Sống Từng Ngày Chương 46-47


Chương 46-47
Ta phải nói chuyện

Lần đầu tiên về nơi mua đất ở quê, tôi không gặp bố cô. Chúng tôi hỏi mẹ và hàng xóm, không ai biết ông ở đâu. Một ngày nào đó ông cứ thế khập khiễng ra đường quốc lộ, trèo lên một chiếc xe đò, không nói với ai một lời. Sreykeo rất cáu. Hình như chẳng bao giờ ông có ý định sống trên miếng đất này, mà chỉ muốn có kéo mới rồi quay về ổ chuột của mình. Có lẽ ông thà chịu sống khổ sở còn ở hơn bên cạnh mẹ Sreykeo.

Trên miếng đất có nhiều thay đổi. Dưa chuột do Sreykeo trồng đã nở hoa vàng. Bà mẹ gọi thầy bói, đó là một nhà sư, và ông phán là phải chặt một trong ba cây vì trong đó có ma. Tôi rất thích cây ấy. Nó có vòng gốc rộng, xù xì, mọc chênh chếch rất dễ trèo lên trên ngọn để ngồi đọc sách. Nhưng khi nhà sư đã nói là trong đó có ma thì tranh luận cũng vô ích. Có bữa mẹ Sreykeo còn tìm thấy một con gà chết dưới rễ và suy ra con ma cây đã cắn chết gà. Khi cây được hạ xuống, Sreykeo cả quyết đã thấy trong mặt gốc cây một bộ mặt nanh ác.

Sáng hôm sau tôi thức giấc và nghe tiếng người lao xao và tiếng gõ đập. Tôi ngó qua lỗ trên vách lá và nhìn thấy mấy người đàn ông cầm dao quắm trèo lên cây thứ hai để chặt cành. Tôi vội mặc quần và bảo Sreykeo chặn họ lại. Mẹ cô nói, bà sợ con ma đã chuyển sang cây này và từ đó xâm nhập vào ngôi nhà sắp xây. Đúng là ngớ ngẩn. Một người buôn gỗ đã trả cho bà 10 đô la tiền gỗ, và anh bà cũng than phiền vì lá cây rụng xuống ao cá của ông.

Tôi đã quen kiểu tranh luận này. Khó mà lấy logic kiểu Tây để đả phá các lý luận về ma quỷ, chớ thử mà vô ích. Khả năng thành công cao hơn là học luật chơi và tận dụng nó làm lợi cho mình. Vì vậy tôi bảo mẹ Sreykeo, cây cối làng này là của Neak Ta, nếu chặt liền hai cây gần nơi ở của thần mà không xin phép trước hoặc tỏ lòng thành kính thì rất nguy hiểm. Ngoài ra không ai biết, liệu trong cây này đã có một ma lành sống chưa. Trúng phóc. Bà lùi bước và cho công nhân về. Và tôi giữ được một chỗ râm mát.

Trước tiên chúng tôi phải mua gỗ xây nhà, đó là khoản chi lớn nhất. Giấy phép khai thác gỗ nhiệt đới là một trong các nguồn thu lớn của giới chóp bu, nhất là bên quân đội. Gỗ ở Campuchia cực kỳ đắt đỏ, nếu xây nhà gạch còn rẻ hơn. Nhưng đa số người Khmer không chịu từ bỏ lối sống truyền thống của mình.

Thực ra tôi định đợi hết mùa mưa mới mua gỗ, nhưng mẹ Sreykeo giục tôi mua ngay để được giá rẻ. Tôi không hiểu vì sao gỗ trong mùa mưa rẻ hơn trong mừa khô, thêm nữa là khi có gió mùa người ta ít đốn gỗ. Bà nói: Trong mùa mưa cảnh sát không vào rừng, và tôi hiểu ngay.

Người buôn gỗ sống ở làng bên. Ông có một ngôi nhà lớn, cửa sổ xanh, xung quanh có tường cao cắm mảnh chai. Sau nhà là một vọng gác cao, một người gác nằm võng thiu thiu ngủ trên chòi.

Tôi thấy cảm tình ngay với ông. Ông trông như người Tàu, bụng hơi phệ, nét mặt hiền hậu. Khi chào ông nắm cả hai tay tôi và mỉm cười. Ông thong thả chỉ từng tấm gỗ và vẽ nháp ra giấy, mỗi loại gỗ cần bao nhiêu. Cuối cùng ông cùng tôi tính từng bước một. Tổng cộng chúng tôi cần 2.900 đô la tiền gỗ, tôi tạm ứng 100.

Chúng tôi vừa về đến khu đất thì một xe tải đi tới, hai công nhân bắt đầu bốc ván và cửa sổ xuống. Tôi ngơ ngác, vì sao ông ta tin vào hợp đồng và chút tiền tạm ứng, rồi giao hàng luôn - thật không Campuchia chút nào. Tại sao vậy?

Hai tuần sau tôi biết câu trả lời. Người buôn gỗ bị thanh tra và tịch thu hết gỗ. Hình như ông ta đã đánh hơi được và muốn tẩu tán càng nhiều càng tốt. Lợi cho chúng tôi.

Mẹ Sreykeo vay 50 đô la của một nhà buôn trong làng để nhờ người chất gỗ thành đống, tránh bị mục trong mùa mưa. Tất nhiên bà dự tính là tôi sẽ trả nợ. Nhưng tôi lại có cảm giác như bị bà rút 50 đô la trong túi mình. Tôi rất bực.

Bà đan áo len cho tôi, nấu những món tôi thích khi tôi về quê, bà nói là bà hay lo tôi bị nóng hay bị lạnh, hoặc bị muỗi đốt. Bà nhắc đi nhắc lại rằng bà vô cùng biết ơn tôi đã giúp đỡ gia đình, và đôi khi tôi cũng thấy bùi tai. Tôi đã bắt đầu tự nhủ: “Thực ra bà ta là một bà già vô hại và ít may mắn trong cuộc đời. Còn Sreykeo hay cường điệu mặt xấu của bà, chứ bà đâu có xấu xa như mọi người nói.” Nhưng lập tức tôi lại nghe thấy những món nợ mới của bà, lần nào cũng là một gáo nước lạnh kéo tôi ra khỏi ảo ảnh.

Gia đình chúng tôi phản ánh tình hình chính trị và hỗ trợ phát triển của Campuchia ở quy mô nhỏ. Tôi là một trong những lực lượng nước ngoài cấp tiền, gọi tắt là phe viện trợ: USAID, GTZ, IWF, các tổ chức Liên hợp quốc v.v. Trong dàn cảnh của tôi, bà mẹ sắm vai của đảng cầm quyền tham nhũng. Một mặt bà bóc lột con cái - dân chúng - và mặt khác, là chính đảng nên bà chiều chuộng các lực lượng nước ngoài cấp tiền bằng cách đề cử các tổ công tác chống tham nhũng, lập ra Bộ phụ nữ hoặc đan khăn len - tất nhiên chỉ để được nhận thêm tiền hỗ trợ phát triển và sau đó biển thủ. Ông bố đóng vai đảng đối lập: ông không tha hóa, và có ý tưởng đúng, nhưng sự bất lực của ông khiến ông hài lòng khi được chia một miếng nhỏ. Djiat tượng trưng cho lớp người già trong xã hội: vỡ mộng và bàng quan, suốt ngày chơi bài và xem ti vi. Nak và Cheamney là giới trẻ: ham muốn giáo dục và cải cách, nhưng bị bà mẹ chính phủ phanh lại và tiêu hết chỗ tiền tiết kiệm của các con.

Tưởng tượng thế là đủ rồi - tôi phải nói chuyện với bà. Nhất là phải nói trực tiếp chứ không qua phiên dịch. Bằng không thì tôi vẫn cứ là một vật thể lạ, không có tiếng nói, bất lực và vô tri.

Tôi thảo một bức thư gửi bà mẹ, sau đó tôi đọc cho Sreykeo nghe từng câu trong tiếng Anh và bảo nói lại cho tôi biết phát âm tiếng Khmer ra sao. Tôi chép lại cách phiên âm bằng tiếng Đức. Câu “Sau khi gặp Sreykeo, con muốn giúp đỡ gia đình” nghe như thế này: “Kraoy peel khgnomm djuabb Sreykeo khgnomm djaong djuay kruasaa.” Tôi còn mở từ điển tra lại một số từ để tin chắc Sreykeo đã dịch chính xác. Việc cực kỳ vất vả, kéo dài nhiều ngày. Nhưng đó là cách duy nhất.

Sau đó chúng tôi về làng.

Về đến nhà mẹ Sreykeo, tôi không đụng đũa vào các món bà nấu, chỉ đi đi lại lại với vẻ mặt bực bội để cho thấy có chuyện không ổn. Rồi tôi ra ngồi dưới gốc cây với Sreykeo để bàn bạc, vì bỗng nhiên tôi cảm thấy thiếu chắc chắn, không rõ mẹ Sreykeo sẽ phản ứng ra sao trước những lời trách móc của tôi. Tôi không được phép để bà mất mặt trước cả nhà, vì có thể sẽ sinh ra những phản ứng cực đoan, chưa kể là tôi cũng không muốn thế. Sreykeo bác bỏ đề nghị của tôi đi hỏi các nhà sư, vì họ sẽ rêu rao chuyện này khắp làng và làm cả nhà xấu mặt.

Chúng tôi quyết định hỏi ý kiến Omm Thom. Bác là người cao tuổi nhất họ và do đó là người chủ của đại gia đình. Tôi đọc lá thư cho bác nghe và hỏi ý bác. Bác cho tôi biết đã nhiều lần nói chuyện với mẹ Sreykeo, nhưng làm thế này là một sáng kiến.

Buổi tối chúng tôi mời mẹ Sreykeo và Djiat đến nhà bác. Tôi hồi hộp đứng tim. Tôi đề nghị tắt ti vi rồi bập bẹ đọc thư. Sau một hồi tôi không biết là mình nói gì mà chỉ vất vả đọc ra từng chữ phiên âm. Dĩ nhiên mọi người khó hiểu thứ tiếng Khmer của tôi, do vậy sau mỗi câu Omm Thom lại lên tiếng giải thích cho mẹ Sreykeo biết ý tôi định nói gì.

“Sau khi gặp Sreykeo, con muốn giúp đỡ gia đình. Nhưng mọi người chỉ nói dối con để được thêm tiền của con. Con đã đưa nhiều tiền đến mức không đủ tiền nữa để mua đồ ăn và thuốc men. Nhưng từ khi chung sống với gia đình ta, con thấy tiền chảy như nước qua kẽ tay. Con sợ vận rủi của gia đình sẽ truyền sang hai chúng con. Gia đình có rất nhiều vận rủi. Khác với mọi gia đình, ở nhà này không ai giúp ai. Mọi người sống trái với năm điều răn của Phật và làm thần linh giận. Sreykeo và Djiat cãi nhau suốt ngày như chó với mèo, không nói chuyện với nhau như hai con người. Mọi người không có lòng tin vào nhau, người nọ lừa dối người kia.

Bố và mẹ sống ly thân. Ai cũng chỉ làm theo ý người nấy. Con gái ra khỏi nhà mà không nói đi đâu, gặp ai và bao giờ quay về, không trò chuyện về các vấn đề của gia đình và cùng nhau góp sức giải quyết các vấn đề đó. Thay vào đó là nói dối lẫn nhau. Đó là lý do khiến vong linh tổ tiên nổi giận và trừng phạt cả nhà bằng nhiều vận rủi và bệnh tật. Sreykeo và Djiat bị bệnh HIV, cả nhà không rõ tại sao. Mới đây mẹ đã nói dối trắng trợn sau đám cưới. Con đưa mẹ 100 đô la nhưng mẹ không nói thật đã chi những món gì. Bây giờ mẹ đi vay tiền mà không hỏi con, mẹ nghĩ là con sẽ trả món nợ đó. Như thế không khác gì mẹ lấy tiền từ ví con. Có thể mẹ tưởng nói dối con để lấy tiền là khôn, nhưng không phải thế đâu.

Con xin lỗi, nhưng khi con đưa tiền cho mẹ thì phải kiểm tra mẹ làm gì với chỗ tiền ấy. Con không muốn làm thế, nhưng con bắt buộc, vì mẹ đã nói dối con và con không quên được. Chừng nào mẹ còn sống bằng tiền con đưa cho thì con không muốn mẹ đi vay tiền lần nữa mà không hỏi xin phép con trước. Con sẽ sống ở Campuchia đến sang năm. Trong thời gian này con sẽ xây nhà và cố làm mọi việc giúp gia đình. Nhưng con không thể giúp gia đình nếu gia đình không tự giúp mình. Sau đó con chờ xem liệu gia đình có thực sự muốn biến chuyển tình thế và cộng tác với con. Nếu thế, chúng con sẽ giữ liên lạc và quay trở lại Campuchia.”

Ngay trong khi tôi đọc thì bà đã lắc đầu và chối đã nói dối tôi, nhưng chẳng ai tin bà. Bà khóc òa lên và quay mặt đi. Mọi người tranh nhau nói và Djiat cũng khóc - cô không biết nên nói gì.

Omm Thom cố giải thích để tôi hiểu mọi người nói gì. Lần đầu tiên tôi hiểu sự việc từ góc nhìn của bà mẹ. Tính cá thể của Sreykeo là một hiểm họa trong mắt bà, cô đã tiếp nhận nhiều tư duy phương Tây. Một mặt thì cô bướng bỉnh bẩm sinh, mặt khác cô cũng tiếp nhận nhiều kiểu hành xử phương Tây qua tiếp xúc với khách hàng Tây và ảnh hưởng của tôi.

Tôi không ý thức được ảnh hưởng Tây tác động đến cô mạnh như vậy. Cả nhà coi tính cá thể của cô là một vấn đề. Mẹ cô nuôi cô khôn lớn trong niềm tin sẽ được con gái nuôi khi về già. Giờ thì cô tách khỏi cộng đồng gia đình, đó không chỉ là sự xúc phạm, mà còn là mối đe dọa với mẹ cô: bà sẽ sống bằng gì? Nỗi sợ hãi đó khiến bà căm giận Sreykeo vô bờ.

Một lúc sau Omm Thom lên tiếng “ban haôy!” Đủ rồi. Mọi người bức xúc vì cuộc tranh luận và lấy đèn pin dò đường về nhà. Bà mẹ ngừng đan áo len một thời gian dài.

Bôi trơn

Mải cãi cọ với gia đình, chúng tôi quên bẵng chuyện đám cưới. Đúng ra là chúng tôi chưa có giá thú mà chỉ cưới theo tục lệ, nhưng chúng tôi cần giấy chứng nhận kết hôn để xin thị thực vào Đức. Khi đến văn phòng Sở thị chính, tôi được biết là việc này không hề đơn giản như tôi vẫn tưởng. Một viên chức niềm nở thông báo là ông sẽ làm hộ chúng tôi xong mọi việc trong mười ngày, giá 800 đô la.

Thủ tục phức tạp kinh khủng. Trước tiên chúng tôi phải đến văn phòng xin ba mẫu đơn, sau đó phải đi lấy chứng nhận sức khỏe của bệnh viện Calmette, bao gồm cả xét nghiệm HIV, viêm gan, giang mai và chụp phổi. Bộ hồ sơ này phải qua ủy ban xã, ủy ban huyện rồi quay lại Bộ Ngoại giao ở Phnom Penh, cuối cùng lại gửi về ủy ban xã là nơi cấp phát giấy chứng nhận kết hôn. Thảo nào hầu như không ai ở Campuchia cưới tại phòng giá thú.

Tham nhũng hiện diện khắp nơi ở Campuchia, khiến người ta không coi đó là một tội trạng nữa. Có lẽ nên gọi đó là hình thái chủ đạo trong xã hội thì chính xác hơn. Trẻ con tiểu học đã được dạy là không có tiền bôi trơn thì chẳng làm được gì - chúng phải trả tiền giáo viên để được lên lớp.

Chúng tôi phải trả một viên chức khoảng 20 đô la, nhưng rào cản khó khăn nhất là Bộ Ngoại giao ở Phnom Penh. Ở đó người ta phát tờ giấy màu vàng chứng nhận Sreykeo được phép cưới tôi.

Bộ Ngoại giao ở trong một tòa nhà mới xây, dưới bóng râm của sòng bạc ven sông. Riêng gã canh bãi đỗ xe đòi 290 đô la để cho chúng tôi vào nhà nộp đơn cho nhân viên phụ trách. Chúng tôi từ chối nhưng cẩn thận lấy danh thiếp của gã với hàng chữ “Giám đốc dịch vụ” và cho gã số điện thoại. Gã gọi điện khi chúng tôi vừa đỗ trước một đèn giao thông. Lời mời thứ hai hạ xuống còn 220 đô la, tất nhiên vẫn quá đắt.

Chúng tôi đến một quán cà phê internet, mở trang mạng của Bộ Ngoại giao và gọi đến tổng đài. Họ chuyển cuộc gọi đến một phụ nữ. Bà ta hẹn gặp buổi chiều tại Mando Burgers, một quán ăn nhanh. Bà nói sẽ làm giấy tờ với giá 125 đô la.

Bà đeo một giấy vào cửa bọc plastic và có nét mặt của một con mèo hoang đói. Bà cả quyết phải làm bốn bản dịch có dấu đỏ của Bộ Ngoại giao, mỗi tờ giá 15 đô la. Tổng cộng 185 đô la, nghĩa là bà ta đã lấy rẻ hơn, nhưng tôi nghi bốn bản dịch chỉ là một cách moi tiền vụng về.

Tham nhũng có luật chơi riêng của nó: trước mặt viên chức không được nói đến chuyện bôi trơn - chẳng khác gì xếp họ đồng hạng với lũ tội phạm đáng khinh; thay vào đó là phải ra vẻ coi đó là lệ phí theo quy định. Vì vậy cũng không thể mặc cả, như thế là tổn hại uy tín của viên chức. Tốt nhất là trước đó tìm hiểu giá phải trả qua người quen và cứ thế kẹp số tiền đó vào hồ sơ.

185 vẫn quá nhiều. Tôi không phản đối việc hối lộ, nhưng càng không ưa đàm phán kiểu láo toét này. Sreykeo và tôi đã nhất trí chấp nhận giá 100 đô la. Những quy định bất thành văn trong hối lộ không cho phép chúng tôi nói thẳng với bà viên chức là nên xuống giá, do đó chúng tôi làm vẻ ngờ nghệch nói, ô, phức tạp quá nhỉ, chúng tôi phải hỏi Đại sứ quán Đức xem có cần thứ giấy tờ đó không. Hy vọng bà ta hiểu được ẩn ý đó.

Bà bảo chúng tôi gọi cho nhân viên quầy tiếp khách Đại sứ quán Đức qua máy di động của bà, vì bà đã ghi số trong bộ nhớ. Một cú phản công khá khéo, tôi thấy nể bà hơn. Nhưng tôi phá thối bằng lý do phải nói chuyện với người trực tiếp làm vụ này là trưởng phòng Fischer. Tất nhiên bà không có số của ông ta trong bộ nhớ - chả có gì lạ, làm gì có ông Fischer nào ở Đại sứ quán.

Hai hôm sau chúng tôi gặp lại bà, vẫn ở Mando Burgers. Sreykeo nói: quả thực Đại sứ quán đòi tờ giấy màu vàng, nhưng không cần bản dịch. Mặt bà biến sắc, đe dọa sẽ có chuyện không hay. Bà khẳng định là chỉ cấp giấy vàng kèm bản dịch có đóng dấu đỏ.

Mặt tốt của các viên chức tham nhũng là ta có thể hành hạ họ lâu lâu, vì họ chỉ hám tiền. Họ giống những người làm dịch vụ không muốn mất khách và không làm gì có hại đến phi vụ. Nhưng trong một thoáng tôi thấy lo ngại già néo đứt dây. Bà ta phàn nàn đã mất khối tiền xăng đi gặp chúng tôi. Tôi nói tiếng Campuchia là rất lấy làm tiếc đã làm bà tốn tiền xăng, nhưng chúng tôi muốn làm mọi chuyện chính xác và lần gặp sau sẽ đem theo chai xăng một lít. Thứ tiếng Khmer vụng dại và động tác kính cẩn quá trớn của tôi đã thành công: bà bật cười, không khí dịu hẳn đi.

Bà ta đi khỏi, để quên cặp giấy trên bàn. Tôi định gọi với theo nhưng lại thôi. Trong cặp giấy có hồ sơ địa chính, nghĩa là nhất định bà ta phải xuất hiện tại cuộc hẹn thứ ba.

Và cũng nhất định bà sẽ không hạ giá lấy một xu. Chúng tôi nhờ Cheamney gọi điện lần nữa tới Bộ ngoại giao - chúng tôi không tự gọi, sợ để lộ cho Mèo Hoang biết chúng tôi tìm mối rẻ hơn. Cheamney được nối máy với một viên chức, ông ta đòi 110 đô la cho giấy vàng. Lập tức chúng tôi đến gặp ông ở một công viên, Sreykeo bảo không cần bản dịch và ông ta đồng ý. Ngay tối hôm ấy chúng tôi có tờ giấy vàng, thậm chí ông ta còn đưa đến tận nhà. Không phải lúc nào tham nhũng cũng dở...

Tôi quên bẵng Mèo Hoang. Đến tận hôm sau. Tôi đang quỳ trước bàn thờ, dâng một đĩa hoa quả và châm bảy nén nhang. Đột ngột có tiếng động ở cửa, tôi quay lại. Tôi tưởng thấy hồn ma. Tôi sửng sốt không nói nên lời: trước mặt tôi là bà viên chức của Bộ Ngoại giao.

Bà ta không biết họ của Sreykeo và cũng chẳng có địa chỉ của chúng tôi. Nhà chúng tôi tận cuối thành phố. Vậy làm sao bà ta tìm được? Bà xin lại hồ sơ. Tôi lao ra bàn, đưa bà cặp giấy và lúng búng “Cảm ơn.” Sreykeo cũng sửng sốt không kém, nhưng cô không giật thột như tôi. Bà ta thoắt biến đi, nhanh như lúc xuất hiện.

Tổng cộng mọi khoản hối lộ mất chừng 300 đô la cho giấy chứng nhận kết hôn. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đem đủ hồ sơ đến Đại sứ quán để gửi đến Sở ngoại kiều Hamburg xa lắc xa lơ.

Hết chương 47. Mời các bạn đón đọc chương 48!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/38099


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận