Tôi Học Đại Học Chương 8

Chương 8
Nhớ cảm ơn bác lái xe nhé

Ngày Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm lễ ra trường cho sinh viên niên khóa 1966-1970 của chúng tôi, chị gái tôi thay mặt gia đình được trân trọng mời về dự. Buổi lễ vừa kết thúc, một tin vui bất ngờ đến với tôi: bác Phạm Văn Đồng hẹn sẽ gặp tôi.

Như kế hoạch, đúng 9 giờ sáng ngày 18-8-1970, bác Đồng cho xe đến đón tôi và chị gái tôi tại ký túc xá Lò Đúc. Nắng đầu thu vàng rực. Xe đưa chúng tôi tiến vào khu nhà khách Quảng Bá rợp bóng cây và gió hồ Tây mát rượi. Rác ra tận cửa xe đón rồi ôm chầm lấy tôi. Xúc động quá, chưa kịp nói gì nước mắt tôi đã ứa ra.

-   Bác giới thiệu với con đây là anh Dương, con trai bác. - Bác chỉ tay vào người thanh niên mặc quân phục dong dỏng cao, trạc tuổi như tôi đang từ trong phòng bước ra. - Còn đây là anh Nguyễn Ngọc Ký mà đã có lần ba kể Dương nghe. Giờ anh em cùng ngồi chuyện trò với nhau nha.

Qua lời tâm sự, tôi được biết Phạm Sơn Dương là con độc nhất của bác Đồng, chưa học xong cấp 3, Dương đã tình nguyện gia nhập quân ngũ. Điều làm tôi càng xúc động băn khoăn hơn là bác Đồng gái từ lâu đã lâm bệnh thần kinh mãn, chữa hoài chưa dứt.

Vừa tiếp chuyện Dương tôi vừa để ý nghe bác Đồng hỏi chuyện chị tói:

-   Quê cháu đã có máy xay xát gạo chưa?

Tôi tưởng bác hỏi thế là có ý muốn biết sự đổi mới của nông thôn quê tôi. Nào ngờ ý định của bác lại khác.

-   Dạ thưa bác có rồi ạ. - Chị tôi lễ phép đáp.

-  Thế gia đình ta có hay mang đi xay xát không?

-   Dạ có đấy ạ!

Bác Đồng cười, huơ tay nhấn giọng:

-   Lần này về cháu nhớ nói gia đình để lại một ít tự xay giã lấy để ăn cho Ký nó khỏe. Ký yếu lắm, ăn thế mới có nhiều vitamin B để chống lại bệnh tật.

Bác quay sang hỏi tôi về hướng công tác sắp tới. Sau khi nghe tôi trình bày các nguyện vọng, bác khe khẽ gật đầu:

-    Theo bác, tốt nhất cháu nên về quê dạy học, vừa sử dụng được nguồn hậu cần tại chỗ là gia đình, là quê hương làng xóm, vừa gần gũi được các cháu học trò tuổi thơ, để có vốn sống về các em. Quý nhất là từ đó cháu sẽ đạt được ước nguyện tiếp tục viết cho các em. Cùng với bản Luận văn "Bác Hồ với thiếu nhi qua thơ của Bác, của các tác giả và các em" cuốn "Những năm tháng không quên" của cháu bác đã đọc hết, cảm động lắm. Những trang viết của cháu sẽ có tác dụng rất lớn đối với thiếu nhi cả nước.

-   Nhưng thưa bác, em cháu không còn tay, làm sao viết bảng được ạ? - Chị tôi băn khoăn.

-    Bác đã nghĩ điều đó, song cái quan trọng của dạy văn là viết vào tâm hồn trẻ chứ đâu phải viết bảng. Ký cứ mạnh dạn thực hiện đi! Bác tin l à cháu sẽ dạy tốt như đã học tốt bằng cách của riêng mình.

Bác lại hỏi chị tôi:

-  Còn chuyện vợ con của Ký gia đình cháu định thế nào?

-    Dạ thưa bác, em cháu nó hoàn cảnh thế nên bố mẹ cháu cũng chưa biết tính thế nào ạ!

Bác quay sang, khe khẽ cầm cánh tay mềm oặt của tôi sờ sờ nắn nắn.

-  Thế còn ý của Ký thế nào?

-   Dạ thưa bác, với điều kiện sức khỏe của mình, cháu lo khi ra công tác làm nghĩa vụ bình thường của người cán bộ đã khó. Nếu lấy vợ, phải gánh thêm trách nhiệm làm chồng, làm cha, cháu sợ không đủ sức nên chưa dám nghĩ tới ạ!

-   Cháu nghĩ như vậy là chưa đúng đâu. Có vợ, có con cháu sẽ có thêm nguồn động viên, giúp đỡ đặc biệt không gì bằng. Thế là cháu sẽ thêm vui, thêm khỏe, càng công tác tốt hơn. Theo bác, đã đến lúc cháu nên xây dựng gia đình càng sớm càng tốt.

-   Dạ thưa bác, nhưng khó lắm ạ! Gia đình cháu lo không biết có ai dám lấy cậu em cháu. - Chị tôi cười nhìn bác có ý vừa vui vừa thật.

-    Được, nếu khó bác sẽ giúp một tay. Con gái bây giờ nhiều cô tốt lắm. Họ vẫn xung phong lấy thương binh mà!

Nói xong, bác cười thật to. Chị em tôi và Dương cùng cười theo. Căn phòng rộn lên không khí gia đình ấm cúng, xúc động. Vừa lúc đó, một cô gái khá xinh xắn từ phòng trong bê ra một khay bánh ngọt và gói quà đặt lên bàn, đỏ mặt nhìn tôi cười.

-   Nào, chị em ăn đi chứ!

Vừa nói bác vừa cầm chiếc quy xốp bé từng miếng đưa lên miệng cho tôi, rồi cầm gói quà trao cho chị tôi. Cảm động quá, nước mắt tôi lại ứa trào.

Tiễn chị em tôi ra xe, xe chuẩn bị chuyển bánh, bác còn mở cửa ghé vào tai tôi:

-   Cháu nhớ khi xuống thì cảm ơn bác lái xe nhé!

Tôi lặng đi trong nỗi xúc động khôn cầm và nước mắt lại giàn giụa.

Trên đường về, tôi cứ miên man suy nghĩ hoài về lời dặn sau cùng của bác. Bác dặn thế là có ý muốn nhắc nhở tôi luôn biết giữ lễ trong mọi mối quan hệ, nhất là với những người lao động bình thường. Bác chu toàn quá! Nhân nghĩa, nhân văn, nhân hậu đời thường quá! Những tâm hồn lớn, nhân cách lớn bao giờ cũng giản dị chân tình nồng ấm, luôn lo việc lớn nhưng không bao giờ quên việc nhỏ là vậy.

Song không chỉ có thế. Lời dặn rất đỗi con người đó còn gợi cho tôi suy nghĩ về đạo lý uống nước nhớ nguồn. Vâng! Hãy biết cám ơn người lái xe, cám ơn người cầm lái đã đưa ta tới nơi cần đến một cách trọn vẹn, an toàn.

Bây giờ là lúc tôi tạm biệt mái trường sau 16 năm đèn sách với bao "công trình kể biết mấy mươi" để vào đời, làm việc và cống hiến. Tôi hãy biết cám ơn người lái xe, cám ơn những mái trường, những thầy cô giáo kính thương, những tấm lòng cao cả muôn phương, cảm ơn cuộc đời đã chở tôi tới bến bờ vui hôm nay không chỉ bằng lời mà bằng chính những nghĩ suy, hành động tích cực, thiết thực và hiệu quả trong công việc sắp tới.

Tôi rất biết những gì mình đã trưởng thành; đã thu hái được từ những mái trường, tất cả sẽ chẳng là gì nếu tôi không khẳng định được mình trong bước đường tương lai phía trước. Đó là điều tôi trăn trở, tâm niệm khi nghĩ về lời dặn chí tình của bác Phạm Văn Đồng, nghĩ về những gian khó thác ghềnh mà mình phải đối mặt trong thời gian sắp tới để trở thành nhà giáo như gợi ý của bác với một cử nhân văn chương không còn đôi tay bình thường...

Hải Hậu, Nam Định 1970 Gò Vấp, TP.HCM 2013

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ! 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t50031-toi-hoc-dai-hoc-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận