Trông thấy Xuân rồi, Văn Minh nghĩ thầm: "Ừ, cái mặt thằng này thế mà cũng đỡ ma cà bông rồi đây! Ăn sung mặc sướng cũng có khác! Bây giờ ta nói thế nào? Cắt nghĩa thế nào cho trôi việc đem nó đến khai tên ở Tổng Cục? Chả lẽ nói ngay là định gả em cho nó nên phải nhắc nó lên từ một thằng nhặt ban lên địa vị nhà tài tử? Có nên nói ngay hay không?" Ông đương bối rối thì Xuân đã mở cổng, giơ tay ra...
- Thế nào, bà phán vừa đem cậu Phước đến chùa Bà Banh xin sớ.
- Có gì bận không?
- Tôi bây giờ rỗi lẵm. À, bà đầm độ này tấn tới lắm đấy nhé!
Hai người đương đi bỗng nhiên ông chủ tiệm Âu hóa đứng hẳn lại. Ông vờ như không biết Xuân đã khen vợ ông, lảng chuyện ấy mà rằng:
- Anh nên lên gác thay quần áo cho trịnh trọng vào để mà đi theo tôi ngay bây giờ đây. Có việc rất quan hệ!
- Việc gì thế ạ?
- Đừng hỏi, cứ mặc quần áo đi đã!
Văn Minh chờ độ 10 phút thì Xuân đã xuống quần áo chỉnh tề. Nó chưa hiểu sắp đi đâu thì thấy chủ cũ nó gọi hai xe cao su, rồi nói:
- Này đầu đuôi làm sao mà em tôi mang tiếng rầm rĩ lên là hư hỏng với anh thế? Bây giờ anh đi theo tôi, vì tôi muốn cứu chữa lại tình thế nguy nan ấy ngay bây giờ...
Xuân Tóc Đỏ sợ lắm, nghĩ ngay đến sở Cẩm, sở Mật thám. Tòa án mà chủ cũ nó có thể nhờ Nhà nước tra tấn kìm cặp nó về tội quyến rũ con gái nhà tử tế. Nó đứng lại ngẫm nghĩ, không bước lên xe. Văn Minh phải nghĩ thầm: "Hay là thằng này nó không muốn lấy em mình? Hay chúng nó chưa có điều gì với nhau mà chỉ bị thiên hạ đồn nhảm mà thôi?" Ông đương phân vân thì Xuân đáp:
- Thưa ông, tôi có lỗi lắm, tôi xin lỗi ông. Tuyết yêu tôi, tôi cũng yêu Tuyết, nếu bây giờ ông chia rẽ chúng tôi thì là ông giết chúng tôi, vì chúng tôi đã trót với nhau rồi.
Nghe thấy thế, Văn Minh lặng người ra như gỗ. Thôi thế là xong! Em gái ông đã hư thật rồi, điều ấy không còn nghi ngờ gì nữa! Tuyết mà không lấy Xuân thì cũng không còn lấy được ai! Sự tình đã như thế, bây giờ chỉ nên nói ngọt cho đỡ ngượng mặt! Ông bèn quả quyết:
- Cái đó không hề gì! Tôi cứu chữa, nghĩa là tôi muốn cho anh danh giá. Tôi bảo anh đi là đi khai tên ở Tổng cục làm tài tử quần vợt để nay mai anh tranh đấu lấy cái quán quân Bắc Kỳ với những nhân vật thượng lưu khác. Tôi muốn nếu em gái tôi mà lấy anh thì là lấy một nhà thể thao, chứ anh không nên chỉ là một thằng nhặt ban quần.
- Thế ra bây giờ tôi đi với ông đến Tổng cục thể thao?
- Phải! Anh xem, tôi là người tân tiến, óc tôi khác, không có phân giai cấp! Vì có tâm huyết với thể thao, lại nhận thấy anh có tương lai cho thể thao nước nhà, cho nên hôm anh phải đuổi, tôi đã nghĩ đến cách cứu giúp anh ngay, có phải thế không? Đấy anh xem, từ khi anh về giúp việc cho chúng tôi là địa vị anh cứ dần dần thay đổi, cho đến bây giờ thì anh đã nghiễm nhiên là một người khác. Thế rồi anh say mê em gái tôi!... Âu cũng là duyên kiếp chi đó, vì nếu hai bên không yêu nhau thì tôi cũng vẫn định gả em gái tôi cho anh, vì cái ý ấy, tôi đã có từ lâu nay, nên bây giờ anh mới thế này được.
Trong những lời đáng cảm động như thế, lại lạ lùng đến như thế - sở Cẩm, sở Mật thám và Tòa án thì khác hẳn với Tổng cục thể thao - Xuân Tóc Đỏ ta nghĩ ngay đến cái quá khứ xấu xa của mình. Nó tự thấy không xứng đáng làm chồng Tuyết, và phải chối từ đi thì hơn. Nó buồn rầu mà rằng:
- Thưa ông, cái hôm ông gọi đùa tôi là sinh viên trường thuốc trước mặt cụ cố thì ông đã làm cho Tuyết phải đem lòng yêu tôi. Nếu Tuyết lấy tôi thì Tuyết nhầm vô cùng, và tôi mà lấy Tuyết thì tôi lại đánh lừa một người con gái tử tế!
Những lời lẽ ấy làm cho Văn Minh rất hổ thẹn. Ông thấy tội ông to lắm. Ông thật không ngờ đến sự xẩy ra của một phút bông đùa. Ông bèn chữa thẹn:
- Cái đó không hề gì! Nghĩa là tôi biết anh hiểu y lý thì nói thế quý hồ được việc, vì cái xã hội hủ lậu này vẫn coi trọng cái bằng cấp. Chứ anh là sinh viên trường thuốc hay không nữa thì tôi vẫn muốn gả em tôi cho anh.
Trước sự cam đoan nghiêm trọng ấy, Xuân lại rầu rĩ nói:
- Thưa ông, ông có lòng với con như thế thật tử tế quá! Nhưng ông xét lại có nên không! Tuyết, con gái nhà giàu đẹp đẽ, con nhà quý phái tân thời, con thì, như ông đã biết đấy, không cha không mẹ, lêu lổng từ bé, nhặt quần, bán phá sa, đã làm nhiều nghề hèn. Con nghĩ con không xứng đáng chút nào cả.
Văn Minh cau có nghĩ thầm: "Quái cho cái thằng này! Cần gì phải xoay ngay mình như thế. Phần gia tài của em mình như thế thì nó chẳng phải vội cũng đã đủ là đào được mỏ chứ sao? Nó lại muốn bắt mình phải cam đoan điều ấy nữa thì đểu cáng thật!" Ông bèn đưa đón bằng giọng năn nỉ:
- Cái đó thì việc quái gì! Làm gì có nghề hèn, chỉ có người hèn thôi. Tôi có óc bình dân, tôi rất ao ước có một người em rể bình dân như anh. Vả lại Tuyết nó cũng có vốn riêng đấy, lấy nó thì không lo sinh kế vất vả nữa, chỉ chuyên tâm về vấn đề thể thao cho nước nhà suốt đời mà thôi.
Xuân vẫn chối đây đẩy:
- Thôi, con chả dám nhận. Xin ông nghĩ lại cho con nhờ.
Văn Minh cáu tiết cực điểm, phải lên giọng dọa nạt:
- Thưa ông, đó là một vấn đề lương tâm! Ông đã làm cho một con nhà tử tế phải mang tiếng hư hỏng, tôi xin cứu chữa lại cái điều ấy. Nếu không thì không xong với tôi cho mà xem.
Xuân sợ hãi vội nói:
- Vâng, thì ông định đoạt cho tôi thế nào tôi cũng xin vui lòng.
Đến đây, Văn Minh thở dài sung sướng như những người thành công trong sự ép duyên khác. Không phải lo nỗi thất bại trong việc gả bán ấy nữa, có thể tự phụ được với mẹ, ông khoái trí trỏ cái xe cho Xuân Tóc Đỏ bước lên.
Đến "Tổng cục thể thao hội quán". Xuân Tóc Đỏ cảm thấy cuộc đời đã mở rộng con đường công danh cho nó. Những cái xe hơi đẹp đẽ, những người quần áo sang trọng tấp nập ra vào, nào Ta nào Tây, nào đầm, nào phụ nữ tân thời, ai ai cũng có vẻ sang trọng đã bảo cho nó rõ rằng từ đây mà đi thì nó đã có một địa vị to tát trong đám những bậc thượng lưu! Ôi! Thể thao! Cái gì mà mày không làm được, hở thể thao? Líp líp lơ!
Óc nó đương có những tư tưởng văn chương và hữu ích cho nòi giống như thế, thì Văn Minh đã đưa nó vào một căn phòng rộng rãi uy nghi như một nơi công sở, có những bức vẽ về ten nít, về đánh bốc, về múa gươm, về bơi lội, về nhảy sào, về thi xe đạp, thi xe ô tô, đá ban tròn, đá ban méo vân vân... Rất nhiều người bắt tay Văn Minh và nhân đó bắt tay Xuân Tóc Đỏ nữa. Trong khi họ hỏi thăm trò chuyện với nhau ầm ĩ bằng tiếng Tây thì Xuân làm ra mặt khinh khỉnh, bộ mặt khó chịu, trọng tiếng mẹ đẻ mà khinh bỉ những kẻ cứ giao dịch bằng tiếng Pháp những khi không cần phải thế. Bọn người kia cũng đã khó chịu về thái độ ấy. Văn Minh giới thiệu ngay:
- Thưa các ngài, đây, bạn tôi, Xuân, một giáo sư quần vợt, hôm nay đến để yết danh vào bảng các tài tử mối hy vọng của Bắc Kỳ vậy.
Một nhà trí thức vội vàng sủa một tràng tiếng Tây vào mặt Xuân làm cho nó bĩu môi mà rằng:
- Xin ngài nói tiếng Ta cũng đủ!
Người ấy bẽn lẽn biết cái tội khinh tiếng mẹ đẻ bèn chữa:
- Vâng, ấy tôi cứ quen mồm, ngài tha lỗi! Thưa ngài, được nghe đại danh đã lâu, nay mới gặp ngài tôi lấy làm thỏa thích lắm.
Xuân nghiêng đầu:
- Chúng tôi rất được hân hạnh!
- Cảm tạ ngài! Tôi đã được xem ngài thử tài với nhiều bạn, thật kính phục lắm. Ngài có tương lai lắm. Trong làng thể thao ta, ai cũng lo sợ không có người đọ sức với mấy cây quần vợt Trung Kỳ, Nam Kỳ, vậy mà bây giờ chính ngài ra đời, thì chúng tôi có phần trông cậy lắm. Chắc rồi đức Kim Thượng sẽ được thỏa ý, nếu ngài đánh đổ mấy cây quần vợt quán quân của Trung Kỳ, Nam Kỳ, rồi đại biểu cho Đông Dương để đi Xiêm.
- Chúng tôi rất mong được như thế.
Rồi lại đến cuộc bắt tay trịnh trọng để họ cáo biệt nhau... Hết người ấy đến vô số người khác, vì ông chánh tổng cục chưa đến đây, ai cũng muốn làm quen với người khác để khỏi phí thời giờ. Thành thử bữa ấy, Xuân Tóc Đỏ được việc làm quen với mấy nhà tài tử quần vợt khác, con những ông tuần phủ, tổng đốc, những người rất "hân hạnh" mà thử sức với Xuân để lấy giải chung kết nay mai... Những lời khen ngợi rót vào tai nó không ngớt nữa, vì những ông cầm chắc sẽ thắng nó thì cũng ăn nói lịch sự với nó, và những ông kém cỏi, biết mình sẽ bại, thì nhũn nhặn với nó là lẽ cố nhiên vậy.
Có ba phóng viên thể thao của ba tờ nhật báo đã tranh nhau phỏng vấn nó, một vị giáo sư quần vợt, nghĩa là nhà nghề, mà lại khai tên ở bảng các tài tử, thì các việc ấy nêu lên một vấn đề rất quan hệ đến thể thao giới. Đó là một cách láu lỉnh ghê gớm của Văn Minh trong việc quảng cáo cái tên Xuân ra mắt quốc dân. Ông đã phải luôn luôn đứng bên cạnh Xuân như một con chó trung thành với chủ, sợ Xuân sơ suất thì tiêu danh dự. Tự nhiên nó quá đứng đắn, rất có ý tứ, lại có bộ mặt khinh người của bậc thượng lưu nhân vật cẩn thận. Mỗi khi gặp một câu hỏi khó đáp, nó chép miệng hoặc tặc lưỡi một cái, chỉ vào Văn Minh bên cạnh mà rằng:
- Muốn biết điều gì, ngài cứ hỏi ông bầu của tôi đây.
Thành ra Văn Minh cũng được thơm lây, vì mỗi khi phóng viên chụp ảnh Xuân để báo tin một "hy vọng của Bắc Kỳ" cho độc giả, thì lại yêu cầu cả ông bầu đứng bên cạnh nữa.
Sau cùng, thì cũng như những kẻ tài trí tự tin vững ở mình, Xuân Tóc Đỏ thỉnh thoảng lại vỗ vai Văn Minh một cách thân mật mà rằng:
- Rồi tôi cũng cất nhắc anh lên đường công danh như Chim, Giao cất nhắc ông bầu Yên! Tôi quyết rằng vì tôi, anh sẽ được thiên hạ biết đến tên tuổi.
Những câu ấy làm cho Văn Minh sung sướng lắm, vì sự thế thật, mặc dầu nhờ có Văn Minh thì Xuân Tóc Đỏ mới ra hồn người.
Sau khi ký đơn trước mặt mấy ông Tây, chánh hội, trị sự, và được các ông bắt tay thân mật, hai người vênh váo đi ra... Đến một chỗ rẽ, cả hai đều đâm sầm phải hai thầy cảnh sát như xe ô tô không trông thấy nhau nên húc phải nhau vậy. Xuân Tóc Đỏ mới thoáng nhìn đã nhớ ngay ra đó là thầy Min Đơ và thầy Min Toa, ở bóp hộ thứ mười tám. Một thầy giở sổ và bút chì định biên phạt và nói:
- Chúng tôi vào bên phải, các ngài đi trái đường, vậy xin cho biên tên!
Văn Minh cãi:
- Vô lý! Không có luật nào như thế. Đây trong nhà chứ không phải ngoài đường mà phạt!
- Mặc kệ! Các ngài đã có lỗi vấp phải người Nhà nước, làm ngăn trở người Nhà nước trong lúc thừa hành chức vụ...
Xuân Tóc Đỏ ưỡn ngực ra mà rằng:
- Me sừ Xuân, giáo sư quần vợt, cái hy vọng của Bắc Kỳ!
Hai thầy nhìn nhau sợ hãi... Một thầy cũng ưỡn ngực vênh váo nói:
- Me sừ Min Đơ! Lính cảnh sát hạng tư, chiến công bội tinh, giải nhất Hà Nội - Hà Đông, giải nhì Hà Nội - Đồ Sơn, một cái tương lai của cảnh sát giới.
Thầy kia cũng theo gương bạn, vênh váo nói:
- Me sừ Min Toa, cảnh binh hạng năm, giải nhất vòng quanh Hà Nội - Nam Định, cúp Boy Landry, cúp Mélia Jaune, một vẻ vang của sở Cẩm Hà Nội, một cái hy vọng của Đông Dương!
Sau khi khoe khoang những điều kiện cần thiết cho sự giữ trật tự của thành phố là như thế, hai thầy cảnh binh cứ đứng vênh mặt lên, quên cả sự biên phạt... Văn Minh nói bóng gió:
- Ấy đó, muốn làm người cảnh binh tốt thì phải như thế.
Một thầy họa theo:
- Chúng tôi cóc cần những tay cua rơ khác. Chúng tôi có 16 phố để cưỡi xe đạp suốt ngày đêm thì dẫu chăm tập như Bổng, Cổng chúng tôi cũng măng phú!
Thầy kia nói thêm:
- Mà lại xe thường, mà lại ru líp, mà lại những phố đông! Đường trường thì nhất. Vì lẽ không mấy khi được biên phạt, chúng tôi chỉ tập đua xe đạp cho đỡ buồn! Thể thao vạn tuế! Cảnh binh vạn tuế!
Xuân gật gù mà rằng:
- Té ra chúng mình là bạn đồng chí!
Hai thầy cùng đáp:
- Phải lắm! Phải lắm! Nhưng cũng có thể cứ phạt như thường!
Xuân lại nói:
- Chúng ta cũng làm việc cho tương lai thể thao, nòi giống vẻ vang!
- Còn phải nói! Cái ấy không hề gì cả.
- Thế thì vấp phải nhau vừa rồi chỉ là một tai nạn thể thao mà thôi. Ai lại còn phạt những người gặp tai nạn?
Hai thầy cảnh sát ngẩn người ra nhìn nhau, không hiểu kẻ kia nói vậy có là nói đúng luật không... Nhưng Xuân lại còn nói:
- Thôi đi, rồi chúng ta sẽ ngồi cạnh nhau, nếu nhà vua có yến đãi các nhà thể thao quán quân... Ai nỡ phạt nhau thế!
Văn Minh kêu lên:
- Không lôi thôi! Biên phạt thế là trái luật, không có luật nào phạt thế!
Thầy Min Toa xua tay mà rằng:
- Chúng tôi là cảnh binh thì cốt phạt chứ không cốt đúng luật hay trái luật! Người dân thường mới sợ, chứ người Nhà nước thì không sợ trái luật! Nếu ngài bảo tôi trái luật, thế là ngăn trở người Nhà nước trong khi làm phận sự!
Xuân Tóc Đỏ giảng hòa:
- Ngài nói có lý lắm! Nhưng thôi! Có phải ngài vào đây ghi tên không!
- Phải! Cúp Sa Majesté Hà Nội - Taurane!
- Thôi thì chúng ta cùng là trong làng thể thao vinh dự nòi giống. Phạt nhau thì hóa thù, vậy kết bạn với nhau hơn là thù. Từ đây chúng ta giúp ích lẫn nhau, quảng cáo cho nhau.
- Thế nào?
- Đại khái ngài phải nói rằng tôi là một tay quần vợt tài giỏi hy vọng của Đông Dương...
Hai thầy cảnh binh cùng hỏi dồn:
- Thế còn chúng tôi?
Xuân Tóc Đỏ lè nhè:
- Các ngài ấy à? Mỗi khi tôi trông thấy hai ngài đi tuần, thì chúng tôi bảo với mọi người rằng đó là hai ông cua rơ giỏi nhất, thuộc hàng cảnh binh chăm chỉ phận sự, hết lòng giữ trật tự cho thành phố, sẽ giật giải Hà Nội - Sài Gòn, đáng được quan chánh Cẩm thăng chức... phải không?
Hai thầy cảnh binh gật gù, bắt tay hai người, không biên phạt nữa, và, do thế, té ra đã làm tròn bổn phận của những người cảnh binh đúng luật.