Người Của Giang Hồ Chương 8


Chương 8
Huỳnh Tỳ

Nhị ca mất số

Trong quá trình ngoi lên trở thành ông trùm của giới tội phạm Sài Gòn, Năm Cam đã lần lượt thực hiện các bước núp bóng, lợi dụng rồi hạ bệ hàng loạt đàn anh lớn nhỏ. Giang hồ sợ nhất Năm Cam ở điểm y không từ bất cứ ai và sẵn sàng xuống tay cực kỳ tàn bạo để tiêu diệt tất cả những kẻ cản đường hắn, cho dù người đó từng là chiến hữu, đàn anh hay có tình đệ tử lâu năm ân nghĩa với y. Ngoài Lâm Chín ngón trở thành tàn phế vì acid, Dung Hà bỏ mạng vì ăn đạn, trong danh sách giang hồ cộm cán bị Năm Cam “lấy số” còn phải kể thêm Huỳnh Tỳ – kẻ có thời được giang hồ Sài Gòn xem như nhân vật số 2 chỉ đứng sau Đại Cathay trong nhóm “Tứ đại giang hồ”.

Lai lịch một danh xưng

Huỳnh Tỳ tên thật là Nguyễn Thuận Lai, sinh năm 1944, hơn Năm Cam 3 tuổi. Có lẽ anh ta là tay giang hồ “có số má” duy nhất từ nhỏ chí lớn vẫn không thay đổi chỗ ở, hàng chục năm nay vẫn sống tại nhà số 4/1 Nguyễn Văn Tráng, quận 1. Tp. Hồ Chí Minh.

Năm 1960, học hết đệ tam (lớp 10) ở trường Nguyễn Bá Tòng, chú nhóc Nguyễn Thuận Lai nghỉ ngang, theo cha làm lơ xe đò tuyến Sài Gòn – Nha Trang – Pleiku. Chính nghề lơ xe đường dài đã khiến tên học trò hiền lành nhanh chóng tiêm nhiễm đủ mọi thói hư tật xấu của đàn ông con trai thời chiến. Đến tuổi quân dịch, để tránh bị bắt lính, Nguyễn Thuận Lai đổi tên thành Huỳnh Tỳ – một cái tên gắn chết cả đời với nghiệp chướng giang hồ.

Góc đường Lê Lai, quận 1 có một rạp hát khá nổi tiếng là rạp Aristo. Năm 1954, gánh hát Kim Chung của ông bầu Long di cư vào Nam, lấy rạp Aristo làm đại bản doanh. Ăn theo gánh hát, những trục đường như Lê Lai, Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), Nguyễn Văn Tráng… quán ăn, hàng giải khát nổi lên khá náo nhiệt, đồng thời cũng kéo theo không ít dân trộm cắp, móc túi, trẻ bán báo, đánh giày qui tụ. Khu vực này lại gần chợ Bến Thành và ga Sài Gòn. Mỗi lần “móc đổng” (giật đồng hồ), “ăn kẹp” (móc túi) ngoài chợ xong, đám lưu manh thường chạy ngay về khu Lê Lai để trốn tránh. Tam giác Lê Lai – Nguyễn Văn Tráng – Gia Long nhanh chóng trở thành một mảnh đất màu mỡ để hứng hàng ăn cắp, móc túi bán giá rẻ và tổ chức các loại dịch vụ như sòng bài, động chích, tiệm hút, gái… cho đám cô hồn các đảng này ăn khao bằng tiền trộm cướp. Cùng với hai tay anh chị khác là Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế, Huỳnh Tỳ với kinh nghiệm “du thủ du thực” học được trên những chuyến xe đò đường trường đã đứng ra nhận bảo kê toàn bộ các dịch vụ nhám nhúa này. Thằng lơ xe cục tính nhanh chóng ngoi lên vị trí ông trùm, sau hàng loạt những vụ chém lộn tưng bừng với các băng đảng khác. Ngoài Ngô Văn Cái và Ba Thế, dưới trướng Huỳnh Tỳ còn có thêm một loạt đàn em khác như Cu Ba đen, Tâm vồ, Hùng phốc, Luân sún… Trong gánh hát, bầu Long cũng thu dụng một loạt tay đao búa từng nổi tiếng một thời tại Hà Nội để làm chân bảo vệ. Đám này gồm Sinh càn, Phúc đen, Tâm Ba tai… Ngoài giờ bảo vệ, bọn chúng thường tụ tập tại quán Kiều Chánh cạnh rạp Aristo. Ngứa mắt, Huỳnh Tỳ và đàn em đã gây nhiều trận đập lộn tóe lửa với đám bảo vệ này. Để yên thân, bầu Long đã khôn khéo đãi tiệc dàn hòa hai bên, thu dụng luôn cả băng của Huỳnh Tỳ, chấp nhận đặt các ông tướng gốc Hà Nội vào dưới trướng của y, đồng thời để cho Huỳnh Tỳ và đàn em ra vào rạp Aristo tùy thích.

Khi quân đã hùng, tướng đã mạnh, nội các tam đầu chế gồm Tỳ, Cái, Thế thường tụ nhau bia rượu, bài bạc suốt ngày tại rạp hát Aristo cho nên được giang hồ gọi luôn là băng Aristo để phân biệt với băng Cathay do Lê Văn Đại cầm đầu có khu vực hoạt động là chợ Cầu Ông Lãnh, cách đó chỉ hơn nửa cây số.

Khoảng năm 1964, nhờ sự liều lĩnh của Đại Cathay, băng Cathay bắt đầu mạnh lên. Sau khi diệt băng Bé Bún, quận 4, đâm tên này đổ ruột, Đại dần dần thôn tính được toàn bộ khu Da Heo (đường Nguyễn Công Trứ) của tay anh chị Tám Lâu, thò tay gom luôn cả sòng bạc hẻm 100 của Bảy Sy (anh rể Năm Cam) rồi vươn ra thâu tóm luôn cả sòng bạc của Đực Bà Tiều tại Chợ Cầu Muối… trở thành đại ca có máu mặt nhất của khu vực quận Nhất, quận Nhì và quận Tư. Lo sợ thế lực của băng Cathay sẽ “nuốt” mất cả khu Lê Lai, Huỳnh Tỳ bàn với hai phó tướng Ngô Văn Cái và Thế Aristo tìm cách diệt Đại. Rủ thêm Hùng phốc và Luân, hai giang hồ cộm cán khác, cả băng Aristo bày tiệc trên lầu rạp hát mời Đại Cathay tới giao lưu. Không mảy may nghi ngờ, Đại Cathay tới ngay. Chưa lên hết cầu thang, Đại Cathay đã chột dạ: nụ cười đón khách của Thế Aristo đột nhiên thay đổi. Chưa kịp hỏi, Đại Cathay đã bị Thế đá lộn cổ xuống thang lầu. Cùng một lúc, Tỳ, Cái, Luân, Hùng bốn kẻ phục kích nhất tề rút dao xông vào chém tới tấp. Vừa đỡ đòn, vừa tìm đường thoát thân, Đại Cathay lết được ra khỏi tử địa, mình mẩy đầy thương tích nhưng may mắn thoát chết. Khi những vết thương vừa bắt đầu kéo da non, Đại Cathay đã giắt dao, đơn thân độc mã đi tìm từng tên một để trị tội. Huỳnh Tỳ và bốn tên giang hồ đồng mưu lần lượt bị Đại Cathay chém trọng thương trong cùng một hoàn cảnh, là khi chúng đang ngồi nhậu tại quán Kiều Chánh. Nhắm thế không chơi lại Lê Văn Đại, cũng không thể “trải đệm” tên này, vì băng Cathay quá mạnh, Huỳnh Tỳ đành thay mặt cả băng bắn tiếng cầu hòa. Đang say máu, Đại Cathay không nghe, vẫn tiếp tục tìm cả 5 tên để chém. Hoảng quá, cả 5 tên phải mời bầu Long đứng ra tìm Tám Lâu, đàn anh cũ của Đại Cathay nhờ nói giúp. Biết tính Đại Cathay, Tám Lâu lại phải cạy cục nhờ hai tay anh chị lừng danh là Ba Hội và Cảnh Tượng (đều lớn hơn Đại Cathay vài mươi tuổi), bày tiệc tại quán Biên Thùy ở chợ Cầu Muối mời thằng em đến khuyên giải. Nể tình và nể tuổi tác, Đại mới nguôi ngoai, chấp nhận cho Huỳnh Tỳ và 4 tên cùng băng đến dập đầu xin lỗi, để rồi sau đó băng Aristo vĩnh viễn bị xóa sổ, quân tướng đều qui về dưới quyền sai phái của một đại ca duy nhất là Lê Văn Đại. Cuộc hợp nhất giang hồ giữa thập kỷ 1960 đã đẻ ra danh xưng “Tứ đại giang hồ” Đại-Tỳ-Cái-Thế, với Đại Cathay, kẻ không đối thủ đứng đầu và xếp phía sau là ba đối thủ của kẻ… không đối thủ.

Huỳnh Tỳ bị Năm Cam “lấy số”

Mất ngôi đầu lĩnh, Huỳnh Tỳ tự an ủi mình với danh hảo là nhị ca trong “tứ đại giang hồ” hay mỹ miều hơn, gọi là “tứ đại Thiên Vương”, cung cúc phò tá Đại Cathay trong các cuộc thanh trừng theo kiểu xã hội đen. Đáp lại, y được Đại Cathay giao quyền trông coi một loạt các sòng bài, tiệm hút không chỉ trong địa bàn khu Lê Lai mà cả địa bàn khu Cầu Muối. Cứ độ 10 giờ sáng, Huỳnh Tỳ lại có mặt tại các sòng bạc của Đực Bà Tiều và Bảy Sy để thu xâu nộp cho Đại Cathay nuôi quân. Còn buổi tối, hắn lại diện đồ “kẻng” theo đàn anh vào các vũ trường tha hồ đập phá. Thời hoàng kim của băng Đại Cathay kéo dài đến tháng 6.1966 thì chấm dứt, khi Đại Cathay bị bắt, băng Cathay tan rã. Vào thời điểm đó, Năm Cam vẫn chỉ là một tên phá gia chi tử, thường trộm tiền của Bảy Sy ăn xài vung vít, chưa có tên tuổi, số má gì trên chốn giang hồ.

Sau giải phóng, cả Tỳ, Cái, Thế lẫn Năm Cam và nhiều tên xã hội đen vằn vện khác đều thay nhau vào tù ra khám. Ra tù, Năm Cam dần dần củng cố thế lực, ngày một phất lên, đến đầu những năm 1990 đã nghiễm nhiên trở thành ông trùm của thế giới ngầm. Trong khi đó, hầu hết các “đàn anh” cũ của Năm Cam đều vì ma túy mà trở thành dặt dẹo. Ngô Văn Cái quyết cai ma túy bằng cách uống rượu, cuối cùng chết bất đắc kỳ tử vì ung thư gan. Nguyễn Kế Thế không chịu nổi mối giày vò vì lỡ thời phải ăn bám vợ (vốn là chủ một động tiêm chích), khoảng năm 1985 đã lặng lẽ bỏ lại toàn bộ tư trang, tài sản và ra miền Trung nương nhờ cửa Phật, đến nay vẫn không tăm tích. Một cao thủ giang hồ khác là Đức Raymond không chịu nổi cảnh đói thuốc phải ngửa tay xin tiền bạn bè, chịu sự khinh miệt, đã tự xử đời mình bằng thuốc độc.

Huỳnh Tỳ vốn cũng nghiện nặng. Sau giải phóng, giang hồ không còn đất sống, Huỳnh Tỳ thường xuyên đói thuốc vã mồ hôi. Gánh nặng kinh tế gia đình càng chồng chất thêm khi vợ anh ta mất vào năm 1978, để lại cho Tỳ hai đứa con nhỏ dại, trai mới 4 tuổi, gái mới 2 tuổi. Không băng nhóm, không nghề ngỗng, không đủ dũng khí để tự xử như Đức Raymond hay tiếp tục xưng hùng xưng bá như Lâm Chín ngón, Huỳnh Tỳ phải xoay sang mánh mung cò con, từ xóc bầu cua, tổ chức đánh chẵn – lẻ đầu hẻm đến bán lẻ, chích dạo ma túy để nuôi con và nuôi thân, chỉ mong được no cả dạ dày lẫn no óc. Hậu quả là trong vòng 20 năm (1975-1995), Huỳnh Tỳ phải ra vào trại cải tạo, nhà giam hơn chục bận.

Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, khoảng đầu năm 1992, Huỳnh Tỳ đã liên kết được với một số tên giang hồ hết thời như Minh ba giá (Lương Văn Lâm), Trần Thị Ngàn, Minh bu, Lý Đôi, Thành đôla tổ chức được một sòng bạc tại hẻm 98F Lê Lai, gồm cả đánh tài xỉu, chẵn lẻ và xóc đĩa. Chuyện đến tai Năm Cam. Không kiêng nể xót thương gì các đàn anh thất thế, Năm Cam ra lệnh dẹp ngay. Huỳnh Tỳ không nghe, vẫn tiếp tục chơi. Ngay lập tức, sòng bạc này liên tục bị Cảnh sát Hình sự khám xét và giám sát, không con bạc nào dám bén mảng. Biết là Năm Cam ra tay triệt hạ, Huỳnh Tỳ phải mang lễ vật đến ngọt nhạt năn nỉ, mời Năm Cam hùn vốn và được ông trùm đồng ý.

Vốn mà Năm Cam góp vào là Thành Chân, tay giang hồ trẻ tuổi nhưng lão luyện, có đầu óc, được Năm Cam phái đến giám sát, tổ chức sòng. Tên thứ hai là Lê Thị Điệu, vợ Thọ đại úy, được Năm Cam đặc trách cho phép hành nghề cầm đồ và cho vay nặng lãi tại sòng. Ngoài phần ăn chia theo tỉ lệ hùn hạp, mỗi tuần Huỳnh Tỳ phải mang đến nộp cho ông trùm 5 triệu đồng tiền xâu. Kể từ đó, công việc làm ăn trở nên hanh thông, không bị băng nhóm khác hay công an đến hỏi thăm nữa. Tự đánh giá cao vai trò của mình, Năm Cam lại bắt Huỳnh Tỳ nộp thêm mỗi tuần từ 3 – 5 triệu đồng nữa, gọi là “phí ngoại giao”, để ông trùm “hương hoa” cho “người nhà nước”. Dù biết tỏng đây là trò ăn chặn, tiền đưa ra chỉ chảy vào túi tham của Năm Cam, Huỳnh Tỳ vẫn phải cay đắng mở rộng hầu bao, không dám hó hé. Mối quan hệ hùn hạp này kéo dài từ đầu tháng 7 đến tháng 12.1992 thì chấm dứt. Thời điểm này, tên tuổi của Năm Cam bị khui ra trên một tờ báo. Cho rằng ông trùm sắp bị bắt, nghĩa là sẽ quay về vị trí thằng nhãi, chẳng việc quái gì phải sợ, Huỳnh Tỳ bèn ngưng không cúng nộp tiền xâu và chuẩn bị trục xuất đám đàn em Năm Cam. Sự “dại dột” lập tức được trả giá: Ngày 6.1.1993, sòng bạc hẻm 98F bị công an bắt quả tang, hơn 10 “nhân viên” của sòng phải tra tay vào còng, xộ khám.

Vụ bố ráp này Huỳnh Tỳ may mắn cùng với Minh ba giá thoát được, nhưng anh ta hiểu ngay đó là đòn trừng phạt của Năm Cam. Rất dễ hiểu, những kẻ bị bắt đều là chiến hữu của Huỳnh Tỳ, còn những đàn em của Năm Cam phái đến hoặc tin cậy như Thành Chân, Minh bu, Lý Đôi, thị Điệu thì không một ai bị tóm.

Bị truy nã, Huỳnh Tỳ không còn con đường nào khác, lại phải đi “bằng đầu gối” đến tạ tội và cầu cạnh Năm Cam. “Ông trùm” lại gia ân, phái đàn anh đi tổ chức các sòng bạc khác ở quận 4, quận 8 và Biên Hòa. Để tỏ lòng trung thành, Huỳnh Tỳ đã “đau xót” tiếp tay cho Năm Cam trừng phạt dằn mặt một “giang hồ cầm bút” thường ký tên T.

Trước giải phóng, T. là một cây bút phóng sự có hạng, chuyên khai thác đề tài xã hội đen. Giang hồ Sài Gòn rất kiêng ký giả này vì anh ta rất giỏi võ, từng là một đai đen nhị đẳng Taekwondo, sau giải phóng lại trở thành đệ tử chân truyền đời thứ 7 của võ phái Vịnh Xuân nổi tiếng. Tật xấu của anh ta là nghiện thuốc phiện, cho nên không tờ báo nào nhận T., ngay cả đại sư Nam Anh – Chưởng môn phái Vịnh Xuân – cũng phải trục xuất võ sĩ tài năng này ra khỏi võ đường. Để kiếm sống T. phải cộng tác với khá nhiều tờ báo, với sở trường là những phóng sự nóng bỏng về cuộc sống và mánh lới giang hồ. Anh ta là nhà báo đầu tiên ném tên tuổi Năm Cam lên mặt báo. Găm hận vào lòng, Năm Cam rắp tâm dằn mặt T. để trả đũa. Giữa năm 1995, khi ký giả T. đang phê thuốc phiện tại một động hút của Huỳnh Tỳ ở đường Lê Lai thì công an ập vào. Bị bắt quả tang, T. đành khăn gói vào trại, bị cai nghiện bắt buộc. Khi nồng độ ma túy trong máu anh ta đã loãng thì Năm Cam bất ngờ ghé thăm. “Trời đất, chỗ anh em không, sao lại ra nông nỗi này. Để tôi nói với mấy ảnh một tiếng”. Chả biết Năm Cam nói với ai, nói kiểu gì, nhưng chỉ vài giờ sau chuyến thăm viếng bất thường, T. đã được phóng thích. Biết mình không phải đối thủ của Năm Cam, lại xấu hổ với đồng nghiệp nghề báo, ký giả T. sau chuyến ấy đã vĩnh viễn gác bút, chấm dứt một cái tên khá lừng lẫy cả trên mặt báo lẫn chốn giang hồ.

Sau vụ giúp Năm Cam dằn mặt ký giả, Huỳnh Tỳ còn tiếp tục phò tá con cáo già một thời gian, được Năm Cam trả công nên không bị bắt, dù đang có lệnh truy nã. Tháng 9.1995, tội lỗi của Năm Cam lại bị báo chí phanh phui, Huỳnh Tỳ lại trở mặt không nộp xâu nữa. Không lâu sau đó, Năm Cam bị bắt đi cải tạo. Không còn ai bảo kê, ngày 31.10.1995, Huỳnh Tỳ cũng bị tóm cổ và ra tòa lãnh án.

Sau này, khi cả Năm Cam lẫn Huỳnh Tỳ đều đã được trả tự do, Năm Cam đã “cạch” không cho tên đàn anh này bén mảng đến sòng bài của y nữa. Bị thất sủng, song với “nhị ca mất số”, đó lại là điều may, bởi chính vì “mất số” nên anh ta mới không trở thành bị cáo một lần nữa trong chuyên án “Năm Cam và đồng bọn”. Đó là điều an ủi cuối cùng của Huỳnh Tỳ, kẻ đã từng là một nhị ca lẫy lừng trở thành một giang hồ dặt dẹo bị chính giang hồ coi rẻ.

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/44999


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận