Chương 8 Kết Hai Vĩnh chạy theo định giúp một tay, nhưng vị tu sĩ đã lắc đầu:
- Đây là hài cốt của một vong hồn, người trần đụng vào là không toàn mạng!
Câu nói đó làm cho Vĩnh sợ hãi, lùi lại phía sau. Đến khi anh ta theo vào được trong am thì vô cùng kinh ngạc, bởi trước mắt là ông bà chủ của anh đang ngồi ủ rũ trông rất thảm hại!
- Kìa, ông bà!
Anh ta lo cho họ, nhưng cũng mừng, bởi như vậy là họ không chết trong biển lửa như anh lo từ nãy giờ. Tuy nhiên, khi nhìn sắc diện của hai người thì Vĩnh không khỏi ái ngại, bởi da mặt họ vàng như nghệ, mà cặp mắt thì lờ đờ, không còn chút thần khí.
Vị tu sĩ đặt bộ hài cốt xuống trước mặt họ, giọng nhẹ nhàng:
- Lại một lần nữa nó thất bại.
Bà Mỹ Dung đang gục mặt đã vội ngẩng lên, ngơ ngác nhìn bộ xương, rồi giọng run run hầu như không thành tiếng:
- Tôi... tôi xin...
Vị tu sĩ nghiêm giọng tiếp:
- Em gái tôi dẫu thành ma nhưng vẫn không thể hại người! Nếu không thì ông chồng bà đã chết ngay từ đêm qua rồi!
Ông thẩm phán mới giương cặp mắt lờ đờ lên nhìn và hốt hoảng khi nhìn thấy bộ hài cốt, ông ta cố lùi lại, nhưng không cách nào nhấc người lên. Chỉ biết lắp bắp:
- Tôi... xin chịu tội...
Vị tu sĩ nhẹ thở dài:
- Em tôi giờ đây chỉ còn lại bộ hài cốt đó, thân xác trong lốt khỉ không còn, mà hồn phách cũng tiêu tan. Nó trả lại cuộc sống cho hai người đó...
Ông ta nói xong bước nhanh vào trong. Lát sau trở ra, ông đưa một cái quách nhỏ cho vợ chồng thẩm phán Lợi:
- Tôi biết sẽ có ngày này nên đã chuẩn bị. Vậy bây giờ hai người hãy chở hài cốt em tôi về nơi có cái miếu thờ chôn cất nó ở đó, tiện thì cất cho nó một cái am. Nó sẽ không đòi hỏi gì nhiều hơn đâu...
Vợ chồng thẩm phán Lợi riu ríu làm theo. Vừa làm mà trong lòng không yên, cứ lo chuyện chẳng lành sẽ xảy ra sau đó... Tuy nhiên, khi họ đặt bộ hài cốt vào quách xong thì nhìn lên chẳng còn thấy vị tu sĩ đâu. Bà Mỹ cất tiếng gọi thử:
- Thầy Lượng ơi!
Chẳng có ai trả lời. Sau nửa giờ chờ đợi, cuối cùng hai người cùng nhau khiêng cái quách ra xe. Hai Vĩnh chờ ở đó, anh bảo:
- Ông đạo sĩ vừa ra đây, ông dặn là không được chôn chỗ nào khác ngoài chỗ ông đã dặn.
Họ lẳng lặng khiêng cái quách lên xe và chỉ hướng cho Vĩnh:
- Về Kiên Lương, chỗ cậu Thuận xây cái biệt thự mới.
Đó là một ngôi nhà mát mới vừa hoàn thành, gần Hòn Chông. Dừng xe, nhìn thấy cổng không khóa, Hai Vĩnh ngạc nhiên:
- Sao cậu Thuận không khóa cổng lại, chưa ai ở mà để ngỏ như vậy tụi nó vào phá phách hết đồ đạc!
Nhưng khi họ bước vào trong rồi mới phát hiện là có người! Ở sân sau có một người đang quỳ gối trước một bãi đất đầy cỏ. Người ấy là Cò mi Thuận!
Ông thẩm phán kêu lên:
- Sao con về đây?
Thuận không ngẩng lên, mà lại hỏi:
- Sao tới giờ này ba má mới về tới? Vợ con nó chờ không được nên vào trong ngủ rồi...
Bà Mỹ Dung kinh ngạc:
- Vợ con... thế nào?
- Cô ấy ngủ trong kia.
Vừa buông cái quách xuống, bà mỹ Dung đã chạy bay vào trong, ở căn phòng mở hé cửa, khi nhìn vào bà đã há hốc mồm, kêu lên:
- Con... con...
Bà không biết phải gọi là gì. Bởi trước mắt bà, đang nằm trên giường là một con khỉ trắng cực to!
- Mỹ... Mỹ Tiên!
Bà thu hết can đảm gọi khẽ, con khỉ cựa mình rồi bật ngồi dậy. Giương đôi mắt nhìn. Bà Mỹ Dung không còn nghi ngờ gì nữa, bà gọi lớn:
- Mỹ Tiên, con của mẹ!
Đôi mắt ấy bà làm sao nhầm lẫn được, nó là đôi mắt của con gái bà! Và nó đang... chảy nước mắt!
- Con ơi...
Bà tính lao tới, nhưng vừa lúc đó có giọng của Thuận ở phía sau:
- Cô ấy đã là người cõi âm rồi, mẹ đụng vào là vĩnh viễn cô ấy sẽ không hiện diện với chúng ta được nữa!
- Con ơi!
Bà gào lên, Thuận phải giải thích thêm:
- Mỹ Tiên đã cố sức cứu cha mẹ khỏi đám lửa hận thù của Ngọc Lệ, đưa ba mẹ về cái am của tu sĩ Thành Lượng, để ba mẹ có dịp thể hiện lòng thành của mình trước hài cốt của cô Lệ. Riêng Mỹ Tiên thì may mắn, không tiêu hồn phách tán như Ngọc Lệ, nhưng cô ấy không đủ sức nữa... Hãy để cho cô ấy nghỉ ngơi, hy vọng cô ấy còn ở lại với chúng ta.
Con khỉ trắng cứ ngồi khóc trên giường mãi, không nói được lời nào.
Thuận phải kéo cha mẹ vợ ra ngoài, rồi bảo:
- Con đã phạm tội khi san bằng ngôi miếu trên mảnh đất này nên mới gây ra chuyện, chứ thật ra oan hồn của cô Ngọc Lệ không ác. Tuy vợ con đã thay mặt ba má và con để chịu chết, hóa thành khỉ, nhưng dẫu sao ta cũng phải cám ơn cô Ngọc Lệ đã còn nương tay...
Anh dẫn cha mẹ vợ trở ra chỗ mảnh đất hồi nãy, định chỉ chỗ để cất lại ngôi miếu thì quá đỗi ngạc nhiên khi chẳng thấy cái quách đâu?
- Lúc nãy để đây cơ mà? Mà nãy giờ cũng đâu có ai vào nhà? - Ông Lợi kinh ngạc.
Nhìn thấy một mô đất gò lên, Thuận hiểu, anh nói:
- Cô ấy muốn thân xác được chôn ở đây, thay vì mình tính chôn chỗ bên kia.
Bà Mỹ Dung có ý:
- Tôi muốn lập một lúc hai cái miếu, một cái cho cô Ngọc Lệ, còn cái kia cho Mỹ Tiên...
- Chỉ một cái cho cô Lệ thôi, còn Mỹ Tiên thì đã có ngôi nhà này rồi... - Cò mi Thuận nói ngay.
Anh quay sang cha mẹ vợ nói nghiêm túc:
- Để chuộc lỗi, con sẽ xây lại cái miếu cho cô Ngọc Lệ thật khang trang. Còn Mỹ Tiên thì sẽ ở với con trong ngôi nhà này. Con cũng xin thông báo với cha mẹ, ngày hôm nay con đã xin nghỉ việc, để về đây sống vĩnh viễn với Mỹ Tiên.
Ông Lợi kêu lên:
- Con đã suy nghĩ kỹ chưa? Tuổi con còn trẻ, lại mới lên chức Cò mi, mai mốt còn lên cao nữa, dễ gì có được!
Nhưng Thuận đã dứt khoát:
- Nghĩa lý gì đâu khi không còn có vợ bên cạnh. Con quyết sẽ ở đây, cùng sống kiếp âm dương giao hòa với vợ con...
***
Thuận đã thực hiện được ước nguyện của mình. Từ đó, anh sống hẳn ở ngôi nhà mát gần Hòn Chông, hầu như quên hết chuyện thế tục chung quanh.
Riêng vợ chồng thẩm phán Lợi dù chẳng đau bệnh gì, nhưng vài tháng sau bỗng nằm ngủ rồi không dậy nữa.
Thuận chôn cất cha mẹ vợ chu đáo. Khi anh trở về nhà mình thì thấy trên giường ngủ có một mảnh giấy của ai đó, chữ rất lạ, viết: "Vợ anh chưa phải là một hồn ma. Cô ấy bị truyền máu ma khỉ từ cô Ngọc Lệ nên hóa khỉ. Tuy nhiên, hy vọng đến một ngày nào đó do gần được người, nhận được tình yêu nơi chồng thì cô ấy có thể hoàn lại kiếp người! Anh hy vọng đi...".
Thuận mừng hơn bắt được vàng! Anh ngóng trông từng giây từng phút cho đêm đến và Mỹ Tiên trở về để báo cái tin này...
Có đôi mắt khỉ nhìn anh âu yếm từ trong bóng tối...