Thất Hiệp Ngũ Nghĩa Chương 3

Chương 3
Trừ yêu mị, Bao Văn Chính kết duyên; Chịu hoàng ân, Định Viễn Huyện phó nhậm

Lúc Bao Hưng thấy tờ cáo bạch, chen vào hỏi người giữ giấy rằng: "Đường từ đây lại làng ẩn Dật, độ bao xa?". Người ấy đáp: "Ước chừng ba dặm, nhưng em là ai lại hỏi thơ thẩn như vậy?" Bao Hưng nói: "Chẳng cần phải biết tôi là ai, chỉ nên biết thầy tôi là người kinh thần khốc quỉ, trừ quỉ ma như chơi; tróc yêu tinh nháy mắt, nhưng ngặt có một điều là thầy tôi chẳng bao giờ chịu khoe danh ra mặt, nay nhân thấy nhà họ Lý khẩn cầu, tôi vui miệng nói cho các anh tới cầu khẩn họa may chờ tôi không dám chắc. Mà tôi dặn trước cho, nếu người có từ chối, thời có một mực năn nỉ có lẽ người sẽ động từ tâm mà giúp liền"? Người ấy nói: "Nếu tôi phải lội gai đạp lửa mà thầy anh giúp tôi cũng chẳng nề ". Nói đoạn giục Bao Hưng dắt đi. Bao Hưng cười thầm dắt thẳng về quán. 

Bao Công thấy Bao Hưng đi lâu, đương ngồi trông, thấy Bao Hưng bước vào trước liền mắng cho một chập. Bao Hưng gục đầu giây lát, mới đem chuyện họ Lý cầu thầy thỏ thẻ nói lại. Bao Công nghe nói cả giận mắng rằng: "Thật mày lôi thôi quá. Chuyện gì mà phải bận lòng đến những chuyện không thể làm được". Bao Hưng lặng im không dám nói nữa, đằng hắng ra hiệu, Lý Bảo (người nhà của họ Lý đi dán cáo bạch cầu thầy) dưới lầu đi lên quỳ trước mặt Bao Công bẩm rằng: "Muôn lạy thầy, tôi là Lý Bảo vâng lệnh chủ mẫu rước thầy chữa bệnh cho tiểu thư, may gặp anh học trò đây bảo cho biết rằng thầy thần thông quảng đại, pháp lực vô biên, nên tới khẩn cầu xin thầy xuống dạ từ bi, cứu tiểu thư tôi khỏi nạn". Nói rồi cúi đầu lạy dài. Bao Công nói: "Thật quản gia khéo nhẹ tính quá, nghe lời thằng đó mà nhọc công, tôi nào có phép tắc gì mà trừ tà trị bệnh". Bao Hưng đứng bên xen lời rằng: "Xin thầy lấy dạ từ bi ưng chịu, quản gia thật thành tâm, mà lẽ nào từ chối cho đành". Bao Công nghe nói trợn mắt nguýt Bao Hưng và mắng rằng: "Đồ chết dẫm, tao không biểu mày lẻo mép". Và day qua nói với Lý Bảo rằng: "Đó là lời nó nói xàm, tôi không hề trị bệnh trừ ma bao giờ". Lý Bảo nghe nói bèn lạy nữa và năn nỉ rằng: "Nếu thầy không chịu thời Chủ mẫu tôi trách mắng rằng tôi không hết lòng cầu thỉnh, vì khi nãy tôi mách với người trong làng rằng có gặp thầy pháp thuật cao cường có thể cứu tiểu thư tôi được". Bao Công trong bụng giận Bao Hưng lắm, song thấy Lý Bảo năn nỉ quá, bèn nghĩ thầm ràng: "Người xưa có nói: Tà mị hay kiêng người chánh trực. Bao mỗ này bản tính chân chính, vậy ta thử đem chân chính tới đàn áp tà mị thử coi sao, nếu không linh nghiệm chừng ấy ta sẽ kiếm kế thoát thân cũng chẳng muộn". Nghĩ rồi ngó Lý Bảo mà rằng: "Thôi! Ta chẳng nỡ bỏ lời quản gia mà hóa ra phụ lòng. Vậy thời chúng ta cùng đi". Lý Bảo mừng rỡ vô cùng xá lia lịa, đứng dậy đi trước dẫn đường. Ra khỏi Vọng Xuân lầu thấy người tựu đông như kiến, cố ý đón xem Pháp sư. Hai thầy trò Bao Công cứ đi theo Lý Bảo thẳng tới Lý phủ. Lý Bảo vào trước báo tin. 

Lý đại nhân là chủ Lý Bảo đó chẳng ai đâu lạ, vốn là quan Lại bộ tên Lý Văn Nghiệp, vì tuổi già không muốn làm quan, nên xin về hưu để hưởng thú tĩnh mịch, phu nhân là Trương Thị. Vợ chồng họ Lý không có con trai, chỉ sinh một gái, nhân dạo hoa viên bị tà ma khuấy phá, nên phu nhân sai bọn Lý Bảo đi các nơi tìm thầy cứu gỡ. Hôm ấy, vợ chồng đương ngồi trong nhà bàn luận bệnh tình của tiểu thư, thấy Lý Bảo vào bẩm đã thỉnh được Pháp sư, mà là người thiếu niên nho nhã. Lý lại bộ nghĩ rằng: "Quái lạ! Đã là nho lưu đọc sách thánh hiền sao lại còn dư ngày giờ mà làm việc dị đoan nữa". Liền dạy Lý Bảo mời vào thư phòng. Bao Công vào, Lý Bảo dâng trà xong, thấy Lý lại bộ tới, rõ người quý tướng, dung mạo đoan trang, tóc râu đều bạc. Bao Công bước tới thi lễ rằng: "Vãn sinh ra mắt tôn quan". Lý lại bộ xem thấy Bao Công tướng mạo thanh kỳ, phong thái hiên ngang thì vội vàng đáp lễ, phân ngôi chủ khách. Lý lại bộ hỏi qua căn cớ vì sao mà đi tới đây. Bao Công đem việc mình đi thi bị cướp, thuật lại cặn kẽ không giấu giếm chỗ nào. Lý lại bộ thấy Bao Công ăn nói lanh lợi trơn tru mới hỏi về học vấn. Hễ hỏi một Bao Công đáp mười, không vấp váp lời nào cả. Lý lại bộ cả mừng thầm tưởng: "Người này cốt cách thanh kỳ, lại học hành sâu rộng, sau này có lẽ là bậc trên người". Liền cắt Lý Bảo ở lại hầu hạ, còn mình lui vào nhà trong. 

Chiều lại, Bao Công đương nằm nghỉ tại thư phòng, phu nhân sai người hỏi: "Coi phải sắm sửa những gì để thiết đàn trị quỉ". Bao Hưng hớt nói: "Phải có ba cái bàn lớn, một cái ghế ngồi, đem bày trong phòng tiểu thư, bàn trải vải phủ, lại phải có một nghiên châu sa, một tờ giấy vàng, một thanh bảo kiếm, một quản bút mới, lọ hương, bình bông cho đủ, cả thảy đều phải cho tinh khiết. Chờ thầy ta định thần dưỡng tính tới chừng canh hai sẽ lên đàn". Lý Bảo chạy đi một lát trở lại nói với Bao Hưng rằng: "Các thứ đã lo đủ cả rồi". Bao Hưng liền đi vào phòng chỉ cho Lý Bảo bày biện, rồi trở về thư phòng thấy Bao Công nằm ngủ ngáy pho pho, liền kêu lớn lên một tiếng. Bao Công tỉnh giấc nói: "À! Được! Mày về đây, thôi để tao ngủ một giấc". Bao Hưng đáp: "Chưa được, vì phu nhân có lệnh mời lên đàn trị quỉ sao thầy chưa đi". Bao Công ngồi dậy dụi mắt mắng rằng: "Đồ chết dẫm, mi hại ta, chứ ta biết phù phép gì mà trị tà trục quỉ?" Bao Hưng nói: "Khổ không? Tôi đã nhọc bao nhiêu sức, nhức óc mệt trí, để kiếm cho thầy một bữa cơm ngon, một nơi ở sướng, thế mà còn mắng à! Tục ngữ có câu: Không công hưởng lộc ăn nằm chẳng yên. Vậy nay thầy cũng nên vào phòng xem sao, họa may nhờ chính khí mà tà mị trốn đi. vẹn toàn cả ơn và nghĩa nữa". Bao Công tự mình không biết tà quỉ là gì, nhưng Bao Hưng ép quá, cực chẳng đã phải đi. Bao Hưng thấy Bao Công chịu đi, liền ra hiệu một tiếng, thấy Lý Bảo đã chực sẵn ở ngoài hồi nào, bưng đèn vào rước. Bao Công và Bao Hưng theo vào ngự phòng của tiểu thư, thấy đèn đuốc huy hoàng, ghế bàn la liệt. Bao Hưng nói với Lý Bảo rằng: "Tới giờ thiết pháp, những người không được tinh khiết phải lánh cho xa, đừng léo hánh vào mà mất linh nghiệm". Lý Bảo vâng dạ đuổi cả thị tỳ và mình cũng xuống hậu đường, để chỗ cho thầy trò Bao Hưng thiết pháp. 

Bây giờ Bao Hưng mới bước lại gần bàn đốt hương lên, rồi gật đầu lạy ba lạy. Bao Công thấy thế cũng tức cười, song cố nhịn. Bao Hưng lạy xong lại cầm bút chấm son, phạch giấy ra, suy nghĩ một lát, thình lình tay quây lia lịa, như có người kéo dạy cho viết thành một câu: "Đào khí, đào khí. Đả cai, đả cai". Viết xong lại lật đật xếp đốt rồi bước xuống, thấy Bao Công còn ngồi sững vội nói: "Sao thầy không lên đài ngồi". Bao Công không biết nghĩ sao phải lên ghế giữa ngồi, xem thấy trước mặt có một thanh kiếm, một nghiên son, một quản bút, một tờ giấy, bất giác sinh ra cảm hứng, vội vàng cất bút chấm son. Đương lúc suy nghĩ thình lình như có ai kéo tay, viết đầy tờ giấy, mà cũng không biết là viết những gì, vừa muốn đọc lại, bỗng nghe tiếng la hoảng ở ngoài, vội vàng xách kiếm chạy ra xem, thấy Lý Bảo mặt mày hơ hải kêu líu lưỡi. Bao Công hỏi có chuyện gì, Lý Bảo đáp: "Mới vừa ra tới viện, bỗng thấy một đạo bạch quang xông lên, làm cho hồn phách tôi tản lạc cả". Bao Hưng nghe thế liền nói rằng: "Phải! Tôi đã bảo anh khi nãy, nếu thầy cỏ thiết pháp thời đừng có lại đây, vì anh không nghe lời mới có chuyện lôi thôi như vậy". Lý Bảo đáp: "Lão gia tôi nhận thấy thầy thức khuya e mệt, nên sai ra dẹp đàn, đặng thầy về nghỉ cho sớm". Bao Công nghe nói hối bảo Bao Hưng xách lồng đèn trở về thư phòng an nghỉ. Còn bọn Lý Bảo dọn dẹp bàn ghế thấy có bức giấy vàng vẽ chữ son và thanh gươm, tưởng là của pháp sư để lại trấn yểm tà quái, liền đem vào trao cho bọn đầy tớ gái. Vừa quay ra, Lý lại bộ kêu bảo đem cho người xem. Lý Bảo lấy đem lại. Lý lại bộ kê vào đèn xem, không phải là phù chú gì, đó là một bài thơ tứ tuyệt: 

Giữa chốn rừng sâu kẻ chịu ơn 

Xui quăng bánh độc mới còn thân, 

Giếng sâu trước đã đem ra khỏi 

Nay giúp luôn nên cuộc hôn nhân. 

Lý lại bộ thấy trong thơ ẩn tàng sự tích không hiểu ra sao, mới kêu Lý Bảo sai ra dụ dỗ Bao Hưng dò hỏi lai lịch Bao Công, rồi mau mau trở về bẩm lại. Lý Bảo vâng lệnh đi liền. 

Nguyên lúc ban ngày Lý lại bộ chuyện vãn với Bao Công, thấy người tài cao học rộng, trở vào khoe với phu nhân và thêm lời rằng: "Gã ấy sau này chắc là bậc công hầu khanh tướng, chở chẳng vừa". Phu nhân nói: "Nếu vậy chừng y trị bệnh cho con ta mạnh, ta nên gả cho y, được sau này sẵn có bóng tùng nó gửi thân đằng cát". Lý lại bộ nói: "Lời phu nhân nói thật hợp ý tôi, song cũng phải chờ xem bệnh tình của con ra sao?". Vợ chồng bàn luận như vậy lại nghe Lý Bảo nói, tới canh hai Bao Công đăng đàn thiết pháp, nên lén sai Lý Bảo ra rình xem công cuộc. Ai dè Lý Bảo lại đem bức thư ấy vào, không rõ ý tứ làm sao, nên mới sai ra dò hỏi như vậy. 

Qua ngày sau bệnh tiểu thư quả thật thuyên giảm, Lý đại nhân và phu nhân rất vui mừng, lại vừa được tin Lý Bảo cho hay rằng: Cứ như lời Bao Hưng, bức thư ấy là trạng thái cảnh ngộ khốn nạn của Bao Công từ lúc nhỏ tới lớn, và chắc là Bao Công chưa gá duyên nơi nào cả. Lý lại bộ nghe qua cả mừng, và nghiệm chắc việc ấy là tinh hồ ly trả ơn cho Bao Công. Nay con gái họ Lý đã gặp gỡ duyên lành, nên vội vàng thay y phục chỉnh tề đi ra thư phòng. Lý Bảo chạy báo trước, Bao Công lật đật ra cửa nghênh tiếp; xem thấy Lý lại bộ mặt sắc mừng, dung nghi đoan chính. 

Khi ngồi xong, Lý lại bộ nói: "Tiểu nữ mang bịnh trầm kha đã bao lâu rồi, may nhờ hiền khiết cứu khỏi, ơn ấy quá nặng, không biết lấy chi đền. Lão phu vốn không trai, chỉ có một gái, ý muốn đưa cho hiền khiết sửa túi nâng khăn, gọi đáp chút ơn, song không rõ tôn ý thế nào, xin cho lão phu được biết". Bao Công đáp: "Dám thưa đại nhân, việc nhân duyên là việc trọng, vãn sinh không lẽ tự tiện, còn phải đợi lệnh cha mẹ và anh chị mới được". Lý lại bộ nghe nói cười hì hì, thò vào tay áo móc tờ giấy vàng trao cho Bao Công và nói: "Hiền khiết xem thử giấy này, bất tất phải từ chối". Bao Công xem qua, quả bút tích của mình, thẹn đỏ mặt và nghĩ thầm rằng: "Đêm qua lúc ta hoảng hốt, sao lại viết nên những câu này? À! Ta còn nhớ thuở nhỏ chăn trâu trên núi, lúc mưa to sấm dữ, gặp một đứa gái rồi biến mất đi, đó không chừng là hồ ly, nên sau này cứu ta mấy phen khỏi hại, và nay xui khiến cho ta nên được lương duyên". Lý lại bộ thấy Bao Công ngồi trầm ngâm suy nghĩ bèn nói rằng: "Hiền khiết hà tất phải nghĩ ngợi, đó chẳng là tà mị khuấy phá đâu, mà thật là lương duyên trời định, vậy hiền khiết chớ nên bỏ lòng lão phu tội nghiệp". Bao Công không biết từ chối sao, liền nói: "Đại nhân đã không chê bần tiện mà thương đến thân này, tiểu sinh đâu dám chẳng ưng, song còn một chuyện xin thưa rõ, là bao giờ lên kinh thi Hội xong, trở về bẩm lại với cha mẹ anh chị, rồi sẽ lo sính lễ". Lý lại bộ nghe nói cả mừng vội buộc lời rằng: "Bậc đại trượng phu một lời đã nói như chạm sâu vào đá, không thể quên được, lão phu chỉ trông mong bao giờ tin lành đưa tới là xong". Nói rồi lui về sai người bày tiệc mời Bao Công tới khoản đãi, chén tạc chén thù, luận thi luận phú; nào là mưu lược tề gia, nào là phương châm trị quốc. Bao Công đối đáp như nước chảy mây tuôn, Lý đại nhân đẹp lòng khôn xiết. Cầm hai thầy trò ở chơi ba ngày phu nhân sắm sửa hành lý, cho tiền bạc, lựa ngựa hay và sai Lý Bảo theo hầu hạ. 

Thầy trò Bao Công từ giã Lý lại bộ và phu nhân rồi lên đường. Gió hốt bụi hồng, cát lầy móng ngựa. Đi được vài ngày thấy phong cảnh kinh kỳ hiện ra trước mặt. Ba thầy trò vui vẻ đi tới. Khi vào thành, thuê một gian phòng rất sạch sẽ yên tĩnh, để làm nơi ăn ở và đọc sách, chờ tới ngày mở hội, chen mình vào chốn khoa trường. 

Nay nói qua việc quốc chính trong triều. Từ lúc Chân Tôn hoàng đế băng hà, Nhân Tôn kế vị, phong Lưu hậu là Thái hậu, lập Bàng phi làm Hoàng hậu, cất Quách Hòe lên làm Tổng quản đô đường, Bàng Kiết làm Quốc trượng gia phong Thái sư. Bàng Kiết vốn người gian nịnh ỷ mình cầm được quyền thế, lại có vây cánh rất đông và thấy vua còn nhỏ tuổi, nên ý muốn chuyên quyền, song Nhân Tôn vốn là một vị Minh quân, tuổi tuy nhỏ mà tinh thông mọi việc, lại có bầy tôi trung nghĩa phụ tá nên luật pháp nghiêm minh, Bàng Kiết dẫu muốn làm gì cũng khó. 

Mùa xuân năm ấy, Bàng Kiết được vua phái làm Tổng tài trong hội thi, vì vậy mà sĩ tử phần nhiều đều trượt. Đến giờ yết bảng thấy tên Bao Công được chấm đậu Tiến sĩ, Hàn lâm viện vâng chỉ truyền lô, sắc tấn phong Bao Công làm Tri huyện Định Viễn, thuộc phủ Phụng Dương. Bao Công lãnh sắc bằng rồi, thâu thập hành lý ra khỏi Kinh đô trở về cố quán. Vào lạy cha mẹ, ra mắt anh ruột chị dâu, tới thăm thầy. Bày tỏ những nỗi gian nguy trong lúc đi đường và thuật luôn việc kết thân với nhà họ Lý. Vợ chồng Viên ngoại nghe qua mừng rỡ và vui lòng quên đi chuyện cũ, lựa ngày tế tổ tông và tạ ơn Ninh Lão. 

Cách ít ngày Bao Công bái biệt cha mẹ, anh chị và thầy, cùng Bao Hưng, Lý Bảo lên đường nhậm chức. Đi gần đến huyện Định Viễn, Bao Công dặn Lý Bảo trông coi hành lý, còn mình và Bao Hưng thay xiêm đổi áo giả dạng kẻ hèn hạ, đặng đi do thám tình hình của dân. Ngày kia hai thầy trò Bao Công đi vào thành huyện Định Viễn, đương ngồi ăn cơm trong quán, chợt thấy ở ngoài bước vào một người, nhà hàng vội vã chào. Người ấy kéo ghế ngồi xong, nhà hàng bưng ra hai bầu rượu và hai cái chén. Người ấy hỏi: "Ta có một mình sao mi lại đem đến hai bầu rượu hai cái chén?". Nhà hàng đáp: "Hồi đại gia đi vào tôi thấy sau lưng có một người bỏ tóc xõa, máu me nhem nhúa đi theo, tôi tưởng là người hầu của đại gia, thế mà bây giờ đâu mất, không lẽ tôi ngủ đứng mà mê nên thấy bậy!". 

Ấy là: 

Kẻ dữ lập mưu giết chúng 

Hồn oan vấn vít báo cừu

Nguồn: truyen8.mobi/t97651-that-hiep-ngu-nghia-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận