Người Thầy Chương 5


Chương 5
Tâm lý là khi có kẻ phát rồ và người ta cần tìm hiểu xem đầu óc họ có gì không ổn trước khi tống họ vào nhà thương điên.

Sau khi nghỉ dạy một thời gian, có lần tôi nguệch ngoạc làm một con tính trên mấy mảnh giấy, kết quả thật ấn tượng. Ở thành phố New York tôi đã dạy năm trường trung học khác nhau và một trường cao đẳng: trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee ở Staten Island, trường Trung học Kỹ nghệ Thời trang ở Manhattan, trường Trung học Seward Park ở Manhattan, trường Trung học Stuyvesant ở Manhattan, lớp buổi tối tại trường Trung học Washington Irving ở Manhattan và trường Cao đẳng Cộng đồng New York ở Brooklyn. Tôi đã dạy cả ban ngày lẫn buổi tối và mùa hè. Con tính của tôi cho thấy có khoảng mười hai nghìn cậu trai và cô gái, những người đàn ông và những phụ nữ, đã ngồi trước mặt tôi nghe giảng, ngâm thơ, động viên, nói huyên thuyên, ca hát, diễn thuyết, kể lể, thuyết giáo và im miệng. Tôi nghĩ đến mười hai nghìn học sinh này và tự hỏi đã làm gì được cho họ. Rồi lại nghĩ về những gì họ đã làm được cho tôi.

Con tính cho thấy ít nhất tôi đã lên lớp ba mươi ba nghìn giờ.

Ba mươi ba nghìn giờ trong ba mươi năm: ngày, đêm và cả mùa hè.

Ở trường đại học người ta có thể cứ dùng mãi một giáo án cũ mèm đã ố vàng(1)_. Ở một trường trung học công lập sẽ chẳng bao giờ như thế được. Thiếu niên Mỹ là những chuyên gia lật tẩy thầy giáo. Nếu anh định bịp chúng thì chúng sẽ làm anh khốn nạn ngay.

Thế ạ, ô, thưa thầy, ở Ireland còn những chuyện gì nữa ạ?

Lúc này thầy không thể kể chuyện được. Ta phải làm xong bài tập từ vựng trong sách giáo khoa đã. Các em mở trang 72.

Ôi giời, thầy ơi, thầy vẫn kể ở những lớp khác đấy thôi. Thầy không thể kể cho chúng em một chút xíu sao?

OK, chút xíu thôi nhé. Hồi nhỏ ở Limerick thầy chẳng bao giờ dám mơ có ngày sẽ thành thầy giáo ở New York. Bọn thầy nghèo mà.

Ra thế ạ. Chúng em nghe nói là hồi đó thầy không có nổi tủ lạnh.

Đúng thế, cả giấy đi tiêu cũng không có.

Sao ạ? Không có giấy đi tiêu? Ai mà chẳng có giấy đi tiêu. Thậm chí bên Trung Hoa người ta chết đói mà vẫn có giấy đi tiêu. Cả ở châu Phi nữa.

Chúng nghĩ tôi nói quá và chúng không thích như thế. Ngay cả những chuyện về sự khốn cùng cũng phải có giới hạn.

Chẳng lẽ thầy muốn chúng em tin là xong rồi thầy cứ thế đứng lên, kéo quần, không chùi gì hết ư?

Nancy Castigliano giơ tay xin nói. Thưa thầy McCourt, em xin lỗi. Sắp đến giờ nghỉ ăn trưa nên em không muốn nghe chuyện về những người không có giấy đi tiêu.

OK, Nancy, ta đọc tiếp.

Việc ngày ngày đứng trước hàng chục thiếu niên sẽ đưa anh về với thực tại. Ngày ngày vào lúc 8 giờ sáng chúng chẳng buồn quan tâm anh có khỏe không. Anh nghĩ tới một ngày dài trước mặt: năm lớp học, với những một trăm bảy mươi lăm thiếu niên Mỹ; tâm tính bất thường, đói, si tình, sợ hãi, hứng tình, sôi nổi, khiêu khích. Chạy đâu cho thoát. Chúng ngồi đó còn anh đứng đây với chứng nhức đầu, với bệnh yếu tiêu hóa, với dư âm cuộc cãi vã với vợ, với người yêu, với chủ nhà, với cậu quý tử quá quắt muốn trở thành Elvis_(1) và chẳng thèm trân trọng những gì anh làm cho. Tối hôm qua anh ngủ không được. Cặp của anh vẫn còn đầy bài làm viết nguệch ngoạc của một trăm bảy mươi lăm học trò, cái gọi là bài luận của chúng. Thưa thầy, thầy sửa bài của em chưa ạ? Nào phải chúng quan tâm gì đâu. Chúng đâu định sẽ làm luận suốt cả quãng đời còn lại. Người ta chỉ phải làm những thứ bài tập như thế trong những lớp học nhàm chán này thôi. Chúng nhìn anh. Anh không thể trốn được. Chúng đợi. Bữa nay học gì ạ, thưa thầy? Học làm đoạn văn ạ? À há. Này, các bạn, bữa nay mình học làm đoạn văn, cấu trúc, câu chủ đề và vân vân. Em nôn nóng để chiều nay về kể cho mẹ em. Mẹ em luôn hỏi bữa nay ở lớp học gì. Đoạn văn, thưa mẹ. Thầy giáo dạy làm đoạn văn. Mẹ em sẽ bảo hay lắm, hay lắm rồi lại quay ra xem bộ phim ướt át nhiều kỳ trên ti vi.

Chúng đến trường từ gara ôtô, từ thế giới thật ngoài kia, nơi chúng biết tháo rời mọi thứ từ xe Volkswagen đến xe Cadillac rồi ráp lại, thế mà ông thầy ở đây lải nhải mãi chuyện làm đoạn văn. Chúa ạ. Ở gara ôtô người ta không cần đến đoạn văn.

Nếu anh quát tháo hay ngắt lời thì sẽ hỏng hết. Chúng bị cha mẹ quát tháo và ngắt lời mãi hoài rồi, nói chung cả trong trường học nữa. Nếu chúng chống lại bằng cách im như thóc thì coi như anh tiêu với cái lớp này. Sắc diện chúng thay đổi, mắt chúng thờ ơ. Anh bảo chúng giở tập vở ra. Chúng giương mắt nhìn anh. Chúng câu giờ. Vââng ạ, chúng sẽ giở tập vở. Vâng, thưa thầy, chúng em đang giở tập vở đây nhưng phải từ từ cẩn thận kẻo có gì rơi vãi. Anh bảo chúng chép những gì viết trên bảng. Chúng giương mắt nhìn anh. À há, hừm, đứa này nói với đứa kia. Thầy bảo mình phải chép lại những gì viết trên bảng. Xem kìa. Thầy viết gì đấy trên bảng và mình phải chép lại. Chúng lắc đầu như cảnh phim quay chậm. Anh hỏi: Có thắc mắc gì không? Rồi nhìn quanh cả lớp toàn thấy những khuôn mặt ngây thơ vô tội. Anh đứng đó chờ. Chúng biết đó là bốn mươi lăm phút thách thức, anh đấu với chúng, ba mươi tư thiếu niên New York, những thợ cơ khí và thợ thủ công tương lai của nước Mỹ.Truyen8.mobi

Anh cũng chỉ là một thầy giáo thôi, cha nội, vậy anh phải làm gì đây? Trừng trừng nhìn lại cả lớp hay sao? Đánh hỏng cả lớp hay sao? Phải chấp nhận thôi, chàng trai. Chúng bắt thóp được anh, lỗi tại anh đấy, anh bạn ơi. Lẽ ra anh không phải nói với chúng như thế. Tâm trạng buồn vui của anh, bệnh nhức đầu của anh, nỗi lo lắng của anh chúng coi như không có. Chúng có chuyện của chúng, và một trong những chuyện ấy chính là anh.

Anh giáo ơi, hãy thận trọng. Đừng tự biến anh thành vấn đề của chúng. Chúng sẽ hạ anh ngay.

Mưa làm thay đổi bầu không khí trong trường, át cho mọi thứ trở nên câm lặng. Mấy học sinh lớp đầu tiên lặng lẽ vào phòng. Có một đôi đứa chào thầy. Chúng rũ nước mưa trên áo khoác. Chúng đang trong cơn mê. Chúng ngồi và chờ. Không đứa nào nói gì. Không đứa nào đòi đi ra ngoài. Không càu nhàu, không khiêu khích, không cãi cọ. Mưa là ảo thuật. Mưa là chúa. Anh giáo ơi, hãy thích nghi đi. Cứ thong thả. Nói khẽ thôi. Đừng có nghĩ tới giờ Anh văn nữa. Quên điểm danh đi. Đó là bầu không khí trong nhà sau đám tang. Bữa nay không có tít báo nào thô bỉ, không có tin khủng khiếp nào từ Việt Nam. Ngoài hành lang có tiếng chân và tiếng cười của một thầy giáo. Mưa tạt trên kính cửa sổ. Ngồi vào bàn của anh đi, để mặc thời giờ trôi qua. Một nữ sinh giơ tay. Em nói, À, thưa thầy McCourt, thầy đã yêu bao giờ chưa ạ? Anh mới chân ướt chân ráo vào nghề nhưng anh biết thừa rằng khi học trò hỏi những câu như thế này là chúng đang nghĩ tới chính chúng đấy. Anh trả lời rằng: Có.

Cô ấy đoạn tuyệt hay là thầy ạ?

Cả hai.

Ô, thế ạ? Thầy muốn nói là thầy đã từng hơn một lần yêu?

Đúng.

Wow.

Một nam sinh giơ tay. Sao các thầy giáo không thể đối xử với chúng em như với con người ạ?

Anh không biết tại sao. Chà, cha nội ơi, nếu không biết thì cứ nói với chúng rằng: Thầy không biết. Hãy kể chúng nghe về trường học bên Ireland. Anh đi học với nỗi khiếp sợ. Anh đã thù ghét đi học và mơ chóng đủ mười bốn tuổi để đi kiếm việc. Anh chưa từng nhớ tới thời đi học của mình kiểu thế này, chưa từng nói về nó. Anh mong mưa đừng bao giờ tạnh. Học trò ngồi yên tại ghế. Không ai phải nhắc chúng treo áo khoác ngoài. Chúng nhìn anh như thể mới vừa phát hiện ra anh.

Cứ nên mưa mỗi ngày.

Hoặc là có những ngày xuân, áo ấm to nặng được cởi ra và mỗi lớp học là một khung hình gồm toàn những ngực và bắp tay. Những cơn gió tây hiu hiu len qua cửa sổ, hôn nhẹ lên má thầy giáo với học trò, gửi những nụ cười đi từ bàn này tới bàn kia, từ hàng ghế này đến hàng ghế kia cho đến lúc cả phòng học rạng rỡ. Tiếng bồ câu gù, tiếng chim sẻ chiêm chiếp như bảo chúng tôi hãy vui lên, mùa hè đang tới. Lũ bồ câu trơ trẽn phủ nhau trên bệ cửa sổ, chẳng buồn đếm xỉa đến tuổi trẻ rạo rực trong lớp học, thật còn lôi cuốn hơn bài giảng tuyệt vời nhất của ông thầy xuất sắc nhất trên thế gian này.

Vào những ngày như thế này tôi cảm thấy mình có thể dạy được cho kẻ cứng đầu nhất trong những kẻ cứng đầu, lẫn đứa thông minh nhất trong những đứa thông minh. Chừng như tôi có thể ôm vào lòng những kẻ rầu rĩ nhất trong những kẻ rầu rĩ để mà âu yếm.Truyen8.mobi

Vào những ngày như thế này trỗi dậy một khúc nhạc nền êm dịu của gió hiu hiu, của bộ ngực, những bắp tay, đôi môi cười mỉm và của lạc thú mùa hè đang đến.

Nếu học trò của tôi mà lại viết bài như thế thì tôi sẽ gửi chúng đi học trường dành cho trẻ chậm phát triển ngay.

Mỗi năm hai lần trường McKee có một ngày và một tối để tiếp phụ huynh học sinh đến xem con cái học hành ra sao. Thầy cô ngồi trong lớp tiếp chuyện họ hoặc lắng nghe họ phàn nàn. Đa số phụ huynh đi họp là các bà mẹ vì đây là việc của các bà. Khi các bà mẹ được biết rằng con trai hoặc con gái mình thiếu tác phong hay học hành sút kém thì bổn phận của ông bố là phải có biện pháp. Dĩ nhiên ông bố chỉ có biện pháp với cậu con trai. Còn con gái thì bà mẹ phải lo. Thật là không nên không phải nếu ông bố đuổi đánh con gái trong bếp hay cấm nó không được ra khỏi nhà một tháng trời. Có một số chuyện thuộc trách nhiệm bà mẹ. Cũng như bà phải quyết định cho ông bố biết đến mức nào. Nếu thằng con học hành kém cỏi mà bà có một ông chồng hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì có thể bà sẽ lèo lái cho nhẹ bớt để cậu quý tử khỏi quằn quại trên nền nhà với cái mũi tóe máu.

Đôi khi cả gia đình đều đến gặp thầy cô, lúc ấy phòng học đầy những ông bố bà mẹ và những đứa bé chạy nhảy giữa các hàng ghế. Các bà vui vẻ trò chuyện với nhau, còn các ông bố ngồi yên trên những băng ghế quá nhỏ đối với thân hình của họ.

Chưa từng có ai khuyên tôi nên tiếp chuyện các bậc phụ huynh trong ngày này như thế nào. Cho nên lần đầu tiên ở trường McKee tôi bảo Norma, một nữ sinh lo trật tự trong lớp, phát số để họ biết bao giờ đến lượt mình.

Chuyện đầu tiên tôi phải lưu ý là cách phát âm của tôi, nhất là đối với các bà. Tôi vừa mở miệng là họ nói Chúa ơi, giọng Ireland của thầy mới dễ thương sao. Rồi họ kể với tôi rằng ông bà nội họ đã từ cố hương di dân đến đây, họ chẳng có gì hết thảy khi tới nơi, thế mà bây giờ là chủ một cây xăng ở ngoài New Dorp. Họ hỏi tôi đến đất nước này bao lâu rồi và vì sao lại chọn nghề nhà giáo. Họ bảo rằng tôi chọn nghề nhà giáo là tiệt dzời, vì phần lớn đồng bào tôi ở đây là cảnh sát và cố đạo, rồi họ thì thầm rằng trong trường đông người Do Thái quá. Họ rất muốn cho con cái học ở các trường Dòng, nhưng các trường này lại không sở trường về hướng nghiệp và kỹ thuật. Chỉ toàn học những chuyện cũ rích với cầu nguyện thôi, cho đời sau thì cũng tốt đấy, nhưng con cái họ phải lo chuyện đời này chứ. Nói vô phép. Cuối cùng, họ hỏi thằng bé học hành ra sao, thằng cháu Harry ấy.

Tôi phải thận trọng lựa lời, khi có ông bố ngồi đó. Nếu tôi nói không được tốt về Harry thì khi về nhà có thể ông bố sẽ cho nó một trận đòn và rồi học trò tôi sẽ kháo nhau rằng tôi không đáng tin cậy. Tôi dần dần hiểu được rằng thầy trò phải đoàn kết trước các phụ huynh, ban giám hiệu và thế giới nói chung.

Tôi chỉ toàn nói tốt về học trò mình. Rằng chúng luôn chăm chú, đúng giờ, rất ý tứ và ham học, tương lai đứa nào cũng xán lạn cả và các phụ huynh có thể tự hào được. Ông bố bà mẹ nhìn nhau mỉm cười, nói: Mình thấy chưa? Hay họ nhíu mày nhăn trán hỏi có thật thầy đang nói về con chúng tôi không đấy? Về thằng cháu Harry ấy?

Dạ, đúng em Harry đấy.

Trong lớp nó có ngoan không ạ? Nó lễ phép không ạ?

Thưa có. Em tham gia mọi cuộc thảo luận.

Thế ạ? Thật không giống thằng Harry mà chúng tôi vẫn biết. Hẳn là trong trường nó khác hẳn, chứ ở nhà nó như cứt, xin lỗi đã thô lỗ. Chúng tôi không cậy miệng nó được một lời nào gọi là có. Chẳng bảo nó làm được chuyện gì. Nó chỉ ngồi ỳ ra nghe thứ nhạc Rock’ n’ Roll, suốt ngày suốt đêm, suốt ngày suốt đêm.

Ông bố giận dữ. Thật là đại họa cho đất nước này với cái gã Elvis lắc mông trên mọi kênh truyền hình, xin lỗi đã thô lỗ. Thật đáng sợ nếu thời buổi này có đứa con gái thích xem thứ của nợ ấy. Tôi chỉ muốn quăng máy quay đĩa vào thùng rác. Cả cái máy truyền hình luôn, nhưng tôi cần có chút gì để giải trí sau một ngày làm việc trên bến cảng chứ, chắc thầy hiểu ý tôi muốn nói gì.

Những ông bố bà mẹ khác mất kiên nhẫn liền lễ phép hỏi, một cách châm biếm, rằng tôi có thể chấm dứt thảo luận về Elvis Presley được không để họ cũng được hỏi về con trai con gái của họ. Bố mẹ của Harry nói là đang tới phiên họ hỏi han về con mình. Theo họ biết thì đây là một đất nước tự do, nên họ yêu cầu không bị quấy rầy giữa lúc đang trò chuyện với thầy giáo dễ mến cùng cố hương này.Truyen8.mobi

Các phụ huynh kia liền nói, Được rồi, được rồi, thưa thầy giáo. Nhưng xin thầy làm ơn nhanh lên cho. Chúng tôi có rảnh cả buổi tối đâu. Chúng tôi cũng là dân lao động.

Tôi không biết phải làm sao. Tôi nghĩ nếu mình cám ơn bố mẹ Harry thì chắc họ hiểu ý rồi từ biệt, nhưng ông bố hùng hổ nói, Ấy, chúng tôi chưa xong mà.

Norma, cô bé phụ trách kỷ luật trong lớp, thấy tôi bị kẹt nên đã gỡ bí cho thầy. Em bảo các phụ huynh đang ngồi đấy rằng nếu ai muốn trò chuyện lâu dài với thầy giáo thì có thể hẹn gặp vào một trong nhiều buổi chiều.

Tôi đâu có bảo Norma làm thế. Tôi đâu có muốn ngồi cả đời, ngày này qua ngày khác, trong lớp này, hơn nữa lại tiếp các bậc phụ huynh bất bình, nhưng cô bé cứ tỉnh bơ nói tiếp, đưa họ một tờ giấy để chuyền nhau, yêu cầu những người bất bình kia ghi tên, số điện thoại, nhớ viết chữ in, đừng viết chữ thường. Thầy McCourt sẽ liên lạc với họ.

Họ liền thôi to tiếng và khen Norma giỏi giang, bảo sau này em cũng nên làm cô giáo. Em trả lời rằng không có ý định làm cô giáo. Ước mơ của em là làm việc trong một công ty du lịch để được đi khắp nơi miễn phí. Một bà mẹ hỏi: Ô, chẳng lẽ cháu không muốn ở yên một chỗ, có con có cái sao? Cháu sẽ là một người mẹ đảm đang đấy.

Norma trả lời ngược lại những gì họ nghĩ khiến căn phòng căng thẳng trở lại. Không, em đáp, em không muốn có con. Có con chỉ tổ bực mình. Cứ phải thay tã cho chúng rồi phải đến trường hỏi xem chúng học hành ra sao, mất hết tự do.

Lẽ ra em không nên nói như thế. Ta có thể cảm thấy được không khí thù nghịch với em tăng lên trong căn phòng. Mới mấy phút trước họ khen em giỏi giang, bây giờ họ cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời em nói về bổn phận làm cha mẹ và con cái. Một ông bố xé toạc tờ giấy ghi tên và số điện thoại em vừa chuyền đến họ, ném về phía trước, nơi tôi đang ngồi. Này, ông ta nói, có ai bỏ hộ vào thùng rác được không? Rồi ông cầm áo măng tô, nói với vợ, Thôi mình đi. Đây quả là nhà thương điên. Bà vợ lớn tiếng với tôi, Thầy không dạy dỗ nổi lũ trẻ này à? Con bé này mà là con tôi thì tôi sẽ vả cho vỡ mặt. Nó không có quyền nhục mạ các bà mẹ của nước Mỹ kiểu ấy.

Mặt tôi như phải bỏng. Tôi muốn xin lỗi các phụ huynh trong phòng và các bà mẹ của nước Mỹ. Tôi muốn bảo Norma, Thôi em đi đi. Em đã làm hỏng cả ngày tiếp phụ huynh đầu tiên của tôi. Cô bé thản nhiên đứng bên cửa chào các phụ huynh ra về, phớt lờ những khuôn mặt khó đăm đăm đang nhìn mình chòng chọc. Tôi biết phải làm gì đây? Đâu là quyển sách của một giáo sư sư phạm để tôi có thể kiếm trong ấy một lời khuyên? Mười lăm ông bố bà mẹ vẫn còn ngồi lại, chờ để nghe chút ít về con trai con gái họ. Tôi phải nói gì với họ đây?

Norma lại lên tiếng làm tôi muốn đứng tim luôn. Thưa các ông bà, cháu thật dại dột đã nói như hồi nãy, cháu xin lỗi. Thầy McCourt không có lỗi gì cả. Thầy là một nhà giáo tốt. Thầy mới đến dạy trường này, ông bà biết không, mới vài ba tháng nay thôi, nghĩa là còn đang tập sự. Lẽ ra cháu nên giữ mồm giữ miệng mới đúng; cháu đã gây khó khăn cho thầy, cháu rất tiếc.

Rồi em òa khóc khiến nhiều bà mẹ vội vã bước tới an ủi em, trong lúc tôi vẫn ngồi ở bàn của mình. Nhiệm vụ của Norma là gọi các phụ huynh theo thứ tự, nhưng các bà mẹ đang xúm quanh em hỏi han an ủi, khiến tôi không biết có nên tự lên tiếng hỏi xem đến lượt ai. Dường như các phụ huynh quan tâm đến cảnh ngộ của Norma hơn là tương lai con cái họ, rồi khi chuông reo báo hết giờ tiếp khách thì họ mỉm cười ra về, bảo rằng buổi gặp tôi thế là rất tốt và chúc thầy mọi điều may mắn trong sự nghiệp sư phạm.

Có thể bà mẹ của Paulie đã nói đúng. Vào lần thứ nhì tôi tiếp phụ huynh học sinh bà bảo tôi là một kẻ giả dối. Bà tự hào về thằng con Paulie, một thợ thiếc tương lai, một đứa con giỏi giang, sau này định sẽ mở cửa hiệu riêng, lấy một cô gái nết na, nuôi gia đình và khỏi phải lo lắng gì.

Lẽ ra tôi phải nổi giận, hỏi bà có biết đang nói với ai không, nhưng tôi vẫn không hết vướng mắc trong thâm tâm rằng có thể mình theo đuổi nghề giáo dưới những tiền đề không đúng.

Tôi hỏi con trai tôi ở trường con học gì, nó kể tôi nghe những câu chuyện về nước Ireland và chuyện thầy di dân tới New York. Toàn những chuyện vớ vẩn. Thầy có biết thầy là gì không? Một kẻ giả dối, một kẻ giả dối đốn mạt. Tôi nói thế với hảo ý đấy. Vì tôi muốn giúp thầy.

Tôi muốn là một ông thầy tốt. Tôi muốn được người ta nhìn nhận công lao, khi mỗi ngày học trò của tôi trở về nhà với cái đầu được nhồi nhét đầy những chính tả và từ vựng, để mai sau chúng có được cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng mea culpa, tôi không biết phải làm thế nào.

Bà bảo bà là người Ireland, lấy ông chồng người Ý, thành ra bà có thể nhìn rõ gan ruột tôi. Ngay từ đầu bà đã thấu rõ mưu tính của tôi. Khi tôi trả lời rằng tôi hoàn toàn đồng ý với bà thì bà bảo: À há, thầy đồng ý với tôi à? Nghĩa là thầy biết mình là kẻ giả dối chứ gì?

Tôi chỉ thử cách dạy của tôi thôi mà. Các em đặt ra những câu hỏi về cuộc đời tôi nên tôi đã trả lời, vì nếu tôi cứ dạy Anh văn thì chúng chẳng chịu nghe cho. Chúng nhìn ra ngoài cửa sổ. Chúng lim dim ngủ. Chúng gặm bánh mì kẹp. Chúng xin phép ra ngoài.

Thầy cứ việc dạy cho chúng điều chúng cần học, viết chính tả cho đúng và biết dùng những từ to tát. Thằng cháu Paulie nhà tôi mai sau sẽ phải vào đời, nó biết xoay xở làm sao nếu viết sai chính tả và không biết dùng những từ to tát, hử?

Tôi bảo bà mẹ của Paulie rằng tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ là một nhà giáo xuất sắc, đầy tự tin đứng trước cả lớp. Trong khi chờ đợi tôi chỉ có thể ra sức cố gắng thôi. Điều này chừng như đã khiến bà xúc động đến ứa nước mắt. Bà moi xách tay tìm khăn mùi xoa, bà tìm lâu quá khiến tôi phải đưa khăn của tôi cho bà. Bà lắc đầu. Bà hỏi, Ai giặt giũ cho thầy vậy? Khăn gì mà. Chúa ạ, dùng để đi tiêu tôi cũng không dám. Thầy sống độc thân hay sao?Truyen8.mobi

Vâng, tôi sống độc thân.

Nhìn cái khăn là tôi biết ngay mà. Thật là cái khăn cháo lòng thảm hại nhất tôi từng thấy trong đời. Màu xám của kẻ độc thân, nó đấy. Giày của thầy cũng vậy luôn. Tôi chưa từng thấy đôi giày nào thảm hại đến thế. Không bà vợ nào lại chịu để chồng mua thứ giày như thế này. Thấy ngay là thầy chưa lập gia đình.

Bà lấy mu bàn tay gạt nước mắt. Thầy có nghĩ rằng thằng cháu Paulie biết từ khăn mùi xoa viết như thế nào không?

Không, tôi nghĩ rằng không. Từ này không có trong chương trình.

Đấy, thầy thấy chưa? Các thầy chẳng biết gì sất. Các thầy không có từ khăn mùi xoa trong chương trình, trong khi cả đời nó phải hỉ mũi. Thế có những từ gì trên danh sách, thầy biết không? Quyền hoa lợi, trời đất ơi, q-u-y-ề-n h-o-a l-ợ-i. Ai mà nghĩ tới nổi cái từ này cơ chứ? Có phải đó là một trong những từ mà các thầy nói vung vít tại những bữa cốc tai lạ lùng của các thầy ở Manhattan không đấy? Thằng Paulie biết làm gì với một từ như thế chứ? Thêm một từ nữa, đ-í-c-h-đ-á-n-g(1)_. Tôi đã hỏi sáu người nghĩa từ này là gì. Thậm chí tôi còn hỏi một thầy hiệu phó ngoài hành lang. Ông ấy nói đông nói tây cứ như thể biết rõ lắm, nhưng chẳng khác gì rắm thối. Thợ thiếc. Con trai tôi muốn mai sau thành thợ thiếc, nó sẽ kiếm bộn tiền khi người ta kêu đến nhà sửa chữa, chẳng kém gì bác sĩ, thành ra tôi không hiểu được tại sao nó lại phải nhét đầy đầu những từ ba xu như quyền hoa lợi và cả cái từ kia nữa, thầy hiểu không?

Tôi bảo rằng ta phải thận trọng khi nhét gì đấy vào đầu. Đầu tôi đã đầy những thứ ở Ireland với Vatican_(2) rồi, khiến không thể độc lập suy nghĩ gì được nữa.

Bà bảo không cần biết đầu thầy có những gì. Đó là chuyện riêng của thầy, thầy không cần kể lể. Ngày nào thằng cháu Paulie về nhà cũng kể cho chúng tôi những chuyện mà chúng tôi không cần phải nghe. Chúng tôi có chuyện riêng để lo rồi. Bà bảo thấy ngay rằng tôi mới chân ướt chân ráo từ trên tàu xuống nước Mỹ, ngớ nga ngớ ngẩn như con chim sẻ non rơi khỏi tổ.

Không, tôi không phải mới chân ướt chân ráo từ trên tàu xuống. Tôi từng ở trong quân đội. Thế thì làm sao tôi ngớ ngẩn được? Tôi đã từng làm nhiều nghề rồi. Tôi đã làm việc ở bến cảng. Và tôi đã tốt nghiệp đại học New York.

Thầy thấy chưa? Bà bảo. Ý tôi chính là thế đấy. Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản mà thầy lại đi kể lể chuyện đời thầy. Thầy nên lưu ý chính điểm ấy đi, thầy McCurd ạ. Lũ trẻ không cần phải biết chuyện đời của từng ông thầy ở trường. Hồi xưa tôi học trường bà sơ. Các bà còn không thèm chào hỏi học trò nữa cơ. Hễ đứa nào hỏi về đời các bà, các bà bảo hãy lo chuyện mình đi, rồi nhéo tai và gõ tay đứa đó. Thầy hãy cứ lo dạy chính tả với từ vựng đi, thầy McCurd ạ, rồi phụ huynh học sinh trường này sẽ mãi mãi nhớ ơn thầy. Thầy thôi kể chuyện đời đi cho. Nếu cần biết chuyện, chúng tôi xem truyền hình hay đọc tạp chí Reader’s Digest ở nhà cũng được rồi.

Tôi đã cố gắng. Tôi cứ nghĩ rằng mình ưng là một ông thầy Anh văn cứng cỏi không-nhăng-cuội, nghiêm khắc và uyên bác, thỉnh thoảng cũng cho phép mình cười trước học trò, nhưng không hơn nữa. Gặp nhau trong căng tin của giáo viên, các thầy đàn anh bảo tôi: Phải nắm cho bằng được lũ ôn con này, anh bạn trẻ ạ. Nhân nhượng chúng một li là chúng sẽ đi luôn một dặm không thèm quay lại cho mà xem.

Tổ chức quyết định tất cả. Tôi sẽ làm lại từ đầu. Lập chương trình cho từng lớp, theo đó mỗi phút đều sẽ còn đọng lại cho đến cuối niên khóa. Tôi là thuyền trưởng, tôi sẽ quyết định hướng đi. Chúng sẽ thấy được quyết tâm của tôi. Rồi chúng biết con tàu sẽ đi tới đâu và tôi chờ đợi gì nơi chúng, bằng không...

Bằng không... Vââng, thầy ơi, mọi nhà giáo đều nói thế cả. Bằng không... Chúng em cứ tưởng thầy làm khác họ, vì thầy đến từ Ireland với này nọ kia.

Đã đến lúc phải nắm quyền chỉ huy. Đủ rồi, tôi nói. Quên những chuyện Ireland này nọ đi. Không kể 4708 chuyện nữa. Không nhăng cuội nữa. Từ nay thầy giáo Anh văn sẽ dạy Anh văn và sẽ không trúng kế mọn của đám trẻ ranh nữa.

Các em lấy vở ra. Phải rồi, vở.

Tôi viết lên bảng, “John đã đi tới tiệm”.

Cả lớp rên rỉ. Ông ấy muốn làm gì bọn mình đây? Thầy giáo Anh văn. Giống nhau cả. Cũng vẫn câu thí dụ ấy. Gã John nhẵn mặt đi tới tiệm. Lại văn phạm, Chúa ơi!

Đấy. Cái gì là chủ từ của câu này? Em nào biết cái gì là chủ từ của câu này? Ừ, Mario?

Câu này nói về cái gã đi đến tiệm. Ai cũng biết cả.

Phải rồi, phải rồi, đó là nội dung của câu này, nhưng cái gì là chủ từ? Từ nào? Em, Donna.

Em thấy Mario nói đúng. Đây là nói về...

Không, Donna. Ở đây chỉ có một từ duy nhất là chủ từ thôi.

Sao thế ạ?

Sao là sao? Không phải em đang học tiếng Tây Ban Nha à? Chẳng lẽ em không học văn phạm của tiếng Tây Ban Nha? Chẳng lẽ cô Grober không cắt nghĩa cho em về thành phần của câu à?

Dạ có, nhưng cô không làm chúng em nhàm chán với mãi một thí dụ gã John đi tới tiệm.

Đầu tôi nóng bừng, tôi chỉ muốn hét toáng lên, Sao các em ngớ ngẩn thế được? Chẳng lẽ các em chưa từng học văn phạm à? Lạy Chúa cả trên trời, ngay đến thầy cũng còn học văn phạm, bằng tiếng Ireland nữa cơ. Sao thầy lại phải đánh vật với mấy thứ này ở đây vào một buổi mai nắng ấm rực rỡ và chim hót ngoài kia? Sao thầy lại phải nhìn những bộ mặt ủ rũ hờn giận của các em? Các em ngồi đây, bụng no, áo quần đẹp và ấm. Các em được học trung học không mất đồng nào, thế mà các em không biết ơn dù chỉ một tí thôi. Các em chỉ cần cùng tham gia làm việc một chút với thầy. Học những thành phần của câu. Chúa ơi. Thế có phải là đòi hỏi quá đáng không?Truyen8.mobi

Có những ngày tôi chỉ muốn đi ra khỏi đây, sập mạnh cửa sau lưng, nói với ông hiệu trưởng muốn nhét việc dạy học của tôi vào đâu thì nhét, rồi bước xuống đồi lên phà sang bên Manhattan, lang thang trên đường phố rồi vào quán White Horse làm một ly bia với bánh Hamburger, ngồi trên quảng trường Washington ngắm nhìn các nữ sinh viên diễm kiều của đại học New York thơ thẩn qua lại, vĩnh viễn quên trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee. Quên vĩnh viễn. Rõ ràng là tôi dạy những điều đơn giản nhất mà cũng không tránh khỏi sự chống trả của học trò. Sự kháng cự của chúng. Một câu đơn giản với chủ từ, vị ngữ và có thể, một ngày nào đó nếu còn dạy về đề tài này, túc từ - trực tiếp và gián tiếp. Tôi không biết nên làm gì với đám học trò. Thử dọa chúng kiểu cổ điển xem sao. Chịu khó học bằng không các em sẽ thi trượt. Nếu thi trượt là các em sẽ không có bằng cấp, không có bằng cấp thì sẽ như thế, như thế. Tất cả bạn bè các em ra đời rộng thênh thang, treo tấm bằng tốt nghiệp trung học của họ trên bức tường văn phòng, thành công, được mọi người kính nể, không trừ một ai. Sao các em không thể nhìn câu này rồi gắng thử học lấy một lần trong cuộc đời thiếu niên đáng thương của các em.

Lớp nào cũng có “làn sóng điện” riêng. Có những lớp ta thích và cứ mong lại sớm có tiết dạy ở đó. Học sinh biết ta yêu quý chúng và chúng cũng yêu quý ta. Đôi khi chúng bảo ta rằng đó là một bài học khá hay và ta sướng như mở cờ trong bụng. Điều đó cho ta thêm năng lực và ta thật muốn ca hát trên đường về nhà.

Có những lớp ta chỉ muốn xuống phà sang bên Manhattan, không bao giờ trở lại. Cung cách chúng vào cũng như rời lớp có gì đó thù địch, cho thấy chúng nghĩ gì về ta. Cũng có thể ta chỉ tưởng tượng thôi, nên ta cố nghĩ cách lôi kéo chúng về phía mình. Ta thử dạy những bài có kết quả tốt ở những lớp khác, song chẳng ăn thua gì. Đó là do cái “làn sóng điện” kia.

Chúng nhận thấy khi ta nhượng bộ. Chúng bẩm sinh rất nhạy trong chuyện phát hiện nỗi thất vọng của ta. Có những ngày tôi chỉ muốn ngồi ì ở bàn mình, mặc cho chúng muốn làm chết tiệt gì thì làm. Đơn giản vì tôi không đến được với chúng. Đến năm 1962 là đã bốn năm dạy học, tôi chẳng buồn quan tâm nữa. Tôi tự nhủ chẳng có chuyện gì khiến mình phải quan tâm. Ta chiêu đãi chúng những câu chuyện về thời thơ ấu khốn khổ của ta. Chúng xì xào ra vẻ thương hại ta. Ô, tội nghiệp thầy McCourt chưa, trưởng thành ở Ireland chắc là kinh khủng lắm. Như thể chúng quan tâm lắm vậy. Không có đâu. Chúng chẳng bao giờ hài lòng cả. Lẽ ra ta nên im miệng theo lời khuyên của các bậc thầy đàn anh là giữ mồm giữ miệng. Đừng kể lể gì với chúng. Chúng chỉ lợi dụng anh thôi. Chúng mò ra chân tướng của anh rồi phóng tới anh như thứ tên lửa tầm nhiệt. Chúng phát hiện anh dễ tổn thương ở chỗ nào. Có thể chúng biết rằng câu “John đã đi tới tiệm” là hết mức trong môn văn phạm của tôi rồi chăng? Xin đừng lôi kéo tôi vào những danh động từ, những phân từ, những từ cùng gốc. Vì chắc chắn tôi sẽ tiêu mất thôi.

Tôi cau có nhìn chúng rồi ngồi vào bàn. Đủ rồi. Tôi không thể tiếp tục trò đố chữ của ông thầy dạy văn phạm nữa.

Tôi hỏi, Tại sao John đi đến tiệm?

Chúng ngẩn người. Ơ, thưa thầy, thế nghĩa là gì? Có dính dáng gì đến văn phạm đâu.

Tôi hỏi các em một câu đơn giản. Không liên quan gì đến văn phạm. Tại sao John đi đến tiệm? Các em có đoán được không?

Một cánh tay giơ lên ở cuối lớp. Em, Ron?

Em nghĩ John đi đến tiệm để mua quyển văn phạm tiếng Anh.

Tại sao John lại đi đến tiệm để mua quyển văn phạm tiếng Anh?

Vì gã muốn biết mọi thứ để vào đây gây ấn tượng tốt với thầy McCourt dễ thương.

Tại sao gã muốn gây ấn tượng tốt với thầy McCourt dễ thương?

Vì John có cô bạn gái tên Rose, cô này ngoan ngoãn, rành rẽ mọi thứ về văn phạm, mai này tốt nghiệp rồi cô nàng sẽ làm thư ký cho một hãng lớn ở Manhattan, mà John không muốn là con lừa ngu dốt, vì gã muốn lấy nàng. Vì thế gã mới đến tiệm để mua quyển văn phạm. Gã sẽ trở thành một học trò ngoan, học hết quyển sách, chỗ nào không hiểu gã sẽ hỏi thầy McCourt, vì thầy McCourt biết đủ mọi chuyện, rồi khi John lấy Rose, gã sẽ mời thầy McCourt dự đám cưới, yêu cầu thầy làm cha đỡ đầu cho đứa con đầu lòng, đứa bé sẽ được đặt tên là Frank theo tên của thầy McCourt(1)_.

Cám ơn em, Ron.

Cả lớp vỗ tay nhiệt liệt hoan hô, nhưng Ron chưa xong. Em lại giơ tay lần nữa.

Ừ, Ron?

Lúc tới tiệm John không có tiền nên gã phải ăn cắp quyển văn phạm, nhưng khi định đi ra thì gã bị tóm, người ta gọi cảnh sát nên giờ đây gã ở trong nhà tù Sing Sing và cô nàng Rose đáng thương khóc muốn lòi con mắt.

Những đứa kia tỏ lòng thương hại. Tội nghiệp Rose. Đám con trai muốn biết có thể tìm cô nàng ở đâu, chúng tình nguyện thay vào chỗ của John. Đám con gái chấm nước mắt cho tới khi Kenny Ball, ngổ ngáo nhất lớp, nói đó chỉ là chuyện bịa thôi, làm gì mà rối cả lên? Nó bảo, Thầy viết một câu trên bảng, rồi tức thì có một gã chạy tới tiệm, ăn cắp một quyển sách rồi vào nằm ở nhà đá Sing Sing. Ở đâu mà có chuyện vớ vẩn đến thế, ta đang học Anh văn hay làm gì đây?Truyen8.mobi

Ron nói, Ừ, vậy hẳn bạn có ý gì hay hơn chăng?

Tất cả những điều tưởng tượng này chẳng có nghĩa gì cả. Chẳng giúp anh tìm ra được công ăn việc làm.

Chuông reo. Chúng ra về, còn tôi xóa câu “John đã đi tới tiệm” trên bảng.

Hôm sau Ron lại giơ tay. Thầy ơi, nếu ta xáo trộn các từ trong câu ấy thì sẽ như thế nào?

Ý em là thế nào?

OK. Thầy viết lên bảng, “đến tiệm John đã đi”. Thế thì sao ạ?

Như nhau(1)_. John vẫn là chủ từ.

OK. Thế “Đã đi John tới tiệm” thì sao ạ?

Vẫn thế.

Hay là “John tới tiệm đã đi”. Thế có được không ạ?

Dĩ nhiên. Vẫn có nghĩa, đúng không nào? Nhưng ta có thể làm nó thành vô nghĩa. Nếu ta nói với ai đó rằng “John tiệm tới đã đi” thì họ sẽ nghĩ rằng ta ăn nói ấm a ấm ớ.

Ấm a ấm ớ nghĩa là sao ạ?

Là nói vô nghĩa.

Tôi chợt nảy ra một sáng kiến, một tia chớp lóe lên. Tôi bảo, Tâm lý là môn học về cách người ta cư xử. Văn phạm là môn học về cách dùng ngôn ngữ sao cho đúng đắn.

Tiếp tục đi, anh giáo ơi. Hãy nói với học trò về phát kiến tuyệt vời đó, về bước đột phá vĩ đại đó của anh đi. Hãy hỏi đi, Em nào biết tâm lý là gì?

Hãy viết từ này lên bảng. Chúng thích những từ to tát. Chúng sẽ đem về nhà khiến bố mẹ sợ chơi.

Tâm lý. Em nào biết?

Tâm lý là khi có kẻ phát rồ và người ta cần tìm hiểu xem đầu óc họ có gì không ổn trước khi tống họ vào nhà thương điên.

Cả lớp cười ồ. Dạ đúng. Giống như trường này vậy, thưa thầy.

Tôi tiếp tục. Khi ai đó hành động điên rồ thì chuyên gia tâm lý khám họ để tìm xem có gì không ổn. Nếu có ai ăn nói kỳ khôi khiến ta không hiểu nổi thì ta nghĩ tới văn phạm. Chẳng hạn như nói “John tiệm tới đã đi.”

Thế có nghĩa là ấm a ấm ớ, đúng không ạ?

Chúng thích cái từ “ấm a ấm ớ” này, tôi tự vỗ vai khen ngợi mình đã dạy cho chúng một từ mới trong cái thế giới tiếng Anh mênh mông. Dạy là đem lại điều mới. Một bước đột phá lớn lao cho người thầy mới ra trường. Ấm a ấm ớ. Chúng bảo nhau thế rồi cười. Nhưng chúng sẽ nhớ đời. Chỉ vài năm trong nghề giáo, tôi đã làm cho học trò ghi nhớ được một cụm từ. Mười năm sau, khi nghe “ấm a ấm ớ” chúng sẽ nhớ đến tôi. Đã có chút chuyển biến rồi đấy. Chúng bắt đầu hiểu văn phạm nghĩa là gì. Nếu cứ tiếp tục giảng dạy thế này thì có thể chính tôi cũng sẽ hiểu nó luôn.

Văn phạm là môn học về cách dùng ngôn ngữ sao cho đúng đắn.

Bây giờ chẳng có gì cản trở tôi nữa. Tôi hỏi, “Tiệm tới đã đi John” có nghĩa không? Dĩ nhiên không. Thành ra các em thấy đấy, ta phải đặt từ theo đúng thứ tự của chúng. Đúng thứ tự thì mới có nghĩa; nếu các em nói câu không có nghĩa tức là các em nói lảm nhảm, những người khoác áo choàng trắng sẽ đến lôi cổ các em đi. Họ sẽ tống các em vào khu ấm a ấm ớ ở Bellevue. Đó là văn phạm đấy.

Bạn gái của Ron, Donna, giơ tay. Thế còn John thì sao ạ, cái anh chàng duy nhất trên đời từng bị nằm nhà đá vì ăn cắp quyển văn phạm ấy? Thầy bỏ rơi anh chàng ở Sing Sing với toàn bọn người xấu. Còn Rose thì sao? Cô nàng có chờ John không? Cô nàng có chân thành với anh chàng không?

Cậu Ken ương ngạnh nói, Không đâu, bọn con gái chẳng chờ đợi ai đâu.

Xin lỗi bạn chứ, Donna đáp, giọng châm biếm. Tớ sẽ chờ đợi Ron nếu bạn ấy phải vào tù vì đã ăn cướp quyển sách văn phạm.

Ăn cắp, tôi nói. Thầy giáo Anh văn đã được cấp trên chỉ thị phải sửa những lỗi nhỏ nhặt này.

Sao ạ? Donna hỏi.

Không phải ăn cướp. Ăn cắp mới đúng.

Vâng, được thôi.

Tôi tự nhủ, Im miệng nào. Đừng ngắt lời chúng. Ai rỗi hơi để ý đến khác biệt giữa ăn cắp và ăn cướp. Cứ để chúng nói.

Ken cười nhạo Donna. Ừ, chắc chắn rồi. Tớ đánh cuộc là bạn sẽ đợi. Cả đống con trai Mỹ bị bắn nát mông ở Pháp và Triều Tiên, để rồi sau đó họ nhận được thư vĩnh biệt của bạn gái hay của vợ đấy. Chờ, chờ cái con khỉ.

Tôi phải can thiệp. Thôi, thôi. Chúng ta đang nói về anh chàng John phải vào nằm ở Sing Sing vì đã ăn cắp quyển văn phạm mà.

Ken lại cười nhạo. Phải rồi, ở Sing Sing ai nấy đều ham học văn phạm cả. Bọn giết người ngồi Khu Tử tù chỉ toàn ăn xong rồi thảo luận về văn phạm suốt ngày.

Ken, tôi nói. Ta không nói về Ron. Ta nói về John.

Đúng vậy, Donna nói. Ta nói về John. Anh chàng liền dạy văn phạm cho mọi người; khi ra khỏi Sing Sing ai nấy đều ăn nói như các giáo sư đại học, nhà chức trách biết ơn John nên liền mời anh chàng dạy văn phạm ở trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật McKee.

Ken định phản bác nhưng cả lớp đã vỗ tay reo hò, Donna, nói tiếp đi, tiếp đi, khiến cậu ta đành lặng thinh.

Các thầy dạy Anh văn bảo rằng nếu anh dạy nổi văn phạm ở một trường dạy nghề thì anh có thể dạy bất cứ môn nào, ở bất cứ đâu. Cả lớp lắng nghe tôi nói. Chúng còn tham gia nữa. Chúng không ngờ rằng tôi đang dạy chúng văn phạm. Có thể chúng nghĩ rằng thầy trò chỉ đặt ra chuyện cậu John bị bắt vào Sing Sing cho vui thôi, nhưng khi ra về chúng nhìn tôi bằng đôi mắt khác trước. Nếu ngày dạy học nào cũng được như thế thì tôi rất muốn tiếp tục dạy tới năm tám mươi tuổi. Cái ông già tóc bạc như cước đang đứng trên bục giảng kia kìa, lưng hơi còng một tí, nhưng chớ có coi thường ông đấy nhé. Hãy thử hỏi ông về phép đặt câu, ông sẽ đứng thẳng người kể các bạn nghe câu chuyện ông đã tạo được mối tương đồng giữa tâm lý học và văn phạm hồi giữa thế kỷ XX như thế nào.


Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25329


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận