Như Núi Như Mây Vào truyện


Vào truyện
Đôi ta như nút với khuy Như mây với núi biệt ly không đành (ca dao Việt Nam)

Phòng viếng của nhà tang lễ Forest Lawn Hollywood Hills ở Los Angeles một buổi sáng đầu năm 2002 giá lạnh. Bầu trời xám xịt với những bụi mưa bay lất phất khiến không khí càng thêm thê lương.

Đã sắp đến giờ đưa quan tài qua nhà thiêu và những người đến viếng muộn đang lần lượt ra về, trước khi bước ra cửa họ đều đến ôm Thủy nói lời chia buồn lần cuối. Cô gái chỉ biết nức nở khóc. Đứng bên cạnh Thủy là ông Tâm, ba cô, đeo kính đen và chống gậy, mặt buồn rười rượi, lặng lẽ phát cho mỗi người ra về một tấm bookmark (1) có ảnh người chết và vài dòng tiểu sử. Như một cách níu giữ vô vọng những kỷ niệm của một kiếp người phù du.

Nắp quan tài kéo mở nửa trên cho thấy gương mặt người chết nằm giữa những đóa hồng trắng muốt. Đó là một phụ nữ khoảng 45, 46 tuổi nhưng trông còn rất trẻ, nét mặt thư thái như đang ngủ say. Những đường nét hiện giờ cho thấy hồi trẻ bà rất đẹp. Đôi lông mày thanh tú. Hàng mi dày. Sống mũi cao. Đôi môi hơi cong lên ở hai khóe, lúc nào cũng như đang khẽ mỉm cười…

Khi chỉ còn lại vài người thân thiết nhất, biết đã đến giờ phút vĩnh biệt thật rồi, Thủy khóc nấc lên và ôm chầm lấy mẹ, nhưng mẹ vẫn cứ nhắm mắt nằm im, không hề cử động. Chưa bao giờ mẹ như thế cả! Chưa bao giờ thấy Thủy khóc mà mẹ lại không cuống quýt chạy tới ôm chầm lấy cô hỏi han, dỗ dành… Chuyện gì do người khác gây ra không đúng cho Thủy thì mẹ tìm mọi cách buộc họ - kể cả cho dù người đó là ba đi nữa - phải xin lỗi Thủy. Chuyện gì do lỗi của Thủy thì mẹ khuyên nhủ, chỉ dẫn cách để lần sau tránh. Chưa bao giờ mẹ la mắng hay đánh đập Thủy cả. Vậy mà bây giờ… Thủy khóc mãi như thế này tự hôm qua tới giờ, mẹ vẫn nằm yên. Gương mặt mẹ được trang điểm kỹ trông thật sống động, chỉ như mẹ đang ngủ thôi, nhưng là một giấc ngủ không bao giờ dậy nữa. Thủy đau đớn kêu lên:

- Mẹ ơi!

Hai tay cô cứ ôm lấy hai bên khuôn mặt mẹ. Đôi má của mẹ mới lạnh giá làm sao, dù vẫn còn tươi màu hồng nhạt của kem Chanel mẹ thường dùng. Mùi nước hoa Angel đầy quyến rũ của mẹ vẫn phảng phất bên Thủy. Ông Tâm ôm lấy con gái kéo lại:

- Thôi con, đã đến giờ rồi!

Các nhân viên nhà tang lễ nhẹ nhàng đẩy nắp chiếc quan tài xuống che khuất người chết và vặn những chiếc đai xiết cứng nắp lại. Thế là từ nay Thủy vĩnh viễn không còn nhìn thấy mẹ! Cô nức nở áp mặt vào ngực cha, cảm nhận rõ trái tim của ông cũng đang thổn thức. Cậu mợ Giang, cậu mợ

Hải, cô dượng Út Ngân, cậu Alfredo đứng sau lưng ba Thủy cũng để mặc cho những dòng lệ tuôn rơi đầm đìa. Ông bà Cohen, giám đốc công ty nơi mẹ Thủy làm việc, cũng rút khăn tay ra chậm nước mắt… Tất cả đều không kềm được xúc động vì đây chính là giây phút họ không bao giờ còn nhìn thấy người đang nằm trong quan tài kia nữa.

Cậu Giang bước tới, cùng năm nhân viên nhà tang lễ nhấc chiếc quan tài lên và đưa ra sân, nơi một chiếc xe tang đang chờ sẵn để đưa qua nhà thiêu chỉ cách đó một quả đồi. Trong ba anh em, không ngờ đứa em út lại là người ra đi sớm nhất. Khuân em đi trên một quãng đường ngắn ngủi, hiện lên trong ký ức của người đàn ông sáu mươi hai tuổi có bốn mươi bốn năm sống ở nước ngoài là cả một quãng đời thơ ấu từng có những lúc ông cõng Mimi chạy chơi trong vườn nhà. Mimi giờ cũng đang bên cạnh ông, nhưng còn đâu tiếng cười khanh khách của cô vang vọng bên tai? Mấy mươi năm thật chỉ như vài cái chớp mắt…

Ông Tâm phải giữ chặt Thủy khi chiếc quan tài được đưa vào lò thiêu và cánh cửa thép đóng lại, lạnh lùng như tấm màn khép chấm dứt một vở diễn cuộc đời. Phải hai ngày sau họ mới được nhận lại tro, nên mọi người chỉ biết cúi đầu mặc niệm một lần chót rồi chia tay. Ở bãi đỗ xe, Thủy gắng gượng đứng thẳng người bên cha để chào từ biệt những người thân cuối cùng còn ở lại. Nước mắt Thủy lã chã tuôn rơi. Lại hiện ra trước mắt cô cả một quãng đời thơ ấu, với người mẹ hết sức dịu dàng mà luôn cứng cỏi, đã phải vô cùng vất vả lo toan cuộc sống ở nước người và dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho cô. Những điều mà ngay cả những người Mỹ trung lưu cũng chỉ có thể lo được đến thế.

Bà Anna, vợ ông Cohen, đến ôm Thủy kéo ra một bên, kín đáo đặt vào tay cô một gói giấy nhỏ cồm cộm, thầm thì dặn cô hãy chỉ giở ra xem khi còn lại một mình. Bà hôn Thủy rồi nói trước khi bước đi:

- Chúng tôi sẽ chờ cháu.

Cuối cùng chỉ còn ba ở lại bên Thủy. Trông ba già hẳn, với chiếc lưng như còng xuống và những nếp nhăn đầy khắc khổ trên mặt. Ông mệt nhọc nói:

- Lẽ ra chúng ta nên chôn cất mẹ con ở nghĩa trang này để mai mốt còn được đến thăm.

Thủy lắc đầu:

- Kìa ba… Di chúc của mẹ đã ghi rõ vậy mà.

Đúng là bà Vân, mẹ Thủy, đã ghi rất rõ trong di chúc rằng sau khi chết bà muốn được thiêu xác và tro hài cốt giao cho Thủy giữ để đem về rải ở Việt Nam, tại nơi đâu rồi Thủy sẽ được biết sau. Khi nghe luật sư Định đọc ý muốn này của bà Vân, ông Tâm xụ hẳn mặt. Ngay khi đã chết, bà Vân vẫn không muốn chút tro tàn còn lại của mình được ở bên ông Tâm.

Từ lâu Thủy đã biết giữa ba mẹ không hề có hạnh phúc, dù trước mặt Thủy, giữa họ hầu như không bao giờ có một sự lớn tiếng nào, trừ những lần mẹ quyết liệt bênh Thủy trước sự đối xử độc đoán của ba. Ba rất kính nể mẹ. Mẹ cũng không hề có một biểu hiện nào coi thường ba.

Như nhiều người Việt ở đây, cả hai mạnh ai nấy đi làm suốt ngày từ sáng sớm đến chiều tối, sau đó nếu không phải đi dự tiệc tùng gì thì hầu như cùng ở nhà, ba xem tivi và mẹ đọc sách. Week-end ba ra tiệm đứng bán cả ngày vì cuối tuần người ta mới có thời gian rảnh rỗi đi mua nữ trang, còn mẹ đi làm job thứ hai: săn sóc sắc đẹp cho các khách hàng quen thuộc ở khu Hollywood, cả nam lẫn nữ, từ sơn móng tay cho đến mátxa mặt, mátxa toàn thân, làm wax (2)…

Đây là những khách hàng đã quen mẹ từ hơn mười năm trước, khi mẹ còn làm ở mỹ viện Bonjour Beauté như một công việc chính lúc chưa về làm thư ký cho ông bà Cohen. Sự dịu dàng của mẹ trong khi săn sóc sắc đẹp cho thân chủ đã khiến họ không thể không tìm đến mẹ, dù phải làm tại nhà, giá cao, trả tiền mặt.

Rồi ba năm trước, khi Thủy thi được học bổng vào khoa Political Sciences đại học USC, một đại học tư dành cho dân nhà giàu vẫn được gọi đùa là Đại học của những đứa con hư (3), mẹ Thủy đã tách ra sống với Thủy, lấy cớ cần lo cho con trong bước đầu. Hai người ra mướn một căn appartment ở khu Studio City gần trường.

Nhờ tìm được việc bán hàng bán thời gian cho hãng thời trang Bebe, Thủy gần như đã hoàn toàn tự lập. Mẹ đi làm suốt ngày, chỉ lo cho Thủy được bữa tối, còn hôm nào hai mẹ con cùng về trễ thì lại chở nhau đi ăn. Sáng Thủy ngủ dậy thì mẹ đã đi làm - mẹ phải lái xe hàng chục dặm để đến sở - chỉ để lại cho Thủy miếng sandwich đã làm sẵn. Hàng tuần nếu ba không đến thăm thì mẹ và Thủy lại về quận Cam thăm ba, không khí đoàn tụ rất bình thường, vui vẻ, hoặc nếu ba bệnh thì mẹ lại lập tức về ngay để chăm sóc, nhưng Thủy vẫn nhận thấy rõ có một sự gượng gạo thế nào đó giữa hai người.

Bắt đầu biết nhận thức, Thủy đã thấy tính tình ba mẹ rất trái ngược nhau. Ba nói rất nhiều, còn mẹ có khi cả ngày không mở miệng. Ba surfing (4) trên TV hết kênh này đến kênh khác còn mẹ chỉ nằm đọc sách. Ba mê phim hành động, mẹ lại thích phim tình cảm… Có lần Thủy hỏi thẳng mẹ là hình như ba mẹ không hạnh phúc khi sống với nhau, vậy tại sao hai người không chia tay, Thủy sẽ không buồn trách gì đâu. Mẹ chỉ thở dài, lảng sang chuyện khác.

Ông Tâm đặt tay lên vai Thủy:

- Thôi ba về đây. Vậy hai ngày nữa con sẽ đến đây để lấy tro của mẹ phải không?

Thủy gật đầu:

- Dạ, con sẽ ghé lấy. Ba về đi.

Ông Tâm gỡ kính ra và nhìn vào mắt Thủy:

- Con có biết mẹ dặn con rải tro ở đâu chưa?

Thủy ngạc nhiên:

- Dạ chưa. Nhưng chắc còn lâu con mới về Việt Nam được. Có gì quan trọng không ba?

Thủy lại nhìn ba:

- Ba à, ba biết là mẹ dặn sao rồi mà. Không nên làm sai ý mẹ.

Có tiếng còi xe sau lưng. Ông Tâm thở dài, quay lưng khập khiễng bước về xe cô dượng Út Ngân đang chờ. Hai năm gần đây, mắt ông ngày càng yếu do bệnh tiểu đường, sáu tháng trước vì vậy mà ông tự gây tai nạn gãy cả hai chân, bị rút bằng không được lái xe nữa…

Còn lại một mình, Thủy mới giở cái gói bà Anna vừa đưa ra coi. Trong đó có một xâu chìa khóa và một tờ giấy với vài dòng của bà Anna, cho biết mẹ cô

vẫn còn để lại nhiều giấy tờ, kỷ vật trong tủ riêng ở sở làm, và đã dặn là nếu có chuyện gì xảy đến với bà thì chỉ mình Thủy mới được mở ra xem. Thủy hãy cứ nghỉ ngơi, bao giờ đến lấy lại những kỷ vật của mẹ cũng được. Họ sẽ vẫn để y nguyên phòng làm việc của mẹ Thủy - cô nhân viên đắc lực nhất của họ trong suốt bao nhiêu năm và chắc chắn không bao giờ họ tìm được một người giỏi như vậy nữa - cho tới khi nào Thủy đến…

x

Bà Anna vui vẻ đón Thủy và đưa cô lên phòng làm việc của bà Vân vào buổi sáng đầu tuần. Đúng như bà hứa, căn phòng vẫn được giữ nguyên vẹn y như lúc bà Vân còn sống. Tấm lịch để bàn vẫn giữ đúng ngày bà Vân phải vào viện vì cơn đau tim cuối cùng. Thủy nghe như mùi nước hoa Angel quen thuộc vẫn còn thoang thoảng trong phòng. Cô vào ngồi chỗ bàn làm việc của mẹ, xúc động khi thấy ngay trước mắt mình là chiếc khung hình có lồng tấm ảnh cô chụp chung với mẹ hôm hai mẹ con đi chơi ở bãi biển Mazatlan ở Mexico cách đây mấy năm. Hai mẹ con cùng mặc áo tắm trông thật trẻ trung và thân hình mẹ vẫn còn hấp dẫn lắm, đến nỗi mấy thằng Mỹ đi theo tán tỉnh cả hai cứ lầm tưởng đây là hai chị em…

Thủy ngồi thừ ra vì nhớ mẹ quay quắt, rồi ánh mắt cô chợt khựng lại khi nhìn thấy một tấm ảnh khác nằm dưới mặt kính. Đúng hơn, đó là một tấm lịch làm bằng computer, có lồng ảnh mẹ và một người đàn ông Việt Nam lạ mặt Thủy chưa từng biết. Hai người đang đứng ở một bãi biển vắng vẻ nào đó. Người đàn ông đứng sau, hai tay quàng ra phía trước ôm lấy bụng mẹ, sau lưng hai người là trời xanh biển xanh, không một bóng người. Tóc của cả hai cùng bay bung trong gió. Từ nhỏ đến lớn Thủy chưa bao giờ thấy có lúc nào gương mặt mẹ tràn đầy hạnh phúc như vậy. Một cảm giác hụt hẫng ập đến với Thủy. Mẹ của cô, người mẹ mà cô luôn ngưỡng mộ, thần tượng lớn nhất trong cô, lại là một kẻ ngoại tình!

Thủy sững sờ hồi lâu, cứ nhìn không nháy mắt người đàn ông trong ảnh. Ông ta khá cao lớn, hơn hẳn mẹ một cái đầu - trong khi ba rất nhỏ con, thấp hơn mẹ - và đầy vẻ phong trần với mái tóc muối tiêu phủ tai, đôi mắt sáng và nụ cười tươi tỉnh. Chiếc áo pull AX màu đen và cả cái quần jean Polo xanh nhạt kia nữa, trời ơi, rõ ràng là những thứ mẹ đã mua hồi cuối năm 2000 khi đi cùng Thủy đến Camarillo Outlets trước khi mẹ về Việt Nam. Đó là lần về nước đầu tiên sau hai mươi mấy năm, nên mẹ mang theo rất nhiều quà với một danh sách dài những bà con, bạn bè còn lại ở bên ấy, theo đúng bản tính chu đáo của mẹ. Mẹ luôn thích đi mua sắm với Thủy vì cô có nhiều thời gian lùng sục để biết nơi nào đang có hàng hiệu giảm giá. Thủy không hề thắc mắc mẹ mua quà cho ai. Giờ đây, thấy tấm ảnh này, cô mới nhớ ra là mẹ đã mất thì giờ nhiều nhất cho mấy bộ quần áo đàn ông size L, dù chỉ là những bộ T shirt và jean đơn giản, màu tối, theo đúng gu của mẹ.

Mãi một lúc sau Thủy mới định thần được và lấy xâu chìa khóa ra mở hộc bàn của mẹ. Trên cùng, đập ngay vào mắt cô là một bao thư có nét chữ của mẹ: To my little Angel (5). Đó là tên mẹ vẫn gọi Thủy từ nhỏ. Thủy mở thư ra đọc. Thư mẹ viết tay, chỉ bốn trang giấy nhưng Thủy phải đọc đi đọc lại hàng giờ liền. Rồi Thủy thở dài, gấp thư lại bỏ vào bao, nhìn người đàn ông trong ảnh một lúc nữa rồi mới đứng lên đi lại mở chiếc tủ lớn đựng hồ sơ.

Cô ngạc nhiên khi thấy đựng đầy một ngăn trên cùng là một bộ sưu tập về mèo bằng đủ loại chất liệu: gỗ, nhựa, sứ, kim khí, thủy tinh, vải nhồi bông… từ cũ mèm cho đến mới tinh. Hai ngăn dưới đựng các hồ sơ tài liệu của công ty Cohen. Ngăn dưới cùng dành cho những chiếc phong bì màu vàng loại thường được dùng đựng tài liệu, với một tờ giấy chặn ở bên trên có ghi tên Thủy. Thủy cầm chiếc phong bì mỏng tang trên cùng lên xem, thấy bên ngoài có ghi số 2002, là năm hiện giờ. Cứ thế là lần lượt từng năm, ngược dòng thời gian, theo thứ tự từ trên xuống. Thủy rút ra hai chiếc phong bì trên cùng và dưới cùng - 1974 - rồi quay trở lại bàn ngồi mở ra xem.

Trong phong bì năm 1974 là những trang thư cũ mèm, ố vàng, có cả những bức được viết trên tờ giấy bạc lót trong bao thuốc lá, trên lá cây khô, rồi tấm ảnh mẹ lúc trẻ mặc quần đùi trắng ngồi trước một bồn hoa mười giờ đỏ rực, vài tấm ảnh mẹ và mấy người bạn chụp ở bãi biển có nguyên một chiếc tàu lớn rỉ sét sau lưng, ở một bữa tiệc sinh nhật, trong đó có tấm mẹ đang cụng ly với một người bạn trai có vẻ rất thân thiết, nhìn kỹ thấy rất giống với người đàn ông trong bức ảnh để dưới mặt kính, sau lưng ảnh còn có dòng chữ “Xứng đôi vừa lứa”! Rồi mấy tấm bưu thiếp, những tấm vé xem phim có đề ngày tháng, những đóa hồng và pensée khô, một bức tranh ép nhựa vẽ một cô gái trẻ măng mặc áo dài trắng, tay ôm cặp che trước ngực, môi khẽ mỉm cười, tóc óng ánh nắng, trong cặp còn ló ra một nụ hồng chớm nở... Năm 2002 chỉ mới có vài trang email, với vài dòng ngắn ngủi.

Một trong những niềm tự hào lớn nhất của mẹ về Thủy là mẹ đã dày công dạy Thủy không chỉ biết nói mà còn đọc và viết được tiếng Việt, dù chỉ những câu chữ đơn giản. Với vốn từ tàm tạm ấy, Thủy chậm chạp đọc hết những gì đựng trong hai chiếc phong bì, rồi nhẹ nhàng giở tấm kính trên mặt bàn, rút tờ lịch ra và đưa lên nhìn kỹ lại bức ảnh hồi lâu, với ánh mắt đã dịu hẳn. Sau cùng cô thở dài, bần thần đọc lại lá thư mẹ gởi cho mình một lần nữa…

 Mời các bạn theo dõi tiếp!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/62602


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận