Suối Nguồn (The Fountainhead) Chương 18

Chương 18
Có một cành cây lơ lửng bên ngoài ô cửa sổ đang mở. Những chiếc lá lao xao trên nền trời.

Chúng gợi ý về sự tồn tại của mặt trời, của mùa hè và cả trái đất vô tận. Dominique nghĩ về thế giới như một cái n ền. Wynand nghĩ đến hai bàn tay đang uốn cong một cành cây để giải thích ý nghĩa của cuộc sống. Những chiếc lá rủ xuống, chạm vào những nóc nhà nhô lên trên đường chân trời của New York, phía bên kia dòng sông. Những tòa nhà chọc trời đứng như những cột nắng mặt trời thẳng đứng; khoảng cách và trời hè bao phủ chúng bằng một màu trắng xóa. Đám đông ngồi chật kín phòng xét xử. Họ đang chứng kiến phiên tòa xử Howard Roark.

Roark ngồi ở bàn bị cáo. Anh bình thản lắng nghe.

Dominique ngồi ở hàng ghế thứ ba trong dãy ghế cho người quan sát. Khi nhìn cô, mọi người có cảm giác đã nhìn thấy một nụ cười. Cô không cười. Cô đang nhìn vào những chiếc lá bên ô cửa sổ.

Wynand ngồi ở cuối phòng. Ông đã bước vào, một mình, khi căn phòng đã chật kín. Ông không để ý đến những cái nhìn soi mói và những ánh đèn lóe sáng ở xung quanh. Ông đứng lại trên lối đi và xem xét toàn bộ phòng xử án như thể việc đó là hiển nhiên. Ông mặc một bộ trang phục mùa hè màu xám và đội một chiếc mũ panama - vành mũ vểnh lên một bên. Mắt ông lướt qua Dominique cũng dửng dưng như khi ông nhìn lướt cả phòng. Khi ông ngồi xuống, ông nhìn Roark. Kể từ khi Wynand bước vào, Roark liên tục đưa mắt nhìn về phía ông. Mỗi khi Roark nhìn ông, Wynand lại quay mặt đi.

"Động cơ mà chính quyền định chứng minh" - công tố viên đang phát biểu khai mạc trước bồi thẩm đoàn - "vượt khỏi những gì con người có thể cảm nhận. Đối với hầu hết chúng ta, động cơ đó thật khủng khiếp và khó hiểu."

Dominique ngồi cùng với Mallory, Heller, Lansing, Enright, Mike - và cả Guy Francon - bạn bè của ông rất sốc khi nhận ra điều đó. Ở bên kia lối đi, những nhân vật nổi tiếng ngồi thành một đội hình sao chổi: chóp nhỏ của ngôi sao chổi là Ellsworth Toohey - lúc này đang ngồi trên đầu phòng xử án; đuôi của nó gồm toàn những tên tuổi nổi tiếng - lúc này ngồi rải rác khắp phòng: Lois Cook, Gordon L.Prescott, Gus Webb, Lancelot Clokey, Ike, Jules Foughler, Sally Brent, Homer Slottern, Mitchel Layton.

"Hơn thế, cũng giống như thuốc nổ phá hủy một tòa nhà, động cơ của anh ta đã phá hủy toàn bộ tính người trong tâm hồn anh ta. Chúng ta đang đối mặt, thưa bồi thẩm đoàn, với một loại thuốc nổ nguy hiểm nhất thế giới này - đó là một kẻ vị kỷ!"

Đám đông ngồi trên ghế, đứng cạnh cửa sổ, trên lối đi, dựa lưng vào tường. Họ trộn lẫn vào nhau thành một viên đá nguyên khối, chỉ hở ra những gương mặt hình bầu dục xanh xao. Những gương mặt nổi lên, tách rời nhau, cô đơn và không có khuôn mặt nào giống khuôn mặt nào. Đằng sau mỗi gương mặt là những năm tháng của một cuộc đời đã bị sống hết hoặc trôi qua một nửa; là nỗ lực, là hy vọng và một cố gắng sống - dù trung thực hay giả dối - nhưng vẫn là một cố gắng. Tất cả các gương mặt đều có một dấu hiệu chung. Dấu hiệu ấy hiển hiện trên những đôi môi đang nở những nụ cười hiểm ác; trên những đôi môi trề ra chối bỏ, và trên những đôi môi mím chặt với vẻ đức hạnh ngập ngừng. Dấu hiệu ấy là sự chịu đựng.

"... Ngày nay, thế giới đang bị chia rẽ bởi những vấn đề to lớn và mọi người đều đang phải đi tìm câu trả lời cho những vấn đề sống còn của loài người. Thế mà người đàn ông này lại coi cái quan điểm nghệ thuật mơ hồ và không thiết yếu của anh ta như thứ quan trọng nhất. Anh ta biến nó thành đam mê duy nhất và thành động cơ của một tội ác chống lại xã hội."

Người ta đến đây để chứng kiến một phiên tòa giật gân, để gặp những người nổi tiếng, để có tư liệu cho những câu chuyện phiếm, để xuất hiện trước đám đông, để giết thời gian. Rồi họ sẽ trở về với những công việc bất đắc dĩ, những gia đình thiếu tình yêu thương, những đám bạn đủ hạng, những phòng tiếp khách, những dạ phục, những ly cocktail và những bộ phim. Họ sẽ quay lại với những nỗi đau không dám thừa nhận, những hy vọng đã bị giết chết, những khát vọng bị bỏ rơi lặng lẽ trước một con đường chưa có ai đi. Họ sẽ quay lại với những ngày tháng nỗ lực không phải để nghĩ, để nói, mà để quên, để nhượng bộ và bỏ cuộc. Nhưng mỗi người trong đám đông đó đều đã biết đến một vài khoảnh khắc không thể quên trong đời họ - một buổi sáng yên bình, một khúc nhạc bất ngờ nghe thấy và không bao giờ được nghe lại đúng như thế, một gương mặt xa lạ trên xe buýt - những khoảnh khắc khi mỗi người trong họ ý thức được một ý nghĩa khác của cuộc sống. Thế rồi trong một đêm mất ngủ, trong một buổi chiều mưa dai dẳng, trong nhà thờ, trong một khu phố vắng vẻ lúc hoàng hôn, họ lại nhớ đến những khoảnh khắc khác; mặc dù mỗi người đều đã hỏi vì sao có quá nhiều khổ đau và những thứ xấu xa trên thế giới này. Họ đã không cố thử tìm câu trả lời và họ đã tiếp tục sống như thể không cần phải có câu trả lời. Nhưng mỗi người đều đã biết đến một khoảnh khắc, khi mà, trong sự trung thực cô đơn và trần trụi, họ đã từng cảm thấy cần phải có câu trả lời.

"... một kẻ vị kỷ nhẫn tâm và cao ngạo, kẻ muốn được theo ý mình bằng mọi giá..."

Có mười hai người trong bồi thẩm đoàn. Họ lắng nghe, gương mặt của họ chăm chú và vô cảm. Người ta đã thầm thì với nhau rằng đó là một bồi thẩm đoàn khó tính. Có hai quan chức thuộc ngành công nghiệp, hai kỹ sư, một nhà toán học, một người lái xe tải, một thợ xây, một thợ điện, một người làm vườn và ba công nhân. Việc lựa chọn thành viên cho bồi thẩm đoàn mất khá nhiều thời gian. Roark đã từ chối rất nhiều hội thẩm dự khuyết. Anh đã chọn mười hai người này. Công tố viên đã đồng ý. Ông tự nhủ đây chính là lỗi thường gặp khi một người không trong nghề tự đứng ra bào chữa cho mình; một luật sư hẳn sẽ chọn những người hiền lành nhất vì họ sẽ mủi lòng khi được cầu xin; còn Roark đã chọn những người cứng rắn nhất.

"... Nếu đó là biệt thự của một nhà tài phiệt nào đó thì đã đành, đằng này nó là một dự án nhà ở, thưa bồi thẩm đoàn, một dự án nhà ở cho dân thường!"

Quan tòa ngồi trên một chiếc ghế bành khá cao. Ông có mái tóc hoa râm và vẻ mặt nghiêm khắc của một sĩ quan quân đội.

"... một ngư i vốn được đào tạo để phục vụ xã hội, một người xây dựng lại trở thành một kẻ phá hủy..."

Giọng nói đó tiếp tục vang lên, thành thạo và tự tin. Những gương mặt trong phòng lắng nghe với phản ứng mà họ thường dành cho một bữa tối ngon miệng trong tuần: thỏa mãn và sẽ quên trong vòng một giờ. Họ đồng ý với từng câu một: họ đã nghe thấy chúng trước đó, họ đã luôn nghe thấy chúng, thế giới này sống được nhờ những điều đó, nó quá hiển nhiên - như việc phải bước qua một vũng bùn.

Công tố viên giới thiệu những nhân chứng. Viên cảnh sát đã bắt được Roark tại hiện trường lên bục nhân chứng và kể lại việc ông ta đã tìm thấy bị cáo đang đứng cạnh pít-tông kích nổ. Người trực đêm kể lại việc ông ta đã được sai rời khỏi hiện trường; lời khai của ông rất ngắn gọn; công tố viên không muốn tập trung vào Dominique. Người giám sát công trường làm chứng về việc mất thuốc nổ ở trong kho. Những quan chức trong dự án Cortlandt, những thanh tra xây dựng, và các thẩm định lên bục nhân chứng để mô tả lại tòa nhà và mức độ thiệt hại. Đó là ngày đầu tiên của phiên tòa.

Peter Keating là nhân chứng đầu tiên được gọi lên trong ngày thứ hai.

Anh ngồi ở ghế dành cho người làm chứng, người sụm về phía trước. Anh ngoan ngoãn ngồi nhìn công tố viên. Thỉnh thoảng anh lại đảo mắt. Anh nhìn vào đám đông, vào bồi thẩm đoàn, vào Roark. Ánh mắt anh không hề thay đổi.

"Ông Keating, ông có tuyên thệ trước tòa rằng ông đã thiết kế dự án Cortlandt không?"

"Không. Tôi đã không làm việc đó."

"Ai đã thiết kế nó?"

"Howard Roark."

"Theo yêu cầu của ai?"

"Theo yêu cầu của tôi."

"Tại sao ông lại yêu cầu ông ta làm việc đó?"

"Bởi vì tôi không có khả năng tự làm việc đó."

Giọng nói ấy không có vẻ trung thực; bởi vì nó không hề biểu hiện nỗ lực phải nói ra một sự thật như thế này. Giọng nói ấy không có bóng dsang của sự thật hay của dối trá; nó chỉ có sự dửng dưng.

Công tố viên đưa cho anh một tờ giấy. "Có phải đây là bản thỏa thuận mà anh đã ký?"

Keating giữ tờ giấy trong tay và nói: "Vâng".

"Đó có phải là chữ ký của Howard Roark?"

"Vâng."

"Xin ông đọc to những điều khoản trong bản thỏa thuận này cho bồi thẩm đoàn nghe."

Keating đọc to bản thỏa thuận. Giọng của anh phát ra đều đều, thành thục. Không ai trong phòng nhận ra mục đích ban đầu của việc làm chứng này là để tạo ra một sự giật gân. Không phải một kiến trúc sư nổi tiếng đang công khai thú nhận sự bất tài của mình; chỉ là một ai đó đang đọc một bài đọc thuộc lòng. Người ta có cảm giác, nếu bị ngắt lời, anh ta sẽ không thể đọc nổi câu tiếp theo; anh ta sẽ phải đọc lại từ đầu.

Anh trả lời rất nhiều câu h i. Công tố viên đưa ra bản vẽ gốc công trình Cortlandt mà Roark đã vẽ và đưa cho Keating; rồi những bản chép lại của Keating và những bức ảnh chụp tòa nhà Cortlandt trong lúc đang thi công.

"Tại sao ông lại kịch liệt phản đối những thay đổi cấu trúc tuyệt vời do ông Prescott và ông Webb gợi ý?"

"Bởi vì tôi sợ Howard Roark."

"Điều gì trong tính cách của ông ta đã khiến cho ông có suy nghĩ như vậy?"

"Mọi điều."

"Ý ông là gì?"

"Tôi không biết. Tôi đã sợ hãi. Tôi đã từng sợ hãi."

Những câu hỏi cứ thế tiếp diễn. Câu chuyện không bình thường, nhưng cái mà người nghe cảm thấy chỉ là sự tẻ nhạt. Nó không giống lời tường thuật của một người trong cuộc. Những nhân chứng khác dường như còn có nhiều liên hệ cá nhân với vụ việc hơn Keating.

Khi Keating rời bục nhân chứng, những người trong phòng xử án có một ấn tượng kỳ lạ rằng việc một người rời khỏi phòng không hề làm căn phòng thay đổi; như thể không hề có một cá thể người vừa đi khỏi.

"Bên công tố nghỉ," luật sư của hạt nói.

Quan tòa nhìn Roark.

"Tiến lên," ông nói. Giọng ông nhẹ nhàng.

Roark đứng dậy. "Thưa quan tòa, tôi sẽ không gọi nhân chứng. Đây là lời chứng và cũng là lập luận của tôi."

"Hãy tuyên thệ."

Roark tuyên thệ. Anh đứng cạnh bậc thang dẫn tới bục nhân chứng. Người ta nhìn anh. Họ nghĩ anh không có cơ hội thoát tội. Họ có thể rũ bỏ cảm giác phẫn nộ không tên - cái cảm giác bất an mà anh đã gây cho hầu hết họ. Và do đó, lần đầu tiên họ có thể nhìn rõ con người anh: một người hoàn toàn không biết đến sợ hãi.

Nỗi sợ mà họ nghĩ đến không phải là nỗi sợ thông thường. Nó không phải là phản ứng trước một hiểm nguy hữu hình nào đó. Nó là một nỗi sợ kinh niên và không được thú nhận. Họ sống trong nỗi sợ đó. Họ nhớ tới những khoảnh khắc khốn khổ khi mà, trong nỗi cô đơn, họ nghĩ tới những từ ngữ lạc quan lẽ ra họ đã có thể nói, những họ dã không tìm thấy những từ ngữ đó và họ căm thù những người đã đánh cắp lòng dũng cảm khỏi họ. Họ nhớ tới nỗi khổ khi trong thâm tâm, họ biết về sức mạnh và khả năng của bản thân, nhưng rồi đã để cho sức mạnh và khả năng ấy phí hoài. Chúng là những giấc mơ? Hay sự hoang tưởng về bản thân? Hay là một hiện thực bị giết chết từ trong trứng, bị giết bởi những tình cảm mòn mỏi không tên - sự sợ hãi - sự cần đến - sự phụ thuộc - sự căm thù?

Roark đứng trước họ như mỗi con người đứng một cách hoàn toàn trong sạch trong tâm trí mình. Nhưng Roark đứng như thế trước một đám đông thù địch - và họ chợt nhận ra rằng anh không hề biết đến sự căm thù. Trong một khoảnh khắc, họ hiểu được ý thức sống của anh. Và mỗi người trong họ tự hỏi: liệu ta có cần phải được bất cứ ai chấp nhận? - điều đó có quan trọng không? - ta có bắt buộc phải thế không? Và trong khoảnh khắc đó, mỗi người trong số họ trở nên tự do - tự do đủ để có cảm giác yêu quý đối với tất cả những người khác trong phòng.

Nó chỉ là một khoảnh khắc - khoảnh khắc im lặng khi Roark chuẩn bị cất tiếng.

“Hàng ngàn năm trước đây, có một người lần đầu tiên tìm ra cách tạo ra lửa. Người đó có lẽ đã bị thiêu sống bằng chính ngọn lửa mà anh ta dạy những người anh em của mình cách thắp lên. Anh ta bị coi là một kẻ xấu vì đã có quan hệ với ma quỷ, thứ mà loài người luôn khiếp sợ. Nhưng từ đó trở đi, loài người có lửa để giữ ấm, để nấu nướng, để thắp sáng trong hang động. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ từng không hiểu và anh ta đã xua bóng tối ra khỏi trái đất này. Nhiều thế kỷ sau, có một người lần đầu tiên tạo ra cái bánh xe. Người đó có lẽ đã tan xác dưới những bánh xe mà anh ta dạy những người anh em của mình cách làm. Anh ta bị coi là một kẻ phạm tội vì đã mạo hiểm vào vùng đất cấm. Nhưng từ đó trở đi, loài người có thể đi tới mọi chân trời. Anh ta đã để lại cho họ một món quà mà họ đã không hiểu và anh ta đã mở những con đường trên mặt đất.

“Những người đó - những người không chịu phục tùng và luôn đi đầu - đứng ở chương mở đầu của tất cả những truyền thuyết mà loài người ghi lại về thủa sơ khai. Promete đã bị xích vào một tảng đá và bị những con kền kền xé xác - bởi vì anh đã ăn cắp ngọn lửa của những vị chúa trời. Adam bị buộc phải chịu đau khổ - bởi vì anh ta đã ăn quả cấm trên cây thiện-ác. Dù truyền thuyết gì đi chăng nữa, ở sâu trong trí nhớ, loài người biết rằng vinh quanh của chúng ta đã bắt đầu từ một cá nhân và cá nhân đó đã phải trả giá cho lòng dũng cảm của mình.

“Trong những thế kỷ qua, đã có những người đặt bước chân đầu tiên của họ trên những con đường mới; họ không được trang bị vũ khí gì ngoài tầm nhìn của riêng họ. Họ có mục đích khác nhau, nhưng tất cả đều có một số điều chung: bước chân của họ là bước chân đầu tiên, con đường của họ là con đường hoàn toàn mới, nhãn quan của họ không hề do vay mượn, và phản ứng mà họ nhận được luôn là sự căm ghét. Những nhà phát minh vĩ đại - những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, những nhà khoa học, những nhà sáng chế - đều phải đơn độc chống lại những người cùng thời với họ. Tất cả những ý tưởng mới và vĩ đại đều bị chống đối kịch liệt. Tất cả những phát minh mới và vĩ đại đều bị lên án. Đông cơ máy đầu tiên bị coi là ngu xuẩn. Chiếc máy bay đầu tiên bị coi là không tưởng. Chiếc máy dệt đầu tiên đã bị coi là ác quỷ. Việc gây mê bị coi là tội lỗi. Nhưng những người đó, với tầm nhìn không vay mượn, vẫn tiếp tục tiến lên. Họ đã chiến đấu, họ đã đau khổ và họ đã phải trả giá. Nhưng họ đã chiến thắng.

“Một người sáng tạo không bao giờ bị thôi thúc bởi khát vọng phục vụ đồng loại của anh ta, bởi vì chính đồng loại của anh ta luôn chối bỏ món anh ta đem tặng họ; đồng thời món quà đó phá hủy cuộc sống bình thường của anh. Anh sáng tạo vì động cơ duy nh t: chân lý. Chân lý của riêng anh, và lao động của riêng anh để đạt tới chân lý theo cách riêng của anh. Mục đích và cuộc đời anh ta nằm ở một bản giao hưởng, một quyển sách, một cỗ máy, một trường phái triết học, một cái máy bay hay một tòa nhà. Nó không nằm ở người nghe nhạc, người đọc sách, người vận hành máy, người đi theo trường phái triết học, người đi máy bay hay người sống trong ngôi nhà mà anh ta tạo ra. Sự sáng tạo, chứ không phải những lợi ích mà người khác được hưởng từ sự sáng tạo ấy. Sáng tạo là cách anh ta thể hiện chân lý của mình. Anh ta đặt chân lý này lên bên trên mọi thứ, bất chấp tất cả loài người.

“Tầm nhìn, sức mạnh, và lòng dũng cảm của anh ta đến từ linh hồn của anh ta. Tuy nhiên, linh hồn của một người lại chính là cái tôi của anh ta. Cái tôi là thực thể làm công việc nhận thức. Cái tôi có chức năng tư duy, cảm giác, đánh giá và hành động.

“Những người sáng tạo luôn là những người có cái tôi. Cái tôi chính là toàn bộ bí mật về sức mạnh của họ - cái tôi ấy đầy đủ trong bản thân nó, tự vận động trong bản thân nó, và tự tái tạo trong bản thân nó. Cái tôi là nguyên nhân đầu tiên, là nguồn năng lượng, là động lực sống, là cội rễ của tất cả. Người sáng tạo không phục vụ cái gì và không phục vụ bất cứ ai khác. Anh ta sống vì chính bản thân mình.

“Và chỉ có bằng cách sống vì bản thân, anh ta mới có thể đạt được những thành tựu vinh quang của loài người. Đó chính là bản chất của sự thành công...

“Loài người có thể tồn tại nhờ trí tụê của mình. Loài người đến trái đất mà không được trang bị vũ khí nào. Bộ óc là thứ vũ khí duy nhất của họ. Động vật kiếm thức ăn bằng sức mạnh cơ bắp. Loài người không có móng vuốt, không có răng nanh, không có sừng; họ cũng không có sức mạnh cơ bắp vượt trội. Loài người phải tự trồng trọt hoặc săn bắn để có thức ăn. Để trồng trọt, họ phải có một quá trình tư duy. Để săn, họ cần có vũ khí, và để làm ra vũ khí - họ cũng cần một quá trình tư duy. Từ nhu cầu đơn giản nhất này cho đến nhưng khái niệm tôn giáo trừu tượng nhất, từ cái bánh xe cho đến tòa nhà chọc trời, tất cả những gì con người đại diện và tất cả những gì con người có đều đến từ một thuộc tính đơn nhất của con người - đó là chức năng tư duy của bộ óc.

“Nhưng bộ óc lại thuộc về cá nhân. Không có cái gọi là bộ óc tập thể. Không có cái gọi là một ý nghĩ tập thể. Một thỏa thuận do một nhóm người đạt được thực ra chỉ là một thỏa hiệp hoặc là giá trị trung bình rút ra từ những ý nghĩ cá nhân. Đó chỉ là một hệ quả có tính phát sinh. Hành động chủ yếu, tức là quá trình tư duy - phải do mỗi cá nhân thực hiện độc lập. Chúng ta có thể chia một bữa ăn cho nhiều người. Nhưng chúng ta không thể tiêu hóa nó trong một cái dạ dày tập thể. Không ai có thể sử dụng phổi của mình để thở cho người khác. Không ai có thể sử dụng bộ não của mình để nghĩ hộ kẻ khác. Tất cả mọi chức năng của thể xác và linh hồn đều có tính cá nhân. Chúng không thể bị chia sẻ hoặc chuyển giao cho người khác.

“Chúng ta thừa kế những sản phẩm tư duy của người khác. Chúng ta kế thừa cái bánh xe. Chúng ta tạo ra một chiếc xe ngựa. Xe ngựa thô sơ trở thành xe ô-tô. Ô-tô trở thành máy bay. Nhưng trong suốt quá trình đó, những gì chúng ta nhận được từ người khác chỉ là sản phẩm cuối cùng trong quá trình tư duy của họ. Cái động cơ thúc đẩy quá rình này chính là khả năng sáng tạo, nhờ nó mà chúng ta lấy những sản phẩm cuối cùng kia làm nguyên liệu để sử dụng và sáng tạo ra sản phẩm mới. Khả năng sáng tạo này không thể đem cho hoặc nhận, không thể chia sẻ hoặc vay mượn. Nó thuộc về các cá thể người đơn lẻ. Khả năng sáng tạo là tài sản của người sáng tạo. Loài người có thể học lẫn nhau. Nhưng học luôn chỉ là sự trao đổi nguyên vật liệu. Không ai có thể cho ai khả năng tư duy. Và khả năng tư duy ấy lại là phương tiện duy nhất giúp chúng ta tồn tại.

“Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần - anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với sự lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong hai cách - bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám thì chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian.

“Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

“Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần ai khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.

“Nhu cầu cơ bản của người sáng tạo là sự độc lập. Một bộ óc biết tư duy không thể hoạt động dưới sự cưỡng bức theo bất cứ hình thức nào. Nó không thể bị đóng yên cương, không thể hy sinh hay khuất phục trước bất cứ điều gì. Nó đòi hỏi sự độc lập tuyệt đối trong cả chức năng và động cơ. Đối với một người sáng tạo, tất cả những mối quan hệ với con người đều là thứ yếu.

“Nhu cầu cơ bản của một kẻ thứ sinh là củng cố quan hệ của anh ta với mọi người để được họ nuôi sống. Anh ta đặt quan hệ lên trên hết. Anh ta tuyên bố rằng loài người tồn tại là để phục vụ người khác. Anh ta rao giảng về chủ nghĩa vị nhân sinh."

“Vị nhân sinh là học thuyết đòi hỏi con người phải sống vì người khác và đặt những người khác lên trên bản thân mình.

“Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta, cũng giống như anh ta không thể chia sẻ thể xác của anh ta. Nhưng những kẻ sống thứ sinh đã lợi dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một thứ vũ khí để lợi dụng và đảo ngược lại những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người. Loài người đã được dạy dỗ tất cả những giới luật để phá h y người sáng tạo. Loài người đã được dạy dỗ rằng phụ thuộc lẫn nhau chính là một đức hạnh.

“Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám trong động cơ của mình, và anh ta cũng biến những người mà anh ta phục vụ thành những kẻ ăn bám. Mối quan hệ này chẳng tạo ra cái gì khác ngoài sự suy đồi cho cả hai bên. Cái gần nhất với quan hệ này trong thực tế chính là chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ về mặt thể xác là đáng ghê tởm, thì nô lệ về tinh thần còn ghê tởm đến mức nào? Kẻ bị buộc làm nô lệ vẫn còn có chút danh dự. Vì anh ta còn dám chống lại chế độ nô lê và coi nó là xấu xa. Còn những người tự biến bản thân thành nô lệ nhân danh tình yêu thương - họ là những sinh vật thấp hèn. Họ đã hạ thấp phẩm giá con người và hạ thấp khái niệm tình yêu thương. Thế mà dây chính là cốt lõi của chủ nghĩa vị nhân sinh.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng đức tính tốt đẹp nhất không phải là đạt được một cái gì đó mà là cho đi một cái gì đó. Nhưng một người không thể cho đi những gì mà anh ta không tạo ra. Đầu tiên phải có sáng tạo, sau đó mới là phân phối, nếu không thì chẳng có gì để phân phối cả. Phải có người sáng tạo trướck hi có những người hưởng lợi từ sự sáng tạo. Thế mà chúng ta lại được dạy dỗ để ngưỡng mộ những kẻ sống thứ sinh - những kẻ phân phát những món quà mà họ không tạo ra; chúng ta được dạy để xếp họ lên trên những người đã sản sinh ra những món quà đó. Chúng ta ca ngợi công việc từ thiện. Nhưng chúng ta lại nhún vai coi khinh những nỗ lực để thành công.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng mối quan tâm đầu tiên của họ là giúp cho người khác bớt khổ đau. Nhưng khổ đau là một căn bệnh. Chỉ khi có người bị bệnh thì mới cần có người đến để giúp giảm bớt sự đau đớn. Còn nếu chúng ta biến việc giảm khổ đau thành phép thử lớn nhất của đức hạnh thì chúng ta đã biến khổ đau thành một thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Do vậy người ta sẽ mong muốn được nhìn thấy những người khác đau khổ - để người ta có thể trở thành người đức hạnh. Đó chính là bản chất của chủ nghĩa vị nhân sinh. Trong khi đó, người sáng tạo không quan tâm đến bệnh tật, họ quan tâm đến cuộc sống. Nhưng công việc của người sáng tạo lại giúp loại bỏ hết bệnh này đến bệnh khác, cả bệnh tật của thể xác lẫn bệnh tật của tâm hồn. Thành quả của họ giúp giảm nhẹ khổ đau nhiều hơn bất cứ một người theo chủ nghĩa vị nhân sinh nào có thể làm.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng đồng tình với người khác là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn bất đồng. Loài người đã được dạy dỗ rằng bơi theo dòng nước là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo luôn bơi ngược dòng. Loài người đã được dạy dỗ rằng đứng tụ tập bên nhau là một đức hạnh. Nhưng người sáng tạo lại luôn là người đứng một mình.

“Loài người đã được dạy dỗ rằng cái tôi đồng nghĩa với sự xấu xa, và việc không-có-cái-tôi là đức hạnh lý tưởng. Nhưng người sáng tạo là người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối, còn người không có cái tôi là kẻ không tư duy, không cảm nhận, không đánh giá và khbn ông hành động. Bởi vì tư duy, cảm nhận, đánh giá và hành động là những chức năng của cái tôi.

“Đây là chỗ mà sự đánh tráo khái niệm này có tác hại khủng khiếp nhất. Sự đánh tráo này đưa con người đến chỗ không có lựa chọn - và không có tự do. Thay vì hai thái cực tốt và xấu, chúng ta chỉ còn hai khái niệm: vị kỷ hay vị nhân sinh. Sự vị kỷ bị coi là hy sinh những người khác cho bản thân mình. Còn vị nhân sinh trở thành hy sinh thân mình vì những người khác. Điều này đã vĩnh viễn trói một người vào những người khác và khiến cho anh ta không còn lựa chọn nào khác ngoài sự đau khổ: sự đau khổ mà anh ta phải mang vác để thỏa mãn người khác và sự đau khổ mà anh ta gây ra cho người khác để thỏa mãn bản thân anh ta. Đến khi người ta thêm vào một điều khoản - rằng con người phải tìm kiếm niềm vui trong việc hy sinh bản thân thì cái bẫy đã hoàn toàn sập xuống. Con người bị ép phải coi khổ dâm là lý tưởng - vì nếu không, họ chỉ còn một lựa chọn là bạo dâm. Đây là vụ lừa đảo lớn nhất mà loài người đã thực hiện.

“Đây chính là công cụ mà theo đó sự phụ thuộc và khổ đau được duy trì như nền tảng của cuộc sống.

“Sự lựa chọn mà chúng ta phải có không phải là giữa hy sinh bản thân và hy sinh người khác. Sự lựa chọn phải là giữa sống độc lập và sống lệ thuộc. Giữa nguyên tắc sống của người sáng tạo với nguyên tắc sống của những kẻ thứ sinh. Đây chính là vấn đề cơ bản. Nó là lựa chọn giữa sống và chết. Nguyên tắc sống của người sáng tạo được xây dựng trên những nhu cầu của một bộ óc biết tư duy và do đó giúp con người tồn tại được. Nguyên tắc sống của nhưng kẻ thứ sinh được xây dựng trên nhu cầu của một bộ óc không có khả năng tồn tại. Tất cả những gì bắt nguồn từ cái tôi độc lập của con người đều lành mạnh. Tất cả những gì bắt nguồn từ sự lệ thuộc của con người vào người khác đều là xấu xa.

“Người vị kỷ theo nghĩa tuyệt đối không bao giờ bắt người khác hy sinh cho mình. Anh ta sống vượt ra ngoài nhu cầu sử dụng những người khác, dù dưới bất cứ hình thức nào. Anh ta không hoạt động thông qua họ. Trong những lĩnh vực cốt lõi nhât - tức là trong mục đích, động cơ, tư duy, khát vọng, năng lực - anh ta không quan tâm tới người khác. Anh ta không sống vì bất cứ ai - và anh ta không yêu cầu ai phải sống vì anh ta. Đây là hình thức duy nhất để tình bằng hữu và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người có thể tồn tại.

“Năng lực của mỗi người có thể khác nhau, nhưng nguyên tắc cơ bản vẫn giữ nguyên: mức độ độc lập, chủ động, và tình yêu công việc của mỗi người là yếu tố quyết định tài năng của anh ta với tư cách là một người lao động và quyết định giá trị của anh ta với tư cách một con người. Sự độc lập là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá phẩm chất và giá trị của loài người. Anh ta là ai và anh ta tự tạo ra cái gì; chứ không phải anh ta đã làm được hoặc không làm được gì cho người khác. Không có gì có thể thay thế được phẩm giá cá nhân. Và không có tiêu chuẩn nào khác cho phẩm giá cá nhân ngoài tính độc lập.

“Tất cả những quan hệ hợp lý đều không có chuyện người này phải hy sinh vì người khác. Một kiến trúc sư cần có khách hàng, nhưng anh ta không đặt lao động của anh ta xuống dưới nhu cầu của khách hàng. Khách hàng cần kiến trúc sư, nhưng họ cũng không ký hợp đồng xây nhà chỉ vì họ muốn cho anh ta tiền công xây dựng. Loài người trao đổi sản phẩm lao động với nhau thông qua sự đồng thuận tự nguyện vì lợi ích của cả hai bên, khi lợi ích cá nhân của cả hai bên cùng được thỏa mãn và họ cùng mong muốn có trao đổi đó. Nếu họ không muốn có trao đổi đó, họ không bắt buộc phải làm việc với nhau. Họ có thể tìm kiếm người khác. Đây là mối quan hệ bình đẳng duy nhất có thể có ở loài người. Bất cứ những dạng quan hệ nào khác đều chỉ là quan hệ giữa chủ và tớ, hoặc giữa nạn nhân và đao phủ.

“Chưa từng có công trình nào được hoàn thành nhờ tập thể, nhờ quyết định của đa số. Tất cả những thành tựu trong công việc sáng tạo đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của một suy nghĩ cá nhân đơn nhất. Một kiến trúc sư cần rất nhiều người để xây nên một tòa nhà. Nhưng anh ta không yêu cầu họ biểu quyết về bản thân thiết kế của mình. Họ làm việc cùng nhau thông qua thỏa thuận tự do và mỗi người trong họ đều tự do hoạt động trong bổn phận hợp lý của mình. Một kiến trúc sư sử dụng thép, kính, bê tông, do những người khác sản xuất ra. Nhưng nguyên liệu vẫn chỉ là thép, kính và bê tông cho đến khi người kiến trúc sư chạm vào chúng. Những gì anh ta làm với chúng là sản phẩm và tài sản của riêng anh. Đây là hình thức hợp tác hợp lý duy nhất giữa người và người.

“Quyền đầu tiên của con người trên trái đất này là quyền có cái tôi. Bổn phận đầu tiên của một con người là bổn phận với chính mình. Nguyên tắc đạo đức của anh ta là không bao giờ để người khác quyết định mục đích sống của anh ta. Bổn phận đạo đức của anh ta là phải làm những gì anh ta khao khát, miễn là khao khát đó không do người khác quyết định. Bổn phận đạo đức này phải chi phối sự sáng tạo, tư duy và lao động của anh ta. Những kẻ ăn cướp, những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh, hay những kẻ độc tài dĩ nhiên không sống theo bổn phận này.

“Một con người luôn nghĩ và làm việc một mình. Một con người không thể ăn cắp, lợi dụng hay cai trị một mình. Ăn cắp, lợi dụng hay cai trị luôn đòi hỏi phải có nạn nhân. Chúng bao hàm sự lệ thuộc. Chúng là lãnh địa của những kẻ sống thứ sinh.

“Những người cai trị người khác không phải là những người vị kỷ. Họ chẳng tạo ra cái gì cả. Họ tồn tại hoàn toàn thông qua những người khác. Mục đích của họ nằm trong đối tượng mà họ cai trị, trong hành vi nô dịch hóa người khác. Họ cũng lệ thuộc chẳng kém gì những người ăn xin, những người làm công tác xã hội và lũ kẻ cướp. Ở đây, hình thức lệ thuộc không quan trọng.

“Nhưng loài người đã được dạy dỗ để coi những người sống thứ sinh - những tên bạo chúa, những ông hoàng, những kẻ độc tài - như những ví dụ tiêu biểu của lòng vị kỷ. Qua sự đánh tráo khái niệm này, loài người bị lừa vào chỗ hủy diệt cái tôi của bản thân họ và của những người khác. Mục đích của sự lừa đảo này là để hủy hoại những người sáng tạo. Hoặc để kìm kẹp họ. Hai điều này thực sự là một.

“Từ lúc bắt đầu của lịch sử loài người, hai đối thủ đã luôn đứng đối mặt nhau: người sáng tạo và người sống thứ sinh. Khi người sáng tạo đầu tiên tạo ra cái bánh xe, kẻ sống thứ sinh lập tức đáp lại. Anh ta tạo ra chủ nghĩa vị nhân sinh.

“Người sáng tạo - mặc dù bị chối bỏ, thù nghịch, ngược đãi và bóc lột - vẫn đi tiếp về phía trước và kéo cả loài người đi theo bằng sức của mình. Những kẻ sống thứ sinh không đóng góp gì vào quá trình này ngoài việc gây ra những trở ngại. Trận đấu bây giờ được khoác một cái tên mới: cá nhân chống lại tập thể.

“‘Lợi ích chung’ của tập thể đã được chọn làm quyền và lý do để bào chữa cho tất cả chế độ chuyên chế bạo ngược đã từng có trong lịch sử loài người. Cái tập thể đó có thể là một sắc tộc, một giai cấp, hay một quốc gia. Tất cả những cơn ác mộng trong lịch sử đều được thực hiện với động cơ trá hình là chủ nghĩa vị nhân sinh. Đã từng có hành vi ích kỷ nào có sức phá hoại ngang với những thảm họa chết chóc do những người đi theo chủ nghĩa vị nhân sinh gây ra? Lỗi nằm ở chỗ loài người không có đạo đức hay ở chỗ nguyên tắc đạo đức của loài người đã sai từ trong bản chất? Những tên đạo phủ khủng khiếp nhất lại thường là những người nhiệt tình nhất. Họ nhiệt tình tin rằng có thể đạt được một xã hội hoàn hảo nhờ máy chém và đội hành quyết. Không ai nghi ngờ quyền giết người của họ bởi vì họ giết người với động cơ vị nhân sinh. Người ta chấp nhận việc ai đó phải bị hy sinh vì những người khác. Diễn viên có thể thay đổi, nhưng nội dung vở bi kịch thì vẫn giữ nguyên. Một người đấu tranh cho nhân quyền luôn khởi đầu bằng những tuyên bố về tình yêu nhân loại và luôn kết thúc bằng một biển máu. Điều đó đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra chừng nào loài người vẫn còn tin rằng một hành vi được coi là đức hạnh nếu nó không xuất phát từ cái tôi. Niềm tin này cho phép những kẻ theo chủ nghĩa vị nhân sinh hành động và ép buộc nạn nhân của họ phải chấp nhận điều đó. Những người lãnh đạo của những phong trào tập thể luôn tuyên bố không cần gì cho bản thân họ. Nhưng hãy quan sát những gì họ đã gây ra.

“Điều đức hạnh duy nhất mà con người có thể làm cho nhau và cái thỏa thuận duy nhất cho mối quan hệ hợp lý giữa người với người là - Buông nhau ra!

“Bây giờ hãy quan sát những thành quả của một xã hội xây dựng trên nguyên tắc của chủ nghĩa cá nhân. Đó, đất nước của chúng ta. Đất nước hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người. Đất nước của những thành tựu, của sự thịnh vượng và của nền tự do vĩ đại nhất trong lịch sử. Đất nước này không dựa trên sự phục vụ quên mình, sự hy sinh, hay bất cứ lời giáo h uấn nào khác về chủ nghĩa vị nhân sinh. Nó được xây dựng dựa trên quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người. Hạnh phúc của mỗi cá thể chứ không phải của ai khác. Một động cơ riêng tư, cá nhân và vị kỷ. Hãy nhìn vào những kết quả chúng ta có được. Hãy nhìn vào lương tâm của chính mình.

“Đây là một xung đột rất cổ xưa. Loài người đã đến rất gần với sự thật, nhưng mỗi lần họ tiến được đến gần thì sự thật lại bị phá hủy và các nền văn minh cứ nối tiếp nhau sụp đổ. Văn minh là một quá trình tiến đén một xã hội tôn trọng sự riêng tư. Người nguyên thủy tồn tại hoàn toàn trong cộng đồng chung, bị cai trị bởi luật lệ của bộ tộc anh ta. Văn minh hóa là một quá trình giải phóng mỗi người khỏi mọi người.

“Giờ đây, trong thời đại của chúng ta, chủ nghĩa tập thể - nguyên tắc của những kẻ sống thứ sinh và những kẻ ăn bám, con quái vật thời cổ đại, đã sổng chuồng và trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết. Nó đã đẩy loài người đến một mức độ tăm tối về nhận thức chưa từng có trên trái đất. Nó đã đạt tới sức mạnh kinh khủng mà nó chưa bao giờ đạt được. Nó đã đầu độc bộ óc của tất cả mọi người. Nó đã nuốt chửng hầu hết châu Âu. Và nó đang nhấn chìm đất nước của chúng ta xuống vực thẳm.

“Tôi là một kiến trúc sư. Tôi có thể đoán công trình kiểu gì sẽ mọc lên nếu tôi biết nguyên tắc đặt móng của công trình đó. Chúng ta đang tiến gần tới một thế giới mà tôi không cho phép mình được sống ở đó.

“Bây giờ các vị đã biết tại sao tôi phá huỷ Cortlandt.

“Tôi đã thiết kế Cortlandt. Tôi đã đưa nó cho các vị. Và tôi đã phá hủy nó.

“Tôi phá hủy nó bởi vì tôi không muốn nó tồn tại. Nó là một con quái vật kép. Nó là con quái vật trong hình dạng thực và là con quái vật trong ý nghĩa biểu tượng. Tôi phải phá hủy cả hai điều đó. Hình dáng thực của nó đã bị bóp méo bởi hai kẻ sống thứ sinh dám tự cho mình cái quyền được điều chỉnh những gì họ không làm ra và không có khả năng làm. Người ta cho phép họ làm việc đó bởi vì người ta nghiễm nhiên cho rằng mục đích nhân đạo của tòa nhà có thể thay thế tất cả những quyền khác. Họ nghiễm nhiên cho rằng tôi không có quyền chống lại điều đó.

“Tôi đã đồng ý thiết kế Cortlandt với mục đích được nhìn thấy nó mọc lên giống hệt những gì tôi đã thiết kế và không với một lý do nào khác. Đó là cái giá mà tôi đặt ra cho lao động của tôi. Tôi đã không được thù lao.

“Tôi không đổ lỗi cho Peter Keating. Chuyện đó nằm ngoài khả năng của anh ta. Anh ta đã ký hợp đồng với những người chủ của anh ta. Nhưng bản hợp đồng đã bị bỏ qua. Người ta đã hứa với anh ta rằng tòa nhà sẽ được xây đúng như bản thiết kế. Nhưng lời hứa đó đã bị lãng quên. Ngày nay, người ta coi tình yêu của một người với tính toàn vẹn trong công việc và quyền bảo vệ nó là những thứ có giá trị mơ hồ và không cần thiết. Các vị đã nghe công tố viên nói điều đó. Tại sao tòa nhà này bị biến dạng? Chẳng vì lý do gì cả. N hững hành vi như thế không bao giờ có lý do nào cả. Lý do duy nhất của nó là sự phù phiếm cảu một vài kẻ thứ sinh muốn có quyền với tài sản của người khác, cả tài sản vật chất lẫn tài sản tinh thần. Ai đã cho phép họ làm điều đó? Không cụ thể một ai trong số những người có thẩm quyền. Không ai thèm để ý đến việc cho phép hay ngăn cấm hành vi đó. Không ai chịu trách nhiệm. Không ai đứng ra chịu lỗi. Đó chính là bản chất của tất cả các hoạt động tập thể.

“Tôi không được trả cái mà tôi đòi hỏi. Nhưng những ông chủ dự án Cortlandt lại có cái mà họ muốn. Họ muốn một bản thiết kế để xây một tòa nhà càng rẻ càng tốt. Họ không tìm được ai có khả năng đáp ứng yêu cầu này. Tôi có khả năng đó và tôi đã làm việc cho họ. Họ đã lợi dụng công trình của tôi và bắt tôi phải đem hiến nó như một món quà. Nhưng tôi không phải là người theo chủ nghĩa vị nhân sinh. Tôi không tặng quà kiểu này.

“Người ta nói rằng tôi đã phá hủy chỗ ở cho những người nghèo. Người ta quên rằng nếu không có tôi, thì không thể có khu nhà này cho người nghèo ở. Tôi không quan tâm tới việc giúp người nghèo. Nhưng những người quan tâm đến người nghèo cần có tôi để có thể giúp được người nghèo. Người ta tin rằng sự nghèo khổ của những cư dân tương lai trong tòa nhà này cho họ quyền làm bất cứ điều gì đối với công trình của tôi. Rằng nhu cầu của họ cho phép họ có quyền quyết định cuộc đời của tôi. Rằng bổn phận của tôi là phải đóng góp bất cứ những gì người ta cần ở tôi. Đây chính là tín điều của kẻ thứ sinh. Tín điều này đang nuốt chửng cả thế giới này.

“Tôi tới đây để nói rằng tôi không công nhận quyền của bất cứ ai với bất cứ giây phút nào trong cuộc sống của tôi. Tôi không công nhận quyền của bất cứ ai với bất cứ phần sức lực nào của tôi. Bất cứ thành quả nào của tôi. Bất kể đó là ai, họ đông tới đâu hay nhu cầu của họ lớn đến mức nào.

“Tôi muốn tới đây để nói rằng tôi không tồn tại vì người khác.

“Cần phải nói rõ điều này. Thế giới này đang bị diệt vong vì đã quá lạm dụng khái niệm hy sinh bản thân.

“Tôi muốn tới đay để nói rằng sự chính trực trong công việc sáng tạo của một người quan trọng hơn bất cứ nỗ lực từ thiện nào. Những người không hiểu được điều này chính là những kẻ đang hủy diệt thế giới.

“Tôi muốn tới đây để tuyên bố những nguyên tắc của tôi. Tôi không tồn tại theo bất cứ nguyên tắc nào khác.

“Tôi không thừa nhận bất cứ nghĩa vụ nào đối với loài người ngoại trừ một nghĩa vụ: tôn trọng sự tự do của họ và không tham gia vào một xã hội nô dịch. Đối với tổ quốc của tôi, nếu nó không còn tồn tại (như nó phải tồn tại[171]), thì tôi sẽ xin được vào tù 10 năm. Tôi sẽ sống mười năm đó để tưởng nhớ và biết ơn vì những gì tổ quốc này đã từng có trong quá khứ. Đó sẽ là hành vi thể hiện lòng trung thành của tôi, thể hiện rằng tôi từ chối sống và làm việc cho cái xã hội đã thế chỗ vào tổ quốc cũ của tôi.

“Đó cũng chính là hành vi thể hiện lòng trung thành của tôi với tất cả những người sáng tạo đã từng sống và phải chịu khổ đau bởi những thế lực chịu trách nhiệm về vụ Cortlandt mà tôi phá nổ. Cho tất cả những giờ đồng hồ mà họ bị buộc phải sống trong cô đơn, trong ruồng bỏ, trong tuyệt vọng và ngược đãi - và cho cả những trận chiến mà họ đã chiến thắng. Cho tất cả những người sáng tạo có tên tuổi - và cho cả những người sáng tạo đã sống, đấu tranh và chết một cách âm thầm trước khi họ đi tới đích. Cho tất cả những người sáng tạo đã bị phá hủy cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cho Henry Cameron. Cho Steven Mallory. Cho một người không muốn được nêu tên nhưng đang ngồi trong căn phòng này và biết rằng tôi đang nói về ông ấy.”

Roark đứng, hai chân anh dang rộng, cánh tay duỗi thẳng dọc theo người, đầu ngẩng cao - như thể là anh đang đứng trước một tòa nhà chưa xây xong. Sau đó, khi anh ngồi xuống bàn dành cho bị cáo, rất nhiều người trong phòng cảm thấy họ vẫn nhìn thấy anh đang đứng. Họ nhìn thấy bức tranh về một khoảnh khắc không bao giờ thay thế được.

Bức tranh đó vẫn nằm trong đầu họ trong suốt những cuộc tranh cãi pháp lý diễn ra sau đó. Họ nghe quan tòa nói với công tố viên rằng bị cáo đã thay đổi lời bào chữa: anh ta đã thừa nhận hành vi phá hủy của mình, nhưng đã không thừa nhận mình có tội; do đó nảy sinh vấn đề liệu bị cáo có bị mất trí tạm thời không. Bồi thẩm đoàn có quyền quyết định liệu bị cáo có nhận thức được bản chất và tầm quan trọng của hành vi đó hay không; và nếu có thì liệu bị cáo có nhận thức được hành vi đó là sai trái không. Công tố viên không phản đối. Bầu không khí trong phòng có một vẻ im ắng khác lạ. Công tố viên tin chắc rằng ông đã thắng. Ông phát biểu kết thúc. Không ai nhớ là ông đã nói gì. Quan tòa hướng dẫn bồi thẩm đoàn đứng dậy và rời phòng xét xử.

Mọi người bắt đầu đứng lên, nhẩn nha chuẩn bị ra về. Họ nghĩ họ sẽ phải chờ thêm nhiều giờ nữa. Wynand ở cuối phòng, và Dominique ở đầu phòng, đều ngồi bất động.

Một viên cảnh sát tòa án đi đến hộ tống Roark rời phòng xử án. Anh đứng lên cạnh bàn bị cáo. Anh nhìn Dominique, rồi Wynand. Sau đó anh quay người và đi theo viên cảnh sát.

Khi anh đi tới cửa phòng thì có những tiếng gõ sắc nét vang lên. Mọi người im lặng trong chốc lát; rồi họ nhận ra đó là tiếng gõ ở cửa phòng của bồi thẩm đoàn. Bồi thẩm đoàn đã có phán quyết về vụ án.

Những người đang đứng thì vẫn đứng yên, như bị đóng băng, cho đến khi quan tòa quay trở lại ghế ngồi. Bồi thẩm đoàn đi thành hàng vào phòng xét xử.

“Bị cáo hãy đứng lên và quay mặt về phía bồi thẩm đoàn,” thư ký phiên tòa nói.

Howard Roark bước lên và đứng quay mặt về phía bồi thẩm đoàn. Ở cuối phòng, Gail Wynand cũng nhỏm dậy và đứng nghiêm.

“Thưa ông Foreman, bồi thẩm đoàn đã có phán quyết cuối cùng chưa?”

“Chúng tôi đã có.”

“Phán quyết của bồi thẩm đoàn là gì?”

“Vô tội.”

Cử động đầu tiên của Roark không phải là nhìn thành phố bên ngoài cửa sổ. Anh cũng không nhìn quan tòa hay Dominique. Anh nhìn Wynand.

Wynand quay ngoắt người và bước khỏi phòng. Ông là người đầu tiên rời phòng xét xử.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t106431-suoi-nguon-the-fountainhead-chuong-18.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận