Người Đi Bán Nắng Truyện ngắn 7


Truyện ngắn 7
Những ngày của Gió

Có những nỗi đau vẫn sẽ mãi chỉ là nỗi đau một khi ta không thoát khỏi nó. Nhưng nhờ có nó, ta thấy mình trưởng thành hơn.

Lặng lẽ xếp lại những ngày buồn!

 

1. Pha lê vỡ

Tôi mò mẫm tìm điện thoại giữa đống thủy tinh vỡ, ấn số Hùng. Vừa áp điện thoại vào tai, tôi vừa tưởng tượng ra vẻ mặt bực tức của cậu ấy khi phải nghe điện thoại vào lúc bốn giờ sáng như thế này. Vừa nghe tiếng lè nhè: “Gì thế bạn hiền?”, tôi òa khóc. Tôi tưởng tượng rõ ràng hình ảnh Hùng bật hẳn người dậy, dụi mắt cho tỉnh ngủ, hỏi tôi cuống quýt: “Đang ở đâu? Nói nhanh”. Tôi lau vết máu trên mặt mình, chỉ kịp nói một câu: “Nhà tớ, cứu tớ với!”.

Tôi đứng nhấp nháy đèn pin ở cửa sổ phòng mình để báo hiệu, Hùng lẳng lặng bám vào đường ống dẫn nước trèo lên tầng hai, tháo kìm cắt sắt to đùng đeo ở sau lưng, lần lượt cắt khung cửa sổ, bế tôi ra ngoài. Hùng dắt tay tôi đi bộ ra cột đèn đường. Lặng lẽ lau chùi, băng bó cho tôi, chẳng hỏi gì. Tôi cũng chẳng nói gì. Chúng tôi ngồi im một lúc lâu cho đến khi tôi đứng dậy.

-  Đi thôi!

-  Đi đâu? - Hùng đưa tay lên miệng ngáp.

-  Về Hà Nội.

-  Nàng ơi, với cái váy ngủ của nàng và cái quần đùi của ta à?

-  Thế chàng muốn ta cởi trần nữa hả?

-  Bây giờ đi luôn? - Hùng vẫn ngáp.

-  Thế nằm ngủ một giấc đi, ta đi bộ trước.

Hùng đứng dậy, đi về chỗ xe máy, mở cốp, vứt cho tôi cái áo sơ mi trắng còn cậu ấy khoác thêm bộ võ phục. Tôi khó khăn lắm mới trèo được lên xe. Hùng lấy đai võ, vòng sau lưng tôi, buộc tôi và người cậu ấy lại với nhau.

- Yên tâm mà ngủ, không rơi đâu!

Tôi gật đầu trả lời, chẳng còn chút sức lực nào, gục vào vai Hùng, nước mắt rơi như mưa. Hùng kéo hai tay tôi ôm lấy cậu ấy rồi phi đi. Lúc Hùng đi chậm, quay lại hỏi tôi: “Sao lại thế này?”. Một lúc sau tôi mới trả lời, nhanh chóng: “Bố tớ đánh”. Xe cứ phóng đi bỏ mặc đằng sau màn đêm đen hun hút.

***

 

Sau buổi tập, tôi chui vào đằng sau giàn trống, ngồi thu lu ở đó và bắt đầu khóc!

Tôi luôn coi ba mẹ mình như một chiếc cốc pha lê tuyệt đẹp. Tôi những mong giữ mãi được chiếc cốc pha lê ấy, nhưng thực ra nó đã rạn nứt từ lâu lắm rồi. Tôi cố gắng giữ sự giả dối ấy làm gì? Những gì đã vỡ vụn không bao giờ lành lặn được nữa.

Tôi là ai? Tôi đang làm gì ở đây? Cô độc, rỗng túi và bệnh tật ở cái nơi người ta thích sự khoa trương và hào nhoáng này?

Chị Hải Vân tìm thấy tôi trong bộ dạng thê thảm ấy khi chị cúi xuống rút phích cắm cây guitar điện. Chị ngạc nhiên một lúc rồi bò vào ngồi cùng tôi. Tôi không muốn chia sẻ chỗ này với chị chút nào nhưng cũng ngồi lùi vào. Chị hỏi tôi: “Sao hôm nay không trèo lên sân thượng?”. Tôi không trả lời. Tự nhiên tôi nhớ đến bài học của thầy giáo ngày hôm qua và nhớ mãi câu thầy nói với tôi: “Em nhớ nhé Mẫn, từ bây giờ cho đến lúc chết em hãy nhớ lấy câu chuyện của thầy. Ở đời nếu không làm sư tử thì chỉ có thể làm cáo thôi”. Tôi quay sang lải nhải với chị Vân: “Chị ơi em không muốn làm sư tử cũng chẳng muốn làm cáo!”. Chị cười và hỏi lại: “Thế em muốn làm con lừa hả?”.

Tôi không biết! Tôi không thể như sư tử dẫm đạp lên người khác để thỏa mãn lòng vị kỉ, tôi cũng không hề muốn nhẫn nhục luồn cúi như cáo. Tôi chẳng muốn làm gì cả. Tôi vòng tay ôm lấy chị Vân. Chị là cô giáo dạy violin mà tôi yêu quý và tin tưởng nhất.

 

2. Cướp

Không hiểu sao, tôi cứ mãi rơi vào tâm trạng chán nản và bế tắc, không thể rút chân ra được.

Những lời an ủi trở nên vô nghĩa. Những cuốn sách dạy đời trở nên phù phiếm. Tình yêu trở nên xa lạ. Tình bạn trống vắng. Ước mơ xa vời. Các mối quan hệ lỏng lẻo.

Tôi đi lang thang trong từng dãy hành lang nhạc viện.

Tôi thích nhìn những đôi mắt ẩn sâu dưới hàng mi chải mascara.

...

Hàng ngày, lết đến trường, lết về nhà. Ngờ nghệch. Những bài học cứ trượt qua tai. Tôi càng nhận ra rằng, không chỗ đứng nào là của mình. Tôi chẳng thể nói điều ấy với ai cả. Tôi chới với và vô cùng mệt mỏi khi trốn sâu trong vỏ ốc. Đầu óc tôi lúc này như một cái bánh mì bị moi hết ruột, nham nhở, rỗng tuếch, không trọng lượng.

***

Tôi lững thững rẽ vào ngõ về phòng trọ thì bị một gã chặn lại. Hắn dí dao vào sườn tôi, giọng líu ríu: “Đưa điện thoại đây”. Tôi lẳng lặng rút điện thoại ra đưa cho hắn. Hắn cao nhưng xấu trai, mặt rỗ và nhiều mụn. Tôi cố nài nỉ: “Anh ơi cho em xin cái sim”. Tôi chẳng ngờ hắn tháo nắp điện thoại đưa sim lại cho tôi thật. Tôi lại nằn nì tiếp: “Cho em xin cả thẻ nhớ nữa nhá!”. Hắn lắc đầu, cười khẩy: “Không, thẻ nhớ hơn một trăm nghìn đấy”. Rồi hắn hỏi: “Còn tiền không?”. Tôi lục túi, còn mười bảy nghìn, tôi đưa nốt cho hắn: “Đây! Em móc túi từ sáng đến giờ được từng này”. Hằn cười phá lên, cầm tiền, rút điện thoại của hắn đưa cho tôi, đề nghị: “Cho anh xin số!”. Tôi choáng, cầm điện thoại soạn một tin ngắn: “Anh cướp đây!”, rồi gửi vào số tôi. Hắn cho tôi đi, còn dặn thêm: “Từ lần sau đừng dại mà đi một mình đêm khuya thế này nhá”.

Về tới phòng, tôi lục cái điện thoại cũ trong ngăn kéo, lắp sim vào và bật nguồn. Tin nhắn đầu tiên: “Anh cướp đây!”. Tôi phì cười, lưu số lại: Anh Cướp. Tin nhắn thứ hai. Hùng nhắn tin dặn tôi đọc mail. Tin nhắn thứ ba chị Vân hỏi tôi về nhà chưa. Tôi nằm vật xuống giường, đợi mãi chẳng có tin nhắn nào của bố mẹ. Tôi mặc kệ và ngủ.

 

3. Lính cứu hỏa và Hoàng tử:

Tôi mở mail ra và đọc mail của Hùng:

“Mở mắt ra bóng tối ngập tràn

thức dậy trong vô thức, em

sợ hãi

hoang mang

em quằn quại, đau đớn

những kí ức xa xưa chợt ùa về

tiếng dương cầm sâu thẳm trong đêm

tiếng giày nện vào sàn nhà khô khốc

tiếng búa đinh

tiếng gỗ vỡ

em giãy giụa

bỏ chạy.

Một bàn tay vô hình nhấc em khỏi mặt đất

cơn gió lạnh gào rú như tiếng của những vong hồn oan khuất

trái tim em lạnh buốt

nước mắt em rơi

những hạt pha lê nhỏ xíu

lấp lánh

vỡ tan

lan tỏa

sáng bừng

một bàn tay

ấm nóng

nhẹ nhàng nắm lấy tay em.

...

bừng tỉnh giấc

trái tim em thổn thức

trên tay em

chiếc vòng có hình cỏ bốn lá ...”

Tặng nàng!

Tôi ngồi dựa vào ghế, nhìn màn hình. Tôi nhớ lại khoảng thời gian đã qua, không nhớ đã quen Hùng được chính xác là bao lâu. Chỉ nhớ ngày còn học cấp ba, tôi và Hùng gặp nhau trong một vở kịch ngoại khóa văn học. Trong vở kịch ấy, Hùng đã nói với tôi một câu mà tôi nhớ nhất: “Ta yêu nàng!”. Lúc ấy tôi thấy thật củ chuối. Mãi sau này, tôi mới bắt đầu chú ý đến cậu ấy, là lần cậu ấy đưa cho tôi một túi khăn giấy khi tôi đang khóc ở ghế đá và nói giật cục: “Lau nước mắt đi, xấu kinh!”.

Tôi có nhiều bạn nhưng không thân thiết với ai ngoài Hùng. Khi vui, tôi nhắn tin cho cậu ấy, khi buồn, tôi nhắn tin cho cậu ấy dù chỉ là vài câu cụt ngủn. Hùng thường không nhắn tin lại, nhưng sau buổi học, Hùng đứng chờ tôi ở cổng nhạc viện và đưa tôi lang thang đâu đó. Tôi lưu tên cậu ấy trong danh bạ là Hoàng tử. Cậu ấy gọi tôi là Gió! Một cơn gió lạnh và hay chờn vờn trên vai người khác khiến người ta cảm thấy đau!

Đang soạn tin mail trả lời thì chị Vân gọi tôi đến phòng tập có việc gấp. Tôi tắt máy, thay quần áo và đi nhanh hết mức có thể. Chị Vân kéo tôi vào phòng thay đồ, vứt cho tôi bộ váy màu đỏ, nói nhanh: “Thay xong ra trang điểm ngay, hôm nay em đệm dương cầm cho chị, Uyên tai nạn, không đến được”. Chị chẳng thèm nghe tôi réo lên phản đối đã quay ra chỗ anh Hải Minh dặn: “Không cần đeo mi giả cho Mẫn đâu, chỉ cần chải mascara thôi”, rồi chị chạy biến luôn. Tôi vừa thay đồ vừa giận chị Vân vừa lo cho Uyên. Buổi biểu diễn này Uyên chờ đợi và kì công tập bao lâu nay. Tôi thấy mình có lỗi. Anh Hải Minh vừa trang điểm cho tôi vừa khen đôi mắt tôi. Tôi nhìn vào gương, đúng là tôi có đôi mắt to rất đẹp.

Chị Vân dắt tôi ra đằng sau sân khấu, vén màn cho tôi nhìn xuống dưới. Tôi bắt đầu thấy run. Hội trường lớn và nhiều người. Chị Vân sửa lại tóc, nháy mắt: “Sao hả nàng! Sợ à? Cứ sợ thế khi nào mới lớn được. Hít sâu thở đều, nhanh lên!”. Tôi vẫn hít thở bình thường, chẳng có gì phải sợ cả. Điện thoại tôi rung. SMS của dì tôi: “Mai con về nhé, bố mẹ phải đưa con đến tòa án”. Tôi tắt máy ngay lập tức, cố gắng không khóc để mascara không bị nhòe.

Nếu cảm thấy không thể bên nhau được nữa thì tự xa nhau thôi. Cố gắng chia tay một cách rành rọt chỉ làm đau cả hai. Tôi không thể hiểu nổi bố mẹ mình nữa. Trong giờ phút này tôi càng cảm thấy mình cô độc, lạc lõng và nhỏ bé.

Chị Vân đưa cho tôi bản nhạc phổ, bắt tôi nhớ thật nhanh. Tôi nhìn qua, chỉ là vài hợp âm đơn giản lặp đi lặp lại. Tôi mỉm cười chị Vân hiểu tôi sẽ làm tốt.

Tài năng của tôi đủ làm cho buổi biểu diễn thành công.

Trong khi mọi người xúm lại chụp ảnh, tôi lặng lẽ đi về phòng tập, chui xuống đằng sau giàn trống và khóc. Tôi cứ khóc như thế cho đến khi chị Vân tìm thấy. Chị lấy dùi trống gõ ầm ầm và bắt tôi đứng dậy. Tôi uể oải bò ra sàn nhà, thủ thỉ: “Ngón áp út của em đau quá”. Chị Vân vứt dùi trống lên giá, kéo tôi đứng dậy rồi lôi xềnh xệch về hướng nhà vệ sinh, vừa đi chị vừa quát:

- Sao hả? Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với em? Sao lúc nào cũng trốn sau cái giàn trống khóc lóc? Nó có tội tình gì với em? Lê la như thế thì cởi váy ra, lỡ rách thì chị đền kiểu gì?... Sao? Vẫn khóc à? Định ăn vạ chị hả? Điên!

Chị vừa quát vừa vốc nước lên lau mặt cho tôi. Khuôn mặt nhọ nhem mascara. Khi nhìn thấy khuôn mặt ướt nước của mình trong gương, tôi quay sang nhìn chị Vân, cười nhăn răng. Chị cốc tôi một cái đau điếng. Tôi lau mặt, bảo chị:

- Bố mẹ em ly dị rồi!

Chị Vân cởi cúc váy cho tôi rồi nói liền một mạch:

- Thì sao? Đấy là lý do mấy hôm nay em thê thảm thế này à? Bố mẹ chị mất từ năm chị mười một tuổi, chị tự lập và sống tốt đến tận bây giờ. Em cũng mười chín rồi, tự lo cho cuộc sống riêng của em, bố mẹ có con đường riêng của họ, chỉ cần họ luôn yêu em là đủ.

Tôi phụng phịu:

- Nhưng họ không yêu em!

Chị Vân cốc cho tôi thêm một cái nữa đau điếng, quát:

- Chả có bố mẹ nào không yêu con!

Tôi chải lại tóc và bước ra ngoài. Chị Vân gợi ý tôi đi tập yoga để thăng bằng cảm xúc của mình. Lấy điện thoại ra xin lại số của chị, tôi lặng lẽ lưu. Fireman - Lính cứu hỏa.

4. Sự ra đi của Hoàng tử

Tôi xin làm thêm tại một tiệm bánh ngọt. Ông chủ còn trẻ, đẹp trai. Nhưng tôi vô cùng ác cảm vì câu nói đầu tiên sau khi nhận hồ sơ của tôi: “Ngọc Minh? Tên đẹp mà sao người xấu dị???”. Tôi trợn mắt, cong môi để phản đối.

Tôi da trắng, tóc ngắn, mắt long lanh, cao 1m54, nặng 44 kg, ngoại hình không đến nỗi tồi. Xấu dị là sao?

Tôi lao đầu vào công việc để quên đi mọi thứ. Cuộc sống vẫn thế. Tôi học cách chăm chút cho bản thân hơn, không để vướng bận vào buồn phiền. Ngày trước tôi có thói quen hành hạ mái tóc của mình, mỗi khi buồn bực tôi lại lôi kéo ra và cắt. Kết quả là bây giờ tôi sở hữu một mái tóc ngắn cũn cỡn, xiên xẹo lung tung. Mọi người tiếc hùi hụi tóc dài. Tôi thì thấy tóc ngắn cũng cá tính.

Tôi đã qua rồi cái tuổi thất vọng về ai đó, nhưng đôi khi nước mắt vẫn chảy trong vô thức, không thể ngăn được. Cây vĩ cầm cứ trượt trên tay tôi khiến tôi không thể bắt kịp nhịp piano. Chị Vân vẫn quát mắng tôi và tôi vẫn thường nhe răng ra cười.

Lang thang nhiều, hít thở nhiều, phổi tôi chứa chật căng mùi Hà Nội. Tôi không sinh ra tại đây, không lớn lên tại đây. Nhưng tôi vẫn yêu mảnh đất này. Mùi rác thải, mùi đất ẩm khi mưa, mùi nước của những dòng sông chết, mùi bơ của những hàng quán, tiếng còi xe, tiếng người, tiếng chợ...

Tôi mò mẫm khắp nơi để tìm mua tặng Hùng một giỏ hoa khô, nhỏ nhỏ thôi. Vô tình gặp Linh khi đang chen chúc ở Hòe Nhai. Linh học cùng lớp Hùng, bạn ấy hớn hở khoe với tôi, thì ra Hùng đã thi được học bổng du học. Trở về phòng trọ nằm vật ra giường. Với lấy điện thoại nhắn bừa một cái tin: “Hoàng tử của em sắp đi rồi!” gửi cho Anh Cướp. Tin nhắn trả lời chưa đến năm giây: “Anh đang bận, em cứ đau khổ đi nhé!”.

- Bận cướp?

-  Ừ!

-  C3 của em lưu lạc nơi nào rồi?

-  Bán rồi.

-  Biết, nhưng bán ở đâu?

-  Làm gì?

-  Em đi mua lại.

-  Thích đến thế à?

-  Quà sinh nhật của mẹ.

Không trả lời.

***

Phải làm gì khi những người luôn nói yêu thương tôi nhất lại rời xa tôi vào đúng khoảnh khắc mà tôi cần họ ở bên?

Hùng đợi tôi ở cổng trường. Tôi cười, không chào và lên xe. Tôi nghĩ mình cứ đi lòng vòng trên phố cổ mãi cũng được.

-  Gọi cho bố mẹ chưa?

-  À, chưa!

-  Thế nàng định đoạn tuyệt luôn à?

-  À, ừ...

-  Ta mà làm nàng buồn nàng có đoạn tuyệt ta luôn không?

Tôi đưa tay lên ngực. Tim tôi đang đập loạn nhịp, muốn đấm Hùng một trận. Nước mắt tôi được thể trào ra. Hùng vòng tay ra sau tìm tay tôi, nắm chắc, thủ thỉ một mình, tôi vẫn nghe được không thiếu một chữ: “Giữ lấy bàn tay này để còn viết thư cho tớ nữa bạn hiền”.

Tôi giật tay lại lau nước mắt.

 

5. Những chuỗi tháng ngày tiếp theo...

Tôi ngáp ngắn ngáp dài bước ra cửa thì đạp ngay phải một hộp giấy nhỏ, mở ra thấy em C3 yêu quý màu hồng của mình nằm ngoan trong đó kèm theo mảnh giấy: “Giữ cho chắc, cướp được lần nữa nhất định không trả”. Huraaaaaaaaaaaaaaa. Tôi lôi điện thoại ra sửa lại tên trong danh bạ: Anh Cướp Nhân Đạo. Còn chưa kịp nhắn tin cảm ơn, tôi đã nhận được tin nhắn: “Em ơi, bỏ kiểu nhảy nhón loi choi ấy đi”. Tôi ngơ ngác nhìn xung quanh!

Tôi nhét thẻ ATM vào kiểm tra. Trong thẻ của tôi là một số tiền khổng lồ, khoảng hai năm làm thêm. Tôi bật cười. Bố mẹ đền bù cho mình theo cách này à?! Rồi búng tay. Chẳng phải mình nên cảm ơn bố mẹ vì đã coi mình là người lớn sao?! Lần mò nhắn cho bố một cái tin. “Con yêu bố”. Nhắn cho mẹ một tin tương tự. Bố mẹ gọi lại nói chuyện với tôi nửa ngày. Tôi cũng không buồn khi biết mẹ có người khác còn bố sẽ sống với em trai tôi.

Yêu thương đôi khi là buông tay nhau ra để bàn tay ấy nắm một bàn tay khác vừa vặn, ấm áp hơn.

Tôi vẫn đi làm thêm tại tiệm bánh ngọt cùng với anh chàng bảo tôi xấu dị. Thực ra anh ta cũng xấu dị không kém. Cười thật nhiều và sống như thể không ai ngăn cản được. Tôi gửi tâm tư và một khoảng lặng vào những nốt nhạc, du dương, nhẹ nhàng. Chị Vân ra nước ngoài sống và cô giáo khác thay chị quản lý lớp tôi. Vậy là lính cứu hỏa của tôi cũng đi mất. Nhưng tôi đã thôi nằm gục bên giàn trống mà khóc nhè nữa. Cuộc sống còn nhiều điều đáng làm hơn.

Tôi cài ảnh Hùng vào ví và đặt khung ảnh của chúng tôi trên mặt đàn dương cầm. Chờ đợi một ai đó có phải một việc quá khó khăn? Đôi khi, chờ đợi một ai đó thật hạnh phúc và ấm áp, ấm áp khi trái tim lạnh cóng đầy vết thương, ấm áp trong trái tim bấy lâu nay chỉ đầy sự sợ hãi và cô độc. Và ấm áp, khi người mình chờ đợi chính là người mình luôn yêu thương nhất.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/77739


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận