Dạo qua khắp bốn mươi tám hòn đảo, Nhan Tử La mua một hòn đảo từ tay người khác, sau đó dặn người ta phải viết trên một tấm bảng đá to dòng chữ “Điếu Tiểu Ngư Đảo[1]”, định bụng sau này nhàn rỗi sẽ đến câu cá.
[1] Nghĩa là “Đảo câu cá nhỏ”.
Ngắm xong cảnh sông nước, Nhan Tử La kéo Dận Chân đi leo núi, đầu tiên là chọn bảy mươi hai đỉnh núi thuộc dãy Phiêu Miểu Phong. Mặc dù Phiêu Miểu Phong nhìn thì không cao mấy, nhưng khi thật sự bắt tay vào hành trình, đối với một bà lão như Nhan Tử La mà nói, tương đối tốn sức.
Lần này, còn chưa leo được một nửa, nàng liền túm chặt lấy cánh tay Dận Chân ngăn bước chân tiến về phía trước của chàng.
“Không đi nổi nữa?”, Dận Chân cười hỏi. Thế mà tối qua còn cao giọng huênh hoang nói rằng leo thẳng một mạch lên tới tận đỉnh cơ đấy.
“Xấu tính!”, Nhan Tử La nói, kéo Dận Chân ngồi xuống bậc thềm đá, “Nhìn thì không cao, sao leo mãi chưa tới đỉnh?”.
“Không có thường thức gì cả!”, Dận Chân đáp. Nhìn núi ở một khoảng cách xa như thế, thì đa phần những ngọn núi đó đều nhìn không cao, thật là một người phụ nữ không có thường thức.
“Ông lão, thiếp thấy chàng rất đắc ý!” Nhan Tử La lườm chàng, cầm túi nước định uống, Dận Chân giật lại: “Nghỉ một lát hãy uống!”.
Dựa vào cánh tay Dận Chân, Nhan Tử La nhìn xuống núi, “Ông lão, Phiêu Miểu Phong cũng rất đẹp đấy chứ”.
“Mua núi?” Dận Chân quay đầu nhìn nàng.
“Hả?” Nhan Tử La nhìn thẳng vào mắt chàng: “Ý hay, ý hay, chúng ta dựng một căn nhà gỗ trên đỉnh núi, mùa xuân đến ngắm hoa đào, mùa đông đến thưởng hoa mai. Không khí trên núi rất tuyệt nữa”.
“Vớ vẩn!”, Dận Chân đáp. Cứ tiêu pha thế này, ngân lượng trong quốc khố mà chàng vất vả tiết kiệm chẳng bao lâu sẽ không đủ dùng nữa.
“Ha ha, căn nhà đó tên là Không Trung Lầu Các, hoặc gọi là Phiêu Miểu Tiên Cảnhݬ Nhan Tử La vẫn nói một mình, coi như không nghe thấy lời Dận Chân.
Nghỉ một lát, nàng hết thở dốc rồi, Dận Chân mới đưa túi nước cho nàng, nàng uống xong chàng mới cầm lấy để uống. Lại tiếp tục leo núi, Nhan Tử La vì muốn phân tán sự chú ý nên ngắt hai cành hoa dại cầm trên tay nghịch.
Khi lên tới đỉnh núi, sóng nước xanh biếc của Thái Hồ khiến mắt Nhan Tử La chao đảo.
“Đẹp... chết mất!”, Nhan Tử La thốt lên.
Dận Chân mỉm cười. Phong cảnh đẹp khiến nàng ngẩn cả người. Ngẩn ngơ tới mức ném cả hai cành hoa trong tay đi.
“Tiên nữ rắc hoa, đẹp không?”, Nhan Tử La cười hỏi.
Dận Chân không nhịn được nhìn nàng phì cười.
“Tiên nữ? Vương mẫu thì có!”, Dận Chân đáp. Thật chẳng biết ngượng mồm, có tiên nữ nào già thế này không?
Nhan Tử La quay đầu nhìn Dận Chân, ông lão này gần đây thường xuyên thích đối đầu với nàng, lẽ nào tật cũ thời trẻ tái phát sao?
“Hừ hừ, Vương mẫu dung nhan già nua đấy, Mục vương hà tất phải tới tìm?”, Nhan Tử La hỏi, nheo mắt lại.
Dận Chân nhìn nàng một cái, lại cải biên thơ của người ta rồi!
“Tự nghĩ đi!”, Dận Chân đáp. Hà tất tới tìm? Nếu nàng chịu quay về thì chàng có cần tới tìm không?
“Hừ!” Nhan Tử La hừ một tiếng rồi tiếp tục ngắm cảnh.
Ở lại đỉnh núi ngắm cảnh chừng một canh giờ, mấy người họ liền chọn một con đường khác xuống núi thông thẳng tới động Thủy Nguyệt phía Tây Bắc. Thủy Nguyệt động là động trong núi sâu, yên tĩnh vô cùng. Thủy Nguyệt tự tọa lạc ở chính nơi u tĩnh này. Nhan Tử La và Dận Chân vào Thủy Nguyệt tự thắp hương khấn Phật cầu nguyện.
Phía Đông của Thủy Nguyệt tự có một nơi là Vô Ngại tuyền, Nhan Tử La nhìn tấm bia đá ghi “Vô Ngại Tuyền”, sau đó hỏi Dận Chân: “Tại sao lại gọi là Vô Ngại tuyền?”.
“Lý My Đại của triều Tống quy ẩn trong Thủy Nguyệt động, lấy hiệu là Vô Ngại cư sĩ, từ đó suối này được đặt tên theo ông ấy”, Dận Chân giải thích qua.
“Thật có học vấn, ông lão, việc gì cũng biết!”, Nhan Tử La cười khen. Nàng không biết, nên vừa rồi còn nghĩ, Vô Ngại tuyền lẽ nào là vì đường nước chảy quá thuận lợi không có trở ngại gì tới mức thành danh? May chưa nói ra, nếu không mất mặt chết.
“Thường thức thôi!”, Dận Chân cười đáp, “Nước suối Vô Ngại pha trà Tiểu Thanh rất ngon!”.
“Thật không?” Nhan Tử La nhìn nhìn dòng nước, rồi lại nhìn nhìn túi nước, quả quyết dốc hết nước trong túi vào bụi hoa dại ven đường, sau đó múc đầy nước suối vào: “Mua trà Tiểu Thanh ở đâu?”.
“Không biết!”, Dận Chân đáp.
“Khen xong rồi lại nói không biết!” Nhan Tử La cười. Nhìn xem, chàng cũng không phải cái gì cũng biết cả.
Gặp một tiểu hòa thượng, tiểu hòa thượng nói ở đường Hàm Thôn Ổ dưới núi có. Nhan Tử La bèn vui vẻ kéo Dận Chân tới thẳng Hàm Thôn Ổ.
Quả nhiên là một đường phố rất náo nhiệt, giống hệt phong cách thời Minh. Nhan Tử La nhìn thấy đường phố phồn hoa bèn quên ngay mục đích trước đó của mình, kéo Dận Chân đi lang thang khắp hàng này tới quán nọ, mua không ít đồ, bao gồm cả một miếng vải hoa, nói mua về may y phục. Sau đó mới nhớ ra mục đích của việc tìm tới con phố này là để mua trà Tiểu Thanh, nhưng phóng tầm mắt nhìn quanh cũng chẳng có chỗ nào ghi “Tiểu Thanh Trà” cả, bèn hỏi Dận Chân. Dận Chân liền nói với nàng: “Chính là Bích Loa Xuân[2]”. Nhan Tử La tức giận trừng mắt lườm chàng.
[2] Trà Bích Loa Xuân: Một trong Thập đại danh trà của Trung Quốc, xuất xứ ở Động Đình Hồ, Tô Châu.
“Ông lão, chàng nói thế chẳng phải tỏ ra rất cao thâm hay sao?”, Nhan Tử La nói, hại nàng tìm quanh tìm quẩn mãi không tìm thấy.
“Ta còn tưởng một kiến thức thông thường như thế nàng phải biết chứ”, Dận Chân cố nín cười, nói. Trà Tiểu Thanh là cách gọi của thời Tống, đã sớm đổi thành Bích Loa Xuân rồi.
“Xin lỗi nhé, thiếp là người không được học hành tử tế!” Nhan Tử La lén cấu chàng một cái, ông lão này rõ ràng muốn xem trò vui.
“Ta biết!” Dận Chân cười.
Buổi tối khi quay về, Nhan Tử La sai người đi pha trà Tiểu Thanh. Pha xong tự mình nhấp trước một hớp, sau đó nhìn Dận Chân.
“Ngon không?”, Nhan Tử La hỏi.
“Bình thường!”, Dận Chân đáp.
Nhan Tử La bĩu môi: “Bình thường? Đại gia, số nước đó thiếp phải bỏ sức mà cõng về đấy, sao chẳng biết nể tình gì cả?”.
“Nước ngon, trà bình thường!”, Dận Chân nói lại. Phải là Bích Loa Xuân được các hòa thượng của Thủy Nguyệt tự sao vào đầu xuân mới ngon. Nhưng, người phụ nữ này chắc chắn không thể hiểu được, trong mắt nàng, trà chính là “nước đắng”.
“Chỗ trà đó thiếp phải đi đi lại lại hai lần mới mua được đấy”, Nhan Tử La nói. Chẳng biết dỗ dành người ta cho người ta vui gì cả, nàng không hiểu việc thưởng trà, chàng khen ngon, nàng nhất định sẽ tin là thật.
Dận Chân nhìn nàng một cái, sau đó cười: “Trà ngon!”.
Nhan Tử La cười giả lả: “Không có thành ý”.
Hôm sau, Nhan Tử La leo núi nên đau chân, nói phải nghỉ ngơi một ngày, Dận Chân bèn cười.
Buổi c ngày thứ ba, Nhan Tử La nghỉ ngơi lại sức rồi tiếp tục kéo Dận Chân đi vịnh Minh Nguyệt, nghe nói nơi đó rất đẹp, tiện thể ngắm trăng luôn.
Vịnh Minh Nguyệt chỉ có một con đường núi mòn đi qua rừng, thông với thế giới bên ngoài, con đường mòn này khúc khuỷu gập ghềnh, hai bên đường là những loại cây ăn quả như mơ, cam, dâu, hạt dẻ... cành lá sum suê, tầng tầng lớp lớp. Dưới tán cây là thảm cỏ xanh mướt, thỉnh thoảng có những nơi còn xuất hiện bóng trúc lao xao. May mà đi sớm, Nhan Tử La cùng Dận Chân và một đoàn người vượt rừng băng núi, tới tận khi hoàng hôn mới đến được thôn làng của vịnh Minh Nguyệt.
“Rõ ràng là cõi bồng lai!” Nhan Tử La kinh ngạc, đi giữa thôn làng mà cũng bờ ruộng dọc ngang, nhà cửa ngay ngắn, thỉnh thoảng gặp mấy ông già và đám trẻ con, họ đều nhìn bọn nàng cười thân thiện.
Chầm chậm đi suốt dọc đường, đã được nhìn thấy suối Hoa My trong thơ và cả cây long não cổ ngàn năm, bến thuyền cổ, còn đến cổ tự thắp hương lễ Phật.
Đợi khi trăng lên, Nhan Tử La và Dận Chân mới tới đài Vọng Nguyệt. Trải qua hai nghìn năm phong ba bão táp, Vọng Nguyệt đài trông đã cũ kĩ đi nhiều, hơn nữa Nhan Tử La còn thấy, rất nhiều thôn dân ăn xong cơm tối đã đến đây ngắm trăng rồi, vì vậy Vọng Nguyệt đài vô cùng náo nhiệt. Nhưng nghe những âm điệu thuần nông chất phác của họ thật dễ chịu vô cùng.
“Hai người là người nơi khác phải không?”, một bà cụ già cười hỏi họ.
“Vâng ạ, nơi khác đến”, Nhan Tử La cũng cười đáp lời.
“Hằng năm rất nhiều người tới chỗ chúng tôi để ngắm trăng, người gì cũng có, người làm ăn, người đọc sách, còn có cả quan nữa, mấy năm trước có một tuần phủ đến, rất hùng dũng”, bà cụ vui vẻ tiếp thị trăng.
“Hả? Thật không ạ? Ánh trăng ở đây quả nổi tiếng, đẹp hơn những nơi khác”, Nhan Tử La cười nói.
“Haizz, vị phu nhân này, muốn dỗ cho bà già vui hay sao, tôi đã ngắm bảy mươi mấy năm rồi, chẳng phải cũng là một mặt trăng à? Nhưng vì nơi đây Ngô vương và Tây Thi đã tới ngắm trăng nên mới nổi tiếng thôi!”, bà cụ cũng nói.
Nhan Tử La và Dận Chân nhìn nhau, sau đó cười gật gật đầu với bà cụ.
Bà cụ ngắm trăng một lúc, vừa hay có các bà lão khác cũng đến, liền qua đó ngồi chuyện trò.
Nhan Tử La ngắm trăng, khẽ hỏi Dận Chân: “Ông lão, chàng nói xem tại sao ngày xưa Phù Sai và Tây Thi đến đây ngắm trăng?”.
“Cao Khởi[3] nói trăng sáng chỗ nào cũng có, chỉ trăng nơi này là đẹp!”, Dận Chân cũng khẽ đáp.
[3] Cao Khởi (1336 – 1373), là nhà thơ nổi tiếng đầu thời Minh.
“Nói thực, thiếp cảm thấy ngồi trong viện tử ngắm trăng cũng thế”, Nhan Tử La nói tiếp.
Mấy năm nay nàng ngắm trăng không ít, ở Bắc Kinh, trên thảo nguyên, ở Tây Hồ... ánh trăng vẫn là ánh trăng ấy, trên mặt trăng cũng chẳng có thêm hai con thỏ.
“Thực ra, rất nhiều người đều nghĩ như thế”, Dận Chân nói.
“Vậy mọi người còn chạy tới đây làm gì? Còn viết thơ để khen tặng nữa”, Nhan Tử La vẫn nhìn trăng nói.
“Nếu không làm thế thì chẳng phải đi vô ích sao.” Dận Chân mỉm cười.
“Đại gia, thiếp phát hiện gần đây chàng nói chuyện rất thú vị, đến cổ nhân cũng lôi ra chế giễu rồi”, Nhan Tử La cười nói, ánh mắt rời khỏi trăng, quay sang nhìn chàng.
“Nói thật thôi!”, Dận Chân đáp. Năm mươi mấy năm, ánh trăng vẫn thế, chỉ có lần cùng Nhan Tử La ngắm trăng ở Nhan trang đó, mới cảm thấy hình như có chút khác biệt.
Nhan Tử La cười.
Ngắm trăng một lúc, họ ra khỏi Vọng Nguyệt đài, men theo con đường đá trong làng chầm chậm đi dạo, ngắm dân cư, ngắm bóng núi phía xa xa, ngắm cả trăng nữa.
“Nơi này thật tuyệt, cảnh đẹp, người cũng tốt”, Nhan Tử La nói.
“Xây một viện tử đi!”, Dận Chân gợi ý, chàng cũng thích nơi này, khiến người ta có cảm giác thoải mái và nhẹ nhõm như được xa rời trần thế.
Nhan Tử La nghiêng đầu nhìn Dận Chân: “Học được cách mua đất xây nhà tán gia bại sản rồi à?”. Nàng mua đảo Điếu Tiểu Ngư, xây nhà trên Phiêu Miểu Phong đều bị chàng cười giễu, lần này chàng lại chủ động tiêu tiền.
“Ta thích nơi này!”, Dận Chân trả lời.
“Thiếp cũng thích”, Nhan Tử La cười nói.
Thế là, dưới ánh trăng vằng vặc, họ vừa đi vừa nhìn ngó... tìm đất nền.
Đêm lạnh, Nhan Tử La và Dận Chân cùng đoàn người lên đường quay về.
Một tháng sau, Nhan Tử La và Dận Chân mua một viện tử đã được xây sẵn, không lớn, chỉ có ba gian. Hai người mang theo vài a hoàn và mấy người dưới tới, mỗi lần là ở liền ba tháng.