Những Câu Chuyện Ý Nghĩa Đêm Giáng Sinh Chương 5

Chương 5
Tinh Thần Thật Sự Của Giáng Sinh

Một tiếng nữa, tôi nghĩ thầm như vậy. Chỉ một tiếng nữa thôi và tôi sẽ được tự do. Hôm đó là ngày trước Giáng Sinh, thế mà tôi phải mắc kẹt lại trong phòng dạy làm đầu và trang điểm. Thật không công bằng. Tôi còn nhiều công việc cần làm hơn là phục dịch cho một bà già nhặng xị với mái tóc màu xanh này. Tôi đã cố gắng cần cù hết sức và nhanh tay hết mức để hoàn thành bốn ca gội đầu và một ca cắt móng tay trước giờ ăn trưa. Nếu không còn cuộc hẹn nào đượclên lịch, tôi có thể ra về lúc hai giờ chiều. Chỉ một tiếng nữa thôi...

- Số bảy mươi mốt. Carolyn, số bảy mươi mốt.

Giọng cô tiếp tân vang qua hệ thống loa nội bộ khiến tim tôi như rớt bịch xuống đất. 

- Carolyn, chị có điện thoại kìa.

À, một cuộc điện thoại. Tôi thở một hơi nhẹ nhõm và bước ra phía trước để nghe điện thoại. Khi với tay lấy ống nghe, tôi liếc nhanh qua số ghi hẹn như để khẳng định sự tự do của mình. Chúa ơi, thật không thể tin được. Tôi có cuộc hẹn lúc 4:30. Người có tinh thần minh mẫn không ai đi làm đầu tóc vào ngày trước Giáng Sinh như thế! Không ai lại thiếu suy nghĩ đến vậy! 

Tôi liếc nhìn cô tiếp tân đằng sau quầy, giọng hờn dỗi: 

- Sao chị có thể làm thế với tôi? 

Cô ấy bước lùi một bước và thì thào: 

- Cô Weiman xếp giờ cho chị đó. 

Cô Weiman là giáo viên cao cấp, là người "làm luật" ở đây. Bất cứ điều gì cô ấy nói, đố ai dám cãi lại. 

Tôi rít lên khe khẽ: 

- Vậy thì tốt thôi. 

Xong, tôi quay sang máy điện thoại. Anh Grant gọi tới. Bà ngoại anh mới tôi đến ăn bữa tối của đêm trước Giáng Sinh, và anh hỏi liệu tôi có thể rảnh rang vào ba giờ chiều được không? Tôi đưa ngón tay mân mê cái mặt dây chuyền kim cương hình bông tuyết mà Grant đã tặng tôi buổi tối hôm trước. Khẽ nuốt "cục tức" xuống cổ, tôi giải thích hoàn cảnh với anh. Sau một khoảng lặng tưởng như vô tận, anh nói chúng tôi có thể đến nhà bà ngoại vào một lúc khác, rồi anh bỏ máy. Nước mắt cay xè khi tôi nện ống nghe xuống "rầm" một cái và nhốt mình lại đằng sau bàn làm việc. 

Buổi chiều hôm đó ảm đạm và xám xịt, phản ánh đúng tâm trạng của tôi. Hầu hết các học viên đều đã về hết. Vì mãi tới 4:30 mới có giờ hẹn nên tôi dành suốt thời gian trống trải đó để gặm nhấm nỗi buồn. 

Khoảng 4:15, cô Weiman chìa bộ mặt nhăm nhúm của cô ấy quanh cái gương soi mặt của tôi và khuyên tôi bằng chất giọng ôn hòa đến vô nghĩa: 

- Em nên đổi cái bộ mặt đưa đám của em trước khi bà ấy đến. 

Nói xong cô ấy yên ắng rút đi. 

Được thôi. Thay đổi thì thay đổi. Tâm trạng của tôi chuyển ngay từ giận dữ sang căm thù. Tôi chộp lấy một miếng khăn giấy và lau sạch mấy giọt nước mắt vừa trào ra. 

Số của tôi được gọi lên lúc 4:45. Cuối cùng thì bà khách hàng vô tâm và trễ nãi của tôi cũng đến. Tôi bước sãi chân lên trước một cách lỗ mãng để tiếp đón một bà lão yếu ớt, run lẩy bẩy, đang được chồng bà ấy dìu đỡ thật dịu dàng. Với giọng nói nhỏ nhẹ, cô Weiman giới thiệu tôi với bà Sussman, và bắt đầu đưa bà lão tới khu làm việc của tôi. Ông Sussman bước theo sau chúng tôi, miệng lúng búng xin lỗi vì đã đưa bà vợ đến quá trễ. 

Tôi vẫn còn cảm giác bị hành hạ, nhưng cố không để lộ điều đó ra ngoài mặt. Cô Weiman cẩn thận đỡ bà Sussman ngồi xuống chiếc ghế của tôi. Khi cô ấy bắt đầu nâng cái ghế chạy bằng thủy lực lên, tôi nở nụ cười giả tạo và giành lấy công việc, đạp lên cái bơm bằng chân. Vóc dàng bà Sussman quá bé nhỏ, tôi buộc phải nâng chiều cao cái ghế lên hết cỡ. 

Tôi đặt một cái khăn tắm và quàng tấm vải nhựa quanh vai bà lão, rồi thất kinh bước lùi lại. Chí và rận bò lúc nhúc khắp da đầu và vai bà lão. Trong khi tôi đứng đó cố không nôn ọe, cô Weiman lại xuất hiện, kéo đôi găng tay nhựa lên quá cùi chỏ. 

Do cái búi tóc màu xám xịt của bà Sussman được bện quá chặt, chúng tôi không thể rút mớ kẹp tóc ra được. Tôi cảm thấy ghê tởm khi tưởng tượng ra một con người lại có thể lôi thôi và dơ dáy đến thế. Cô Weiman giải thích rằng chúng tôi phải cắt tóc bà lão để tháo rời búi tóc ra. Nghe vậy, bà lão chỉ nhìn chúng tôi với dòng nước mắt chảy ràn rụa xuống gò má. Ông Sussman nhẹ nhàng nắm lấy tay bà ấy quỳ xuống bên chân ghế. Ông nói: 

- Mái tóc là niềm tự hào suốt cả cuộc đời bà ấy. Bà ấy bắt đầu búi tóc lên như thế từ buổi sáng khi tôi đưa bà ấy vào nhà an dưỡng.

Tất nhiên là tóc bà lão chưa từng được chải gội kể từ buổi sáng đó - cách nay gần một năm. Đôi mắt ông chồng như mờ đi, rồi ông lê bước vào phòng đợi.

Cô Weiman nhẹ nhàng cắt búi tóc đi, để lộ mảng da đâu khô héo, nhẵn nhụi, có màu vàng mục rữa. Cô ấy làm việc một cách kiên nhẫn và ân cần. Thấy vậy, tôi cũng cố gắng giúp đỡ cô ấy. Thuốc nhuộm tóc ăn sâu vào da đầu bà lão cứ như acid vậy. Chúng tôi bó tay, không thể làm gì hơn. Chúng tôi chỉ có thể rửa sạch da đầu bà lão, tìm cách đuổi sạch bọn chí rận mà không làm tóc rụng đi. Tôi bôi thuốc mở khử trùng lên mấy cái nhọt mụn mủ của bà ấy, cuộc mái tóc thưa thớt của bà ấy thành từng lọn. Sau đó, tôi kết các lọn với nhau bằng gel, vì chúng tôi không dám dùng kẹp, sợ chúng làm trầy da đầu bà lão. Cuối cùng, chúng tôi sấy khô mái tóc đã được cuộn lại dưới làn hơi ấm của máy sưởi. 

Bà Sussman thò một bàn tay run rẩy của bà vào chiếc giỏ nhỏ xíu, rút ra một ống son môi và một đôi găng tay có ren. Cô Weiman thoa nhẹ thỏi son lên môi bà lão, rồi cẩn thận xỏ hai bàn tay run rẩy của bà lão vào đôi găng thanh nhã. 

Lúc này, ý nghĩ của tôi chỉ hướng về bà ngoại thân thương - người vừa mới mất gần đây - với cái cách bà luôn thoa son trước khi đi ra thùng thư. Tôi nghĩ tới những câu chuyện bà kể về thời thanh xuân của bà, thời mà không một người con gái quý phái nào ra đường lại không mang găng tay. Giọt lệ tụ lại quanh khóe tôi, tôi thầm cảm ơn Chúa đã mang bà ngoại tôi ra đi với sự trang trọng.

Cô Weiman để mặc tôi khử trùng chỗ làm việc để đưa bà Sussman trở lại chỗ ông chồng. Khi ông ấy nhìn thấy bà vợ, nước mắt của họ cùng tuôn rơi. Ông Sussman thì thầm: 

- Ôi, mình ơi, tôi thấy chưa bao giờ mình xinh đẹp hơn lúc này. 

Đôi môi bà lão run run nở một nụ cười. 

Ông Sussman lần tay vào trong túi áo khoác, rồi ông ấy tặng cho cô Weiman và tôi mỗi người một tấm ảnh nhỏ về Giáng Sinh, với hình của Joseph, Mary và Jesus Chúa Hài Đồng. Những tấm ảnh nhỏ và nằm gọn trong lòng bàn tay của tôi. Tôi thấ9 lòng mình chan chứa tình thương dành cho ông Sussman và bà vợ ngọt ngào của ông ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết được tinh thần thật sự Giáng Sinh. 

Chúng tôi tiễn Sussman ra phòng ngoài. Chiều hôm nay chúng tôi không lấy tiền thù lao. Chúng tôi chúc họ Giáng Sinh Vui Vẻ, rồi lặng lẽ đứng nhìn họ bước ra đường.

Tuyết bắt đầu rơi nhè nhẹ, cơn mưa tuyết đầu mùa. Những bông tuyết trắng xóa giống như bột kim cương lấp lánh. Tôi nghĩ nhanh tới Grant và bữa ăn tối mà tôi đã bỏ lỡ, thầm mong rằng bà ngoại của anh sẽ hiểu cho tôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t120107-nhung-cau-chuyen-y-nghia-dem-giang-sinh-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận