Thầy Lang (Znachor) Chư 6a5f ơng 7

Chương 7
Chỉ một tuần sau, Va-sin khỏi sốt và ăn ngon miệng trở lại.

 

Cùng với niềm hy vọng, cậu vui vẻ hẳn lên. Khi thay băng, cậu nhăn nhó vì đau, nhưng vẫn cười đùa. Một mình ông An-tô-ni đích thân chăm nom cậu, còn khi ở cối xay, công việc nhiều quá thì đám phụ nữ chăm nom người bệnh.

Không có cách gì giữ bí mật đối với họ và có lẽ chính vì vậy mà tin về cuộc phẫu thuật lan đi khắp vùng. Bạn bè hay người quen của Va-sin ghé thăm cậu, nhân tiện đường trao đổi với cậu dăm ba câu. Các ả tò mò hơn thì tìm mọi cách điều tra để có chuyện mà kháo nhau. Có điều họ tránh mặt ông An-tô-ni, mỗi khi thấy ông trong nhà là họ liền tháo lui.



Cứ thế qua đi, tháng Mười, tháng Mười Một, tháng Chạp. Vào dịp lễ Thiên Chúa giáng sinh, Va-sin bắt đầu van nài ông An-tô-ni cho phép cậu thử sức. Song ông An-tô-ni chỉ đe một cách dữ tợn:

- Nằm yên đấy, đừng có mà động đậy gì hết! Tôi sẽ bảo khi nào được phép!

Mãi đến cuối tháng Giêng ông mới bảo rằng đã đến lúc có thể bỏ băng. Cả nhà đều muốn có mặt để chứng kiến chuyện ấy, nhưng ông không cho một ai vào cả. Chính ông cũng rất hồi hộp, tay ông run rẩy trong khi tháo băng.

Hai chân Va-sin còn gầy hơn trước, các cơ chân bị teo lại nhiều hơn. Nhưng sẹo lại lên da non rất tốt, và quan trọng hơn các cục u bướu cùng những chỗ cong mất hẳn.

Ông An-tô-ni thận trọng đưa tay ra dò từng phần một, sờ nắn xương chân qua làn da mỏng. Khi ấy ông nhắm nghiền mắt lại, dường như sợ nhìn sẽ bị cản trở hơn. Cuối cùng ông thở phào lẩm bẩm:

- Thử động đậy ngón chân xem nào... Còn bây giờ hãy thử động đậy gót chân xem... Có đau không?

- Không, không đau, - Va-sin đáp bằng giọng hổn hển vì quá xúc động.

- Giờ cháu hãy thử gập đầu gối vào...

- Cháu sợ.

- Dũng cảm lên, nào!

Va-sin thi hành mệnh lệnh rồi lệ long lanh trong mắt, cậu nhìn ông An-tô-ni.

- Cháu co được, cháu co được rồi!

- Khoan, đừng gập nhiều quá. Bây giờ cháu khẽ nhấc cái chân này lên...thế, bây giờ đến chân này...

Cố sức, run rẩy cả thân mình vì xúc động. Va-sin thực hiện những động tác được ra lệnh.

- Giờ thì hãy đắp chăn vào, nằm yên. Cháu sẽ nằm thêm một tuần nữa. Sau đó cháu sẽ dậy.

- Chú An-tô-ni!

- Cái gì?

- Nghĩa là...thế nghĩa là cháu... sẽ có thể đi lại được ư?

- Cũng như chú thôi. Dĩ nhiên không phải ngay lập tức. Cháu sẽ phải tập dần dần. Thoạt tiên cháu sẽ không đứng nổi trên hai chân cháu đâu, cũng như một đứa trẻ thôi.

Điều đó là sự thật. Mãi sau hai tuần sau khi tháo băng, Va-sin mới có thể bỏ gậy đi vòng quanh phòng. Khi ấy ông An-tô-ni gọi cả gia đình vào nhà ngang, ông lão Prô-cốp, bà lão A-ga-ta, cả hai người phụ nữ trẻ và cô bé Na-tan-ka.

Va-sin ăn mặc chỉnh tề ngồi sẵn trên giường đợi. Khi mọi người đã đông đủ, cậu đứng dậy đi vòng quanh bằng những bước chân chậm rãi và hãy còn yếu rất nhiều. Rồi cậu đứng giữa phòng và nở một nụ cười.

Khi ấy đám phụ nữ liền khóc òa lên, kêu la ầm ĩ hệt như nhà gặp phải chuyện gì không may vậy. Mẹ A-ga-ta ôm chặt con trai vào lòng run cả người vì thổn thức. Chỉ một mình ông lão Prô-cốp là đứng lặng yên, nhưng lệ chảy tùng giọt xuống hàng ria và bộ râu cằm của ông.

Khi thấy các bà vẫn vừa khóc vừa cười, ông Prô-cốp gật đầu ra hiệu cho ông An-tô-ni.

- Đi theo tôi.

Họ đi ra khỏi nhà ngang, đi vòng lên nhà trên và bước vào hiên.

- Đưa mũ của ông đây, lão Prô-cốp ra lệnh.

Lão cầm lấy mũ rồi biến mất vào sau cánh cửa phòng chừng mười phút, rồi đột nhiên mở cửa ra. Hai bàn tay lão nâng chiếc mũ chìa cho ông An-tô-ni.

- Của ông đấy! Cầm lấy! Toàn những đồng rúp vàng Sa Hoàng cả đấy. Đủ cho ông sống đến hết đời. Điều tốt lành mà ông đã làm cho tôi không tiền nào trả xiết, nhưng có đến đâu, tôi trả đến đấy. Ông cầm lấy!


Ông An-tô-ni nhìn lão rồi nhìn chiếc mũ: mũ đựng gần như đầy tràn những đồng tiền vàng nhỏ bé.

- Sao thế, ông Prô-cốp? - ông An-tô-ni lùi lại một bước. - Sao thế ông? Ông mất trí rồi chắc.

- Cầm lấy! - lão Prô-cốp nhắc lại.

- Tôi biết làm gì với thứ này?! Tôi không cần. Thôi đi, ông Prô-cốp. Tôi làm có phải vì tiền đâu cơ chứ?... Vì tình thân, để đền đáp lòng tốt của ông thôi! Tôi cũng thương cho thằng bé nữa.


- Cầm lấy.

- Tôi không cầm đâu, ông An-tô-ni cương quyết từ chối.

- Sao thế?

- Tiền của chẳng mang lợi gì cho tôi cả. Tôi không lấy.

- Tôi thành tâm cho ông, có Chúa chứng giám rằng tôi thành tâm mà. Tôi chẳng hối tiếc đâu.

- Tôi cũng thành tâm cảm ơn. Cảm ơn ông, Prô-cốp. Vì thiện ý của ông, nhưng tôi không cần đến tiền. Tôi có bánh ăn, tôi kiếm đủ tiền để hút thuốc và may sắm áo quần. Tôi còn cần gì kia chứ?

Lão Mi-en-nhich suy nghĩ giây lâu.

- Tôi đưa mà ông không lấy, sau cùng lão bảo. Đó là việc của ông. Tất nhiên, tôi không thể dùng vũ lực để ấn vào tay ông. Nhưng ông không có quyền làm như thế! Sao, An-tô-ni? Ông từ chối lòng biết ơn của tôi sao? Ông muốn để người ta xỉa xói vào mặt tôi rằng tôi không trả ơn ông lấy một đồng xu chữ nào về việc ấy hay sao?... Ông không có quyền làm trái với đạo, làm trái với tình đời như thế. Nếu không nhận vàng, ông hãy nhận thứ khác. Ông hãy là khách ở nhà tôi. Ông hãy sống cùng gia đình tôi như thể ruột thịt. Nếu thỉnh thoảng ông muốn giúp việc gì ở cối xay hay ở nhà thì giúp, ông không muốn thì thôi. Ông hãy sống như ở nhà cha đẻ vậy...

Ông An-tô-ni gật đầu.

- Ở nhà ông tôi rất dễ chịu, ông Prô-cốp ạ! Và tôi sẽ ở lại đây. Nhưng ăn bánh mì mà tôi chẳng làm gì thì tôi không ăn nổi. Cho đến khi nào còn sức, còn khỏe mạnh, tôi sẽ không chối việc gì, bởi cuộc đời còn ý nghĩa gì nếu không làm việc? Còn tấm lòng ông thì tôi xin cảm ơn.

Họ không bao giờ nói thêm gì nhau về những chuyện kia nữa. Tất cả vẫn nguyên như cũ. Có điều, bây giờ đến lúc ngồi ăn, bao giờ mẹ A-ga-ta cũng đặt cho ông An-tô-ni một cái đĩa riêng và đích thân bà chọn lấy đưa cho ông những miếng ngon lành nhất.

Vào ngày thứ sáu tuần gần đấy, khi xe chở hạt đến cối xay đông nhất, Va-sin bước ra sân trong một chiếc áo lông thú ngắn mới tinh, một chiếc mũ cao ngất nghểu làm bằng lông cừu non, một đôi giày cao cổ ống bóng nhoáng. Cậu đi lại như không hề có chuyện gì xảy ra ngay trước mặt mọi người. Đám nông dân há hốc mồm, huých cùi chỏ vào hông nhau, bởi không một ai tin những điều mà các mụ đàn bà đồn đại, rằng một người làm công của ông Prô-cốp Mi-en-nhich tên là An-tô-ni Kô-si-ba, một kẻ lang thang từ xa đến, đã dùng phép màu chữa cho Va-sin khỏi tật.

Nếu trước kia điều bất hạnh của Va-sin gây nên dư luận ồn ào bao nhiêu thì bây giờ người ta cũng bàn tán ồn ào bấy nhiêu về việc cậu khỏi tật. Người ta bàn tán ở Be-rơ-na-tư và Ra-đô-li-xki, ở Vi-xku-nư và Nhe-xku-pa, ở Pô-be-rê-đi-e và Gum-nhi-xki. Rồi từ đó tin tức lan đi xa hơn nũa, đến tận các điền trang hẻo lánh Rô-mai-cốp và Kun-xê-vi-trúp, tận những làng nhỏ nằm rải rác dọc sông Ru-trây-nhi-xa và xa hơn nữa. Ở những nơi ấy người ta ít nói đến chuyện này, vì quá xa xôi, nhưng ở đây ngay một bên, tất cả đều ghi nhớ đến sự kiện chữa khỏi tật một cách phi thường diễn ra tại cối xay kia.

Vì vậy vào cuối tháng Hai, lúc một cây bạch dương bị đổ trong khi chặt hạ ở khu rừng Trum-xki đè phải một nông dân ở làng Nhe-xku-pa ông Phi-ô-do-rơ-trúc, hàng xóm láng giềng bèn khuyên chở ngay ông ta đến cối xay, đến chỗ An-tô-ni Kô-si-ba. Khi họ đưa được đến nơi, ông đã gần như bất tỉnh. Máu ứa ra mồm ông, thậm chí ông đã ngừng không rên rỉ nữa.

Khi cỗ xe tơi tả do một con nghẽo nhỏ bé bụng ỏng dừng lại trước cối xay. Ông An-tô-ni đang mang một túi cám đến lẫm (25) thóc.

- Hãy cứu lấy, người anh em, một cựu giáo nói với ông. Cây gỗ đè phải láng giềng chúng tôi. Bốn đứa trẻ nhỏ sẽ phải mồ côi cả cha lẫn mẹ, vì năm ngoái chúng tôi vừa chôn cất mẹ chúng xong.

Ông lão Prô-cốp bước ra, họ bèn nói với lão để lão ủng hộ cho.

- Ông ấy đã chữa con ông lành, xin để ông ấy chữa cho Phi-ô-do-rơ-trúc.

- Đó không phải là việc của tôi, hỡi những con người tốt bụng, ông lão Prô-cốp trang trọng đáp lời, tôi không thể cấm, cũng không thể ra lệnh cho ông ấy. Đó là việc của ông ấy.

Trong khi ấy, ông An-tô-ni đã vỗ tay cho bột bay hết và đang quỳ xuống bên chiếc xe trượt ngay trên mặt tuyết.

- Các bác hãy khiêng ông ấy thật cẩn thận và theo tôi, lát sau ông bảo.

Sau khi chữa khỏi chân cho Va-sin ông đã ở lại luôn dưới nhà ngang. Ở đó tiện hơn cho ông vả chăng cho đến nay vẫn để trống. Lúc này người ta mang ông Phi-ô-do-rơ-trúc vào đấy.

Ông An-tô-ni chữa chạy người bị nạn đến tận tối, rồi ông vào nhà trên, nói những người nông dân làng Nhe-xku-pa đang đợi:

- Ơn Chúa, - ông nói: - Người láng giềng của các ông là một người đàn ông khỏe mạnh, xương sống còn nguyên vẹn. Chỉ có sáu xương sườn và một xương quai xanh bị gãy. Các bác hãy chở ông ấy về nhà, để ông ấy nằm yên cho đến khi nào thôi thổ huyết. Nếu ông ấy ho nhiều thì cho uống nước đá. Đừng cho ông ấy ăn uống gì nóng. Tay trái cũng đừng động đậy. Rồi nó sẽ liền. Mười hôm nữa cử ai đến gặp tôi, tôi sẽ xem xem thế nào.

- Nhưng ông ấy không chết chứ?

- Tôi không phải nhà tiên tri, - ông An-tô-ni nhún vai - nhưng tôi nghĩ rằng nếu các bác làm tất cả những gì tôi nói thì ông ấy sẽ sống.

Họ mang ông Phi-ô-do-rơ-trúc ra xe và chở đi. Chưa được mười ngày thì người ta lại chữa một người bệnh mới từ chính cái làng Nhe-xku-pa ấy đến. Người làm công ở một nhà nọ đang phá băng trên sông thì bịt trượt chân khi đang vung cao rìu, lưỡi rìu chặt mạnh vào chân, sâu đến gần sát xương. Không biết rìu bị rỉ sẵn hay một thứ bẩn thỉu gì đó dây vào vết thương, mà cả cái chân đen lại trông thấy. Chính người bị thương cũng hiểu rằng đó là bệnh hoại thư.

Ông An-tô-ni chỉ lắc đầu và lẩm bẩm:

- Tôi chẳng giúp gì được nữa, cái chân bỏ đi rồi.

- Thì cố cứu lấy mạng vậy! Người bị nạn khẩn khoản.

- Cần phải cắt chân chỗ này, đúng chỗ này, An-tô-ni chỉ tay vào phía trên đầu gối, anh sẽ phải chịu tàn tật suốt đời và còn sẽ nguyền rủa tôi nữa. Anh sẽ bảo rằng còn có cách để cứu.

- Tôi xin thề, người anh em ạ, xin hãy cứu mạng tôi. Tự tôi đã trông thấy những vết đen. Hoại thư thật rồi.

- Tùy anh! - sau một lúc suy nghĩ, An-tô-ni đồng ý.

Cuộc giải phẫu hết sức đau đớn đã khiến người bệnh kiệt sức đến nỗi suốt mấy ngày liền không thể nào nói đến chuyện mang anh ta về nhà. Song, tính mạng anh không bị đe dọa nữa.

Sau những ca đó uy tín của An-tô-ni càng tăng lên hơn nữa. Gần như ngày nào cũng xuất hiện những người bệnh với đủ mọi chứng bệnh khác nhau. Kẻ thì mắt đùn dử toét nhèm đến độ không được trông thấy ánh sáng của Chúa, người thứ hai xương cốt đau như dằn, người thứ ba phàn nàn về cơn đau bụng, kẻ khác lại bị ho đến nghẹt thở. Cũng có những người không biết mình bị bệnh gì, chỉ thấy người yếu đi mà thôi.

Ông An-tô-ni không giúp đỡ tất cả. Một số người ông từ chối ngay, bảo rằng không có thuốc nào chữa được bệnh của họ. Còn những kẻ khác thì ông khuyên nhiều điều khác nhau: nào là đặt túi cát nóng chườm lên bụng, nào đừng cho muối vào thức ăn và đừng ăn thịt, nào uống thuốc sắc bằng các loại cây cỏ. Và không hiểu sao hễ ai làm theo lời khuyên của ông thì bao giờ cũng khỏi bệnh, nếu không khỏi hoàn toàn thì chí ít cũng đỡ phần đau đớn.

Trong vùng có tới mấy thầy lang. Ở chỗ công tước Xan-tốp-tơ tại Pie-trơ-ki có một người chăn cừu biết ếm trù bệnh đóng dấu cũng như chứng đau răng, chữa các bệnh tật khác ông ta cũng biết. Một bà lang Bie-la-cô-va ở trại Nô-ve Ô-sie-dle, biết tẩy giun sán và cấp cứu cầm máu. Nhưng tất cả những người ấy đều bắt người ta phải nguyện những câu kinh hoặc những lời thần chú bí ẩn nào đó, rồi họ còn làm những động tác kỳ quặc trên cơ thể người bệnh hoặc đưa cho người bệnh các tấm bùa phép.

Ngược lại, vị thầy lang mới này, cái ông An-tô-ni ở cối xay ấy, không hề làm một chuyện nào như thế c . Ông hỏi, nhìn, sờ nắn, rồi sao đó ông đi đi lại lại như hóa rồ trong phòng, xoa xoa trán một cách nóng nảy, tròng mắt đảo lia lịa, rốt cuộc nói ra ngay cần phải chữa bệnh theo cách nào.

Trong vùng người ta cãi cọ nhau khá nhiều về chuyện thầy lang nào có cách chữa bệnh tốt hơn. Nhưng có một điều ông An-tô-ni trội hơn hẳn so với cả đám còn lại: ông chữa không lấy tiền. Nếu như người bệnh mang đến một miếng bơ hay một con gà, một túi đậu, một tấm vải thô tự dệt hay một ít vải len thô thì ông nhận, khẽ lầu bầu một câu ngắn gọn, nhưng nếu người ta chẳng mang gì theo, ông cũng vẫn chữa bệnh cho họ y như vậy mà thôi, thỉnh thoảng ông còn đem cho những người nghèo khổ nhất thứ này thứ khác, phần còn lại đưa vào kho thực phẩm của bà vợ ông lão Mi-en-nhich. Bản thân ông An-tô-ni cũng chẳng có nhu cầu gì nhiều nhặn, chỉ cốt đủ thuốc lá hút, đôi giày da lộn để đi, một ít quần áo gì đó để mặc. Mà công việc của ông ở cối xay cũng đủ chi dùng cho ông những nhu cầu đó, bởi lẽ ông không hề bỏ việc, mặc dù ông lão nài ông nghỉ vì hàm ơn ông đã chữa khỏi cho đứa con trai cùng tất cả những gì ông An-tô-ni đã mang lại cho gia đình lão.
Trong khi ấy lượng người ốm ngày một tăng lên, thậm chí có những ngày ông An-tô-ni không thể có một phút nào rảnh rỗi tham gia công việc tại cối xay nữa. Trước cửa nhà ông thường có mười lăm xe ngựa đỗ chờ, với những người ốm nặng, còn những ai đủ sức thì đi bộ đến, nếu không phải từ quá xa, mà những người từ xa cũng đến khá đông.

Trong phòng xép, trong cái hành lang nhỏ và cả trong nhà, ở các góc, cao dần lên những đống quà biếu, bởi lẽ mẹ A-ga-ta chỉ đồng ý nhận những thứ gì ăn được, còn vải, len, gai, da cừu và da dê, các thứ lông vũ, và trước hết là các loại cây thuốc - thứ duy nhất mà ông An-tô-ni ham chuộng thì nằm chất đống.

- Chỗ của ông bừa bộn quá thôi, - cô Zô-nhia hông rộng chống nạnh thốt lên, - mà đủ thứ của cải như trong kho lão Do thái giấu đằng sau lò sưởi ấy. Ông cứ bảo em sẽ dọn dẹp sạch sẽ cho ông ngay... Sàn nhà cũng phải đánh chứ...

- Cứ để thế cũng được, ông phẩy tay, tôi thấy thế cũng tốt rồi.

- Cửa sổ cũng nên rửa nữa này, - cô nói thêm.

- Chẳng sao đâu.

- Đàn ông không có người chăm sóc cứ như vườn không có rào ấy.

Ông An-tô-ni không hề hé môi, hi vọng rằng nếu ông không nói gì, thì cũng như mọi khi, Zô-nhia đứng một lúc rồi cũng bỏ đi thôi. Thậm chí ông cũng mên mến cô, ông rất trọng lòng tốt của cô, nhưng ông chỉ thích sống một mình.

Nhưng lần này Zô-nhia không lùi bước:

- An-tô-ni ạ, ông thật là một người đàn ông giỏi giang khéo léo. Có điều ông không biết kiếm lợi cho thân ông. Hô hô, ông có thể kiếm ra biết bao nhiêu của cải nếu ông muốn. Bao nhiêu người phải cần đến ông kia thôi. Giúp đỡ kẻ đau ốm dĩ nhiên là việc phải đạo Chúa rồi. Ai nghèo, thì giúp không, nhưng ruột gan em cứ như lộn cả lên khi thấy ông chỉ lấy - nói thí dụ, của một thằng cha giàu sụ như lão Đu-lây-kô ở Bi-e-rơ-vi-a-tư kia có nửa tấm lông thú. Lão ấy sẵn sàng trả cho ông cả một con bò sữa ấy chứ, nếu ông đòi. Ông có thể kiếm khối tiền đấy ông ạ!

- Tôi cần gì đến tiền cơ chứ, - ông nhún vai. Thế này tôi cũng không phải chịu đói kia mà, tôi biết dành dụm cho ai bây giờ?

- Đó là lỗi của ông đấy!

- Lỗi gì kia?

- Lỗi ở ông không biết kiếm tiền cho ai. Ông phải có vợ, và cả con nữa.

- Tôi già rồi, - ông lẩm bẩm cho qua chuyện.

Zô-nhia cười phô cả hàm răng.

- Ông mà già, khối cô muốn theo ông đấy.

- Làm gì mà có.

- Như em đây chẳng hạn. Em nói thật đấy. Theo ngay.

An-tô-ni quay mặt vội đi, lầu bầu:

- Đừng nói vớ vẩn nữa đi!

- Sao lại vớ vẩn?... Ông đừng lo. Không có tháng nào không có kẻ đến ướm hỏi em đâu. Dù là gái góa, em cũng chưa phải hạng bỏ đi. Chủ nhật vừa rồi, chính ông thấy đấy. Ông lão Ba-ran và lão làm vườn Si-vếch ở Vix-ku-nư đến đây hỏi em cho anh chàng Mi-xtrô-nếch. Em chẳng thèm một anh chồng như thế. Em chẳng thèm, mặc dù anh ta sẽ thừa kế của cha cả một vô-uka (26) đất. Nhưng em sẽ lấy ông, chỉ cần ông nói một lời thôi. Ông không biết chứ, bố Prô-cốp sẽ vui biết mấy...

- Zô-nhia, tôi lấy vợ làm gì?...

- Ông không thích em à?

- Đâu phải chuyện không thích. Không ai làm tôi thích cả. Tôi đâu phải người để lấy vợ.

- Thế tại làm sao?

- Thế đấy.

- Ông không cần đàn bà hả? Thật không?

- Không cần thật mà.

- Thế thì ma quỷ bắt ông đi cho rảnh! Zô-nhia đột nhiên nổi cáu. Cầu cho ông đứng trên gò mà không thấy mặt trời! Cho thiên lôi giết ông đi! Cầu cho ông ngâm chân trong nước mà chịu chết khát! Trong hắn kìa! Đồ vô dụng chưa kìa? Cương quyết thế à?... Được, được... tôi sẽ cạch cái mặt ông! Phù!

Cô ta lao ra, mặt đỏ bừng vì tức giận, đập cửa đánh sầm một tiếng. Nhưng ngày hôm sau cơn giận không còn chút gì trong cô. Cô lại âu yếm múc xúp cho ông ăn thêm; cô rót cho ông nước trà đặc hơn những người khác và tươi cười phô ra hàm răng đều đặn, trắng nõn nà.

Ngoài Zô-nhia, không một ai khác ở cối xay nhòm ngó đến cái nhà ngang của ông An-tô-ni, dĩ nhiên không kể cô bé Na-tan-ka.

Na-tan-ka thích ngồi ở đây cả ngày lẫn đêm, những khi có thể ngồi được. Em rất gắn bó với ông An-tô-ni.

Một hôm cô bé bảo ông:

- Càng ngày mợ Zô-nhia càng diện nhiều. Hôm qua mợ ấy mua một chiếc áo màu đỏ tươi ngoài chợ. Cả xà phòng thơm nữa nhá. Rồi giày cao gót nữa...

- Thế thì hay lắm.

- Nhưng cháu biết vì sao mợ ấy diện rồi.

- Vì mợ ấy là đàn bà, đàn bà ai chẳng thích diện.

- Không phải, - Na-tan-ka lắc đầu, - Mợ ấy diện vì muốn cưới bác đấy.

- Cháu đừng nói tầm phào, ông mắng át đi.

- Đâu phải cháu tự nói, chú Vi-ta-lix bảo đấy. Cả bà cũng bảo thế mà.

- Họ nói vớ vẩn đấy. Cô bé vỗ tay - Đúng không?... Đúng không?... - Cháu biết vì sao bác không muốn lấy mợ Zô-nhia. Bác muốn lấy cháu kia. Khi nào cháu lớn.

- Hẳn rồi, hẳn rồi, - ông vuốt tóc cô bé và mỉm cười.

- Bác lấy thật đấy chứ?

- Có điều phải lớn mau lên.

Ông chỉ thích trò chuyện với mỗi mình cô bé và chỉ với mình nó ông mới thoáng mỉm cười. Ông yêu Na-tan-ka chân thành. Vậy nên bao lần cơn động kinh hành hạ cô bé, ông lại âu sầu lo lắng và tự nhủ rằng ngay từ đầu mùa xuân ông sẽ vào rừng tìm những cây thuốc có thể chữa bệnh cho nó. Trong cả vùng, bất kỳ nơi đâu người ta bán hoặc hái lượm để dùng các loại cây mẫu thảo, nữ lang, bạc hà, hoa gia cúc ngải, bạch hoa, sùng đen, lá bạch dương, hạt anh túc dại, bạch chỉ, ngải cứu, mã đề, cà dược, chỉ xa, hồng đen và các thứ cây cỏ khác nữa, ông đều hỏi thăm, duy chỉ có mỗi cây thuốc ấy là ông không sao dò ra nổi. Ông không tài nào nhớ nổi tên của nó, và mặc dù ông đã cố gắng mô tả cây thuốc có những chiếc lá nhỏ sắc ấy nom hình dáng ra sao, song không một ai có thể nói cho ông hay tên gọi của nó, hoặc giả trong các khu rừng trong vùng quanh đấy có mọc loại cây ấy hay không.

Một lần ông ra tận hiệu thuốc ở Ra-đô-li-xki, hi vọng sẽ tìm được cây thuốc quý tại đấy. Nhưng người chủ hiệu, sốt ruột vì những lời giải thích dài dòng và vì ông không có loại cây thuốc đó, đã mời thẳng ông An-tô-ni ra khỏi cửa. Ông ta mời ra cửa còn vì rằng nếu xung quanh thị trấn có càng nhiều thầy lang tụ họp, thì thuốc của hiệu ông bán càng ít chạy. Những thành công mà vị thầy lang ngụ tại chiếc cối xay gần thị trấn đạt được, đối với ông chủ hiệu thuốc lẫn vị bác sỹ địa phương - bác sĩ Pa-vơ-li-xki - lại như cái gai chọc vào mắt. Tiếng tăm của thầy lang đã lớn đến độ không thể không làm giảm bớt số bệnh nhân của họ ngay trong vùng thị trấn.

Đến hồi tuyết tan vào tháng Ba, lúc người ta bị đau ốm nhiều nhất, trong khi số bệnh nhân của bác sĩ Pa-vơ-li-xki không hề tăng thêm, thì anh ta bắt đầu ra tay hành động, sau khi đã bàn bạc với ông chủ hiệu. Anh viết một bản điều trần dài lê thê gửi ông huyện trưởng và gửi bác sĩ trưởng của huyện, than phiền về nạn bành trướng của các thầy lang, và đòi phải thi hành các biện pháp chính quyền nhằm mục đích..v..v... Song chính quyền hành động rất chậm chạp, chờ mãi thư trả lời chẳng chịu đến cho. Trong khi đó lại xảy ra một chuyện khiến bác sĩ Pa-vơ-li-xki như hóa điên. Một hôm nữa người từ điền trang Klu-trép mang ngựa đến đón anh ta, Ngài Ki-ja-cô-vich, chủ điền trang Klu-trép bị sỏi thận và thường xuyên phải mời bác sĩ. Chiếc xe ngựa nhẹ từ Klu-trép thường xuất hiện từ sáng sớm. Việc đó cũng có lý do của nó. Tối tối, ông Ki-ja-cô-vich thường đến nhà hàng xóm đánh bài và ông khó lòng kìm giữ nổi không nhấp vài ly rượu, và thế là trăm lần như một, đến đêm là nổi cơn đau, và sáng sớm anh xà ích I-gna-xư đã phải quất đôi ngựa màu hạt dẻ chạy hay nhất đi mời bác sĩ.

Ấy thế mà lần này ông ta xuất hiện vào buổi chiều. Vì vậy sau khi đã ngồi lên xe, bác sĩ Pa-vơ-li-xki bèn hỏi xem có chuyện gì. Hoặc là không lường thật kỹ mình đang nói chuyện gì và đang nói với ai, hoặc muốn cố tình làm vị bác sĩ thường hay quên chi tiền trà thuốc này phật ý - nên anh chàng I-gna-xư chân thật nói toẹt ra. Té ra người ta phái anh đi sáng sớm như mọi lần, nhưng không phải đến đón bác sĩ, mà đến đón cái ông lang nọ, chính cái ông An-tô-ni Kô-si-ba đang ngụ ở tại nhà cụ Mi-en-nhich gần thị trấn ấy.

- Sao lại thế? - Bác sĩ thảng thốt. Anh được cử đi đón thầy lang sao?

- Đón thầy lang ạ.

- Hình như ông chủ Ki-ja-cô-vich nóng lòng muốn sang thế giới bên kia thì phải.

- Nóng lòng thì không nóng. Người ta đồn rằng: hễ ông lang ấy chữa là cứ khỏi liền tay.

Bác sĩ nổi khùng:

- Ngu dốt đến thế là cùng ! Ngu dốt đến thế là cùng! Các người không hiểu rằng một thằng ngốc thường tình, không những không biết chút gì về y học mà thậm chí đến cấu tạo cơ thể cũng không biết, là một mối họa to lớn thế nào cho người ta hay sao?

- Tôi hiểu chứ. Người đánh xe lẩm bẩm.

- Tôi giải thích cho anh nghe. Giả sử con ngựa hay nhất của anh bị ốm. Anh đến tìm ai nào? Đến tìm thú y sĩ hay đến tìm một thằng ngu không phân biệt nổi đâu là đầu, đâu là đuôi ngựa?

I-gna-xư bật cười.

- Ai mà không phân biệt nổi... Nhưng tại sao tôi lại để đến nỗi ngựa của tôi phải ốm? Nếu người chăm lo cho ngựa, còn con ngựa lại tốt thì tại sao phải để đến nỗi ngựa sinh bệnh, phỉ phui đi.

Bác sĩ Pa-vơ-li-xki phẩy tay, nhưng chỉ lát sau anh ta lại vẫn tiếp tục:

- Nhưng anh thấy không, anh vẫn còn thông minh nên đến mời tôi chứ không phải đến với cái ông lang vườn kia.

- Tôi biết làm thế nào? Nếu đánh xe không về thì thế nào ông chủ cũng quạng vào mõm cho ấy chứ. Tôi bèn suy tính và nghĩ ra: ông ấy đã không muốn thì ta đến mời bác sĩ vậy.

- Ai không muốn?

- À, cái ông... thầy lang ở nhà Mi-en-nhich ấy.

- Sao lại không muốn?

- Ông ta không muốn, thế thôi. - Tôi - ông ta bảo - không có thời gian đâu mà đến khám bệnh cho khắp các ông chủ được - ông ta bảo - thế anh không thấy bao nhiêu người ốm đang chờ kia sao? Ông ấy bảo thế, tôi nhìn, quả nhiên, thấy bao nhiêu là người đang chờ. Cứ y như họp chợ vào ngày thứ năm ấy. Tôi bèn bảo ông ta rằng ông chủ sẽ trả nhiều tiền hơn tất cả bọn họ gộp lại, có điều phải đến chữa cho ông chủ. Ông ta bèn đáp: nếu ông chủ ốm, xin mời ông chủ cũng đến đây như những người khác. Còn tiền thì tôi không cần... Tôi biết làm gì được nữa?... Quay lại là xong. Vì chính tôi cũng biết là ông ấy không lấy tiền.

- Nhưng lại lấy các thứ khác, - bác sĩ Pa-vơ-li-xki thốt lên.


- Không, thứ khác ông ấy cũng không lấy! Ồ, chút bơ, ít trứng hay khúc dồi thì kể gì. Ông ấy không tham.

Vị bác sĩ nghiến chặt hai hàm răng lại. Khi đến nơi anh ta hoàn toàn không chỉ trích gì ông chủ Ki-ja-cô-vich nữa, nhưng trên đường về anh ta ra lệnh cho I-gna-xư rẽ vào chỗ cối xay.

Ngay trước cối xay, hay đúng hơn là trong sân gần nhà ngang, có mươi chiếc xe đang đỗ. Những con ngựa được tháo ra khỏi càng đang bình thản nhai cỏ khô. Những người ốm nằm trên xe. Bảy tám người nông phu ngồi trên chiếc xà chuồng gia súc đang hút thuốc.

- Cái gã thầy lang ấy ở đâu? Bác sĩ Pa-vơ-li-xki hỏi.

Một người nông phu đứng dậy đưa tay trỏ vào cửa.

- Trong nhà ấy, thưa ông.

Bác sĩ nhảy ra khỏi xe rồi đẩy cánh cửa. Ngay trong chiếc hành lang chật chội, đập vào mũi anh ta là mùi da hôi xì, mùi nhựa chưng và mùi bắp cải chua. Trong phòng hôi hám không hề chịu nổi. Hàng đống đồ cũ và đất bẩn chạt vào sàn nhà, cửa kính và tất cả mọi đồ đạc... Điều đó hoàn toàn không khác với những gì bác sĩ lường trước. Sát tường một mụ đàn bà đang ngồi, với những triệu chứng rõ rệt của bệnh vàng da. Một người đàn ông râu ria tua tủa, to lớn vâm khỏe, tóc màu muối tiêu, đang đứng khom khom bên bàn, nghiền một thứ cây thuốc già đó trong chiếc khăn tay bẩn thỉu.

- Ra ngươi là thầy lang đấy? - Bác sĩ Pa-vơ-li-xki hỏi xẵng.

- Tôi là thợ của cối xay, - ông An-tô-ni đáp gọn, đưa mắt nhìn vị khách một cách thiếu thiện cảm.

- Nhưng nhà ngươi lại dám chữa bệnh! Ngươi dám đầu độc mọi người! Ngươi có biết rằng đó là phạm pháp không?

- Ông muốn gì và ông là ai mới được chứ? - Thầy lang bình tĩnh hỏi lại.

- Ta là thầy thuốc, là bác sĩ y khoa. Nhà ngươi đừng tưởng rằng ta đây sẽ lấy tay che mắt để mặc nhà ngươi đầu độc mọi người đâu nhé.

Thầy lang nghiền xong cây thuốc, cuộn nó vào chiếc khăn, đưa cái gói ấy cho người đàn bà rồi bảo:

- Cho hai nhúm vào một cốc nước, như tôi đã dặn. Uống nóng. Lúc đói một nửa, buổi tối một nửa. Bà hiểu chưa?

- Hiểu rồi ạ.

- Vậy thì nhờ lượng Chúa.

Người đàn bà cảm ơn rồi rên rẩm bước ra. Thầy lang ngồi xuống chiếc ghế dài và ngoảnh lại nhìn bác sĩ.

- Tôi đầu độc ai kia, thưa ngài?

- Đầu độc tất cả mọi người!

- Không đúng, thưa ngài. Không một ai chết cả.

- Chưa ai chết? Nhưng đang chết! Ngươi đầu độc dần dần cơ thể của họ. Đó là một tội ác. Hiểu chưa? Tội ác! Ta sẽ không cho phép làm thế đâu! Ta không có quyền dung thứ chuyện đó. Trong cái nơi bẩn thỉu này, hôi hám thế này! Ngay trên tay ngươi cũng có nhiều vi trùng dịch bệnh hơn trong bệnh viện lây rồi.

Anh ta nhìn quanh vẻ kinh tởm.

- Ngươi hãy nhớ điều ta nói đây: Nếu ngươi không chấm dứt ngay việc chữa chạy đầy tội ác của ngươi, ta sẽ tống ngươi vào tù!

Thầy lang khẽ nhún vai.

- Tôi biết làm thế nào! Tôi không làm điều gì xấu. Còn tù ư? Thì nhà tù cũng lập cho loài người đấy, chứ có phải cho chó đâu. Xin ngài bác sĩ đừng giận.

- Ta chỉ cảnh cáo cho ngươi biết thế thôi! Ta khuyên nhà ngươi nên chấm dứt ngay! Ta khuyên đấy!


Anh ta giơ một ngón tay đe dọa rồi bước ra ngoài. Anh ta khoan khoái hít thở bầu không khí trong lành. I-gna-xư ngồi trên ghế ngựa ném cho anh ta một ánh mắt giễu cợt. Bác sĩ Pa-vơ-li-xki đã ngồi trên xe thì chợt nom thấy Va-sin, bệnh nhân cũ của anh ta, đang đứng trên ngưỡng cửa cối xay. Chắc Va-sin đứng chờ anh ta, bởi cậu cúi chào rồi bước tới gần xe.

Cậu bước những bước vững chãi, và lúc này đang đứng thẳng người. Cậu đứng và nhìn thẳng vào mắt bác sĩ.

- Bác sĩ thấy đấy, tôi đã khỏi. - Cậu nói đầy tự hào, ơn Chúa, tôi đã khỏi tật. Ông An-tô-ni chữa khỏi đấy. Thế mà bác sĩ lại bảo rằng tôi không còn hi vọng gì nữa. Bác sĩ muốn tôi phải chịu đọa đày suốt đời trong tàn tật.

- Ông ấy chữa cho cậu bằng cách nào? - Bác sĩ hỏi với một nổi bực tức không cần che đậy.

- Ông ấy thấy rằng xương đã được xếp đặt không đúng. Ông ấy đập gãy và sắp xếp lại thưa ông!

- À...à, vậy thì xin chúc mừng, - bác sĩ lẩm bẩm rồi quát người xà ích: - Đi thôi!

Suốt dọc đường, những ý nghĩ tồi tệ ám ảnh dày vò ông ta. Đến nhà thì đã quá buổi trưa. Song cả nhà đã quay trở lại bàn ăn để ngồi cùng ông ta cho đến khi xong bữa. Ông ta nuốt vội miếng thịt nướng khô khốc, cố không thể hiện ra rằng mình không hề thấy ngon miệng. Bà lão Mác-xư-sia, người ba mươi năm trước đã từng dạy anh ta tập đi, dẫm dẫm chân lo ngại. Người cha hau háu nhìn tờ báo mà Ka-mi-la đang đọc cho ông nghe. Ba tuần trước đây cha anh làm vỡ mất đôi kính mà chưa có tiền mua đôi mới. Ka-mi-la thì mặc bộ váy áo đã ngả màu, trong bộ áo ấy nom cô tang thương và già cỗi biết bao. Mẹ anh ta cố dùng nụ cười âu yếm che đi nét lo phiền đang hiện rõ trên khuôn mặt bà. Chỉ cần một tháng được tắm than bùn sẽ khiến bà khỏe lại suốt một thời gian dài.

- Chúa tôi, Chúa tôi, - bác sĩ Pa-vơ-li-xki nghĩ thầm khi đang dùng món nước quả bằng táo nghiền. Mình yêu mọi người, mình sẵn sàng làm tất cả cho mọi người, nhưng phải hằng ngày, hằng giờ nhìn nỗi bần hàn của họ thì mình không đủ sức.

Anh ta ngỡ như mỗi cử chỉ của họ, mỗi lời nói của họ, mỗi góc phòng của căn hộ nghèo nàn này đều ném anh vào những lời chỉ trích cay đắng. Họ đã gắn tương lai anh với biết bao niềm hi vọng, đã trông chờ và việc hành nghề của anh và thu nhập của anh biết bao. Nhưng thế là đã một năm trời ròng rã họ chịu ngồi trong cái xó hẻo lánh này, trong khi anh cố lắm mới đủ kiếm sống qua ngày.

Giá như anh có thể rời bỏ chốn này! Anh không ngại gian khó. Anh sẽ đi sang Châu Phi hay sang Grin-len. Nhưng người thân của anh sẽ chịu chết đói ở đây hay sao? Anh ta cảm thấy trên cuộc đời rộng rãi ngoài kia đang đón chờ anh những thành công, danh vọng, tiền tài, nhưng anh cũng hiểu rất rõ rằng không bao giờ anh dám làm cái bước quyết định ấy cả. Anh đã là nô lệ của những tình cảm chân thành và sâu sắc của chính mình. Những tình cả trói buộc anh vào với họ, với cha mẹ, với em gái, thậm chí với bà cụ Mác-xư-sia, trói buộc anh ta chẳng khác chi xiềng xích, trói buộc vào cái nhà gỗ nhỏ bé trong thị trấn nhỏ bé và nghèo nàn này...

Càng nhìn sâu vào vũng bùn của sự kiếm sống vô vọng này bao nhiêu, anh ta càng ân cần, càng che giấu trước những người thân yêu của mình tình hình đó bấy nhiêu. Và anh hàm ơn họ xiết bao bởi lẽ họ cũng không hề tỏ cho anh thấy nỗi thất vọng của họ. Song những ý nghĩ của họ, những ý nghĩ chắc chắn tồn tại trong lòng họ, lại làm anh đau đớn. Bằng một cách bí ẩn nào đó, những ý nghĩ ấy đã thấm đẫm vào tất cả mọi thứ trong nhà này, thấm đẫm bầu không khí một nỗi buồn chán vô vọng, mà ngay cả những nụ cười vờ vĩnh cũng thành công nhất. Những sự hài lòng biểu lộ ồn ào nhất cũng không sao xua đi nổi.

- Con đã đến chỗ cái tay thầy lang nọ, - Pa-vơ-li-xki mào đầu. - Con đã nói với y vài lời thật bụng và đã khuyên y nên từ bỏ hành nghề đúng lúc.

- Có thật ông ấy nhiều bệnh nhân lắm phải không anh? - Ka-mi-la lên tiếng.

- Nhiều không ấy à? Giá như tôi có được dù chỉ một phần mười... giá như tôi có...

Mẹ anh vội vã nói rất nhanh, quá nhanh về con mèo Ba-sia không biết theo đực đi đâu mất, về chuyện thứ năm có lễ tên ở Kô-dơ-li-xki, về con bò cái của cha linh mục cho thật nhiều sữa...

Nhưng Pa-vơ-li-xki không hề nghe những câu chuyện ấy. Anh ta mỗi lúc một thêm bực. Mạch máu thái dương anh dập dồn dập. Đột nhiên anh đẩy mạnh cốc nước chè đang uống dở ra, đứng phắt dậy.

- Các vị có biết tại sao ông ta có nhiều bệnh nhân hơn không? - Anh gào lên. - Các vị có biết không?...

Trông thấy ánh mắt kinh hoàng của họ, nhưng anh không còn khả năng tự chế ngự mình nữa.

- Vì ông ấy biết chữa bệnh, còn tôi thì không.

- Ju-rếch, con! - Bà mẹ rên lên.

- Phải! Phải! Tôi không biết!

- Con nói vớ vẩn gì thế, con!

- Các người có nhớ thằng bé thợ xay bị gẫy chân ấy không? Có nhớ không?... Chính tôi đã xếp xương sai cho nó. Phải, sai! Tôi không biết làm chuyện đó. Còn lão thầy lang thì làm được!

Người cha đặt tay lên vai anh ta.

- Bình tĩnh nào, con, Ja-rếch. Nhưng việc ấy có ảnh hưởng gì đến uy tín gì của con đâu. Con đâu phải là một bác sĩ ngoại khoa. Là bác sĩ nội khoa, con không có trách nhiệm phải hiểu biết hết mọi chuyện... ngoài chuyên môn của con kia mà.

Bác sĩ Pa-vơ-li-xki cười khẩy.

- Dĩ nhiên, dĩ nhiên rồi! Tôi không phải là nhà giải phẫu. Nhưng cái lão thầy lang kia, quỷ tha ma bắt lão đi, cũng không phải kia mà! Lão chỉ là một tên nông phu quèn! Là một thợ cối xay tầm thường!... Nhưng tôi chán hết rồi. Thế nào cũng được! Tôi sẽ không chịu chết đói đâu! Rồi các người sẽ thấy! Sẽ thấy rằng tôi cũng biết chiến đấu!

Anh ta bước ra, dập mạnh cửa...

Nguồn: truyen8.mobi/t110647-thay-lang-znachor-chuong-7.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận