– Đã hơn 8 giờ rồi. Tôi về hồi 7 giờ, thấy cô ngủ ngon quá nên không kêu. Cô dậy rồi ăn cơm đi, bữa nay tôi nấu luôn cả phần cơm của cô nữa. Cô cứ ăn tự nhiên. Thoa bước ra vừa phân trần: – Tại hồi trưa cháu dọn phòng, chuyển qua bên này để không bị thấm nước, nên mệt quá ngủ quên. Ông già Tư mau mắn: – Sao cô không chờ tôi về, tôi giúp cho. Đàn bà con gái làm chi chuyện nặng nhọc đó. – Dạ, cháu làm được mà. Chú Tư cứ ăn cơm đi, cháu không đói. – Không được. Thấy cô ngủ quên, biết cô không kịp nấu cơm nên tôi đã nấu luôn, đủ cho mấy người ăn lận! Ông trở xuống bếp, lát sau bưng lên một mâm cơm với ba món thức ăn đang bốc khói: – Già này sống một mình lâu nay nên tự nấu được nhiều món ăn, ngon không thua gì mấy bà đâu nhé! Không tiện từ chối nên Thoa cùng ăn. Lựa lúc ông già Tư vui chuyện, đột nhiên Thoa hỏi: – Chú ở trong nhà này lâu lắm rồi phải không, chắc là rành mọi chuyện? Ông già chừng như từ lâu không được dịp nói chuyện cùng ai, nên tuôn ra một hơi: – Tôi ở làm cho nhà này từ thời ông chủ đồn điền Thành Công còn cai quản cơ ngơi này, đến khi cậu chủ Thành Đức nối nghiệp tôi cũng ở đây. Tính gọn cũng đã hơn hai chục năm rồi. – Có nghĩa là chú ở từ khi anh Đức chưa có gia đình? – Ồ chưa! Hồi đó chính tôi đứng ra lo đám cưới cho cậu Đức, bởi khi ấy ông Thành Công bị bệnh nằm một chỗ, mà bà chủ cũng bị đau không đi đứng được, kể cả việc tôi còn phải đưa cô dâu từ nhà thương về… Kể tới đây, chừng như biết mình quá lời, ông già Tư ngừng ngang… Biết đây là thời cơ tốt nhất để khai thác chuyện mà mình đang thắc mắc, nên Thoa đánh bạo hỏi: – Xin cho cháu hỏi, có phải bà chủ bị bệnh gì đó về tâm thần phải không? – Phải. Ông già trả lời vừa thở dài, rồi như được dịp tuôn hết ra những điều lâu nay không biết nói với ai, ông ta tiếp: – V ợ cậu Đức bị tâm thần từ ngày hôn lễ. Có một người đàn ông tên Quân chen vào chuyện của họ. Đó là nguyên do dẫn tới bao rắc rối cho tới bây giờ… Bởi vậy cô thấy đó, con bé Ái Lan lúc nào cũng chỉ muốn sống bên mẹ nó, mặc dù nó cũng rất thương cha. Đấy, gia đình họ rắc rối lắm… Thoa đột ngột hỏi: – Có phải người đàn ông tên Quân đã chết rồi không? Nhìn sững Thoa, phải mất mấy giây ông già Tư mới đáp: – Đúng, cậu ấy chết rồi! Thoa thở hắt ra: – Như vậy đúng rồi! Già Tư ngạc nhiên: – Cô nói cái gì đúng? – Dạ không. Cháu nói… cháu nghĩ đúng như lời chú Tư nói. Thoa không muốn cho ông ta nghi ngờ chuyện mình đọc được quyển tập ghi chép của bà Ái Liên. Cô ăn xong nhanh bữa cơm khen lấy lòng: – Chú Tư quả là nấu thức ăn ngon quá! Tiếp ông già dọn mâm chén bát xuống bếp, Thoa trở lên ngay phòng mình để đọc nốt quyển sách. Nhưng vừa bật đèn lên, bỗng Thoa kêu lớn: – Đâu rồi? Quyển sách để ở đầu giường không cánh mà bay mất! Thoa chạy đi tìm ông già Tư: – Chú có thấy cuốn sách cháu để trên giường không? Ông già Tư ngạc nhiên: – Sách gì? Nãy giờ tôi ngồi ăn cơm với cô mà, có thấy sách vở gì đâu? Thoa nhớ lúc ông Tư kêu mình dậy, khi bật ngồi lên, tay cô còn chạm quyển sách đúng nơi cô để trước lúc ngủ. Không thể nào… Ông Tư hỏi lại: – Mà cô nói quyển sách gì? Trong nhà này chỉ có cô và tôi, mà tôi thì không bao giờ… Thoa phải nói trớ đi: – Dạ, chắc cháu nhớ lộn rồi. Có thể cháu còn để ở phòng bên kia… Đợi ông già Tư ra khỏi nhà xong, Thoa tuần tự mở hết các phòng còn lại. Có một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của Thoa khi cô mở căn phòng nhỏ trên sân thượng. Trong phòng là cả một kho sách cũ! Và còn lạ lùng hơn, quyển sách TÌNH HẬN đang nằm trang trọng trên chiếc bàn viết duy nhất trong phòng. Ngay bên cạnh quyển sách có bức ảnh chân dung của một người thanh niên, đã khá cũ, ở một góc ảnh đã có dấu hiệu ố vàng. Tò mò, Thoa cầm tấm ảnh lên và lật phía sau xem, cô càng giật mình khi thấy dòng chữ, đúng là nét chữ của Ái Liên: Ngàn thu chỉ còn lại cái bóng của anh thôi, Quân ơi! – Thì ra đây là Quân, người tình của Ái Liên. Thoa suýt buông rơi bức ảnh xuống sàn, khi nghĩ tới việc Quân đã vào phòng mình để lấy quyển sách! Trong khi anh ta là một… hồn ma! Đáng lý Thoa đã bỏ chạy khỏi phòng ngay lúc ấy, nhưng chẳng hiểu sao sau khi phân vân một chút, cô lại bước tới các kệ sách đặt quanh tường. Toàn là những cuốn sách rất lạ, mà hầu hết là những đề tài huyền bí bằng Anh văn, Pháp văn. Cầm một vài quyển lên xem thử thì cuốn nào cũng có hai chữ ký, một của Ái Liên, còn một là của… Quân! Đúng nơi đây là thư viện riêng của bà chủ Ái Liên, nhưng tại sao bà ta lại để những quyển sách của mình và người tình ngay trong nhà này, cả bức ảnh chân dung nữa! Vậy còn ông chủ Đức thì sao? Hơn nửa giờ say mê với kho sách, Thoa chưa muốn rời, nếu không bất chợt nhìn thấy dấu vết bùn in hình một cặp đế giày khá lớn trên sàn nhà. Dấu còn mới, bùn còn ướt! – Ai vậy? Ông già Tư đâu có đi giày kiểu này? Nỗi tò mò dậy lên, Thoa không kiềm chế được nên lần theo dấu giày xem thử nó đi đâu? Ra tới khu vườn rộng phía sau nhà, nơi có một lối mòn đất đỏ mà cơn mưa liên tục mấy hôm nay đã làm cho sũng nước. Những dấu giày còn in rõ ràng, đang hướng về phía tường rào cuối vườn. Đến tận cuối vườn thì mất dấu, nhưng cũng không khó khi sau đó Thoa nhìn thấy một cánh cửa sắt cũ dẫn ra ngoài. Thì ra… Thoa giống như một nhà thám hiểm, nhìn trước sau không thấy ai, cô bước lần theo dấu chân tiếp tục in trên đường đất đỏ. Đó là con đường duy nhất dẫn về một ngôi nhà thấp thoáng phía chân đồi. Ngoài ngôi nhà đó hầu như chung quanh không có nhà nào khác. Cũng có hơi ngại, nhưng đã trót đi rồi Thoa đành phải bước tiếp. Khoảng năm phút sau thì Thoa đã đặt chân tới trước cửa ngôi nhà. Hình như bên trong có chút khói bay lên, chứng tỏ là nhà có người. Thoa hơi yên dạ, cô rụt rè lên tiếng: – Có ai trong nhà không, cho tôi hỏi thăm… Tiếng chân bước đều ra, cửa xịch mở, và… – Chú Tư! Trước mặt Thoa là ông già Tư quản gia. Ông hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy Thoa, nhưng kịp trấn tĩnh ngay, ông vội hỏi: – Sao cô biết đây mà tới? Thoa lúng túng: – Dạ, cháu… cháu… – Thôi, đã tới thì vào nhà đi.