nhưng buổi sáng phải làm trù bị để duyệt chương trình, lãnh đạo cao cấp của công ty giầy Thánh Lực và công ty tôi đều có mặt.
Chẳng hiểu sao Phùng Kỳ lắm đồ đạc đến thế, tôi ôm đống hành lý của anh ta theo sau mà thở hồng hộc, anh ta vừa đi vừa thể hiện tư thế phong độ, xem ra rất chuyên nghiệp.
Lúc nhìn thấy tôi, anh ta mặt lạnh như băng, chẳng thèm nói với tôi lấy một lời, nhưng vừa nhìn thấy mấy lãnh đạo cao cấp, đám băng lạnh giá kia bỗng tan chảy thành dòng nước mát, tôi rất khâm phục tài thay đổi sắc thái của anh ta, có lẽ đã từng được hướng dẫn kỹ năng biến đổi sắc mặt.
Trông anh ta hệt như chú Tám của tôi vậy, chú Tám đẹp trai nhất trong số các chú của tôi, do đó chú ấy chọn nghề bám váy vợ, vừa ổn định mà lại không lo về khoản tiền nong.
Chú Tám đã từng nói nghề bám váy vợ cũng có điểm tương đồng với nghề làm chính khách, một ông hoàng trong giới bám váy vợ ắt sẽ có kinh nghiệm trên chính trường.
Thứ nhất: Họ đều là những nhà tâm lí học, đều có khả năng nắm bắt suy nghĩ của người khác để biết cách làm thỏa mãn nhu cầu của người khác.
Thứ hai: Họ đều là những pháp sư bốc phét đại tài, họ có thể làm bạn tin rằng họ yêu bạn hơn chính bản thân họ.
Thứ ba: Họ đều là những nhân tài ngày đêm nghiên cứu khối lượng kiến thức khổng lồ, có hiểu biết về mọi mặt, họ có thể nói sôi nổi hàng giờ về một chủ đề nào đó mà người khác cứ tưởng rằng họ là chuyên gia.
Thứ tư: Điểm tương đồng lớn nhất ở họ là không màng đến 2 chữ "thể diện".
Tôi đi cùng Phùng Kỳ vào phòng họp của công ty, tôi vào công ty chưa được bao lâu, còn chưa đến đây lần nào, từ xa tôi đã thấy Lâm Tiểu Hân và tổ trưởng Sa đang ngồi bên trong, Lâm Tiểu Hân cười với tôi, tôi đem đống đồ để ở góc phòng, Phùng Kỳ cùng mấy sếp cố tỏ ra lịch sự nhường chỗ cho nhau.
Nhường nhịn là thói quen cao đẹp của người Trung Quốc từ thời cổ đại, nếu trong phòng có mười người nhưng có tới 11 cái ghế, thế nào mọi người cũng nhường nhau chán chê.
Lâm Tiểu Hân kéo cái ghế bên cạnh mình ra, tôi ngồi cạnh, hỏi nhỏ Tiểu Hân: "Chị Tiểu Hân, hôm nay mình đến đây chủ yếu là làm gì?"
Lâm Tiểu Hân trả lời tôi: "Chủ yếu là quyết định chương trình chi tiết cho buổi chiều".
Một người trung niên phát biểu, ông ta nói một tràng những lời rỗng tuếch, lúc lúc lại nhìn người đàn ông cỡ hơn năm mươi, tóc hoa râm đang ngồi bên cạnh, có lúc lại hỏi: "Chủ tịch Lâm, ông thấy có đúng không?"
Tôi bỗng nhớ ra tôi cũng đã từng gặp người đàn ông này, lần thứ hai tôi gặp Lâm Tiểu Hân là khi cô ấy đi cùng người này, lẽ nào ông ta chính là Chủ tịch của công ty?
Người đàn ông trung niên cuối cùng cũng đi vào chủ đề: "Chúng ta đã mời rất nhiều nhà báo tới phỏng vấn đưa tin về hoạt động này, còn mời ngôi sao Phùng Kỳ đến để tạo cho chương trình của chúng ta thêm phần hấp dẫn".
Lâm Tiểu Hân quay sang hỏi tổ trưởng Sa: "Anh phụ trách việc bố trí những người hâm mộ, vậy đã chuẩn bị xong cả chưa?"
Tổ trưởng Sa đáp: "Tôi đã phân công người rồi, nhưng vẫn hơi ít, trưa tôi sẽ thuê thêm một số người khác nữa".
Thuê à? Như vậy là phải trả tiền? Tôi vội hỏi tổ trưởng Sa: "Tổ trưởng Sa, anh thuê bao nhiêu tiền một người?"
Tổ trưởng nói: "Năm mươi tệ một người".
Năm mươi tệ? Nếu tôi giới thiệu cho Tứ Mao, Tiểu Thuý và cả mẹ nữa vị chi sẽ là một trăm năm mươi tệ!
Tôi hỏi tổ trưởng Sa: "Em có thể giới thiệu mấy người đến được không anh?"
Tổ trưởng đáp: "Vậy tốt quá, tôi đang cần tìm người".
Tứ Mao và Tiểu Thuý chắc không có vấn đề gì, chỉ không biết họ có cần mẹ tôi không.
Tôi lại hỏi: "Phụ nữ trên năm mươi có được không anh?"
"Hả?" Anh ta chột dạ.
Tôi vội chèo chống ngay: "Thế mới chứng minh được thân thế của Phùng Kỳ, đến bác năm mươi tuổi còn hâm mộ! Hồi trước cũng có một nữ minh tinh vớ được người hâm mộ 80 tuổi nên quảng cáo mãi đấy phải không ạ?"
Anh ta do dự một lát cuối cùng cũng đồng ý: "Thôi được!"
Tôi sung sướng ngây ngất, đơn giản vậy là đã có một trăm năm mươi tệ rồi.
Ngay lập tức tôi chuồn ra ngoài gọi điện thoại, Tứ Mao và mọi người đều mừng lắm.
Lúc tôi quay lại phòng họp, người đàn ông trung niên vẫn đang thao thao bất tuyệt, phát biểu trong hội nghị ở Trung Quốc giống như phim Hàn Quốc vậy, đều thêm vào hàng loạt tiết khác mà vẫn không hề ảnh hưởng đến tổng thể nội dung bài diễn thuyết.
Tôi nghe họ bàn trong suốt buổi lễ Phùng Kỳ sẽ cầm đôi giầy Thánh Lực và nói câu quảng cáo: "Giầy Thánh Lực, ngày nào cũng đi!"
Thật nực cười cái câu đó khiến tôi không thể nhịn được cười, quảng cáo như thế thì ai thèm xem chứ?
Người đàn ông trung niên thấy tôi cười thì lập tức nhìn tôi với ánh mắt rất phẫn nộ, bỗng ông ta hỏi tôi: "Đồng chí đây có ý kiến gì khác phải không?"
Tôi đứng dậy, tự trách mình không biết lượng sức.
Nhưng nhìn bộ mặt vênh váo của Phùng Kỳ, tôi chợt nảy ra một ý.