Gắn bó với núi rừng Tây Nguyên từ ngày đeo lon binh nhì cho đến khi trên vai là quân hàm đại tá thì ông Trí được điều về nhận công tác ở một cơ quan cấp bộ. Biết ông là người nặng tình, nặng nghĩa, yêu mảnh đất và con người Tây Nguyên nên trước khi phải chia tay thủ trưởng, mấy chàng sỹ quan trẻ lắm mộng nhiều mơ trong đơn vị đã rủ nhau vào rừng tìm một kỷ vật thật độc đáo để tặng ông Trí. Sau một ngày tìm kiếm với những cuộc thảo luận sôi nổi, người thì bảo nên tặng ông một chùm phong lan đang kỳ hàm tiếu, người lại nói tặng ông một con chim chơ- rao biểu tượng của đồng bào Tây Nguyên bất khuất, anh hùng, cũng có người nói nên đi tìm một mảnh bom còn sót lại trên thân cây... bàn đi tính lại mãi thấy món quà nào cũng không có sự đồng thuận cao giữa những cái đầu lãng mạn mà không kém phần sâu sắc của những chàng sĩ quan trẻ. Không quản ngại, họ cứ đi, cứ đi trong bạt ngàn rừng núi Tây Nguyên mong tìm cho được một món quà kỷ niệm ưng ý nhất, biểu đạt được hết tấm lòng của họ với người thủ trưởng đáng kính, để mỗi lần thủ trưởng nhìn thấy vật kỷ niệm là lại được sống lại những năm tháng tuổi trẻ lãng mạn mà hào hùng, gian khổ mà vui mà nặng tình, nặng nghĩa. Họ cứ đi, cứ đi sâu vào rừng, đi cho đến khi con chim chơ - rao, con chim li - phang, con chim hơ - tia hót tiễn biệt mặt trời mà vẫn chưa gặp được vật kỷ niêm ưng ý. Nhưng đúng là ông trời không phụ tấm chân tình của ai bao giờ, họ cứ đi khi đã gần như tuyệt vọng thì một chàng sĩ quan trẻ bỗng ồ lên như vớ được vàng. Trong ráng chiều rực lên như một miền lửa cháy, trên cheo leo bên vách núi dáng một cây xuyên đá như một con rồng xanh đang vươn lên uốn lượn như muốn đớp lấy mặt trời trước khi kịp lặn. Khoảnh khắc hào hùng đó làm chết lặng, tê đi mọi cảm xúc, lịm đi trong đê mê của cái đẹp vĩnh hằng. Tất cả đều đồng thanh hô lên: "Đây là điều ta cần tìm, đây là điều chúng ta cần tìm...". Vừa hô, họ vừa thoăn thoắt băng rừng tiến về phía vách đá, và rồi không ai bảo ai, tất cả đều bám vách đá nhanh chóng leo lên để thật gần, nhìn cho thật rõ tuyệt tác của thiên nhiên. Khi đến gần, họ cùng chung ý nghĩ: Đúng là một con rồng xanh, con rồng của đại ngàn Tây Nguyên xanh, món quà thật ý nghĩa, thật nhiều điều muốn nói ẩn chứa trong một dáng cây. Khi cảm xúc đã lắng xuống, một chàng sĩ quan trẻ thốt lên điều mà mọi người đều nghĩ: Tuyệt vời quá, các ông xem, này nhé: Thân cây uốn lượn mềm dẻo linh hoạt mà không kém phần dũng mãnh, tán trên cùng có năm nhánh cong vọng đều nhau chầu vào một nhánh giữ cuộn tròn tự nhiên như quả châu, như vầng nhật nguyệt. Đúng là dáng ngũ long chầu nguyệt rồi. Kế đến một chàng sĩ quan khác cầm lấy một cành cây mà phân tích: Các ông xem này, đây có khác gì chân rồng thời Trần. Này nhé quãng từ thân cây ra đến chỗ phân cành hơi dài và gầy, mấy cái ngón chân mảnh lại xòe rộng, cuối ngón quặp vào như những cái móng cong cong... và đây nữa này cành này lùi ra sau một tí trông có khác nào thế rồng đang vươn trong mây... thế của thủ trưởng Trí đúng là thế rồng đang vươn. Đức ấy, tài ấy coi chừng... . coi chừng lên đến... đại tướng. Vậy là không cần bàn bạc gì thêm, cả mấy cái đầu đều gật đánh rụp một cái, quyết định đào cây xuyên đá có dáng lạ đó về đơn vị. Cây được giao cho trung úy Hòa, người làng Đồng Kỵ với nghề mộc gia truyền và một bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, chính xác của một sĩ quan trinh sát khi vạch bản đồ địa hình chịu trách nhiệm chế tác sao cho thật giống một con rồng đang uốn lượn trong mây. Sau nhiều lần phơi, gọt, bào, đánh giấy nhám rồi lại phơi, gọt, bào..., cuối cùng cái sản phẩm của tình yêu, tính đồng chí đồng đội đã làm vừa mắt kể cả những người thiếu óc tưởng tượng và khó tính nhất. Hành trang rời đơn vị đi nhận công tác mới của ông Trí có thêm một món quà tình nghĩa của những người lính trẻ.
Đến đơn vị mới, ông dựng cái cây bây giờ đã thực sự là một một con rồng đang vươn trong mây với đủ đầu mình, râu, mắt và móng vuốt. Và đúng như sự mong muốn của những người đồng đội trẻ tuổi của ông, cứ mỗi khi làm việc mệt mỏi hay có điều gì phiền muộn trong lòng, nhìn thấy con rồng là ông được sống lại một thời tuổi trẻ với bao bạn bè mà bây giờ kẻ còn, người mất, kẻ sướng người khổ, kẻ giàu, người nghèo... Nhận công tác mới, thêm cấp, thêm chức là thêm trách nhiệm và đương nhiên là thêm nhiều mối quan hệ mà không phải bao giờ cũng giải thích được rạch ròi. Nhiều công việc nhưng không phải bao giờ công việc cũng thông đồng bén giọt, cũng xuôi chèo mát mái, cũng an hòa tươi vui. Những khi gặp khó khăn, gặp những chuyện không hay ông lại nhìn con rồng và được tình cảm của những người lính trẻ tít tận trong miền nắng, miền gió khích lệ, ông thầm biết ơn họ và cố làm được những ước mong mà họ đã gửi gắm vào ông.
Bao giờ cũng vậy, cứ hết giờ làm việc, trước khi về nhà ông thường cởi bộ quân phục mang quân hàm, quân hiệu choàng lên, bao quanh cả năm con rồng chầu và cái mũ kê- bi thì được đặt nghiêm ngắn trên quả châu mà mấy chàng sĩ quan trẻ nói đó là tượng trưng của chị Hằng Nga, của trăng rằm, của vầng Nhật, Nguyệt... của của Tâm sáng, Đức dầy... Đã không ít lần mấy cô phục vụ vào dọn phòng bất chợt nhìn thấy cái cây... mặc áo, đội mũ đã giật mình chào: "Thủ trưởng chưa nghỉ à". Khi biết mình nhầm, họ mới bụm miệng cười một mình.
Ai rồi cũng đến tuổi già, cũng đến ngày được nghỉ ngơi, ông Trí không nằm ngoài quy luật đó. Sáu mươi tuổi ông nhận quyết định về hưu. Ngày dọn phòng, bàn giao cho người kế nhiệm, ông cứ đứng tần ngần mãi trước cái cây dáng rồng bay, cái cây đã từ lâu không chỉ là cái cây mà là người thầy, người bạn, người em, người đồng chí, đồng đội và xa hơn nữa là cả những lời răn dạy của tiền nhân... Đã nhiều lần ông cầm cái cây nhấc lên tính đưa nó ra xe rồi ông lại đặt xuống, cứ nhấc lên đặt xuống mấy lần, cuối cùng ông quyết định để cái cây lại chỗ cũ cho người kế nhiệm. Trước khi ra khỏi phòng, ông nhìn lại cái cây một lần cuối và tất cả những kỷ niệm thời trai trẻ lại ùa về, những kỷ niệm buồn vui, những việc làm được và chưa được, những việc đã làm và những việc cần phải làm... và tai ông như đang nghe văng vẳng tiếng của cậu trung uý Trần Trung Dũng khi được cả nhóm giao cho trọng trách đứng lên phát biểu và trao tặng ông con rồng này: Đây là tấm lòng và mong ước của những người sỹ quan trẻ, cái cây có dáng rồng thời Trần, rồng bay mềm mại, uyển chuyển nhưng hết sức dũng mãnh. Cả cái cây toát lên tinh thần, khí phách của triều đại nhà Trần, quân đội nhà Trần và nhân dân thời Trần. Còn tiểu tiết, đây là năm con rồng chầu tượng trưng cho Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín... chầu vào cái Đức, cái Tâm cao sáng như Nhật, Nguyệt toát lên khí phách của Trần Hưng Đạo... Ông nhìn lại cái cây một lần nữa và mỉm cười nói thầm một mình: Ai chả mong có được điều đó, mà thời gian qua chắc các cậu cũng không đến nỗi phải thất vọng về lão lính già này chứ? Phải không các chàng sĩ quan trẻ lãng mạn mà không kém phần... đáo để kia?
NTH