Ngỡ đã là yêu Chương 6


Chương 6
Ta sinh ra để được hạnh phúc. Tạo hóa dường như đã dành cho ta mọi may mắn.

Tôi lại quay về khu phố nhà mình. Như một bóng ma lảng vảng nơi xảy ra án mạng. Không hiểu làm thế nào tôi lại trôi giạt về đây. Sau khi chạy khỏi nhà Kim, tôi rẽ hú họa vào một đại lộ và đi bộ cho đến lúc bắp chân cứng đờ, rồi tôi nhảy lên một chiếc xe buýt, nó thả tôi ở trạm cuối cùng, tôi ăn tối trong một quán rượu ngoài trời ở Shipara, thất thểu đi từ quảng trường đến công viên để rồi cuối cùng đi đến khu phố nơi Sihem và tôi quyết định dọn tới sống bảy năm trước đây, những năm tháng đã dựng lên hàng rào thiêng liêng bất khả xâm phạm bảo vệ mối tình tuyệt đẹp của chúng tôi. Đó là một khu phố xinh đẹp trầm lặng, gắn với những ngôi biệt thự sang trọng và vẻ thanh bình, nơi thảnh thơi hưởng thụ của giới nhà giàu Tel-Aviv và một bộ phận người giàu mới nổi, trong đó có một số người Nga nhập cư dễ nhận diện qua chất giọng quê mùa và thói gàn dở luôn tìm cách gây ấn tượng mạnh với hàng xóm láng giềng của họ. Lần đầu tiên đi qua đây, Sihem và tôi đã ngay lập tức bị quang cảnh khu này mê hoặc. Ánh ngày nơi đây dường như rạng rỡ hơn nhiều so với bất cứ nơi nào khác. Chúng tôi thích những mặt tiền bằng đá đẽo, những chấn song bằng sắt rèn và vẻ viên mãn toát ra từ những ngôi nhà có cửa sổ rộng mở và có những ban công xinh xắn. Lúc đó, chúng tôi vẫn đang sống ở một khu phố ven đô quy hoạch lộn xộn, trong một căn hộ nhỏ trên tầng ba một tòa nhà không có gì đặc biệt, nơi những cảnh bạo hành gia đình xảy ra như cơm bữa. Chúng tôi đã phải sống thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm tiền mua nhà, dù vậy có mơ chúng tôi cũng không dám tưởng tượng ra chuyện chuyển đến một khu thượng lưu như thế. Tôi sẽ không bao giờ quên được niềm vui của Sihem khi tôi gỡ dải băng bịt mắt nàng để cho nàng thấy nhà mới của chúng tôi. Nàng đã nhảy dựng lên, cao đến mức làm nứt cả đèn mui gắn trên trần ô tô. Và được ngắm nhìn nàng ngập tràn sung sướng như một cô bé con có điều ước cao quý nhất trở thành hiện thực trong ngày sinh nhật là niềm hạnh phúc trọn vẹn của tôi. Nàng nhảy lên ôm cổ và hôn môi tôi không biết bao lần ngay trước những kẻ hiếu kỳ, chính nàng, người vẫn hay đỏ ửng mặt mày như một đóa mẫu đơn mỗi khi tôi dám ôm ghì nàng trên phố?... Nàng đã đẩy cánh cổng và bước nhanh về phía cánh cửa bằng gỗ sồi đặc. Nàng háo hức đến mức tôi luống cuống không tìm được đúng chìa khóa. Những tiếng kêu vui sướng của nàng vẫn còn vang lên trong đầu tôi. Tôi lại thấy nàng, hai tay dang rộng, quay vòng giữa phòng khách, hệt như một vũ nữ ba lê say sưa với điệu múa của mình. Tôi đã phải ôm ngang eo nàng để kìm lại niềm hoan hỉ vô bờ ấy. Ánh mắt nàng tràn ngập lòng biết ơn đối với tôi; hạnh phúc của nàng khiến tôi ngây ngất. Và ở đó, trong căn phòng còn trống không rộng lớn đó, chúng tôi đã trải áo khoác của tôi xuống sàn và yêu nhau như hai thiếu niên bối rối và ngượng ngùng trước những rung động đầu tiên của cơ thể nằm ngoài tầm kiểm soát...

Chắc là đã mười một giờ, có thể chưa đến, và không có lấy một bóng người. Con phố đã chứng kiến những thành công của tôi đang chìm vào giấc ngủ. Những ngọn đèn đường khiến người ta hoang mang vì sự vô nghĩa. Thiếu vắng tình yêu, ngôi nhà tôi ở khiến người ta ngỡ nó như một nơi bị ma ám - bóng tối bao trùm nó mang vẻ gì đó gây kinh hoàng. Người ta những tưởng nó đã bị bỏ hoang từ nhiều đời nay. Tôi đã quên đóng cửa chớp; một vài cửa kính bị vỡ. Những mẩu giấy nằm rải rác khắp khu vườn đầy những bông hoa bị xéo nát. Lúc bỏ trốn vào hôm trước, Kim đã quên khóa cổng, cánh cổng ấy đã bị những kẻ viếng thăm với ý đồ xấu mở toang và giờ thì đang khẽ rít lên trong bầu không gian tĩnh lặng như một lời ai oán ma quái. Rõ ràng người ta đã cậy ổ khóa bằng một thanh sắt. Người ta cũng đã bậy cả bản lề cửa và phá hỏng chuông cửa. Những mẩu giấy cắt từ báo ra mà cái hội đồng công lý bình dân ấy dán lên tường nhà tôi bay phấp phới giữa những hình vẽ đầy thù hận. Bao chuyện đã xảy ra trong lúc tôi vắng nhà...

Trong hòm thư của tôi có thư. Giữa đống hóa đơn, có một chiếc phong bì nhỏ khiến tôi chú ý. Không có tên người gửi; chỉ có một con tem và một cái dấu bưu điện phía trên. Nó được gửi đi từ Bethléem. Tim tôi suýt nhảy ra khỏi lồng ngực khi nhận ra nét chữ Sihem. Tôi đi vội vào phòng ngủ, bật đèn, ngồi gần chiếc bàn đầu giường nơi có đặt tấm hình của vợ tôi.

Đột nhiên, tôi ngồi bất động.

Tại sao lại là Bethléem?... Lá thư từ thế giới bên kia này, sẽ mang điều gì đến cho tôi đây? Tay tôi run rẩy; yết hầu tôi rung rung trong cổ họng khô ran. Có một lúc, tôi nghĩ nên mở lá thư ra sau. Tôi cảm giác mình không còn khả năng hứng chịu khổ đau thêm nữa, không còn khả năng nhận về mình những bất hạnh quá đáng cứ bám riết từ khi vụ khủng bố xảy ra. Cơn giông tố làm tan tác những điểm tựa của tôi đã khiến tôi yếu mềm khủng khiếp; hẳn tôi sẽ chẳng sống sót nổi trước một chuyện kinh tởm nào khác... Thế nhưng cùng lúc, tôi cũng lại không có khả năng chờ thêm một giây nào nữa. Toàn bộ dây thần kinh của tôi căng ra như sắp đứt; chúng khiến tôi như sắp nổ tung. Tôi hít một hơi dài rồi xé phong bì - hẳn tôi sẽ cắt cổ tay mình mất cho dù không cảm thấy mình gặp nguy đến vậy. Mồ hôi buốt xót nhỏ giọt khắp lưng tôi. Tim tôi đập càng lúc càng nhanh; tiếng nó vang âm ỉ trong đầu tôi; tràn lấp căn phòng bằng những tiếng dội chóng mặt.

Lá thư rất ngắn, không ngày tháng cũng chẳng lời mào đầu. Chỉ vài dòng viết vội trên một trang giấy xé ra từ cuốn vở học trò.

Tôi đọc:

Hạnh phúc để làm gì nếu như nó không được chia sẻ, phải không Amine, tình yêu của em? Những niềm vui của em vụt tắt mỗi lần những niềm vui của anh không được thực hiện. Anh luôn muốn có con. Em cũng muốn xứng đáng có được chúng. Nhưng không đứa trẻ nào được hoàn toàn yên ổn nếu nó không có Tổ quốc... Đừng oán giận em.

Sihem.

Tờ giấy tuột khỏi tay tôi, rơi xuống. Từ một chấn động mà tất cả sụp đổ. Tôi không còn thấy đâu người phụ nữ tôi từng kết hôn vì những gì tốt đẹp nhất và mãi mãi, người đã từng vun đắp những năm tháng êm ả nhất đời tôi, đã từng góp phần tạo nên những thành công rực rỡ cho sự nghiệp của tôi, đã từng vỗ về tâm hồn tôi bằng sự hiện diện dịu dàng của mình. Tôi chẳng còn thấy lại điều gì ở nàng nữa, dù là qua bản thân tôi hay qua những ký ức trong tôi. Cái cuộc sống giam cầm nàng vừa qua, giờ vĩnh viễn tan biến, đã quay lưng lại với tôi, người đã không còn kham nổi hình ảnh nó tạo nên cho cái điều mà tôi cứ từng ngỡ là tươi đẹp nhất trong đời mình. Tôi như một kẻ bị quẳng bên vách đá, bị vực thẳm nuốt chửng. Đầu tôi trở nên vô nghĩa, đôi tay tôi trở nên vô nghĩa, cả con người tôi trở nên vô nghĩa... Tôi sẽ tỉnh dậy... Tôi đã tỉnh dậy. Tôi không mơ. Lá thư vẫn nằm dưới chân tôi, rất thực, đang chất vấn toàn bộ niềm tin của tôi, đang lần lượt nghiền nát từng niềm tin chắc chắn nhất. Những chỗ dựa cuối cùng của tôi biến mất... Thật không công bằng... Thước phim về ba ngày bị giam cầm trở nên hỗn loạn trong tâm trí tôi. Giọng nói của đại úy Moshé quay lại dằn vặt tôi, trong những tiếng thét như vẳng lên từ đáy hang của ông ta hiện ra những hình ảnh lộn xộn quay cuồng. Chốc chốc, những ánh đèn chớp lại soi tỏ vài hình ảnh trong số đó; tôi lờ mờ thấy Naveed đang đợi tôi dưới chân cầu thang, Kim đang vực tôi dậy trên lối đi trong tình cảnh thê thảm, những kẻ tấn công đang muốn hành hình tôi trong khu vườn nhà... Tôi đưa hai tay lên ôm đầu và buông xuôi theo nỗi chán chường vô bờ đang chôn vùi tôi.

Em định nói gì với anh thế, Sihem, tình yêu của anh?

Ta ngỡ là biết. Thế là ta lơ là cảnh giác và làm như thể mọi chuyện đều tốt đẹp. Theo thời gian, rốt cuộc ta không còn chú tâm đến những điều đáng lẽ ra phải chú tâm nữa. Ta tin tưởng. Ta có thể đòi hỏi thêm gì đây? Cuộc sống mỉm cười với ta, may mắn cũng mỉm cười với ta. Ta yêu và ta được yêu. Ta có mọi điều kiện để thực hiện những ước mơ của mình. Mọi thứ khiến ta đắm đuối, mọi thứ khiến ta phấn khích... Thế rồi, không một lời cảnh báo, bầu trời sụp xuống trên đầu ta. Và khi vấp ngã sóng soài, ta mới nhận ra rằng cuộc sống, toàn bộ cuộc sống - với những thăng trầm của nó, những khổ đau và vui sướng của nó, những hứa hẹn và lỡ làng của nó chỉ gắn với một sợi mỏng manh và vô hình như tơ nhện. Bỗng nhiên, một tiếng động nhỏ nhất cũng khiến ta sợ hãi, và ta không còn muốn tin vào bất kỳ điều gì nữa. Tất cả những gì ta muốn, là nhắm nghiền mắt lại và không nghĩ ngợi gì cả.

- Anh lại quên đóng cửa rồi! - Kim trách móc tôi.

Cô đang đứng trên ngưỡng cửa phòng ngủ của tôi, hai tay khoanh trước ngực. Tôi không nghe thấy tiếng cô tới.

- Sao vừa nãy anh lại bỏ đi? Naveed và Ezra đến để gặp anh. Anh không chịu nổi khi gặp bạn bè mình sao?

Nụ cười bối rối của cô vụt tắt.

- Chuyện đó làm anh bực mình à, anh nói xem?

Hẳn là trông bộ dạng tôi chẳng ra sao bởi cô lao vội về phía tôi, cầm hai cổ tay tôi lên để kiểm tra xem chúng còn lành lặn không:

- Anh không cắt cổ tay đấy chứ? Khổ quá! Trông mặt anh không còn giọt máu. Anh đã gặp ma hay cái gì nào? Có chuyện gì không ổn ư? Anh nói cái gì đi chứ, mẹ kiếp. Anh đã nuốt mấy thứ khốn kiếp, phải không? Nhìn vào mắt em này, và nói em nghe xem anh có nuốt mấy thứ khốn kiếp không. Những thứ anh đang làm điên rồ quá, Amine ạ! - Cô kêu lên và tìm quanh mình xem có viên thuốc độc hay lọ thuốc ngủ nào không. - Không thể bỏ mặc anh lấy một phút được...

Tôi nhìn cô quỳ gối xuống, nhìn vào gầm giường, tay quờ quạng chỗ này chỗ kia...

Tôi không còn nhận ra giọng mình khi tôi thú nhận với Kim nữa:

- Là cô ấy đấy, Kim ạ... Thánh thần ơi! Sao cô ấy lại có thể làm thế chứ?

Kim ngừng việc đang làm lại. Cô nhỏm người dậy. Cô không hiểu.

- Anh đang nói gì vậy?

Cô trông thấy bức thư dưới chân tôi, cô lượm nó, đọc lướt qua. Lông mày cô từ từ nhướn lên, cô càng đọc thì chúng càng nhướn cao hơn.

- Lạy Đấng Tối cao! - cô thở dài.

Cô nhìn tôi chằm chằm. Không biết phải xử sự thế nào. Qua cơn bối rối, cô dang rộng vòng tay về phía tôi. Tôi gục vào lòng cô, co mình lại và lần thứ hai trong chưa đến mười ngày, tôi, kẻ không hề nhỏ một giọt nước mắt nào sau ngày ông nội qua đời cách đây ba mươi năm, giờ òa lên như mười đứa trẻ gộp lại.

Kim ở lại với tôi đến sáng. Khi thức dậy, tôi thấy cô nằm cuộn mình trong chiếc ghế bành gần giường tôi, trông cô rõ ràng đã kiệt sức. Cơn buồn ngủ đã xâm chiếm chúng tôi đúng lúc chúng tôi không muốn nhất. Tôi không biết ai trong hai chúng tôi chìm vào giấc ngủ trước. Tôi đã lơ mơ ngủ khi chân vẫn còn đi giày, áo khoác vẫn kéo khóa đến tận cổ. Kỳ lạ thật, tôi cảm giác như một cơn giông đã xảy ra. Bức ảnh Sihem trên bàn ngủ không khuấy động gì trong tôi. Nụ cười của nàng đã biến mất, ánh mắt nàng đã trở nên u tối; nỗi sầu muộn đã khiến lòng tôi tan nát nhưng lại không kết liễu nổi đời tôi...

Bên ngoài, những tiếng ríu rít dần phá tan bầu không khí sớm mai tĩnh lặng. Thế là hết, tôi tự nhủ. Một ngày mới đến, trên phố phường và trong tâm trí tôi.

Kim đưa tôi đến nhà ông cô, ông sống trong một ngôi nhà nhỏ ven biển. Ông lão Yehuda không hay biết gì về những chuyện đã xảy đến với tôi, như vậy càng tốt. Tôi cần được gặp lại những ánh mắt ngày xưa, cần thôi nghĩ rằng một sự im lặng là phiền hà hay một nụ cười là sự thương hại. Suốt chuyến đi, Kim và tôi tránh nói đến lá thư. Để an toàn hơn, cả hai chúng tôi cùng câm lặng. Kim lái chiếc Nissan của cô, mắt đeo cặp kính râm. Mái tóc cô bay phấp phới trong làn gió mạnh. Cô nhìn thẳng về phía trước, hai cánh tay giữ chặt vô lăng. Còn tôi, tôi nhìn ngắm cái cổ tay băng bó của mình, cố dồn chú ý vào tiếng ro ro của động cơ xe.

Ông lão Yehuda đón tiếp chúng tôi bằng thái độ lịch sự quen thuộc. Vợ ông qua đời từ hàng chục năm nay, các con ông đã đi mỗi người một ngả sống cuộc sống của họ. Đó là một cụ ông gầy gò, với đôi gò má xương xương và đôi mắt bất động nằm trên một gương mặt tiều tụy. Ông đã bị căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt hủy hoại sức khỏe chỉ trong vòng vài tháng. Ông luôn hài lòng khi mọi người đến thăm mình. Bởi với ông, điều đó giống như thể mọi người giúp ông hồi sinh. Ông miễn cưỡng sống ẩn dật, bị lãng quên trong chính ngôi nhà ông đã tự tay xây cất, giữa những cuốn sách và những tấm ảnh miêu tả chi tiết những nỗi kinh hoàng của tội ác Shoah(1). Do vậy, mỗi khi một người thân hay một người bạn đến gõ cửa nhà ông, thì việc đó giống như thể họ nhấc lên cánh cửa sập ông tự nhốt mình sau đó và mang lại một chút ánh sáng cho đêm tối của ông.

Ba chúng tôi dùng bữa trưa trong một nhà hàng gần bãi biển. Một ngày đẹp trời. Ngoài một đám mây bùng nhùng đang dần tan ra trong không khí, thì mặt trời độc chiếm cả bầu trời cho riêng mình. Một vài gia đình thư giãn trên cát, có gia đình thì quây quần quanh bữa ăn ngoài trời chuẩn bị qua loa tại chỗ, những gia đình khác lại thích tản bộ với nước ngập đến ngang bắp chân. Bọn trẻ vừa đuổi nhau vừa ríu rít như lũ chim...

- Sao cháu không dẫn Sihem theo? - cuối cùng cụ Yehuda cũng hỏi tôi.

Tim tôi ngừng đập.

Kim suýt nữa thì nuốt chửng quả ô liu, chính cô cũng bị bất ngờ. Cô đã e ngại ông mình sẽ hỏi mấy câu kiểu này, nhưng cô nghĩ ông sẽ hỏi sớm hơn kia và vì không thấy gì nên cuối cùng cô đã lơ là cảnh giác. Tôi thấy người cô cứng đờ, khuôn mặt bừng đỏ, thấp thỏm đợi câu trả lời của tôi như một tên tội phạm chờ bị kết án. Tôi lau miệng bằng khăn ăn và, sau một hồi im lặng trầm ngâm, tôi trả lời rằng Sihem có việc bận. Cụ Yehuda gật đầu và quay ra khuấy khuấy món xúp. Tôi hiểu cụ muốn nói chuyện này chuyện kia, chắc hẳn là để phá tan bầu không khí im lặng ngăn cách chúng tôi, mỗi người đang co lại trong cái xó của mình.

Sau bữa ăn, cụ Yehuda về nhà nghỉ trưa còn Kim và tôi, chúng tôi đi tản bộ trên cát. Chúng tôi dạo khắp từ đầu này đến đầu kia bãi biển, tay chắp sau lưng, tâm trí để lung tung đâu đó. Đôi lúc, một con sóng dữ dội ào đến, lướt qua mắt cá chân chúng tôi rồi lẳng lặng rút đi.

Vừa kiệt sức lại vừa như hồi tỉnh, chúng tôi đi đến một đụn cát để đợi lúc mặt trời lặn. Đêm tối giúp chúng tôi thoát khỏi tình trạng rối bời của mọi việc. Điều đó khiến cả hai chúng tôi thấy dễ chịu.

Cụ Yehuda đến gọi chúng tôi. Chúng tôi vừa ăn tối dưới một mái nhà lợp kính, vừa lắng nghe tiếng biển xô bãi đá. Mỗi lần cụ Yehuda muốn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về gia đình lưu vong của cụ, Kim lại ra hiệu cho cụ rằng cụ đã hứa sẽ không làm hỏng buổi tối. Cụ thừa nhận là đã cam đoan sẽ không lật lại những khổ đau xa xưa và ngồi im trên ghế, thoáng vẻ buồn bã vì phải giữ những kỷ niệm cho riêng mình.

Kim để tôi ngủ trên chiếc giường gấp trong căn phòng phía trên và cô thì ngủ dưới đất, trên một chiếc nệm hơi. Chúng tôi đi ngủ sớm.

Suốt đêm, tôi cố hiểu xem vì sao Sihem lại ra nông nỗi như vậy. Kể từ lúc nào nàng bắt đầu vuột khỏi tầm tay tôi. Sao tôi lại không nhận thấy gì cả?... Chắc chắn nàng phải cố ra hiệu cho tôi, cố nói với tôi điều gì đó mà tôi không kịp thời nắm bắt. Tôi để tâm trí đi đâu nhỉ? Phải rồi, ánh mắt nàng đã mất đi rất nhiều vẻ rạng rỡ, thời gian vừa qua; những tiếng cười của nàng thưa dần, nhưng liệu đó có phải bức thông điệp tôi cần giải mã, là bàn tay chìa ra tôi nhất thiết phải nắm lấy để ngăn cơn lũ đang cướp nàng khỏi tay tôi? Chỉ là những dấu hiệu vô nghĩa đối với một kẻ chẳng tiếc gì công sức để có được mỗi nụ hôn là một lễ hội và mỗi cái ôm ghì đã là cơn cực khoái. Tôi khuấy tung ký ức của mình lên để tìm một chi tiết có thể yên ủi tâm hồn tôi; nhưng chẳng có gì rõ ràng cả. Giữa Sihem và tôi là một tình yêu hoàn hảo - không một nốt lạc điệu nào có vẻ như làm hỏng nổi những bản nhạc ngợi ca tình yêu đó. Chúng tôi thường không nói với nhau, chúng tôi chỉ kể cho nhau như người kể những thiên tình sử hạnh phúc. Nếu có đôi lần nàng than phiền, thì tôi cũng sẽ cho rằng nàng đang hát ca bởi tôi không thể hoài nghi được chuyện nàng đứng ngoài vòng hạnh phúc của tôi trong khi chính nàng là hiện thân trọn vẹn của niềm hạnh phúc ấy. Chỉ duy nhất một lần, nàng nói về cái chết. Lần đó là ở bên một bờ hồ tại Thụy Sĩ, khi chân trời đắm trong ánh hoàng hôn nom như một bức họa bậc thầy: “Em không thể sống thiếu anh một phút nào nữa”, nàng bày tỏ với tôi. “Với em, anh là cả thế giới. Em sẽ chết bất cứ lúc nào không được thấy anh.” Tối hôm đó, Sihem, nàng rạng rỡ trong chiếc váy dài trắng. Đám đàn ông ngồi ở các bàn xung quanh chúng tôi trên sân thượng nhà hàng đắm đuối ngắm nàng. Hồ nước dường như lấy vẻ tươi mát ấy của nàng làm cảm hứng để đón nhận vẻ tươi mát của đêm... Không, không phải nàng cảnh báo tôi ở nơi ấy; nàng thật hạnh phúc, thật chăm chú đến làn gió đang khiến mặt nước xao động; nàng là những gì tươi đẹp nhất mà cuộc sống có thể dâng tặng tôi.

Cụ Yehuda là người thức dậy đầu tiên. Tôi nghe thấy tiếng cụ chuẩn bị cà phê. Tôi gấp chăn lại, mặc quần dài và đi giày, nhảy qua Kim đang nằm co chân ngủ ngay dưới chân giường tôi nằm, tấm ga quấn quanh chân.

Ngoài kia, đêm đang dần tàn.

Tôi đi xuống tầng trệt, chào cụ Yehuda đang ngồi bên chiếc bàn bếp, hai tay cầm một cái bát tỏa khói.

- Chào Amine... Trên bếp có cà phê đấy.

- Để sau ạ, tôi nói với cụ. Cháu đi ngắm bình minh cái đã.

- Một ý tưởng tuyệt vời đấy.

Tôi đi nhanh xuống con đường mòn dẫn ra biển, chiếm một mỏm đá và chú tâm ngắm vệt sáng vô cùng nhỏ nhoi đang xé toạc màn đêm. Cơn gió biển nhè nhẹ luồn dưới áo tôi, làm tung mái tóc tôi. Tôi vòng hai tay ôm lấy đầu gối, khẽ tựa cằm lên đó và không rời mắt khỏi vệt ngang màu trắng sữa đang dần vén vạt áo chân trời lên nữa...

- Hãy để những thanh âm rì rào của sóng biển át đi những thanh âm đang réo gào trong cháu, - cụ Yehuda bất ngờ lên tiếng và ngồi xuống bên cạnh tôi. - Đó là cách tốt nhất để làm nhẹ bớt lòng mình...

Cụ lắng nghe một con sóng hân hoan vỗ vào mỏm đá, đưa cổ tay quệt mũi, và giãi bày với tôi:

- Lúc nào cũng nên ngắm nhìn biển. Đó là một tấm gương không bao giờ biết dối trá. Ta đã học được cách không nhìn lại phía sau mình như thế đấy. Trước đây, mỗi khi quay đầu nhìn lại, ta lại thấy những u sầu và những hồn ma trong ta còn nguyên vẹn. Chúng ngăn cản ta lấy lại niềm vui thú với cuộc sống, cháu hiểu không? Chúng hủy hoại những cơ may hồi sinh từ tàn tro của ta...

Cụ nhặt một viên đá cuội, lơ đãng lắc lắc nó.

Giọng cụ lạc đi khi cụ nói thêm:

- Bởi lý do đó mà đến lúc sắp hết đời ta đã chọn được chết trong ngôi nhà của mình bên bờ nước... Người nào ngắm biển sẽ quay lưng lại với mọi nỗi bất hạnh ở đời. Xét trên khía cạnh nào đó, điều này cũng có lý.

Cánh tay cụ tạo thành hình vòng cung khi cụ liệng viên đá cuội trên sóng.

- Ta đã dành phần lớn cuộc đời mình để theo đuổi những nỗi đau xa xưa, - cụ kể. - Đối với ta, chẳng có gì ý nghĩa bằng một sự tĩnh tâm hay một sự tưởng nhớ. Ta tin rằng mình sống sót khỏi thảm họa Shoah chỉ để nuôi giữ kỷ niệm. Ta chỉ để tâm đến những bia đá tưởng nhớ những người đã khuất. Ngay khi biết ở đâu có khánh thành một bia đá, là ta nhảy ngay lên một chiếc máy bay để được là người đầu tiên đến chứng kiến. Ta đăng ký tham dự tất cả các cuộc hội thảo liên quan đến diệt chủng Do Thái và đi khắp nơi trên thế giới để kể lại những gì dân tộc ta đã phải chịu đựng trong các trại tập trung, giữa những phòng khí ga và những lò thiêu... Nhưng ta đâu có chứng kiến gì nhiều trong thảm họa Holocauste(1). Hồi đó ta mới bốn tuổi. Đôi khi ta tự hỏi phải chăng một vài trong số những hồi ức của ta là hậu quả của những thương tổn tâm lý xảy ra rất lâu sau chiến tranh, trong những căn phòng tối nơi chiếu những thước phim tư liệu về tội ác của bọn phát xít.

Sau hồi lâu im lặng, suốt khoảng lặng ấy cụ phải đấu tranh để kìm nén những dòng cảm xúc trong mình, cụ nói tiếp:

- Ta sinh ra để được hạnh phúc. Tạo hóa dường như đã dành cho ta mọi may mắn. Ta lành lặn về thể xác và tinh thần. Gia đình ta khá giả. Cha ta, một bác sĩ, làm việc cho một phòng khám uy tín nhất Berlin. Mẹ ta dạy lịch sử nghệ thuật ở trường đại học. Gia đình ta sống trong một ngôi nhà tuyệt vời tại một khu phố giàu có. Với một khu vườn rộng như một thảo nguyên. Chúng ta có những gia nhân chăm nom ta, con trai thứ của một gia đình có sáu người con, từng li từng tí.

“Nhưng bọn ta cũng thấy rõ rằng ở thành phố không phải mọi thứ đều màu hồng. Nạn phân biệt chủng tộc lan nhanh, mỗi ngày lan thêm một chút. Người dân tỏ ra không lấy gì làm thân thiện mỗi khi họ gặp bọn ta trên phố. Nhưng ngay khi về đến nhà mình, bọn ta lại được sống giữa niềm hạnh phúc...

“Rồi, một buổi sáng, bọn ta phải từ biệt cuộc sống thanh bình để gia nhập những đoàn người hỗn độn dài dằng dặc, bị trục xuất khỏi nhà mình và bị giao vào tay những con quỷ trong Đêm Thủy tinh(1). Những sớm mai nối tiếp những đêm trường. Buổi sáng mùa thu năm 1938 chắc hẳn là buổi sáng tăm tối nhất. Ta sẽ còn nhớ rất lâu sự im lặng đi kèm nỗi bất hạnh của những con người có ánh mắt trống rỗng ấy và ngôi sao màu vàng(2) làm méo mó khủng khiếp hình dáng trang phục của họ.

- Ngôi sao vàng đã xuất hiện vào tháng Chín năm 1941.

- Ta biết. Thế nhưng, nó vẫn ở đó, in dấu vào mỗi hồi ức của ta, tấn công trí nhớ ta đến tận những hàng rào bảo vệ cuối cùng. Ta tự hỏi liệu có phải ta đã không được sinh ra với... Ta không cao hơn ba trái táo chồng lên nhau là mấy, nhưng dường như ta nhìn được qua đầu những người lớn, và nhìn rất rõ điểm nhỏ nhất từ tít tận chân trời. Đó là buổi sáng duy nhất kiểu như thế trên đời này. Bầu không khí ảm đạm bao vây bọn ta khắp nơi, sương mù xóa nhòa dấu vết của bọn ta trên con đường không có lối trở về. Ta vẫn còn nhớ từng nét run rẩy trên những khuôn mặt đờ đẫn, những vẻ ngây dại chất chứa đầy thảm kịch, những chiếc lá rụng toát lên mùi súc vật chết. Mỗi lần một nhát báng súng khiến một kẻ đau khổ kiệt sức ngã nhào xuống đất, ta lại ngước mắt lên nhìn cha ta để cố hiểu; ông luồn tay vào mái tóc ta và thì thầm: “Không có gì đâu. Sẽ ổn thôi mà...” Ta thề với cháu là ngay lúc này đây, ta vẫn cảm thấy những ngón tay ông lướt trên đầu ta, và ta đang nổi cả da gà...

- Sabba, - Kim đi đến chỗ chúng tôi và đột ngột lên tiếng. Cụ già giơ hai cánh tay lên như một cậu bé nghịch ngợm bị bắt quả tang đang thò ngón tay vào lọ mứt.

- Ta xin lỗi hai cháu. Chuyện đó còn mạnh hơn cả bản thân ta. Ta đã uổng công thề thốt thôi không xoáy dao vào vết thương nữa, đó chính xác là điều ta làm mỗi lần nghĩ rằng có chuyện cần nói.

- Đó là bởi vì ông ngắm biển chưa đủ, sabba yêu quý ạ, - Kim vừa nói vừa dịu dàng xoa xoa cổ cụ.

Cụ Yehuda ngẫm nghĩ hồi lâu những lời nói của cô cháu gái như thể cụ mới được nghe lần đầu. Đôi mắt cụ ánh lên vẻ u ám xa xăm, vẻ u ám bị những ký ức bi thư 624 ơng ám ảnh. Trong vài khoảnh khắc, dường như cụ không còn biết mình đang ở đâu nữa và sau đó cụ khó khăn lấy lại bình tĩnh, cô cháu gái vẫn đặt hai tay sau gáy cụ, cụ lấy lại được một chút minh mẫn.

- Cháu có lý, Kim ạ. Ta nói nhiều quá...

Rồi, cụ run run nói:

- Ta sẽ không bao giờ hiểu được vì sao những kẻ sống sót qua một thảm họa lại luôn cảm thấy họ buộc phải làm cho người khác tin rằng họ có nhiều điều đáng phàn nàn hơn những người đã phải bỏ mạng.

Ánh mắt cụ hướng về phía bãi biển, chìm đắm giữa những ngọn sóng và sắp tan biến đi ngoài biển khơi còn bàn tay trắng đục của cụ dần đưa lên nắm lấy bàn tay cô cháu gái.

Ba chúng tôi, mỗi người co lại trong sự im lặng của mình, chúng tôi nhìn ngắm chân trời được rạng đông chiếu sáng rực rỡ bằng hàng nghìn tia sáng, một vài tia sáng của ngày mới đang đến này, dù không hơn gì những tia sáng của ngày trước đó, nhưng lại mang đến đủ ánh sáng cho trái tim mỗi người.

Hết chương 6. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26832


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận