Tương Lai Xán Lạn Chương 28

Chương 28
2006 Ngày mai, camille

Không cần phải đợi nữa. Ba giờ rồi. Nó sẽ không gọi nữa đâu. Vào đúng ngày này năm ngoái, bà đã ăn tối ở nhà họ; năm kia nữa cũng vậy. Năm nay, Alexandru vì quá bận nên đã không nhớ chính xác ngày này, chỉ có vậy thôi. Chẳng có gì cả. Chắc chắn là nó không quên ngày này. Làm sao có thể quên cơ chứ? Chỉ là nó quá bận bịu. Thậm chí bà đã không gặp nó vào chiều chủ nhật khi đưa Camille về. "Alex đang ở cơ quan", Marie nói với bà. Nhưng nó yêu công việc của mình và đang nắm giữ một chức vụ tốt: đó mới là điều quan trọng. Và cuối cùng thì nó cũng đã dọn tới ở một căn hộ mà Marie và nó có phòng riêng, sau sáu năm ngủ trên ghế trường kỉ để dành căn phòng duy nhất cho Camille. Mỗi lần Helen tới thăm,


bà không thể không nghĩ rằng họ đã rời Rumani khi ở đó chẳng ai có phòng riêng, để tới Mỹ, nơi con trai bà còn chẳng có giường ngủ.

Helen dụi tắt thuốc lá, không rõ điếu thứ bao nhiêu, rời khỏi sân, vào phòng tắm để gắn hàm răng giả, cởi áo phông đang mặc để thay một chiếc khác đẹp hơn, và xỏ vào chân đôi dép xăng đan đi bộ. Khi bà lấy túi xách tay, bức vẽ của Camille bên cạnh máy vi tính đập vào mắt bà - bức vẽ đứa trẻ màu hạt dẻ với cái đầu to đùng đặt trên quả tim màu cầu vồng. Bà rùng mình. Bà ra khỏi nhà và khóa cửa.

- Chào Helen. Bà có khỏe không?

Bà quay lại. Bà không nghe thấy tiếng người hàng xóm ra khỏi nhà. Ruth cầm trong tay một cái túi rác. Bà ta vẫn còn cái băng dày trên đầu. Bác sĩ phẫu thuật chắc hẳn đã phải cạo mớ tóc trắng xoăn trên đỉnh đầu của bà cho ca mổ cách đây ba tuần. Nhưng ngay cả với cái đầu băng bó và đôi giày đi trong nhà, bà trông vẫn thật nền nã và tinh tế. Bà làm Helen nghĩ tới bà Weinberg.

- Tôi khỏe, cảm ơn. Còn bà, Ruth?

- Đỡ hơn. Có lẽ là tôi sắp sửa ra đường được rồi. Bà đi
đâu vậy?

- Tôi tới Met. Xem triễn lãm Vollard.

- May mắn thật! Bà có thể qua nhà tôi lát nữa để kể cho tôi nghe được không? Tôi nghe nói là hay lắm.

- Chắc chắn rồi. Bà có cần gì không, Ruth?

- Bà thật tốt quá. Nhưng Martha sẽ tới chiều nay, cảm ơn.

Thang máy bên phải mở ra cùng một tiếng chuông báo hiệu nó đã lên tới nơi. Helen bước vào, trong khi người hàng xóm đi về nơi đổ rác ở giữa hành lang trải thảm màu hồng đậm. Thang máy lặng lẽ trượt xuống hai mươi chín tầng. Helen đã cảm thấy khá hơn. Ruth đúng là một người phụ nữ duyên dáng. Bà đã từng là nhạc sĩ, từng chơi đàn violon. Bà tới tòa nhà khi ông bác sĩ người Rumani đi viện dưỡng lão sau cái chết của vợ ông cách đây năm năm. Ruth cũng góa chồng. Bà đã bảy mươi chín tuổi và không sợ gì cả, kể cả sự cô đơn lẫn những từ ngữ khủng khiếp như: "u não". Bà là một nguồn cảm hứng cho Helen.

Khi đã tới tầng trệt, Helen chào người gác cổng đang ngồi sau chiếc quầy làm bằng đá hoa và đẩy cửa kính ra ngoài. Không khí nóng nực nhưng một làn gió nhẹ khiến cho mặt bà dịu lại. Bà hài lòng vì đã ép mình ra khỏi nhà. Bà dĩ nhiên là mệt, sau một đêm ngồi hút thuốc ngoài sân. Không thể nào quay vào phòng đêm qua, ngay cả khi với giường và đệm khác - bà đã đổi chúng cách đây ba năm. Ngày này làm thức tỉnh những bóng ma. Cuối cùng thì bà đã thiếp đi trên ghế nhựa khi trời gần sáng. Cơ thể bà nhức mỏi khắp mọi chỗ.

Bà rảo bước băng qua Broadway, Amsterdam và Columbus, và bước vào Central Park, thoát khỏi những chiếc ô tô và tiếng ồn ào của thành phố. Bà đã vắt chéo t i xách qua vai dưới áo vét để không bị giật mất, ngay cả khi người qua lại rất đông trên con đường rộng rãi ở phố Số 72 khiến cho nguy cơ bị giật túi là gần như hãn hữu. Biết đâu đấy. Cách đây vài tháng, giữa ban ngày, ở Central Park, một người lang thang đã tóm lấy một đứa trẻ hai tuổi đang đi cạnh xe đẩy và gí súng vào thái dương nó. Bà mẹ đã đưa hết tất cả những thứ giá trị trên người và cầu xin ông ta đừng bắn. Người đàn ông đã không bắn. Sau khi nghe được tin này trên kênh thời sự, Helen đã gọi ngay cho Marie và bảo cô đừng đưa Camille tới Central Park một mình. Bà đã cảm nhận được sự khó chịu của con dâu mình.

Lúc đến trước cầu thang đá dẫn xuống hồ có những chiếc thuyền đang lướt đi, bà thoáng thấy một cô dâu người Trung Quốc đang chụp ảnh trước đài phun nước dưới các bậc thang. Bà rẽ trái sau bể đá và lần theo con đường song song với đại lộ Số 5. Ngay trước lúc tới tòa nhà bằng đá màu trắng và bằng thủy tinh của Metropolitan, bà đã dừng lại tại quầy hàng của một người Marốc. Omar vừa thấy bà đã vội vàng lấy một chai Pepsi Light từ tủ đá ra và đưa tới cho bà mà không cần đợi bà hỏi. Bà cười và đưa cho anh số tiền chính xác. Rồi bà châm một điếu thuốc và tựa mình vào một gốc cây giữa những người bán tranh rẻ tiền, những tấm ảnh nhà cao tầng của Manhattan với tòa tháp đôi vào lúc mặt trời lặn và những quà lưu niệm khác của New York.

Bà thấy mình, dưới bóng mát của gốc cây này, hút thuốc và uống Pepsi vào một ngày mùa thu đẹp trời trước khi vào Metropolitan để chiêm ngưỡng những tác phẩm của các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng. Đó cũng chính là những họa sĩ ưa thích của bà. Mặc dù không tin vào Chúa, cũng chẳng tin vào sự tồn tại của linh hồn sau cái chết, bà vẫn chắc chắn rằng ông đang nhìn thấy bà, từ tít trên cao, và tự hào về bà. Bà đã có quá nhiều nỗi sợ! Chính vì thế bà đã quá cứng rắn với ông. Bây giờ thì bà đã hiểu ông hơn. Bà đã hiểu sức mạnh của sự sợ hãi. Sau cơn đau tim đầu tiên của ông vào năm 1989, hẳn rằng ông đã rất sợ chết.

Sáng mai, bà sẽ tới Fairway mua một miếng cá cho cháu, cá hồi hoặc cá sói. Tối mai, Camille sẽ ngủ nhà bà, như mọi ngày thứ bảy. Hai bà cháu sẽ nấu cháo gà, sẽ tổ chức một bữa tiệc mà khách mời là những con thú nhồi bông, sẽ cắt báo để làm thành những hình dán thú vị, sẽ xem Little Einstein trên vô tuyến, sẽ chơi máy vi tính, và sáng chủ nhật họ sẽ thưởng thức bánh kếp với sirô nhựa cây phong - mọi cái mà Camille không được làm ở nhà cha mẹ. Nếu chính Alexandru đưa con gái đến vào chiều thứ bảy như trước kia thì có phải hay không. Họ sẽ có thời gian để nói chuyện. Bà còn có thể cho anh xem bức vẽ của Camille và cùng nhau ngạc nhiên về sự nhạy cảm đặc biệt của nó. Nhưng anh chắc sẽ lại phải ở cơ quan cả ngày. Nên Marie sẽ là người đưa con gái tới, và rồi cô sẽ lại đi ngay, vội vã như thường lệ. Chủ nhật, Helen còn chưa kịp nói với Marie về bức vẽ, Marie đã chen ngang lời bà:

- Camille đã chơi violon chưa, mẹ?

- Chưa. Nó bị mệt.

- Nó phải chơi violon hàng ngày! Điều này rất quan trọng.

Camille cụp mắt xuống. Helen không trả lời. Mới bảy tuổi mà con bé có thời gian biểu như một bộ trưởng. Nó còn không có thời gian mơ mộng và chơi bời. Mặc kệ nếu Marie tức giận. Helen sẽ không bao giờ ép cháu bà làm gì hết. Trách nhiệm của bà là bảo vệ và chiều chuộng nó. Đó là vai trò của một người bà. Camille sẽ không bao giờ được chiều quá mức. Nó là một đứa trẻ quá hiền lành, dễ thương và ngoan ngoãn! Và vui tươi nữa. Họ đã có những trận cười vỡ bụng! Từ khi Helen nghe thấy vô tuyến nói rằng nụ cười rất tốt cho sức khỏe và thậm chí còn tăng thêm tuổi thọ, bà đã tìm mọi cách để làm cho cháu mình cười. Hôm nọ, Camille đã nói với bà rằng nó đã đọc được một quyển sách về mặt trăng. "Trên mặt trăng à, cháu yêu? Làm thế nào mà cháu có thể lên đó vậy?" Camille bối rối nhíu mày, rồi phì cười: "Không phải trên mặt trăng, Nounoush, bà ngốc quá! Mà về mặt trăng!"(1) Khi nó cười, gương mặt rạng rỡ của nó làm Helen ấm lòng. Nó đã được thừa hưởng từ cha nó gò má cao, cặp lông mi dài và đôi môi cân đối, từ mẹ nó đôi mắt xanh và mái tóc màu sáng. Một khuôn mặt hoàn hảo. Chỉ nhớ tới nụ cười của con bé cũng đủ làm Helen mỉm cười.

Bà ném mẩu thuốc lá xuống đường và lấy gót chân nghiền nát, rồi vứt vỏ hộp vào sọt rác trước khi bước lên cầu thang lớn và đi vào đại sảnh lát đá cẩm thạch với những cây cột đối xứng nhau và những quầy vé màu vàng. Bà đi thẳng tới phòng dành riêng cho hội viên và xuất trình thẻ. Bà già ngồi ở bàn đưa cho bà một cái thẻ màu xanh mà Helen ghim ngay vào ve áo rồi tiến về phía lối đi giữa hai cửa bán vé. Người bảo vệ, một người da đen cao ráo, cười với bà. Bà chào anh ta.

Bà chậm rãi lê bước lên cầu thang. Bà thấy mỏi gối sau khi lên hết những bậc cầu thang. Khi đã ở trên cao và nhìn thấy tấm biển vàng với chân dung một người đàn ông râu ria mặc áo vét bằng nhung màu hạt dẻ, bà sực nhớ đến bức vẽ của Camille hôm chủ nhật. Trên bức vẽ có cả gia đình: cha, mẹ, Camille, Nounoush, và ở góc bên trái, bên trên một quả tim màu cầu vồng, là một em bé mặc quần áo ngủ màu hạt dẻ với một cái đầu to đùng và thân người bé xíu.

- Đó là Agathe à? Helen hỏi, đinh ninh đó là người em họ mới đẻ vào tháng trước tại Paris, mà Camille đã gặp cuối hè trước khi quay về Mỹ.

- Không. Là Đađa, ông cháu, Camille thản nhiên đáp, mắt không rời bức vẽ.

Những từ ấy đánh trúng vào Helen như một cú đấm vào bụng bà. Camille đã không nhắc đến ông từ hai năm nay. Cứ như là linh tính mách bảo qua nỗi buồn của bà nó, nó biết ngày ấy sắp đến.

"Đẹp lắm", Helen gắng gượng nói trước khi ra ngoài sân hút một điếu thuốc, quá xúc động bởi bức vẽ của cháu mình và bởi ý nghĩ rằng vết thương trong lòng bà sẽ không bao giờ lành. Con bé lúc đó mới lên bốn, thế mà c ó người bảo trẻ con không có trí nhớ trước năm tuổi.

Bà vội rảo bước trong hành lang và rẽ trái, rồi rẽ phải, theo hướng những mũi tên. Bà sẽ không để nỗi buồn quật ngã. Không phải ở đây, nơi nhờ vẻ đẹp và sự tôn nghiêm mà bà có thể tự quên được bản thân. Bà đi tới cửa vào triễn lãm. "Từ Cézanne tới Picasso. Ambroise Vollard, nhà bảo trợ nghệ thuật hàng đầu." Người đã tới đông. Cuối tuần này sẽ đông nghịt. Bà đến gần tấm biển treo trên tường và lấy từ túi ra cặp kính: "Ambroise Vollard (1866-1939) không còn nghi ngờ gì nữa, là doanh nhân nghệ thuật Paris có ảnh hưởng lớn nhất ở bước ngoặt của thế kỷ 20. Triển lãm của ông về những tác phẩm của Cézanne vào năm 1895..."

Triển lãm tranh bao gồm toàn bộ những họa sĩ bà ưa thích. Bà thốt lên khi bước vào một căn phòng toàn tranh Van Gogh, mà trong số đó có một số bức bà chưa từng xem. Bà ngạc nhiên khi biết rằng tác phẩm của Van Gogh chẳng hề thu hút một sự chú ý nào trong cuộc đời ông. Vollard đã tổ chức hai buổi triễn lãm ngay sau cái chết của ông, và rốt cục đã thất bại cả trong phê bình lẫn trong buôn bán. Sau khi chỉ bán được chín bức tranh với giá mỗi bức là bảy mươi francs, ông đã bỏ cuộc. Helen tròn mắt. Bảy mươi francs? Bà tiếc vì đã không ở Paris vào năm 1895 để sắm cho mình một bức. Nghiêng mình về phía trước, bà quan sát kỹ những bông hoa hướng dương màu vàng đa sắc và rực rỡ, với đường cọ mạnh mẽ và nét vẽ tinh tế - lại gần, có thể thấy hàng chục nét vẽ nhỏ giao nhau ở chính giữa bông hoa - mà cái đẹp hiển nhiên luôn xoa dịu cái gì đó trong bà.

Khi bà đứng thẳng người lại, hai bà già mặc bộ trang phục Chanel lịch lãm với nếp gấp hoàn hảo nhìn bà một cách lạ lùng. Phải chăng bà đã tiến đến quá sát bức tranh? Mặt họ biểu lộ sự không đồng tình rõ rệt. Vừa rảo bước sang phía bên kia phòng, Helen vừa đồng thời nhận ra chuông điện thoại di động của bà reo. Con trai bà đã đưa cho bà cách đây hai tuần chiếc máy, hiện đã kêu cả thảy là ba lần. Bà vật lộn với cái khóa phéc-mơ-tuya của chiếc túi. Những ngón tay càng ngày càng kém nhanh nhẹn của bà khổ sở xác định vị trí của chiếc máy nhỏ ở đáy túi, lấy nó ra và ấn vào cái nút nhỏ xíu. Rất nhiều người cau mày quay lại nhìn bà. Bà đã nghĩ tới lúc một người bảo vệ sẽ làm bẽ mặt bà khi đề nghị bà tắt điện thoại hoặc rời bảo tàng ngay trước mặt mọi người. Bà rảo bước về phía lối ra và đưa máy điện thoai lên tai.

- A lô?

Không phải Alexandru như bà đã hi vọng, mà là Marie. Khi con dâu bà gọi điện vào ban ngày, thường là cần bà giúp trông Camille đột xuất.

- Chào mẹ, Helen. Mẹ có khỏe không?

- Mẹ khỏe, cảm ơn. Mẹ đang ở Metropolitan. Mẹ không nói chuyện được.

- Chỉ một phút thôi có được không?

- Ừ...

Từ xa, bà nhìn thấy một ông bảo vệ quay đầu về phía bà. B lùi lại và nấp sau một cái cột. Mỗi lần nói chuyện điện thoại với Marie, bà luôn thấy căng thẳng. Bàn tay nhớp nháp mồ hồi của bà ghì chặt lấy cái máy nhỏ.

- Camille không ốm chứ? Bà bất chợt hỏi.

 

- Không. Cháu đang ở trường, cháu rất khỏe. Mẹ có muốn tới ăn tối nay không, Helen?

Câu hỏi làm bà ngạc nhiên.

- Không cần đâu, Marie, - bà nói với một giọng cảm kích. Mẹ không muốn làm phiền các con.

- Mẹ không hề làm phiền chút nào. Alex muốn chúng ta ăn cùng nhau tối nay. Bảy giờ được không ạ?

Helen nuốt nước bọt một cách khó khăn.

- Ừ, bà thì thầm. Cảm ơn.

Bà dập máy và nhắm mắt trong một vài giây. Khi bà mở mắt ra, người bảo vệ gần như đã ở trước mặt bà. Một người đàn ông khoảng sáu chục tuổi, cao, đôi môi mỏng, nhíu mày với vẻ đáng sợ. Cây cột đằng sau chặn bà lại. Vào lúc ông ta vừa nói những từ trách móc đầu tiên: "Thưa bà, bà..." bà đã nhảy lên, như một con quỷ vọt lên từ cái hộp(1) và xô đẩy ông ta. Ông ta há hốc mồm, trố mắt. Bà chạy về phía lối ra. Những giọt nước mắt lăn dài trên má bà. Bà cần một điếu thuốc. Trong lúc đế dép bà nện thình thịch xuống sàn hành lang, bà nghe thấy một giọng nho nhỏ trong trẻo nói với bà: "Bà đã hứa không hút thuốc nữa cơ mà, Nounoush". - "Phải rồi, cháu yêu, nhưng cháu biết đấy bà đã già rồi, đối với bà chẳng còn quan trọng nữa." - "Không. Nếu bà không hút thuốc nữa, bà sẽ sống được lâu hơn một chút."

 


1. Sur la lune: sur có nghĩa là trên hoặc về; la lune là mặt trăng. Ở đây cháu nói về, bà trêu cháu nên cố tình hiểu là trên (ND).

1. Hộp đồ chơi: Có anh hề hoặc con quỷ ở trong; khi nắp tự động bật mở, anh hề hoặc con quỷ liền vọt lên làm ta giật mình (ND).

The end!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t88970-tuong-lai-xan-lan-chuong-28.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận