Cha tôi là người Phi châu, thuộc bộ tộc Luo tại Kenya, sinh ra trên bờ hồ Victoria, tại một làng mang tên Alego. Làng nghèo, nhưng ông nội tôi – Hussein Onyango Obama – là một chủ trại nổi tiếng, là một trong những chức sắc của bộ tộc vì ông là thầy thuốc với quyền năng chữa bệnh. Cha tôi lớn lên, vừa đi học trường làng vừa đi chăn đàn dê của ông nội. Trường làng do chính phủ thực dân Anh tổ chức và cha tôi tỏ ra là một học sinh có triển vọng. Sau đó, cha tôi lấy được học bổng đi học tại Nairobi. Và rồi, ngay trước ngày Kenya giành được độc lập, các lãnh đạo Kenya và các nhà tài trợ Mỹ quyết định chọn ông làm một trong những sinh viên được gửi đi du học tại một đại học ở Mỹ, trong số những làn sóng đầu tiên các sinh viên Phi châu được gửi ồ ạt sang Mỹ để tiếp thu học thuật và kỹ thuật phương Tây để khi về sẽ đem ra áp dụng củng cố một Phi châu mới và hiện đại.
Năm 1959, ở độ tuổi 23, cha đến trường đại học Hawaii và là sinh viên Phi châu đầu tiên tại đây. Ông học ngành đo lường kinh tế (econometrics). Ông rất mực chăm chỉ và ba năm sau ông tốt nghiệp thủ khoa. Bạn ông nhiều như một binh đội, và ông giúp tổ chức hội Sinh viên quốc tế (International Students Association) và trở thành hội trưởng đầu tiên của hội này. Tại lớp học Nga văn, ông gặp một nữ sinh viên da trắng người Mỹ, và họ yêu nhau. Ban đầu cha mẹ cô gái hơi ngại ngần, nhưng sau đó ông đã thuyết phục họ với nét duyên dáng và trí tuệ của mình. Đôi bạn trẻ kết hôn với nhau, và có một đứa con trai mà ông trao lại tên của ông. Ông lại nhận thêm một học bổng nữa – và thế là ông học tiếp lên tiến sĩ tại đại học Harvard – nhưng học bổng không đủ để ông mang vợ con theo. Gia đình phải chia cắt. Học xong ông trở về Phi châu để giữ lời hứa với lục địa nguồn cội. Vợ và con trai ông ở lại Hawaii, nhưng dây thương yêu vẫn tồn tại vượt không gian cách trở…
Tới đây thì quyển album gia đình khép lại, và tôi như bơi trong câu chuyện huyền thoại đặt tôi vào trung tâm của một vũ trụ bao la và trật tự. Có nhiều từ tôi không hiểu như “tiến sĩ”, “chủ nghĩa thực dân”, và tôi cũng chẳng biết Alego nằm ở đâu trên bản đồ. Nhưng với tuổi lên năm, lên sáu, tôi hiếm khi hỏi những chi tiết ấy. Thay vào đó, một hôm mẹ tôi đưa cho tôi môt quyển sách mang tên Origins (nguồn cội) trong đó kể mọi huyền thoại về nguồn gốc con người, như Prometheus đánh cắp lửa về cho con người bị thần Zeus cho rắn cắn bụng, như con rùa trong đạo Hindu đưa lưng đỡ trái đất. Sau này, khi lớn lên tôi bắt đầu tự hỏi tại sao ông trời toàn năng lại có thể để cho rắn cắn như vậy. Cái gì đỡ con rùa để con rùa đỡ trái đất? Tại sao cha tôi không quay trở lại với mẹ con tôi?
Việc cha tôi không giống một ai sống quanh tôi – việc cha tôi đen như giếng sâu không đáy, mẹ tôi trắng như sữa – không mấy làm tôi chú tâm.
Thật ra, tôi chỉ nhớ có một chuyện thật sự liên quan đến chủng tộc do ông ngoại tôi kể lại. Có lần, sau nhiều giờ ngồi học, cha tôi ra quán bar Waikiki giải trí với ông ngoại tôi và vài người quen. Trong lúc mọi người đang vui vẻ ăn uống cùng với tiếng đàn, một người đàn ông da trắng bỗng nói lớn khiến ai cũng nghe rõ là ông ta không muốn uống rượu ngon “cạnh một tên mọi đen”. Cả quán nín lặng và mọi người quay sang cha tôi nghĩ là sẽ có đánh nhau. Nhưng không, cha tôi bình tĩnh tiến đến cạnh người đàn ông ấy, ôn tồn nói về sự điên rồ của phân biệt chủng tộc, lời hứa của giấc mơ Mỹ, và quyền con người. Ông ngoại bảo: “Tên đó nghe xong thấy mình tệ quá, nên khi Barack (tức cha tôi) nói xong thì hắn ta đưa ngay cho Barack 100 đô coi như xin lỗi. Đủ để bao mọi người và trả tiền thuê nhà một tháng cho cha cháu”.
Nhiều năm sau, một người Mỹ gốc Nhật, gọi điện cho tôi bảo là bạn học với cha tôi tại đại học Hawaii và hiện đang giảng dạy tại một đại học ở miền trung tây. Ông rất lịch sự và có vẻ hơi ngượng ngập bởi đường đột gọi cho tôi; ông giải thích là ông thấy hình tôi đăng trên một tờ báo địa phương và tên tôi nhắc ông nhớ lại cha tôi và một số các kỷ niệm khác liên quan. Rồi, ông kể lại câu chuyện y hệt như ông ngoại tôi kể về người đàn ông da trắng đưa tiền mua sự tha lỗi của cha tôi. Qua điện thoại, ông bảo: “Chú không bao giờ quên chuyện ấy”. Và trong giọng nói của ông, tôi nghe âm vang – như trong giọng ông ngoại tôi – sự không ngờ là như thế và – hy vọng.
Có một điều mà không ai nói đến, là tại sao cha tôi lại rời bỏ cái thiên đàng Hawaii, và nếu ông không rời bỏ nó thì sao? Liệu ông có giống như ông làm vệ sinh người da đen trong siêu thị hoặc cô bạn người da đen của mẹ tôi, cả hai đều bị người da trắng xa lánh theo như lời bà tôi kể khi gia đình ngoại tôi còn ở bang Texas.
Lên tới trung học, tôi tìm được, cuộn cùng với giấy khai sinh của tôi và các giấy chứng nhận đã chích ngừa hồi tôi còn bé, một bản tin cắt từ báo Honolulu Star - Bulletin về lễ tốt nghiệp của cha tôi. Ông có dáng nghiêm túc, hình ảnh mẫu mực của một sinh viên đại diện cho châu lục của mình. Trả lời phỏng vấn, cha tôi nhẹ nhàng phê bình nhà trường là tập trung du học sinh vào ký túc xá và ép buộc du học sinh học những giờ tìm hiểu văn hoá Mỹ - theo ông là một sự phân trí đi lệch mục tiêu học tập kỹ thuật thực tiễn mà du học sinh cần. Mặc dù bản thân ông không có vấn đề bị phân biệt, nhưng ông cảm nhận có sự phân biệt ng m ngầm giữa các chủng tộc và ông dí dỏm bảo đôi lúc chính người “Caucasian – da trắng” là người đứng ở phía đầu nhận thành kiến phân biệt. Tuy nhiên, ông kết thúc trên một nốt nhạc vui qua câu: Một điều mà các quốc gia khác có thể học hỏi từ Hawaii là các chủng tộc cùng chung sức cho sự phát triển chung, một điều mà ông thấy là người da trắng ở các nơi khác hiếm khi chịu làm.
Tuy nhiên bài báo không hề nhắc đến mẹ tôi và tôi. Tôi không hỏi và mẹ tôi cũng không tự nói tại sao lại như vậy. Tôi tự hỏi phải chăng vì ngay từ lúc ấy cha tôi đã chuẩn bị xa mẹ con tôi dài lâu. Hoặc vẻ oai phong của cha tôi khiến người phóng viên ngại hỏi các chuyện riêng tư cá nhân; hoặc cũng có thể ban biên tập quyết định chuyện riêng không phải là đề tài bài báo. Tôi cũng tự hỏi liệu việc không nói đến mẹ con tôi có khiến cha mẹ tôi cãi nhau không?
Tuy nhiên tôi không hỏi vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ để nhận ra là tôi có cha vẫn còn sống, cũng như là còn quá nhỏ để nhận ra là tôi cần có chủng tộc. Tôi chỉ cảm nhận là trong một khoảng thời gian sáu năm ngắn ngủi, dường như cha tôi đã bị mê hoặc, y như mẹ tôi và ông bà ngoại tôi, bởi tôi và tôi đã chiếm chỗ các giấc mơ của tất cả mọi người, cho dù về sau này sự mê hoặc đó có phần nào bị phá vỡ, và thế giới mà cha mẹ tôi từng nghĩ đến rời bỏ đã lôi kéo mỗi người quay về.