho mẹ nghe về người phụ nữ. Nếu không thì tôi đoán là mình cũng chẳng đến thăm cô. Song đối với mẹ tôi thì dĩ nhiên là khi nào khỏe trở lại tôi nên bỏ tiền túi mua một bó hoa, đến chào và cảm ơn cô. Vậy là cuối tháng Hai tôi đi đến phố Ga.
2
Ngôi nhà ở phố Ga bây giờ không còn nữa. Tôi không nhớ nó bị phá đi bao giờ và tại sao. Đã nhiều năm tôi không về thành phố quên hương. Ngôi nhà hiện tại được xây hồi thập kỷ 1970 hay 89, có năm tầng và tầng mái hoàn thiện, không có cửa sổ nhô ra hoặc bao lơn, tường trơn nhẵn và sáng màu. Nhiều nút chuông cửa của các căn hộ nhỏ, những căn hộ mà người ta đến rồi đi, tựa như thuê xe hơi để đi rồi trả tiền. Hiện nay ở tầng trệt có một cửa hàng máy tính, ngày trước là một hiệu thuốc, một nhà bán thực phẩm và hiệu cho thuê băng video.
Ngôi nhà ngày xưa cũng cao như thế nhưng có bốn tầng, tầng trệt là các khối sa thạch mài góc, ba tầng trên xây gạch với các cửa sổ nhô ra, bao lơn và khung viền cửa sổ bằng sa thạch. Bậc tam cấp dẫn lên tầng trệt và cầu thang ở dưới rộng, trên hẹp dần, hai bên xây bệ chắn làm nên cho tay vịn bằng sắt rèn và đoạn kết xoắn trôn ốc. Hai bên cửa là đôi cột, mỗi góc kèo có một chiếc đầu sư tử, một con nhìn ngược lên phố Ga, con kia nhìn xuôi xuống. Lối đi vào nhà mà người phụ nữ dẫn tối đến vòi nước trong sân là lối cửa bên.
Từ bé tôi đã để ý đến ngôi nhà này. Nó chế ngự cả dãy phố. Dường như nếu nó nặng hớn và rộng hơn chút nữa thì mấy nhà xung quanh phải né ra nhường chỗ cho nó. Tôi tưởng tượng ra trong đó là khoang cầu thang với đường diềm đắp nổi, lắp gương và trải thảm có họa tiết Đông phương được đè căng bởi các thanh đồng bóng loáng. Tôi cho rằng trong một căn nhà quý phái thì phải có những người quý phái ở. Nhưng vì ngôi nhà đã ngả màu sẫm bởi năm tháng và khói tàu hỏa nên tôi hình dung ra những cư dân quý phái ấy cũng u ám, kỳ quặc, có khi điếc hay câm, biết đây lại gù lưng hoặc thọt chân cũng nên.
Những năm về sau tôi luôn nằm mơ về ngôi nhà ấy. Những giấc mơ từa tựa nhau, là những biến thái của một giấc mơ hay một chủ đề. Tôi đi qua một thành phố lạ và nhìn thấy ngôi nhà. Trong một khu phố mà tôi không quen, tôi thấy nó đứng trong một dãy phố. Tôi đi tiếp, đầu óc rối bời vì tuy biết ngôi nhà nhưng lại không quen khu phố đó. Rồi tôi sực nhớ ra là mình đã thấy nó rồi. Nhưng tôi lại không nghĩ đến phố Ga ở thành phố quê hương mà nghĩ đến một thành phố khác, một nước khác. Ví dụ tôi mơ đến thành Rome, nhìn thấy ngôi nhà và nhớ là đã từng thấy nó ở Bern. Với hồi ức trong mơ ấy, tôi cảm thấy yên tâm; nhìn thấy ngôi nhà trong một khung cảnh lạ lẫm tôi cảm thấy không có gì đặc biệt hơn là tình cờ gặp mặt một người bạn cũ ở chốn xa lạ. tôi quay lại ngôi nhà ấy, đi lên bậc tam cấp. Tôi muốn vào nhà. Tôi ấn nắm đấm cửa.
Nếu tôi mơ thấy ngôi nhà ở nông thôn thì giấc mơ dài hơn, hoặc sau đó tôi hồi tưởng rõ hơn về các chi tiết. Tôi đi ô tô, tôi thấy ngôi nhà phía tay phải và đi tiếp, thoạt tiên chỉ thấy bối rối vì một ngôi nhà rõ ràng ở trên phố mà nay lại đứng giữ cánh đồng. Sau đó sực nhớ là tôi đã thấy nó ở đâu rồi, và lại càng bối rối gấp bội. Nếu tôi nhớ lại đã thấy nó ở đâu thì tôi quay xe trở lại. Đường sá trong mơ lúc nào cũng vắng bóng người, tôi quay đầu xe trong tiếng bánh xe rít ken két và phóng như bay. Tôi sợ đến quá chậm và phóng nhanh hơn. Rồi tôi thấy nó. Ngôi nhà đứng giữa những cánh đồng bao quanh, cải dầu, lúa mạch hoặc nho ở vùng Pfalz, oải hương miền Đông Nam Pháp. Đồng rất bằng phẳng, đâu đó gợn đồi nhấp nhô. Không có cây cối. Trời rất sáng, nắng chói, không khí lung linh, và mặt đường loáng thoáng vì nóng. Những bức tường chắn chịu lửa làm cho ngôi nhà mang vẻ dị biệt và hụt hẫng. Như những bức tường chắn chịu lửa của bất kỳ nhà nào. Trông nó không u ám hơn ngôi nhà ở phố Ga, nhưng cửa sổ đầy bụi bặm và cản không cho thấy trong các phòng có gì, kể cả rèm cửa. Ngôi nhà mù.
Tôi dừng xe cạnh đường và đi ngang qua đường tới cạnh nhà. Không có ai cả, chẳng nghe thấy gì, kể cả tiếng động cơ xa xa hay tiếng gió, tiếng chim. Một thế giới chết. Tôi đi lên bậc tam cấp và ấn nắm đấm cửa.
Nhưng tôi không mở cửa. Tôi thức dậy và chỉ biết đã đặt tay lên và ấn nắm đấm cửa xuống. Thế rồi tôi nhớ lại toàn bộ giấc mơ, và nhớ cả cả là mình đã nằm mơ.
3
Tôi không biết tên người phụ nữ nọ. Với hoa trong tay, tôi ngập ngừng đứng trước cửa và hàng nút chuông. Có lẽ nên quay về thì hơn. Nhưng lúc ấy có một người đàn ông từ trong nhà đi ra hỏi tôi muốn tìm ai, và chỉ tôi lên nhà cô Schmitz ở tầng bốn.
Không có đường diềm đắp nổi, không có gương, không có thảm. Những gì của vẻ đẹp ngày xưa có lẽ từng có trong khoang cầu thang thì nay đã tàn lụi, và vẻ đơn sơ của nó không thể so sánh với mặt tiền tráng lệ. Màu sơn đỏ của các bậc thang bị vết chân mài vẹt ở giữa, tấm nhựa dập nổi dán lên tường cao tới vai đã mòn, và những thanh gỗ bị khuyết ở tay vịn cầu thang được thay bằng dây buộc. Có mùi nước tẩy sàn. Cũng có thể mãi về sau này tôi mới nhận ra tất cả những điều đó. Lúc nào mọi thứ cũng vừa bệ rạc vừa sạch sẽ và toát ra vẫn một thứ mùi nước tẩy sàn, thỉnh thoảng trộn lẫn mùi cải và đậu, mùi xào nấu thức ăn hay quần áo ngâm sôi. Chẳng bao giờ tôi được biết gì hơn về những người khác sống trong nhà, ngoài những mùi ấy, những tấm thảm chùi chân trước cửa và tấm biển ghi tên dưới nút chuông. Tôi không nhớ đã gặp mặt ai đó trong số họ ở cầu thang.
Tôi cũng chẳng nhớ ra là đã chào cô Schmitz như thế nào. Chắc là tôi đã sắp xếp sẵn và nói vài ba câu về bệnh trạng của tôi, về chuyện cô giúp đỡ tôi và cảm ơn. Cô chỉ tôi đi vào bếp.
Phòng bếp là căn lớn nhất trong căn hộ. Trong bếp có bếp lò và bồn rửa, bồn tắm và lò đun nước tắm, bàn và hai ghế đẩu, tủ lạnh, tủ quần áo và bộ ghế đệm. Trên ghế trải tấm chăn nhung the. Phòng bếp không có cửa sổ. Ánh sáng lọt qua ô kính trên cửa dẫn ra bao lơn, không nhiều lắm, bếp chỉ hửng lên khi cửa mở ra. Lúc ấy nghe được cả tiếng cưa rít và ngửi thấy mùi gỗ từ xưởng mộc dưới sân.
Trong căn hộ còn có một phòng khách nhỏ và hẹp, với cái rương đựng bát đĩa, bàn, bốn chiếc ghế, ghế mềm có tựa đầu và lò sưởi. Phòng này hầu như không bao giờ được sưởi trong mùa đông, còn mùa hè đến thì chẳng mấy khi sử dụng. Cửa sổ mở ra hướng phố Ga và từ đó nhìn ra khuôn viên của nhà ga ngày xưa được đào đi xới lại nhiều lần, đây đó đã đổ xong lớp móng của các ngôi nhà mới cho tòa án và công sở. Cuối cùng, trong căn hộ còn một nhà xí không cửa sổ. Nếu trong nhà xí có mùi thì hành lang cũng có mùi.
Tôi cũng chẳng nhớ là chúng tôi nói chuyện gì trong bếp nữa. Cô Schmitz ủi quần áo, cô trải một chiếc chăn len và khăn lanh lên bàn và lấy từng thứ quần áo một từ trong giỏ, ủi, gấp rồi đặt lên một trong hai chiếc ghế. Tôi ngồi trên ghế kia. Cô cũng ủi cả đồ lót của mình, và tôi không muốn nhìn, song cũng chẳng ngó ra chỗ khác được. Cô mặc một chiếc yếm dài không tay, nền xanh với những đốm hoa đỏ nho nhỏ in chìm. Mái tóc vàng tro dài ngang vai, cặp lại sau gáy. Cánh tay để trần trắng bệch. Cô nắm lấy bàn ủi, đẩy và đặt trở lại, sau đó gấp và cất quần áo bằng những động tác chậm rãi và tập trung như thế khi cúi xuống ngẩng lên. Trong ký ức của tôi, những khuôn mặt mà cô có sau này lấp lên khuôn mặt cô ngày ấy. Khi tôi làm tái hiện hình ảnh cô ngày xưa trước mắt mình thì cô hiện ra không có mặt. Tôi phải tái tạo khuôn mặt ấy. Trán cao, lưỡng quyền cao, mắt xanh xám, cặp môi nở đều đặn không vết nhăn, cằm cương nghị. Một khuôn mặt to, nghiêm và nữ tính. Tôi biết là tôi thấy khuôn mặt cô đẹp. Nhưng tôi không hình dung ra được vẻ đẹp ấy.
4
“Đợi một chút,”cô nói khi tôi đứng dậy định đi, “tôi cũng phải đi, tôi đi cùng cậu một đoạn.”
Tôi đợi ngoài hành lang trong khi chờ cô thay quần áo trong bếp. Cửa hé mở một vệt. Cô cởi chiếc yếm dài ra và đứng đó trong chiếc áo lót dài xanh nhạt. Hai chiếc tất dài treo trên lưng ghế. Cô cầm một chiếc, hai tay thay nhau dồn nó lại thành vòng cuốn. Cô lấy thăng bằng trên một chân, tì gót lên đầu gối chân ấy, cúi người xuống trước và chụp chiếc tất đã cuốn lên đầu ngón chân, kê đầu gối lên ghế, kéo tất qua bắp chân, đầu gối và đùi, nghiêng người qua một bên và đính nó vào dây nịt tất. Cô đứng thẳng dậy, nhấc chân khỏi ghế và lấy chiếc tất kia.
Tôi không thể rời mắt nhìn cô. Không thể rời mắt nhìn gáy và bờ vai cô, hai bầu vú mà áo lót chỉ trùm lên chứ không che được, cặp mông kéo căng chiếc áo lót dài khi cô tì chân lên đầu gối và lên ghế, không thể rời mắt nhìn đùi cô thoạt tiên để trần nhễ nhại và sau đó ánh mịn như tơ dưới lớp tất.
Cô linh cảm thấy tia mắt của tôi. Đang với tay lấy chiếc tất kia, cô khựng lại quay ra phía cửa và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không biết ánh mắt cô ra sao - ngạc nhiên, dò hỏi, nghiêm khắc. Tôi đỏ mặt. Trong một tích tắc, tôi đứng đó với khuôn mặt nóng bừng. rồi không chịu nổi nữa, tôi lao ra khỏi căn hộ, chạy ào xuống cầu thang ra khỏi nhà.
Tôi đi chậm bước. Phố Ga, phố Haeuserstrasse, phố Blumenstrasse – đường tới trường của tôi từ mấy năm nay. Tôi quen từng ngôi nhà, mỗi mảnh vườn và những hàng rào mỗi năm được quét sơn lại, gỗ đã xám xịt và ải đến mức tôi có thể lấy tay ấn gãy, những hàng rào sắt mà lúc bé tôi cầm gậy quẹt cành cạch khi chạy dọc qua, bức tường gạch mà đằng sau nó tôi vẫn tưởng tượng ra đủ chuyện kì diệu và khủng khiếp cho đến khi tôi trèo được lên đó và nhìn thấy những luống đất trồng hoa, dâu và rau củ buồn tẻ. Tôi quen những viên đá lát và lớp nhựa đường phủ lên, những đoạn nối giữa các tấm đúc, đá núi lửa lát hình sóng, nhựa đường và đá dăm trên vỉa hè.
Với tôi, tất cả đều thân thuộc. Khi tim tôi thôi đập thình thịch và mặt không nóng nữa, cuộc chạm mặt giữa phòng bếp và hành lang cũng lùi xa tít. Tôi bực mình. Tôi đã bỏ chạy như thằng nhãi ranh thay vì xử sự một cách tự chủ như tôi mong đợi ở chính mình. Tôi không phải lên chín nữa, tôi đã mười lăm rồi. Dù rằng tôi cũng chẳng rõ xử sự một cách tự chủ nghĩa là thế nào nữa.
Một điều nữa mà tôi không hiểu chính là cuộc chạm mặt giữa hành lang và bếp. Tại sao tôi lại không rời nổi ánh mắt khỏi cô ta? Cô có một cơ thể rất mạnh mẽ và rất nữ tính, nở nang hơn những con bé mà tôi ưa thích và liếc theo. Tôi chắc chắn rằng giả sử nhìn thấy cô ngoài bể bơi thì tôi sẽ không thấy cô có gì nổi bật. Cô cũng không hở hang hơn so với đám đàn bà con gái mà tôi từng thấy ngoài bể bơi. Thêm vào đó, cô già hơn hẳn những cô gái mà tôi ước mơ. Trên ba mươi? Người ta khó đoán lứa tuổi mà người ta chưa từng trải qua hoặc sắp đến gần.
Nhiều năm sau đó tôi ngộ ra, rằng tôi chẳng rời được mắt khỏi cô không vì hình dáng, mà vì tư thế và cử động của cô. Tôi bảo các cô bạn gái xỏ chân vào tất nhưng không tiết lộ chủ ý, không kể về cuộc gặp gỡ kì quặc giữa phòng bếp và hành lang. Do vậy đề nghị của tôi được các cô gái hiểu là thú vui ngắm dây nịt tất, đăng ten và các thứ hiếm hoi lạ lùng khác, và nếu đồng ý thì họ đáp ứng đề nghị ấy một cách điệu đà. Đó chẳng phải là cái mà tôi không thể rời mắt nhìn được. Người phụ nữ ấy không tạo dáng, không làm điệu. Tôi cũng không nhớ là cô đã từng làm chuyện đó bao giờ. Tôi nhớ là cơ thể cô, dáng điệu và cử động của cô nhiều khi còn có vẻ nặng nề. Không phải cô nặng cân đến thế, mà dường như cô lui vào bên trong cơ thể mình, thả cơ thể trôi với chính nó, và nhịp điệu riêng của nó không bị chi phối bởi mệnh lệnh nào của lý trí, quên hết thế giới xung quanh. Sự quên lãng thế giới xung quanh ấy cũng nằm trong dáng điệu và cử động của cô khi xỏ tất. Song lúc đó cô không nặng nề, mà uyển chuyển, duyên dáng và khêu gợi – sự khêu gợi không phải là vú, mông và đùi, mà là lời mời hãy quên thế giới xung quanh khi đã lui vào nội tâm.
Ngày ấy tôi không hiểu ra – nếu coi là hôm nay tôi đã hiểu chứ không chỉ suy đoán cho khớp. Nhưng vì tôi dạo đó vắt óc để tìm ra lý do nào đó đã kích thích mình mà nỗi kích thích ấy đã tái hiện. Để giải câu đố ấy, tôi hồi tưởng lại lần chạm mặt và khoảng cách mà tôi tạo ra cho mình bằng cách tôi lấy chính nó làm câu đố nay đã tan biến. Tôi lại thấy tất cả hiển hiện và lại không thể rời mắt khỏi nó.