Nhà Tiên Tri Cuối Cùng Mở Đầu


Mở Đầu
Từ những ghi chép lịch sử

"Hồng ân lớn lao nhất dành tặng cho nhân loại khởi nguồn từ cơn giận dữ, ấy chính là một mó`n quà thiêng liêng."

Socrates(1), trong cuốn Nhà Tiên tri của Delphi(2)


 

Người Hy Lạp cổ đại với đền thờ các vị thần đã giữ trong mình niềm tin vĩnh cửu về quyền lực của lời tiên tri. Họ sùng kính những ai có khả năng đọc thấu điềm báo qua từng khúc ruột của loài dê, người thấy trước tương lai từ trong màn khói của ngọn lửa cúng thần, người dự đoán các sự kiện dựa vào điềm báo từ những khúc xương được tung hứng. Nhưng một nhân vật được đặt ở vị trí tôn kính nhất: đó là Nhà Tiên tri huyền bí của Delphi.

Trải qua gần hai ngàn năm, có biết bao những phụ nữ được canh gác nghiêm ngặt đã sống trong đền thờ Apollo(3) trên sườn núi Parnassus. Cứ mỗi thế hệ, một người phụ nữ độc thân sẽ bước lên ngôi vị tiên tri và lấy tên Pythia. Trong khi bị thôi miên bằng hơi nước, nàng sẽ trả lời những câu hỏi về tương lai - từ nội dung trần tục cho đến chủ đề uyên thâm.

Những người ngưỡng mộ nàng còn bao gồm cả những nhân vật chủ chốt của lịch sử Hy Lạp và La Mã cổ đại: Plato, Sophocles, Aristotle, Plutarch, Ovid. Ngay cả những tín đồ Cơ đốc sơ khai cũng tôn thờ nàng. Michelangelo đã vẽ chân dung nàng nổi bật trên mái vòm nhà nguyện Sistine, báo trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu.

Nhưng phải chăng nàng chỉ là một người giả dối, đánh lừa quần chúng bằng những câu trả lời khó hiểu? Dù sự thật là gì đi chăng nữa, thực tế vẫn còn nằm ngoài tranh luận. Nhận được sự tôn kính từ các vị vua và ngay cả những thống lĩnh anh hùng của thế giới cổ đại, lời tiên tri của Pythia đã biến đổi tiến trình lịch sử nhân loại.

Và trong lúc biết bao câu chuyện về nàng vẫn còn gói ghém trong huyền bí và thần thoại, một sự thật được phơi bày. Năm 2001, các nhà khảo cổ học và địa chất học khám phá ra một sự liên kết kỳ lạ của những mảng kiến tạo nằm sâu dưới dãy núi Parnassus, cùng với khí hydrocacbon mang theo etylen thoát ra, có khả năng gây trạng thái phấn chấn như bị thôi miên xen lẫn ảo giác, rất giống với nguồn hơi nước được mô tả trong những ghi chép lịch sử.

Dù khoa học có phát hiện được một trong những bí mật của Pythia, sự thật sau cùng vẫn còn là ẩn số:

Phải chăng Nhà Tiên tri thực sự thấy trước tương lai? Hay đó chỉ là cơn giận dữ của thánh thần?

 

 

Người nào hiểu bản thân họ và nhân thế,


sẽ hiểu được vũ trụ và thánh thần.

- Khắc mục tại đền thờ Delphi

 

Năm 398 sau Công nguyên

Núi Parnassus

Hy Lạp

Họ đến để giết nàng.

Người phụ nữ đứng ở hàng hiên của ngôi đền. Nàng run rẩy trong bộ phục trang mỏng manh, một chiếc áo váy đơn giản với đai bằng vải lanh trắng thắt ngang eo, nhưng không đến nỗi lạnh như cái rét trước buổi rạng đông khiến xương nàng tê cứng.

Dưới kia, một đám rước đuốc đổ về dọc sườn núi Parnassus như một dòng sông lửa. Nó cứ trôi trên con đường lát đá mang tên Linh thiêng, vượt qua cả những chỗ ngoặt gập ghềnh hướng đến đền thờ thần Apollo. Tiếng va đập của lưỡi kiếm vào khiên chắn đồng hành với bước đi của họ, một đạo quân đầy đủ của quân đoàn La Mã, năm trăm con người mạnh mẽ. Con đường uốn lượn qua những di tích đổ nát cùng những kho báu trải dài đã qua bàn tay cướp phá. Bất cứ thứ gì có thể thiêu rụi phút chốc trở thành nạn nhân của những ngọn đuốc.

Khi ánh lửa nhảy múa trên đống đổ nát, nó đóng vai một ảo tưởng lung linh cho thời kỳ vinh quang hơn, một sự phục chế nhiệt thành cho huy hoàng thuở trước: những kho báu ngập tràn vàng bạc, trang sức, vô số các bức chạm khắc từ những nghệ nhân điêu luyện nhất, những đám đông trật tự lắng nghe lời sấm truyền của Nhà Tiên tri.

Đã không còn nữa.

Cả thế kỷ qua, Delphi bị hạ bệ bởi cuộc xâm lăng của người Gaul(1), bởi trận cướp bóc của người Thracia(2), nhưng trên hết là sự quên lãng. Giờ vài người đã đến đây đón nhận những lời lẽ từ Nhà Tiên tri: một người chăn dê chất vấn về lòng trung thành của bà vợ, hay một thủy thủ tìm kiếm những điềm tốt cho hành trình trên vịnh Corinth(1).

Đó là sự kết thúc của các thời kỳ, một kết cục cho Nhà Tiên tri xứ Delphi. Sau ba mươi năm tiên đoán, nàng trở thành người cuối cùng mang cái tên Pythia.

Nhà Tiên tri cuối cùng của Delphi.

Nhưng gánh nặng này lại mang một thách thức cuối cùng.

Pythia quay về hướng Đông, nơi bầu trời bắt đầu rực sáng.

Ô kìa, chính là nữ thần bình minh, thần Eos của màu hoa thắm đỏ, đang thúc giục vị thần ánh sáng Apollo buộc dây cương vào cỗ xe tứ mã Mặt trời.

Trong số những chị em của Pythia có một tăng nữ trẻ, người đã theo gót nàng bước ra khỏi đền thờ. "Chủ nhân, hãy đi theo chúng tôi," người phụ nữ trẻ khẩn thiết. "Vẫn chưa quá muộn. Chúng ta và mọi người vẫn còn có thể thoát được, tới những hang động cao."

Pythia đặt một bàn tay lên vai người phụ nữ để trấn an. Suốt đêm qua, những phụ nữ khác đã chạy trốn đến những ngọn núi hiểm trở, nơi hang động của thần Dionysus(2) sẽ chở che họ. Nhưng Pythia còn phải thực hiện một nhiệm vụ cuối cùng nơi đây.

"Chủ nhân, quả thật không còn thời gian để đưa ra lời tiên tri cuối cùng này đâu."

"Ta phải làm điều đó."

"Vậy hãy thực hiện ngay thôi. Trước khi quá muộn."

Pythia quay đi. "Chúng ta phải đợi đến buổi bình minh của ngày thứ bảy. Đấy mới là con đường của chúng ta.

Tối qua khi mặt trời lặn, Pythia đã cất công chuẩn bị mọi thứ. Nàng đã tắm ở suối bạc của người Castilia(1), uống nước suối Kassotis(2) và đốt lá nguyệt quế trên một bệ thờ bằng đá cẩm thạch đen bên ngoài ngôi đền. Nàng đã tuân thủ chính xác nghi lễ, đúng như trình tự mà nhà tiên tri Pythia đầu tiên thực hiện cách đây hàng ngàn năm.

Duy chỉ có lần này, Nhà Tiên tri không còn đơn độc trong lễ rửa tội của nàng.

Bên cạnh nàng là một bé gái, chưa đến mười hai xuân xanh.

Một sinh linh thật bé nhỏ, xuất hiện rất diệu kỳ.

Đứa bé mình trần trong làn nước suối nguồn, được bà vú tắm gội và xức dầu thánh. Cô bé không nói tiếng nào, chỉ đứng đó với một cánh tay vươn ra, úp mở năm ngón như thể đang nắm lấy vật gì chỉ mình cô nhìn thấy. Chúa Trời đã đày ải đứa trẻ, hay chỉ là chưa ban phúc lành một cách công bằng? Chắc chắn không phải do thần Apollo. Lời tiên tri về đứa trẻ của ba mươi ngày trước chỉ có thể do các vị thần ban tặng. Những lời lẽ lan truyền làm bùng lên những ngọn lửa mà giờ đây đã tỏa đến Delphi.

Về một đứa trẻ mới xuất hiện.

Pythia bằng lòng cho phép Delphi trôi dần vào quên lãng. Nàng ghi nhớ lời răn của một trong những người tiền nhiệm, rằng cái chết vùi sâu hàng thế kỷ là một điềm đáng ngại.

Hoàng đế La Mã Augustus từng hỏi người chị gái đã quy tiên của mình: "Tại sao những Nhà Tiên tri lại trưởng thành trong
lặng lẽ?"

Người chị gái đáp: "Một cậu bé Do Thái, vị thần cai trị chúng sinh được ban phước lành, truyền lệnh cho ta rời khỏi ngôi
nhà này..."

Những lời lẽ ấy minh chứng cho một lời tiên tri có thật. Sự sùng kính Chúa Giê-su mở đường cho sự lụi tàn của đế chế và dập tắt bất cứ hy vọng nào muốn quay trở về những đường mòn xưa cũ.

Một tháng trước đây, cô bé xa lạ đã được dẫn lối theo những bước đi của nàng.

Pythia thoáng nhìn những ngọn lửa và hướng về chính điện, căn phòng riêng bên trong đền thờ Apollo. Cô bé đợi nàng ở đó.

Cô bé là một đứa trẻ mồ côi từ thị trấn Chios xa xôi. Đã từ lâu, nhiều người mang đến đây những đứa trẻ, tìm cách trút bỏ gánh nặng cho hội thánh nữ. Hầu hết trong số chúng bị trả về. Chỉ có những bé gái tinh túy nhất được phép ở lại: dáng thẳng, mắt trong và thuần khiết. Thần Apollo sẽ không bao giờ chấp nhận một con tàu chắp vá cho hành trình đến bến bờ tiên tri của mình.

Khi nhành liễu ấy mình trần xuất hiện trên những nấc thang của đền thờ Apollo, Pythia tuyệt nhiên còn không để ý đến cô bé. Đứa bé nhếch nhác, mái tóc sẫm màu rối bù, trên da hằn lên những vết sẹo đậu mùa. Nhưng sâu thẳm bên trong, Pythia cảm nhận có điều gì đó bất ổn với đứa trẻ. Cái cách cô bé đung đưa người từ trước ra sau. Cả đôi mắt cũng nhìn chăm chăm bất định.

Những thánh nữ bảo trợ của nàng đã đón lấy đứa trẻ được các vị thần chỉ định. Bằng cái thoáng nhìn đơn thuần, cô bé có thể đếm số quả ô-liu trên cây, tuyên bố cả thời điểm một cừu mẹ sẽ sinh con bằng một cái chạm tay.

Mối bận tâm của Pythia trở nên khuấy động từ khi nghe những câu chuyện ấy. Nàng cho gọi cô bé đến bên, ngay ở lối vào ngôi đền. Cô bé ngoan ngoãn vâng lời, nhưng chuyển động cứ như không hề nối kết, như thể chính gió đẩy cô về phía trước. Pythia phải kéo tay cô bé đến ngồi ở nấc thang cao nhất.

"Nói cho ta biết tên của con được không?" Nàng cất tiếng hỏi đứa trẻ gầy guộc.

 

"Cô bé tên là Anthea," một trong những nữ bảo trợ đáp lại từ
bên dưới.

Pythia vẫn tập trung nhìn đứa trẻ. "Anthea, con biết vì sao con được đưa tới đây không?"

"Nhà trống không rồi," cuối cùng đứa trẻ cũng cất tiếng lầm bầm với cái sàn nhà.

Ít nhất thì cô bé cũng có thể nói được. Pythia liếc nhìn vào bên trong ngôi đền. Ngọn lửa từ lò sưởi đã thiêu rụi cả một phần giữa của khu thờ chính. Quả thật là trống không vào lúc này, nhưng lời của đứa trẻ dường như ám chỉ điều gì đó sâu xa hơn.

Có thể đấy là thói quen của cô bé. Thật lạ lùng, quá xa cách, như thể cô bé đứng một chân ở thế giới này còn chân kia ở ngoài thế giới thực tại.

Đứa trẻ ngước nhìn lên với cặp mắt xanh trong đầy ngây thơ, trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ tuôn ra từ đôi môi kia.

"Người già rồi. Chẳng bao lâu người sẽ chết."

Ở bên dưới, vị nữ bảo trợ định quở trách cô bé nhưng Pythia vẫn giữ giọng nhẹ nhàng. "Tất cả chúng ta cuối cùng rồi sẽ chết, Anthea à. Đấy mới là trật tự của thế giới."

Cô bé lắc đầu. "Không phải cậu bé Do Thái."

Ánh mắt lạ lùng ấy dán chặt vào nàng. Lạ lùng đến mức từng sợi lông trên cánh tay Pythia cũng phải rung lên. Rõ ràng cô bé đã được học giáo lý tôn thờ Chúa Giê-su cũng như nỗi thống khổ của ngài trên cây thập giá đẫm máu. Nhưng những lời lẽ ấy vẫn tiếp tục. Vẫn với ngữ điệu lạ lùng.

Cậu bé Do Thái...

Điều đó nhắc nàng nhớ đến lời tiên tri về số phận của tổ
tiên nàng.

"Nhưng kẻ khác sẽ đến," cô bé lại cất tiếng. "Cậu bé khác."

 

"Cậu bé khác ư?" Pythia nghiêng người lại gần. "Ai? Từ
đâu tới?"

"Từ trong những giấc mơ của ta." Cô bé cọ cọ cổ tay vào
tai mình.

Cảm nhận rằng còn điều gì sâu kín trong cô bé chưa được
hé lộ, Pythia tiếp tục thăm dò. "Cậu bé này?" Nàng lên tiếng.
"Cậu ấy là ai?"

Câu trả lời của đứa trẻ khiến cả đám đông há hốc miệng kinh ngạc - họ nhận ra đấy là sự báng bổ khi họ nghe nói.

"Là anh em của cậu bé Do Thái." Đứa trẻ nắm chặt mép váy của Pythia. "Cậu ấy bùng lên trong giấc mơ của ta...  và rồi cậu ấy sẽ thiêu đốt tất cả. Sẽ chẳng còn gì nữa. Kể cả thành Rome."

Cả tháng qua, Pythia đã cố công tìm hiểu về sự diệt vong ấy, đưa cô bé hòa nhập cùng các con chiên của hội thánh nữ. Nhưng đứa trẻ dường như chỉ thu mình lại, lặng im. Vẫn còn một cách để khám phá sâu hơn.

Nếu cô bé thực sự được ban phước, quyền lực từ hơi thở của thần Apollo - hơi thở tiên tri - có thể sẽ đốt cháy và hé mở những gì ẩn giấu đằng sau sự lạ lùng của cô bé.

Nhưng có còn đủ thời gian?

Cái chạm nhẹ vào khuỷu tay nàng đã làm cắt ngang dòng mơ tưởng của nàng, kéo nàng về với thực tại. "Chủ nhân, mặt trời..." cô em gái nhỏ của nàng giục giã.

Pythia hướng tập trung về phía Đông. Bầu trời phương Đông sáng rực báo hiệu bình minh. Bên dưới kia, quân đoàn La Mã rộn lên những tiếng la hét. Lời của cô bé đã ứng nghiệm. Những lời tiên tri về diệt vong đã vang vọng rất xa...  ngay đến hoàng đế cũng nghe thấu. Người đưa tin của hoàng đế đề nghị gửi đứa trẻ đến thành Rome, loan báo rằng cô mắc phải căn bệnh quỷ ám.

 

Pythia từ chối. Các vị thần đã gửi đứa trẻ đến tận ngưỡng cửa của nàng, tới đền thờ Apollo. Pythia sẽ chẳng thể nào từ bỏ cô bé mà không hề tìm hiểu hay đặt mối nghi ngờ nào.

Đằng Đông, những tia nắng mặt trời đầu tiên đã chiếu rọi bầu trời sớm mai.

Ngày thứ bảy của tháng thứ bảy đã ló dạng.

Thời gian họ chờ đợi đã chín muồi.

Pythia quay lưng bỏ lại quân đoàn đang hừng hực lửa. "Đi thôi. Chúng ta phải nhanh lên."

Nàng lướt nhanh vào trong điện thờ. Ở đây những ngọn lửa cũng đón chào nàng, nhưng là hơi ấm của sự hoan nghênh tỏa ra từ lò sưởi linh thiêng của điện thờ. Hai người chị gái vẫn trông nom ánh lửa, họ đã quá già nua không còn đủ sức đối mặt với những khắc nghiệt trong hành trình trốn chạy đến hang động.

Nàng lần lượt gật đầu tỏ lòng biết ơn đến hai người rồi vội vã băng qua lò sưởi.

Ở phía sau ngôi đền, cầu thang dẫn xuống một chính điện bí mật. Chỉ những ai phục dịch cho Nhà Tiên tri mới được phép bước vào chính điện ngầm sâu dưới lòng đất. Khi nàng bước xuống, cẩm thạch biến thành đá vôi thô. Những bậc thang dẫn vào một hang động nhỏ. Cái hang đã được một người chăn dê phát hiện cách đây từ lâu lắm, người đã chao đảo bởi hơi thở ngọt ngào của thần Apollo và không cưỡng nổi những ảo ảnh lạ thường khi tiến gần đến cửa hang rộng mở.

Những món quà như vậy chỉ còn tồn tại trong một sớm
bình minh.

Pythia tìm thấy đứa trẻ đang đợi nàng trong hang. Cô bé mặc một chiếc áo thầy tu quá cỡ, ngồi bắt chéo bên cạnh cái tháp bằng đồng ba chân, đỡ lấy điểm trụ linh thiêng, một viên đá hình vòm cao ngang thắt lưng tượng trưng cho cái rốn của thế giới, trung tâm vũ trụ.

Vật trang trí duy nhất trong hang là một chiếc ghế đơn được ba chân đôn cao. Nó trụ được nhờ một vết nứt tự nhiên trên sàn. Mặc dù từ lâu đã quen với hơi thở thần Apollo, Pythia vẫn bị ấn tượng bởi mùi hương tỏa ra từ bên dưới, mùi hoa hạnh nhân.

Linh hồn của thần thánh, hơi thở tiên tri của ngài.

"Thời gian đã điểm," nàng nhắc cô em gái nhỏ đã theo gót nàng tới nơi đây. "Hãy mang đứa trẻ lại đây cho ta."

Pythia băng ngang qua tháp ba trụ và bước lên ghế. Bốc lên từ vết nứt dưới sàn, làn hơi nước bủa vây, nàng đắm mình trong hơi thở của Apollo. "Nhanh lên nào."

Cô em gái ôm lấy đứa trẻ và đặt vào lòng Pythia. Pythia nhẹ nhàng bế đứa bé như một bà mẹ bế đứa con yêu, nhưng đứa trẻ chẳng hề đáp lại tình cảm âu yếm đó.

Pythia đã cảm thấy linh hồn đang bốc lên từ mặt đất dưới chân cô. Một cảm giác râm ran quen thuộc chạy dọc chân tay nàng. Cổ họng nàng bừng bừng ấm áp khi thần Apollo hóa thân vào nàng. Không gian trước mắt nàng bắt đầu thu hẹp lại.

Nhưng đứa trẻ nhỏ bé hơn nàng, dễ bị tổn thương hơn bởi
linh hồn.

Đầu cô bé ngả về sau; mí mắt rũ xuống. Một điều chắc chắn, cô bé không thể chịu đựng lâu trước sự thâm nhập của thần Apollo. Nếu còn chút hy vọng sót lại, cô bé cũng phải trải qua những
chất vấn.

"Này cô bé," giọng Pythia vang lên, "hãy nói cho chúng ta biết thêm về cậu bé và sự diệt vong mà con từng nghe thấy. Cậu ấy sẽ hiện thân ở đâu?"

Đôi môi nhỏ bé khẽ thì thầm. "Từ trong ta. Từ trong những giấc mơ của ta."

 

Những ngón tay nhỏ siết chặt bàn tay Pythia.

Lời lẽ tiếp tục tuôn trào từ đôi môi bé bỏng. "Nhà nàng trống không rồi... những dòng suối của nàng cũng khô cạn. Nhưng mạch suối nguồn tiên tri vẫn chảy."

Cánh tay Pythia ôm chặt lấy đứa trẻ. Sự đổ nát còn vương lại ngôi đền đã quá lâu. "Một mạch suối mới." Hy vọng dâng trào qua giọng nói của nàng. "Tại đây, tại Delphi sao?"

"Không..."

Nhịp thở của Pythia dồn dập hơn. "Vậy dòng suối khởi nguồn
từ đâu?"

Môi cô bé động đậy nhưng không còn phát ra tiếng.

Nàng lay cô bé. "Từ đâu?"

Cô bé nhấc cánh tay mềm nhũn rồi đặt một bàn tay lên
bụng mình.

Cái chạm ấy khiến Pythia cảm nhận mọi thứ chợt hiện rõ, dòng nước bạc phun ra từ rốn cô bé, khởi mạch từ dạ con. Suối nguồn tươi mới. Nhưng phải chăng đó là ảo mộng do thần Apollo khơi dậy? Hay được sinh ra từ hy vọng của riêng nàng?

Một tiếng thét bỗng xuyên ngang những mụ mị của nàng. Âm thanh đanh thép vang vọng, nhỏ dần. Từ trên bậc thang, một nhân vật bỗng lọt vào tầm mắt. Đó là người thánh nữ già trông coi ngọn lửa thờ. Một tay bà nắm chặt lấy vai. Dòng máu thẫm đỏ chảy dài. Đầu mũi tên đen kịt nhô ra giữa những ngón tay người thánh nữ.

"Quá trễ rồi," bà hét lớn và khuỵu xuống. "Người La Mã..."

Pythia nghe thấy tiếng bà nhưng vẫn còn chìm trong làn hơi. Sâu trong đáy mắt, nàng hình dung ra mạch suối đang tuôn tràn từ cô bé, cội nguồn mới của sức mạnh tiên tri. Đồng thời Pythia cũng ngửi thấy mùi khói lan tỏa từ những ngọn đuốc của người La Mã. Máu và khói len vào tạo thành ảo ảnh. Mạch suối bạc giờ đây song hành cùng với một dòng suối đỏ thẫm, lướt nhanh vào tương lai.

 

Đứa trẻ đột nhiên tụt xuống khỏi cánh tay nàng, ngập trong làn hơi của linh hồn. Trong khi Pythia đắm chìm với ảo ảnh, nàng thấy dòng suối đen biến thành một cái bóng đen...  bóng của một cậu bé. Ngọn lửa bừng cháy đằng sau bóng dáng ấy.

Lời của đứa trẻ một tháng trước đây vọng tới tai nàng.

Người anh em của cậu bé Do Thái...  cậu bé sẽ thiêu rụi cả thế giới.

Pythia đỡ lấy cô bé với thân thể mềm oặt. Lời tiên tri của đứa trẻ đã khơi gợi cả sự diệt vong và cứu rỗi. Có lẽ tốt hơn hết là để lại cô bé cho quân đoàn hoàng gia, kết thúc một tương lai bất định tại đây. Những giọng nói đanh thép đã vang xuống từ trên cao. Không còn đường thoát. Ngoại trừ cái chết.

Thế nhưng ảo ảnh vẫn hiện rõ trong nàng.

Apollo đã trao gửi đứa trẻ. Đến tay Pythia.

Mạch suối nguồn tươi mới sẽ chảy.

Nàng hít một hơi thật sâu, để thần Apollo được ngập tràn trong cơ thể.

Ta phải làm gì đây?

 

Viên chỉ huy quân đoàn La Mã băng ngang qua sảnh thờ. Mang theo những sớ lệnh. Thực thi nhiệm vụ giết chết cô bé đã nói ra sự diệt vong của đế chế. Tối qua, họ đã bắt giữ một trong những tôi tớ của đền thờ, một cô hầu gái. Dưới sức ép của những trận đòn - trước lúc bị đày đọa bởi những tên lính - cô đã tiết lộ rằng đứa trẻ vẫn ở trong ngôi đền.

"Mang đuốc tới đây!" hắn hét lên. "Tìm mọi ngõ ngách!"

Bóng dáng ai chuyển động đằng sau sảnh thờ khiến hắn chú ý - và rút gươm.

Một phụ nữ xuất hiện đằng sau bóng tối của một bậc thang thấp. Nàng vấp ngã về phía trước, bước chân đan vào nhau, mất thăng bằng, mê muội. Trong trang phục trắng toát, nàng đội vương miện kết bằng nhành nguyệt quế.

Hắn biết ai đang đứng trước mặt mình.

Nhà Tiên tri của Delphi.

Viên chỉ huy bỗng trở nên run sợ. Cũng như những tên lính của quân đoàn, hắn vẫn bí mật tôn thờ những lề lối cũ. Ngay cả tục lệ mổ bò thờ thần mặt trời Mithra và tắm trong máu của chúng.

Mặt trời vẫn sẽ mọc.

Không có gì ngăn cản nổi.

"Ai dám xâm phạm đền thờ Apollo?" nàng hét lớn.

Ánh mắt nặng ngàn cân của đám binh sĩ khiến viên chỉ huy
tiến lại, đối mặt với người phụ nữ ấy. "Hãy mang cô bé ra đây!" hắn ra lệnh.

"Cô bé đã ra đi. Xa khỏi tầm với của nhà ngươi."

Viên chỉ huy biết điều đó là không thể. Ngôi đền đã bị bao vây.

Nhiệm vụ vẫn dồn hắn về phía trước.

Nhà Tiên tri ngăn cản bước tiến của hắn đến cầu thang. Nàng dùng lòng bàn tay đẩy giáp che ngực viên chỉ huy. "Chính điện bên dưới cấm tất cả đàn ông."

"Nhưng không cấm được hoàng đế. Còn ta làm theo sắc lệnh
của ngài."

Nàng cương quyết không lùi bước. "Ông không thể qua đây."

Viên chỉ huy có sớ lệnh trao tay từ con trai hoàng đế - hoàng tử Arcadius - với con dấu đóng sẵn của Hoàng đế Theodosius. Các vị thần buộc phải im lặng, đền thờ dành cho họ cũng bị phá hủy. Mọi nơi trong đế quốc, kể cả Delphi. Viên chỉ huy được trao một lệnh bổ sung.

Hắn sẽ vâng lệnh.

Gươm của hắn đâm sâu vào bụng Nhà Tiên tri và thúc mạnh đến tận cán. Hơi thở hổn hển khẽ hắt ra khỏi người nàng. Nàng ngã vào vai hắn như rơi vào vòng tay của một người tình. Hắn lách vai đẩy nàng ra khỏi cơ thể mình đầy hung bạo.

 

Máu bắn tung tóe trên áo giáp của hắn, lên cả sàn nhà.

Nhà Tiên tri sụp xuống nền đá cẩm thạch, nghiêng người một bên. Cánh tay run rẩy chạm vào vũng máu. Lòng bàn tay nàng đặt trên đó. "Suối nguồn tươi mới..." nàng thì thầm như thể một lời hứa.

Cơ thể nàng chùng xuống, cận kề với cái chết.

Viên chỉ huy bước qua xác nàng và chĩa gươm về phía trước, dẫn lối hắn lần theo những bậc thang đến một hang động nhỏ, tù mù. Xác một phụ nữ đã già nằm trong vũng máu đen vì bị tên bắn. Chiếc ghế ba chân đã đổ lật bên cạnh vết nứt dọc ngang trên sàn. Hắn lùng sục hết các ngõ ngách trong hang rồi quay ngoắt một vòng.

Không thể nào!

Căn phòng trống rỗng.

 

Tháng 3 năm 1959

Dãy núi Carpathian

Romania

Thiếu tá Yuri Raev leo ra khỏi chiếc xe tải ZiS-151 của Nga, đáp xuống 5075 con đường đất đã bạc màu. Chân ông run lên dưới sức nặng cơ thể. Để lấy lại thăng bằng, ông dựa tay lên cánh cửa thép màu xanh lá của chiếc xe đã méo mó, vừa nguyền rủa vừa biết ơn. Đoạn đường lên núi dằn xóc kéo dài cả tuần liền vẫn khiến sống lưng ông ê ẩm. Đến mấy cái răng hàm cũng có cảm giác lỏng lẻo bên trong hộp sọ. Nhưng cần phải có phương tiện thô kệch vạm vỡ ấy mới có thể leo nổi những chỗ dốc đầy đá cùng những con đường ngập nước để đến được khu đóng quân mùa đông hẻo lánh.

Ông liếc nhìn qua vai thấy cánh cửa hậu thông với sàn xe
sập xuống. Lính tráng trong những bộ quân phục đen trắng nhảy ra ngoài. Trang phục mùa đông của họ hòa lẫn với tuyết và màu đá hoa cương của vùng cao nguyên rậm rạp cây cối. Sương mù
buổi sớm vẫn còn vương vãi trong những hốc đá như những bóng ma ủ rũ.

Lính tráng bắt đầu chửi thề và giậm ủng. Mấy đốm lửa nhỏ lập lòe khi những điếu thuốc rơi vãi hay bị gí trên nền đất. Trong tiếng lách cách huyên náo, họ đang chuẩn bị sẵn sàng cho những khẩu súng trường Kalashnikov(1) chuyên dụng. Nhưng họ chỉ là đội quân hậu phương, nghĩa là luôn ở trong trạng thái phòng ngự.

Yuri xoay về phía trước khi viên cấp phó, Trung úy Dobritsky, bước đến. Anh chàng là một người Ukraina dày dạn với gương mặt lỗ chỗ và cái mũi khoằm, trang bị đầy đủ đồ nghề ngụy trang mùa đông. Những vết đỏ vì kính tuyết vẫn còn hằn xung quanh đôi mắt chàng trai.

"Thưa ngài, Thiếu tá, khu vực đóng quân an toàn."

"Họ đấy à? Những kẻ ta đang tìm kiếm sao?"

Dobritsky nhún vai, để cho Yuri tự phán xét. Họ đã gặp phải một báo động giả, cuộc tấn công bất ngờ của những nông dân sắp chết đói muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc khai thác đá.

Yuri cau mày. Những ngọn núi này từng thuộc về một kỷ nguyên khác, Thời Kỳ Đồ Đá, lạc hậu, đầy rẫy mê tín dị đoan và đói nghèo. Vùng cao nguyên rừng rú hiểm trở còn là nơi nương náu hoàn hảo cho những ai muốn ẩn mình.

Yuri bước sang một bên, xem xét độ cong của cung đường mòn mấp mô nhưng dù sao vẫn là một con đường. Bùn lầy và tuyết bị khuấy tung lên bởi những chiếc xe dẫn đường. Xuyên qua mấy hàng cây, Yuri phát hiện khoảng hai chục chiếc môtô hiệu IMZ-Ural(2), mỗi chiếc chở theo một người lính có vũ trang trên xe thùng. Những chiếc xe hạng nặng đã rà soát trước, đảm bảo an toàn cho khu vực, cắt đứt mọi phương thức tẩu thoát.

Tin đồn và những lời khai bóp méo sự thật đã lan đến nơi xa xôi này. Vẫn còn đó mong muốn gột rửa vùng đất cao nguyên và thiêu rụi vài mái nhà để hun nóng những miệng lưỡi băng giá ngoại đạo. Ít ai sẵn sàng nói về người Romani sống ở vùng núi Carpathian. Đặc biệt là những câu chuyện kể về một gia tộc biệt lập, thì thầm những âm thanh của yêu tinh ma quỷ(1). Linh hồn và những tên phù thủy xấu xa.

Nhưng cuối cùng người ta có tìm thấy chúng không?

Trung úy Dobritsky tháo ủng. "Làm gì đây, thưa Thiếu tá?"

Yuri nhận thấy chất giọng khá gắt trên môi anh chàng Ukraina. Mặc dù là thiếu tá trong Quân đội Xô viết, Yuri chưa từng là lính. Ông thấp hơn Dobritsky cả một cái đầu, bụng hơi phệ còn khuôn mặt thì trắng bệch như bột nhào. Được tuyển chọn từ Trường Đại học Quốc gia Leningrad, ông được thăng cấp thông qua các ngạch trong ngành khoa học của quân đội. Ở tuổi hai mươi tám, ông đã là trưởng phòng thí nghiệm sinh học - vật lý tại Viện Kiểm soát Quốc gia về Nghiên cứu Y Sinh.

"Đại úy Martov đâu rồi?" Yuri hỏi. Đại diện Cơ quan Tình báo Quân đội Xô viết hiếm khi rời mắt khỏi Dobritsky, luôn túc trực trước mọivấn đề.

"Đang đợi ta ở lối vào khu vực đóng quân."

Dobritsky đi bộ theo một đường mòn thẳng tắp nối đến trục đường chính. Yuri sánh bước bên lề, chỗ mặt đất vẫn còn đóng băng, tiện hơn khi bước đi. Đến đoạn dốc cuối cùng, viên trung úy chỉ về hướng một khu trại được che chắn bởi những vách đá dốc đứng và bao quanh bởi cây cối um tùm.

"Dân du mục," Dobritsky lẩm bẩm. "Như ngài yêu cầu,
thưa ngài?"

Nhưng đây có chính xác là gia tộc người Romani?

Phía trước, có mấy toa xe ngựa của người Gypsy được sơn màu xanh lá và màu đen nhợt nhạt, bánh xe phải cao cỡ Yuri. Vài lớp sơn đã tróc để lộ gam màu đậm phía sau, dấu ấn của thời kỳ tươi đẹp. Những chiếc xe ngựa bằng gỗ cao ngất phủ đầy tuyết, viền quanh là những lớp băng. Cửa sổ bị ăn mòn vì sương muối giá buốt. Các vết đen đánh dấu tàn dư của lửa trại. Phía sâu bên trong, hai đống lửa vẫn cháy bùng, ngang ngửa với chiếc xe ngựa cao nhất. Một chiếc xe khác đứng yên như đống gỗ vụn và bị cháy sém bên cạnh đám trấu.

Mấy chú ngựa chiến đã võng lưng tựa đầu thẫn thờ một bên, dưới mái che chất đầy ván gỗ thu gom và hàng đống đá. Dê và cừu dạo chơi thong thả qua khu trại.

Quân lính đã bao vây khu vực. Vài xác chết tả tơi gói ghém trong những chiếc áo khoác bằng lông nằm ngổn ngang đây đó. Cuộc sống sinh hoạt có vẻ khá hơn chút đỉnh. Cư dân của khu trại bị lôi ra từ xe ngựa và những chiếc lều bạt cồng kềnh.

Những tiếng la thất thanh nổi lên từ sâu trong khu trại khi những người dân du mục cuối cùng bị vây bắt. Một tràng hỏa lực tự động vang rền. Những khẩu súng trường Kalashnikov. Yuri quan sát đám đông, mắt họ không lay chuyển. Vài phụ nữ quỳ trên nền đất khóc nức nở. Những người đàn ông da đen sạm vẫn cứng cỏi để mắt đến những vị khách không mời bằng ánh nhìn căm thù. Hầu như ai cũng đổ máu, bị thương hoặc gãy chân tay.

"Lũ trẻ đâu hết cả?" Yuri lên tiếng hỏi.

Tiếng trả lời phát ra ngay cạnh ông, nhanh nhẹn và giòn tan như những tảng băng phủ lên mảnh đất cao nguyên này. "Bị giữ lại trong nhà thờ."

 

Yuri ngoảnh lại phía người nói, đó là Đại úy Savina Martov, sĩ quan tình báo của đặc mệnh. Bà mặc chiếc áo choàng đen có mũ trùm. Mái tóc đen quyện với viền mũ làm bằng lông chó sói Nga.

Bà nhấc một cánh tay mảnh khảnh chỉ về hướng tháp chuông đằng xa khu lều và những chiếc xe ngựa. Dường như đó là kiến trúc cố định duy nhất ở đây. Được xây dựng hoàn toàn bằng đá
khai thác tại chỗ, nhà thờ lọt thỏm giữa những vách đá lởm chởm bao quanh.

"Lũ trẻ đã được tập hợp ở đó trước khi quân đội của ta đến," Savina thuật lại.

Dobritsky gật đầu. "Phải nghe thấy tiếng động cơ môtô
chứ nhỉ?"

Savina bắt gặp ánh mắt của Yuri. Ánh sáng ban mai nhảy múa trong đôi mắt màu ngọc bích của bà. Viên sĩ quan tình báo ẩn giấu tâm tư riêng. Đó chính là Savina, người đã gửi đến học viện của Yuri tài liệu nghiên cứu lưu trữ, những ghi chép và hàng tập dữ liệu từ trại tập trung Auschwitz-Birkenau(1), đặc biệt là công trình của Tiến sĩ Josef Mengele, người được mệnh danh là "Thiên Thần Chết Chóc" của trại.

Yuri từng trải qua những cơn ác mộng đẫm mồ hôi sau khi đọc tài liệu ấy. Tiến sĩ Mengele nổi tiếng với những công trình thí nghiệm khủng khiếp thuộc nhiều thể loại dành cho tù nhân, nhưng con quái vật tàn bạo ấy mang trong mình niềm đam mê đặc biệt với người Gypsy, nhất là con cái họ. Hắn dụ dỗ trẻ em bằng quà bánh và kẹo sôcôla. Chúng đến và gọi ông ta bằng cái tên "Bác Pepe". Tất cả chỉ nhằm mục đích khiến lũ trẻ ngoan ngoãn hợp tác. Kết cục là hắn sẽ mổ xẻ chúng - không bao lâu sau khi hắn phát hiện ra một cặp song sinh du mục đặc biệt khác thường.

Hai cô bé giống hệt nhau. Sasha và Meena.

Yuri đã đọc những đoạn ghi chép ấy với tâm trạng như bị thôi miên xen lẫn khiếp đảm.

Mengele chú thích rất tỉ mỉ về cặp song sinh khác thường này: độ tuổi, tiền sử gia đình, dòng dõi. Hắn tra tấn gia đình và họ hàng hai đứa trẻ để phát hiện thêm chi tiết rồi xác minh bằng cách thử nghiệm trên người chúng. Mengele gấp rút tiến hành những thí nghiệm. Nhưng khi chiến tranh gần chấm dứt, hắn buộc phải kết thúc sớm. Hắn giết chết cặp song sinh bằng cách tiêm thuốc diệt trùng phenon vào tim chúng.

Mengele đã nguệch ngoạc mấy lời thất vọng ở phần cuối bằng
tiếng Đức.

Wenn ich nur mehr Zeit gehabt hätte... (Chỉ cần ta có thêm
thời gian...)

"Anh sẵn sàng chưa?" Savina hỏi Yuri.

Ông gật đầu.

Đồng hành cùng Dobritsky và những binh sĩ khác, cả hai tiến đến khu trại. Ông bước vòng quanh một xác chết nằm dài úp mặt xuống vũng máu đã đông cứng.

Nhà thờ ở phía trước. Toàn là đá xếp chồng lên nhau, không có cửa sổ. Cánh cửa duy nhất đóng kín được dựng bằng những xà gỗ đẽo gọt chắc chắn, từng mảnh ghép lại trên chiếc khung đồng. Tòa nhà trông như một pháo đài hơn là một nhà thờ.

Hai binh sĩ dùng búa đóng cọc làm bằng thép mài để nạy cửa.

Dobritsky liếc nhìn sang Yuri.

Ông gật đầu đồng ý.

"Phá cửa!" viên trung úy ra lệnh dứt khoát.

Họ vung búa và đập vỡ cánh cửa. Gỗ văng ra từng mảnh. Cần hai nhát búa nữa. Cuối cùng cánh cửa bật mở với một tiếng nứt đanh như sấm.

 

Yuri dõi bước Savina và tiến về phía trước.

Những ngọn đèn dầu nhỏ bé le lói thắp sáng khoảng không tối đen. Những hàng ghế tựa xếp gọn ghẽ hai bên, dẫn đến một bệ thờ phía trên cao. Những đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi co ro giữa những chiếc ghế dài, im lặng đến lạ thường.

Khi tiến về bệ thờ, Yuri chú ý quan sát những đứa trẻ. Rất nhiều trong số chúng mang trong mình dị tật đáng thương: đầu teo nhỏ không phát triển, hở hàm ếch, còi cọc. Một đứa còn mất cả hai cánh tay, chỉ có thân mình. Giao phối cận huyết. Yuri bỗng nổi da gà vì cảm giác khó chịu. Không còn gì thắc mắc khi người dân quanh đây sợ hãi gia tộc người Romani, họ kể những câu chuyện về linh hồn và quái vật.

"Làm thế nào biết được những đứa trẻ này có bình thường hay không?" Sự ghê tởm thể hiện rõ ràng trong giọng nói của Savina.

 Yuri trích dẫn một lời tra khảo Mengele đã ghi chép lại. "Sào huyệt của lũ thầy bói chovihanis(1)." Nơi cặp song sinh ra đời, cũng là bí mật mà những người dân du mục muốn cất giữ trên đường tìm về cội nguồn của các thị tộc.

"Những đứa trẻ này sao?" Savina cố nhấn mạnh.

Yuri lắc đầu. "Tôi không biết."

Ông tiến về phía một cô bé ngồi trước bệ thờ. Cô bé ghì một con búp bê rách rưới vào ngực, trang phục cô mặc có vẻ khá hơn con búp bê chút ít. Khi Yuri lại gần, ông nhận ra đứa trẻ dường như hoàn thiện, không bị bất cứ dị tật nào. Trong ánh sáng mờ ảo, đôi mắt xanh da trời tinh khiết như pha lê tỏa sáng.

Quá hiếm hoi giữa những con người Romani(2).

Giống như cặp song sinh Sasha và Meena vậy.

Yuri quỳ xuống trước mặt cô bé. Cô bé tỏ ra không chú ý đến ông. Cái nhìn chằm chằm cứ xuyên thẳng. Ông cảm thấy phải có điều gì đó bất thường đối với cô bé, có khi còn tệ hơn bất kỳ đứa trẻ dị tật nào khác.

Mặc dù ánh mắt không thể định hướng rõ ràng hơn, cô bé bỗng nâng bàn tay về phía ông. "Unchi Pepe," cô bé ngọng nghịu nói bằng giọng Romani yếu ớt.

Một nỗi sợ hãi thoáng qua người Yuri. Bác Pepe. Tên thân mật của Joseph Mengele. Tất cả những đứa trẻ du mục đều gọi như thế. Nhưng chúng còn quá nhỏ để có thể nhận ra những gì ẩn giấu đằng sau trại tập trung.

Yuri chăm chăm nhìn vào những đôi mắt trống rỗng. Đứa trẻ liệu có hiểu được những gì mà Yuri và nhóm nghiên cứu của ông
dự định tiến hành? Làm sao cô bé có thể? Lời của Mengele cứ ám ảnh ông:

Chỉ cần ta có thêm thời gian...  

Đó không phải là vấn đề của Yuri. Nhóm cộng sự của ông sẽ có đủ thời gian cần thiết. Cơ sở đã được tiến hành xây dựng. Khá xa những con mắt dòm ngó.

Savina tiến đến gần hơn. Bà cần có câu trả lời.

Yuri biết được sự thật; ông đã biết từ cái khoảnh khắc ông chăm chú nhìn vào mặt cô bé ấy. Nhưng ông vẫn do dự.

Savina chạm vào khuỷu tay ông. "Thiếu tá?"

Không thể nào thoái lui, Yuri gật đầu, chấp nhận những điều kinh khủng sắp tới. "Đây chính là những chovihanis."

"Ông có chắc không?"

 

Yuri gật đầu thêm lần nữa, nhưng mắt vẫn không rời ánh nhìn xanh biếc của đứa trẻ. Ông hầu như không nghe thấy tiếng Savina ra lệnh cho Dobritsky: "Tập hợp hết lũ trẻ lên xe tải. Khử tất cả những người còn lại."

Yuri không phản ứng trước những mệnh lệnh ấy. Ông biết tại sao họ lại ở đây.

Đứa trẻ vẫn giơ tay với. "Unchi Pepe," cô bé lặp lại.

Ông nắm lấy những ngón tay nhỏ bé. Không từ chối, cũng chẳng thoái lui.

Ừ, bác đây.

 

 


(1) Socrates: nhà triết học Hy Lạp cổ đại (người dịch - ND).

(2) Delphi: vùng đất ở phía Tây Bắc của thủ đô Athens, Hy Lạp (ND).

(3) Đền thờ Apollo: đền thờ Hy Lạp cổ đại ở Bassae, xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên (ND).

(1) Người Gaul: tộc người đóng ở vùng lãnh thổ Thượng Germania - một tỉnh hành chính của Đế chế La Mã cổ đại (ND).

(2) Người Thracia: tộc người sống ở vùng Trung, Đông và Đông Nam châu Âu (ND).

(1) Vịnh Corinth: một vịnh sâu của Biển Ionia, ngăn cách bán đảo Peloponnese với đất liền phía Tây của Hy Lạp (ND).

(2) Thần Dionysus: vị thần rượu nho, con trai của thần Zeus với một công chúa người trần tên là Semele (ND).

(1) Người Castilia: tộc người ở vùng đất thuộc Tây Ban Nha.

(2) Kassotis: tên của một nữ thần thơ ca được đặt cho suối nước ở Delphi.

(1) Súng trường Kalashnikov: hay còn gọi là AK-47, được đặt theo tên của trung tướng người Nga Mikhail Timofeyevich Kalashnikov (ND).

(2) IMZ-Ural: dòng xe phân khối lớn của Nga, được thiết kế để có thể gắn thùng thành xe 3 bánh (ND).

(1) Trong thần thoại của người Romani, strigoi moroi (yêu tinh ma quỷ) được xem như một dạng ma cà rồng (ND).

(1) Auschwitz-Birkenau: trại tập trung người Do Thái lớn nhất của Đức Quốc xã, ở Ba Lan (ND).

(1) Chovihanis: bói toán có nguồn gốc cổ xưa từ văn hóa Romani và các thầy bói được gọi là chovihanis (ND).

(2) Romani: một tộc người thiểu số phần lớn sống ở châu Âu, nói ngôn ngữ Romani hoặc ngôn ngữ bản địa nơi họ sinh sống.

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/87496


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận