Nếu mai phải diễn tiếp, sẽ lại thu tiền cát-sê, lại có thêm tiền chênh lệch từ bán ngô. Kể ngày nào cũng diễn như thế, Lưu Nhảy Vọt chẳng mấy mà phất. Nhưng giấc mơ của Lưu Nhảy Vọt ngay lập tức bị dập tắt. Khi Lưu Nhảy Vọt đang mải mơ mộng hão huyền, thì một chiếc Mercedes từ từ đi tới, đỗ bên lề đường.
Từ trong xe, một bà béo bước xuống. Phía bên kia, Nghiêm Khắc cũng ra khỏi xe. Lưu Nhảy Vọt hiểu, chiêng trống đã nổi, kịch đã mở màn. Vợ Nghiêm Khắc béo thì béo thật, nhưng trông là biết ngay, hồi trẻ cô ta không hề béo. Bây giờ, dáng người, khuôn mặt đã thay đổi, nhưng vẫn còn mặn mà lắm. Tay trái cô ta dắt một con chó, tay phải cầm một tờ báo. Chính tờ báo đăng ảnh nữ ngôi sao ca nhạc và Nghiêm Khắc mà Lưu Nhảy Vọt đã nhìn thấy. Lưu Nhảy Vọt lên giây cót tinh thần: chuẩn bị lên sân khấu.
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài.Lưu Chấn Vân
Cù Lợi bay từ Thượng Hải về Bắc Kinh lúc bốn giờ chiều. Lẽ ra về lúc hai giờ, nhưng vì Thượng Hải có mưa rào kèm theo sấm chớp, nên chuyến bay bị lùi lại hai tiếng đồng hồ. Cù Lợi đến Thượng Hải thăm mẹ đẻ. Vốn dĩ, quan hệ giữa cô và nhà mẹ đẻ không được thuận hòa cho lắm. Hồi nhỏ, Cù Lợi hợp với bố, chứ mẹ thì không.
Bà ta tính khí cục cằn, hơi một tí là đánh Cù Lợi. Cù Lợi có một đứa em gái, nhưng bà mẹ với cô ta lại khác hẳn.
Có mắng chửi, nhưng chưa bao giờ ra roi. Thế mới biết, tức khí cũng tùy với từng người. Trong nhà chia làm hai phe: phe bố và phe mẹ. Nhưng phe bố yếu thế. Trong nhà, phe mẹ mặc sức thao túng. Người Thượng Hải thường rất quyến luyến gia đình. Thế nhưng, khi thi đại học, Cù Lợi quyết định thi tận Bắc Kinh, chính là vì muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của bà mẹ. Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau được hai năm thì bố Cù Lợi mất. Kể từ đó, Cù Lợi không trở lại Thượng Hải nữa. Có về, cũng không rẽ qua nhà mẹ đẻ. Nhưng gần một năm trở lại đây, Cù Lợi bắt đầu năng về thăm mẹ, có khi một tháng một lần. Ngay cả Nghiêm Khắc cũng không hiểu sự thay đổi này bắt nguồn từ đâu. Do Cù Lợi đã thay đổi, hay mẹ cô ta đã thay đổi. Nhưng cho dù là ai, Nghiêm Khắc cũng không phản đối sự thay đổi này.
Chỉ cần Cù Lợi đi khỏi, là cả Bắc Kinh trở thành cõi riêng của Nghiêm Khắc. Gã có thể yên tâm hẹn hò với cô ca sĩ sao và những cô gái khác. Nhưng Nghiêm Khắc không biết rằng, Cù Lợi về Thượng Hải không phải là để thăm mẹ, mà là để khám bác sĩ tâm lý. Cù Lợi cho rằng, mình mắc bệnh trầm cảm nặng, nhưng giấu không nói với Nghiêm Khắc. Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau đã 12 năm. Năm năm đầu, cuộc sống nghèo khó, hai vợ chồng thường xuyên khục khặc nhau. Hồi ấy, Cù Lợi còn dịu dàng. Chuyện khục khặc vợ chồng của những người dịu dàng đều diễn ra dưới hình thức chiến tranh lạnh. Năm năm sau, cuộc sống giàu lên, Cù Lợi bắt đầu phốp pháp, thì mỗi khi khục khặc, hai vợ chồng lại bắt đầu lớn tiếng cãi cọ. Ỏm tỏi năm năm, lại thôi. Quay về với chiến tranh lạnh. Trong thời gian chiến tranh lạnh, Cù Lợi đột nhiên phát hiện mình có bệnh. Bệnh không ở cơ thể, mà ở tâm, lúc nào cũng như bồn chồn, lo lắng một điều gì đó. Vừa lo Nghiêm Khắc thay lòng đổi dạ. Hôm nào, trước khi đi ngủ, Cù Lợi cũng lén vào nhà vệ sinh kiểm tra quần lót của đức ông chồng.
Vừa lo cho bản thân. Lại như không phải lo lắng cho hai người, mà lo lắng cho cả thế giới. Xung quanh hễ có sự thay đổi, cho dù là chuyện tay đóng giày trước cửa nhà thôi không làm nữa, hay lãnh đạo nhà nước thay đổi nhân sự, toàn những chuyện chẳng hề liên can tới mình, nhưng cô ta vẫn cứ cảm thấy như thế giới này loạn rồi, tất tật mọi thứ đều bất ổn. Rõ là bệnh trầm cảm. Người khác khi bị trầm cảm, thường không ngủ được, cơ thể tiều tụy, gầy gò, ốm yếu, nhưng Cù Lợi thì ngược lại. Ngày nào cũng cảm thấy thiếu ngủ, càng ăn, càng béo. Hễ có chuyện buồn bực là ăn bánh hamburger. Ăn đến đẫy bụng, phát mệt. Khi ấy, tự khắc lăn ra ngủ.
Thế là cô ta đi khám bác sĩ tâm lý. Bắc Kinh cũng có bác sĩ tâm lý. Nhưng người Thượng Hải tính nhỏ mọn, nhiều người bị trầm cảm hơn, nên bác sĩ tâm lý ở Thượng Hải giỏi hơn Bắc Kinh. Cù Lợi còn nghĩ, bệnh trầm cảm bây giờ mới bị, nhưng biết đâu cũng có liên quan đến thời thơ ấu, đến mẹ.
Chữa bệnh ở Thượng Hải, còn có thêm yếu tố "địa lợi". Thế là, cô ta đều đặn một tháng một lần bay xuống Thượng Hải khám bác sĩ tâm lý. Những người khác sau khi khám bác sĩ đều giải tỏa được tâm lý. Nhưng Cù Lợi càng khám, càng thấy tâm lý nặng nề hơn. Bác sĩ tâm lý khám cho Cù Lợi là đàn ông, người Phụng Hóa, Chiết Giang, cùng quê với Tưởng Giới Thạch. Hơn 30 tuổi, cũng nói tiếng quan thoại Chiết Giang. Nhưng anh ta không có râu, kiểu tóc và sự chuyển động của ngón tay trông như người đồng tính. Nhưng khả năng đoán biết tâm lý của người khác thì thật đáng nể. Từng vụ việc, sự kiện, từ ngoài vào trong, từ nông đến sâu, thông qua hiện tượng để nhận biết bản chất, nói năng cứ gọi là đâu ra đấy. Nhưng ban đầu, anh ta cũng không nói trúng ngay, chỉ vòng vo tam quốc. Cho đến nửa năm sau, khi hỏi ra Cù Lợi và Nghiêm Khắc lấy nhau đã 12 năm, 3 lần sảy thai, không giữ được người con nào, thì mọi thứ mới sáng tỏ.
Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!