Holmes không đụng một tý nào đến bữa điểm tâm, cứ ngồi chống tay xuống bàn, ngắm nghía mãi một tờ giấy vừa lôi ở một bì thư ra. Anh đưa bì thư ra ánh sáng, chăm chú xem xét cả trong lẫn ngoài :
- Tuồng chữ của thằng Porlock. Mặc dầu tôi chưa nhìn thấy tuồng chữ nó đến hai lần, nhưng chắc chắn đây là của nó. Nhưng thằng này mà phải gửi thư cho tôi thì nhất định là có chuyện quan trọng.
- Porlock là ai vậy? - Tôi tò mò hỏi.
- Porlock chỉ là một cái tên giả, một loại ký hiệu để nhận ra nhau thôi. Đằng sau cái tên ấy là một thằng tinh như ma. Đã có lần nó viết thư nói thẳng thừng rằng Porlock đâu có phải tên thật của nó, và nó thách tôi tìm xem nó là ai. Sở dĩ tôi chú ý nhiều đến nó, không phải vì bản thân nó mà chính vì nó có liên quan đến một “đại nhân” mà tôi đang theo dõi. Thằng này cũng giống như kiểu con chó rừng đi trước con sư tử, một thằng người tý hon hợp tác với một tên khổng lồ vậy. Mà cái tên khổng lồ đó, chẳng những rất ghê gớm, mà còn khủng khiếp nữa kìa. Watson, đã có lần nào tôi nói với anh về giáo sư Moriarty chưa?
- Tên tội phạm khoa học trứ danh ấy chứ gì?
- Chết, anh mà gọi hắn như vậy, thì anh sẽ phải ra tòa. Mà chính cái chỗ đó mới là tuyệt đấy. Hắn, một thằng chủ mưu của tất cả những gì bẩn thỉu nhất đã xảy ra từ trước đến nay. Một bộ óc chỉ huy tất cả các tầng lớp cặn bã nhất của xã hội. Thế nhưng, không hề có một mối nghi ngờ, thậm chí không có cả một lời phê bình nhỏ nào có thể đụng đến lông chân hắn. Hắn đã che giấu những thủ đoạn của hắn khéo đến mức hắn có thể lôi anh ra tòa chỉ vì mấy câu nói vừa rồi, và tòa sẽ tịch thu hết số tiền lương hưu trí của anh để đền bù danh dự cho hắn. Nhưng rồi thế nào chúng ta cũng phải đấu với hắn thôi.< /p>
Tôi bốc lên :
- Mong rằng lúc ấy, tôi sẽ có mặt bên cạnh anh. Nhưng mà anh đang nói về tên Porlock kia mà.
- À, Porlock chính là một mắt xích trong sợi dây xích, gần mốc trung tâm đó. Cho đến bây giờ, Porlock là mắt xích yếu nhất của sợi xích. Sức bền của một sợi dây xích tùy thộc vào mắt yếu nhất của nó. Chính vì thế mà thằng Porlock là rất quan trọng đối với tôi, thằng này đôi lúc cũng có ý trở lại con đường lương thiện, lại thêm, lâu lâu, tôi có gửi cho anh ta mươi bảng, thành ra đã có hai, ba lần, nó có báo cho tôi một vài tin tức có giá trị, các loại tin tức có thể giúp tôi biết trước và ngăn ngừa tội ác, nhưng không trừng phạt được kẻ định gây ra. Chắc chắn là nếu có chìa khóa giải được mật mã, thì lá thư này cũng là loại tin tức ấy đấy.
Holmes trải tấm giấy lên bàn, tôi đứng dậy, đi lại đằng sau, nhìn qua trên vai anh và đọc được những giòng chữ này :
“534 C2 13 127 36 31 4 17 21 41
DOUGLAS 109 293 5 37 BIRLSTONE
26 BIRLSTONE 9 47 171”
- Anh nghĩ gì thế, Holmes?
- Tất nhiên đây là một cách để hắn báo tin cho tôi đấy.
- Nhưng viết mật mã mà không cho chìa khóa giải thì có lợi ích gì?
- Trong trường hợp cụ thể này, thì bức mật mã này đúng là không làm gì được.
- Tại sao lại nói rằng “trong trường hợp cụ thể này”.
- Bởi vì có nhiều bức mật mã ta có thể đọc dễ dàng cũng như đọc tin rao vặt trong báo vậy. Nhưng lần này... tôi đứng trước một cái gì có khác đây. Rõ ràng nó có liên hệ đến các chữ trong một trang của một cuốn sách nào đó.
- Thế tại sao có hai chữ Douglas và Brilstone
- Tại vì trong trang sách đó không có hai chữ này.
- Thế thì tại sao nó lại không nói rõ tên cuốn sách?
- Có ai cho cả mật mã lẫn chìa khó giải vào trong cùng một bì thư? Vì nếu thư bị đưa nhầm người thì tiêu ngay. Cho nên chắc không lâu đâu, sẽ có một bức thư thứ hai nữa.
Những dự đoán của Holmes đều đúng cả. Chỉ vài phút sau, người giúp việc mang đến cho chúng tôi bức thư chờ đợi. Holmes vừa xé bì thư vừa nhận xét :
- “Cũng cùng một thứ chữ, nhưng lần này thì lại ký tên nữa” - Holmes vừa trải tờ giấy ra vừa nói một cách đắc thắng - “Này Watson ơi, chúng ta tiến lên được rồi”
Nhưng vừa đọc được vài dòng, trán Holmes bỗng nhăn lại.
- Thế là bao hy vọng tan vỡ như bọt xà phòng, chỉ mong thằng Porlock không bị gãy cổ.
Holmes đọc to bức thư cho tôi nghe :
“Ông Holmes thân mến.
Trong vụ này tôi sẽ không mạo hiểm thêm nữa. Nó nguy hiểm quá. Thình lình lão đến, vào lúc tôi đã viết xong phong bì này với ý định báo cho ông biết cách giải mã, tôi đã giấu được cái bì thư đi. Nhưng tôi đọc trong mắt lão, thấy lão nghi ngờ tôi. tôi xin ông hãy đốt bức mật mã đi, vì bây giờ nó chẳng còn có ích gì cho ông nữa.
Fred Porlock”.
Holmes ngồi xuống, vò nát bức thư trong tay mắt nhìn sững vào ngọn lửa trong lò sưởi.
“Có lẽ hắn tự biết là hắn đã phản bội chủ hắn, nên hắn tưởng tượng ra lời buộc tội trong mắt của lão kia”.
- Lão kia là lão giáo sư Moriarty? - Tôi hỏi.
- Khi một tên trong cái băng này nói đến “lão ta” thì mọi người đều hiểu là ai rồi. Đối với bọn chúng, chỉ có một “lão ta” mà thôi.
- Nhưng lão có thể làm gì được?
- Khi người ta là một trong những bội óc lớn nhất của Châu Âu và được những quyền lực đen tối nhất sùng bái, thì người ta đã nắm trong tay những khả năng vô hạn. Porlock đang hoảng sợ. Anh đem so sánh chữ trong bức thư với chữ trên phong bì mà xem. Chữ ở cái phong bì thì viết rắn rỏi, còn trong bức thư thì run quá.
- Thế hắn viết thư làm gì? Hắn chỉ việc bỏ rơi tất cả là xong.
- Hắn sợ rằng nếu đột nhiên hắn lại câm bặt đi thì rồi mình sẽ đi điều tra xem tại sao, và điều đó có thể gây phiền phức cho hắn.
- Anh nói có lý, lẽ dĩ nhiên là...
Tôi cầm bức mật mã lên quan sát thật cẩn thận :
- ... Bực thật, một điều bí mật rất quan trọng đã được viết trên mảnh giấy này, mà lại không làm sao đọc được.
Holmes đẩy mâm thức ăn ra, rồi đốt cái tẩu thuốc.
- Anh thử xem lại. Liệu có một vài cho tiết nào đó mà cái bộ óc quỷ quái của anh đã để lọt lưới chăng? - Tôi đề nghị.
- Nào, ta hãy xét bài toán này về phương diện lý trí thuần túy xem sao. Thằng Porlock nó chỉ cho ta là phải chiếu vào một cuốn sách nào đó. Đấy. Điểm bắt đầu là từ đấy.
- Cũng mơ hồ quá đi thôi.
- Thì chúng ta làm cho rõ hơn? Chúng ta có những chỉ dẫn gì về cuốn sách này?
- Chẳng có gì cả.
- Ồ, ồ, bản mật mã bắt đầu từ con số 534 phải không? Ta đặt giả thiết đây là con số của trang sách. Như thế thì cuốn sách này khá dầy đấy. Thử xem có còn những chỉ dẫn nào nữa về cuốn sách này không? Mã hiệu thứ nhì là chữ C2. Anh nghĩ gì về chữ C2 này.
- Chương 2, chắc thế.
- Tôi ngờ là không phải, vì đã ghi số trang thì số chương không cần thiết nữa. Vả lại nếu trang 534 mà lại mới chỉ ở chương 2, thì bề dày của cuốn sách là không thể tưởng tượng được.
- Không phải chương 2, mà là cột - Tôi kêu lên.
- Hoan hô, sáng nay óc anh sáng chói như một ánh chớp vậy. Ta đã hình dung ra một cuốn sách dày, in hai cột, mỗi cột khá dài. Vì trong bản mật mã của ta có một chữ mang đến con số 203. Nếu đây không phải là một cuốn sách thường dùng, thì nó đã gửi cho mình cuốn đó. Theo trong thư thì trước khi bị “lão kia” bắt gặp, nó có ý định gửi cho ta cái khóa giải mã ở ngay trên bì thư này. Điều này có nghĩa đây là một cuốn sách mà mình có thể dễ dàng có được ngay. Một cuốn sách mà nó có, và nó nghĩ rằng mình cũng có, nghĩa là một cuốn sách rất phổ biến.
- Có lý lắm.
- Vậy cái diện điều tra sẽ được giới hạn vào một cuốn sách dầy, in hai cột, và thông dụng.
Tôi kêu lên một cách đắc thắng :
- Cuốn Kinh Thánh.
- Tốt, tốt. Nhưng mà không tốt lắm. Kinh Thánh thì có biết bao nhiêu là bản in khác nhau, làm sao mà Porlock biết được là bản của nó với bản của mình có cùng một số trang như nhau. Không. Đây phải là một cuốn sách in đồng loạt, và Porlock phả biết chắc chắn rằng số trang 534 là có trong cuốn sách của mình kia.
- Như thế là có thể thu nhỏ diện tích tìm kiếm lại nữa.
- Đúng thế. Cuộc tìm kiếm của chúng ta hướng về những cuốn sách in hàng loạt mà nhà nào cũng có.
- Cuốn “Chỉ dẫn giờ tàu hỏa”.
- Ngôn ngữ trong cuốn này quá khô khán, không dễ gì dùng những chữ ở trong đó để tạo nên một bức thơ. Chúng ta loại bỏ cuốn “Chỉ dẫn giờ tàu hỏa”. Cũng loại bỏ cuốn tự điển vì những lý do đó. Thế thì còn gì nữa nào?
- Một cuốn Lịch niên giám.
- Xuất sắc. Nào ta thử xét cuốn Lịch niên giám xem, nó rất thông dụng, nó có đủ số trang đòi hỏi, nó in trên hai cột, ở quãng đầu thì ngôn ngữ của nó có hạn chế thật, nhưng phần cuối nó cũng hùng biện lắm đấy...
Holmes giật lấy cuốn sách để trên bàn.
- Đây, trang 534 cột 2, mình thấy một bài văn tràng giang đại hải nói về nền thương mại và những tài nguyên của xứ Ấn Độ thuộc Anh, Watson, anh ghi các chữ này lại đi. Số 13 là chữ “Mahratta”. Hứ, cái bắt đầu này có vẻ bất lợi rồi, chữ số 127 là “Chính phủ”, cũng còn có ý nghĩa một chút, nhưng chẳng có liên can gì đến chúng ta và giáo sư Moriarty cả. Bây giờ cứ thử nữa xem, Chính phủ làm gì? Than ôi, chữ sau là “lông heo” thôi thế là hết. Chúng ta đã thua cuộc...
Holmes nói với một giọng hài hước nhưng cay đắng. Nản lòng, tôi cũng ra ngồi cạnh lò sưởi. Sự im lặng kéo dài, bỗng nhiên bị phá vỡ bởi một tiếng kêu của Holmes. Anh chạy vội đến chiếc tủ đứng và moi ra một cuốn sách dày cộm khác, bìa màu vàng.
- Tại vì chúng ta muốn đi trước thời đại. Hôm nay là ngày mùng 7 tháng giêng, cho nên chúng ta mới đi tra cứu một cuốn lịch niên giám năm mới. Nhưng chắc chắn là Porlock đã dùng một cuốn lịch năm ngoái, và có lẽ nó đã nói rõ cho chúng ta biết điều này nếu như nó viết được lá thơ chỉ dẫn. Nào, thử xem cái trang 534 có cái gì nào? Số 13 là chữ “một”. A, có vẻ hứa hẹn rồi. Số 127 là “nguy hiểm”.
Mắt Holmes long lanh lên. Những ngón tay thon nhọn của anh cứng đờ ra trong lúc anh lẩm bẩm đếm chữ.
- À! Một nguy hiểm... Ghi lại đi Watson, ghi “một nguy hiểm... cấp bách... đang đe dọa một người tên là... Ở đây chúng ta có chữ “Douglas” một người giàu có trong tỉnh Birlstone, lâu đài Birlstone. Xác thực khẩn cấp...” [1]. Đó Watson. Nếu anh bạn tạp hóa ở đầu phố mà có bán một vòng hoa thì tôi sẽ cho đi mua về để tự tặng thưởng cho mình.
Tôi đọc lại bức thư kỳ lạ mà tôi đã ghi nguệch ngoạc trên giấy khi Holmes đang giải mã, và thở dài :
- Vì sao lại tìm một cách phức tạp đến thế này để viết vài câu.
- Trái lại, thằng Porlock đã hành động xuất sắc đấy. Nếu định tìm chữ trong một cột thôi thì sẽ khó mà tìm cho đủ chữ để nói hết ý nghĩ. Ở đây trái lại, nội dung thư là hoàn toàn rõ ràng. Người ta đang âm muu chống lại một người nào đó tên là Douglas, chắc chắn là một tay địa chủ giầu có ở tỉnh. Porlock biết đích xác là sự nguy hiểm rất cấp bách. (Nó không tìm thấy chữ “đích xác” [2] trong cột in chữ nên phải dùng chữ “xác thực”).
- Chúng ta vừa làm được một công trình kiệt tác về phân tích.
Holmes vui như một nghệ sĩ chân chính trước một tác phẩm thành công nhất của mình, và anh đang còn giữ một nụ cười trên môi, thì Billy mở cửa để cho viên thanh tra MacDonald của Scotland Yard bước vào.
Chuyện này xảy ra vào những năm 80 [3]. Vào thời ấy, Alec MacDonald là một trinh thám trẻ, năng nổ, cũng đã có đôi chút thành tích trong một vài vụ án... Cả cái vóc người to lớn, cũng chứng tỏ sức mạnh phi thường của anh ta. Trán rộng, đôi mắt sáng nằm sâu trong hai hốc mắt, lông mày rậm rì. Đó là một chàng trai ít nói, tính tình nghiêm nghị, đứng đắn. Holmes đã có dịp giúp anh ta thành công một đôi lần và không chịu nhận bất cứ một ơn huệ nào. Điều này giải thích được tại sao người thanh tra xứ Ecosse này kính trọng và yêu mến anh bạn đồng nghiệp tài tử của mình.
Holmes đon đả chào hỏi :
- Ông là một loài chim dậy sớm, xin chúc ông nhiều may mắn trong khi đi săn sâu bọ sáng nay, nhưng tôi sợ rằng ông đến vào giờ này không khéo lại có một chuyện chẳng lành xảy ra.
Viên thanh tra trẻ trả lời với một nụ cười tâm lý :
- Ông Holmes, nếu ông thay chữ “tôi sợ rằng” bằng chữ “tôi mong rằng” thì có lẽ ông gần sự thật hơn. Không, tôi không hút thuốc đâu, cám ơn. Tôi phải lên đường ngay bây giờ, vì những giờ đầu tiên của một vụ án là những giờ có ích lợi nhất, nhưng...
Viên thanh tra bỗng ngưng bặt, ông ta vừa thấy tờ giấy trên đó tôi đã ghi lại lời giải mã, ông ta há hốc mồm nhìn tờ giấy.
- Douglas, Birlstone, thế này là thế nào, ông lấy những cái tên này ở đâu ra vậy?
- Đây là một bức mật mã mà bác sĩ Watson và tôi vừa giải ra. Nhưng sao những cái tên này làm ông phải bối rối?
- Một ông tên là Douglas ở lâu đài Birlstone vừa bị ám sát sáng hôm nay. - MacDonald nói.