Ngược Về Thời Minh Chương 111 - Cảnh Long Vượt Ngục

Ngược về thời Minh
Tác giả: Nguyệt Quan

Quyển 3 – Vừa lên ngôi báu
Chương 111 - Cảnh Long Vượt Ngục

Dịch: TheJoker
Biên dịch: lht
Biên tập: X1999_vn
Nguồn: Tàng Thư Viện




Đã đến ngày Nạp thái và Vấn danh. Vừa đến chính điện cung Càn thanh, Dương Lăng đã thấy người của Giáo Phường ty đang diễn tấu lễ nhạc trên thềm rồng. Ở chính điện, một đám thái giám và cung nữ đang bận rộn bài trí; trong điện đặt tạm hai cái bàn, được trải bằng vải gấm màu vàng đỏ; trên một chiếc bàn đặt "Tiết"(*), trên chiếc bàn còn lại đặt chiếu thư cho “Vấn danh”, bên cạnh đều là lễ vật được chuẩn bị để đưa đến phủ Ngũ quân Đô đốc của Đô đốc Đồng tri Hạ Nho Hạ đại nhân. (*: kiểu ấn tín của sứ giả ngày xưa, dùng trong lễ hoàng tộc)



Hôm nay là đại hôn của Hoàng Đế, đám người không vai không vế như bọn Lưu Cẩn đương nhiên không có cơ hội để lộ diện. Không tìm thấy mấy đại nhân quen thuộc, Dương Lăng bèn đứng yên ở dưới điện. Đợi đến khi Giám chính Mạc Đạo Duy của Khâm Thiên Giám trong bộ dạng đắc ý và ngạo nghễ tuyên bố giờ lành đã đến, Dương Lăng mới nhìn thấy Hoàng Đế Chính Đức với trang phục chỉnh tề long trọng xuất hiện trong tiếng nhạc được nội quan, thị vệ, thái giám vây quanh, bước vào chính điện cung Càn Thanh ngồi xuống.

Những bá quan văn võ có tư cách đến dự lễ liên tục chúc mừng, vương công đại thần quỳ gối dập đầu bái lạy, hô to vạn tuế. Quan tuyên chế phụng chiếu thư đứng trên mé đông thềm rồng cao giọng tuyên chiếu, bổ nhiệm hai vị Chính và Phó sứ giả đến phủ Hạ đại nhân làm lễ Nạp thái và Vấn danh.

Những trình tự này đã được Dương Lăng học thuộc làu làu, cạnh bên lại có Hồng Lư Quan của bộ Lễ để y bắt chước theo, tư thế tiến lui cũng đã ra hình ra dáng. Phụng thánh chỉ xong, Hồng Lư Quan của bộ Lễ làm Chính sứ cầm “Tiết”, Dương Lăng làm Phó sứ bê chiếu thư “Vấn danh”, đội nghi trượng và trống nhạc đi trước mở đường, xuất phát từ cung Càn Thanh. Ngọ môn được mở ra, dòng người cuồn cuộn tiến về Hạ phủ.

Thống lĩnh thị vệ của nội quan phụ trách bảo vệ đội nghi trượng là Miêu Quỳ. Trên đường, hai Chính và Phó sứ giả đi song song, ở phía sau Miêu Quỳ tự dẫn đầu Ngự Mã Giám và đội nghi trượng. Khi đoàn người đến phủ của Hạ đô đốc, Hạ đại nhân quỳ xuống tiếp sứ giả, sau đó giao nộp "Biểu" (biểu tấu) ghi họ tên, lý lịch sơ lược, ngày sinh tháng đẻ, vân vân của con gái cho Chính sứ giả. Đến lúc thết tiệc long trọng chiêu đãi sứ thần của thiên tử, Miêu Quỳ mới có thể ngồi chung bàn với Dương Lăng; còn đội nghi trượng, cổ nhạc và thị vệ, chỉ có thể ngồi xổm trong sân ôm lấy bát to kèm cơm rau cố ăn một ít lót dạ.

Dương Lăng không quen chuyện trò với quan viên lạ, nhưng tuy là Phó sứ, y lại là ngoại thần mà đương kim Hoàng thượng tin yêu nhất, nội quan hầu cạnh Hoàng đế lại đều có giao hảo với y. Mặc dù sắp làm Quốc trượng, Hạ Nho cũng biết rõ con gái nếu muốn được Hoàng thượng sủng ái, không thể thiếu sự phối hợp của nội thần và ngoại thần được tin sủng nhất, do đó đối đãi với Dương Lăng hết sức nhiệt tình.

Đám người Dương Lăng Nạp thái, Vấn danh xong còn phải về cung phục chỉ, cho nên nhà họ Hạ chuẩn bị đều là rượu nếp Giang Nam có nồng độ khá nhẹ, trong hương thơm thoang thoảng có vị ngọt của gạo nếp. Khí trời oi bức, thứ rượu này giải khát rất tốt, Dương Lăng không tránh khỏi uống liền mấy chung.

Thừa lúc Hồng Lư Quan và Hạ Đô đốc trò chuyện, y gọi một gã đầy tớ của Hạ phủ lại, hỏi chỗ đi vệ sinh, rồi đứng dậy cáo lỗi các vị đại nhân cùng bàn, xoay người đi về phía nhà xí.

Gã đầy tớ đó ân cần dẫn y đến sân bên hông, chỉ rõ chỗ rồi lui ra. Hôm nay Hạ gia trang trí nguy nga tráng lệ, gấm hoa rực rỡ, thậm chí trước cửa nhà xí cũng treo đèn lồng đỏ to đùng. Nhà xí của nhà họ Hạ được xây như khuê phòng, trồng mấy cây anh đào để che cửa. Từng chùm hoa anh đào rũ đầy cành trông như những viên mã não đỏ chót.

Dương Lăng gạt một cành chìa ra, rồi vào đi giải, vừa chuẩn bị đi ra thì Miêu Quỳ cũng đã lách mình bước vào. Dương Lăng nghĩ đến Miêu Quỳ là thái giám, lúc đi giải mà mình đứng ở bên cạnh hẳn sẽ có phần khiến lão khó xử, liền vội cười nói:
- Miêu công công, hạ quan trở lại bàn tiệc trước đây.

Miêu Quỳ lùi lại một bước, cản đường y, hơi thò đầu ra ngoài liếc một cái, rồi mới cười ha hả, nói:
- Khoan đã, Dương đại nhân. Ta đến là muốn bắt chuyện kết giao với Dương đại nhân, tạo lợi ích cho đại nhân và ta.

Trong lòng Dương Lăng máy động, y điềm tĩnh hỏi:
- Miêu công công sao lại nói lời này? Mong ngài có thể nói rõ cho Dương mỗ hay.

Miêu Quỳ mỉm cười, đoạn nói:
- Ta đây thuộc loại người không thấy phật thật không thắp hương (*), hành động hôm nay quả thực là tấm lòng thành. Chẳng lẽ Xưởng đốc đại nhân vẫn không thể tin ta sao? (*: ý nói chưa thấy tận mắt thì chưa tin)

Dương Lăng cả kinh, suy nghĩ đầu tiên của y là: “Trong Bát Hổ nhất định đã có người thông đồng với Miêu Quỳ. Thiết lập Nội xưởng là chuyện Hoàng đế Chính Đức ngày đó nhất thời nảy ý. Khi ấy, trong điện không hề có tiểu thái giám nào hầu hạ, cho dù hai xưởng một vệ có cao thâm thế nào cũng không thể nhúng tay sâu đến mức như vậy được. Trừ phi trong bốn người Lưu Cẩn, Cốc Đại Dụng, Mã Vĩnh Thành với Đới Nghĩa có kẻ là tâm phúc của Miêu Quỳ.”

Tuy trong lòng kinh hãi âm thầm tính toán, song y lại khoác lên vẻ tươi cười, nói:
- Ồ, thì ra là Miêu công công nói đến chuyện này. Ha ha ha, Dương mỗ không dám giấu diếm. Hoàng thượng bỗng nhiên hạ ý chỉ này, Dương mỗ cũng đang không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, tính rằng qua mấy ngày không chừng tâm tư Hoàng thượng sẽ phai nhạt, cho nên chuyện chưa có gì là chắc chắn như vầy cũng không dám phô trương ra ngoài, không biết “tiện lợi” mà Miêu công công nói đến là...

Miêu Quỳ hơi híp đôi mắt ti hí của mình lại, cười hắc hắc, nói:
- Ta phụng ý chỉ của tiên đế mở lại Tây xưởng vẫn chưa lâu, chuyện này ít nhiều cũng có kinh nghiệm. Nói ra giờ đây đại nhân và ta đều là những kẻ phục vụ cho Hoàng thượng, nếu như công việc xúc tiến Nội xưởng của Dương đại nhân có chỗ nào gặp khó khăn, chỉ cần nói một câu, ta nhất định sẽ dốc toàn lực hỗ trợ.

Dương Lăng cười hờ, nói:
- Đội ơn Miêu công công quan tâm. Nếu muốn nói từ đầu, Đông xưởng từ lúc mở ra đến nay đã có năm có tuổi, Tây xưởng cũng đã có tiền lệ từ trước. Dương Lăng cho dù phụng thánh chỉ thành lập Nội xưởng, đó mới bất quá là môn hộ cỏn con, không tài không cán, nói ra thật không thể lo liệu được gì, không dám nhọc tâm công công.

Miêu Quỳ vốn cũng chẳng trông mong Dương Lăng sẽ đáp ứng, nghe y nói xong, lão thu lại vẻ tươi cười, nghiêm sắc mặt, nói:
- Dương đại nhân, đối với Xưởng vệ của chúng ta, ngoại triều (ý chỉ các quan viên không phải là hoạn quan) không hề có chút hảo cảm. Còn nội bộ Xưởng vệ của chúng ta, Đông xưởng và Cẩm Y vệ mặc chung một quần. Tuy nói Tây xưởng có chức trách giám sát Đông xưởng và Cẩm Y vệ, nhưng bọn họ căn cơ bền vững, thực lực hùng hậu, cho nên ta đã ăn phải không ít quả đắng từ tay Phạm Đình và Trương Tú.
Ta làm Xưởng công của Tây xưởng này, ai ai nhìn vào cũng cho rằng tiền đồ vô hạn; nhưng mỗi ngày ta đều thấp tha thấp thỏm, lo sợ bị bọn họ nắm bắt được sai sót gì đó, nào có dễ chịu như vẻ bề ngoài. Một khi Dương đại nhân lập ra Nội xưởng, chẳng những sẽ có quyền ngăn trở bọn họ, mà còn đoạt lại quyền giám thuế của ty Lễ Giám vào tay mình, quả thực là cắt đứt con đường tiền tài của bọn họ. E rằng... đến lúc đó nha sai và Cẩm Y vệ của Đông xưởng trên khắp thiên hạ đều sẽ vắt óc để tìm ra khuyết điểm của đại nhân đấy.

Đoạn, lão cười nham hiểm, nói:
- Kẻ ngăn cản con đường tiền tài của bọn họ xưa nay chỉ có một con đường chết, Dương đại nhân không lo mai kia sơ sẩy lật thuyền trong mương sao? Một trăm tám mươi cực hình của Cẩm Y vệ như bỏ vào vạc sôi, rút ruột, cưa chân, giã cột sống, đổ chì vào miệng, “chải đầu rửa mặt” (1); loại nào loại nấy đều là những cực hình ma quỷ nghe đều phải rùng mình, hơn nữa còn liên luỵ gia đình đại nhân. Cho dù thánh quyến đang thịnh, cũng khó mà ngăn nổi khi Cẩm Y vệ và Đông xưởng đã có lòng bày mưu lập kế.
Tây xưởng này của ta là lấy Ngự Mã Giám làm nòng cốt. Nếu như ta đoán không sai, Dương đại nhân thành lập Nội xưởng hẳn sẽ lấy thân tín trong Thần Cơ doanh để tổ chức. Đại nhân và ta cùng xuất thân trong quân, đôi bên có thể nói là rất có quan hệ, cho nên ta mới mạo muội tỏ lời, chẳng hay Dương đại nhân nghĩ sao?

Dương Lăng nghe xong mới bừng tỉnh, y thầm tính toán một phen thật nhanh. Bản thân tuy có quan hệ mật thiết với Cẩm Y vệ, nhưng một khi phát sinh xung đột về lợi ích, cho dù Trương Tú chịu bỏ qua cho mình, tầng lớp quyền lực của Cẩm Y vệ cũng tuyệt đối sẽ không chịu buông tha. Mà Đông xưởng, thậm chí là ty Lễ Giám phía sau Đông xưởng, bị cướp mất quyền giám thuế, càng tuyệt đối sẽ không bỏ qua cho mình.

Miêu Quỳ thẳng thắn như vậy, chính là vì đã liệu cục diện mà mình nhất định sẽ gặp phải, vốn không có lựa chọn khác. Xem ra việc mở lại Tây xưởng, chia cắt quyền lực của bộ phận Đông xưởng và Cẩm Y vệ đã ngầm đụng phải sự chèn ép của Đông xưởng và Cẩm Y vệ, cho nên Miêu Quỳ mới vội vã muốn lôi kéo mình làm đồng minh.

Đối với mình, đây là cơ hội hiếm có, chuyện này nếu kết hợp thì đôi bên cùng có lợi, chia tách thì chỉ có hại. Nếu như mình thật sự bị đẩy lên con đường đó, thì không còn sự lựa chọn nào khác. Dương Lăng nghĩ đến đây, liền quyết định dứt khoát:
- Từ lúc phụng thánh chỉ đến nay, trong lòng Dương mỗ cũng thấp thỏm không yên. Nếu như có Miêu công công chỉ điểm giúp đỡ, đó là phúc khí của Dương mỗ rồi. Đôi bên hợp tác, Dương mỗ cầu còn không được đó chứ.

Miêu Quỳ nhướng hàng chân mày, cười ha hả, nói:
- Tốt, lão phu đã không nhìn lầm người, Dương đại nhân quả nhiên sảng khoái. Như vậy chúng ta coi như một lời đã định.

Miêu Quỳ vừa nói vừa đưa tay lên, kích nhẹ ba chưởng với Dương Lăng lập thệ.

Và thế là, kế hoạch hợp tác lâu dài của Xưởng công Tây xưởng Miêu Quỳ và Xưởng đốc Nội xưởng Dương Lăng đã được thiết lập trong nhà xí của đương kim Hoàng Hậu như thế.

oOo

Trên Thái Lăng, một đám tù nhân tóc tai bù xù, áo quần rách rưới, chân trần đeo chiếc cùm sắt phát ra những tiếng kêu loảng xoảng đang cố sức kéo mấy chục sợi dây thừng buộc quanh một con rùa đá rất to được lót trên một bè gỗ nhỏ về phía công trường dưới sự chỉ huy hô hào của Giám ngục.

Nhưng những tù nhân này chỉ có thể phụ trách mấy loại nhiệm vụ công trình trên mặt đất và dọn dẹp chung quanh đường sông, trồng trọt cây ăn quả, nơi trọng yếu tuyệt đối không cho phép qua tay bọn họ. Nếu như cần những tù nhân này vào địa cung làm việc, vậy chỉ có một khả năng, bọn họ sẽ phải bồi táng theo lão Hoàng đế.

Lúc này, con rùa đá đang được vận chuyển đến công trường. Trên mai rùa là một bia đá khắc thánh hiệu được điêu khắc cả khối, vì vậy cả con rùa đá nặng vô cùng. Trong đám tù nhân đang nghiêng người về phía trước gần như thành một góc ba mươi độ so với mặt đất, dây thừng trên vai của một phạm nhân bất chợt bị đứt, người đó không kịp đề phòng, ngã cắm đầu xuống đất, mồm ngoạm đầy đất, lập tức hàm dưới đầm đìa máu tươi.

Gã bị đau chưa kịp kêu lên, mấy đòn roi của Đốc công đã đổ ập xuống đầu, quất rách quần áo, lộ cả da thịt đằng sau vai; chỗ bị roi quất đã tróc da chảy máu, đau khiến gã run lên lập cập. Gã chợt xoay đầu ác độc trừng mắt nhìn gã Đốc công đó.

Tên Đốc công này cũng là tù phạm, nhưng có quan hệ khá tốt với Quản đốc, mới vớ bẫm công việc nhàn hạ. Hắn vốn là nhân vật cùng hung cực ác, bị người ta nhìn nhiều một chút là cũng có thể hung hãn động đạo. Thấy phạm nhân mặt mũi thanh tú này không ngờ dám không phục, hắn không nhịn được cười khẩy, nói:
- Thằng chó đẻ, còn dám nhìn lão tử à?

Vừa nói, roi dài lại đã rít lên một tiếng "chát", quất cho phạm nhân đó giật nảy người, trên cổ lập tức đầm đìa máu me.

Tù nhân bị đòn roi này chính là con trai của Thượng thư bộ Lễ Vương Quỳnh. Tên Đốc công sớm nhận được lời căn dặn của Đới công công là phải "tận tình săn sóc" gã tù nhân mới đến này; ngày thường có việc gì khó nhọc, bẩn thỉu thì cứ an bài cho hắn đi làm; ăn tối thì cho ăn sau cùng, ngủ thì để nằm kế bên cầu tiêu.

Những tên phạm nhân này vốn đã thích bắt nạt người mới, nhìn thấy hành động của Đốc công, càng muốn lấy lòng hơn. Gã thư sinh mặt mày sáng sủa, nhất biểu nhân tài này luôn bị bọn chúng dày vò, khổ sở không nói nên lời.

Nhưng gã thư sinh vừa nhìn thì thấy là kẻ quần là áo lụa không biết làm việc, mới đến thì nhút nhát sợ sệt hệt như con thỏ, song dần dần lại như được thoát thai hoán cốt, càng ngày càng trở nên kiên cường. Những công việc cực nhọc kham khổ ngay cả phạm nhân vốn xuất thân khuân vác cũng than trời than đất không thôi này, ấy vậy mà hắn vẫn cắn răng cố gắng vượt qua.

Tối hôm trước, có một tù nhân đồng tính thừa lúc hắn mệt lử không chịu nổi ngủ say, tính cởi quần hắn để giở trò với gã thư sinh da dẻ mềm mại này. Hắn bừng tỉnh lại liền như dã thú rống lên một tiếng, bổ chồm tới cắn tai tên đó không buông; sau cùng bị người khác kéo ra, hắn lại cắn đứt luôn cả lỗ tai tên đó, toác miệng nuốt xuống luôn, trên mép máu me đầm đìa như ma quỷ.

Lần đó đã làm đám tù nhân đó bị chấn động, phạm nhân bình thường từ đó không còn dám tuỳ tiện ức hiếp gã thanh niên thoạt trông nho nhã yếu đuối đó nữa. Khi Vương Cảnh Long bị giải từ đại lao bộ Hình đến Thái Lăng, thư tay của ba vị Đại học sỹ đã theo tới. Ba người này cho dù là thủ lĩnh nội quan như Vương Nhạc cũng không dám không nể mặt mấy phần, huống chi là Đới Nghĩa, cho nên y không thể không vứt bỏ ý niệm khiến cho Vương Cảnh Long cực khổ mà chết; nhưng đã là khâm phạm, cho hắn chịu chút cực khổ thì ba vị Đại học sỹ cũng không thể nói gì.

Vương Cảnh Long của hôm nay đã không còn hình tượng công tử bảnh bao phong lưu văn nhã của ngày đó, đầu bù tóc rối, hôi thối nồng nặc, không hề khác gì những tù nhân kia. Tên Đốc công thấy hắn chịu một roi nhưng không hề khiếp sợ, trừng đôi mắt đỏ ngầu như dã thú nhìn mình chằm chằm, không khỏi thẹn quá hoá giận, cây roi dài trong tay lại quật xuống chan chát, nạt:
- Muốn chết à? Còn không mau làm việc, tưởng lão tử không dám đánh chết ngươi ư?

Lúc này, hai chiếc xe la đưa rau từ bên cạnh lắc lư đi qua. Trên xe, ông chủ bán rau nhìn thấy có người đang ăn đòn thì không khỏi cười, nói:
- Ôi chao, đại gia ngài nhẹ tay một chút đi. Cây roi này chơi thì đã tay đấy, nhưng không cẩn thận một chút là mũi roi nó móc mất mắt tiểu nhân như chơi.

Ông chủ bán rau này nói chuyện dí dỏm, lại mở miệng nịnh nọt gọi tên phạm nhân Đốc công đó là đại gia khiến hắn cảm thấy rất có thể diện, bất giác cười ha hả rồi thu tay về, dương dương tự đắc, nói:
- Sợ quái gì, roi này của ta ngoài hai trượng chỉ có thể vụt tắt nến, còn có thể quất lên tới mặt ngươi sao? Ha ha ha, đi qua đi, đi qua đi.

Vương Cảnh Long cảm kích nhìn ông chủ bán rau, ánh mắt vừa dời đến đột nhiên sững ra, trong mắt hiện lên vẻ vui mừng khôn xiết, nhìn chằm chằm vào người đầy tớ ngồi cạnh ông chủ bán rau không chớp.

Người đó tuổi trạc hơn tứ tuần, mặt mũi tầm thường, trông ra không có gì thu hút, nhưng Vương Cảnh Long vừa liếc mắt liền nhận ra lão là quản sự Vương Bình của Nội thư phòng đã theo bên phụ thân hơn ba mươi năm. Vương Bình một lòng trung thành với phụ thân, đừng nói hiện tại nhà họ Vương vẫn chưa suy sụp, cho dù họ Vương suy bại đến mức phải ăn xin đầu phố, y cũng sẽ không bỏ rơi chủ cũ. Nay phụ thân đã đi Nam Kinh nhậm chức, y giả làm dân trồng rau đi đến lăng tẩm làm gì?

Tim Vương Cảnh Long không khỏi đập thình thịch. Vương Bình trông thấy tiểu thiếu gia bị đày đoạ đến gần như không ra hình dáng con người, suýt nữa thì đã rơi lệ. Lão vội chớp mắt, thoắt quay đầu đi, thừa lúc người khác không để ý gạt lệ trên khoé mắt.

Vương Cảnh Long hiểu ý, ngoan ngoãn về chỗ buộc chặt lại dây thừng rồi theo sự hô hào của đốc công cố sức kéo con rùa đá. Lúc này đây toàn thân hắn sôi trào nhiệt huyết, dường như tràn trề sức lực dùng không hết. Phụ thân chưa quên hắn, không ngờ vì hắn mà phụ thân đã dám mạo hiểm mất đầu, phái người đến cứu hắn ra.

Công danh bị tước, Vương Cảnh Long đã không thể ra làm quan được nữa, ngay cả thân phận khâm phạm này cũng không biết năm nào Hoàng thượng mới sẽ vui vẻ miễn xá cho. Hết thảy mọi thứ đều "nhờ ân huệ" Ngọc Đường Xuân ban cho. Hắn hận Ngọc Đường Xuân đến mức có thể lột da rút xương, ăn tươi nuốt sống mới có thể hoá giải được cừu hận vô biên này.

Nhờ có cừu hận vô cùng vô tận này, hết thảy mọi giày vò tủi nhục hắn đều ngấm ngầm chịu đựng vượt qua. Tiền đồ đã không còn, cuộc đời bị huỷ hoại, mục tiêu duy nhất trong lòng hắn chính là giày vò Ngọc Đường Xuân đến chết mới cam tâm. Giờ đây rốt cuộc đã có cơ hội, Vương Cảnh Long sao có thể không vui sướng như điên chứ.

Sau khi rùa đá được kéo đến nơi, đám tù nhân lại bị đuổi đến bên hông đế lăng trồng cây ăn quả. Vương Cảnh Long bị sắp xếp cho gánh hai thùng phân, đi đến chỗ "Ngũ Cốc Luân Hồi" (*) để gánh những thứ bài tiết của đám quan binh và thợ thuyền. Hai vai Vương Cảnh Long sớm đã bị lở loét chịu không nổi, chưa hề có cơ hội để lành hẳn, giờ gánh đòn gánh khiến hắn đau như thể kim châm muối xát. (*: phiếm chỉ nhà xí, đây là cụm từ được trích trong tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân)

Hắn đang gánh hai thùng phân loạng choạng đi qua một bụi cây, bên tai đột nhiên có tiếng gọi vọng lại:
- Tam công tử!

Dứt lời, quản sự Vương Bình từ trong bụi cây chợt chui ra, lấm lét nhìn quanh một vòng rồi ôm chầm lấy Vương Cảnh Long, tuôn lệ như mưa, nói:
- Công tử, làm sao mà người bị đày đọa ra nông nỗi này rồi?

Lão nhìn Vương Cảnh Long tóc tai bẩn thỉu, mắt cá chân trần loang lổ vết máu, thân thể bị roi quất không còn ra hình dáng gì, không khỏi thương tâm rơi lệ.

Vương Cảnh Long vội buông gánh phân, lạnh lùng nạt khẽ:
- Giờ không phải là lúc khóc lóc. Nói mau, có phải là phụ thân kêu ngươi đến không?

Vương Bình lau nước mắt, vội gật đầu, rối rít nói:
- Lão gia biết nhà chúng ta đã đắc tội với mấy vị đại thần xây lăng, công tử gia đến đây nhất định sẽ cửu tử nhất sinh, do đó lúc gần đi đã an bài hết thảy. Tiểu nhân sẽ dốc lòng cứu người ra.

Vương Cảnh Long vô cùng sốt ruột, hỏi:
- Làm sao có thể chứ? Bên ngoài đế lăng có quan binh trấn giữ, ngươi xem bộ dạng hiện giờ của ta, lại đeo xích chân, chạy chưa được bao xa thì sẽ bị người ta bắt về rồi.

Vương Bình vội nói:
- Thiếu gia chớ gấp, lão gia đã có kế sách vẹn toàn rồi.

Lão ngẩng đầu nhìn chung quanh một chút, đoạn đạp đổ thùng phân, kéo tay Vương Cảnh Long nói:
- Mau! Theo tiểu nhân.
Vừa nói vừa kéo Vương Cảnh Long chui vào trong bụi cây.

Vương Quỳnh vì đứa con bảo bối của mình đã lao tâm khổ tứ. Trước lúc bị đày đi đã an bài gia bộc trung thành nhất là Vương Bình ở lại trong kinh, trước tiên tìm đến một gã quản sự mà năm đó lão tiến cử, nhờ hắn giúp đỡ mua chuộc một đám tội phạm liều mạng trợ giúp. Sau khi điều tra ra gia đình đưa rau đến đế lăng, đã yêu cầu bọn họ bán lại cửa hàng rau này. Sau đó chế ra chiếc xe la có ván lật lõm vào có thể giấu người, chuẩn bị cứu con mình ra.

Có điều, trong kế hoạch này thiếu mỗi thi thể có thân hình tương tự, vì vậy mới lần lữa đến giờ này. Mãi đến hôm qua, Vương Bình nghe ngóng được tú tài của một hộ gia đình đã qua đời, tuổi tác và thân hình tương tự với Vương Cảnh Long, nên mới thừa lúc đêm hôm đào mộ, trộm lấy thi thể chạy đến thái lăng.

Khi nãy đến công trường bốc dỡ rau dưa xong, thừa lúc kẻ khác không đề phòng Vương Bình đã cùng người của y mang thi thể đó đến một sơn cốc hẻo lánh, đeo cùm sắt lên, thay y phục tù nhân rách nát đã được phỏng chế vào, đập nát khuôn mặt rồi mới chạy về cứu thiếu gia.

Vương Bình dẫn Vương Cảnh Long đến chiếc xe la đang đậu bên bụi cây, mấy kẻ được dùng khoản tiền lớn mua chuộc đang đứng quanh xe, trông như thể mới vừa đi giải về, quan sát tình hình chung quanh. Vương Bình vội vã lên xe, dỡ một tấm ván gỗ ra, để lộ một máng lõm vỏn vẹn cho một người nằm, gấp gáp nói: nguồn truyện t u n g h o a n h . c o m
- Thiếu gia, mau nằm vào đi.

Vương Cảnh Long cũng không cố chuyện trò nữa, vội vã leo lên xe nằm vào máng. Vương Bình đậy kỹ tấm ván gỗ lại, lúc này mới buông lơi tâm tình căng thẳng, lại thoắt co giò ngồi lên xe. Đầu lĩnh trong mấy kẻ được thuê là một hán tử râu ria xồm xoàm, thấy chuyện đã ổn thoả, hắn phun cọng cỏ ngậm trong miệng ra, nhảy lên xe khẽ giậm chân lên tấm ván gỗ, nói:
- Ông chủ Ngưu, đây là huynh đệ ngươi à? Chuyện đã ổn thoả, chúng ta mau về thôi, nửa số bạc còn lại đó...

Vương Bình cười theo, nói:
- Hoàng lão đại cứ yên tâm, ta đã kêu người chuẩn bị tốt bạc rồi. Chỉ cần huynh đệ ta rời khỏi thái lăng đến nơi an toàn, bảy trăm lạng bạc còn lại lập tức sẽ được dâng lên bằng hai tay.

Hoàng lão bản mặt đầy râu ria nhe chiếc răng cửa vàng khè cười hài lòng, gọi:
- Các huynh đệ lên xe, đi nào.

Vương Cảnh Long nằm dưới đáy xe, nín thở, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Chiếc xe rời khỏi công trường thái lăng, quan binh trấn giữ bên ngoài thấy đó là hai chiếc xe la đưa rau hàng ngày thì chỉ ngó sơ trên chiếc xe trống một chút rồi vẫy tay cho qua.

Cả người Vương Cảnh Long căng cứng, như thể bất cứ lúc nào cũng có thể bật dậy. Nghe gã quan quân đó quát ra lệnh cho qua, hắn mới như bị rút hết gân cốt nằm bẹp ở trong, lúc này mới phát hiện toàn thân đã ướt đẫm mồ hôi lạnh.

Nằm dưới đáy xe, hắn nghiến răng cười gằn, phát thệ trong lòng: "Ta đã trở về rồi, Ngọc Đường Xuân! Ngươi cứ chờ đi, Vương Cảnh Long bị ngươi hại thảm đến như vầy, ta sẽ không tham sống sợ chết mà mai danh ẩn tích. Ta muốn ngươi chết! Nhất định sẽ bức ngươi phải đau khổ không nói lên lời mà chết! Ha ha ha ha!"

oOo

Trước lầu Vũ Hoa phía tây bắc hoàng cung, hai tên tiểu thái giám mở cửa điện. Dương Lăng và Hoàng đế Chính Đức mặc thường phục, hai người một trái một phải đứng đưa mắt nhìn nhau, chần chừ một hồi lâu mới mang sắc mặt quái lạ bước vào.

Trong điện thờ cúng năm tượng phật, mỗi tượng đều cao đến đầu người, cố lắm mới nhìn ra được tất cả tượng phật đều là cảnh một nam một nữ quấn lấy nhau, chỉ là vóc dáng và tướng mạo hơi quái dị một chút.

Bốn tên tiểu thái giám theo vào, tay bê khay. Dương Lăng lấy trong khay ra ba cây nhang. Tiểu thái giám chạy qua, thắp hương nến trên bàn thờ của tượng phật chính. Dương Lăng dùng lửa nến thắp nhang, vung tay cho tắt lửa, rồi đưa cho Chính Đức.

Chính Đức bước tới trước ngắm nhìn năm tượng phật hình thù kỳ quái nọ, sau đó giơ tay vái ba vái, cắm nhang vào lư hương. Bốn tên tiểu thái giám thấy vậy lặng lẽ lui ra khỏi cửa cung rồi khép cửa lại.

Lúc này Dương Lăng mới ho khan một tiếng, nói:
- Hoàng Thượng, nhân luân đại sự, trên cúng tế tông miếu, dưới nối tục đời sau. Đại hôn Hoàng Thượng sắp đến, nên có hiểu biết về chuyện này mới là điều phải. A hèm, xin hãy nhìn chỗ này...

Y bước đến trước pho tượng phật thứ nhất, ngồi xổm xuống tìm cơ quan mà trên sách lễ tiết có thuyết minh, dùng sức xoay mấy vòng, tiếng “lầm rầm” vang lên, tượng phật nam nữ ôm nhau đó bắt đầu thực hiện động tác giao hợp một cách cứng nhắc. Dương Lăng lúng túng chỉ vào vị trí giao hợp, nói:
- Hoàng Thượng, người hãy nhìn chỗ này. Bậc tiên hiền cũng nói, “ăn uống và quan hệ nam nữ là dục vọng lớn nhất trong bản năng sinh tồn của con người (2)”. Người sau khi trưởng thành, sẽ cưới vợ thành thân. Phu thê ấy mà, sẽ làm chuyện giao hợp này, giống như vầy... vầy...

Hoàng đế Chính Đức thấy vậy mặt trắng bệch, hết hồn nói:
- Dương Thị độc, ngươi nói, là... là... là như vậy à? Trẫm và Hoàng Hậu cũng phải như vầy ấy ư?

Dương Lăng trông thấy bộ dạng khiếp vía của hắn, không khỏi cười khổ: “Hình như lúc trước mình đã suy nghĩ hơi quá đơn giản rồi. Rốt cuộc phải làm thế nào mới có thể khiến hắn cảm thấy hứng thú đây? Có thể nào kể cho hắn truyện tiếu lâm mặn không? Cho dù kể truyện tiếu lâm mặn thì hình ảnh và âm thanh phối hợp này cũng ảnh hưởng đến hứng thú à."

"Thầy giáo" họ Dương cố gắng suy nghĩ: "Chỉ cần không để hắn nảy sinh tâm lý khiếp sợ là được, cho dù mình thật sự dạy không rõ... Không phải sau khi học khoá lý thuyết này xong, Hoàng Thượng còn phải làm chuyện sinh hoạt phòng the với tám vị cung nữ được tuyển ra từ Ti môn, Ti trướng và Ti tẩm sao? Có những cung nữ trưởng thành làm tình với hắn, hắn còn có thể không hiểu sao? Người thầy như mình đây... hay là cứ dạy bừa cho có vậy..."






Chú thích:
(1) Ái chà! Đây không phải là kiểu chải chuốt, rửa ráy, trang điểm của phụ nữ; đơn giản là trói phạm nhân vào cột, dùng bàn chải đinh sắt cào da thịt mặt phạm nhân ra cho đến khi lòi xương, tắt thở thì thôi.

(2) Nguyên văn "ẩm thực nam nữ, nhân chi đại dục tồn yên", trích từ phần Lễ vận trong Lễ ký (bộ Kinh Lễ, một trong Ngũ Kinh do Khổng Tử biên soạn hoặc hiệu đính).

Nguồn: tunghoanh.com/nguoc-ve-thoi-minh/quyen-3-chuong-111-nNAaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận