Papillon Người Tù Khổ Sai Chương 4

Chương 4
Quán tre

Pascal Fosco từ khu mỏ bốc-xít xuống. Y là một trong những kẻ đã âm mưu dùng võ khí cướp bưu điện Marseille. Tòng phạm với y đã bị chém đầu. Pascal là người tốt nhất trong bọn chúng tôi. Tuy là thợ máy giỏi, anh chỉ kiếm được bốn đô-la một ngày, nhưng vẫn tìm cách nuôi một hay hai tù nhân gặp khó khăn.

Khu mỏ đất nhôm này ở rất sâu trong rừng. Xung quanh mỏ, hình thành một làng của công nhân và kỹ sư. Trên bến, chất quặng được đổ suốt ngày xuống nhiều tàu để chở đi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ tại sao ta không mở quán ở cái nơi khỉ ho cò gáy này nhỉ? Tối đến, những người sống ở đấy chắc buồn đến chết.

- Đúng đấy. - Fosco nói với tôi, - quả là chẳng có quái gì để giải trí.

Và vài hôm sau, một cái thuyền nhỏ, sau hai ngày ngược sông, đã đưa Indara, Quých-Quých, anh Cụt và tôi đến mỏ Mackenzie.

Nơi các kỹ sư, quản đốc, và thợ chuyên môn ở thì gọn gàng sạch sẽ, có những căn nhà nhỏ đủ tiện nghi, nhà nào cũng chăng lưới thép để muỗi không vào được. Trong làng thì lại tồi tàn quá. Không có nhà nào bằng gạch, đá hay xi-măng, chỉ có những túp lều vách đất và tre, mái bằng lá cọ rừng, hoặc lợp tôn kẽm là cùng. Bốn quán nước có bán cả thức ăn, đều dơ bẩn khủng khiếp mà vẫn đông nghịt khách. Các thủy thủ đánh lộn với nhau để mua một ly bia không ướp lạnh. Không quán nào có tủ lạnh.

Pascal nói có lý, có rất nhiều việc làm được ở chốn hẻo lánh này. Nói cho cùng thì tôi đang ở trên đường vượt ngục; đây vẫn là một chuyến phiêu lưu, nên tôi không thể sống bình thường như các bạn khác được. Làm việc là để kiếm sao vừa đủ sống, chứ tôi chẳng mấy để tâm. Vì ở đây hễ trời mưa là đường xá lầy lội, nên tôi chọn một địa điểm tương đối cao ở phía sau khu trung tâm. Tôi tin là dù trời mưa nơi tôi ở cũng không bị nước vào trong nhà hay xung quanh nhà.

Trong mười ngày, được thợ mộc da đen ở mỏ giúp, tôi đã dựng lên một phòng hình chữ nhật dài hai mươi mét, rộng tám mét. Ba mươi bàn mỗi bàn có bốn ghế có thể chứa được một trăm hai mươi người ngồi thoải mái. Một cái bục cao để các nghệ sĩ lấy chỗ biểu diễn, một quầy rượu, rộng đúng bề ngang quán và có hơn một chục ghế cao. Bên cạnh quán rượu là một căn nhà khác có tám phòng, vừa đủ cho mười sáu người ở rộng sãi.

Khi tôi về Georgetown để mua các dụng cụ, ghế, bàn v.v..... tôi mướn luôn bốn cô gái da đen đẹp người để phục vụ khách hàng. Daya đã làm ở tiệm ăn, cũng quyết định theo chúng tôi. Một người phu sẽ gõ trên cây đàn piano mà tôi mới thuê được. Chỉ còn lo việc tiết mục trình diễn.

Sau nhiều khó khăn vất vả và ba hoa hươu vượn, tôi cũng thuyết phục được hai cô gái Nam Dương, một cô Bồ Đào Nha, một cô Tàu và hai cô tóc nâu bỏ nghề làm điếm để trở thành nghệ sĩ thoát y. Một tấm rèm đỏ cũ mèm mua lại ở một tiệm lạc-son được dùng làm màu sân khấu.

Tôi tổ chức đưa tất cả những người này lên khu mỏ bằng một chuyến đi đặc biệt trên một chiếc thuyền của ngư dân Tàu. Một tiệm rượu nhận bán chịu cho tôi đủ các thứ đồ uống có thể có được. Tiệm đó tin tôi, tôi sẽ trả tiền hàng tháng những gì tôi đã bán được, sau khi kiểm hàng. Và tiệm đó sẽ gửi dần cho tôi những thứ rượu tôi cần. Một cái máy hát cổ lỗ sĩ và những đĩa hát đã mòn sẽ phát nhạc khi anh nhạc sĩ đàn pianô của tôi ngưng hành hạ cây đàn. Đủ loại áo ngoài, váy lót bít tất đen và màu, nịt treo tất, còn rất tốt, tôi chọn mua vì màu sắc sặc sỡ của chúng tại nhà một người ấn đã gom từ đóng đồ bỏ đi của một gánh hát rong, sẽ là “trang phục” của các “nghệ sĩ” tương lai của tôi.

Quých đã mua gỗ cây và giường. Indara thì mua ly tách và những gì cần cho một tiệm rượu, tôi lo rượu và vấn đề nghệ thuật. Gói gắm xong những việc đó trong một tuần, phải cố gắng cật lực. Cuối cùng rồi cũng xong, dụng cụ và người chiếm cả một thuyền.

Hai hôm sau, chúng tôi đến nơi. Sự có mặt của mười cô gái ở giữa rừng thẳm này là một cuộc cách mạng thật sự. Mỗi người xách theo một gói đồ đã leo lên “Quán tre”, tên tôi đặt cho hộp đêm của tôi. Những cuộc tập dượt bắt đầu. Dạy các “nghệ sĩ” của tôi cởi áo quần không phải là dễ. Trước hết tôi nói tiếng Anh và những lời chỉ dẫn của tôi không được hiểu kỹ, sau nữa là vì các cô chỉ quen thay quần áo thật mau cho xong rồi tống khách đi cho nhanh. Còn bây giờ thì trái hẳn, các cô càng làm từ từ bao nhiêu, lại càng hấp dẫn bấy nhiêu. Đối với mỗi cô, lại phải có một chiến thuật khác. Cách làm cũng phải phù hợp với quần áo. Cô nàng “Hầu tước phu nhân” mặc coóc-xê hồng và váy phồng, trong là quần rộng viền đăng-ten trắng, thoát y chầm chậm, sau tấm bình phong có cái gương to phản chiếu để khán giả có thể ngắm lần lượt từng mảng da của nàng.

Rồi cô “Mau lên” một cô gái có cái bụng phẳng nhẵn, tóc nâu, da màu cà-phê nhạt, một bản mẫu tuyệt đẹp của một cuộc lai máu, chắc hẳn là giữa một gã da trắng với một cô da đen màu sáng. Nước da cô này như hạt cà-phê mới bắt đầu rang hơi vàng chút xíu càng làm nổi bật thân hình cân đối của cô. Mớ tóc dài xoăn tự nhiên rủ xuống đôi vai tròn trĩnh tuyệt vời của cô bộ ngực cao đầy đặn, tuy hơi nặng mà vẫn không kém phần hống hách, chĩa ra hai đầu vú màu chỉ hơi xẫm hơn màu da một chút, giương cao lên ngạo nghễ, đẹp vô cùng. Đấy là cô “Mau lên”. Tất cả quần áo của cô này đều mở bằng khóa kéo “féc-mơ-tuy”. Cô mặc quần cao bồi để trình diễn, đầu đội một cái mũ rộng vành và một cái áo ngắn, tay áo có tua bằng da. Theo tiếng nhạc quân hành, cô xuất hiện trên sân khấu và tháo giày bằng cách đá tung từng chiếc lên. Quần dài cô mặc xẻ hai bên. áo chẽn được mở ra thành hai mảnh bằng khóa kéo ở mỗi bên tay.

Với khán giả, cách làm này tác động thật dữ dội vì bộ ngực trần bật lên, như cái lò xo bị nén quá lâu. Đùi và thân trần trụi, cô dang hai chân, tay chống nạnh, vẻ thách thức, cô nhìn thẳng vào đám khán giả, rồi lột mũ, ném lên một chiếc bàn gần sân khấu nhất. Hôm khai trương, Quán Tre đông tưởng muốn vỡ. Ban tham mưu của mỏ đến đủ mặt. Đêm vui kết thúc bằng khiêu vũ và khi các khách cuối cùng ra về thì trời đã sáng. Thắng lợi hoàn toàn, không thể nào ước mong được hơn thế. Cũng phải chi phí tốn kém nhưng giá cao nên bù lại được, và quán ở giữa rừng, cho nên tôi hoàn toàn tin chắc là có nhiều đêm không có đủ chỗ cho khách.

Bốn cô gái chạy bàn của tôi phục vụ không xuể. Các cô này mặc váy rất ngắn, cổ áo khoét sâu, đầu buộc khăn ma-đra đỏ, cũng làm khách mê mẩn. Indara và Daya mỗi người giám sát một phía, khách trong quán gọi gì, thì đã có anh cụt tay và Quých ở quầy rượu cho đưa tới ngay. Còn tôi phải có mặt ở khắp nơi, chỗ nào trục trặc thì chỉnh đốn ngay, chỗ nào có gì lúng túng thì chỉ dẫn kịp thời.

- Ăn chắc rồi - Quých nói khi chỉ còn lại các cô gái phục vụ, các nữ nghệ sĩ và chủ quán trong gian phòng rộng. Chủ và người làm ai cũng mệt lả nhưng vui mừng vì thấy kết quả. Tất cả mọi người sửa soạn đi ngủ.

- Papillon, dậy đi chứ?

- Mấy giờ rồi?

- Sáu giờ chiều rồi. - Quých nói với tôi. - Cô công chúa của anh đã giúp chúng ta đấy. Nàng dậy từ hai giờ dọn dẹp xong xuôi sẵn sàng để đêm nay lại bắt đầu nữa.

Indara mang một bình nước nóng đến. Sau khi tắm rửa, cạo râu tươi tỉnh và khoan khoái, tôi ôm ngang lưng Indara rồi cùng bước vào Quán Tre, mọi người xúm lại hỏi han rối rít.

- Ông chủ ơi, tình hình khá chứ?

- Em thoát y có được không? Theo ông chủ thì chỗ nào không được nào?

- Em hát gần đúng, phải không ông? Cũng may là khán giả dễ tính cả.

Cái nhóm mới thành lập này rất dễ mến. Lũ điếm biến thành nghệ sĩ này rất coi trọng công việc của mình và tỏ ra sung sướng từ bỏ được nghề cũ. Việc buôn bán không thể nào khấm khá hơn thế này được. Chỉ có điều khó khăn duy nhất là quá nhiều khách đàn ông lẻ loi mà quá ít đàn bà. Tất cả các khách hàng đều muốn được ngồi kèm một cô gái, nhất là một nghệ sĩ nếu không được cả đêm thì cũng phải lâu hơn bây giờ. Thế là họ ganh ty nhau. Thỉnh thoảng, lỡ ra có hai phụ nữ ngồi cùng một bàn, là khách hàng phản đối ngay. Các cô gái da đen cũng được quý chuộng, trước hết các cô cũng đẹp, nhưng chủ yếu là vì ở trong rừng này không có đàn bà. Tuy bận ở quầy, thỉnh thoảng Daya cũng chạy ra bàn và trò chuyện với tất cả mọi người.

Khoảng hơn hai mươi khách được thường thức sự hiện diện của cô gái ấn này vì sắc đẹp của cô quả là hiếm có. Để tránh sự ganh tỵ và đáp ứng yêu cầu của khách đòi phải có một nghệ sĩ ngồi tại bàn mình, tôi bày đặt trò sổ số. Sau mỗi tiết mục thoát y hay ca hát, một bánh xe to có ghi số từ 1 đến 32, - mỗi bàn một số, riêng quầy rượu là hai số - sẽ quyết định cô gái vừa biểu diễn sẽ phải đến bàn nào. Muốn chơi xổ số, phải mua một vé, giá tương đương với tiền một chai whisky hay sâm banh.

Tôi cho là làm như vậy có hai điều lợi. Thứ nhất là tránh được những sự khiếu nại. Ai trúng số sẽ được nghệ sĩ ngồi cả giờ tại bàn mình mà chỉ phải trả tiền một chai rượu, được phục vụ theo cách sau đây: trong khi nữ nghệ sĩ chỉ còn cái quạt lông che thân thì tôi cho bánh xe quay. Nó chỉ vào số nào thì cô gái đứng lên một cái mâm gỗ sơn bạc và bốn chàng trai khỏe mạnh nhấc bổng mâm lên, đưa tới cái bàn may mắn trúng số. Cô nàng mở chai sâm banh và, vẫn cứ trần truồng như vậy chạm cốc một lượt rồi xin lỗi và đi vào để năm phút sau trở lại ngồi vào chỗ, lần này ăn mặc đàng hoàng.

Trong sáu tháng công việc chạy đều, nhưng mùa mưa đã qua, một loạt khách mới đến. Đó là những người đi tìm vàng và kim cương được tự do đi thăm dò trong rừng ở cái đất phù sa màu mỡ này. Đi tìm vàng và đá quý bằng những phương tiện cổ hủ cực nhọc vô cùng. Họ thường chém giết hay lấy cắp của nhau. Cho nên tất cả có vũ khí và khi đã có một túi vàng nhỏ hay một nắm kim cương là họ không cưỡng được sự cám dỗ, lao vào ăn tiêu như điên. Bán được một chai sâm-banh, mỗi cô gái cũng được hưởng một tỷ lệ khá lớn. Từ đó, vừa hôn khách, vừa đổ sâm banh hay whisky vào xô đựng đá cho chai mau hết, làm chỉ trong nháy mắt. Có vài người tuy đã uống rồi, nhưng vẫn thấy được cái mánh này và phản ứng dữ dội đến nỗi tôi phải cho gắn chặt bàn và ghế xuống sàn nhà.

Với loại khách mới này, điều phải xảy ra đã xảy ra. Cô gái ấy được người ta gọi là “Hoa Quế” Da cô cũng giống màu cây quế thật. Cô gái mới tới này, ược tôi vớt từ khu nghèo khổ của thành phố George, có lối thoát y làm cho khách phát cuồng lên.

Khi đến lượt cô ta biểu diễn, phải đem một cái ghế tràng kỷ lên sân khấu, cô ta không chỉ cởi quần áo và những kỷ xảo đặc biệt tinh vi, mà sau khi đã trần như nhộng, lại còn nằm dài ra ghế và tự vuốt ve mơn trớn mình. Những ngón tay thon dài của cô lướt trên da thịt trần tụi của mình, mân mê thân thể mình từ tóc đến ngón chân. Không một chỗ nào trên thân thể mà cô lại không mó máy đến. Khỏi phải nói rõ cách phản ứng của những con người thô lỗ của miền rừng rú này, nhất là khi họ đã sặc sụa hơi men.

Tính vốn vụ lợi. Hoa Quế bắt khách mua vé xổ số cho tiết mục của cô ta với giá hai chai sâm banh chứ không phải một như những cô khác. Sau khi mua vé nhiều lần hòng dành được Hoa Quế mà không được lần nào, một gã thợ mỏ vạm vỡ, có bộ râu đen rất rậm, khi cô gái ấn của tôi đi mời mọi người mua vé số cho lần thoát y cuối cùng của Hoa Quế, chỉ còn cách mua cả ba mươi vé xổ số (tức chỉ trừ hai vé của quầy rượu). Sau khi trả tiền sáu mươi chai rượu sâm~banh, tin chắc là mình sẽ trúng, chàng rậm râu tin tưởng chờ Hoa Quế thoát y rồi đợi quay số. Hoa Quế cũng bị kích thích rất mạnh vì từ tối đã uống quá nhiều. Khi cô ta biểu diễn lần cuối thì đã bốn giờ sáng. Ngấm rượu, cô lại càng tỏ ra dâm đãng và có những cử chỉ trắng trợn hơn bao giờ hết. Vù vù? Bàn cò quay đã bắt đầu chạy và con cò bằng sừng sẽ chỉ số trúng.

Chàng rậm râu, sau khi xem cô bé Hoa Quế biểu diễn, đã bị kích thích đến tột độ. Anh chàng ngồi đợi, tin chắc là người ta sắp đưa cô ta trần truồng, trên cái khay bạc, đến cho y, chỉ che có cái quạt lông che thân, hai chai sâm banh được kẹp giữa hai cái đùi tuyệt đẹp. Nhưng tai hại thay, anh chàng mua ba mươi vé lại thua. Số 31 trúng, nghĩa là quầy rượu được. Thoạt tiên y chưa hiểu ra, mãi đến khi cô nghệ sĩ được nhấc lên đặt ở quầy rượu y mới vỡ lẽ. Thế là cái gã ngốc ấy phát điên lên, xô bàn nhảy ba bước tới quầy rượu. Y rút súng lục bắn ba phát vào cô gái, tất cả sự việc này diễn ra trong khoảng chưa đầy ba giây.

Hoa Quế đã chết trong tay tôi. Tôi đến đỡ cô ta lên sau khi đánh gục thằng thú vật ấy bằng một cây dùi cui của quân đội Mỹ mà lúc nào tôi cũng mang trong người. Do tôi bị vấp phải một cô chạy bàn đang cầm khay nên tôi can thiệp chậm, làm thằng súc sinh có đủ thì giờ gây ra chuyện rồ dại này. Kết quả là cảnh sát bắt Quán Tre phải dẹp tiệm và chúng tôi phải trở về Georgetown.

Chúng tôi ai trở về nhà người ấy. Indara cô gái ấn chính cống định mệnh chủ nghĩa, chẳng thay đổi tính nết chút nào. Với cô, sự sụp đổ này chẳng có gì quan trọng. Tìm việc khác mà làm, có vậy thôi. Các chú Tàu cũng thế. Chẳng có gì thay đổi trong nhóm, chúng tôi vẫn ăn ý với nhau. Chẳng ai trách một lời về cái sáng kiến kỳ cục của tôi lấy gái ra để mở số, cái sáng kiến đã là nguyên nhân của sự tai tiếng. Chúng tôi gom góp tiền nong dành dụm được, để trả tất cả các món nợ và đưa đỡ một món tiền cho bà mẹ Hoa Quế. Chúng tôi chẳng băn khoăn lo lắng gì. Tối nào chúng tôi cũng đến quán rượu, nơi các cựu tù nhân vẫn tụ tập. Các buổi tối vẫn vui, nhưng thành phố George trong hoàn cảnh chiến tranh bị hạn chế nhiều đã làm tôi mệt mỏi. Thêm vào đó nàng công chúa của tôi không bao giờ ghen nên tôi lúc nào cũng được tự do. Bây giờ cô nàng đeo tôi từng bước và ngồi hàng giờ cạnh tôi bất cứ tôi ở đâu

Những khả năng buôn bán ở thành phố George trở thành phức tạp. Và có một ngày, tôi bỗng nảy ra ý muốn rời đất Guyane thuộc Anh này sang một nước khác. Chẳng có gì phải sợ, lúc này đang có chiến tranh, không nước nào trả chúng tôi về chỗ cũ, ít ra đấy cũng là điều tôi ước đoán.

Nguồn: truyen8.mobi/t79481-papillon-nguoi-tu-kho-sai-chuong-4.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận