Tôn Quang Hiến thời Ngũ đại, trong tác phẩm Bắc mộng tỏa ngôn có viết: “Phàm những người chết do hổ vồ, đắm nước thì được gọi là “trành”, cần phải tìm người thế mạng, tưởng chừng đó chỉ là chuyện phiếm nhưng thực ra lại có thật”. Từ quan điểm của Tôn Quang Hiến có thể thấy “trành” có hai loại: một loại chết do hổ vồ được gọi là “hổ trành”, một loại khác chết vì đắm nước gọi là “giang trành”. Loại thứ hai sau này còn được gọi với tên khác như “yêm tử quỷ”[2] hoặc “nịch tử quỷ”[3], hay như ở vùng Giang Nam còn có một cách gọi khác là ma sông quỷ rước… Chính vì vậy, người dân nơi đây thường treo thờ chữ “伥”(trành), có lẽ vì “giang trành” và “hổ trành” đều giống nhau ở một điểm là phải “cầu thế thân”, tức là người thế mạng mới có thể mong được siêu thoát, đầu thai sang kiếp khác. Nhưng những hồn ma phải “cầu thế thân” không chỉ có hai loại nêu trên, mà còn có cả “dật tử quỷ”, “thực độc khuẩn quỷ” (bao gồm cả “trụy nhai quỷ”, “nghiêm nan quỷ” và còn một số loại khác tương tự nhưng không được gọi là “trành” mà chúng tôi không tiện nhắc tới ở đây). Đến thời đại nhà Thanh, lại có thêm một loại khác được gọi là “ngân trành”. Viên Mai trong Viết tiếp Tử bất ngữ, quyển bốn, có nhắc đến những kẻ trộm cắp vàng bạc, châu báu thường bị giày vò suốt đời, nên phải cầu đến cái chết để mong được giải thoát và phải đứng trước một sự lựa chọn: “nếu khi chết chấp nhận canh giữ hầm chứa vàng bạc thì sẽ không bị giày vò thêm nữa”, và dĩ nhiên phải bằng lòng, chấp thuận. Kể từ đó, những kẻ trộm cắp buộc phải tìm người thế thân, nếu như sau đó có người phát hiện ra hầm bạc, ngửi thấy có mùi hôi thối kỳ lạ đến nỗi không thể đến gần, không thể tìm ra nguyên nhân, đó chính là đã gặp được “ngân trành”, lúc ấy chỉ cần làm công đức siêu độ, hồn ma kia lập tức sẽ được đầu thai sang kiếp khác, và mùi hôi thối kỳ lạ cũng tự biến mất. Nhưng trường hợp không ai phát hiện ra hầm bạc, thì lúc đó linh hồn của “ngân trành” sẽ mãi mãi bị giam cầm mà không thể siêu thoát được. Như vậy, những hồn ma có thêm chữ “trành” mặc dù không nhất thiết phải tìm người thế thân, những xem ra để giải thoát vẫn phải dựa vào một điều khó khăn tương tự như vậy.
[1] Có nghĩa là: xót thương cho những kiếp ma quỷ lông bông chẳng tìm thấy đường về.
[2] Tức là: ma chết đuối.
[3] Tức là: ma chết chìm.
Chữ “trành” trong sách cổ thường được dùng theo cách hiểu “trành trành nhiên”[4]. Tư Mã Ôn Công trong Thích thiện kệ giải thích “chữ “trành” theo quan điểm của các học giả mang ý nghĩa chỉ sự ngông cuồng mê muội”. Chữ “伥” (trành) hay còn được viết là “怅” (trướng)[5] chỉ sự tăm tối, mù mịt không biết gì, cũng không để tâm vào việc gì. Nhưng tại sao chữ “trành” lại dùng để chỉ một cái gì đó gắn liền với những hồn ma, quỷ quái? Điều này đến nay vẫn chưa có ai giải thích rõ, chỉ thấy Trần Thiệu, một tác giả thời nhà Đường viết trong Thông u ký:
Đường Kiến năm thứ hai, ở Giang Hoài nổi lên một tin đồn có quỷ dữ từ Hồ Nam đến. Loài ma quỷ này có người gọi là “mao quỷ”, lại có người viết là “mao nhân”, hoặc gọi là “trành”. Nói chung nó có rất nhiều tên gọi khác nhau. Nó có khả năng biến hóa khôn lường. Người ta nói rằng loài quỷ này “hảo thực nhân tâm”, thích moi tim uống mật của những đứa trẻ dù gái hay trai. Thực sự là độc ác vô cùng.
[4] Tức là: một sự liều lĩnh thiếu thận trọng.
[5] “Trướng” có nghĩa là buồn phiền.
“枨” nay đọc là “cheng”, gần âm với từ “伥” (đọc là “chang”), không biết là do sai chữ hay là một sự biến âm, nhưng có thể giữa chúng có mối liên hệ nào đó với nhau. “Mao quỷ” được nhắc tới trên đây chính là để chỉ trên cơ thể có lớp lông mao kỳ lạ, còn gọi là “mao trùng” (sâu róm). “Ngoa ngôn”[6] (讹言) nói không rõ nghĩa, chúng tôi quả thực cũng đoán không ra, nhưng chữ “枨” thì có lẽ có nguồn gốc “du nhập” từ Hồ Nam đến, tìm trong vốn từ ngữ cổ của địa phương cũng không thấy có. Điều này cho thấy không thể căn cứ vào ý nghĩa hiện hữu trên mặt chữ để truy cứu mà tìm ra lớp nghĩa thực sự ẩn chứa sau lớp ngôn từ khó hiểu đó. Bỏ đi một số từ ngữ này thì ý nghĩa của từ “伥” cũng vẫn không rõ ràng, minh bạch, vì vậy đành phải gác lại, chờ cơ hội để thỉnh giáo cao minh. Còn hai chữ “giang trành” đã có dịp nói đến trong phần “Những thứ ở trong nước” trên đây, chữ “trành” trong “hổ trành” cũng có ý nghĩa tương tự như vậy.
[6] Ngoa ngôn: tin đồn, tin vịt.
Chu Tác Nhân tiên sinh đã từng nói “Trong các câu chuyện ma quái Trung Quốc, “cương thi” dĩ nhiên được coi là hung tàn và độc ác nhất, còn “hổ trành” vẫn được xem là thảm thương và ảm đạm nhất”. Hai chữ “ảm đạm” dùng để nói đến “hổ trành” quả thực là sinh động như thật vậy. Mặc dù chưa một lần được chứng kiến, nhưng qua cách nói hình tượng này cũng giúp chúng ta thấ y như hiện ra trước mắt một cõi lòng, một dáng vẻ, một thần thái âm u, mịt mờ, tăm tối…
“Vi hổ tác trành” đã trở thành một câu thành ngữ chỉ hành động “nối giáo cho giặc”, đồng nghĩa với “trợ kiệt vi ngược”, nhưng xem xét kỹ lưỡng sẽ thấy, hai cách nói này vẫn có những điểm khác biệt nhất định. Điểm khác biệt nằm ở chỗ “vi hổ tác trành”, hiểu theo nghĩa rộng có thể thấy trong đó còn thể hiện một sự ép buộc, nô dịch, và hơn hết, chữ “伥” (trành) ở đây thể hiện một cái gì đó rất oán hận, căm ghét, thậm chí còn thể hiện một chút bi ai, thương xót. Để biểu đạt được ý nghĩa này, trên đề mục chương truyện, người viết đã mạnh dạn dẫn ra một chữ “ai” (哀), nhưng không biết liệu người đọc có gật đầu chấp thuận hay không?
Cách gọi “hổ trành” xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Đường, nhưng những hồn ma được coi là “vi hổ tác trành” thì phải tới thời kỳ Đông Tấn mới có. Lưu Kính Thúc, sống vào thời Lưu Tống, trong tác phẩm Dị oán của mình đã nêu ra hai câu chuyện, một câu chuyện thú vị xảy ra ở Hồ Nam được tác giả giới thiệu trong quyển ba, chuyện kể rằng:
Ngu Đức người Long Dương, Võ Lăng, một lần ngao du tới Ích Dương, trọ tại nhà Hạ Man. Ngô Đức nhìn thấy trong nhà Hạ Man có một tờ giấy rộng chừng một thước, vẽ hình đầu người con gái Hạ Man, bèn lấy xuống xem. Một lúc sau, một con hổ chạy đến cổng nhà rồi lại chạy đi. Rồi lại thấy bà cụ Hà mang tờ giấy có hình đầu người con gái đặt về chỗ cũ, Ngô Đức lại lấy nó xuống, hai người cứ một người lấy xuống một người cất lên nhiều lần. Cuối cùng, Ngô Đức nói chuyện đó với Hạ Man, hai người mỗi người cầm một cây gậy đứng canh trước cổng. Một lúc sau con hổ quay lại, hai người cùng xông vào đánh hổ. Cuối cùng con hổ bị đánh chết.
Rõ ràng Ngu Đức là một người có khả năng đặc biệt. Ông ta có thể nhìn thấy những hồn ma mà người khác không thể thấy được. Bà cụ Hà và tờ giấy treo trên tường bình thường chỉ có lão hổ mới có khả năng nhìn thấy. Nhân vật bà cụ Hà được nói tới ở đây có thể khẳng định chính là hiện thân của “hổ trành”, những hành động được coi là “nối giáo cho giặc” của bà ta chính là chỉ điểm cho lão hổ đến sát hại những người khác, mà cách thức chỉ điểm cũng rất giống với cách thức mua bán, trao đổi hàng hóa ngoài chợ, những thương nhân thường giải quyết mọi việc trên giấy tờ, chính là dán những lời nhắn quan trọng, cần lưu ý, được coi là đã nhận mua. Ích Dương, một vùng sông nước, người dân thường tụ họp phía tây dòng sông Tương để lấy gỗ, ngay cả những hành động của hổ quỷ ở nơi đây cũng giống như những nhà buôn gỗ. Những biểu hiện của “trành quỷ” với tư cách là kẻ trung gian buôn bán, giao dịch sau này không phải hoàn toàn mất dấu tích, chỉ là có sự biến đổi về mặt hình thức mà thôi, ví dụ như lấy tờ giấy đậy trên đầu khi ngủ[7], hay dùng tờ giấy trắng phủ lên mặt người[8],v.v… Vì vậy, có thể nghĩ tới một giả định xung quanh những câu chuyện hổ quỷ bao giờ cũng có chung một nguồn gốc nào đó, nguồn gốc đó có lẽ đều xuất phát từ những vùng dân tộc thiểu số ở xung quanh khu vực sông Tương. (Chữ “枨” trong Tự Hổ Nam lai[9] được nói tới trong Thông u ký không biết có thể được coi là một bằng chứng chứng minh cho giả thiết trên hay không?) Tuy nhiên, những điều mà “trành quỷ” ám chỉ đã có không ít những tư tưởng bảo thủ bác bỏ, có thể thấy rõ điều này qua đoạn viết về “hổ trành” ở Triết Giang trong cuốn sáu:
Thời nhà Tấn, có một Mãnh phụ một lần lên rừng nhặt củi chẳng may bị hổ sát hại. Một năm sau, từ trong đám cỏ ngải đột nhiên có một người phụ nữ hiện lên nói: “Công từ hôm nay đi, ắt gặp phải sự chẳng lành. Nhưng tôi sẽ tìm cách giải trừ cho. “Sau đó, từ phía trước, một bầy hổ xuất hiện, nhảy nhót tiến về phía Mãnh phụ, có vẻ giống như đang che chở, bảo vệ cho chủ tướng của mình. Một lát sau, bỗng có một người từ bông hoa sen bước ra, bầy hổ được lệnh tấn công, Mãnh phụ chỉ tay thu lệnh về, bầy hổ đột nhiên thu mình quay trở lại.
[7] Theo Nguyên hóa ký, mục Liễu tịnh.
[8] Theo Di kiên bính chí, quyển ba, Hoàng hoa trành quỷ.
[9] Tự Hồ Nam lai: có nghãi là đến từ Hồ Nam.
Ở đây có một vấn đề, đó là bầy hổ có chủ đích ăn thịt người từ trước hay do trành quỷ đưa lối chỉ đường? Rất rõ ràng, người chồng của vị trành quỷ này ban đầu vốn là bữa điểm tâm ngon lành cho lũ hổ, nếu không thì không cần lãng phí những rắc rối không cần thiết, chỉ cần thả cho anh ta trở về là có thể giải quyết được vấn đề rồi. Hay người phụ nữ Hồ Nam nói ở trên cũng chính là số trời định trước, nếu không phải như vậy thì bà cụ Hà đó làm sao có thể hết lần này đến lần khác dễ dàng dán tờ giấy có hình đầu cô gái, mặt khác, thịt cha mẹ cô gái chưa hẳn đã khó ăn hơn cô ấy. Từ những câu chuyện về trành quỷ (bao gồm cả “giang trành”) có thể thấy trong nội dung đều chú ý nhấn mạnh đến vấn đề “số mệnh”, giống như trong Liêu trai có đoạn kể về “Miêu Sinh”, xác định được rõ ràng thân thế của mình, nhưng chỉ cần khoác lên mình bộ y phục khác thì lũ hổ không dám giết thịt. Nhưng có rất nhiều truyện lại cho thấy “số mệnh” vẫn có thể thay đổi được, quan niệm nhân quả báo ứng “Đinh thị đinh, mão thị mão” của Phật giáo không phù hợp với quan niệm của người Trung Quốc, chữ “tình” của người Trung Quốc thông thường có thể chiến thắng cả “định luật” nghiệt ngã của thiên mệnh. Công năng của trành quỷ như vậy xem ra rất được chú ý, điều này thể hiện ở chỗ, ngay cả lũ hổ cũng không hề biết số mệnh đã an bài ai sẽ bị chọn dùng làm bữa điểm tâm, chỉ có trành quỷ mới biết, không có chỉ thị của trành quỷ, lũ hổ cũng không dám manh động, mà ngay chính trành quỷ trước đó không lâu cũng chính là bữa điểm tâm của lũ hổ. Con người đã trở thành món ăn của bầy mãnh thú đó, điều này thật khó lý giải. Một điều cũng khó đưa ra được lời giải thích là, nếu như lũ hổ không có trành quỷ dẫn đường chỉ lối thì không thể ăn thịt người, vậy thì, từ khi sinh ra, lần đầu tiên chúng giết người ăn thịt thì ai chỉ iểm. Lại nói, người bị hổ ăn thịt biến thành trành quỷ, vậy nói như giáo lý đạo Phật “chúng sinh bình đẳng”, đã có biết bao nhiêu loài động vật khác cũng làm mồi cho hổ, tại sao chúng không thể biến thành trành quỷ? Vấn đề này thật khó có thể đưa ra được một đáp án thỏa mãn, chúng tôi chỉ còn cách suy đoán trong mơ hồ vậy thôi.
Câu chuyện về người vợ Nghiêm Mãnh có đề cập đến một vấn đề, đó chính là cô ấy mặc dù đã trở thành trành quỷ, hãm hại, lừa gạt người khác để làm mồi lấp đầy bụng hổ, nhưng xem ra trong tình huống này, cô ta vẫn còn vương lại chút tình người. Tính cách con người khi trở thành trành quỷ luôn có sự biến đổi ghê gớm theo xu hướng tiến dần đến sự xấu xa, bẩn thỉu, nhưng cũng không hẳn tất cả đều như vậy. Trong một số câu chuyện còn lưu truyền trong nhân gian, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh một số trành quỷ mà trong linh hồn ma quái của chúng vẫn còn le lói hiện lên một chút nhân tính. Nhân tính được nói tới ở đây chỉ là những tình cảm đặc biệt đối với người thân của họ, và hơn hết còn là lòng thù hận sâu sắc đối với bầy dã thú đã gây ra cái chết thảm thương cho chính mình. Trong Quảng dị ký của Đới Phu, một tác giả thời nhà Đường có kể lại một câu chuyện như thế:
Vào cuối thời Thiên bảo, ở Tuyên Châu có một đứa bé sống ở gần núi. Mỗi khi đêm về thường trông thấy một bóng ma dẫn theo sau một con hổ chạy đến như là báo trước số trời đã định. Đứa trẻ liền nói với cha mẹ: “Bóng ma dẫn hổ theo sau ắt không tránh khỏi cái chết. Người xưa thường nói: “Người nào làm mồi cho hổ, khi chết oan hồn sẽ hóa thành trành quỷ”. Con chết, chắc chắn biến thành trành quỷ. Nếu hổ bắt con dẫn chúng vào trong thôn, nên đào sẵn một cái hố ở gần đường cái, lũ hổ có thể sẽ sập bẫy.” Ngày hôm sau, quả nhiên đứa bé bị hổ ăn thịt. Một thời gian sau, đứa bé báo mộng về cho cha mẹ, nói: “Con đã trở thành trành quỷ, ngày mai sẽ dẫn hổ đến, hãy chuẩn bị sẵn một cái bẫy lớn ở phía tây.” Cha mẹ và người dân trong thôn lập tức đào một cái hố rất sâu, ngày hôm sau, quả nhiên bẫy được một con hổ lớn.
Đứa bé trong câu chuyện từ trước đó vốn đã biết mình rất khó có thể thoát khỏi số mệnh làm mồi cho hổ, nhưng đối mặt với nguy hiểm vẫn vững vàng không hề khuất phục. Cậu sáng suốt nghĩ cách sắp đặt đưa hổ vào bẫy, một mặt vừa để báo thù cho chính mình, mặt khác có thể giúp ngươi nhà và dân làng thoát khỏi cảnh bị hại. Những trành quỷ như vậy thực sự rất ít thấy.
Nhưng đề cập đến vấn đề trành quỷ chắc chắn các văn nhân đều muốn qua hình ảnh này gửi gắm một thông điệp sâu sắc nào đó. Vì các văn nhân thời cổ đại phần lớn đều là những người có chức tước trong triều đình, nơi ấy vẫn thường có ma quỷ ẩn hiện, cho nên mọi cái đều có thể xảy ra. Một số văn nhân sau những lúc tâm huyết dâng trào khó tránh khỏi buồn bã chân tay mà dùng chính những kinh nghiệm của độc giả để viết ra một điều gì có thể đưa vào cuốn tiểu thuyết của mình. Trong Truyền kỳ của Bùi Hình, một văn nhân thời nhà Đường có kể lại một câu chuyện liên quan đến trành quỷ: Mã Chửng Du dạo chơi đến núi Hành Sơn cùng Chúc Dung, suýt nữa không may trở thành miếng mồi ngon trong miệng hổ. Khi đi tới dòng suối uốn lượn quanh núi, tình cờ chứng kiến một cảnh tượng kỳ lạ, con hổ ấy trong phút chốc biến thành một lão tăng. Hai người tính kế đẩy lão tăng kia xuống suối, bỗng chốc lão tăng biến trở lại hình dáng con hổ ban đầu, hai người họ ra sức đẩy tảng đá lớn xuống suối đè chết con hổ. Khi họ xuống núi, tình cờ gặp được Trương Cơ Đồ, một thợ săn dũng mãnh chuyên đi bắt hổ, họ bèn theo người thợ săn trèo lên cây dò xét. Đêm đến, bỗng có khoảng từ ba mươi đến năm mươi người qua đó, có tăng ni, có đạo sĩ, có đàn ông, có đàn bà… người thì ca hát, người thì nhảy múa, rồi có người đứng trước gò đất trước mặt mà quát lớn: “Lão hòa thượng của chúng ta vừa bị sát hại, ngay lập tức chúng ta phải tìm cho ra hai kẻ đã giết chết lão hòa thượng để báo thù, chúng còn muốn sát hại cả tướng lĩnh của chúng ta nữa!”, điều này kiến cho chúng mất đi người chèo lái quan trọng. Người thợ săn quay sang nói với hai người họ: “Những người này đều là trành quỷ, trước đây đều là người bị lão hổ ăn thịt”. Vì vậy, điều cốt yếu lúc này là phải bầu ra một bộ phận thống lĩnh toàn bộ. Ngay tức khắc, một con hổ trúng tên, kêu lên những tiếng gầm rú vang trời rồi chết. Đứng chôn chân tần ngần một lúc, đến khi hiểu chuyện gì đang xảy ra, tất cả lũ trành quỷ vội vàng chạy đến quỳ phục bên thi thể con hổ bị bắn, khóc than thảm thiết. Hai người họ đứng ngoài chứng kiến từ đầu đến cuối liền phẫn nộ, quát lớn: “Lũ quỷ mông muội kia, thật chẳng biết phân biệt đúng sai, tốt xấu. Xưa kia các người vốn bị hổ cắn chết, nay ta báo thù cho các người, các người không biết đường báo đáp mà lại còn khóc lóc, than vãn cái gì? Sao lại có đám ma quỷ không hiểu biết lễ nghĩa như các ngươi cơ chứ!”
Có thể thấy những ẩn ý trong câu chuyện trên đây đã được bộc lộ khá rõ ràng. Nói chuyện ma quỷ với cách nói cường điệu “cô vọng ngôn chi, cô vọng thính chi” theo nguyên tắc của phương Đông, như vậy có thể đem lại cho người đọc cảm giác hứng thú, khiến cho người ta có thể quên đi những toan tính, mưu lược mà say sưa thả hồn vào những câu chuyện “ngư tiền nhàn thoại” nhẹ nhàng, hấp dẫn. Có lẽ, Tô Thích đã phải chịu đựng không ít những nỗi khổ cực do kẻ tiểu nhân gây ra trong các cuộc đấu tranh đảng phái. Cho nên ông cảm thấy chỉ mấy câu mắng chửi này thôi thì không đủ để thỏa mãn và bù đắp cho những gì mình đã trải qua, vì thế cần phải tiếp tục cất cao giọng mắng mỏ lũ đần độn, mông muội kia cho hả hê, vui sướng.
Trên khắp thế gian này không thiếu những hồn ma được coi là trành quỷ. Ví như muốn thăng tiến nhanh chóng để có nhiều lợi lộc, thành thử không từ mọi thủ đoạn xấu xa, bẩn thỉu nào, chẳng phải trành quỷ là như thế sao? Xảo trá, thủ đoạn như loài ưng khuyển quẩn quanh làm trò chỉ điểm quanh chân người, rong ruổi chạy theo kẻ ác làm điều dối trá. Chỉ sợ mình kém cỏi hơn người khác. Khi chưa đạt được mục đích, chúng tỏ ra ngông cuồng, kiêu căng, ngạo mạn, mưu mô, độc ác để phô trương uy thế của mình. Nhưng một khi không hoàn thành nhiệm vụ, không những chúng làm hỏng việc của mình mà còn bị đầy đi biệt xứ, không biết sống chết ra sao!
Nghe những lời mắng chửi đầy sảng khoái ấy khiến người đọc cũng cảm thấy hết sức hả hê. Nhưng nghĩ kỹ lại thì hình ảnh trành quỷ trong những câu chuyện dân gian đâu đó vẫn có bóng dáng của lũ chó săn, chim săn. Chúng vô liêm sỉ là thế, hèn hạ, bỉ ổi là thế nhưng thật không công bằng khi chúng lại có trong tay quyền lực và địa vị xã hội! Tuy nhiên, nếu giải thích rõ ràng bản chất lũ trành quỷ này cũng chỉ uổng công vô ích mà thôi, vì những câu chuyện về trành quỷ càng về sau lại càng trở nên sâu sắc và phong phú. Hơn nữa, trong nhân gian, phẩm hạnh của những kẻ làm quan vô liêm sỉ lại luôn bị những tên trành quỷ gian manh, xảo quyệt kia làm cho thêm nhơ bẩn, nhem nhuốc.
Do đó, vẫn có những trành quỷ từ trên núi ném xuống dưới không ít quần áo và những vật dụng hàng ngày, nhiều người đã lần theo những đồ vật đó để lượm nhặt, dần dần đến tận hang ổ của hổ và trở thành miếng mồi ngon cho chúng[10]. Lại có người nhờ có đôi chân khỏe mạnh, ra sức vùng vẫy mong chạy thoát, nhưng cuối cùng vẫn nằm gọn trong miệng cọp[11]. Còn có loại trành quỷ vui vẻ theo sau hổ, thích thú, cười cợt khi thấy nạn nhân bị lột trần rồi dần dần nằm gọn trong nanh vuốt loài hổ đói[12]. Lại có con hổ không may bị bắt, bèn gầm lên những tiếng khóc than thảm thiết suốt đêm ngày để đồng loại biết được mà kéo đến giải cứu và báo thù cho mình[13]… Những trạng thái bất thường trong nhân cách của trành quỷ như vậy phần lớn cũng từ trong nhân tình thế thái mà ra. Đây chẳng những là chuyện về lũ ưng khuyển có địa vị giàu sang quyền thế mà ở gốc độ khác còn là câu chuyện đáng xấu hổ về giới chức quyền, cũng giống như nguyên hình của trành quỷ vậy.
[10] Theo Kỷ Vân trong Duyệt vi thảo đảng bút ký, quyển mười bảy.
[11] Theo Hồng Mại trong Di kiên chi mậu, quyển một.
[12] Theo Du Giao, trong Mộng xưởng tạp trước, quyển tám.
[13] Theo Lang Anh, trong Thất tu loại cảo, quyển mười bảy.
Nhưng phàm là những câu chuyện kể thì vẫn có những trường hợp đặc biệt. Hung bạo, xấu xa là vậy nhưng cũng có khi chính trành quỷ lại tự hiến dâng sinh mạng mình cho hổ đói. Kỷ Hiểu Lam trong Duyệt vi thảo đường bút ký, quyển mười bảy có ghi lại: Trành quỷ vứt xuống những đồ dùng, quần áo hòng dụ dỗ người đi đường lần theo dấu vết mà mắc bẫy, nhưng như thế cũng tức là chỉ điểm cho những người thợ săn biết được nơi ẩn náu của lão hổ. “Con người trành quỷ biến hóa vô lường, mọi sự đều có sự toan tính từ trước. Lão hổ cứ ngỡ trành quỷ giúp mình mà dẫn người đến, biết đâu có ngày ngay cả mình cũng bị sát hại”. Những ý kiến bàn luận của Kỷ tiên sinh trên đây chứa đựng nhiều ý nghĩa thật sâu sắc, có vẻ như muốn ám chỉ bè lũ quyền cao chức trọng trong triều đình, luôn ngấm ngầm lợi dụng nước đục thả câu, cố tìn h dứt dây động rừng, hòng lợi dụng trành quỷ giúp mình một tay. Nhưng họ lại quên mất một điều rằng, lão hổ có thể ăn thịt không trừ một ai. Chẳng phải chính những kẻ gian tà, bất chính ấy luôn tìm cách vơ vét của cải làm hại dân, hại nước đó sao? Cho nên giữa chúng và lũ trành quỷ muôn hình vạn sắc kia cũng chẳng khác là bao.
Dù sao thì, một người có quyền thế, tự nhiên sẽ mời gọi được lũ trành quỷ vây quanh mình, mục đích cuối cùng của những hành động nối giáo cho giặc ấy cũng là để làm lợi cho bản thân mà thôi. Nhưng điều đáng nói ở đây là giữa bọn họ ai lợi dụng ai, hay nói một cách khác, ai trở thành công cụ của ai? Chúng ta thường thấy một kẻ có quyền ngồi chễm trệ trên chiếc ghế quan, phía dưới là một đám tiểu nhân ra sức nịnh bợ lấy lòng, vậy thực chất đâu mới là kẻ “anh hùng hào kiệt”? Như vậy, lão hổ đã bị lôi vào một cuộc chơi do chính lũ trành quỷ sắp đặt, sau đó lại tự đưa mình lên đoạn đầu đài lúc nào không hay. Đến lúc ấy, trành quỷ đã sớm thay đổi kế sách từ trước hoặc đã tháo chạy thoát thân. Những câu chuyện ma quỷ của Trung Quốc ngẫm ra ý nghĩa thật tuyệt vời, qua những câu chuyện ấy chúng ta hiểu được một sự thật bất ngờ trong cuộc sống, thì ra chính lũ trành quỷ lại là kẻ trực tiếp tạo ra lão hổ uy quyền giả tạo kia! Trong Quảng dị ký có dẫn ra một câu chuyện:
Ở Kinh Châu có một người đi men theo con đường bên sườn núi, bất ngờ gặp phải trành quỷ. Thấy chiếc mũ làm bằng da hổ bèn nhặt đội lên đầu, bỗng chốc biến thành hổ dữ, chịu sự chỉ huy của trành quỷ. Suốt ba, bốn năm liền chuyên đi hại người, bắt gia súc làm thịt ăn và trở thành một loài vật hoang dã, không thể thuần hóa được. Thân mặc dù biến thành hổ nhưng tâm thì vẫn miễn cưỡng, không hề muốn, tuy vậy cũng chẳng biết phải làm sao?
Con hổ đó sau này thừa dịp lén vào một ngôi miếu hoang, ẩn nấp ở đó một thời gian khá lâu, cho tới khi dần trút bỏ được lớp da hổ trên cơ thể. Nhưng đến một ngày ở cửa miếu tình cờ xuất hiện một trành quỷ khác, lại vớ được miếng da hổ choàng vào người anh ta, từ đó anh ta sợ đến nỗi không dám đặt chân đến cửa miếu. Tôi cảm thấy câu chuyện này hết sức có ý nghĩa, không chỉ đối với những kẻ quan quyền đang từng ngày lún sâu vào vũng bùn lầy đen tối, mà còn là lời cảnh tỉnh tới đám người mua danh bán lợi đầy rẫy trong xã hội ngày nay, vì thế càng đọc, càng ngẫm nghĩ lại càng cảm thấy thú vị vô cùng.
Rốt cuộc là phải xuất phát từ một trải nghiệm cuộc sống như thế nào mà con người lại có thể sáng tạo ra hình tượng trành quỷ, một loại hồn ma đặc biệt đến như vậy? Thiết nghĩ, ngoài một vài nguyên nhân xã hội đã nói ở trên, còn phải kể đến một hiện tượng kỳ lạ có thể cũng có sự tác động tương tự, đó chính là sau khi thân thể những người xấu số trở thành miếng mồi ngon trong miệng hổ, thường vẫn thấy quần áo, y phục còn sót lại bao giờ cùng được gấp cẩn thận, gọn gàng. Do đó có thể tưởng tượng lão hổ trước khi ăn thịt người, đã lột bỏ hết tư trang, quần áo của người đó ra và còn gấp lại cho thật chỉnh tề, ngay ngắn. Đối với chúng ta đây quả thực không phải là một việc làm khó khăn, nhưng đối với loài hổ thì ngược lại, không thể làm được như thế. Vậy sự vệc này cần phải giải thích ra sao? Chắc chắn chỉ có một cách là nhờ người khác giúp đỡ, mà “người” ở đây không ai khác, chỉ có thể là hồn ma của người đó.
Đoạn Thành Thức, văn sĩ thời Đường, trong Tây dương tạp trở, quyển mười tám cho rằng đó là do trành quỷ đã sai khiến linh hồn người chết làm: “Lão hổ giết người, lại có thể ra lệnh cho linh hồn người chết tự trút bỏ quần áo, gấp lại gọn gàng, rồi mới ăn thịt.” Nạn nhân sau khi bị cắn xé cho tới chết, linh hồn của anh ta lại phải tự cởi bỏ y phục, rồi gấp lại ngay ngắn, chỉnh tề, sự việc này cũng ám chỉ lúc đó anh ta đã trở thành trành quỷ, phải chịu mọi sự sai khiến, chỉ bảo của lão hổ. Hoàng Phủ Thị, thời Đường, tác giả Nguyên hóa ký, cũng đưa ra những kiến giải tương tự, có điều ông miêu tả một cách tinh tế hơn, khiến những điều xảy ra càng trở nên đáng sợ: Huyện úy Phiêu Thủy, Tuyên Châu nổi tiếng chính trực, luôn sống rất đạm bạc, không màng danh lợi cho tới khi mãn nhiệm. Trước khi cáo lui khỏi chốn quan trương, ông có tiến cử Trương Sĩ, vốn là trang khách trước kia của ông, dẫn theo gia đình đến Phiêu Thủy nhậm chức. Khi đang khởi hành giữa đêm khuya, thê tử của Trương Sĩ bị rớt sau họ mười bước chân, trong nháy mắt đã bị hổ ăn thịt. Trương Sĩ thề rằng nhất định sẽ báo thù cho vợ.
Cánh tay kẹp hai mũi tên, dắt theo cây cung sau lưng, ông một mình ra đi giữa lúc đêm khuya. Đi được khoảng ba mươi dặm, lạc sâu vào chốn rừng rú âm u, biết bao nguy hiểm rình rập. Sau đó, lại đi tới một sơn cốc gần đó, có hàng trăm cây đại thụ bao quanh sào huyệt của lão hổ, trên khuôn mặt thanh tú đẹp đẽ ánh lên nỗi hoài nghi, dò xét ẩn nấp sau mỗi tán cây. Đúng lúc đó, nhìn sâu xuống chân núi, dường như có một vật gì đó đang trong tư thế phủ phục, dò xét với ánh mắt đầy ham muốn, vật đó chính là lão hổ. Người vợ yêu quý của mình bị hổ ăn thịt chết thảm thương, thi thể không còn lành lặn, món nợ này hôm nay sẽ tính toán hết với nhau. Lão hổ từ trong sào huyệt của mình dẫn ra bốn con hổ con, đều to như một con cáo ngoe nguẩy cái đuôi của mình mà cười cợt, nhạo báng. Lão hổ dùng lưỡi liếm láp khắp thi thể người chết, rồi cả thay lao vào giành giật nhau từng miếng ăn.
Kết quả, vì báo thù cho vợ, Trương Sĩ cũng chết một cách thảm thương dưới nanh vuốt của năm con hổ lớn nhỏ.
Chuyện này còn tồn tại đến tận triều nhà Thanh. Du Thừa Đức, một văn sĩ thời nhà Thanh trong tác phẩm Cao tân nghiễn trai tạp trước có ghi lại câu chuyện:
Có người một lần du hành đến một tỉnh nọ, vào ngày mưa một mình đi trong đêm khuya và bị lạc vào rừng sâu, bất ngờ nhìn thấy lão hổ, vội vàng rảo bước thật nhanh nấp vào một ngôi chùa hoang gần đó. Một lúc sau, lão hổ trong miệng ngậm chặt một người đặt trên mặt đất, chân còn động đậy, con hổ quay lại, người đó đột nhiên đứng dậy, cởi bỏ quần áo đang mặc trên ng ười, lão hổ vừa ngoe nguẩy đuôi vừa thưởng thức bữa tiệc ngon lành trong niềm hân hoan vui sướng, từng dòng máu tươi đỏ au rỉ ra từ mỗi miếng thịt, thấm ướt một khoảnh đất rộng.
Du Giao, một văn nhân khác thời nhà Thanh trong tác phẩm Mộng xưởng tạp trước, quyển tám, Trành quỷ ký có ghi chép lại một truyền thuyết khác: “Trành quỷ vui cười theo sau giúp cởi bỏ quần áo và gấp lại gọn gàng, lão hổ chỉ việc chờ đợi miếng mồi ngon của mình trần trụi không còn mảnh vải che thân rồi từ từ thưởng thức.” Như vậy, quần áo trên người nạn nhân không phải do người chết tự cởi, mà trước đó trành quỷ đã ra tay cởi bỏ. Điều này cũng cho thấy nạn nhân bị cắn chết, linh hồn đã trở thành đầy tớ phục dịch lão hổ, và trành quỷ, người tiền nhiệm trước đó lúc này đã được giải thoát, có thể đầu thai chuyển kiếp, hoặc đứng trên một cương vị hoàn toàn khác.
Nhưng chúng ta có thể nhận thấy sự hình thành của trành quỷ rất có thể có liên quan tới những bí ẩn xung quanh chuyện cởi bỏ y phục trên người nạn nhân. Trành quỷ tự nhiên không thể làm được điều này, cũng không thể có nạn nhân nào bị lão hổ cắn chết mà vẫn tự mình làm được cái chuyện kỳ lạ kia. Nhưng tôi nghĩ, chuyện y phục được gấp lại gọn gàng, ngay ngắn kia chưa hẳn đã là chuyện bịa đặt, chỉ là quần áo đó không thể là người chết tự gấp lại mà thôi. Vì hầu hết những người bị hổ ăn thịt là những lữ khách độc hành qua núi, trên người họ ắt phải mang theo một vài bộ quần áo để mặc thay đổi. Có người bị hổ rượt đuổi, quần áo trong tay nải rơi xuống đất, đó cũng là đoạn đường mà trành quỷ thường vứt quần áo, đồ vật hòng dụ dỗ người qua đường mà đoạn trên có nói tới. Nạn nhân bị hổ đuổi bắt, trên đường tháo chạy vướng víu đầy những bụi rậm, những lùm cây gai góc, quần áo mặc trên người bị rơi rách, đến khi nằm trọn trong móng vuốt của hổ thì chỉ còn lại tấm thân trần trụi mà thôi. Viên Mai trong Viết tiếp Tử bất ngữ, quyển bảy, Liệt Hộ nói chuyện hổ có viết:
Tương truyền câu chuyện hổ tấn công người đều do trành quỷ ra tay cởi bỏ y phục trên người nạn nhân cho hổ dễ bề ăn thịt. Lại có người nói rằng lão hổ có khả năng lệnh cho thi thể người chết tự mình cởi bỏ quần áo trên người, điều này quả thực là trái với tự nhiên. Trên thực tế, không ai nhìn thấy hổ trong thời điểm đó, vì thế, những suy luận trên chỉ là những suy đoán theo cảm tính mà thôi. Trịnh Liệt Hộ cho rằng: “Hổ bắt người, dùng hàm răng sắc nhọn cắn mạnh vào cổ, nạn nhân vô cùng đau đớn, ra sức chống cự, dồn sức vùng vẫy hòng thoát ra, quần áo trên người tự rơi xuống.”
Tình cảnh được nói tới trên đây thật hiếm có người nào được tận mắt chứng kiến. Những điều mà Trịnh Liệt Hộ nói tới có thể cũng chỉ là một sự lý giải bằng cách suy luận mà thôi. Bản chất của vấn đề “thoát y” này có thể dẫn dắt chúng ta đến nhiều sự liên tưởng khác nhau. Đầu tiên là thi thể nạn nhân tự mình cởi bỏ quần áo trên người, sau đó quần áo lại được gấp ngay ngắn, chỉnh tề trên mặt đất. Hai việc này lão hổ đều không thể thực hiện được, có khả năng làm những việc này chỉ có thể là một người nào đó. Câu chuyện tự mình lột sạch quần áo trên cơ thể, thậm chí làm một cách thuần thục rồi nằm lên cái mâm tự nguyện dâng hiến cho kẻ cường quyền, trong dân gian quả thực không phải là rất hiếm gặp. Cho nên, hình tượng trành quỷ xuất hiện ở đây cũng chẳng cần phải dùng trí tưởng tượng quá nhiều cũng có thể hiểu ra nghĩa hàm ẩn sâu xa của nó.
Nhưng điều này cũng góp phần hé mở một số phận “đáng thương” của trành quỷ.
Trành quỷ vốn dĩ là một kẻ rất đáng ghét, đáng khinh, nhưng nếu suy xét lại một cách thấu đáo, con người ấy lại khiến ta cảm thấy có gì đó đáng thương vô cùng.
Điều khiến ta thương cảm cho số phận của họ, trước hết vì chính họ vốn là những người không may mắn bị lão hổ ăn thịt đầu tiên. Nếu như “ải quỷ” và “nịch quỷ” có một số là tự mình tìm đến cái chết, thì trành quỷ hoàn toàn ngược lại, luôn rơi vào tình thế hiểm nguy một cách bị động. Trong thâm tâm họ không hề mong muốn sẽ làm mồi cho hổ dữ, và cũng không bao giờ ngờ tới có một ngày mình lại trở thành miếng mồi ngon trong nanh vuốt hổ quỷ. Cho nên khi họ bị hổ vồ, không chỉ đơn giản là do bản năng thích ăn thịt người của loài ác thú mà kèm theo đó là cả một câu chuyện duy tâm về cái gọi là “thiên ý”, do ý trời sắp đặt. Mặt khác, cái gọi là “thiên ý” dị thường ấy cũng chẳng phải một cách sắp đặt tự nhiên của tạo hóa, bởi lẽ “thiên ý” thì cũng chỉ dám lựa chọn những kẻ yếu đuối chốn nhân gian mà đẩy vào miệng hổ, trong đó phụ nữa và trẻ em là sự lựa chọn hàng đầu của họ. Những đối tượng này không những không đủ sức phản kháng mà đến sức lực chạy trốn cũng không có. Qủa thực họ đều là những nạn nhân thuần khiết và vô tội. Mặc dù yếu đuối chưa hẳn đã là nguyên nhân chủ yếu khiến họ trở thành người bị nạn, nhưng nói như Kỳ Vân trong Việt vi thảo đường bút ký thì mãnh hổ chỉ “ăn thịt những kẻ thiên lương”. Câu nói ấy quả có chút cảm tính, nhưng nhìn ở góc độ khác cũng phản ánh đúng một phần thực tế. Trên đây đã nhắc tới phụ nữ và trẻ em, vấn đề này thiết nghĩ cũng cần chỉ rõ một vài điểm đặc biệt. Thông thường, trong các câu chuyện về “trành quỷ”, đa số đều miêu tả dáng vẻ trành quỷ mang hình hài của một đứa trẻ con. Ví như trong Quảng dị ký có đoạn viết: “Vô tình gặp phải trành quỷ hình hài trông giống một đứa trẻ bảy, tám tuổi, trên người không một miếng vải che thân, cơ thể toát lên màu xanh ngọc bích kỳ quái.” Lại có đoạn viết: “Ở Khê Nam Thạch có một đạo sĩ Y Châu Y, có hai thanh y đồng tử đứng hầu hạ bên cạnh”, vị đạo sĩ đó chính là mãnh hổ biến thành, mà hai đồng tử đứng bên cạnh không ai khác chính là “trành quỷ”. Nguyên hóa ký cũng ghi lại câu chuyện về trành quỷ, thân cao hơn thước, hình dạng như con khỉ ma các. Trong Di kiên bính chí, quyển ba, Hoành hoa trành quỷ cũng nói “có một đứa trẻ mặc áo màu xanh, lớn hơn thước, sắc mặt xám đen”. Cuốn thứ mười hai, Sư cô sơn hổ trong tập Di kiên chi mậu viết: “Vào ban đêm, có một phụ nữ trong thôn nằm mộng thấy bị hổ ăn thịt, kể lại: “Tôi phải nằm rạp xuống đất, cố bò vào rừng để tránh nạn, nhưng lại có hai đứa trẻ nhỏ túm lấy chân lôi lại, nên không thể tiến lên phía trước. Lúc ấy vì quá hoảng sợ, tôi ra sức kêu cứu mong ông trời rủ lòng thương mà giữ lấy tính mạng cho mình, nhưng bỗng chốc mãnh hổ đã ở bên cạnh, rồi lao vào ăn thịt.” Câu chuyện mãnh hổ vồ người cũng xuất hiện ở cuốn thứ tư, Tầm dương liệt nhân trong Di kiên chí (bổ sung) trong đó ghi: “Có một con ma nhỏ bé mặc áo màu xanh, tóc dài đến lông mày.” Việc các câu chuyện nói trành quỷ mang hình dáng một đứa trẻ như đã dẫn ra trên đây còn xuất phát từ thực tế rằng mãnh hổ ăn thịt một đứa trẻ là một việc quá đơn giản và dễ dàng. Do đó, trong các câu chuyện ma quỷ, những đứa trẻ bị hổ ăn thịt hóa thành trành quỷ nhỏ tuổi luôn tạo được nỗi cảm thương, xót xa nơi người đọc, đó cũng là nguyên nhân để tôi đưa hai chữ “ai trành” làm đề mục trên đây.
Tất nhiên, đó cũng là lý do thứ hai cho ta thấy loài trành quỷ chết trong tay mãnh hổ là vô cùng đáng thương. Chúng chết trong đau đớn, tủi hờn, đến khi chết rồi lại buộc phải làm tay sai cho loài cầm thú từng hành hạ mình. Đây là điều bất đắc dĩ, là kết cục không ai mong muốn, cũng chẳng ai có thể ngờ tới. Làm tay sai cho kẻ thù, nỗi đau trong họ một lần nữa bị giày xéo, xót xa hơn bội phần.
Sau khi con người bị hổ ăn thịt, hồn ma của họ nhất định phải tìm được người thay thế thì mới có thể siêu thoát. Lý do thực sự ở đây cũng giống như ma chết đuối, ma ngã xuống sườn dốc, ma cỏ rậm… đều nhằm mục đích cảnh báo con người hãy tránh xa những nơi nguy hiểm đó. Nhưng cái được gọi là “cảnh báo” mặc dù nhằm bảo vệ mạng sống của con người, nhưng đối với những hồn ma đã sa vào vòng tội lỗi, đây thực sự là một “quy tắc” cực kỳ tàn khốc. “Lăn lộn dưới đất”, cái này hình như vẫn có thể chấp nhận được, chỉ cần đứng dậy là xong, ngay cả khi bị đánh chết, hai mươi năm sau có thể lại trở thành một đấng hảo hán, nhưng nếu lại bị giẫm đạp lên cả nghìn vạn vết chân thì “vĩnh viễn không được đầu thai chuyển thế”, “quy tắc” ấy làm cho người ta chỉ nghĩ đến thôi đã không khỏi rùng mình kinh hãi. Chúng ta có lẽ không thể đưa ra những yêu cầu quá cao đối với trành quỷ, đặc biệt là những trành quỷ nhỏ bé đáng thương như thế. Thử nghĩ xem, ngay cả Bolcheviques của Bukharin hễ một chút là lại ăn năn, cầu xin sự tha thứ, ai cũng như thế thì chắc hẳn chúng ta đã chẳng còn gì để nói. Họ không sợ lưỡi dao đồ tể sắc nhọn của Sa Hoàng, bởi họ tin rằng, ngay cả khi bản thân họ bị giết thì cũng chỉ là một giây phút bất ngờ “ngã xuống đất” mà thôi, thế gian này sẽ hiểu được họ, và khi ấy họ sẽ trở thành anh hùng, mãi mãi về sau họ sẽ được người đời tưởng nhớ đến. Còn nếu như ở trên “pháp đình của nhân dân”, tất cả những âm mưu, những hành động vu cáo, hãm hại, tàn sát người khác đều núp sau cái bóng của mỹ từ “vì danh nghĩa của cách mạng”, thì tiếng tăm ấy, sự xấu xa ấy đến nghìn đời sau cũng không rửa sạch. Đó chính là hình phạt thích đáng cho một số những phần tử phản động phải chịu cực hình “mãi mãi không được đổi đời”. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh việc mãnh hổ bạo loạn cũng giống như bạo loạn chính trị vậy, “vĩnh viễn không được siêu sinh” và “vĩnh viễn không được đổi đời” đối với trành quỷ hay kẻ phản động kia cũng chẳng khác nhau là mấy. Một khi đã làm hồn ma dưới móng vuốt của mãnh hổ, thì sẽ không còn người thân thích ruột thịt hay bạn bè, chỉ có chủ nhân của nó - người đã đem nó làm đồ điểm tâm, bóc lột và sai khiến nó, bức ép nó phải giết người vô tội, hay một bài răn dạy: ngươi chỉ có bán rẻ đồng loại của mình mới thể hiện được sự trung thành, nếu làm tốt thì đến một lúc nào đó, chủ nhân sẽ khai ân giải thoát hợp đồng làm nô lệ cho nhà ngươi. Loại yêu ma chước quỷ như vậy nếu không có cái thần thái và tâm hồn băng giá từ cõi “âm tàn” thì không thể có khẩu khí khôn ngoan, quỷ quyệt như thế!
Từ đó xuất hiện lý do thứ ba khiến loài trành quỷ trở nên đáng thương vô cùng. Nó không chỉ phải chịu sự áp bức tàn bạo của lũ hổ quỷ mà còn bị lừa gạt vào cái thuyết siêu sinh mù quáng do mãnh hổ vạch ra. Những lời phỉnh nịnh như vậy chẳng qua chỉ là một sự lừa bịp mà thôi. Ngay sau khi họ lôi kéo, dụ dỗ được một vài người đến làm mồi cho hổ, tự bản thân họ chưa chắc đã nhận được sự giải thoát thực sự. Thử nhìn lại hình ảnh trành quỷ ở những phần trước ắt sẽ thấy tự do với chúng rõ ràng là điều không tưởng, đương nhiên cái mà chúng nhận được lúc này là thế lực mỗi lúc một đông hơn, không còn đơn độc như trước, mà có tới mấy người, mười mấy người thậm chí là ba mươi, năm mươi người cùng kết bạn làm tay chân, làm “ma đưa lối quỷ dẫn đường” cho mãnh hổ. Có thể thấy, ngay cả khi bán rẻ đồng loại của mình, thì những cơn ác mộng triền miên của trành quỷ cũng không hề có điểm kết thúc. Mãnh hổ không buông tha cho nó, hơn nữa còn tiếp tục kiểm tra sự trung thành của nó, đẩy nó lún sâu vào con đường tội lỗi, cho đến khi nhân tính trong nó hoàn toàn biến mất. Con đường tội lỗi ấy thật đáng giận mà cũng thật đáng thương. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt như trong Hà gian phụ của Liễu Tống Nguyên đã dẫn: “Từ một con người bị ức hiếp, mất đi danh tiết, nạn nhân bỗng trở thành một kẻ bất cần, sãn sàng mở đường cho cái ác để cuối cùng tự nguyện thành trành quỷ, đồng đảng của mãnh hổ.” Những loài trành quỷ như vậy thực không đáng để người ta thương và hơn nữa, sự đắc ý của chúng trên thực tế cũng đâu đếm xỉa gì đến lòng xót xa, thương cảm của con người.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !