Thắm Sắc Hoa Đào Chương 4


Chương 4
Giàn đậu hoa rơi đẹp lạ thường.

Cô nữ sinh lớp tám đã kể trên đây có cậu em học cùng lớp với Hiểu Thu tên là Hà Dân Vĩ, về nông thôn lao động được cử làm cán bộ hậu cần, dưới quyền có ba người làm cấp dưỡng gồm một nam hai nữ, trong đó có Hiểu Thu. Để chứng tỏ không lười, ba người thay nhau trực nhật, mỗi ngày cử một người cùng Vĩ thổi cơm, còn hai người đi lao động với đại đội. Lúc này đang mùa thu hoạch, phải tranh thủ thời vụ nên công việc rất nặng nhọc. Nhưng vì người đông ruộng ít, cánh đàn ông, con trai nông thôn ra thành phố đi làm gặp lúc mùa màng bận rộn xin nghỉ về quê, cho nên không thiếu lao động, bà con còn chê cánh học sinh Thượng Hải giẫm đạp hỏng cả lúa má. Cây bông không nhổ lên nổi, đành phải bẻ cành; giặt áo quần thì quẫy cho nước sông đục ngầu, có cô cậu không cẩn thận ngã xuống sông còn phải vớt lên, lấy chăn bông của gia đình ủ cho toát mồ hôi, chỉ tổ bận thêm. Nông dân ngoại thành Thượng Hải phần đông giàu có, gặp lúc mùa màng họ ăn mỗi ngày sáu bữa, cơm có thịt, cá, món cuốn, bánh bột mì rán... chẳng khác gì ăn Tết. Học sinh Thượng Hải ngày ba bữa cơm rau xanh hoặc bắp cải, đậu phụ nhự ăn với cháo trắng buổi sáng, miếng đậu tối hôm trước phải cắt làm tư như cắt trứng muối. Một nửa số học sinh phải ngủ trong cái nhà bỏ không của một gia đình, nhà này có con vừa lấy vợ, làm nhà mới, nhà cũ lẽ ra phải phá đi, nhưng chưa phá kịp, còn tạm thời để đấy. Cánh nữ sinh vào ở, bếp vẫn còn, có thể nấu nướng. Một nửa số học sinh nam ở trong kho đội sản xuất, phải đi qua hai cái cầu đá, đi một quãng đường tương đối vắng vẻ. Nói vắng vẻ ấy là nhà cửa không đông đúc như bên này cầu, kho gần đường, gần ruộng. Ổ rơm bà con trong thôn lót cho học sinh dày đến bốn năm chục phân, học sinh trải thảm lên đấy ngủ qua đêm, tay cho vào chăn ướt lép nhép, bụng thì kêu lên “đáng thương” .

Bọn chúng không cảm thấy khổ, vì chưa phải như thế bao giờ. Bọn chúng được sống với nhau, ở nông thôn được thấy nhiều thứ chưa bao giờ thấy. Cô dâu mới nhà bên cứ sáng sớm lại bưng cái chậu gỗ ra sông giặt giũ, đằng sau thể nào cũng có một nhóm nữ sinh. Lúc làm việc, bà con nông dân đâu có dựa vào đám học sinh này, nhân cơ hội, bọn chúng bỏ đi chơi, chăn đệm có ẩm ướt một chút cũng chẳng sao, bọn chúng nằm chung, đắp chung chăn, chen chúc càng ấm hơi người. Về ăn uống, bọn chúng cũng không cảm thấy cực khổ như bà con nông dân ở đây, ngược lại, rất thỏa mãn. Mấy cô cậu cấp dưỡng rất vất vả, phải tính toán chi li để sử dụng khoản tiền ăn một cách tốt nhất. Bọn chúng mua gạo mới của đội sản xuất, xào rau cho thật nhiều dầu, nấu các món thật nhừ, hợp với khẩu vị thích ăn mặn của học sinh. Cháy cơm được cạy lên, để vào rá, sáng hôm sau cho vào nồi cháo, cháy nấu cháo rất nở, thay cho gạo mới không nở. Ăn liền mấy ngày như thế mọi người đâm chán. Trước tiên là cánh học sinh nam nghịch ngợm cướp cháy để ăn, không cho cướp, ban đêm chúng bèn đi lấy trộm. Mấy người giữ cái rá cơm cháy cứ phải quẩn quanh bên bếp, đi qua đi lại cầu đá nhưng không tìm thấy chỗ giấu an toàn. Cuối cùng, Hiểu Thu bàn với gia chủ, gửi ở trong nhà với điều kiện thùng phân của học sinh phải đổ vào chuồng phân nhà chủ. Cơm cháy được cất kỹ, thì lại xảy ra một chuyện nguy hiểm khác, ấy là nước chấm. Không biết sáng kiến của ai, nước chấm cho vào món cháo sáng, ngon tuyệt, hiệu quả không tồi. Vậy là chúng đua nhau, nước chấm hết rất nhanh. Thầy giáo cũng bó tay, bàn bạc lại, rút ra nguyên nhân, là do thiếu chất béo. Cần phải gấp rút cải thiện bữa ăn. Tính toán lại, tiền chỉ đủ cho mọi người ăn một bữa quẩy ra trò, quyết định ngay hôm sau hai người ở lại nấu cơm, hai người lên thị trấn mua quẩy.

Trời còn tối, gà chưa gáy, Dân Vĩ đã đứng ở cửa réo gọi Hiểu Thu. Vĩ được thầy giáo cho mượn cái đồng hồ để cậu ta đánh thức Thu. Sợ làm ồn người khác, Vĩ chỉ dám gọi thật khẽ, gọi một tiếng lại ngừng, lát sau lại gọi. Cậu ta vỡ giọng chưa lâu, tiếng gọi vừa nặng vừa khàn, lại muốn hạ cho thật thấp, nghe càng ồm ồm. Hiểu Thu đã nghe thấy, đang mò mẫm mặc áo quần, tìm giày. Thu cũng sợ làm ồn mọi người, cho nên không dám lên tiếng. Cũng may mà Thu rất nhanh nhẹn, áo quần giày dép mặc xong ngay. Chỉ nghe một tiếng kẹt cửa đã thấy người ra. Thu ra, bất giác rùng mình vì lạnh, sương vẫn rơi, như một trận mưa đông. Cả hai mặt mày tay chân tê cứng, trên người tưởng như chỉ mặc một lớp áo quần, hai hàm răng đánh cầm cập. Hai người một trước một sau lên cầu, mặt cầu đóng băng, rất trơn, nhưng chân Vĩ và Thu vẫn bước nhanh nhẹn, lại sợ rét, nên cứ mải miết đi. Một người cầm cái làn to tướng, không nặng, nhưng cái làn cứ đập vào khoeo chân, rất khó đi. Vậy là, sau khi qua cầu, người kia đi lên cầm một bên quai làn, đi qua xóm nhà dân, đi qua sân đập lúa, ra đến đường cái.

Vĩ và Thu đi lên thị trấn Trần Thủy Kiều, cách xa thôn chúng ở đến hai mươi bốn dặm. Nếu mỗi giờ đi được mười dặm, phải đi mất hai giờ hai mươi mấy phút, đi về cộng với thời gian mua quẩy, mua bánh bột mất ít nhất năm tiếng đồng hồ. Ăn sáng vào lúc bảy giờ rưỡi, cho nên, lúc này mới hai giờ rưỡi sáng, đường không có lấy một bóng ma. Tiếng chân chúng nghe rất rõ. Ranh giới trai gái giữa Vĩ và Thu vẫn chưa được xóa, tuy là về nông thôn lao động, sáng tối gặp nhau, trai gái không còn thủ thế như trước, nhưng vẫn chưa đến độ nói chuyện thật tự nhiên, thoải mái. Cho nên, dọc đường Vĩ và Thu không nói chuyện với nhau. Trăng quá nửa đêm rất sáng, in rõ bóng hai người, cả hai cùng ngượng với cái bóng của mình, vì thấy bóng mình cũng đồng thời thấy bóng bạn, cứ tưởng như đang nhìn nhau. Cho nên, cả hai cùng khẽ ngoảnh mặt đi. Hiểu Thu đã từng hoạt động trong đội tuyên truyền của trường thể dục thể thao thiếu niên đến nửa năm, không khí trong đội tuyên truyền tương đối cởi mở, học sinh nam đều lớn, đã từng được rèn luyện trong Hồng vệ binh, cũng đã từng trải trong xã hội, cho nên làm việc chắc chắn hơn, ra dáng đàn ông hơn. Có thể nói, Hiểu Thu có kinh nghiệm tiếp xúc với học sinh nam, nhưng trước cậu học sinh chưa thoát khỏi tính trẻ con này, Thu đề phòng như phòng trộm, bất giác trở nên mất tự nhiên. Với cái tuổi của mình, cậu ta khó lọt vào tầm mắt cánh nữ sinh cùng trang lứa, chúng hình dáng vẫn trẻ con nhưng cố làm ra vẻ người lớn, nên trông đều rất lầm lì, không có gì thú vị. Hiểu Thu lại không ghét bọn chúng, thậm chí cảm thấy chúng cũng đáng yêu. Trong chừng mực nào đó, đấy là cái nhìn từ trên cao xuống, coi đám học sinh nam trẻ con hơn mình. Bởi vậy, khi tiếp xúc, Thu tỏ ra chủ động, khiến đám học sinh nam cũng cảm thấy tự nhiên.

Nhưng cậu học sinh Dân Vĩ chừng như rụt rè hơn các bạn khác, có thể không phải là rụt rè mà là nghiêm túc. Cái vẻ nghiêm túc này không tương xứng với con người, vì cậu ta tương đối thấp, thấp hơn Hiểu Thu, nhưng cơ thể khá rắn chắc. Các giác quan rất giống chị cậu ta, trán rộng, mặt vuông, lông mày đậm, mắt to, ở con trai là tướng hổ báo, trông càng có vẻ trẻ con. Nếu được học hành bình thường, cậu ta sẽ là học sinh giỏi trong lớp, điều này có thể trông thấy từ thái độ phụ trách của cậu ta. Sổ sách nhà bếp cậu ta ghi rất tỉ mỉ, rõ ràng, tuy chỉ có rau xanh với đậu phụ, nhưng ngày nào, khoản nào cũng ghi chép rất đầy đủ, ngày nào cũng tính toán, ghi số tiền còn lại. Tiền cậu ta để riêng từng loại, cho vào cái bao bì bằng giấy gói hàng, cất vào túi áo trong. Cái vẻ trịnh trọng của Vĩ không tạo nên ấn tượng lề mề, chậm chạp. Trên cương vị cán bộ hậu cần, có những việc có thể phân công cho người khác làm, nhưng cậu ta vẫn làm một cách cần mẫn. Cậu ta kiểm tra cuống rau nhặt bỏ, nhặt lại những ngọn không già lắm vào. Bánh rán thì chia phần rõ ràng, bảo đảm định lượng mỗi bữa ăn. Cậu ta quả giống một bà quản gia hà tiện, nhưng tận mắt nhìn cậu làm việc, những ý nghĩ kia lập tức bị xua tan, vì cậu không hoàn toàn giống với người lo toan gạo củi mắm muối linh tinh vụn vặt, mà là đang làm thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, làm những thí nghiệm liên quan đến sự hưng vong của khoa học. Rõ ràng cậu ta không phải là một tay phụ trách hậu cần, không phải vì vụng về mà là không giống, đó là chỗ khác nhau giữa cậu ta và một bà nội trợ.

Vĩ và Thu đi đã được một tiếng đồng hồ, chiếc kim dài trên mặt đồng hồ lân tinh đã chạy được một vòng, lúc này đang trở về chỗ cũ. Trăng di chuyển vị trí, trời vẫn tối, sao như úp trên đầu. Chúng lớn lên ở thành phố, chưa bao giờ được thấy bầu trời rộng lớn úp cả thế giới vào trong. Người đã nóng lên, chân cũng không cảm thấy mỏi mà chỉ thấy nhanh nhẹn. Dọc đường thỉnh thoảng lại có một vài chiếc xe đạp vụt lên trước, đó là những cái “xe trâu” to nặng mà nông dân thích dùng, xe vút qua rất nhanh. Ở cuối con đường có một vầng sáng yếu ớt, trời sắp sáng. Có bóng người ẩn hiện phía trước, bóng người mỗi lúc một rõ. Một người đang gánh, Vĩ đi tới hỏi thăm: thị trấn Trần Thủy Kiều còn xa nữa không? Người kia trả lời: mười dặm. Vĩ không hỏi gì thêm. Trong số học sinh về lao động, chưa cô cậu nào đến thị trấn Trần Thủy Kiều, nghe nói đã đi được nửa đường, cả hai đều vui hẳn lên, nói với nhau: không xa lắm! Vậy là, bất ngờ cả hai nói chuyện với nhau. Chúng chưa đến thị trấn Trần Thủy Kiều, nhưng nghe bà con nói, ở đấy đông vui sầm uất lắm, vậy là cùng phỏng đoán quán hàng bán thức ăn sáng ở đâu, ở đầu phố, cuối phố hay giữa phố? Rồi cùng điểm lại quân số, chỉ sợ sót. Thoạt tiên, một người điểm tên nữ, một người điểm tên nam, về sau điểm chung, bên nam gọi được một tên nữ, bên nữ cũng nhớ ra một tên nam. Thì ra học sinh nam nữ không chơi với nhau, nhưng vẫn nhớ tên nhau. Trời đã rạng, đường đông dần. Máy kéo chạy xình xịch phía sau, người ngồi trên máy kéo sợ bọn chúng lấn đường, hét lên: hai đứa kia! Chúng bực tức mắng lại, nhưng không át nổi tiếng động cơ, kết quả mình mắng mình nghe. Chặng cuối cùng tương đối gian nan, hỏi ai cũng bảo ngay trước mặt kia rồi, nhưng đi mãi không đến. Cuối cùng cũng tới nơi, mới hay thị trấn Trần Thủy Kiều không to và không nhiều hàng quán như tưởng tượng, chỉ là một dãy phố, phố có vài ngọn đèn tù mù, dưới một ngọn đèn là một cái chảo rán quẩy. Chúng không kịp ngắm nghía bộ mặt thị trấn này, cứ vậy đi thẳng. Người trong phố chừng như đang ngủ, thời gian chừng như chạy ngược, quay lại đêm khuya. Bên đường có người đang sột soạt thu nhặt gì đấy, có vài bóng người, trên người có ánh lửa, một bếp lò, bên lò là một dãy phích nước vỏ đan bằng tre. Người kia đứng thẳng lên, ném vào lò những vật đen đen, thì ra là nhặt những mẩu than rơi vãi. Trên tấm lưới sắt để ở miệng chảo mỡ đã có hơn chục cái quẩy rán xong, trong chảo còn dăm cái đang rán. So với Thượng Hải, quẩy ở đây nhỏ hơn và đen hơn. Chúng phải chờ hai chục phút mới mua đủ, cái bánh bột mì rán cũng vừa chín, mua thêm cái bánh này coi như xong. Chúng xếp vào làn, mỗi người xách một bên quai đi về. Lần này thì làn đã đầy, chân tay thêm nặng nề. Chúng lặng lẽ đi một lúc, rồi đổi vị trí để đổi tay, lúc quay người lại thấy thị trấn Trần Thủy Kiều. Một cây cầu đá hiện lên trong ánh sáng ban mai, bên cầu có nhà cửa, tường nâu, ngói đen, im lìm đứng đó, mấy ngọn đèn vàng vọt. Cả hai ngẩn ngơ trong giây lát, bầu trời rộng mở lúc này như được thu gọn, thu gọn trong một bức tranh. Chúng dừng lại một lúc, rồi nâng cái làn, cùng bước đi.

Cuối cùng cũng về đến nhà. Đi qua cái cầu đá cuối cùng, nắng đã lên, nắng vàng trên những bờ tường đất già cỗi, soi rõ từng hạt đất, từng sợi rơm trên tường. Học sinh tập trung cả ở nhà bếp, thấy Vĩ và Thu về, bất kể là trai hay gái đều reo hò. Hai người chừng như không về được đến bếp, chia quà sáng ngay trên cầu đá. Lúc này, một đội viên đội công nhân tuyên truyền ngủ trên ban chỉ huy, đạp xe đến kiểm tra, anh ta cũng nhận một suất. Vậy là, Thu và Vĩ phải ăn chung một suất, bẻ đôi cái bánh bột rán và chia đôi cái quẩy. Bánh bột và quẩy đều đã nguội, nhưng vẫn còn mùi thơm của dầu mỡ, cũng coi như lót dạ.

Ba tuần lễ lao động đã qua được một nửa, chúng tính từng ngày. Gần cuối đợt thì gió lạnh tràn về, những hôm lạnh, học sinh nam nữ tụ tập cả bên bếp lò, đóng cửa, đốt lửa thật to. Chúng nấu nước, đựng đầy phích của mình, lại đổ đầy phích của chủ nhà, rồi cho cả vào túi nước nóng và chai lọ để sưởi. Gió ào ào ngoài cửa, cái nhà cũ này chỗ nào cũng có gió lùa, chúng phải cuộn tròn lại. Thầy giáo đọc báo cho học sinh nghe, rồi cùng thảo luận, cái gọi là thảo luận thật ra chỉ là tán gẫu. Phần lớn tán chuyện ăn. Có học sinh nói, mẹ cậu ta làm món lòng ngon tuyệt vời, có cậu khoe món chân giò hấp đường phèn của bà nội làm không chê vào đâu được. Có cậu khen cơm ăn với thịt kho ngon, nhất là cơm đáy nồi hôm sau đem rang lên lại càng ngon hơn. Tất cả các món ăn mà chúng nhớ lại đều có dầu mỡ, có thể thấy chúng sống rất khổ. Gần đường cái đầu thôn có một cửa hàng hợp tác xã có bán kẹo cứng, bánh quy đen, đám học sinh về lao động chen nhau mua những thứ này. Anh thanh niên đứng bán hàng vốn là học sinh trung học, nên có những tình cảm phức tạp đối với đám học sinh Thượng Hải. Anh ta tỏ ra vui sướng trên sự đau khổ của người khác, nhìn chúng ngày một đen, gầy, thèm ăn, áo quần lôi thôi lếch thếch, bán bánh kẹo cho cánh học sinh này với thái độ cười chê thậm chí khinh bỉ. Vì bọn chúng phần đông túng thiếu, kẹo thì mua theo cái, bánh mua theo lạng. Người bán hàng cố ý chơi ác, gói bánh kẹo thành từng cân, bán theo cân. Sau đấy, khoái trá thấy đám học sinh gom người, gom tiền lại để mua, mua một gói rồi mở ra chia chác từng cái một. Hiểu Thu và Dân Vĩ lại lên thị trấn Trần Thủy Kiều, đi buổi trưa, đi mua mỡ. Chúng nghĩ ra một món ăn mới, cơm rang mỡ cho thêm muối, tóp mỡ cho vào xào rau, coi như một món ngon. Chúng ra đầu thôn, lên đường cái, thấy có xe chạy qua, liền nghĩ đến chuyện đi nhờ. Chúng vẫy xe một lúc, không xe nào cho đi nhờ, đang định đi thì phía sau có tiếng gọi: cứ chờ đấy, sẽ có xe cho đi nhờ. Quay lại nhìn, thì ra là anh thanh niên đứng trong quầy hợp tác xã mua bán, hỏi anh ta tại sao? Anh ta cười: xem ra hai em là người Thượng Hải! Nhưng anh thanh niên này có cái vẻ bí ẩn, khác với những người nhà quê thẳng thắn thô lỗ, tỏ ra không thích bọn chúng. Họ nói ngay trước mặt bọn chúng, bàn tán đủ điều về chúng, cứ nghĩ bọn chúng nghe không hiểu tiếng nhà quê, nếu nghe hiểu cũng không thành vấn đề, cứ để chúng nghe. Chị con dâu chủ nhà chiếm ngay thùng phân của cánh nữ sinh. Một vài lần thùng phân đầy, các cô học sinh sang nhà bên đi nhờ, lập tức bị chị mắng.

Cơn gió lạnh lần này tràn qua, quét sạch mọi kiên nhẫn của chúng. Bọn chúng trở nên sốt ruột, không yên, chẳng còn lòng dạ nào để làm những việc của đội phân công, chúng giẫm nát đất đai, hoa màu của bà con. Cũng có những cô nữ sinh bận rộn “giao dịch” với bà con nông dân, mua lạc, mua vừng, mua đỗ... những thứ sản xuất tại địa phương để đem về chuẩn bị tết nhất. Thấy vậy, bà con nông dân đến chào hàng, rao bán những hàng sống như gà, vịt... Người mua tạm gửi cho gia chủ nuôi, rồi ngày nào cũng đến thăm vài ba lần đề phòng những gia cầm khác tranh ăn. Tóm lại, bọn chúng sốt ruột muốn về lắm rồi, không thể nào ở lâu hơn nữa. Hai ngày cuối cùng, thầy giáo và đội tuyên truyền công nhân tập trung tại ban chỉ huy để họp khẩn cấp, vì đang rơi vào tình trạng vô chính phủ. Đầu tiên là học sinh nam xông vào bếp cướp cơm cháy, cậy mạnh quá làm thủng cả nồi. Cái nồi cũ, nhưng bà con nông dân rất tôn kính, coi nó như vật tượng trưng cho cơm áo, cho nên chủ nhà chửi ầm lên, chửi bọn chúng là đồ “chết trôi”, phía này học sinh cũng chửi đáp trả. Chủ nhà ít người, lại cảm thấy chúng đều là trẻ con, thiếu hiểu biết, nên rút về. Đám học sinh được thể, khua cặp lồng ầm ĩ chúc mừng. Nhưng đến chiều, mấy tay đầu bếp gặp khó khăn, mọi chuyện như nấu nước, thổi cơm, nấu thức ăn đều trông vào cái nồi bị thủng kia, vậy phải làm sao đây? Chúng khiêng nồi ra ngoài, úp sấp xuống đất, nghiên cứu cách vá, chuyện đúng là khó hơn cả Nữ Oa vá trời. Dân Vĩ ở nhà đã từng hàn linh kiện máy thu thanh, quyết định đi tìm thợ hàn, mấy cậu học sinh ra sức cạo nhọ nồi. Không ngờ, chủ nhà lại chửi chúng là đồ “chết trôi”, mắng chúng cạo đáy nồi không biết xê dịch nồi, để nhọ rơi thành hình vòng tròn, làm cho lũ quỷ của Diêm Vương có lỗ chui lên quậy phá. Dân Vĩ về tay không, không biết bà con ở đây không có mỏ hàn. Tóm lại, bọn chúng không may mắn, về sau vẫn là chị con dâu chủ nhà cho mượn cái nồi khác, người mới về làm dâu bao giờ cũng hòa nhã, nhẹ nhàng. Bố mẹ chồng coi như không thấy, tóm lại không thể để bọn chúng nhịn đói “chết trôi”. Người nông thôn coi trọng việc ăn uống, có câu “trời đánh còn tránh miếng ăn”, học sinh là bọn thứ dân nhỏ, lẽ nào cướp miếng ăn của chúng?

Hôm ấy trời đã tối, chủ nhiệm lớp từ ban chỉ huy về, triệu tập họp ngay cán bộ, sáng hôm sau họp toàn thể. Nhưng đêm mọi người đã biết không được về Thượng Hải. Thượng Hải đang chuẩn bị chiến tranh, người phải sơ tán, những học sinh như bọn chúng đã đi khỏi thành phố thì phải làm cách mạng ngay tại địa phương. Cả đêm ồn ào sục sôi, đám nữ sinh có cô khóc trước, vậy là cả lũ cùng khóc. Đám học sinh nam đã chuẩn bị ba lô khăn gói, chờ trời sáng là về. Thầy giáo và mấy cán bộ học sinh gồm đại đội trưởng, trung đội trưởng soi đèn pin, trong số đó có cả Dân Vĩ, vì cậu ta là cán bộ hậu cần đi hết chố này đến chỗ khác để an ủi, động viên bọn chúng. Vĩ cùng các cán bộ là học sinh nam theo sau thầy giáo và cán bộ nữ sinh, không dám nhìn vào phòng nữ, chỉ dám liếc nhanh, giữa đám nữ sinh khóc lóc ngả nghiêng chỉ có Hiểu Thu là không khóc, ngồi thẳng giữa đống chăn, nhìn chung quanh tỏ ra không hay biết gì, trông thật khó hiểu. Cái bóng đèn treo lủng lẳng trên xà nhà, căn phòng ban ngày tối om lúc này sáng trưng, thấy rõ cả mạng nhện trên tường. Mãi đến quá nửa đêm mọi người mới yên ắng, tiếng khóc không còn, người chuẩn bị về cũng mở ba lô hành lý ra lấy chăn đắp. Hôm sau, mặt trời đã lên cao, nhưng chưa một ai dậy, còn nằm cả trong chăn. Chủ nhiệm lớp cùng đại đội trưởng, trung đội trưởng lên ban chỉ huy báo cáo tình hình, mấy đầu bếp đã nấu xong cháo chờ mọi người đến ăn. Mọi ngày giờ ấy nhà bếp đã ồn ào chen chúc, hôm nay không một bóng người. Đầu bếp chia nhau đi gọi, nhưng cũng chẳng ai đến. Nồi cháo hâm đi hâm lại, cháo nhuyễn thành hồ, giờ cơm trưa cũng sắp đến. Cháo được đổ vào chậu rửa mặt để lấy nồi rán bánh, xào rau, vẫn không có người đến, rõ ràng mọi người tuyệt thực, quyết tâm về. Mấy cấp dưỡng cũng đã mệt, ngồi phơi nắng, buồn nhìn phía trước, dây leo trong vườn đã héo khô, vắt trên hàng rào. Gió lạnh đã qua, trời ấm dần, không khí miền Giang Nam trở nên dễ chịu. Có hai đầu bếp kiên quyết không xuống, chui vào nhà ngủ, chỉ còn Dân Vĩ và Hiểu Thu canh bếp, nắng chiếu trên đầu trên lưng, nóng và khô. Ngồi thẫn thờ một lúc, bỗng Hiểu Thu đứng dậy, hỏi: cơm tối nay thế nào? Dân Vĩ ngạc nhiên, nhớ ra bữa sáng, bữa trưa chưa ai đụng đến, nghĩ đến bữa tối làm gì? Mắt Hiểu Thu sáng lên, rõ ràng Thu đã có chủ ý. Thu không giải thích, vào bếp lấy cái làn lớn ra, cái làn vẫn đi mua quẩy, bảo Dân Vĩ cùng đi. Dân Vĩ vội theo sau nhưng không biết đi đâu, nhìn theo bóng Hiểu Thu. Thu mặc cái áo khoác ngoài áo bông màu xanh, cổ áo sơ mi lật ra ngoài cổ áo bông, hai bím tóc to dày buông trên bờ vai. Đó là kiểu trang phục thông dụng của nữ sinh Thượng Hải nhưng trên người Hiểu Thu lại ra dáng nông thôn, giống thôn nữ, một thôn nữ hoạt bát. Thu đi đôi giày vải đen nối giữa, có lỗ thoát, buộc dây, đôi chân rất đẹp, thoăn thoắt trên bờ, đến một thửa ruộng. Đó là khu ruộng trồng khoai lang, khoai trồng thành luống, ruộng có đến bảy tám luống. Khoai lang đã thu hoạch xong, dây khoai gom thành đống chờ để chia cho các hộ làm thức ăn chăn nuôi. Hiểu Thu ngồi trước một đống dây khoai, hai tay bới đống dây, quay lại gọi Dân Vĩ. Cảnh tượng ấy có thể vào một bức tranh, nắng chiều vàng, những sợi tóc con trên đầu Thu nhuộm nắng long lanh. Con ngươi mắt Thu ánh vàng như của người phương Tây. Thu vừa gọi vừa quay lại, cố ngồi bới đống dây khoai, bới ra gì đấy, liên tục bỏ vào làn. Thì ra Thu đi mót khoai, những củ khoai bé bằng ngón tay còn sót trong mớ dây. Thu lật đống dây, lôi ra những dây có khoai, gọi Vĩ mau đến vặt. Còn mình lại bới sang bới đống khác. Có người đi qua, tưởng chúng đang nghịch ngợm gì, liền giậm chân chửi “đồ chết trôi”, làm cái trò gì đấy! Thu và Dân Vĩ mỗi đứa cầm một bên quai làn, bỏ chạy sang ruộng khác. Ruộng ngoại thành manh mún, nhất là thửa ruộng trồng những thứ lương thực phụ đều dồn cả vào một khu vực. Chúng chạy thật nhanh trên bờ ruộng, tiếng chửi “đồ chết trôi” cứ đuổi theo sau. Thỉnh thoảng một trong hai đứa lại trượt chân, giẫm vào vũng bùn hoặc gốc rạ, chưa kịp đứng vững thì bị bạn lôi mạnh cái làn. Thu chạy rất nhanh, tưởng chừng như bay lên. Vĩ không biết Thu đã từng học thể dục thể thao, chỉ cảm thấy cô nữ sinh này không giống với những nữ sinh khác, không kiêu căng. Cả hai rất vui và rất nhiệt tình với trò chơi mót khoai và tháo chạy này, chúng thoắt ngồi xuống, thoắt đứng dậy, nhảy qua các luống đất, chạy trên những bờ ruộng ngang dọc chằng chịt như tấm lưới. Cái làn mỗi lúc một nặng, cuối cùng không chạy nổi mới chịu đứng lại. Chúng gập mình thở hổn hển, lại cười, cuối cùng thắng lợi trở về. Tối hôm ấy, rang cơm còn lại buổi trưa, cho khoai lang vào cháo sáng, bưng lên nhà, đưa cho từng người. Đưa cơm trước, đưa cháo sau. Mọi người ngồi trong chăn mà ăn, lúc đầu còn từ chối, sau đấy cái đói, và mùi thơm của cơm cháo quá là hấp dẫn, rốt cuộc ăn như hổ như báo, kết thúc một ngày chống đối.

Cuộc sống chán nản ở nông thôn lại tiếp tục, không biết đến bao giờ mới chấm dứt. Nhà trường quyết định, mỗi đại đội cử một người về Thượng Hải thu tiền ăn. Ở đại đội của Hiểu Thu tất nhiên là cán bộ hậu cần Hà Dân Vĩ được về. Mỗi người, bất kể là trai hay gái, đều viết thư nhờ Vĩ đưa đến tận nhà. Hành lý của cậu ta trở nên lôi thôi, nặng nề, trên vai là hai bọc lớn dùng dây thừng buộc lại, lủng lẳng một trước một sau, mỗi tay xách ngược một con gà bị trói chân, may mà một con vịt chết vì nghẹn cám, nếu không cậu ta phải xách thêm một con vịt nữa. Các bạn tiễn những hai dặm đường, cậu lên xe buýt đường dài, mắt nhìn đăm đắm vào cửa xe đóng chặt, xe chạy, tung bụi mù mịt, chạy về hướng cả lũ muốn về mà không được về. Vĩ xuống xe, chờ sang sông, về đến Thượng Hải thì đường phố đã lên đèn. Kỳ lạ là, Vĩ không cảm thấy Thượng Hải tấp nập, đông vui mà có cảm giác hoang vắng. Trong tháng ấy, Thượng Hải như phải trải qua một sự kiện lớn, cửa kính đều dán những băng giấy dọc ngang, đúng là không khí chiến tranh. Người và xe đều thưa thớt, những sân khấu tuyên truyền dựng ở các phố cũng vắng vẻ. Cho đến khi Vĩ bước vào ngõ nhà mình, nhìn cái bếp lò sau ngõ, tuy cửa đóng, nhưng vẫn lọt ánh đèn và mùi dầu mỡ, cậu ta mới yên tâm. Bỗng nghe từ trên sân thượng có tiếng chí chóe của một cô bé, tiếng gọi như tiếng chim: Vĩ, Vĩ! Tiếng cô em gái, nó không gọi anh mà gọi thẳng tên. Cửa sau mở, chị gái ra đón. Có tiếng động trên cầu thang, nghe như tiếng lăn từ trên xuống. Chị gọi em gái xuống, nhưng không ai đỡ hành lý cho cậu ta, cậu ta không cần ai giúp, cứ thế đi lên gác. Về đúng bữa ăn tối, bát đũa đã bày sẵn trên bàn, vội lấy thêm cái bát đôi đũa. Bố mẹ đang đi lao động ở nông thôn, ở nhà chỉ có mấy đứa con, thấy Vĩ đột ngột về, mấy chị em vui mừng khôn xiết. Chị sai em đi mua thêm thức ăn chín, làm thêm món trứng gà rán với tôm khô. Cuộc sống vẫn như cũ, nếu không có cửa kính dán giấy thì giống hệt hồi trước, hồi bố mẹ không có nhà, mấy chị em cùng cai quản gia đình.

Cửa kính nhà Vĩ dán giấy cắt hoa, do hai đứa em tự cắt. Cô chị là lứa học sinh tốt nghiệp trung học đầu tiên được phân công về một nhà máy đóng tàu nổi tiếng, làm công nhân lái xe. Hai cô em học lớp hai và lớp ba tiểu học, học sinh tự quản, hai chị em ngày ngày dắt tay nhau đến lớp, tan học lại dắt tay nhau về, chơi với nhau. Bố mẹ đều là cán bộ bình thường trong các cơ quan hành chính. Cả hai đều không phải là cán bộ xuất thân từ phong trào cách mạng, mà xuất thân từ gia đình trung lưu, được giáo dục, học hành đến nơi đến chốn, năm 1949 được Chính phủ tuyển vào làm nhân viên văn phòng, một người làm tài vụ, một người đánh máy, sao chép, tốc ký. 8000 Nói là cán bộ thực chất chỉ là nhân viên. Trong “Đại cách mạng Văn hóa”, có thể nói gia đình họ được yên ổn, tuy vợ chồng phải đi lao động, nhưng không phải là lao động có tính chất hình phạt, mà là toàn bộ cơ cấu hành chính phải đi lao động. Cô con gái lớn đến tuổi có thể trông coi được gia đình, nên giao cả nhà cửa cho cô. Đầu lòng là gái lúc này tỏ rõ thế mạnh, bố mẹ cũng yên tâm. Không biết do trời sinh hay được bố mẹ cổ vũ, chị cả rất có chủ kiến, tuy cha mẹ có phần thích cậu thứ hai hơn, không chỉ vì là con trai duy nhất, mà còn vì cậu ta ngoan ngoãn, không bao giờ tự cho mình được cưng nhất nhà mà bắt nạt chị em, ngược lại, mấy chị em bắt nạt cậu ta. Đây là một gia đình theo kiểu cũ, được hấp thu thêm giáo dục mới, bảo thủ nhưng hiểu biết, họ biết đàn ông con trai gánh vác việc đời nặng nề hơn, cho nên không cố tình chiều chuộng con trai. Chị em sống với nhau rất hòa thuận, hợp tính hợp nết, chị cả chuyên quyền một chút, cậu em biết nhường nhịn, hai cô em gái được hưởng lộc.

Dân Vĩ ít nói, điều này có phần do chị gái và em gái cứ chí chóe như chim khách, cậu ta muốn cũng không có cách nào nói chen vào nổi. Thế giới của con gái là hòa bình, nhỏ nhen một chút, hay nói, thích so bì tị nạnh, nhưng dịu dàng như nước. Cho nên, dưới cái vỏ ít nói của Vĩ là sự bình tĩnh của nội tâm. Cái bình tĩnh của cậu ta không phải là kiểu bình tĩnh tư tưởng dùng suy xét và sách vở để làm giàu nội tâm, mà là có tính chất thao tác thực tế. Ví dụ chị và em gái chơi bi xong rồi bỏ mỗi nơi một viên, cậu ta đi thu nhặt từng viên một; mùa xuân, mẹ đưa mấy chị em đến cơ quan chơi, chị và em gái chơi hăng hái, chỉ mình cậu ta đứng dưới gốc cây chọn từng ngọn cỏ, dùng mũi kéo đào gốc, rũ đất rồi bỏ vào làn; bố sơn lại cái giường sắt, đầu tiên phải cạo sơn cũ, cạo gỉ, chỉ có cậu ta và bố làm, hai bố con tay cầm tuốcnơvít làm từ sáng đến chiều; chuyện sổ sách, tiền nong, gạo củi, rau dưa ở nông thôn cũng vậy. Người lớn đều bảo cậu cẩn thận, có trách nhiệm, kiên nhẫn, chịu khó, thật ra tính cách ấy bắt nguồn từ sự bình tĩnh nội tâm. Cậu ta không quá say mê một điều gì, nhưng chỉ cần phân cho một việc, cậu ta rất hào hứng làm. Trong đám chị em ồn ào nghịch ngợm, cậu ta là quả cân giữ thăng bằng. Cho nên, cậu ta ít nói, nhưng có hay không có cậu ta cũng khác nhau. Cậu ta về, chị em trong nhà lại nói nhiều, hình như có một khách nghe quan trọng. Cậu ta ít thích bắt chuyện với chị và các em, chỉ dặn đừng đụng đến những thứ đem về, toàn là đồ của người khác, mình chỉ có một gói, gói lạc, chị cho ngay vào hòm, trong hòm đầy những thứ dự trữ. Ngay tối hôm ấy, cậu ta mang hai con gà đi, lấy về hai khoản tiền và tem gạo. Về đến nhà, cậu ta ngồi dưới đèn kẻ một bảng danh sách để ghi chép tiền nong, rồi tính đường ngày mai đến nhà các bạn. Các bạn đều ở gần nhà, hoặc bên kia đường, hoặc ngay bên này, xa hơn cũng chỉ vài con phố quanh đấy. Cậu ta xếp đặt thứ tự, kiểm lại những thứ bạn gửi, rồi rửa mặt, rửa chân lên giường, lúc này mới nhớ người đang bẩn, chăn đệm lại sạch sẽ.

Sáng sớm hôm sau Vĩ dậy đi ngay, gặp đúng ngày Chủ nhật, bố mẹ các bạn đều ở nhà, có mấy gia đình khóa cửa, nghe hàng xóm nói cả nhà đi thăm người thân, tối phải đến lần nữa. Nhưng chuyến đi này kéo dài hơn dự kiến. Có những vị phụ huynh trông thấy cậu ta tưởng như gặp con em mình, hỏi chuyện rất nhiều, có nhiều điều muốn hỏi cho rõ. Lại có vị phụ huynh xem cậu như thầy giáo, phân trần con mình ở nhà không được khỏe, hay bị cảm hoặc đau khớp, có thể xin về nghỉ được không? Có những vị tỏ ra bực bõ, không chịu giao tiền, giao tem lương thực, bảo không phải muốn cho con đi mà là nhà trường bắt phải đi, nhà trường bắt đi thì nhà trường phải bao ăn uống... Vĩ là người có trách nhiệm, một người kiên nhẫn, cậu ít nói nhưng nói câu nào cũng đều có trọng lượng. Cậu ta nói, lớp sắp tốt nghiệp và sẽ được phân công, để lại ấn tượng tốt đẹp cho nhà trường mới là quan trọng, vậy là vị phụ huynh nọ lại nộp tiền, nộp tem gạo. Cậu ta nói vậy không những vì chính sách mà đó còn là suy nghĩ thực tế của cậu. Hầu hết các vị phụ huynh đưa đủ tiền ăn còn nhờ cậu đưa cho con ít tiền tiêu vặt, có người gửi bánh quy, có vị bảo cậu để lại địa chỉ buổi tối sẽ đem bánh đến gửi. Chị gái của Vĩ mua mấy cân bột mì, bột gạo, mua thêm bánh quy, bánh trứng. Lần đến nhà Hiểu Thu thật đặc biệt, hoặc, có thể vì có liên quan đến tình cảm. Khi bước vào ngõ nhà Hiểu Thu, cậu có cảm giác khác thường. Phía trên con ngõ hẹp, áo quần đủ màu đủ sắc phơi như cờ lông công, giống như mọi ngõ khác, luôn luôn có những phụ nữ ngồi lê chuyện trò và vài người đàn ông nhàn rỗi. Hễ thấy có người vào ngõ, họ nhìn không giấu giếm, cậu ta tìm thấy số nhà, đang do dự vì bên trong là cửa hàng, lập tức sau lưng có người chỉ cho cậu ta cầu thang phía bên trái. Quả nhiên phía bên trái có một cầu thang tối om, phía trên có chút ánh sáng, vì cầu thang có cửa sổ, cậu ta đi lên. Ngay đầu cầu thang có lò than, chạn thức ăn, vòi nước, cậu không hình dung nổi nhà Hiểu Thu lại ở đây. Vĩ đứng ở cửa cầu thang, cánh cửa gỗ đang mở, hỏi vọng vào: có ai ở nhà không? Chỉ mấy giây sau, một người xuất hiện ở cửa, trước mặt lởn vởn những sợi khói thuốc, vì ngược sáng nên khuôn mặt chủ nhà mờ ảo. Thoạt nhìn, cứ ngỡ đấy là người đàn ông béo lùn, tóc chải lật ngược ra phía sau, như kiểu tóc nam giới, một tay kẹp điếu thuốc, tay kia đỡ khuỷu tay đưa lên che mắt. Bạn bè Hiểu Thu đều biết, mẹ Hiểu Thu là diễn viên, Vĩ không ngờ nữ diễn viên lại như thế này. Chị đứng ở cửa, hỏi: có việc gì? Hiểu Thu thế nào rồi? Cậu ta vắn tắt vài lời, đưa ra một bao vừng Hiểu Thu nhờ đem về. Mẹ Hiểu Thu cũng không nhiều lời, chị hất cằm ra hiệu cho Vĩ để bao vừng ở bếp, cho tay vào túi lấy ra một tệp tiền, tay kia vẫn cầm điếu thuốc, dùng ngón tay cái và ngón đeo nhẫn đếm tiền đưa cho Vĩ, rồi quay vào nhà. Có thể vì cảm thấy quá ngắn gọn, bất giác cậu ta hỏi còn gửi gì nữa không. Mẹ Hiểu Thu nghiêng nhìn: còn gì nữa? Lúc này, ánh sáng chiếu một bên mặt chị, chợt vẻ mặt Hiểu Thu như thoáng hiện trong cái bóng nhìn nghiêng kia. Còn gì nữa? Chị hết sức ngạc nhiên hỏi. Cậu ta rụt rè: sống ở nông thôn khổ lắm, ăn uống rất đạm bạc, thiếu dầu mỡ. Vẻ mặt chị tỏ ra ngạc nhiên hơi quá, hỏi lại: về nông thôn để rèn luyện cơ mà? Cậu ta không biết nói sao, chào rồi đi xuống, cảm giác phía sau là ánh mắt ngạc nhiên vẫn nhìn theo, bỗng toát cả mồ hôi.

Trưa hôm thứ ba Dân Vĩ lên đường, gần tối xuống xe. Cậu ta vác đủ bao lớn bọc nhỏ đi về nhà bếp, chưa qua cầu đã có người trông thấy, reo to và chạy ào tới. Đúng bữa ăn, các bạn đều tụ tập ở bếp, ùa cả ra, giành lấy bọc lớn bọc nhỏ trên người cậu ta, mở ngay tại chỗ, bảy tám cánh tay cho vào lục lọi, xem có gì của mình không. Có người cầm nhầm, có người làm thủng giấy bọc, tung tóe cả ra ngoài. Cảnh tượng thật hỗn loạn, trông như sắp đánh nhau đến nơi! Ồn ào một lúc, bọn chúng lấy được quà rồi mới bình tĩnh lại. Những thứ của Vĩ hầu như bị tung cả ra, rất may cậu ta để tiền ở túi áo trên người, lúc này lấy ra, gọi tên phát cho từng người, tương đối có trật tự. Cuối cùng, cậu ta thu dọn bao không, sắp lại những thứ của mình, kéo khóa dây, bất ngờ đầu óc xao động, cậu ta lấy một gói bánh trứng đưa cho Hiểu Thu, nói: của bạn đây. Vừa rồi Hiểu Thu cũng chen lấn lục lọi, không thấy gì là của mình, nửa thất vọng nửa đã đoán trước, bỗng lúc này lại có phần, tự nhiên rất vui, cũng không hỏi, mở ngay ra ăn. Lúc này, nhà bếp toàn mùi bánh, tiếng nhai giòn tan, cảm giác thỏa mãn trong miệng giải tỏa nỗi buồn ở nông thôn.

Những ngày tiếp theo, lao động là thứ yếu, thứ nhất, bởi công việc đồng áng vào mùa đông, không còn mấy việc; thứ hai, mục đích về nông thôn để rèn luyện nay chuyển sang sơ tán, chuẩn bị chiến tranh. Nhà trường chỉ canh giữ cho học sinh không xảy ra chuyện gì, không bị lạc là may mắn lắm rồi. Cái hăng hái lúc mới về nông thôn không còn, chị con dâu chủ nhà bụng đã mang bầu. Cảnh sắc mùa đông thật buồn, những hôm gió mùa về, gió thổi thốc tháo, nước sông đã đóng một lớp băng mỏng. Trời hanh khô. Cái ăn mỗi ngày một thiếu. Vĩ phải tính toán thật chi ly, cắn răng cắn lợi mới cho mọi người được một bữa tươi chỉ mỗi một miếng sườn, vừa dính răng, thà không ăn còn hơn. Tất cả đang tuổi ăn tuổi lớn, lại là những đứa trẻ thành phố sinh ra trong màu mỡ giàu có, thèm biết bao nhiêu thứ. Lên thị trấn Trần Thủy Kiều trở thành chuyện thường xuyên, cứ dăm ba đứa rủ nhau, ăn sáng xong bắt đầu đi, lên đến nơi vừa trưa. Thật ra cũng không cải thiện được là bao, vì tiền đâu có nhiều. Chỉ là ăn tô mì vằn thắn hoặc tô mì thịt, còn không đủ bù đắp sức lực đi về. Chỉ có hai người không lên thị trấn Trần Thủy Kiều, đó là Hiểu Thu và Dân Vĩ, Thu không đi vì không có tiền, Vĩ không đi vì chẳng phải cậu vừa được về Thượng Hải bù đắp hai ba hôm rồi sao? Những người rủ Vĩ đi Trần Thủy Kiều nói vậy. Nhưng trong sâu xa lòng Vĩ là bởi Hiểu Thu không đi.

Hiểu Thu không lên thị trấn, nhưng Thu có cách tìm cái ăn cho mình. Giống như con chuột nhắt kiếm ăn, mắt tròn xoe, tai vểnh lên, nghiêng ngó chung quanh, xem có gì ăn được không. Một hôm, ở hợp tác xã mua bán, Thu trông thấy trong thùng giấy còn sót lại mấy quả hồng xanh, bỏ ra năm xu mua về, đem ủ vào thùng gạo, nghe nói ủ vào thùng gạo hồng sẽ chín. Dân Vĩ để mặc Thu, cậu ta chỉ lặng lẽ theo dõi, hôm sau Thu moi ra, xem đã vàng chưa. Nhưng quả hồng này còn non, ủ thế nào cũng không chín. Một tuần lễ sau, Thu lấy hồng, đem ra chỗ vắng người, ăn một mình. Hôm ấy, Thu liên tục uống nước, súc miệng, dùng khăn tay ướt lau lưỡi, chát không mở được miệng. Lại một hôm, Thu vừa nấu nước, vừa ném gì đó vào bếp, lát sau nghe một tiếng nổ, Thu thè lưỡi hứng, hứng trúng, cắn một tiếng giòn tan, mùi thơm của đậu rang, thì ra Thu nướng đậu để đỡ thèm ăn. Lúc này mới biết, chiều hôm trước thấy một mình Thu lom khom cúi tìm thứ gì đó ở đống cây đậu đã thu hoạch xong. Lại một hôm khác, Thu và Vĩ cùng nấu nước đổ vào bình cho mọi người, trong nồi còn một ít nước đang sôi, Thu nói, Vĩ có thể cho bột mì vào được đấy. Vĩ không ngờ Thu chú ý đến gói bột của mình, mà lại rất thản nhiên, liền cảm thấy khó xử, từ đấy về sau không ăn nữa.

Cho đến cuối năm dương lịch, bỗng có tuyên bố được về Thượng Hải, nhưng chỉ được về bốn ngày rồi quay lại đây, giống như Trường cán bộ Mồng bảy tháng Năm(1), mỗi tháng được nghỉ bốn ngày, tình trạng đó còn kéo dài đến bao giờ thì không biết. Nhưng tóm lại, hàng tháng được nới lỏng chút ít, nên không còn bức xúc nóng lòng nữa. Về đến nhà, ngay hôm sau là đầu năm, qua ngày đầu năm lại chuẩn bị để đi. Buổi sáng, Dân Vĩ đi cắt tóc, về đến nhà thì nghe chị nói Hiểu Thu đến tìm. Nghe nói vậy, cậu ta không kịp vào nhà, cứ thế đi xuống, đến nhà Hiểu Thu. Chị trông thấy bóng em khuất dần nơi cầu thang và chỉ trong giây lát, tiếng chân cũng không còn, nghĩ bụng chuyện gì mà vội vã vậy? Cô biết Hiểu Thu từ hồi dạy Thu chơi chũm chọe, đã từng khen Thu thông minh. Hiểu Thu cũng hay nịnh cô, muốn học được nghề, phải thành tâm với người dạy, hai người cũng rất tốt với nhau. Nhưng cô không thích Hiểu Thu đến tìm em trai mình, điều ấy có liên quan đến những lời đồn đại về Thu, cũng liên quan đến tâm lý thông thường của tất cả những người làm chị quan tâm đến em trai. Giống như cô nữ sinh nhỏ ở cái ngõ có khu chung cư Hiểu Thu kết giao hồi trước, không muốn có ai đó ít nhiều chia sẻ anh trai của mình. Chị em trong nhà có ý thức giúp đỡ nhau, không muốn người ngoài can dự, mà cô chị này lại có phần chuyên chế. Đến trưa, Dân Vĩ về đem theo nào bọc, nào chai lọ, cô chị liền hỏi Hiểu Thu tìm có chuyện gì. Vĩ cảm thấy chị nhiễu sự, mà chuyện của lớp không việc gì phải báo cáo với chị, cậu không nói gì. Chị không vui, cảnh cáo: mày đừng có mà bám vào con nhỏ ấy, nó không tốt lành gì đâu. Vĩ không bực vì chị nói Thu không phải là người tốt lành mà bực vì chị nói “bám” nghe không lọt tai, nghĩ bụng nếu đến tai lũ bạn trai thì thế nào? Cậu ta đáp lại: chị nói cũng phải có trách nhiệm một chút, ai “bám” ai? Cô chị thấy sắc mặt cậu em vẫn hòa nhã nhưng thái độ tỏ ra nghiêm khắc, nên cũng ngại, không nói gì nữa, chị em cùng ăn cơm, coi như không có chuyện gì.                                                                      

Hiểu Thu tìm Dân Vĩ vì thầy chủ nhiệm lớp giao nhiệm vụ cho Thu, bảo Thu truyền đạt lại cho Vĩ. Thu gặp thầy chủ nhiệm ở cửa hàng nông thổ sản Bốn Phương, thầy đang cùng vợ đứng ở quầy bán tương cà mắm muối. Gặp học sinh ở cái nơi bán đồ ăn thức uống thế này thầy giáo cảm thấy ngượng, thầy hơi đỏ mặt, nhưng vẫn giữ vẻ đạo mạo, bảo Thu nói với bạn phụ trách ăn uống của lớp nên chuẩn bị thức ăn sáng cho lớp, về nông thôn khỏi cần phải lên tận thị trấn Trần Thủy Kiều để mua. Hiểu Thu nhận chỉ thị, tất nhiên phải đến tìm Dân Vĩ. Thu đứng dưới nhà gọi, cô chị thò đầu ra cửa sổ nhìn, Thu liền gọi: chị Hoa, Vĩ có nhà không? Hoa làm như không quen biết Thu, buông một tiếng không rồi rụt vào, không thấy đâu nữa. Hiểu Thu về, không hiểu ra sao, nhưng khi Vĩ đến tìm Thu, Thu biết chị Hoa đã nói lại, nên cũng không còn ngạc nhiên. Thu truyền đạt lời thầy chủ nhiệm, rồi cùng Vĩ ra cửa hàng Bốn Phương, nhưng thức ăn ở đấy hơi đắt, chi bằng đến các cửa hàng bán lẻ ngoài chợ. Mua rồi mới sực nhớ không đem theo đồ đựng, Thu lại phải về lấy mấy cái chai miệng rộng để đựng đậu phụ nhự. Những thức ăn khác đành phải gói lại, buộc dây cẩn thận. Hai người chia nhau, Dân Vĩ mang già nửa, Hiểu Thu mang non nửa và chia tay ở hàng bán thức ăn, về đến nhà vừa trưa.

Lúc này, rất tự nhiên, Hiểu Thu thành trợ thủ của Dân Vĩ. Chuyện ăn uống bếp núc Dân Vĩ vẫn bàn với Hiểu Thu, vì Thu rất thạo việc. Gặp Thu chẳng có gì trở ngại, Thu không rụt rè hoặc mất tự nhiên như lũ bạn gái. Đó cũng là nguyên nhân để người khác bàn tán về Thu. Tất nhiên trong những lời bàn tán cũng có chút ghen tị, vì phần đông lứa tuổi ấy rất hay xấu hổ, lại ảnh hưởng cái nhìn phiến diện của thành thị, tâm lý hẹp hòi, hay làm bộ, không thể thẳng thắn được như Thu. Bọn chúng phần lớn không thể thể hiện chân thực như chúng nghĩ. Các bạn trai, rõ ràng bị Thu hấp dẫn, nhưng lại làm ra vẻ xem thường; các bạn gái, hoặc muốn làm như Thu nhưng không làm nổi, nên tỏ ra không chịu thua kém. Tóm lại, cũng rất phức tạp, phải tập trung đối xử với thái độ của Hiểu Thu, rốt cuộc là không thích Thu. Về điểm này Dân Vĩ đứng ngoài cuộc, cậu ta không nhạy cảm với đặc tính về mặt giới tính của Hiểu Thu, phải chăng có liên quan đến cuộc sống với chị em trong nhà, hoặc vì Vĩ là học sinh chín muộn, không có cảm giác với bạn gái. Cậu ta chú ý đến cái khác của Thu, không chú ý đến giới tính, mà chú ý đến tính cách. Cho nên, cậu ta thậm chí không nghĩ Hiểu Thu là một nữ sinh, ít nhất, cảm thấy Thu không giống với một nữ sinh. Vĩ cho rằng, phàm là nữ sinh phải kiêu kì, nhỏ nhen, coi mình như một thứ bảo bối, tất nhiên phải nhu mì, yếu đuối. Thu không có những điểm ấy, Thu hoàn toàn đi theo một con đường khác. Thu còn mạnh mẽ, được việc hơn cả một số học sinh nam. Thu và Vĩ hợp tác tất nhiên cũng có người nói hai người tốt với nhau, nhưng cuộc sống đơn giản ở nông thôn, giữa nam nữ thanh niên lời đồn đại ấy cũng rất ngây thơ hồn nhiên, không có gì là không trong sáng. Với lại, không chỉ nói Thu và Vĩ, đồng thời cũng có mấy đôi khác. Bạn này với bạn kia, bạn kia với bạn nọ, cái gọi là tốt với nhau chẳng qua là giặt áo quần cho nhau, người nọ giúp người kia lên thị trấn mua bánh, mua quẩy. Tất nhiên, có lúc, ngày nghỉ về Thượng Hải, người nọ đi với người kia ở phố, bị người này trông thấy.

Những lời đồn đại về Dân Vĩ và Hiểu Thu đến tai cô chị Dân Hoa. Trên đây đã nói, bạn học của Vĩ ở ngay cạnh nhà, bạn học này đưa chuyện đến tai Dân Hoa. Vậy là cô bạn học ở bên cạnh nhà trở thành trinh sát của Hoa. Mỗi lần về Thượng Hải nghỉ, Hoa đều gọi cô học sinh này lên sân thượng, thì thầm to nhỏ với nhau cả buổi. Vĩ quá quen với cảnh con gái chụm đầu chuyện trò, cậu không thú vị gì, nhưng không ngờ họ đang nói về mình. Vào những năm tháng đó, chỉ chênh nhau vài tuổi là đã không bình đẳng, bé phải tỏ ra nịnh hót người lớn hơn. Cô học sinh này rất sùng bái Dân Hoa, vì Hoa vốn là giọng nữ cao thủ đội tuyên truyền Hồng vệ binh, nay lại được vào làm trong nhà máy, một người lớn chính cống rồi còn gì, vậy mà còn tìm cô nữ sinh để nói chuyện. Tất nhiên nói chuyện cũng hết sức vất vả, không những phải tìm lời lẽ để thổi phồng, lại phải theo dõi quan điểm của Dân Hoa. Cô nữ sinh này vốn rất thân với Hiểu Thu, không thuộc loại hay buôn chuyện, nhưng tình thế thay đổi, không thể không bỏ Hiểu Thu để đứng về phía Hoa. Vậy là, nhất cử nhất động của Hiểu Thu và Dân Vĩ ở nông thôn thế nào, hàng tháng cô nữ sinh này đều đem về mật báo với Dân Hoa. Nhà không có người lớn, Hoa cai quản gia đình, khó tránh khỏi tác phong ngang ngược tai quái. Trong phân xưởng, Hoa đã nghe ngóng nhìn thấy vài chuyện trai gái, cũng có người tỏ ra ân cần với cô, nên tự cảm thấy mình có đủ kinh nghiệm để đoán biết những loại chuyện này. Hoa cố làm ra vẻ thành thạo, nhưng không thách thức, mà mỗi lần ngồi bên bàn ăn, giọng điệu như không cố tình, nhắc đến thân thế Hiểu Thu. Cô ta không biết đấy là điều vô cùng ngu xuẩn, nói đến cái xấu của người khác trước hết chứng tỏ bản thân rất xấu xa, với lại cũng chẳng có gì mới, chuyện mọi người đã biết, đành nói thêm về bản thân Hiểu Thu. Vĩ vẫn không nói gì, nhưng lọt tai thêm hai tiếng nữa là “mắt mèo”. Đúng là chuyện mới, lần đầu tiên cậu ta mới nghe thấy, bất giác nghĩ đến đôi mắt Hiểu Thu. Cách làm của chị gái gây tác dụng ngược, lại cung cấp thêm tình hình cho Vĩ, thật may, điều này càng làm cho Vĩ thêm hiểu Thu hơn. Vĩ vốn không bằng lòng với chị gái, cảm thấy chị quá thổi phồng, giống như mẹ quản lý các em, nhưng là mẹ kế, chỉ hơn Vĩ ba tuổi. Định tìm chuyện gì đó để phản bác, khổ nỗi không tìm ra, nhưng lúc này thì có rồi. Vì Vĩ không phải là người nóng tính, cái gọi là phản bác chỉ là không hưởng ứng, không phụ họa. Nhưng như vậy, Hoa cũng nhận ra. Hai chị em gieo mầm thù hận, mà cũng gieo mầm nguy hiểm cho sự phát triển quan hệ giữa Dân Vĩ và Hiểu Thu sau này.

Rất thú vị là, Hiểu Thu không coi Dân Vĩ là một học sinh nam. Nói chung, nữ sinh ít chú ý đến bạn nam học cùng lớp, có thể đấy là nguyên nhân. Vĩ chậm phát dục, không chín sớm, không phải là một học sinh nam có khí chất đàn ông, mà gần với một cậu bé, có thể đấy cũng là nguyên nhân. Hoặc, những điều ấy không phải là nguyên nhân, nguyên nhân ở chỗ, Dân Vĩ không đối xử với Hiểu Thu như với các bạn gái khác. Chừng như Hiểu Thu được thức tỉnh ngay từ ngày còn bé, thức tỉnh giới tính, nhưng lại được thức tỉnh bởi thái độ khinh miệt, luôn khiến Thu thấy mình sai, không biết như thế nào là đúng. Bởi Thu không phải là đứa con gái tự giác, mà tương đối hồ đồ, thiếu hiểu biết, thậm chí Vĩ cùng tuổi nhưng có ý thức hơn. Có lúc cậu ta cũng phải suy nghĩ đến những lời đồn đại về Hiểu Thu, kết quả là, Thu hoàn toàn không như vậy. Đấy cũng bởi cậu ta chú ý nhiều đến tính cách của Thu. Trong sự chú ý của cậu ta, tính cách của Thu nổi trội hơn những đặc trưng về giới tính. Cho nên, Hiểu Thu trước Vĩ cũng tỏ ra thoải mái, tự nhiên. Giữa Thu và Vĩ, tình cảm giao lưu giống như hai người cùng giới, điều ấy ít nhiều làm họ buông lỏng cảnh giác, hành vi có phần tùy tiện. Cuộc sống ở nông thôn sáng chiều gặp nhau, những điều cấm kị giữa trai và gái được loại bỏ phần nào, nhưng chưa đến mức công khai và tự do. Giống như hai người, chỉ là người nọ đến cửa nhà kia gọi tên nhau “Thu ơi” hoặc “Vĩ ơi” đã là thả lỏng lắm rồi. Cánh học sinh nam bắt đầu mở màn, từ xa trông thấy Hiểu Thu lập tức có mấy cậu đi tới, nắm lấy đầu Vĩ, quay về phía Thu. Vĩ càng giãy giụa, chúng càng giữ chặt hơn. Không giãy ra nổi, bị kèm chặt đẩy về phía Thu, nhưng chưa đi đến nơi, còn cách bảy tám mét, mấy đứa buông tay, bỏ chạy, cậu ta quay lại đuổi theo lũ bạn, để khỏi phải một mình ở lại. Với trò chơi đó, thật ra không ai coi là thật, chúng bạn không nghĩ giữa Vĩ và Thu có chuyện gì. Trong đám bạn trai, Dân Vĩ thuộc loại trẻ con, có một vài đứa lớn đầu hơn, mép đã có lông tơ. Còn Vĩ về hình thức vẫn rất trẻ con, không thuộc loại cặp đôi được với Hiểu Thu. Cho nên, đùa vui vậy thôi, không có gì sâu sắc. Đối với nữ sinh, có vẻ nghiêm hơn, nói chung nữ sinh chín sớm hơn nam chừng ba bốn tuổi. Trước mặt các cô không nói gì, sau lưng lại thì thầm, nhưng Vĩ không thuộc số học sinh có chất nam giới, về căn bản không lọt vào tầm mắt cánh nữ sinh, cho nên với giọng nói khinh thường và châm biếm, các cô cảm thấy đấy là chuyện hài hước, không coi là thật. Chỉ có điều, khi cái cô nữ sinh làm liên lạc đưa chuyện đến tai Dân Hoa, thì sự việc trở nên nghiêm trọng.

Dân Hoa thổi phồng tình hình, nhưng cũng có điểm đúng, ấy là Vĩ đang bị Hiểu Thu hấp dẫn. Nhưng Hoa không nhìn đúng cậu em của mình cuối cùng bị hấp dẫn bởi điểm nào của Hiểu Thu. Hoa cho rằng, sức hấp dẫn ấy bắt nguồn từ những điểm mà Thu đã được công nhận, tức hai chữ “lẳng lơ”. Thu bị rơi vào khuôn mẫu có sẵn, nghĩa là rơi vào khuôn mẫu của sự thành kiến. Một người xuất thân từ gia đình thị dân bảo thủ như Dân Hoa, tiếp thu sự giáo dục giáo điều của nhà trường, nhận thức về quan hệ nam nữ rất xơ cứng và thực dụng, sau đấy lại vào làm việc trong môi trường công nghiệp nặng, ở giữa tầng lớp lao động ấy, quan hệ trai gái phải tách rời chuyện xác thịt. Hoa rất ít có cơ hội được thể nghiệm những điều tinh tế mới mẻ khác, chỉ biết thuận theo những gì chung chung và thiên kiến. Cho nên, Hoa tỏ ra căng thẳng với quan hệ của em trai và Hiểu Thu, hết sức chú ý mọi động thái. Nhưng từ sau lần đến nhà tìm Vĩ, không thấy Thu đến nữa. Mỗi tháng bốn ngày về nghỉ, mọi biểu hiện của Vĩ vẫn rất bình thường. Cho đến kết thúc đợt chuẩn bị chiến tranh, cánh học sinh từ nông thôn được về lại thành phố, chờ tốt nghiệp để phân công công tác, không khí vẫn rất bình thường. Thậm chí, cái cô nữ sinh liên lạc kia cũng chỉ xào xáo những chuyện cũ. Bố mẹ lần lượt từ Trường cán bộ về, ngày ngày đi làm, cả nhà lại trở về với trật tự cuộc sống bình thường, chuyện lớn nhất của gia đình hiện nay là chờ xem Dân Vĩ được phân công công tác ở đâu. 

Cũng đã có ý định phân công công tác cho khóa học sinh này rồi, ấy là về nông thôn, có hai hướng, hoặc cắm rễ lâu dài ở nông thôn hoặc đi nông trường, hướng nào cũng có cái hay cái dở. Về cắm rễ lâu dài ở nông thôn thu nhập không ổn định, coi như trở thành nông dân, nhưng hành động đi lại thì tự do. Đi nông trường thì tiền lương ổn định, là công nhân nông nghiệp, nhưng phần lớn nông trường đều ở vùng biên giới, phải chịu kỷ luật gò bó. Kinh tế gia đình Vĩ không thành vấn đề, không mong cậu ta kiếm được tiền, chỉ muốn được gần thành phố, hễ gọi là có thể về ngay. Cho nên nghiêng về nông thôn, địa điểm có thể là tỉnh Giang Tây hay An Huy gì đấy. Hai nơi ấy cũng có chỗ lợi và không lợi, Giang Tây là vùng lúa, được ăn gạo; An Huy thì đời sống gian khổ, nhưng giao thông đi lại thuận tiện. Tốt nhất là về vùng Hoài Nam tỉnh An Huy, vừa gần vừa được ăn gạo. Nhưng ở đấy người đông của hiếm, số người mỗi trường được phân chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, dành cho con em các gia đình đặc biệt khó khăn. Những gia đình trung lưu như Dân Vĩ, chị gái đã ở Thượng Hải, đừng có mơ đến. Tình hình Hiểu Thu cũng gần như Dân Vĩ, trong phân công công tác thuộc loại xếp sau. Anh trai đã ra công tác từ lâu, chị gái được về tổng đài chỉ dẫn, làm điện thoại viên, Hiểu Thu chỉ còn con đường về nông thôn. Không phải Thu không muốn đi nông trường trên biên giới, nhưng Thu xuất thân trong gia đình như thế, tuy không xếp vào loại địa chủ, phú nông, phản động hoặc phần tử xấu, nhưng cuối cùng không thoát khỏi cân nhắc, đắn đo. Cho nên, biết khó để lùi, cũng chỉ chọn Giang Tây hay An Huy mà thôi. Trong thời gian này, nhà trường không bắt buộc phải đến trường, nhưng vì chuyện phân công công tác, học sinh thỉnh thoảng phải đến thăm dò, người đến người đi, một hôm Dân Vĩ gặp Hiểu Thu trong sân trường. Về đến Thượng Hải, học sinh nam và nữ lại cố tình giữ ý, chút không khí thoải mái ở nông thôn biến đâu mất, lại coi nhau như xa lạ. Dân Vĩ và Hiểu Thu cũng bị ảnh hưởng, hai người gặp nhau như không quen biết, chỉ là vô tình hay hữu ý cùng bước ra cổng trường, đi một đoạn rồi mới dám hỏi chuyện, mà cũng chỉ xoay quanh chuyện phân công công tác. Nhưng cũng phải lén lút, hai người không được tự nhiên, chỉ nói vài câu rồi vội vã chia tay. Lần sau gặp mặt, cả hai như cố ý lẩn tránh, không nói với nhau câu nào. Mấy lần gặp nhau, hai người trở nên xa lạ, gặp nhau ngoài phố đấy nhưng làm như không thấy nhau. Hôm ấy, Dân Vĩ đến tìm Hiểu Thu.

Vĩ hỏi Thu đã quyết định đi đâu chưa, cán bộ huyện nọ của tỉnh An Huy mà nhà trường định phân công học sinh về đã lên Thượng Hải 7e35 ang ở trong khách sạn Cẩm Giang, cứ thử đến đấy hỏi xem tình hình thế nào. Thu bỏ việc đang làm dở, khóa cửa cùng Vĩ đi ngay. Thật ra, Vĩ đến để cho Thu biết quyết định của mình là sẽ đi cùng một nơi với Thu. Còn Thu, Vĩ gọi là đi, cũng để bày tỏ ý định Vĩ đi đâu thì Thu sẽ đi theo. Tuy trong những ngày ấy, hai người gặp nhau rất gượng gạo, nhưng đã nói được như thế, đôi bên liền trở lại thoải mái. Hai người đang nói chuyện thì gặp một bạn đi tới, cả hai làm như không trông thấy, cứ thế nói chuyện. Đến góc phố, từ xa đã thấy trên hành lang khách sạn người đông nghịt, bước vào, thấy cửa sổ mở, mọi người chen nhau thò tay vào xin phiếu gặp khách, một mẩu giấy bằng hai ngón tay, giấy mỏng dễ rách, ghi rõ họ và tên khách cần gặp, khách đến từ đâu, trú ở phòng số mấy, ký tên, rồi đưa vào trong cửa sổ. Người trong cửa sổ tay cầm từng tệp phiếu, không biết có thể gọi được khách không. Trong số những người đến gặp khách, có những học sinh các khóa trước đã được phân công về nông thôn cắm rễ lâu dài, nay về thăm thân, muốn chiêu đãi các vị chức dịch địa phương ngay tại Thượng Hải; có phụ huynh học sinh đến để triều bái các quan phụ mẫu của con em mình. Cũng có những người như bọn chúng, sắp  được phân công, đến để thăm dò tin tức. An Huy là nơi vô cùng xa lạ, toàn nghe nói những chuyện đói kém sợ hãi, nếu gặp được một người ở đấy thì cũng yên tâm một chút. Vĩ và Thu không biết tên vị quan chức muốn gặp, chỉ biết người ấy đến từ huyện X. của tỉnh An Huy. Chúng đã lấy đến ba tờ phiếu xin gặp, đưa trở vào, mất tăm trong đống phiếu gặp khách, chẳng khác nào ném đá ao bèo, đành ngồi chờ ở bậc thềm hành lang. Đang giữa mùa thu, người Thượng Hải gọi là tiểu dương xuân, lá ngô đồng tưởng như trong suốt dưới nắng thu. Vĩ và Thu ngồi dưới bóng ngô đồng, nói toàn chuyện tiền đồ mờ mịt, nhưng lòng bừng bừng. Bởi đầu đời mờ mịt lại tốt, sợ nhất là mọi chuyện đã thấy rõ, không còn trông chờ và hy vọng gì nữa. Với lại, lúc này cũng đang phấn khởi. Cùng nhau nói chuyện, không ghét bỏ nhau, hơn thế còn thích thú, không phải là yêu, yêu sẽ khiến lòng hồi hộp không yên, mà rất thanh thản, thích thú một cách đơn thuần. Bỗng Vĩ đến nhà, trông khá trịnh trọng, chẳng phải sắp được thoải mái rồi đấy thôi? Đây không phải là lần đầu hai người đến nhà nhau. Nhưng Vĩ đến có dụng ý, đứng trước tương lai mờ mịt, Vĩ có kế hoạch, có dự kiến hơn Thu, còn Thu thì đến đâu biết đấy. Đấy cũng là điều rối ren của Thu, nhưng tầng dưới cùng của sự rối ren đó lại tỏ ra yên vui. Thu là người trời sinh ra để tin vào cuộc đời. Thật ra không phải là vô cớ, Thu là người hướng thiện, không tin rằng cuộc đời quá tàn nhẫn. Cái yên vui khiến cho sự rối ren của Thu trở thành trong sáng, không ảm đạm.

Hôm ấy, Thu và Vĩ chờ đến tận trưa, về ăn cơm rồi lại đến, tiếp tục chờ đến tối mà vẫn không gặp được ai là người An Huy, chỉ có học sinh và các bậc phụ huynh người Thượng Hải chen chúc nhau. Tuy không kết quả nhưng cả hai không nản chí, vì là một ngày vui, trong lòng rất thỏa mãn. Dân Hoa đi làm ca sáng, về nhà trước Vĩ, sau đấy nghe thấy tiếng chân nhảy hai ba bậc cầu thang một của cậu ta, không giống vẻ buồn bã mọi khi, Hoa nhìn Vĩ một cách khác thường. Từ đấy, không biết Hoa đa nghi hay thật như thế, Vĩ trở nên khác thường. Hoặc nói nhiều, hoặc ít nói, hoặc ở nhà, hoặc đi chơi. Nhưng rốt cuộc không có những động tĩnh rõ ràng để chị gái phải nói. Cho đến khi hướng công tác của Vĩ đã rõ, quyết định về một huyện ở tỉnh An Huy, chị gái nghe tin từ một người khác, biết Hiểu Thu cùng về một chỗ, lúc này mới chứng thực dự đoán của Dân Hoa. Nhưng Dân Hoa không đủ sức để phán xử chuyện lớn này, nên phải báo cho bố mẹ biết. Như đã nói, gia đình này xuất thân từ tầng lớp trung lưu, không có quan niệm tiền tài môn đăng hộ đối, nhưng lại rất nền nếp và thanh bạch, nghe nói đến thân thế của Hiểu Thu mà ngại, một lần Hoa chỉ cho bố mẹ biết, chính là cô gái kia. Hiểu Thu lúc ấy đang đánh cầu lông với một bạn hàng xóm ngay trong vườn hoa ngoài đường, vườn hoa cách ngõ không xa, cho nên vẫn mặc đồ như ở nhà, chỉ mặc cái áo len vừa ngắn vừa chật, tóc tết thành một bím. Người qua kẻ lại đều ngoái nhìn Thu. Mẹ Dân Hoa càng lo hơn, cho nên quyết định để Dân Vĩ đi Giang Tây, bà đến trường xin đổi chỗ cho con trai. Vì là ý kiến của phụ huynh, nên nhà trường không phải bàn bạc trao đổi, Vĩ không phản đối, cậu ta vâng lời đi Giang Tây. Chừng một tuần lễ sau, tốp đi An Huy lên đường. Lúc ấy đã là nửa năm sau ngày hai người chờ ở khách sạn Cẩm Giang, đã là tháng Tư của năm sau.

Hiểu Thu đi An Huy chỉ đem theo cái va li da vừa phải, cái va li cũ của gia đình, trong đó đựng áo quần. Không như các bạn khác, đem theo nào là mì sợi, thịt hộp, bánh kẹo. Mẹ còn buông một câu: đi nông thôn là để rèn luyện, không phải để hưởng lạc. Nhưng đêm trước hôm lên đường, mẹ trao cho Thu cái túi vải khâu tay, miệng túi buộc chặt bằng một sợi dây nhỏ, có thể đeo lên cổ. Mẹ bảo trong đó có ba chục đồng, là lộ phí về nhà, không được tiêu. Thu đang định cầm lấy thì mẹ giật lại, nhấn mạnh: bình thường không có việc gì không được về, trừ những lúc An Huy bị lụt lội, nạn đói hoành hành, vứt lại tất cả, về ngay. Tối hôm ấy, mẹ và chị đổi chỗ ngủ, mẹ ngủ cùng giường với Thu, mẹ con cũng không nói chuyện nhiều, tắt đèn, nằm quay lưng lại với nhau, ngủ một mạch đến sáng. Hôm sau con lên đường, mẹ không đi tiễn mà vẫn đi làm. Buổi trưa, Hiểu Thu ăn xong, đến tập trung tại trường học. Ra ga, bạn bè thì khóc lóc thảm thiết, chỉ một mình Thu lên tàu trước, ngồi ở cửa sổ nhìn ngắm phong cảnh. Cán bộ từ An Huy lên nhận người, đi qua các toa còn trống, nhìn Thu lấy làm lạ. Thấy Thu mặc cái áo nhung kẻ màu cà phê, khuỷu tay đã bạc màu, cái áo len mặc trong đã cũ, chỉ có đôi mắt là đặc biệt, mắt to, đuôi mắt dài. Sau đấy, cán bộ đi kiểm tra lại các toa, không còn thấy ánh mắt vui vẻ ấy đâu nữa. Một đêm ngồi tàu hỏa, một ngày ngồi tàu thủy, lên ô tô xóc tung người suốt một chặng dài. Càng đi càng vắng vẻ, cuối cùng cũng đến đích, ấy là căn hộ tập thể của Thu và bạn bè.

Hộ tập thể của Thu có sáu người, đều là nữ sinh, ở trong một gian nhà kho của đội sản xuất. Tường mới quét vôi, nền nhà mới rải thêm một lớp đất dùng xẻng vỗ cho phẳng, để lại vết xẻng trên mặt nền. Mỗi người một tấm phản gỗ, vào nhà là treo màn, giống như cái động tuyết, trắng xóa. Sáu cô đến từ sáu lớp và sáu năm học khác nhau, trước đấy không hề quen nhau, như vậy cũng tốt, khỏi vướng gì về tình cảm, nhưng trước hết phải có quy định, sau đấy thân với nhau, hiểu nhau cũng không có điều gì trở ngại. Quy định của các cô là, sáu tháng đầu phải góp đủ tiền và lương thực, tiền ăn tương đối rõ ràng. Sau đấy sẽ chia theo công điểm, điểm của đội sản xuất cho đều nhau, đầu tiên tận dụng lương thực và rơm rạ thổi nấu của đội phân cho, nếu không đủ sẽ bù thêm, nếu thừa cũng sẽ chia đều. Thay nhau thổi nấu, như vậy không liên quan gì đến công điểm nhiều ít. Ngoài bếp chung, mỗi người có bếp riêng, tùy ý nấu nướng, cô nào cũng đem theo bếp dầu. Đến đây, phải nói về Thu một chút. Vì Thu không có bếp dầu, hành lý cũng rất ít, các bạn khác tỏ ra xem thường. Sau đấy, hết giờ làm việc, cơm chưa kịp thổi, năm cô bạn kia nấu nướng riêng chút gì đó, lấy bánh quy ra ăn, còn chuyện trò với nhau. Hiểu Thu không có gì cho nên không tham gia, trở nên lạc lõng. Để không phải khó xử, Thu bỏ đi chơi, đến nhà bà con nông dân chơi. Vào lúc ấy nhà nào cũng phải thổi nấu bữa tối, Thu giúp bà con nấu nướng, để các bà các chị chăm sóc trẻ con hoặc khâu vá. Bà con nông dân rất hiếu kì với những học sinh đến từ Thượng Hải, nhất là đối với con gái, họ thích xem các cô mặc và dùng đồ. Nhưng các cô nữ sinh lại rất kiêu kì, cửa phòng luôn luôn đóng kín, không để ai đến chơi, còn Hiểu Thu thì đến nhà bà con chơi, tất nhiên rất được hoan nghênh. Nhưng đáng tiếc, Thu làm cho bà con sớm thất vọng, vì cô mặc rất xuềnh xoàng, cũng không giống mấy cô kia có nhiều cái ăn. Đồng thời, bà con cảm thấy người Thượng Hải chẳng có gì khác. Nhưng bà con rất tốt với Thu, có lúc còn cho cô lưng bát dưa, Thu đưa về để tâng công với bạn, thoạt đầu các bạn không ăn, còn chê dưa đầy mùi tỏi, nhưng chỉ vài tháng sau, cái miệng nhạt nhẽo không có cái ăn, nên ăn vậy. Vậy là, dù ít dù nhiều đã có sự giao lưu vật chất, Hiểu Thu bước đầu hòa nhập cùng các bạn. Nhưng cũng đồng thời nảy sinh chuyện vênh nhau. Vì Hiểu Thu có quan hệ tốt với bà con nông dân, làm việc cũng chuyên cần, ngoài công việc của đội sản xuất phân công, Thu còn đi cắt cỏ với phụ nữ và các em nhỏ đem về cho bò, kiếm thêm một vài công điểm. Thu được mọi người khen, tất nhiên các bạn trong hộ tập thể không phấn khởi, quan hệ vừa tốt lên vì chút dưa quả cà nay cũng tiêu tan. Ngay như Hiểu Thu vốn tính đại khái cũng mất lòng tin vào quan hệ trong hộ tập thể, đành kính nhi viễn chi với các bạn. Cho nên, tuy có hộ tập thể đấy, nhưng Thu như sinh hoạt với bà con nông dân. Ngày đông nhàn rỗi, công xã thành lập đội tuyên truyền, mời Thu tham gia. Thu rất vui, không tính công điểm, nhưng cũng có vài đồng tiêu vặt. Mấy bạn kéo nhau về Thượng Hải, Thu cũng không thiết. Về Thượng Hải phải mất một khoản tiền, mà tiền kia mẹ cho để dùng vào lúc khẩn cấp, Thu không thể tùy tiện chi dùng. Lúc Thu lên công xã, mọi người vẫn chưa đi, gần đến Tết, đội tuyên truyền giải tán, Thu về đội sản xuất, các bạn đã đi hết. Màn buông xuống, nhưng chăn đệm cuộn lại, không khí thâm nghiêm vắng vẻ. Thu không sợ, cô chuẩn bị giường chiếu, định chương trình ăn Tết, có người đến gõ cửa, mời Thu ăn cơm. Tết nhà nào cũng có thịt, có cá, rất chân thành mời Thu, không bữa nào là Thu không được mời. Cho nên, Tết với Thu rất vui vẻ, được ăn uống. Qua rằm tháng Giêng, bà con gọi đấy là “Tết nhỏ”, mới thật hết Tết, vụ xuân vẫn chưa bắt đầu, đồng ruộng chưa có gì. Chiều hôm ấy, Thu bận việc ở nhà, treo màn vừa giặt sạch sẽ lên, bỗng bên ngoài trẻ con gọi cô Thu có khách, Thu chạy ra, ngớ người, không nói được lời nào. Dân Vĩ đứng ngay trước cửa.

Dân Vĩ không nhận ra Thu ngay. Thu mặc bộ đồ mới. Cái áo bông cũ cô mang theo là của chị thải ra, là bông tơ. Cái áo bông ấy đã bẹp gí, không còn ấm nữa. Sau vụ thu, Thu được chia thóc và bông, lại có thêm vài đồng, Thu nhờ cán bộ lên huyện họp mua hộ vải, vải mua về không đỏ cũng là tím. Thu lại nhờ chị em nông dân may giúp cái áo bông và cái quần bông, tất nhiên áo quần đều kiểu nhà quê. Áo bông hoa đỏ, quần bông màu tím, dây buộc tóc đứt hết, Thu phải xin một cô dâu mới về nhà chồng sợi len đỏ. Vì sợ buộc bím tóc bằng sợi len không chặt, Thu phải tết thành bím nhỏ, búi gọn lên, buộc bằng sợi len tết vào bím, trông đặc nông thôn. Thu trở thành một cô thôn nữ. Dân Vĩ về cơ bản không có gì thay đổi, vì hồi xưa Vĩ rắn chắc, lúc này cao hơn nửa cái đầu, đúng là một thanh niên đã trưởng thành. Vĩ mặc cái áo bông dài có cổ lông, xách túi du lịch, đứng dưới gốc cây trước cửa. Cây đã rụng hết lá, lúc này mầm xanh bắt đầu nhú, tuy còn thưa thớt, nhưng đã hết vẻ tiêu điều xơ xác. Hai người gặp nhau có phần bối rối, nhưng rồi cũng nhanh chóng qua đi. Hai người có chung điểm này, dù gặp nhau ở đâu, lúc nào, với ý nghĩa nào cũng đều rất bất ngờ, nên rất vui.

Vĩ vào nhà, giúp Thu mắc màn, sau đấy vào bếp thổi cơm. Cậu ta dường như đã quen với những ngày lao động ở nông thôn, nhưng ở đây bếp, củi đuốc và cơm trong nồi khác nơi Vĩ ở. Thu lấy từ nồi ra một bát to bột được ủ cho lên men, nhào nhuyễn, bảo Vĩ đặt nồi lên bếp. Cái nồi ở đây cũng khác với nồi ở Giang Tây, kiểu nồi không giống nhau, Vĩ xem, rồi bắt đầu làm. Thu cho vào nồi nửa thìa mỡ, cho rau cải trắng đã rửa sạch vào, đảo vài lần, cho tôm nõn và miến vào, cho thêm nửa gáo nước, đậy vung. Thu quay ra nhào bột mì. Nhào thành những thỏi dài, ngắt ra từng viên, nước trong nồi cũng vừa sôi. Thu mở vung, cho những viên bột mì vào nước sôi. Dìm nó xuống, đảo qua vài lần, rồi đậy vung lại. Thu bảo Vĩ lùi ra, để mình vào nấu, vì đây là lúc quan trọng nhất. Vĩ nhường chỗ, ra mở túi hành lý lấy lạp xường, đồ hộp, thịt bò, tương ớt, thịt kho đựng trong lọ thủy tinh miệng rộng, mỡ đông, hình như ở nhà làm sẵn để Vĩ đem đi Giang Tây, nhưng Vĩ đến thẳng đây. Ngoài ra còn một chai rượu, giống như mọi thanh niên về nông thôn lao động, Vĩ học uống rượu, điều ấy càng làm cậu ta giống với một người đàn ông trưởng thành. Bánh đã rán, miến nấu rau cải cũng đã được. Bỗng một bàn tay nhỏ thò vào cửa, trên bàn tay run run là một cái bát, trong bát đựng đậu phụ nhự, giọng một đứa trẻ: cô ơi, mẹ cháu bảo đưa sang mời khách của cô! Hiểu Thu đang vội vớt bánh, không quay đầu lại, nói một câu bằng tiếng địa phương: về nói với u, tối nay có khách, cô sang ngủ nhờ. Tiếng chân thằng nhỏ xa dần.

Bữa tối rất thịnh soạn, Hiểu Thu cũng uống chút rượu, cả hai đều học được nhiều điều ở nông thôn, còn chơi trò đoán số ngón tay. Hai tỉnh có cách chơi khác nhau nhưng cơ bản giống nhau, vẫn là ngón tay ngoắc vào nhau, lắc vài cái rồi buông ra, cùng nói: anh em thân thiết! Hai người cũng giống với hai anh em, mặt đối mặt, cùng ngồi trước một cái bàn thấp, uống rượu, ăn cơm, nhắc lại chuyện cũ. Họ nói đến chuyện nhà trường đưa học sinh về nông thôn lao động, rất nhiều chuyện hồi xưa chỉ ngầm hiểu với nhau, lúc này đều nói ra, rất nhiều chuyện chưa hiểu nhau, lúc này cũng nói ra theo quán tính, những chuyện chưa từng xảy ra, lúc này cũng xảy ra. Nhưng cả hai không uống quá nhiều, chỉ tập uống, thứ rượu trắng cay cay làm đau lưỡi. Cho nên uống ít, nói chuyện nhiều. Nhưng ăn nhiều, một lọ thịt kho ăn quá nửa, ăn đậu phụ nhự, ăn lạp xường, ăn hết nửa nồi miến nấu rau cải, ăn cả bánh bột mì rán... Cơm no, rượu say, một người nằm lăn ra, một người chân cao chân thấp sang nhà hàng xóm. Nhà hàng xóm đã ngủ, để cửa, vợ đuổi chồng đi, dành chỗ cho Thu. Thu mò mẫm lên giường rồi chị chủ nhà mới lên tiếng, cứ ngỡ cô không sang. Thu nói: anh ấy ngủ giường em, em ngủ vào đâu? Chị chủ nhà thấy cô nghe mà vẫn chưa hiểu, cứ nghĩ người ở nơi khác biết chuyện ấy muộn, chị trở mình không nói gì. Lát sau cả hai cùng ngủ thiếp đi. Mấy hôm sau có người hỏi Thu, người ấy có phải là người yêu không? Thu nói không phải, mà là bạn học. Mọi người lại nói, cậu ấy đến thăm là có ý đấy. Thu nói, bạn học của bọn Thu vẫn đến thăm nhau như thế. Bà con ở nông thôn đều cho rằng người ở nơi khác sống rất cởi mở. Thật ra, Hiểu Thu không kém hiểu biết đến vậy. Vĩ giấu người nhà, lẽ ra đi về phía Nam lại đi lên phía Bắc đến thăm Thu, tất nhiên không phải là chuyện “vẫn đến thăm nhau như thế”, Thu hiểu ý câu nói. Thu cũng không phải giả vờ, mà trả lời nhiệt tình hơn. Mấy hôm ấy hai người rất vui, công việc nhà nông vào thời điểm ấy cũng nhàn rỗi, có những việc phân công chưa đến, Thu đưa Vĩ đi thăm thú khắp nơi.

Họ không phải là một đôi thanh niên điệu đà, không biết lãng mạn thưởng thức thiên nhiên, nhưng cũng có nếp sống nhàn nhã của người thành phố, biến nông thôn thành một công viên lớn. Ngồi nói chuyện bên bờ kênh, dạo chơi nơi ruộng lúa xanh, hái một bó hoa vàng và tím nở sớm bên đường, chưa về đến nhà hoa đã héo. Ở nông thôn, vào tuổi hai người đều đã có vợ có chồng, nhưng hai người vẫn như trẻ con, trong con mắt người nhà quê cảm thấy khó coi, xa lạ, và không nghĩ họ thật như vậy. Cả hai như ở chỗ không người, giữa khoảng mênh mông đất và trời, quả là tự do vô cùng. Hai người vẫn chưa bao giờ cầm tay nhau, liệu có tin nổi không? Cả hai cũng chưa hề có ý muốn ấy, mà chỉ cảm thấy vui tự đáy lòng. Vì thích đối phương, mà cũng biết đối phương đang thích mình. Cả hai thật nhiều chuyện, tự nhiên nói đến chuyện tại sao không về cùng một nơi. Cho đến nay, Hiểu Thu vẫn như người lạc giữa hộ tập thể, tuy bà con nông thôn đối với cô rất tốt, nhưng với các bạn vẫn có sự ngăn cách, vẫn cảm thấy cô độc. Ở chỗ Dân Vĩ có phần tốt hơn, hộ tập thể có hai trai hai gái, quan hệ thân tình, nhưng cũng không bằng với Hiểu Thu. Hai người hợp với nhau, nhưng lại bị chia ở hai nơi, điều đó có liên quan đến Dân Hoa. Vĩ không nói nhiều về những chuyện không tốt của chị Hoa, Hiểu Thu cũng không hỏi, chỉ trách chị tin vào những lời đồn đại, mà cả hai cũng không muốn thanh minh về những lời đồn đại ấy, có chút gì đó khó xử. Vĩ chỉ nói gọn một câu: Thu không như người ta nói. Thu thì nói: cứ để họ nói. Cả hai đều rất thản nhiên. Trước khi đi, Vĩ để lại cho Thu tất cả những thức ăn đem đến từ Thượng Hải, Thu không lấy, Vĩ nói: tháng nào mẹ mình cũng gửi quà và tiền cho mình. Hiểu Thu không biết nói sao, Thu thì không nhận được tiếp tế của mẹ. Vĩ nói đến chuyện gói bánh trứng đưa cho Thu hồi cả lớp đi lao động ở ngoại thành, Vĩ không giấu giếm chuyện mình không bằng lòng với mẹ Thu, vì đồng cảm với Thu cậu mới nói ra điều ấy. Mẹ Thu để lại ấn tượng kỳ lạ cho Vĩ, một không khí u ám, đến từ một cuộc sống mà Vĩ không hiểu nổi. Chuyện ấy không liên quan gì đến Vĩ, nhưng nói ra đã làm xoay chuyển quan hệ của hai người, thay đổi cuộc sống của họ.

Nhưng, ngay cả bản thân Hiểu Thu cũng có lúc nghi ngờ, không biết mẹ có chăm sóc đến con không? Năm sau, sắp đến Tết, mẹ đến đón Thu về Thượng Hải. Mẹ chuẩn bị cho con gái một bệnh án, chứng minh rằng Thu bị viêm thận - bệnh này Thu cũng chưa bao giờ nghe thấy - rồi chị mang theo bệnh án ấy về huyện mà Thu đang lao động. Trước khi đi chị đánh điện bảo Thu lên huyện lị để hai mẹ con gặp nhau trước. Nhưng bưu điện nông thôn không làm việc theo quy tắc, điện báo vẫn chuyển phát theo từng cấp cùng với thư thường, cuối cùng đến bưu tá xã, mỗi tuần đạp xe hai ba lần phát thư về đại đội sản xuất. Bức điện đến tay Hiểu Thu thì mẹ đã đến huyện hai hôm trước đấy. Hồi ở Thượng Hải về đấy, Thu từ tàu thủy lên, ở lại huyện một lúc, sau đấy ngồi ô tô về thôn, nên chẳng biết mặt mũi phố huyện như thế nào. Trong đầu Thu chỉ hình dung đấy là một bãi sông, trên bãi là một dãy xíchlô chở hàng, chất đầy những thùng đựng nước, xích lô do những người đàn ông cởi trần kéo, người kéo xe và mặt đất tạo thành một góc nhọn, cảnh tượng thật tiêu điều và khổ cực, khác xa với những gì gọi là “phố”. Bây giờ mẹ gọi lên phố huyện, Thu cũng không biết đi về hướng nào. Bà con bảo đi về hướng Bắc ba chục dặm lên thượng nguồn sông, sang bên kia là bến tàu lên huyện; lại có người bảo đi về phía Nam ba chục dặm, sang huyện bên có bến ô tô lên phố huyện. Bà con nói hai chục dặm, ba chục dặm cũng chỉ ước chừng vậy thôi, phương hướng địa danh cũng đại khái, bởi phần đông chưa ai lên phố huyện bao giờ. Cuối cùng, theo lời của đám bạn bè cùng hộ tập thể, đi bộ ra đường cái, ngồi nhờ máy kéo, đến bến ô tô đi xe chạy đường dài. Vì các bạn đã từng lên phố huyện, rồi từ phố huyện về Thượng Hải, nên rất đáng tin. Tin mẹ Hiểu Thu đến gây xôn xao trong đám bạn bè, cái cô gái tưởng như không có người nhà, không ai quan tâm, nhưng lại có mẹ vượt qua ngàn dặm đến An Huy. Bỗng mọi người tỏ ra nhiệt tình với Thu, mách Thu đường đi, lại khuyên lên huyện nên ăn ở chỗ nào. Hôm sau trời vừa sáng Thu đã lên đường, mãi tận bốn năm giờ chiều mới lên đến phố huyện. Lúc này Thu mới biết, cái gọi là phố huyện chỉ có hai con đường bê tông giao nhau, bên đường là hàng quán, quá nửa đã đóng cửa, còn vài nhà mở cửa, tuy chưa tối, nhưng xem ra cũng không có gì để mua bán. Tóm lại, phố xá lạnh tanh. Theo chỉ dẫn của các bạn, Thu đến thẳng nhà nghỉ của huyện. Đó là nhà nghỉ duy nhất của phố huyện, mẹ chỉ có thể ở đấy. Nhà nghỉ ở cuối con đường bê tông chạy theo hướng Đông-Tây, nhà cửa gọn gàng, tề chỉnh, vốn là nhà của một số cơ quan. Chưa đến nơi, từ xa đã trông thấy mẹ đang cúi xuống nói chuyện với một người gánh hàng. Thoáng nhìn cũng đủ biết, đấy là một phụ nữ từ nơi khác đến. Hai năm nay không gặp mẹ, lúc này mẹ lại đến một phố huyện xa xôi, Hiểu Thu không cảm thấy bất ngờ, mà cũng không quá kích động. Mẹ không có gì thay đổi, vẫn mái tóc cắt ngắn chải ra phía sau, không rẽ đường ngôi, cái áo ka ki xanh cổ vuông, hai túi hai bên, tay kẹp điếu thuốc. Thu đi đến nơi, mẹ đã mua bán xong với người gánh hàng, miệng mẹ ngậm thuốc, hai bàn tay cầm hai trái hồng chín. Thấy Thu đi tới, mẹ nghiêng cằm, ý như bảo Thu cầm một trái hồng. Thu cầm trái hồng, bàn tay không cầm gì của mẹ đưa lên cầm điếu thuốc trên miệng, nói: một hào bốn quả, rẻ như cho. Hai mẹ con vào sân nhà nghỉ, hai người như vừa gặp nhau hôm qua, không có biểu hiện gì đã xa lâu ngày.

Vào phòng, hai mẹ con ngồi đối diện ăn hồng, hồng căng mọng, mát ngọt. Trong phòng chỉ có âm thanh xụp xoạp, không ai nói chuyện. Ăn xong, rửa tay rửa miệng mới ngồi lại với nhau. Mẹ giải thích mục đích đến đây, Hiểu Thu nghi ngờ, cảm thấy không thể thế được, nhưng cũng biết mẹ nói được là làm được. Cho nên Thu không phản đối, cứ để mẹ làm. Mẹ nói và làm, chung quy chỉ một việc, ấy là mời khách. Ở trên thuyền mẹ làm quen với một cán bộ văn phòng công tác “Mồng bảy tháng Năm” của huyện, người này là cán bộ Thượng Hải về, cùng là người Thượng Hải nên cũng dễ chuyện trò, chuyện bắt đầu từ việc bán mì trên tàu thủy. Mẹ lấy làm lạ, một tô mì chỉ có một hào hai xu, mì chay, nhạt nhẽo, chỉ là những sợi mì vớt từ bát nước không lên, vậy mà cũng bán được. Mẹ tỏ ra rất giác ngộ, tự phê bình: đây là thái độ đối với bần nông và trung nông lớp dưới. Anh cán bộ Thượng Hải kia cười: bần nông và trung nông lớp dưới mới không ăn thứ mì này. Anh cán bộ này còn rất trẻ, chỉ ba mươi tuổi, gọi là Tôn, cán bộ ngành xuất bản của Thượng Hải đi thực tế nông thôn, có thể gọi là người đồng hành cùng mẹ, hai người nói chuyện với lời lẽ văn hoá. Cho nên, quen nhau rất nhanh. Ỷ thế hơn tuổi, mẹ cứ một điều chú Tôn, hai điều chú Tôn. Thấy dáng vẻ mẹ, Tôn cảm thấy con người này có chuyện gì đây, nên anh sẵn sàng giúp đỡ. Từ dưới tàu lên, anh mang xách giúp hành lý cho mẹ, lại đưa mẹ đến nhà nghỉ. Những buổi chiêu đãi sau đấy cũng do Tôn đứng ra mời khách, tất nhiên mọi khách mời đều đến dự. Văn phòng “Mồng bảy tháng Năm” được thành lập là để quản lý số thanh niên trí thức về nông thôn lao động, đến nay cũng đã được ba, bốn năm, cho nên đều quen biết các cấp trong cơ cấu quyền lực của huyện, rất biết vận dụng chính sách đối với thanh niên trí thức. Bởi vậy, Tôn biết nên mời ai, không nên mời ai. Còn những khách được mời thì sao? Tuy cái văn phòng “Mồng bảy tháng Năm” chỉ là bày đặt ra cho có, chẳng liên quan gì đến quốc kế dân sinh, nhưng vì phong trào “lên núi về đồng ruộng” đang rầm rộ, cho nên, bề ngoài rất được các vị tôn trọng. Mời chiêu đãi đều là các vị cha mẹ những thanh niên trí thức người Thượng Hải, về tình hay về lý đều thuận, bên trong cũng có chút hiếu kỳ đối với khách đến từ Thượng Hải, hễ được mời, các vị đều đến dự đông đủ. Hai bữa đầu mời đến nhà hàng ăn. Nhà hàng sang nhất ở phố huyện, đắt nhất là món xào bầu dục và xào lòng lợn. Một buổi sáng, Tôn đem đến một con gà mái, đưa cho nhà bếp hầm lên. Về sau, trong bàn tiệc, một vị cán bộ đề nghị, có thể chiêu đãi khách tại nhà ăn riêng của huyện ủy, sẽ tính giá ưu đãi. Vậy là tiệc được chuyển địa điểm, vào trong khu văn phòng huyện ủy. Món ăn chưa chắc đã ngon hơn, nhưng vị trí khác hẳn. Có một bữa tiệc mời riêng cán bộ công xã nơi Hiểu Thu đang sinh sống và lao động, các vị chức dịch địa phương đến dự tiệc này ai cũng phải nể phục. Mời cơm rồi còn biếu quà, quà là áo lụa toàn tơ, kẹo sôcôla, bánh quy đóng hộp, bày ra xanh xanh đỏ đỏ nom hoa cả mắt, Thượng Hải phồn hoa như đang ở ngay trước mặt. Thật ra những thứ quà này cũng không thực tế lắm. Có người nói toạc ra: lãng phí quá, không có ích bằng xà phòng, khăn mặt... Mẹ nói ngay: xin thưa, xà phòng, khăn mặt nhà các vị tôi xin cung cấp đủ. Mọi người không ngờ phụ nữ Thượng Hải lại hào phóng không kém nam giới, họ rất có cảm tình, ai cũng vỗ ngực. Không đầy một tuần lễ sau, cấp trên cấp dưới đều xong. Trước lúc ra về, mẹ lấy từ trong bọc ra ba cây thuốc lá Mẫu Đơn, biếu riêng Tôn. Lại lấy cái đồng hồ đang đeo trên tay, ấn vào tay Tôn. Động tác ấy không đơn thuần là biết ơn, mà giống như mẹ đối với con vậy. Tôn từ chối, mẹ nói: đồng hồ trên tay chú không tên không tuổi, đeo chẳng khác nào không đeo. Tôn đành phải nhận. Trong vòng một tuần lễ, anh ta có phần lưu luyến người phụ nữ này. Hôm trước đấy, Hiểu Thu ngồi nhờ xe của cán bộ công xã về đội sản xuất, Tôn đưa mẹ ra bến tàu. Lúc đến lỉnh kỉnh hành lý, lúc về cũng đầy hành lý, nhưng là lạc, đỗ, vừng, khoai tây và dầu ăn.

Qua Tết, sang tháng Tư, Hiểu Thu đi đúng hai năm, vì ốm nên về Thượng Hải. 

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25709


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận