Tình Sử Bi Thương Của Một Nàng Phượng Hoàng Chương 25

Chương 25
Trong đêm khuya tĩnh lặng, dường như ta ngửi thấy từ người Tống Tử Hiên tỏa ra mùi vị của sự cô tịch

Ta thật sự thích phủ Thừa tướng của Tống Tử Hiên.

Tướng phủ nằm trên một con phố sầm uất nhất của kinh thành, nhưng phủ lại vô cùng yên tĩnh, từng cảnh từng vật trong phủ vô cùng độc đáo.

Ta chỉ vào một hòn giả sơn trong hậu hoa viên nói: “Đá của núi này quả là đẹp, đặt ở đây đúng là vẽ rồng thêm mắt(47)”.

Tống Tử Hiên mỉm cười, nói: “Đá của núi này là của nước láng giềng, lần Thánh thượng phái ta đi sứ nước láng giềng, ta may mắn thấy được tảng đá này ở chợ đêm, ta ngay lập tức yêu thích nó, chỉ tiếc là lúc ấy trong người mang không đủ tiền, đành phải thất vọng mà ra về, không ngờ trước khi về nước, Quốc vương nước láng giềng lại đem tảng đá này tặng cho ta, còn sai người đưa tảng đá này về đến tận đây”.

Ta híp mắt nhìn hòn giả sơn, chậm rãi nói: “Tảng đá lớn như vậy, e là cũng mất rất n hiều công sức mới đem về đến đây được?”.

Tống Tử Hiên đưa tay vuốt ve hòn giả sơn, trầm ngâm một lúc mới nói: “Đốn cây to ở vùng đồng bằng, đặt đá núi ở trên đó, ở phía dưới lại đặt mấy cây to nằm song song, phía sau có vài người đẩy, đẩy lên phía trước rồi, sẽ rút cây ở phía sau đẩy lên phía trước; nếu gặp sông, thì mất ít sức hơn, lợi dụng sức nước đưa đi là được rồi. Tiếc rằng quãng đường này đi đường bộ nhiều hơn, tảng đá này đi trên đường cũng mất hơn nửa năm”.

Ta thở dài, nói: “Quân vương nước láng giềng cũng thật có tâm”.

Tống Tử Hiên phẩy tay, không nói gì cả, chỉ thở dài theo ta.

Trong lòng ta chợt hiểu, mở miệng hỏi: “Không biết nữ vương nước láng giềng năm nay bao nhiêu tuổi?”.

Tống Tử Hiên không đáp, liếc nhìn ta, cười mà như không.

Ta che miệng ho khan mấy tiếng.

Tống Tử Hiên đưa ta đi qua hành lang dài uốn khúc, qua bảy tám chỗ ngoặt, bốn năm mái đình cong cong, cuối cùng chỉ vào một biệt viện nói: “A Hoàn, mấy ngày này nàng ở tạm trong này nhé, chờ ta sai người dọn dẹp sạch sẽ chủ viện rồi nàng dọn qua đó”.

Ta vội xua tay, nói: “Nơi này rất tốt, thật sự yên tĩnh, ta rất thích, không cần đổi đâu”.

Tống Tử Hiên cũng không nói nhiều, chỉ tự mình đẩy cửa phòng ra để ta đi vào, quan sát tỉ mỉ đồ đạc bày biện trong phòng, rồi mới nói: “Nếu còn thiếu cái gì, cứ sai thị nữ đi lấy. Ta còn có mấy việc gấp cần xử lý, buổi tối sẽ mở tiệc mừng đón A Hoàn”.

Ta bảo cứ theo ý Tống Tử Hiên.

Tuy đây chỉ là biệt viện nhưng diện tích cũng không nhỏ chút nào.

Phía trên nhà chính có một tấm hoành phi chữ vàng, trên đề một hàng chữ “Thính Phong Tiểu Trúc”, trước cửa có một gốc tử đằng cổ thụ to lớn vươn cao, đúng lúc hoa đang nở, sắc hoa tô điểm cho tán cây xanh xanh, thỉnh thoảng tỏa ra mùi hương thoang thoảng.


Phía đông có một hồ nước, trong hồ hoa sen đang nở rộ, khẽ lay động theo gió, giữa hồ có một đình nghỉ mát hình bát giác, phía trên nóc đình nghỉ mát có gắn một con chim bằng vàng rực rỡ đang đứng, ngửa cổ nhìn lên bầu trời, cái đuôi dài buông xuống phía dưới, cảm giác giống như đang đứng từ đình nghỉ mát ngẩng đầu muốn bay lên trời.

Cạnh ao rải rác có mấy hòn đá lớn màu trắng, vừa che cho mấy cái cây ở phía dưới, vừa dùng để nghỉ ngơi.

Phía sau nhà chính có một tòa lầu các nhỏ, ba tầng, cao khoảng hơn mười thước, bốn phía có cửa sổ, phía trước cửa sổ có treo chuông gió, mỗi khi gió thổi qua sẽ kêu vang leng keng.

Phía tây có một tảng đá, cao hơn tòa lầu các nhỏ, phía trên phủ đầy cây cối màu xanh biếc, ngẫu nhiên đan xen màu hoa đỏ đỏ vàng vàng. Nước không biết từ đâu chảy tới theo đỉnh tảng đá chảy xuống phía dưới, rơi xuống đầm nước phía dưới, tí tách như tiếng nhạc trên tiên giới, trong đầm nước mấy con cá chép hồng thảnh thơi vẫy đuôi bơi lội.

Góc áo sau lưng bị kéo, ta quay lại nhìn thấy một đứa bé, khoảng chừng bảy tám tuổi, mặc áo choàng màu vàng nhạt, chân đi giày, tóc búi thành một búi nhỏ trên đỉnh đầu, đại khái là tuổi khá nhỏ, gương mặt vẫn lờ mờ lộ ra vẻ trẻ con, tóc cũng không dày. Tay trái của nó vẫn giữ chặt y phục của ta, tay phải cầm một xâu mứt quả, khí hậu mùa hè nóng nực, đường đỏ trên mứt quả hơi bị chảy, dọc theo xiên chảy xuống tận tay.

Đứa bé chớp chớp con mắt ngập nước, nhìn ta bằng đôi đồng tử đen như quả nho, một lát sau mới dùng giọng nói còn mang theo mùi sữa trịnh trọng nói với ta: “Không biết công tử là người ở đâu mà tại hạ chưa từng gặp qua?”.

Ta nhìn gương mặt non nớt của nó, tay cảm thấy ngứa ngáy, không nhịn được đưa tay nhéo má nó.

Bỗng dưng đứa bé lùi lại mấy bước, gương mặt lộ ra vẻ sợ hãi, rồi lại bình tĩnh lại ngay, tỏ ra hung dữ, nghiêm trang nói: “To gan! Cuối cùng thì ngươi là người ở đâu, định làm cái gì hả?”.

Ta nhịn cười, chắp tay cúi chào, học theo dáng vẻ của đứa bé, ra vẻ nghiêm túc nói: “Tại hạ là Hoàn Phượng, là khách tạm trú ở đây, cũng là bằng hữu của Thừa tướng đại nhân”.

Đứa bé gật đầu, giấu tay cầm xâu mứt quả ra đằng sau, tay trái không cầm gì nắm thành quyền đặt ở trước bụng nói: “À, hóa ra là bằng hữu của Thừa tướng, thật… quả thật là nhân tài tuấn tú”. Ngẫm nghĩ một lát rồi lại nói: “Không biết Hoàn Phượng công tử vì sao lại tới đây?”.

Ta đang mặc theo kiểu thư sinh, nói là đi thi là phù hợp nhất, nên rút quạt từ hông ra, quạt mấy cái, ra vẻ phong lưu nói: “Nghe nói đương kim Thánh thượng uy phong sáng suốt, biết cách trị quốc, tại hạ tuy là bất tài, nhưng cũng mong muốn cống hiến chút sức lực. Lần này, tại hạ tới là vì cầu công danh”.

Yên lặng một lúc, đứa bé lại nói: “Ta nghe người dân trên phố đồn đại đương kim Thánh thượng không có chủ kiến, chỉ biết nghe theo lời phụ nữ, toàn làm những chuyện hoang đường, ngươi cảm thấy thế nào?”.

Trong lòng ta khẽ động, cẩn thận nhìn đứa bé, rồi mới chậm rãi nói: “Thánh thượng quyết định lúc nào cũng có nguyên nhân, hoang đường hay không không phải là chuyện người bình thường có thể bàn luận được. Hơn nữa bây giờ quốc thái dân an, đủ để chứng minh năng lực của Thánh thượng”.

Sắc mặt của đứa trẻ hơi hồng, cúi đầu nhìn mặt đất một lúc, mới ngẩng đầu, hai tai đỏ ửng nói: “Công tử Hoàn Phượng nhất định sẽ đạt được mong muốn”.

Này, ta không điên đâu nhé…

Ta đang nói chuyện vui vẻ với đứa bé, đột nhiên phía xa có một nhũ mẫu chạy đến, nhìn thấy đứa bé thì bước vội đến, cúi người nói: “Tiểu công tử, sao người lại ở đây một mình, phu nhân đang tìm người, tìm ở khắp mọi nơi mà không thấy, xin nhanh theo nhũ mẫu trở về”.

Dứt lời liền nắm tay đứa bé vội vàng bước đi, được mấy bước, nhũ mẫu lại quay đầu lại liếc nhìn ta, như đánh giá ta.

Gần tối thì Tống Tử Hiên sai người mời ta đến phòng ăn dùng cơm.

Phòng thì to như thế, lại chỉ có một cái bàn tròn lớn, trên bàn bày đầy các loại thức ăn. Ta ngồi cạnh Tống Tử Hiên, phía sau có bốn thị nữ phụ trách chia thức ăn.

Thị nữ mang đến một cái chậu nước nóng, Tống Tử Hiên đưa tới tận tay ta, nói với ta: “Đây là lấy cây nhân sâm ngàn năm to khỏe nhất trên núi Trường Bạch phơi khô mà làm thành, A Hoàn rửa tay, lâu ngày có thể dưỡng da làm đẹp”.

Ta cười: “Tử Hiên, huynh đừng đùa nữa, chỉ là nước đun với cây cỏ phơi khô mà thôi, nhiều nhất chỉ có thể phòng muỗi cắn thôi”.

Ta đang nói, thì nghe thấy ngoài cửa có người thông báo: “Thái Hậu nương nương đến”.

Giọng thông báo còn chưa dứt, đã nghe thấy tiếng nói khàn khàn có pha lẫn chút ngọt ngào vang lên: “Tử Hiên, hôm nay ta mới có được một cây trâm mới, khanh nhìn xem ta cài trông thế nào”.

Một nữ tử mặc cung trang được thị nữ dìu đang bước đến. Nàng khoảng chừng hơn hai mươi tuổi, gương mặt hơi nhọn, môi hồng, khóe mắt có vẽ một đóa hoa ngọc lan, cánh hoa theo đuôi mắt hướng lên phía trên, ẩn giấu ở giữa hàng lông mày, dáng vẻ vô cùng quý phái.

Dáng vẻ này quả thật là quen thuộc quá.

Nàng không phải là người lạ, đúng là con gái của Nguyên Thủy Thiên Tôn, Đỗ Lang.

Bây giờ ta đang hóa thân thành nam tử, nên nàng không nhận ra ta, mà còn cẩn thận nhìn ngắm ta một lúc, rồi mới quay đầu nói với Tống Tử Hiên: “Không biết Thừa tướng đại nhân đêm khuya vẫn có khách đến thăm, bản cung đến không đúng lúc rồi”.

Ta muốn phun ra một ngụm máu luôn.

Có trời đất chứng giám, từ sáng sớm ta đã đến rồi, sao lại có thể nói là ta đến thăm vào đêm hôm khuya khoắt. Hơn nữa, người đêm khuya còn đến thăm không biết là ai nha!

Tống Tử Hiên áy náy nhìn ta, muốn nói lại thôi.

Ta lập tức đứng lên, nói: “Thảo dân chợt nhớ còn ít y phục ở bên ngoài chưa lấy vào, xin Thái Hậu nương nương cho phép thảo dân lui xuống trước”.

Đỗ Lang dùng đuôi mắt liếc nhìn ta, không thèm để ý đến ta.

Ta lập tức chạy trốn.

Nhưng quả thật là ta tò mò với việc Đỗ Lang đến đây, nên ẩn nấp ở dưới cửa sổ nghe trộm.

Ta có nghe nói ỗ Lang từng tuân lệnh Nhuế Hạng mà hạ phàm, dẫn dắt sự phát triển của một triều đại nào đó trong lịch sử. Không lẽ cái triều đại ấy lại là triều đại này?

Bản thượng thần cùng với Đỗ Lang dù sao thì cũng cùng vai vế, tình cảm giữa phụ thân ta và Nguyên Thủy Thiên Tôn cũng không tồi, đây chỉ đơn giản là quan tâm mà thôi.

Nghĩ đến đây, ta lập tức cảm thấy thoải mái hơn.

Ta nhìn xuyên qua cửa sổ, thấy Đỗ Lang đứng đối mặt với Tống Tử Hiên. Một lát sau, trên nóc nhà có giọng nói vọng xuống: “Bẩm Thái Hậu nương nương, xung quanh không có ai hết cả”.

Đỗ Lang bây giờ mới tiến lên, ngồi xuống vị trí của ta lúc nãy, cầm đũa gắp thức ăn để vào bát của Tống Tử Hiên, quay đầu nói với chàng: “Tử Hiên nhìn cây trâm trên đầu ta xem, có đẹp không?”.

Tống Tử Hiên nói: “Thái Hậu nương nương là mẫu nghi thiên hạ, đương nhiên là cài cái gì cũng đẹp”.

Đỗ Lang dừng lại, gương mặt có vẻ không vui, rồi nhanh chóng kìm chế, tươi cười tỏ ra vui vẻ nói: “Mẫu nghi thiên hạ gì đó chỉ là người đời nói mà thôi, ta bây giờ chỉ muốn hỏi khanh, ta cài có đẹp không?”.

Gương mặt Tống Tử Hiên không chút biểu cảm nói: “Đẹp”.

Đỗ Lang bấy giờ mới miễn cưỡng chấp nhận, lại gắp thức ăn cho Tống Tử Hiên rồi nói: “Tử Hiên mau ăn đi, một lúc nữa sẽ nguội mất”.

Tống Tử Hiên nhích ra xa nói: “Thần ăn no rồi”.

Đỗ Lang cũng nhích thân thể theo, giọng nói có vẻ kỳ lạ: “Tử Hiên tối hôm nay kỳ lạ quá, có chuyện gì không vui sao? Đừng ngại nói với ta, bản cung nếu có thể làm được nhất định sẽ làm cho khanh”.

Ô, bình thường Đỗ Lang tính tình rất nóng nảy, bây giờ lại nhẫn nhịn đến thế, Nhuế Hạng quả là đã làm khó Đỗ Lang rồi.

Ta cảm thấy cảm thông với Đỗ Lang, tính tình của Tống Tử Hiên ta ít nhiều cũng biết, xem ra bình thường cũng bị đối xử lạnh nhạt nhiều đây.

Tống Tử Hiên không nói gì.

Trong phòng lại yên tĩnh.

Cuối cùng Đỗ Lang cũng nói: “Hôm nay Lăng nhi đã tới?”.

Tống Tử Hiên không nói gì, chỉ hơi gật đầu.

Đỗ Lang ngẫm nghĩ, ấp úng nói: “Chẳng lẽ Lăng nhi đã nói cái gì chọc giận khanh? Nó còn nhỏ, không biết cái gì cả, khanh đừng nổi giận với nó”.

Tống Tử Hiên nói: “Hôm nay Thánh thượng đến nhà thần ăn chút điểm tâm, uống một chén nước, sau đó van nài thần chơi đùa với ngài, vừa rồi tuy nói không muốn nhưng đã bị kéo đi rồi. Hôm nay thần cảm thấy không được khỏe, nếu Thái Hậu nương nương không có việc gì…”.

Đỗ Lang vội vã đứng lên nói: “Nếu Tử Hiên không khỏe, ta đi trước, Tử Hiên nghỉ ngơi cho tốt”.

Đỗ Lang đi rồi, Tống Tử Hiên đứng trong phòng một lúc lâu, mới thở dài một hơi.

Trong đêm khuya tĩnh lặng, dường như ta ngửi thấy từ người Tống Tử Hiên tỏa ra mùi vị của sự cô tịch.

Chú thích:

(47) Vẽ rồng thêm mắt: câu gốc là “họa long điểm tinh”, trong truyện chỉ dùng “điểm tinh”. Câu này có nghĩa là vẽ thân con rồng trước, sau đó mới vẽ hai mắt. Câu thành ngữ này thường dùng để ví với việc khi viết văn chương, phải đi sâu và làm sáng tỏ những điều then chốt nhất, khiến nội dung càng thêm sống động. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Lịch đại danh họa ký” của Trương Ngạn Viễn triều nhà Đường.

Thời Nam Bắc triều cách đây khoảng 1500 năm, có một người rất có năng khiếu vẽ rồng tên là Trương Tăng Dao. Trình độ vẽ rồng của ông đã đạt tới mức truyền thần. Tương truyền, một hôm Trương Tăng Dao vẽ bốn con rồng trắng ở trên tường chùa An Lạc ở Kim Lăng. Nhưng điều khiến người ta khó hiểu là cả bốn con rồng này đều không vẽ mắt. Mọi người cảm thấy khó hiểu thì Trương Tăng Dao trả lời rằng: “Vẽ mắt thì có khó gì, nhưng đã vẽ thêm mắt thì tôi chỉ lo những con rồng này sẽ phá tường bay lên mà thôi”. Đám người nghe vậy đều không tin, họ khẩn khoản mời Trương Tăng Dao vẽ thêm mắt để xem rồng có thật sự bay lên hay không. Trước yêu cầu của mọi người, Trương Tăng Dao đành phải cầm bút vẽ mắt cho rồng. Nhưng Trương Tăng Dao vừa mới vẽ mắt cho hai con rồng thì trời bỗng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, sau đó bỗng nghe “Ầm” một tiếng rồi bức tường nứt ra. Mọi người nhìn kỹ thì thấy hai con rồng trắng này đã vút lên bay vờn trong đám mây rồi bay thẳng lên trời. Còn hai con rồng chưa vẽ mắt kia thì vẫn nằm nguyên trên tường. Đến lúc này mọi người mới tin là thực. Đương nhiên đây chỉ là truyền thuyết mà thôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t105683-tinh-su-bi-thuong-cua-mot-nang-phuong-hoang-chuong-25.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận