Quan Cư Nhất Phẩm Chương 838 : Long Khánh tân chính

Quan Cư Nhất Phẩm
Tác giả: Tam Giới Đại Sư
Chương 838: Long Khánh tân chính

Dịch giả: lanhdiendiemla
Nguồn: Vipvandan






Nghe xong tuyên bố tưởng như ngông cuồng Thẩm Mặc, Cao Nghi có chút lo âu:
- Địa vị và quyền lực sẽ làm con người ta thay đổi. Huống hồ Trịnh công này cũng là loại nhỏ nhen, mặc dù trong khoảng thời gian này ngài đã giúp hắn rất nhiều, nhưng hắn cũng sẽ không vì thế mà cảm kích ngài.

- Ha ha...
Thẩm Mặc nâng ly trà uống một ngụm nói:
- Tiên sinh hiểu lầm rồi, Thẩm Mặc ta chưa bao giờ là người đòi người khác báo ân cả, ta nói quyền lực của Cao Trịnh xuất phát từ hoàng đế và ta, cũng không phải khoe khoang mình tài giỏi thế nào, mà chỉ là muốn nói sự thực.

- Điều này có gì khác nhau sao...


Cao Nghi cười khổ nói.

- Khác.
Thẩm Mặc lắc đầu nói:
- Quyền lực của một người có lớn thế nào không phải nhìn bằng mắt mà thấy được, mà phải xem hắn làm được chuyện lớn đến thế nào. Vì sao Cao Củng có thể hoành tảo thiên quân, chính là nhờ dựa vào thánh quyến... Thứ này ta cũng có, hơn nữa cũng không kém ông ta bao nhiêu. Cao Củng muốn cải cách triều chính, nhưng như thế lại đắc tội với người khác, nên nhất định phải được hoàng đế ủng hộ, như vậy mới không tạo mâu thuẫn với ta... Sự việc nên làm thế nào, Cao Củng tự mình biết rõ.

- Thì ra là thế...
Cao Nghi gật đầu, nhưng lại nghĩ ông ta còn một lựa chọn, chính là đuổi ông đi.

- Chỉ cần đầu Cao Củng không có vấn đề, thì ông ta không thể không biết, có được một người như ta trợ giúp thì có lợi với cải cách của ông ta thế nào.
Dường như nhìn ra được thắc mắc của Cao Nghi, Thẩm Mặc thản nhiên nói:
- Nếu như không muốn lưỡng bại câu thương với người khác, thì nhất định ông ta phải dựa vào ta.

Cao Nghi im lặng, hắn biết Thẩm Mặc có tư cách nói lời này. Nếu y đã có tự tin đối mặt với vấn đề trong tương lai, thì hắn cũng không lắm miệng nữa, bèn cười nói:
- Chỉ là thế này ngài sẽ phải chịu ủy khuất rồi.

- Ba hai tuổi làm thứ phụ!
Thẩm Mặc cười rộ lên:
- Nếu ta coi đây là ủy khuất thì người trong thiên hạ chẳng phải chửi chết ta sao?

- Cũng phải...
Cao Nghi cười khổ nói:
- Có điều giờ ai mà có gan nói đến tuổi tác của ngài.

- Bọn họ nói mặc bọn họ.
Thẩm Mặc thản nhiên:
- Nói đến tuổi tác, Cao Trịnh và ta đều là tuổi Dậu, nhưng hắn hơn ta đến hai giáp...

Mặc dù không nói tiếp, nhưng Cao Nghi nghe thế đã hiểu, hai người hơn kém nhau 24 tuổi, cũng là một thế hệ, đến lúc Thẩm Mặc lên được thì Cao Củng cũng không phải là đối thủ của y. Liền gật đầu:
- Nhưng ngồi ở vị trí đó sớm cũng chẳng phải là điều tốt.

- Không cần lo xa như vậy.
Thẩm Mặc khoát tay:
- Hiện tại nắm lấy cho tốt là được.

- Đúng vậy.
Cao Nghi nhẹ giọng hỏi:
- Ngài thấy nếu Cao Trịnh làm được như ngài nói, thì sau này hắn có xảy ra vấn để gì không?

- Với tính tình thối tha của hắn...
Thẩm Mặc cười khổ nói:
- Cả ngày không làm loạn lên mới là lạ.
Thấy sắc mặt Cao Nghi trắng bệch ra, Thẩm Mặc cười nói:
- Nhưng tiên sinh yên tâm, sau này dù có loạn, cũng chỉ loạn trong nội bộ, cũng sẽ không lan ra tới triều đình đâu mà lo.
Rồi hạ giọng:
- Từ lão, Triệu lão đều đã đi, thiên hạ còn ai là đối thủ của hắn?

- Cũng phải.
Kỳ thật Cao Nghi đã đoán được trước, chỉ là không nghe được chính miệng Thẩm Mặc nói ra thì hắn vẫn thấy không yên lòng, liền cười nói:
- Xem ra một hồi loạn đấu cũng không phải không có tác dụng.

- Ừm.
Thẩm Mặc gật đầu:
- Ít ra cũng làm nội bộ bớt lục đục...
Nghĩ một chút rồi lại nói:
- Hiện giờ chúng ta có bốn người, chắc có thể tiến cử thêm Trương Tứ Duy, có điều hắn trước nay tao nhã, chắc không muốn theo Cao Trịnh chuốc lấy phiền phức.

- Trương Thái Nhạc định sẽ thế nào?
Cao Nghi hỏi. Mặc dù Trương Cư Chính vô cùng kín tiếng, nhưng Triệu Trinh Cát vừa đi, hắn liền trở thành đại biểu của Từ đảng trong triều, nếu như lại đứng về phía Cao Củng thì thật là phiền phức.

- Hắn và Cao Trịnh vẫn còn qua lại, chắc sẽ không đến nỗi như vậy...
Thẩm Mặc nhẹ nắm mắt, hiện giờ nếu còn có điều gì khiến y không yên tâm thì không phải là do Cao Củng, mà bởi vì kẻ ngày xưa là bạn tốt giờ thành người xa lạ Trương Cư Chính.

Đối với Trương Cư Chính, trong lòng Thẩm Mặc vô cùng khó xử, một mặt hai người từng là tri kỉ, từng có chung nguyện vọng vì thiên hạ bách tính; nhưng khi chức quyền mỗi người một khác lại không thể tránh khỏi mâu thuẫn. Cuối cùng Trương Cư Chính trở mặt, Thẩm Mặc cũng từ đó đoạn tuyệt quan hệ giữa hai người.

Mặc dù hai người đều kín tiếng, nhưng người bên ngoài có ai lại không biết mâu thuẫn của bọn họ? Cho nên bọn họ cũng không cần ra vẻ khách khí, bình thường ngoài mục đích công việc, thì hai người đã không còn qua lại nữa.

Thẩm Mặc từng một lần muốn diệt trừ Trương Cư Chính, nhưng vì hắn có quan hệ với Long Khánh, mặc dù không bằng y, nhưng cũng gọi là thân thiết, cho nên y cũng phải nể mặt hoàng đế. Mà Từ Giai trước khi rời khỏi kinh cũng ám chỉ rằng Trương Cư Chính là người của lão để lại trong kinh, nếu Thẩm Mặc y dám làm gì hắn thì lão sẽ từ mặt. Mặc dù lão không còn tại vị nhưng lão vẫn là thầy của Thẩm Mặc, nếu thật sự bị lão từ mặt thì Thẩm Mặc cũng khó xử.

Thật ra việc hạ bệ Trương Cư Chính mà không để người khác dị nghị đối với Thẩm Mặc y cũng không phải là không thể làm được... Đối với những việc thế này Thẩm Mặc rất thành thạo, nhưng từ tận trong lòng y không thích làm như vậ không muốn tham gia vào loại chuyện tranh quyền đoạt lợi tầm thường thế này.

Lòng tự tôn của Thẩm Mặc không cho phép y làm như thế, y thà nhìn Trương Cư Chính trở thành một cải cách gia lớn mạnh. Bởi vì y tin rằng, đến lúc thích hợp y có thể đủ sức loại bỏ đối phương, cho nên y để mặc Trương Cư Chính về theo phe Cao Củng.

Thật vậy, chỉ nửa năm ngắn ngủi sau khi trở về, Cao Củng đã có thể loại bỏ được ba người cạnh tranh với mình, ngoài việc ông ta chiếm thiên thời địa lợi nhân hoà, thì cốt yếu là có được sự trợ giúp của Trương Cư Chính.

Không cần xem tình báo của Cẩm Y Vệ Thẩm Mặc cũng có thể biết, Cao Củng kia mặc dù hư trương thanh thế, nhưng thực ra đã giăng bẫy để dẫn dụ Triệu Trinh Cát vào tròng, đến nỗi Triệu Trinh Cát phải liều mạng với Cao Củng và thánh quyến. Cao Củng lấy sở trường của mình để đánh với sở đoản của đối thủ, sao lại không thắng cho được?

Dù sớm biết rằng Cao Củng sẽ thắng, nhưng thắng dễ dàng như thế khiến Thẩm Mặc biết chắc rằng trong đó tất có âm mưu. Nhưng biết rồi cũng chỉ để thở dài một tiếng, hay cho một kế một đá ba chim... Đầu tiên, khiến Triệu Trinh Cát cuốn gói về nhà; thay thế Lý Phương; còn tiện thể hạ đài Trần Dĩ Cần, một lần loại bỏ được ba người phản đối cải cách. Thứ hai, qua việc này Trương Cư Chính đã lấy được tín nhiệm của Cao Củng, trở thành quân sư của ông ta, đối với thời còn núp dưới bóng của Thẩm Mặc, ăn bữa nay lo bữa mai mà nói, thì đây chính là một bước củng cố vững chắc địa vị của Trương Cư Chính; cuối cùng, sau khi Lý Phương và Triệu Trinh Cát không còn, Trương Cư Chính đương nhiên trở thành đại diện cho Từ đảng, điều này giúp tăng cường thực lực cho hắn rất nhiều.

Có thể nói, lần tranh đấu này có thể ngắn ngủi và dễ dàng đến vậy, chính là bởi vì có Trương Cư Chính đằng sau hiến kế, còn Cao Củng chỉ là người làm theo, mặc dù nở mày nở mặt, nhưng trong lòng Cao Củng vẫn có cảm giác bị người khác lợi dụng...

- Nếu như ngài đã nói như vậy, chắc hắn sẽ cũng không làm gì quá đáng...
Cao Nghi thoải mái nói:
- Khó khăn lắm mới có được thời khắc yên bình thế này.

- Phải, cho dù thế nào...
Thẩm Mặc gật đầu cười:
- Cũng đã tới lúc làm chính sự rồi...

-oOo-

- Tới lúc làm chính sự rồi.
Cao Củng ngồi trên vị trí tể phụ cũng không cảm thấy vui mừng tột độ, bởi vì ông thấy vị trí này vốn thuộc về mình, cho nên trên mặt không lộ vẻ kích động, cũng không lộ vẻ cảm kích, chỉ nghiêm mặt nói:
- Quốc sự đã thế này chúng ta không thể đợi được nữa. Cùng thực hiện cải cách, loại bỏ cái cũ, mong chư vị hãy cùng nỗ lực, đừng để phí thời gian.

Trong ba tháng nhậm chức, từ tháng ba đến tháng sáu, ông đã liên tiếp dâng lên mười bản tấu chương, trực tiếp nói ra tư tưởng cải cách chấn động triều dã của mình. Có câu muốn lên đài phải tốn mười năm công phu, vì ngày hôm nay, Cao Củng hiện giờ sao lại chịu bỏ phí mười năm công sức chứ?

Cải cách đương nhiên không phải là mọi người ngồi với nhau mà nói cải cách đi, cải cách đi, sau đó làm không đâu vào đâu. Đó là hồ đồ, không phải cải cách.

Nếu muốn cải cách, ngoài thiên thời địa lợi nhân hoà còn phải chuẩn bị để hứng chịu nghi vấn, phải tỏ rõ khả năng thực tiễn của lý luận và phương hướng cải cách đó.

Về điều này thì Cao Củng đã chuẩn bị tất cả.

[Đầu tiên, Cao Củng lợi dụng công báo, một lần nữa nêu rõ lý luận cải cách của ông... Trong lịch sử cũng có ghi lại, cải cách phải dựa vào lý luận cơ sở, lấy lý luận làm trọng tâm, nếu thiếu đi lý luận thì cải cách sẽ không xuất hiện, nếu có xuất hiện thì cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn mà thôi.

Thứ hai, vào lúc Long Khánh thay đổi niên hiệu, Cao Củng đã đưa ra chủ trương chính trị của bản thân. Nhưng vì lúc đó chức quyền còn yếu, tự nhiên lại đưa ra chủ trương như vậy, đương nhiên là tự chuốc lấy xấu hổ. Chủ trương của ông là vạch trần những luật lệ tập quán bất hợp lý cổ lổ sĩ, liệt kê ra "bát tệ": không theo luật pháp, tham tiền, cay nghiệt, đố kị, trốn tránh trách nhiệm, bè đảng, cẩu thả, viển vông. Những thói quen lâu ngày này rất khó sửa. "Bát tệ rộng khắp khắp thiên hạ, không những không thể cứu nạn, mà còn tạo ra loạn khắp nơi", nhưng Cao Củng tin tưởng chắc chắn lại trị có thể sửa được, mọi chuyện có thể dẹp yên, binh yếu có thể luyện, tài thiếu có thể bồi, nhất định phải dùng biện pháp mạnh, nhất định phải cải cách. Kính người trung hậu thì cay nghiệt bị tiêu; khen thưởng đúng mực thì không còn đố kị; phân rõ nhiệm vụ thì sao có trốn tránh trách nhiệm; tất cả vì lợi ích chung thì bẻ đảng bị giải trừ; luận công tội rõ ràng thì ai dám cẩu thả; luôn bám sát thực tế thì viển vông nào còn.

Chủ trương cải cách tập trung vào một vấn đề: tất cả mọi việc, đều lấy luật pháp làm chủ. "Bát tệ trừ xong, mọi chuyện sẽ được tốt đẹp! Chỉ có bài trừ Bát tệ mới có thể xoay chuyển được nguy cơ, tránh được suy tàn, đạt được mục đích "Sửa trong chống ngoài, đủ thực đủ binh".

Sau khi quay trở lại, Cao Củng định trình lên một bản điều trần, trình bày cụ thể các điều mục kiến thiết, nhưng khi xem [Trần lục sự sớ] của Trương Cư Chính, thấy trong đó gần như đã nói hết những điều trong lòng, Cao Củng liền coi Trương Cư Chính là đồng chí.
[Trần lục sự sớ: sớ kể sáu chuyện]

Đến khi Cao Củng nắm quyền, đã mang lý luận và cương lĩnh ra áp dụng vào thực tế, cũng chính ông dâng lên liên tiếp mười đạo tấu chương. Nội dung của cả mười tấu chương chính là các kiến nghị cải cách hành chính, tài vụ, tư pháp, quân sự, thuỷ lợi, vốn bắt chước theo thời Gia Tĩnh, đến nay đã không còn hợp lý nữa.

Trong đó có ba điều quan trọng, cải cách lại trị, cải cách quân sự và cải cách tài vụ. Bản thân Cao Củng gánh trách nhiệm cải cách lại trị, nhiệm vụ cải cách quân sự giao cho Thẩm Mặc, còn nhiệm vụ cải cách tài vụ chính là của Trương Cư Chính. Về phần Cao Nghi... Dù sao cũng cần phải có một người phụ trách sự vụ hằng ngày.

Vì sao nói ba điều này quan trọng, rất đơn giản, Đại Minh từ ngày lập quốc tới nay, quân sự vẫn đứng vị trí thứ nhất, nhưng đối với một dân tộc làm nông mà nói, chiến tranh chính là tiêu tiền, không có tiền thì chiến tranh làm sao? Về phần lại trị... Cao Củng có [Trừ bát tệ sớ], chấn chỉnh các tệ nạn chốn quan trường. Cao Củng vô cùng tỉnh táo, phương án cải cách dù là tốt cũng đều yêu cầu các quan viên phải nghiêm chỉnh chấp hành, nếu như chỉ đội ngủ con con thế này mà hắn không chỉnh đốn ổn thỏa được, thì dù phương pháp tốt cũng sẽ bị hoàng thượng quở trách.

Sở dĩ cải cách của Vương An Thạch làm mọi người lên án, chính là bởi vì nguyên nhân không biết cách dùng người...

-oOo-

Cao Củng phụ trách cải cách lại trị. Lại trị là chế độ chính trị cơ bản của quốc gia, chính trị thối nát dẫn đến lại trị bại hoại, mà lại trị bại hoại lại càng làm cho chính trị thêm thối nát. Hơn nữa còn khiến cho quan trường đen tối, chính sự trong triều bị bỏ bê, tài chính khó khăn, dân chúng khốn cùng, tình cảnh xã hội cùng quẫn.

Trong [Trừ bát tệ sớ], Cao Củng cũng đã nói rõ về vấn đề này, nhưng để cải cách thì phải hiểu rõ, rồi sau đó mới bốc thuốc đúng bệnh được. Trong một loạt các tấu chương, ông đã nêu ra những điều tệ hại sau đây:

Điều tệ thứ nhất chính là việc chọn quan viên chỉ dựa vào số năm làm quan. Thời Thái tổ, chọn quan viên phải dựa theo hiền đức, không quan tâm tới thâm niên làm quan, nhưng tới thời Tuyên Đức lại ngược lại, chỉ chú trọng tới thâm niên làm quan. Trong [Nghị xử khoa mục nhân dĩ hưng trị đạo sớ] Cao Củng có nói, quan viên xuất thân tiến sĩ thậm chí lấy tội làm công, còn quan viên xuất thân cử nhân từ công lại biến thành tội. Thực tế, quan viên xuất thân khoa bảng có nhiều người chỉ biết nói những điều viển vông mà không biết làm, những người có thực lực, hiểu dân lại không có mấy. Trái lại, những cử nhân xuất thân khoa cống vì chăm chỉ làm nhiệm vụ của mình, đối với những việc của dân chúng vô cùng quen thuộc, cho nên rất thích hợp với công việc gần dân.
(Nghị xử khoa mục nhân dĩ hưng trị đạo: bàn về đạo dùng người để hưng thịnh)


Nhưng bản triều lại có sự phân biệt đối xử nghiêm trọng với quan viên xuất thân từ tiến sĩ và khoa cống. Tiến cử, lên chức, tất cả những ưu đãi này đều thuộc về tiến sĩ quan viên; mà khổ sở vất vả, chịu tiếng xấu thay cho người khác lại dồn hết lên khoa cống, hơn nữa bọn họ không thể có tiền đồ. Vì thế, không những kìm hãm rất nhiều người, mà còn khiến cho triều đình không thể tìm được nhân tài thích hợp, vì nước ra sức, cũng khiến cho khoa bảng quan viên càng được nước làm điều xằng bậy.

Điều tệ thứ hai chính là khảo hạch không sát thực tế, thưởng phạt lộn xộn. Vốn bản triều đã hoàn thiện đầy đủ các chế độ khảo hạch nghiêm ngặt, thưởng phạt phân minh. Nhưng từ thời Thành Hoá tới nay đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng. Một là các bè cánh dùng khảo hạch làm công cụ loại trừ lẫn nhau. Hai là thưởng phạt bừa bãi, trong tấu chương Cao Củng không chỉ vạch trần phủ án mỗi tỉnh không tuân theo luật pháp, còn chỉ ra các quan lại bao che cho nhau. Ba là việc trừng trị quan lại không theo thực tế mà lấy theo định mức: Hơn mười năm qua, việc trừng phạt quan viên đều có định mức, năm nào cũng vậy, chỉ cần đủ số thì dù thực tế còn xấu cũng không tính vào; nhưng nếu thiếu thì trừng phạt cả những quan viên tốt cho đủ số.

Điều tệ thứ ba là xem thường biên quan, diêm quan và mã quan. Cao Củng chỉ ra quan viên ở Liêu, Sơn, Thiểm nếu không theo bè cánh thì sẽ bị giáng chức, cho dù không bị giáng chức thì cũng không chịu nổi sức ép mà từ quan.

Điều tệ thứ tư là lấy chuyện công làm việc tư, không từ thủ đoạn. Trong tấu chương, Cao Củng có nói tới tình hình quan trường hiện nay: người thời nay làm quan đều vì tranh giành bổng lộc chức tước, tất cả đều nhắm mắt chạy theo, kẻ nào cũng xu nịnh bợ đỡ, cho rằng làm như thế mới là quan tốt. Lấy công mưu tư, tham ô vô lại, chỗ nào cũng có, gần như đã thành phong trào.

Điều tệ thứ năm là bỏ bê nhiệm vụ, không nghe mệnh lệnh. Bởi lại trị bại hoại, thưởng phạt lộn xộn, khiến những người làm quan không chuyên tâm làm việc. Triều đình truyền lệnh tới các bộ, các bộ cũng lần lữa, bỏ mặc, mọi chuyện sau một thời gian, cũng chẳng còn ai nhắc đến.

Những điều này cũng đã khái quát được sơ qua về tình hình lại trị đương triều.

-oOo-

Những điều này Cao Củng cũng đã nêu ra phương pháp giải quyết.

Để giải quyết điều tệ thứ nhất: chọn quan không cần hỏi điều gì, chỉ cần xem số năm làm quan, đối sách chính là: chọn người có năng lực, không quan tâm xuất thân. Cao Củng giao cho Lại bộ phải đảm bảo các quan viên xuất thân tiến sĩ, cử nhân cùng giám sinh đều phải có quyền lợi như nhau, luận xuất thân chỉ ở lúc đầu nhận chức, còn quyền lợi sau đó đều phải dựa theo thành tích mà xét. Ông cũng xin hoàng đế hạ chỉ cho Đô Sát viện và mỗi quan phủ án, cần phải làm họ thay đổi tư tưởng cũ, không được trù dập những người hiền đức, bảo hộ người vô năng chỉ vì xuất thân của họ. Ông tuyên bố rằng, chỉ cần làm theo điều này, thì tiến sĩ không còn tự kiêu, cử nhân sẽ chú trọng hơn vào hiệu quả, tất sẽ có nhiều thiện chính. Cho dù tất cả mọi người có thể không được như thế, nhưng trong mười chỉ cần có sáu, bảy thì cũng đã quá nửa rồi. Mà thiện chính nhiều thì dân an, dân an thì nước tự khắc giàu mạnh.

Cao Củng giao trách nhiệm cho ti quan Lại bộ, ghi lại danh sách tất cả các người tài có thể dùng được; lại truyền cho mỗi quan lại địa phương dốc sức tìm kiếm người hiền đức, chỉ cần có năng lực thì bất luận xuất thân, đều phải tiến cử không được bỏ sót.

Sau đó từ danh sách tiến cử chọn ra người để bồi dưỡng. Cao Củng nói: Triều đình dùng người tất phải bồi dưỡng, nếu không như vậy thì cũng chỉ là dùng cho đủ số mà thôi. Chủ trương của ông là đầu tiên chọn ra một số người, sau đó cử họ tới mỗi nha môn hoặc địa phương làm trợ lý cho các quan, tích lũy kinh nghiệm, cũng nhờ đó mà triều đình có thể nhận định rõ họ có phải là người tài thật sự không, rồi dựa theo năng lực mà giao cho trọng trách.

Đối với mỗi người đã bồi dưỡng tốt thì đều được dùng hết. Cao Củng nói từng người đều có tính cách khác nhau, cũng như có khả năng khác nhau, tựa như năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, nhưng tất cả đều có tác dụng riêng, quan trọng là phải sắp xếp được cho những người này vị trí thích hợp... Ông dựa theo năng lực mà chia tất cả mọi người làm ba cấp: thượng, trung và hạ, nhưng ông cũng biết mọi người đều có chỗ hữu dụng của mình, quan trọng là phải biết phát huy sở trường tránh sở đoản, thì mọi chuyện đều có thể hoàn thành.

Hơn nữa đối với việc xử phạt quan viên phải xác định rõ ràng lỗi phạm phải là lớn hay nhỏ, đừng để vì lỗi nhỏ mà bỏ phí người tài. Đây cũng là chính sách dùng người mà Cao Củng đã nhiều lần nhấn mạnh. Theo quan điểm của ông, đã là người thì ai ai cũng có lỗi lầm, không tồn tại người nào mà không có sai lầm trong đời. Người không có sai lầm chẳng qua là người chưa từng làm qua việc đó mà thôi, một khi đã làm chắc chắn sẽ có lầm lỗi.

Cho nên Cao Củng yêu cầu đối với những lỗi "rất nhỏ" thì cần phải có thái độ khoan dung, nếu nhận định là việc lớn liên quan tới quốc gia đại sự thì phải có xem xét cụ thể, ngoại trừ giam giữ như trước đây thì phải điều tra tường tận. Đối với những người có năng lực nhưng phạm lỗi, khi xét xử sẽ được chú ý điều tra; với những người đã từng phạm lỗi nhưng biết ăn năn hối cải, thì không ai được để ý tới chuyện cũ của người đó, mà phải hết sức giúp đỡ, vì mục tiêu chung phấn đấu. Còn những người chưa từng phạm lỗi nhưng không có thành tích biểu hiện gì, thì phải xem xét đề nghị bãi chức, tránh cản trở hiền tài tiến thân.

Đồng thời chỉ ra vì người giỏi toàn diện có rất ít, nếu như cách dùng người quá khắt khe thì chỉ khiến họ chán nản, co về tự bảo vệ lấy mình, lúc này quốc gia dựa vào ai để kiến công lập nghiệp chứ?

Ngoài ra còn phải chuẩn bị lớp quan viên dự bị cho thật tốt. Trong tấu chương ông có nói: dùng người không phải chỉ trong ngày một ngày hai, phải có kế hoạch bồi dưỡng lớp kế cận. Hơn nữa với những chức quan quan trọng cần phải nhắm tới hai ba người có thể thay thế, để khi một người có chuyện thì đã có người khác làm thay, tránh chức quan bị bỏ trống. Cái này gọi là "Dự vi chi kế" đối với việc làm quan.

Sau đó ông điều chỉnh chính sách một người không được làm quan tại tỉnh của mình. Chính sách này vốn đã có từ thời lập quốc tới nay, Cao Củng một mặt cho đây là một chính sách cần thiết, ông nói: Quốc gia dùng người không được điều về tỉnh của người đó, bởi vì tộc nhân của họ trong tỉnh, rất dễ để việc riêng tư ảnh hưởng vào việc công, cho nên phải điều đi tỉnh khác làm quan; một mặt lại nói chính sách chỉ áp dụng cho các chính quan ở các phủ, châu, huyện, tỉnh, mà không áp dụng cho các quan lại thuộc hạ bên dưới. Ông nói: các quan lại thuộc hạ chức quyền không lớn, lại thường xuất thân gia cảnh bần hàn, nếu như phải đi xa thì có thể không muốn làm quan nữa, hoặc có đi thì cũng không thể quay về, vô cùng cô độc, tình cảnh rất đáng thương. Cho nên có thể cân nhắc để bổ nhiệm tới địa phương kế cận.

-oOo-

Để tránh điều tệ thứ hai, khảo hạch không sát thực tế, thưởng phạt lộn xộn Cao Củng có đối sách: khảo hạch phải nghiêm ngặt, đúng đắn. Chủ trương cụ thể là:

Đầu tiên phải thống nhất các tiêu chuẩn khảo hạch. Cao Củng yêu cầu khi khảo hạch quan lại thì không được dựa vào xuất thân, mà phải dựa theo thành tích, ưu khuyết mà ra kết luận. Ông còn đề ra các nội dung khảo hạch riêng cho từng chức vụ, từng bộ ngành cụ thể.

Thứ hai nhắc lại tính đúng đắn, đầy đủ của khảo hạch. Trong [Minh sự lệ dĩ định khảo hạch sớ] Cao Củng có nhắc lại về các điều cụ thể trong khảo hạch, yêu cầu Lại bộ, Đô Sát viện cùng với mỗi nha môn phủ, án đều phải làm theo.

Thứ ba cho phép người bị khảo hạch được biện bạch, người oan uổng phải được minh oan, người vu cáo phải bị trị tội. Cao Củng nhấn mạnh các quan viên giám sát khảo hạch phải xử sự theo lẽ công bằng, lại đề xuất cho phép người bị khảo hạch được phản biện cho mình.

Thứ tư, tăng số lượng quan viên giám sát khảo hạch. Cao Củng yêu cầu mỗi quan viên phủ án đều phải vô tư, không vì tình riêng mà bao che kẻ xấu, hãm hại người tốt.

-oOo-

Với điều tệ thứ ba là xem thường biên quan, diêm quan và mã quan, đối sách của Cao Củng là tăng cường lựa chọn biên quan, diêm quan và mã quan. Đối với biên quan, ông đề xuất với các đại quan ở vùng biên: sau này đối với tiến sĩ, cử nhân đều phải có cách lựa chọn và loại trừ giống nhau, có tài thì dùng, không thì loại. Còn về diêm quan và mã quan, trong tấu chương ông có nói: nay để mã quan chuyên tâm coi sóc ngựa, đáp ứng cho nhu cầu của quân đội. Diêm quan thì chuyên tâm vận chuyển muối, đáp ứng nhu cầu cả nước. Tất cả đều được coi là các chức quan quan trọng, còn phá vỡ lệ thường, nếu sau này "Khanh", "Sử" mà thiếu, sẽ chọn người liêm khiết có triển vọng bổ nhiệm vào.

Đối với điều tệ thứ tư, lấy chuyện công làm việc tư, không từ thủ đoạn, Cao Củng cũng đưa ra đối sách. Tại Lại bộ, chỉnh sửa lại cách thức bổ nhiệm và bãi miễn quan lại, ngăn chuyện lấy công làm tư. Trước đây việc thăng chức quan viên đều là chủ sự văn tuyển ti hỏi lang trung, lang trung lại bí mật trình lên thượng thư. Cho dù trong đường có thị lang, ti có viên ngoại cũng không hề biết. Chuyện này là vì sao? Cao Củng chỉ một câu đã nói được nguyên nhân của nó, cái này chẳng qua là chuyện riêng của họ thì họ phải giấu kín mà thôi. Vì vậy liền yêu cầu sau này nếu có điều chuyển, thì phải lệnh cho thư lại mang văn kiện tới hâu đường, hai thị lang cùng đồng thời xem xét, có như vậy thì mới tránh được tư tâm.

Ngoài ra phải thưởng thanh liêm trừ tham quan. Đối với tham ô, chủ trương của Cao Củng là trừng phạt nghiêm khắc, không chỉ bãi quan tước chức, còn phải truy tìm tài sản tham ô, không để cho tham quan lộng hành làm sa sút lòng tin của dân chúng. Đối với quan thanh liêm, ông đề nghị tưởng thưởng. Ông nói: Không trừng phạt thì sao răn đe, không khen thưởng thì sao khích lệ? Hơn nữa còn đả kích người đút lót và nhận hối lộ để nhằm vào thói quen hối lộ đang phổ biến trong xã hội, cần phải có sự trách phạt nặng nề làm gương cho kẻ khác.

Đối với điều tệ thứ năm, quên như vậy, không nghe mệnh lệnh. Cao Củng chủ trương loại bỏ những quan viên này, ông nhấn mạnh hai điểm, một là phải dựa theo thực tế, không nên dựa theo một con số cụ thể nào; hai là phải phân biệt rõ ràng người đáng bị loại bỏ với người mắc lỗi nhưng có thể sửa sai được, tránh loại nhầm đi hiền tài của quốc gia.

-oOo-
Phương diện cải cách tài chính thì xảy ra bất đồng đối với các quan lại cũ. Trong [Nghĩa lợi quan], Cao Củng lần đầu tiên không kiêng kị gì mà nêu lên thế nào là nghĩa hay bất nghĩa, yêu cầu các cấp quan lại phân rõ công lợi và tư lợi, nếu là làm lợi cho quốc gia thì lợi này gọi là nghĩa, nếu như chỉ làm lợi cho bản thân thì lợi này gọi là bất nghĩa. Còn nói rõ việc quản lý công lợi và tư lợi cũng chính là một nhiệm vụ quan trọng của triều đình. Điều này không chỉ phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa phi công lợi của Lý học Tống Minh, mà mục đích chính của nó chính là muốn hiệu triệu quan phủ các cấp phải chú ý tới thực tế tài chính, vì Long Khánh mà ra sức phục hồi kinh tế Đại Minh.

Vậy cụ thể là làm thế nào?

Giai cấp thống trị thì từ trước tới nay chỉ muốn có thật nhiều tiền, mà đều lấy từ của bách tính. Cao Củng cho rằng nếu thật sự muốn có thật nhiều tiền, thì không thể chỉ dựa vào việc ép lấy sưu cao thuế nặng, mà còn phải biết "Khai tài chi nguyên" và "Tiết tài chi lưu".
(Khai tài chi nguyên: nôm na là tạo nguồn tiền)
(Tiết tài chi lưu: tiết kiệm)

Trước tiên là nói về "Tiết tài chi lưu", Cao Củng cho rằng điều này chính tiết kiệm và dự trữ. Tiết kiệm chính là hàng năm triều đình phải có chính sách cụ thể với tiền thu vào, phàm là việc không có ích cho quốc gia, bách tính, hoặc là việc ban thưởng vô tội vạ, tổ chức lễ tiết không cần thiết, tất cả đều cắt giảm. Như vậy không những giảm bớt gánh nặng cho bách tính, còn có thể tiết kiệm dành cho cứu tế và quân phí.

Còn về dự trữ, chuyện này được Cao Củng xếp thành chuyện quốc gia đại sự, vậy dùng phương pháp nào để sử dụng hợp lý nguồn thu hàng năm của quốc gia? Cao Củng đề xuất phương pháp ba và một, thu nhập hàng năm được chia làm bốn phần, chi tiêu chỉ được ba phần, còn một phần dành để tiết kiệm. Tổng cộng sau ba năm sẽ dự trữ được ba phần tư thu nhập một năm, cũng vừa đủ để chi dùng cho năm đó. Cứ theo đó mà tính, sau chín năm thì có thể tiết kiệm để chi dùng cho ba năm tiếp theo nữa, như vậy cho dù có gặp phải một năm thiên tai mất mùa thì cũng có thể không phải lo lắng.

Vậy còn "Khai tài chi nguyên" là thế nào? Cao Củng ngoài việc chú trọng vào nông nghiệp như trước đây, còn xác lập địa vị của công thương nghiệp và các hoạt động tài chính. Trước đây mỗi triều đại vẫn luôn áp dụng chính sách "Trùng bản ức mạt", mặc dù từ thời Thành Hoá tới nay cũng đã có không ít người kêu gọi coi trọng công thương nghiệp, nhưng người có thể biến chính sách đó thành hiện thực, áp dụng trong thực tế cũng chỉ có Cao Củng mà thôi. Ông cho rằng, nông nghiệp liên quan đến quốc kế dân sinh, coi trọng nó là việc đương nhiên, nhưng mặt khác cũng không thể bỏ qua sự phát triển của công thương nghiệp.
(Trùng bản ức mạt: Coi trọng nông nghiệp khinh công thương nghiệp)

Đương nhiên Cao Củng vẫn biết nông nghiệp mới là gốc rễ của quốc gia, chỉ cần người người có ruộng nương, chăm chỉ cần cù thì quốc gia mới có thể có nguồn lực hùng hậu. Cao Củng cũng thấy được mối quan hệ giữa nông nghiệp và thương nghiệp là hỗ trợ lẫn nhau, nếu như nông nghiệp được mùa bội thu nhưng lại không có thương nhân mang sản phẩm đi buôn bán, thì nông dân cũng không thu được bao nhiêu lợi ích. Năm được mùa thì dự trữ, đến năm không may mất mùa thì lấy lợi của năm được mùa mua lương thực được thương nhân mang từ nơi khác tới, như vậy mới thấy được mối quan hệ dựa vào nhau của nông nghiệp và thương nghiệp, công thương nghiệp phát triển cũng kéo theo nông nghiệp phát triển.

Về phần phát triển công thương nghiệp thế nào, Cao Củng cho rằng phải nâng cao địa vị của thương nhân. Trong sớ dâng lên hoàng thượng, Cao Củng mong rằng sẽ bỏ được tệ nạn lâu nay, không được tìm cách chèn ép, bóc lột thương nhân, bắt thương nhân đút lót, hối lộ hay các thu các khoản tiền không hợp lý khác. Nếu triều đình có mua bán với thương nhân, thì phải định giá rõ ràng, thu mua theo giá của chung của thiên hạ, hơn nữa không được khất nợ tiền hàng, cho dù trong lúc đó quốc khố thiếu bạc, thì cũng phải mượn từ nơi khác để bù vào, nhằm bảo đảm lợi ích của thương nhân.

Đương nhiên thương nhân mà Cao Củng nói tới ở đây chỉ là tiểu thương và thợ tiểu thủ công, còn đối với đại thương nhân ở Đông Nam ông cũng không có đánh giá, hay đưa ra một chính sách nào.

Cải cách tài chính thì do Trương Cư Chính đảm nhiệm. Thật ra từ những năm cuối thời Gia Tĩnh khi bắt đầu chấp chưởng Hộ bộ, hắn đã gắng sức phổ biến chính sách của hắn, chỉ bởi vì bị đám người đương quyền cựu thần Từ Giai, Cát Thủ Lễ, Triệu Trinh Cát coi là liều lĩnh mà cản trở hắn khắp nơi, cho nên mới không thể thực hiện được. Thế nhưng mấy năm gần đây sự việc đã có nhiều biến chuyển, lúc này hắn đã có thể triển khai toàn bộ kế hoạch cải cách của mình.

Phương án cải cách của Trương Cư Chính gồm ba phần cấu thành: cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế và cải cách tiền tệ.

Trước tiên là nói về cắt giảm chi tiêu, ngoài việc Cao Củng nói không lợi ích thì không làm, không có công không ban thưởng... để tiết kiệm chi phí, thì hắn còn bắt tay vào làm "Tông phiên thế lộc" và "Nhũng quan nhũng viên".
( Tông phiên: tôn thất được phong đất phong hầu)
(thế lộc: quý tộc được thừa hưởng chức tước truyền đời)
(nhũng quan nhũng viên: quan viên thừa, vô dụng)

Tông phiên thế lộc chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu của sự khủng hoảng tài chính của Đại Minh, điều này trong triều ai cũng đã biết. Ở Hà Nam, Hồ Quảng, Tứ Xuyên tông phiên dày đặc khắp nơi, tiền thu thuế ruộng thậm chí còn không đủ để trả cho tôn thất của thế lộc. Đám tôn thất này trở thành quỷ hút máu, ký sinh trùng, giờ cũng đã hút cạn máu của vật chủ là Đại Minh rồi.

Từ những năm bắt đầu thời Gia Tĩnh, Lễ bộ đã đề nghị phong hoàng tử làm quận vương, thân vương thì phong làm trấn quốc tướng quân, chính là một biện pháp để giảm thiểu chi tiêu. Thế nhưng bởi vì tôn thất phản đối mãnh liệt nên lại thôi. Rồi đến những năm cuối thời Gia Tĩnh mới ban ra [Tông phiên điều lệ], hạn chế đặc quyền của vương thất, một là cắt giảm bổng lộc, hai là quy định nếu như thân vương không có con thì người trong tộc không được kế thừa tước vị. Tuy vậy hoàng thân quốc thích vẫn còn được hưởng rất nhiều đặc quyền.

Đến thời Long Khánh, đại thần đã nhiều lần thượng sớ yêu cầu sửa đổi [Tông phiên điều lệ], yêu cầu nghiêm chỉnh thi hành việc hạn chế đặc quyền của vương thất, nhưng rồi cũng không đi tới đâu. Bây giờ khi Cao Củng tái nhậm chức, thời cơ mới chín muồi, Trương Cư Chính liền quyết đoán thực hiện, bày mưu cho ti lang trung Thích Nguyên Tá dâng sớ viết:

"Thân vương, quận vương, tướng quân từ thời lập quốc chỉ có bốn mươi chín vị, đến giờ đã phát triển lên thành hai vạn chín nghìn bốn trăm chín mươi hai vị, so với lúc lập quốc thì gấp tới mấy trăm lần, lấy toàn bộ thu nhập của năm nay cũng không đủ trả cho một nửa trong số họ. Kính thỉnh:

Một là hạn chế số người được phong tước. Trưởng tử của thân vương được thừa kế tước vị, con thứ được phép phong tước ba người, trưởng tử của quận vương thừa kế tước vị, con thứ được phong tước hai người, còn trấn quốc tướng quân chỉ có trưởng tử kế thừa tước vị, con thứ không được phong người nào. Phụng quốc trung úy thì không phân biệt trưởng thứ đều không được kế thừa, chỉ cho phép được phong một người. Còn những người không được phong thì ban cho tiền bạc, chương phục.

Hai là kiểm tra nghiêm ngặt tư cách thừa tự. Tôn thất không có nối dõi thì không được lôi kéo cả anh em họ hàng để thừa tự. Thân vương, quận vương không may tuyệt tự thì chỉ cho phép lập nên một người để trông coi chuyện trong phủ, không được mạo nhận thừa kế tước vị.

Ba là phân biệt thân sơ. Quy định con cháu bảy đời của quận vương chỉ được phong phụng quốc trung úy, sau đó không được truyền thừa nữa, đời kế tiếp được ban cho năm trăm lượng bạc, tùy ý sử dụng.

Bốn là nghị chúa quân. Nữ nhi của thân vương chỉ được phong ba, nữ nhi của quận vương chỉ được phong hai, nữ nhi của tướng quân trung úy chỉ được phong một, ngoài phong hào quận, huyện chúa hoặc quận, huyện, thôn quân thì bị cắt bổng lộc, khi xuất giá thì trượng phu không được cấp mũ áo, tất cả phải tự lo liệu lấy.

Năm là nghị mạo phí. Con cái của những tôn thất lai lịch không rõ, tôn thất đã bị đổi tước, tôn thất tự ý lập gia đình, sau này có sinh con cái thì con cái thì phải tự lo. Chỉ có con cái của tôn thất tự ý lập gia đình thì được thưởng danh, không được cấp cho bổng lộc gì".

Thật ra theo suy nghĩ của Trương Cư Chính, tốt nhất là con trưởng của thân vương thì phong quận vương, còn lại đều phong trấn quốc tướng quân, giáng phong thế này sẽ giảm thiểu được sự bành trướng của tôn thất thế lộc, nhưng mà Long Khánh không đành lòng, nội các cũng lo lắng sẽ làm cho tôn thất chấn động, rồi dựa vào đó mà mượn cớ phản đối tân chính (chính sách mới), cho nên mới phải dừng lại mà tiến hành từng bước. Nhưng chỉ cần như vậy cũng đủ để cho tình hình tài chính quẫn bách của Đại Minh dễ thở hơn rất nhiều... Qua sự kiểm kê đối chiếu của Lễ bộ và Hộ bộ, đã tra ra số tôn thất không rõ lai lịch có tới một vạn bảy nghìn bảy trăm sáu mươi mốt người, mặc dù phần lớn chỉ là tước lộc cấp thấp, nhưng cũng có thể tiết kiệm cho mỗi tỉnh hai trăm lượng bạc, năm trăm vạn thạch lương thực, giảm rất nhiều gánh nặng cho mỗi tỉnh.

Đối với những quan viên không cần thiết hoặc không có năng lực, Trương Cư Chính làm rất mạnh tay. Lúc này Đại Minh có rất nhiều quan viên thừa thãi, không phải là quan phủ mà là các trung quan, cẩm y cùng thế tập huân quý võ tướng. Trong [Nghị tài cách nhân viên thừa sớ] có đề cập tới việc lập ra quy định cắt giảm, được chia làm ba đợt trong vòng năm năm, làm cho nhân số giảm về như hồi lập quốc.
(Nghị tài cách nhân viên: bàn về việc thay đổi nhân viên)

Còn về phần cải cách tài chính và thuế vụ, chủ yếu chính là phổ biến "Nhất điều tiên pháp", nhưng trước tiên phải tiến hành đo đạc lại ruộng đất trong toàn quốc. Mục đích chính của đo đạc lại chính là phát hiện ruộng chưa được kê biên, Trương Cư Chính biết rõ việc này đương nhiên sẽ đụng chạm tới lợi ích của huân quý, quan lại và thân hào, khiến cho bọn họ cùng phản đối. Nhưng hắn đã hạ hạ quyết tâm không bị lay chuyển, kiên định triển khai việc đo đạc. Hắn viết thư cho tuần phủ các nơi, khuyến khích họ thẳng tay mà làm, đồng thời cũng hạ lệnh trừng trị nghiêm khắc huân quý ngang ngược cản trở việc đo đạc và quan viên không làm được việc. Đây cũng là bước quan trọng tiếp theo của Trương Cư Chính.

Ngoài điều đó ra, hắn còn chủ trương cố gắng thực hiện cải cách tiền tệ, như ngày trước đã thỏa thuận với Thẩm Mặc, để Hối liên hào cùng Nhật Thăng Long ở hai nơi Giang Nam Giang Bắc cùng ấn hành tiền giấy mới.

Thật ra Trương Cư Chính cũng không muốn để cho hai đại phiếu hào phát hành tiền giấy, nhưng vì quốc khố của triều đình đã sớm cạn kiệt, tài chính vô cùng quẫn bách, cho nên hắn đành phải để hai đại phiếu hào này được lợi. Nhưng hiện giờ không cần biết hắn có thừa nhận hay không, thì ngân phiếu do hai đại tiền trang phát hành đã sớm thông hành toàn quốc, hiện tại triều đình cũng đã thừa nhận, hắn có muốn cũng đành phải chịu vậy mà thôi.

-oOo-

Về phương diện cải cách quân sự thì do Thẩm Mặc toàn quyền phụ trách. Cũng giống với Trương Cư Chính, từ khi nắm quyền ở Binh bộ tới na đã dần dần đẩy mạnh cải cách, thực hiện các chính sách đã thương nghị với Cao Củng từ trước. Nhưng so với hai người Cao, Trương thì tình cảnh của y có vẻ ung dung hơn nhiều.

Chỉ có duy nhất một điều tranh cãi chính là, năm nay y đề xuất bãi bỏ xét duyệt nội giám doanh, phải do hoàng đế tự mình cử hành "Đại duyệt". "Đại duyệt" chính là đại duyệt binh, lần đại duyệt trước còn ở thời Võ Tông hoàng đế, đến nay đã gần năm mươi năm không được cử hành lại. Cho nên khi vừa đưa ra đã bị không ít đại thần phản đối, nói đây chỉ là việc hao tài tốn của, là Thẩm Mặc vì lấy lòng hoàng đế mới đưa ra ý kiến thối tha này, thiên hạ có thể có địch nhân vì ngươi đại duyệt binh mà kinh hãi sao? Có tiền không bằng tiếp tế cho biên quân còn hơn.

Nhưng chẳng mấy chốc, những tên bàn tán đều thành mục tiêu của các cải cách của Cao Củng, khiến tất cả lại phải quay đầu dựa vào Thẩm Mặc mong được giúp đỡ, nào còn dám trêu chọc y? Vì vậy mà cũng không còn người nào phản đối nữa. Còn Long Khánh hoàng đế mặc dù đối với các loại sách lược cải cách rất thờ ơ, nhưng đối với "Đại duyệt" lại vô cùng hứng thú... Một mặt kinh thành mấy năm liên tục đều nhận được cảnh báo, khiến cho hoàng đế phải coi trọng biên phòng, mặt khác còn có cơ hội được khoác chiến bào, cưỡi tuấn mã, giả làm tướng quân một hồi, đối với một hoàng đế quanh quẩn thâm cung mà nói thì việc này quả thực quá hấp dẫn...

Vì vậy hạ chiếu xuống muốn cử hành "Đại duyệt" vào mùa thu. Sau khi chiếu lệnh truyền đi, mỗi lộ tướng soái đều phấn chấn, đều gia tăng thao luyện, cố gắng tới lúc trước mặt hoàng đế thể hiện được điều gì, mong có cơ hội vươn lên nở mày nở mặt.

Còn Thẩm Mặc cũng bắt đầu tăng cường chuẩn bị quân tư, Cao Củng cũng tán thành đề xuất của y, ở ti Thanh lại quản lý kho vũ khí của Binh bộ bổ sung thêm một lang trung, hai viên ngoại lang cùng với bốn chủ sự, xem như là trợ thủ của Ngô Đoái, chuyên quản lý việc sản xuất. Cũng hạ tử lệnh phải hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm chất lượng, số lượng mà Binh bộ đã đề ra.

Trong buổi gặp mặt động viên sản xuất, y nói rõ với quan viên tham dự cùng người phụ trách công binh xưởng rằng những đồ quân giới này đều là gửi đi chiến trường, nếu lúc đó xảy ra vấn đề gì thì nhất định truy ra trừng phạt nghiêm khắc không tha. Để bảo đảm chất lượng, y còn hạ lệnh cho một lang trung của ti Thanh lại phải nghiêm ngặt kiểm tra chất lượng của toàn bộ quân giới nhập kho, không được để một bộ quân giới không đủ tiêu chuẩn nào nhập kho, nếu không thì chém không tha.

Nghe xong phát biểu đằng đằng sát khí của Thẩm các lão, tất cả mọi người biết là y đã thực sự ra tay, cũng không ai dám vuốt râu hùm nữa. Đệ đệ Chu Hi Hiếu của Thành quốc công thay mặt cho nhóm sản xuất tham dự cuộc họp đành phải nói trên dưới công binh xưởng đều nguyện ý vì mục tiêu đánh đuổi Thát Lỗ mà ra sức cống hiến, chỉ là nếu dựa theo tiêu chuẩn sản xuất như vậy thì chi phí sẽ tăng vọt, khoản dự trù trước kia sẽ không thể đủ.

- Thiếu hụt bao nhiêu ta đã tính qua...
Thẩm Mặc nhìn Chu Hi Hiếu nói:
-...là tám mươi vạn lượng, số tiền này Binh bộ sẽ chi làm ba lần, trong vòng nửa năm sẽ trả hết.

Từ Văn Bích vốn định nói lý một phen, nhưng không ngờ Thẩm Mặc đã điều tra hết chi phí, lợi nhuận của bọn họ, chỉ là nếu cứ như thế thì kiếm được quá ít.

- Chỉ cần có thể hoàn thành đúng hạn...
Thẩm Mặc thản nhiên cười:
-... Binh bộ sẽ thưởng thêm cho các vị hai mươi vạn lượng.
Muốn ngựa chạy nhanh mà không cho nó ăn thì đời này nó chạy?

Nghe xong lời này tất cả các chủ xưởng đều không còn dị nghị gì nữa, Chu Hi Hiếu ngượng ngùng cười:
- Mặc dù còn thiếu một chút, nhưng vì chia sẻ khó khăn cho quốc gia, chúng ta sẽ cố gắng.

Nguồn: tunghoanh.com/quan-cu-nhat-pham/chuong-838-4uJaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận