Papillon Người Tù Khổ Sai Chương 2

Chương 2
Nhà lao Conciergerie

Đi đến tòa lâu đài cuối cùng của hoàng hậu Marie-Antoinette, bọn cảnh sát giao tôi cho viên quản tù. Hắn ký giấy nhận tù xong, họ ra đi im lặng, nhưng trước đấy viên quản xiết chặt hai tay bị khóa của tôi, khiến cho tôi rất ngạc nhiên.

Viên quản tù hỏi tôi:

- Chúng nó xử anh mấy năm?

- Chung thân.

- Vô lý? - Viên quản tù đưa mắt nhìn bọn cảnh sát và hiểu rằng đó là sự thực. Viên quản tù đã ngũ tuần: ông ta đã chứng kiến khá nhiều chuyện đời và biết rất rõ vụ án của tôi. Ông ta đã có lòng nhân hậu nói với tôi câu sau đây:

- Chà, cái quân đểu cáng! Chúng nó điên hết rồi hay sao?

Ông ta nhẹ nhàng cởi khóa cho tôi và thân hành đưa tôi đến tận căn xà-lim dành riêng cho tử tù, cho người điên; cho tù khổ sai, cho những người đặc biệt nguy hiểm: tường, sàn và cửa đều có đệm da dày. Trước khi đóng cửa lại, ông nói:

- Can đảm lên, Bươm bướm ạ. Sẽ chuyển lại cho anh một số đồ đạc và thức ăn. Can đảm lên nhé!

- Cám ơn sếp. Ông cứ yên chí, tôi sẽ có đủ can đảm, và tôi hy vọng rằng họ sẽ không nuốt trôi được cái án chung thân này đâu.

Mấy phút sau, có tiếng cào cửa. “Cái gì thế?”

Một tiếng người trả lời: “Không có gì đâu. Tôi chỉ đến treo cái biển thôi”.

- Biển gì thế?

- “Khổ sai chung thân. Cần theo dõi sát sao.”

Tôi nghĩ bụng: họ điên thật. Chẳng lẽ họ nghĩ rằng cái vố mà họ giáng lên đầu tôi có thể làm cho tôi mất trí đến mức tự tử? Tôi là người gan dạ, và tôi sẽ đủ can đảm. Tôi sẽ đấu tranh chống lại tất cả bọn họ, chống lại cả thiên hạ nếu cần. Ngay từ ngày mai tôi sẽ hành động.

Sáng hôm sau, trong khi uống cà phê, tôi đã tự hỏi: liệu có nên chống án không? Để làm gì? Liệu ra trước một toà án khác tôi có được may mắn hơn không? Và sẽ mất bao nhiêu thì giờ vào việc ấy? Một năm, có thể là mười tám tháng... và để làm gì: để được đi đày khổ sai hai mươi năm chứ không phải chung thân nữa?

Vì tôi đã nhất quyết vượt ngục, thời gian lâu mau không còn nghĩa lý gì. Và tôi bất giác nhớ lại câu của một phạm nhân hỏi chánh án: “Thưa ngài ở Pháp án khổ sai chung thân phải bao nhiêu năm mới mãn hạn ạ?”

Tôi đi quanh quẩn trong buồng giam. Tôi đã đánh điện cho vợ tôi để an ủi nàng, và cho em gái tôi, đã một mình bênh vực tôi trước tất cả mọi người. Màn kịch đã hết, tấm màn đã khép lại. Những người thân của tôi chắc phải đau khổ hơn tôi, nhất là ông bố già tội nghiệp của tôi ở tận vùng quê hẻo lánh: phải mang cây thập tự nặng nề này chắc ông cụ khổ lắm.

Tôi giật mình: nhưng tôi vô tội kia mà! Quả tôi vô tội nhưng đối với ai? Phải, tôi vô tội đối với ai? Tôi tự nhủ: điều phải nhớ kỹ nhất là đừng bao giờ bày trò nói với ai rằng mình vô tội, người ta sẽ cười cho. Chịu án chung thân chỉ vì một thằng ma cô, rồi lại còn nói rằng kẻ khác đã giết hắn, thì thật quá lố. Câm mồm đi là hơn cả.

Vì trong thời gian ở nhà tù Santé cũng như Conciergerie tôi chưa bao giờ nghĩ đến cái khả năng bị xử nặng như vậy, cho nên tôi không lúc nào bận tâm hình dung thử xem “con đường của sự thối nát” là cái gì.

Thôi được. Điều trước tiên cần phải làm là bắt mối với những người đã có án mà sau này có thể cùng vượt ngục.

Tôi chọn một người Marseille tên là Dega. Người này thế nào tôi cũng sẽ gặp ở phòng cắt tóc: ngày nào hắn cũng đến đó cạo râu. Tôi xin đến phòng cắt tóc. Quả nhiên, khi đến tôi trông thấy hắn đang đứng quay mặt vào tường. Tôi trông thấy hắn đúng vào lúc hắn lén lút để cho một người khác vượt lên trước để hắn có thể kéo dài thời gian xếp hàng. Tôi đến đứng sát cạnh hắn sau khi gạt một người khác ra. Tôi nói thì thầm rất nhanh:

- Thế nào bác Dega, khỏe không?

- ổn cả, Papi ạ. Tớ mười lăm năm, thế còn cậu? Nghe nói chúng nó “muối” cậu rồi phải không?

- Phải tôi bị chung thân.

- Chống án chứ?

- Không. Cần nhất là phải ăn cho no và tập thể dục. Phải cố giừ sức khoẻ Dega ạ, vì chắc chắn là sẽ cần đến gân cốt.

- Cậu có bím không?

- Có tớ có mười bị *(*tức mười ngàn francs) bảng Anh. Thế cậu?

- Không có.

- Tớ khuyên cậu nhé: phải nạp ngay đi. Trạng sư của cậu là Hubert phải không? Thằng cha ấy tồi lắm, nó không chuyển cho cậu đâu. Cậu báo vợ cậu đem plan nạp sẵn đến Dante, bảo cô ta giao lại cho Dominique le Riche: tớ cam đoan là nó sẽ đến tận tay cậu.

- Suỵt, thằng cớm đang nhìn chúng mình. Lợi dụng lúc này để nói chuyện đấy phỏng?

- ồ? Không có chuyện gì quan trọng đâu ạ, - Dega đáp - Hắn nói là hắn ốm.

- Bệnh gì thế? Bệnh táo bón đại bình à? - Đoạn tên cớm ngu xuẩn cười phá lên.

Đời nó là thế. “Con đường của sự thối nát”, tôi đã bước vào rồi. Người ta cười ha hả trong khi giễu cợt một thằng nhóc hai mươi lăm tuổi bị xử đày cho đến chết.

Tôi đã nhận được plan. Đó là một cái ống bằng nhôm, mài nhẵn thín, có thể tháo ra bằng cách vặn ở giữa. Nửa này xoắn ốc vào nửa kia. Nó đựng năm ngàn sáu trăm francs bằng giấy bạc mới. Khi nhận được nó, tôi đưa lên môi hôn cái ống dài sáu phân, to bằng ngón tay cái này; vâng, tôi đã hôn nó trước khi nhét vào hậu môn. Tôi thở thật mạnh để hút nó vào sâu trong đại tràng. Nó là cái tủ két của tôi. Họ có thể bắt tôi cởi hết ra, chạng hai chân, bắt tôi ho, bắt tôi cúi gập người xuống: tha hồ; không thể nào biết là tôi có giấu một cái gì. Nó nằm ở một vị trí rất cao trong đại tràng. Nó là một bộ phận của thân thể tôi. Nó là cuộc sống của tôi, là tự do của tôi mang ở trong mình đó là con đường đưa tôi đến phục thù. Vì tôi nhất định sẽ trả thù! Thậm chí đó là ý nghĩa duy nhất của tôi lúc này.

Bên ngoài, đêm đã khuya. Trong xà-lim chỉ có một mình tôi. Một ngọn đèn lớn gắn trên trần cho phép tên lính canh nhìn thấy tôi qua cái lỗ nhỏ trên cửa. ánh sáng gay gắt của nó làm cho tôi lóa mắt. Tôi đặt chiếc khăn mù-soa gấp tư trên mắt, cho đỡ chói. Tôi nằm trên một cái đệm đặt trên chiếc giường sắt, không có gối, và ôn lại từng chi tiết một trong cái phiên tòa kinh tởm vừa qua.

Đến đây, để người đọc hiểu được trình tự của câu chuyện, hiểu thấu hết những cơ sở sẽ làm chỗ dựa cho tôi trong cuộc vật lộn dai dẳng này, có lẽ tôi cần nói dòng dài một chút, nhưng dù sao tôi cũng phải kể hết tất cả những gì đã xảy ra với tôi, tất cả những gì tôi đã thấy diễn ra trong trí tôi trong những ngày đầu bị chôn sống:

Khi đã vượt ngục tôi sẽ làm gì? Vì bây giờ, khi đã có plan, tôi không còn mảy may do dự trong ý đồ vượt ngục.

Trước hết tôi sẽ về Paris ngay, càng nhanh càng tốt. Kẻ phải giết trước tiên là Polein, tên làm chứng điêu. Kế đến là hai kẻ chủ mưu trong vụ án. Nhưng chỉ hai tên thôi thì chưa đủ, phải là tất cả những kẻ tham gia vào âm mưu này. Hoặc giả càng nhiều càng tốt. à! Phải rồi. Thoát được ra ngoài một cái là tôi sẽ về Paris. Tôi sẽ có một cái rương đựng đầy chất nổ, càng nhiều càng tốt. Tôi cũng không biết rõ là sẽ cần bao nhiêu: mười, mười lăm, hay hai m ươi ki-lô? Thế là tôi cứ ngồi tính nhẩm xem cần bao nhiêu thuốc nổ để giết cho được nhiều người.

Dùng mìn dynamit chăng? Không, cheddit thì hơn. Mà tại sao không dùng nitroglycerin?. Thôi được, sang bên kia tôi sẽ hỏi ý kiến những người thông thạo về khoản này. Nhưng về phần bọn cớm thì cứ yên chí: tôi sẽ thanh toán sòng phẳng, và chúng nó không lo bị thiệt thòi.

Hai mắt tôi vẫn nhắm và chiếc khăn mùi-soa vẫn áp lên mi mắt. Tôi trông thấy rất rõ cái rương, bề ngoài thì hiền lành vô hại, nhưng bên trong chất đầy thuốc nổ và cái đồng hồ báo thức, được điều chỉnh rất chính xác, sẽ làm cho ngòi nổ hoạt động. Chú ý; phải tính sao cho nó nổ đúng mười giờ sáng trong phòng báo cáo của sở Cảnh sát hình sự, số 36 Quai des Orfevres lầu một. Vào giờ này có ít nhất là năm trăm thằng cớm tập hợp ở đây để nhận lệnh hoặc nghe báo cáo. Có bao nhiêu bậc trên cầu thang? Tôi không được nhầm lẫn.

Phải canh giờ thật chính xác sao cho cái rương được đưa từ ngoài phố vào đến mục tiêu đúng vào giây lát cần nổ. Và ai sẽ khiêng cái rương? Được rồi, tôi sẽ hành động thật táo bạo. Tôi sẽ đi tắc-xi đến đỗ ngay trước cửa sở cảnh sát hình sự và sẽ lấy giọng hách dịch nói với hai tên cớm đứng gác: đưa ngay cái rương này lên phòng báo cáo, nói với ông cẩm Dupont là cảnh sát trưởng Dunois gửi cái này và sẽ lên gặp ông ta ngay”.

Nhưng liệu họ có tuân lệnh không? Nhỡ ra, trong cái đám người đần độn ấy tôi lại rơi đúng vào hai phần tử thông minh duy nhất của cái tập đoàn này thì sao? Lúc bấy giờ sẽ hỏng hết. Phải nghĩ ra cách khác. Thế là tôi lại tìm, tìm nữa. Trong thâm tâm tôi không chịu chấp nhận rằng mình sẽ không tìm được một cách gì ăn chắc một trăm phần trăm.

Tôi ngồi dậy để uống chút nước. Nghĩ nhiều đau cả đầu.

Rồi tôi lại nằm xuống, mắt không đắp khăn mù-soa nữa. Giờ phút trôi qua chậm rãi. Và cái ánh sáng kia, cái ánh đèn chói chang kia, trời ơi là trời? Tôi thấm nước chiếc khăn mùi-soa và lại đắp lên mặt. Nước mát làm cho tôi thấy dễ chịu, và chiếc khăn ướt đè lên mi mắt sát hơn. Từ nay tôi sẽ dùng mãi cách này.

Những giờ dài dằng dặc mà tôi hoạch định cách phục thù sau này, óc tôi làm việc khẩn trương đến nỗi tôi như trông thấy mình đang thực hiện ý đồ trong hiện tại. Mỗi đêm, và thậm chí cả một phần của thời gian ban ngày nữa, tôi đi lại trong thành phố Paris như thể việc vượt ngục đã xong xuôi. Đó là điều chắc chắn mười phần: tôi sẽ vượt ngục và sẽ về Paris. Và dĩ nhiên việc đầu tiên là tôi sẽ đưa giấy thanh toán nợ nần, thứ nhất là cho Polein và sau đó là cho bọn cảnh sát. Thế còn bọn bồi thẩm thì sao? Cái bọn ma bùn ấy sẽ tiếp tục sống yên ổn sao? Chắc là về nhà, chúng nó rất hài lòng là đã làm tròn bổn phận với một chữ B viết hoa. Tràn đầy vẻ quan trọng, chúng nó sẽ tha hồ vênh váo với hàng xóm láng giềng và với người vợ đầu tóc bờm xờm đang đợi chồng vệ ăn bữa tối.

Thôi được. Bọn bồi thẩm thì sao nhỉ, phải làm gì cho chúng nó? Không làm gì hết. Đ chỉ là thứ người thảm hại đáng thương. Chúng nó có được đào tạo huấn luyện gì đâu để mà làm quan tòa? Nếu là một viên cảnh sát hay hải quan về hưu, hắn sẽ xử sự như một viên cảnh sát hay hải quan. Nếu là một gã đưa sữa hay đưa than hằng ngày, thì thái độ của hắn sẽ là thái độ của thằng đưa sữa đưa than. Chẳng qua chúng nó chỉ theo đuôi công tố viên: tên này chẳng khó gì mà không bỏ được chúng nó vào túi. Chúng nó không phải là những kẻ chịu trách nhiệm thật sự. Cho nên tôi quyết định sẽ không làm gì chúng nó: thế là tuyên án xong.

Trong khi viết lại những ý nghĩ này, những điều mà tôi đã thực sự nghĩ đến cách đây bao nhiêu năm và giờ đây đang ùn ùn kéo về trước mắt tôi một cách minh xác kinh khủng, tôi tự nhủ: thế mới biết cảnh im lặng hoàn toàn, cô đơn tuyệt đối mà một người còn trẻ trung bị nhốt xà-lim phải chịu đựng, có thể làm nảy sinh cả một cuộc sống tưởng tượng rõ nét đến chừng nào trước khi chuyển sang tình trạng điên rồ. Nó mạnh mẽ và sinh động đến nỗi con người bị phân đôi thực sự. Hắn bay bổng lên và lang thang khắp những nơi nào hắn thích. Hắn về nhà, gặp cha, gặp mẹ, gặp gia đình, hắn bay ngược về thời thơ ấu, bay qua các giai đoạn của cuộc đời. Nhất là sau đó hắn dựng lên những tòa lâu đài mộng tưởng mà hắn phát minh ra với một sức tưởng tượng vô cùng nhạy bén, đến nỗi trong sự phân thân khủng khiếp này, rốt cục hắn tin rằng mình đang thực sự sống qua tất cả những cảnh đang mơ ước.

Ba mươi sáu năm đã trôi qua, thế mà ngòi bút của tôi không phải cố gắng một mảy may khi viết lại những điều tôi đã nghĩ trong thời đoạn ấy của đời tôi.

Không, tôi sẽ không làm hại bọn bồi thẩm một mảy may. Nhưng còn viên công tố thì sao? à! Tên này thì không thể để cho nó thoát đòn. Vả chăng đối với hắn tôi đã có sẵn một phương án trọn vẹn do Alexandre Dumas vạch rõ từ đầu chí cuối. Tôi sẽ hành động đúng phóc như trong truyện bá tước Monte-Christo, như nhân vật chính của truyện đã xử lý cái thằng cha bị anh ta bỏ xuống hầm cho chết đói.

Tên quan tòa này phải chịu trách nhiệm. Con kền kền mặc áo đỏ này hoàn toàn xứng đáng để cho tôi hành quyết nó dưới hình thức khủng khiếp nhất có thể tưởng tượng được. Phải đấy, đúng rồi, sau Polein và bọn cớm, tôi sẽ dành hết cho con cú vọ này. Tôi sẽ thuê một cái villa. Nó phải có một cái hầm sâu, có tường dày, có một cánh cửa thật nặng. Nếu cửa không đủ dày thì tôi sẽ lót thêm một cái đệm và chêm thêm vỏ bào. Khi đã có được cái villa rồi, tôi sẽ lần ra chỗ ở của hắn và bắt cóc hắn. Trước đó tôi đã gắn mấy cái vòng sắt vào tường, cho nên đưa hắn về là tôi xích hắn vào tường ngay. Và bây giờ thì tôi tha hồ!

Tôi đang đứng trước mặt hắn, tôi nhìn thấy hắn một cách rõ nét lạ lùng dưới đôi mi mắt đang nhắm nghiền. Phải, tôi nhìn hắn cũng đúng như khi hắn nhìn tôi trong phiên tòa đại hình. Cảnh này rõ nét đến mức tôi cảm thấy hơi thở của hắn tỏ lên mặt tôi âm ấm, vì tôi đứng sát vào hắn, mặt đối mặt, gần như chạm vào nhau.

Đôi mắt diều hâu của hắn bị chói vì tôi đã chĩa vào mặt hắn một ngọn đèn pha rất mạnh. Đôi mắt ấy điên loạn lên vì sợ hãi. Nhưng giọt mồ hôi lớn chảy ròng ròng trên gương mặt đỏ bừng của hắn. Phải, tôi nghe thấy những câu hỏi của tôi, và lắng nghe những câu trả lời của hắn. Lúc này tôi đang sống mãnh liệt.

- Thằng khốn nạn, mày nhận ra tao chứ? Chính ta đây, Bươm bướm đây, người mà mày đã xử khổ sai chung nhân một cách ngon lành. Mày tưởng đã bỏ công dùi mài kinh sử bấy nhiêu năm để trở thành một người có học thức, đã trải qua bao nhiêu đêm trường học luật La-mã và các pho luật khác; đã học tiếng La-tinh và tiếng Hy-lạp, đã hy sinh những năm tuổi trẻ để trở thành một nhà hùng biện lớn? Thế rồi để đi đến đâu nữa, hở quân chó má? Đi đến chỗ xây dựng nên một pháp luật mới, tốt hơn cho xã hội chăng? Đến chỗ thuyết phục cho đám đông hiểu rằng hòa bình là điều tốt đẹp nhất trên thế giới chăng? Để truyền bá một triết lý mới của một tôn giáo tuyệt vời chăng? Hay chỉ là để ảnh hưởng đến những người khác, dựa vào ưu thế của học thức đại học để làm cho người ta tốt hơn lên và từ bỏ cái ác chăng? Hãy nói đi, mày đã dùng học thức của mày để cứu vớt những con người hay để dìm chết họ? Không hề có một cái gì tương tự như vậy, chỉ có một động cơ duy nhất thúc đẩy mày hành động mà thôi: lên, lên mãi, lên thêm thật nhiều bậc trên cái thang chức nghiệp đáng ghê tởm của mày. Đối với mày vinh quang có nghĩa là cung cấp được thật nhiều người cho nhà tù khổ sai và cho máy chém.

Giá Deibler *(*tên một đao phủ thủ ở Paris) là kẻ uống nước nhớ nguồn, cứ đến cuối năm hắn phải gửi cho mày một két sâm-banh thượng hạng mới phải. Chẳng phải nhờ mày mà năm nay hắn đã chém thêm được năm sáu cái đầu đấy sao? Dù sao thì bây giờ chính tao đang nắm vững tính mạng mày trong tay, dây xích sắt của tao đang trói chặt mày vào tường. Tao còn nhớ như in cái nụ cười của mày, cái vẻ đắc thắng của mày khi nghe đọc bản tuyên án xác nhận sức thuyết phục của bản cáo trạng mày đã đưa ra. Đã bao nhiêu năm rồi mà tao cứ tưởng chừng như mới hôm qua. Bao nhiêu năm? Mười năm? Hay hai mươi năm?

Nhưng mình làm sao thế này? Tại sao lại mười năm? Tại sao lại hai mươi năm? Bươm bướm, ngươi hãy trấn tĩnh lại; ngươi khỏe mạnh, ngươi trẻ trung và trong bụng ngươi có năm ngàn sáu trăm francs. Hai năm thôi, phải, ta chỉ ở tù chung thân hai năm thôi, không hơn - tôi tự thề với mình như vậy.

Thôi? Mày đâm ra ngớ ngẩn rồi đấy, Bươm bướm ạ! Căn xà-lim này, sự im lặng này đang làm cho mày hóa điên. Tôi không có thuốc lá. Tôi đã hút hết điếu cuối cùng từ hôm qua. Tôi sẽ đi bách bộ. Xét cho cùng, tôi không cần phải nhắm mắt, cũng không cần lấy khăn mùi soa đặt lên mắt cũng vẫn thấy rõ những gì sẽ diễn ra. Đúng đấy. Tôi đứng dậy. Căn xà~lim có bốn mét chiều dài, nghĩa là năm bước ngắn từ cửa đến tường. Tôi bắt đầu đi, hai tay chắp sau lưng. Và tôi nói tiếp:

- Đấy. Tao vừa nói là tao còn nhớ rất rõ nụ cười đắc thắng của mày. Thế thì bây giờ tao sẽ biến nó thành một cái mếu ghê sợ. Mày có một ưu thế so với tao: hôm ấy tao không được phép, chứ mày thì bây giờ cứ tha hồ mà hét, hét to bao nhiêu cũng được. Tao sẽ làm gì mày bây giờ nhỉ? Dùng cách của Dumas chăng?

Để mặc cho mày chết đói chăng? Không, như thế chưa đủ. Trước hết tao phải chọc thủng mắt mày. Hả? Mày lại có vẻ đắc chí một lần nữa: mày nghĩ rằng nếu tao chọc mắt mày, ít nhất mày cũng sẽ có được cái lợi là không trông thấy tao nữa, và mặt khác bản thân tao sẽ không được hưởng cái lạc thú được theo dõi những phản ứng trong đôi con ngươi của mày. Phải mày nghĩ đúng, tao không nên chọc thủng mắt mày, ít nhất là không nên chọc thủng ngay bây giờ. Để sau hẵng hay. Tao sẽ cắt lưỡi mày, cái lưỡi đáng ghê sợ, sắc như một con dao. Không phải là dao thường: nó sắc như một con dao cạo? Cái lưỡi mà mày sử dụng, như một con điếm sử dụng cái ấy của nó, để thực hiện sự nghiệp vinh quang của mày. Chính cái lưỡi mà mày dùng để nói những lời lẽ ngọt ngào với vợ mày, con mày và tình nhân của mày. Mày mà có tình nhân ư? mày thì làm sao có nổi một người đàn bà làm tình nhân? Có chăng, tình nhân của mày phải là một gã đàn ông. Vì mày chỉ có thể đóng vai trò bị động hèn hạ trong một cuộc kê giao bỉ ổi. Đúng thế, ta phải mở đầu bằng việc cắt bỏ cái lưỡi của mày, vì sau cái óc của mày là đến nó, nó là cái công cụ thi hành mệnh lệnh của cái óc ấy. Mày đã sử dụng cái công cụ ấy một cách tài tình để thuyết phục cho hội đồng bồi thẩm trả lời “có” cho những câu hỏi đặt ra.

“Mày đã sử dụng nó để tô vẽ cho bọn cảnh sát thành những con người lành mạnh, tận tụy vì bổn phận; nhờ nó, câu chuyện bịa đặt của thằng làm chứng mới đứng vững được. Nhờ nó mà trước mắt mười hai miếng pho-mát kia tao mới hiện ra như là con người nguy hiểm nhất của thành Paris. Giả sử mày không có cái lưỡi ấy, cái lưỡi gian xảo, tài tình, đầy sức thuyết phục, cái lưỡi đã được tập dượt công phu để bóp méo những sự việc và những con người như vậy, thì tao vẫn được ngồi yên trên sân thượng của tiệm Grand Café ở quảng trường Trắng, không phải đi đâu cả. Vậy thì đồng ý nhé, tao sẽ cắt cái lưỡi mày. Nhưng dùng khí cụ gì để cắt?

Tôi đi đi lại lại trong xà-lim, đi đến chóng mặt, nhưng tôi vẫn diện đối diện với hắn... thì đột nhiên đèn tắt và một ánh sáng rất yếu ớt lọt qua những khe hở trên tấm cửa sổ chiếu vào xà-lim.

-Sao? Sáng rồi ư? Tôi đã thức thâu đêm để trả thù sao? Tôi đã trải qua những giờ phút đẹp đẽ biết bao!

Cái đêm trường vừa qua nó mới ngắn làm sao?

Tôi ngồi trên giường, nghe ngóng. Không nghe thấy gì hết. Một cõi im lặng tuyệt đối. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe một tiếng “tíc” khe khẽ ở ngoài cửa. Đó là người canh ngục đi giày vải cho khỏi có tiếng động đến nâng cái nắp nhỏ che cái lỗ tròn đục trên cánh cửa để ghé mắt vào xem tôi đang làm gì.

Bộ máy trừng phạt do nền Cộng hòa Pháp sáng chế ra đã đến giai đoạn thứ hai. Nó hoạt động một cách tuyệt diệu. ở giai đoạn thứ nhất, người nào có thể gây phiền phức cho nó thì nó tiêu diệt đi. Nhưng như thế chưa đủ. Không thể để cho người ấy chết quá nhanh, cũng không thể để cho người ấy thoát thân bằng cách tự tử. Người ấy rất cần cho bộ máy. Cục Quản lý các cơ quan cải huấn còn có việc gì mà làm nếu không có tù nhân? Lúc bấy giờ thì thật là đẹp mặt, cho nên phải giám sát nó. Phải đưa nó đi làm khổ sai: nhiều công chức của nhà nước sẽ nhờ nó mà có kế sinh nhai. Ngoài cửa lại vừa có tiếng “tíc”, điều đó làm cho tôi phải mỉm cười

Cái gã vô tích sự kia khỏi phải lo, ta không trốn mất đi đâu. ít nhất là không trốn bằng cái cách mà mày đang sợ: tự tử.

Ta chỉ mong muốn có một điều, là tiếp tục sống thật khỏe mạnh và lên đường càng sớm càng tốt đến cái xứ Guyane thuộc Pháp mà các ngươi đày ta đến một cách bỉ ổi.

Gã canh ngục chuyên phát ra tiếng “tíc” kia, ta biết rằng các bạn đồng nghiệp của ngươi chẳng phải hiền lành gì. So với chúng nó, ngươi còn hiền hơn nhiều.

Ta biết điều đó từ lâu, vì Napoléon, người sáng lập ra chế độ khổ sai, khi có người hỏi: “Những tên trộm cướp ấy ngài sẽ giao cho ai canh giữ?” đã trả lời: “Cho những kẻ còn trộm cướp hơn chúng nó”. Về sau tôi đã có dịp thấy rõ rằng kẻ sáng lập ra chế độ khổ sai đã không nói dối.

Chắc chắc một cái ghi-sê vuông mỗi chiều hai tấc mở ra ở giữa cánh cửa xà-lim. Người ta chuồi vào cho tôi một tách cà phê và một ổ bánh mì bảy trăm năm mươi gam. Là phạm nhân, tôi không còn có quyền ra nhà ăn mua thức ăn nữa, nhưng nếu trả tiền, tôi có thể mua thuốc lá và một ít món ăn ở cái căng-tin nhỏ bé của nhà lao. Vài ngày nữa thì sẽ không còn được mua gì hết. Nhà lao Conciergerie là căn phòng đợi của nhà lao cấm cố. Tôi khoái trá hút một điếu Lucky Strike, giá mỗi bao 6,60 francs. Tôi đã mua hai bao như vậy. Tôi cố tiêu cho hết số tiền lẻ, vì người ta sẽ tịch thu tất cả số tiền túi của tôi để thanh toán chi phí của tòa án. Dega có gửi cho tôi một mánh giấy nhỏ nhét trong bánh mì: “Trong hộp diêm có ba con rận”. ý đồ của bác ta là muốn nhắn tôi đến phòng tẩy uế. Tôi lấy bao diêm vừa nhận được, nhặt hết que diêm ra, liền thấy ba con rận, đều béo tốt khỏe mạnh. Tôi hiểu ngay như thế có nghĩa là thế nào. Tôi sẽ đưa ba con rận cho viên giám thị xem, và ngày mai hắn ta sẽ cho tôi, cùng với tất cả các đồ đạc tôi đang dùng, kể cả đệm giường, đến một phòng phun hơi nóng để giết ký sinh trùng (trong số ký sinh trùng này dĩ nhiên không kể bọn tù nhân tù tội): Quả nhiên hôm sau tôi đã gặp Dega ở đấy. Trong phòng hơi không có giám thị. Chỉ có hai chúng tôi, tha hồ nói chuyện.

- Cám ơn Dega. Nhờ bác tôi đã nhận được plan.

- Có thấy vướng lắm không

- Không.

- Mỗi lần đi ngoài, phải rửa cho kỹ rồi hẵng đút vào.

- Vâng. Nó kín lắm, vì mấy tờ giấy bạc đều khô ráo. Thế mà tôi đã mang plan trong bụng đến bảy ngày nay rồi chứ có ít đâu.

- Thế thì plan tốt đấy.

- Dega ạ, bác định sao đây?

- Tớ sẽ làm trò thằng khùng đây. Tớ không muốn đi đày ở lại Pháp, có lẽ tớ sẽ ngồi từ tám hay mười năm. Tớ có quen với một số người thân thế, cho nên hạn tù có thể giảm ít nhất là năm năm.

- Bác bao nhiêu tuổi?

- Bốn mươi hai.

- Bác điên à! Nếu ngồi tù mười năm, khi ra bác đã già mất rồi còn gì. Bác sợ khổ sai lắm à?

- ừ! tớ sợ lắm. Nói với cậu như vậy tớ không xấu hổ đâu, Papi ạ. ở Guyane kinh lắm cậu ạ. Mỗi năm tù chết tám mươi phần trăm. Các chuyến tàu chở tù cứ kế tiếp nhau bù vào đấy, mỗi chuyến từ một ngàn tám trăm cho đến hai ngàn người. Nếu cậu không nhiễm bệnh hủi thì cũng mắc bệnh sốt vàng hay kiết lỵ, hai bệnh này không tha ai đâu. Hoặc nếu không thì cũng là ho lao, sốt rét, malaria ác tính. Nếu cậu thoát được tất cả các thứ ấy, cậu sẽ có đầy đủ khả năng bị ám sát để lấy plan hay là chết trong khi vượt ngục. Cậu hãy tin tớ Papi ạ, tớ nói thế không phải để cho cậu nản lòng, nhưng tớ có quen mấy người tù khổ sai trở về Pháp sau năm bảy năm ở tù, cho nên tớ biết. Họ chỉ còn là những đống giẻ rách. Năm nào cũng phải chín tháng nằm ở bệnh viện. Còn vượt ngục thì họ đều nói là nó không bở như nhiều người vẫn tưởng đâu.

- Tôi tin bác chứ, nhưng tôi cũng tin tưởng tôi, và tôi biết chắc là tôi sẽ không ngồi yên ở bên ấy lâu đâu. Tôi là thủy thủ, tôi biết rõ nghề đi biển, và bác cứ tin chắc là tôi sẽ chuẩn bị rất nhanh để vượt ngục. Còn bác, bác có hình dung được cái cảnh ngồi tù cấm cố mười năm hay không? Nếu họ giảm cho bác năm năm (điều chẳng chắc chắn gì) liệu bác có thể chịu đựng được mười cái năm còn lại hay không, hay là lại hóa điên vì cảnh biệt lập hoàn toàn? Như tôi đây, vào giờ này, trong căn xà-lim mà tôi ở một mình, không có sách báo, không được ra ngoài, không được nói với ai, thì hai mươi bốn giờ mỗi ngày cần phải nhân lên không phải là sáu mươi phút mà là sáu trăm! Mà nói thế vẫn còn xa sự thực đấy.

- Có thể như thế, nhưng cậu, cậu còn trẻ chứ tôi đã bốn mươi hai tuổi đầu rồi.

- Này Dega ạ, nói thật, bác sợ cái gì nhất. Sợ bọn tù khổ sai khác chứ gì?

Thật thế đấy Papi ạ. Ai cũng biết tớ là triệu phú, và từ chỗ đó đến chỗ ám sát tớ vì tin rằng tớ mang trong người năm mươi hoặc một trăm ngàn quan chẳng xa xôi gì cả.

- Bác ạ, bây giờ chúng mình làm giao kèo với nhau nhé? Bác hứa với tôi là đừng giả vờ điên còn tôi, tôi hứa với bác là sẽ luôn luôn ở bên cạnh bác. Chúng mình sẽ dựa vào nhau. Tôi khỏe và nhanh, tôi đã học đánh nhau từ hồi rất trẻ và tôi biết dùng dao rất thành thạo. Vậy thì về phía bọn tù khổ sai bác cứ yên tâm: họ sẽ không những nể chúng mình mà còn sợ nữa. Khi vượt ngục, chúng mình sẽ không cần đến ai hết. Bác có tiền, tôi cũng có tiền, tôi biết sử dụng địa bàn và điều khiển thuyền đi biển. Bác còn muốn gì hơn nữa?

Dega nhìn thẳng vào mắt tôi hồi lâu... Chúng tôi ôm lấy nhau. Thế là bản giao kèo đã được ký kết.

Một lát sau, cửa mở ra. Dega vác bạc-đà đi về phía bác, còn tôi đằng tôi. Phòng giam của chúng tôi không xa nhau lắm. Vả lại thỉnh thoảng chúng tôi có thể gặp nhau ở phòng cắt tóc, ở phòng bác sĩ, hay ở nhà nguyện của khám nếu là ngày chủ nhật.

Dega bị sa lưới trong vụ giá mạo phiếu Đảm phụ Quốc phòng. Có một gã chuyên làm bạc giả đã chế tạo ra các phiếu Đảm phụ này một cách khá độc đáo. Hắn tẩy những tập phiếu năm trăm francs và in lên đấy những con số mười nghìn francs một cách cực kỳ khéo léo. Vì giấy phiếu như nhau, cho nên các nhà ngân hàng và các thương gia khi nhận những tờ phiếu này không hề nghi ngờ gì hết. Tình hình này kéo dài nhiều năm và Phòng tài chính của Bộ tư pháp không còn biết đằng nào mà lần nữa, cho đến ngày người ta bắt được quả tang một người trong bọn tên là Brioulet. Lúc bấy giờ Louis Dega làm chủ một tiệm rượu ở Marseille, nơi tụ hợp những phần tử tinh hoa trong giới giang hồ miền Nam, và là nơi hẹn hò quốc tế của những tay du lịch giàu có một cách khả nghi của khắp thế giới. Kể đến năm 1929, Dega đã có vốn bạc triệu. Bác ta rất yên tâm.

Một đêm nọ, có một người đàn bà trẻ, đẹp, ăn mặc trang nhã đến tìm ông Louis Dega ở tiệm rượu.

- Thưa bà chính tôi đây, bà cần gì ạ? Xin mời bà sang phòng bên.

Ông ạ, tôi là vợ của Brioulet. Nhà tôi đang ở tù ở Paris, vì tội bán phiếu giả. Tôi đã đến thăm ông ấy ở nhà lao Santé, ông ấy có cho tôi địa chỉ tiệm này và dặn tôi đến xin ông hai mươi ngàn francs để trả tiền trạng sư.

Thế là Dega, một trong những tay bợm lớn nhất của nước Pháp, trước cơn hoạn nạn của một người đàn bà biết rõ vai trò của bác ta trong vụ phiếu giả, đã đưa ra câu trả lời duy nhất không nên có trong hoàn cảnh này.

- Thưa bà, tôi tuyệt nhiên không biết chồng bà và nếu bà cần tiền, bà nên bán một ít phấn son là đủ. Bà xinh đẹp thế kia, làm chi mà chẳng kiếm được thừa xài?, Người đàn bà đáng thương kia ức quá, vừa bỏ chạy vừa khóc. Bà ta vào nhà lao gặp chồng kể lại câu chuyện vừa xảy ra. Hôm sau Brioulet công phẫn tố cáo tất cả những gì hắn biết cho viên dự thẩm nghe, chính thức buộc tội Dega là kẻ cung cấp phiếu Đảm phụ cho cả bọn. Lập tức một đội gồm những cảnh sát viên tinh nhuệ nhất của nước Pháp được thành lập để điều tra, theo dõi Dega. Một tháng sau, Dega, hai người chuyên tẩy khắc và in phiếu giả cùng với mười một người đồng lõa bị bắt vào cùng với một giờ ở những nơi khác nhau, và bị tống giam. Họ bị đưa ra tòa Đại hình quận sông Seine, và phiên tòa đã xử mười bốn ngày liền. Mỗi bị cáo nhận đều được trạng sư cỡ lớn bào chữa cho. Brioulet không một lần nào phản cung. Rốt cục, chỉ vì hai mươi ngàn francs khốn nạn và một câu trả lời ngu xuẩn mà tên bợm già giặn nhất của nước Pháp đã phá sản với mười lăm năm tù khổ sai. Và đó chính là người vừa mới cùng tôi ký kết một bản giao kèo cùng sống cùng chết.

Trạng sư Raymond Hubert có đến thăm tôi. Ông ta dĩ nhiên chẳng lấy gì làm phấn khởi, cho nên trong khi nói chuyện với tôi ông lộ vẻ lúng túng rõ ràng. Tôi không trách móc ông ta một câu nào.

...Một, hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau... Một, hai, ba, bốn, năm, quay đằng sau. Tôi đi đi lại lại như thế từ cửa sổ đến cửa lớn của phòng giam suốt mấy tiếng đồng hồ. Tôi hút thuốc lá, tôi cảm thấy mình tỉnh táo, cân bằng và đủ sức chịu đựng bất cứ điều gì. Tôi tự hứa với mình là giờ đây sẽ không nghĩ đến chuyện trả thù vội.

Cái tên công tố viên kia thì ta hãy tạm bỏ hắn đứng ở nơi mà tôi đã trói hắn vào mấy cái vòng đóng trên tường, cứ để mặt hắn ở đấy: tôi vẫn chưa quyết định được là mình sẽ làm cho hắn chết bằng cách nào. Bỗng một tiếng hét chói chang, một tiếng hét tuyệt vọng, não nuột một cách khủng khiếp, đã lọt vào cửa phòng giam, không biết từ đâu vang đến. Cái gì thế nhỉ? Nghe như tiếng kêu gào của một người đang bị tra tấn Nhưng ở đây đâu có phải là nơi hỏi cung của cảnh sát hình sự? Không có cách nào biết được việc gì đang xảy ra. Những tiếng hét trong đêm khuya đã làm cho tôi gan ruột rối bời. Và tiếng hét ấy không biết nó mạnh đến mức nào mà có thể xuyên qua được tấm cửa có. đệm da dày này. Có lẽ đó là một người điên. Bị giam một mình trong những căn xà-lim như thế này, không có một chút gì từ bên ngoài vào, thì phát điên cũng chẳng khó khăn gì. Tôi nói to lên một mình, tự chất vấn bản thân: “Những tiếng hét ấy thì có liên quan gì đến mày? Mày hãy nghĩ đến bản thân mày, chỉ nghĩ đến bản thân mày và đến người cộng sự mới của mày là Dega”. Tôi cúi xuống, thẳng người dậy, rồi đấm một phát vào ngực mình. Đau lắm. Và như thế có nghĩa là mọi sự vẫn còn ổn: các bắp thịt trên tay tôi vẫn hoạt động một cách hoàn hảo. Thế còn chân? Hãy khen ngợi đôi chân ấy đi, vì đi đi lại lại hơn mười sáu tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa thấy mỏi.

Người Tàu đã phát minh ra cái giọt nước nhỏ đều đều xuống đầu tội nhân. Còn người Pháp thì đã phát minh ra sự im lặng. Họ loại trừ mọi phương tiện khuây khỏa. Không có sách, không có giấy, không có bút, khung cửa sổ có song sắt lớn bị bịt kín bằng những tấm ván, chỉ khoét mấy cái lỗ nhỏ đủ để lọt một ít ánh sáng mờ mờ.

Người nôn nao vì tiếng hét não nùng kia, tôi quay cuồng trong xà lim như một con thú bị nhốt trong chuồng. Tôi thật sự có cái cảm giác là bị mọi người ruồng bỏ và bị chôn sống theo nghĩa đen. Phải, đúng là tôi hoàn toàn chỉ có một mình, và tất cả những gì ở thế giới bên ngoài có thể thấu được đến tôi trước sau cũng chỉ là tiếng hét ấy.

Có ai mở cửa. Một ông linh mục già bước vào. à, bây giờ thì mày không phải chỉ có một mình nữa, trước mặt mày đã có một ông linh mục.

- Chào con. Con hãy tha thứ cho cha vì mãi đến hôm nay cha mới vào được. Mấy hôm trước cha về quê nên không biết. Con có khỏe không?

Và ông linh mục già xuề xòa bước thẳng vào xà-lim, ngồi bệt xuống cái giường tồi tàn và thấp lè tè của tôi.

- Con người xứ nào?

- Vùng Ardèche.

- Bố mẹ ra sao?

- Mẹ con mất hồi con mới mười một tuổi. Hồi trước bố con thương con lắm.

- Ông ấy làm nghề gì?

- Dạy học.

- Bố con còn sống chứ?

- Vâng ạ.

- Bố con còn sống, thì sao con lại nói là “trước kia”?

- Bởi vì bố con thì còn sống nhưng con thì chết rồi.

- Ôi! Con đừng nói thế. Con đã làm gì mà bị án?

Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ đến cái ấn tượng lố bịch mà tôi sẽ gây nên nếu tôi nói rằng mình vô tội.

Và tôi trả lời thật nhanh:

- Cảnh sát nói là con đã giết người; mà cảnh sát đã nói thế thì hẳn là phải đúng như thế:

- Đấy là một thương gia à?

- Không, hắn làm ma cô.

- Và vì một chuyện lôi thôi gì đấy trong giới du đãng mà người ta xử con tội khổ sai chung thân à? Cha không hiểu. Đây là một vụ giết người có chủ đích à?

- Không ạ, chỉ là một vụ giết người thường thôi.

- Tội nghiệp, thật khó mà tin được. Liệu cha có thể làm gì giúp con không? Ta cùng cầu nguyện nhé?

- Thưa cha, xin cha tha thứ, con không biết cầu nguyện, vì con không hề được giáo dục về tôn giáo.

- Không sao đâu con ạ, cha sẽ cầu nguyện cho con. Đức Chúa lòng lành thương yêu tất cả những đứa con của Người, đù đã rửa tội hay chưa cũng vậy thôi. Bây giờ cha nói gì con cứ thế mà nhắc lại nhé, được không?

Đôi mắt ông linh mục dịu hiền quá, gương mặt bầu bĩnh của ông toát ra lòng nhân từ trong sáng quá, đến nỗi tôi không nỡ từ chối, và khi thấy ông quỳ xuống, tôi cũng quỳ theo. “Lạy Cha chúng con ở trên Trời...”

Tôi ứa nước mắt, và ông linh mục thấy thế liền đưa ngón tay múp míp hứng lấy một giọt lệ lớn đang lăn trên má tôi và đưa lên môi uống.

- Con ơi, những giọt nước mắt của con đối với cha là phần thưởng lớn nhất mà Chúa có thể gửi cho cha ngày hôm nay qua tâm hồn con. Cảm ơn con nhiều lắm.

Ông linh mục hôn lên trán tôi.

Hai chúng tôi lại ngồi cạnh nhau trên cái giường tù.

- Đã bao lâu con không khóc?

- Mười bốn năm.

- Mười bốn năm, tại sao?

- Ngày mẹ con mất.

Ông già cầm tay tôi và nói:

- Con hãy tha thứ cho những kẻ đã làm con đau khổ đến như vậy.

Tôi giật phắt bàn tay tôi ra khỏi bàn tay ông linh mục và bất giác vùng dậy, lùi ra phía giữa phòng giam.

- ồ không, cái đó thì không đời nào! Con sẽ không bao giờ tha thứ cho chúng nó. Cha có muốn nghe một lời tâm sự của con không, thưa cha? Vậy thì đây: hàng ngày, hàn g đêm, hàng giờ, hàng phút con chỉ làm có mỗi một việc là nghĩ cho ra cách gì và bao giờ con sẽ giết hết được tất cả, những kẻ đã giam con vào đây.

- Con nói thế, và con tin là như thế, vì con hãy còn trẻ, còn trẻ lắm. Rồi sau này khi đã có tuổi, con sẽ từ bỏ ý định trừng phạt và trả thù.

Ba mươi bốn năm sau, tôi đã nghĩ đúng như ông linh mục nói.

- Cha có thể làm gì để giúp con? - ông linh mục nhắc lại.

- Cha có thể làm một việc phạm pháp không?

- Việc gì?

Đến xà-lim số 37 nói với Dega là phải nhắn trạng sư xin cho được chuyển sang nhà lao trung tâm Caen, và báo cho Dega biết là con cũng vừa làm đơn như thế xong. Cần phải rời nhà lao Conciergerie thật nhanh để chuyển sang một nhà lao trung tâm nơi tập hợp những đoàn tù gửi sang Guyane. Vì nếu lỡ mất chuyến tàu thứ nhất thì phải đợi thêm hai năm nữa trong nhà lao cấm cố mới có một chuyến khác. Khi cha đã gặp Dega rồi thì xin cha quay trở lại đây cho con biết tình hình ra sao.

- Cha sẽ lấy lý do gì để trở lại đây?

- Chẳng hạn cha cứ nói là bỏ quên quyển kinh. Con đợi câu trả lời của Dega.

- Nhưng tại sao con lại vội đi? Mà lại vội đi đến một nơi khủng khiếp như cái nhà tù khổ sai ấy?

Tôi nhìn lên gương mặt của ông linh mục, người tín sứ của Thượng đế lòng lành, và tin chắc rằng ông sẽ không phản bội tôi, tôi nói:

- Thưa cha, để vượt ngục cho thật nhanh.

- Chúa sẽ giúp con, con ạ, cha tin chắc như vậy, và con sẽ làm lại cuộc đời của con, cha cảm thấy thế. Vì con có đôi mắt của một chàng trai trung hậu, và vì tâm hồn con cao thượng. Cha đến phòng 37 đây. Con hãy ngồi đợi câu trả lời.

Ông linh mục quay trở lại phòng tôi rất nhanh.

Dega đồng ý. Ông linh mục để lại cuốn kinh cho tôi mượn đến mai.

Ngày hôm nay một tia nắng của Trời đã lọt vào đây làm cho phòng giam của tôi sáng rực lên, nhờ lòng nhân hậu của con người thánh thiện ấy.

Nếu Thượng đế có thật, tại sao Người lại cho phép có những con người khác nhau đến như vậy sống trên trái đất? Lão công tố viên, bọn cảnh sát, bọn Polein, rồi lạ i có ông linh mục, ông cha xứ của nhà lao Conciergerie?

Chuyến đến thăm của con người thánh thiện ấy vừa an ủi tôi lại vừa được việc cho tôi.

Hai lá đơn của chúng tôi đã sớm có kết quả. Chỉ một tuần sau, hai chúng tôi đã ở trong số một tốp bảy người đứng xếp hàng trong hành lang nhà lao Conceiergene lúc bốn giờ sáng. Toàn thể đội cảnh sát đã có mặt ở đấy.

- Cởi hết ra!

Ai nấy đều chậm rãi cởi áo quần. Trời lạnh, tôi nổi cả da gà lên.

- Để đồ đạc ngay trước mặt. Đằng sau, quay! Lui một bước, bước! - Trước mặt mỗi người đã có một xáp áo quần.

- Mặc vào!

Chiếc áo sơ-mi vải phin mịn mà tôi mặc ban nãy được thay thế bằng một cái áo vải thô cứng, và bộ com-lê trang nhã của tôi nhường chỗ cho một cái blouson và một cái quần bằng dạ thô. Đôi giày của tôi đã biến đâu mất, và tôi phải xỏ chân vào một đôi guốc sabot*(*một thứ giày đẽo bằng gỗ, có mu, thường dùng ở vùng nông thôn)

Kể cho đến ngày hôm nay, chúng tôi còn có cái vẻ của người bình thường. Tôi đưa mắt nhìn sang sáu người kia: thật kinh khủng! Không còn lấy một dấu vết nào của bản sắc riêng: trong hai phút đồng hồ ai náy đều đã hóa thành tù khổ sai.

“Bên phải, quay? Nhìn trước, thẳng! Đi đều, bước”

Được khoảng hai mươi tên cảnh sát áp giải hai bên, chúng tôi ra sân và lần lượt được đưa lên xe, mỗi người nhốt kín trong một cái ngăn hẹp trên thùng xe. Thế là chúng tôi lên đường đến khám Beaulieu, tên gọi của nhà lao trung tâm ở thành phố Caen.

Nguồn: truyen8.mobi/t76353-papillon-nguoi-tu-kho-sai-chuong-2.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận