“Đừng để ý tới mấy cái máy quay,” hắn nói với bọn trẻ. Họ tập trung trong thư viện trường Trung học George Washington ở Silver Spring, bang Maryland. Ba hàng ghế hình bán nguyệt vây quanh một cái ghế ở giữa, nơi tiến sĩ Bellarmino sẽ ngồi trong lúc nói chuyện với học sinh về vấn đề đạo đức trong di truyền học.
Nhóm quay phim đang sử dụng ba máy quay, một máy ở cuối phòng, một máy bên cạnh phòng, để quay cận cảnh Bellarmino, và một máy đối diện đám trẻ, để ghi lại những biểu hiện thích thú của chúng khi nghe về cuộc đời của một nhà di truyền học đang làm việc tại NIH. Theo nhà sản xuất chương trình, điều quan trọng là phải thể hiện được sự tương tác giữa Bellarmino với cộng đồng, và hắn hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Đám trẻ được lựa chọn kỹ càng từ những học sinh sáng dạ và vốn hiểu biết cao.
Hắn nghĩ sẽ vui lắm đây.
Hắn nói về lý lịch bản thân và quá trình được đào tạo trong vài phút, rồi sau đó nhận câu hỏi. Câu đầu tiên khiến hắn phải dừng lại. “Tiến sĩ Bellarmino,” một cô bé châu Á hỏi, “thầy có ý kiến như thế nào về người phụ nữ ở Texas nhân bản vô tính con mèo đã chết của cô ấy?”
Thật ra thì, Bellarmino nghĩ toàn bộ câu chuyện về con mèo chết ấy là vớ vẩn. Hắn nghĩ nó hạ thấp các công trình quan trọng mà hắn và những người khác đang thực hiện. Nhưng hắn không thể nói vậy được.
“Tất nhiên, đây là một tình huống khó khăn, gây xúc động,” Bellarmino nói một cách ngoại giao. “Chúng ta ai cũng rất yêu quý thú nuôi của mình, nhưng...” Hắn ngập ngừng. “Việc nhân bản này do một công ty ở California thực hiện. Công ty này tên là Tiết kiệm Di truyền và Nhân bản vô tính, và nghe đâu chi phí thực hiện là năm mươi ngàn đô la.”
“Thầy nghĩ nhân bản một con mèo mình nuôi có vi phạm đạo đức không ạ?” cô bé hỏi.
“Các em biết đấy,” hắn nói, “cũng có vài con vật được nhân bản rồi, trong đó có cừu, chuột, chó và mèo. Vậy nên chuyện này cũng không còn là chuyện gì đáng chú ý nữa... Điều làm người ta lo là con vật được nhân bản không có cùng tuổi thọ như con vật bình thường.”
Một học sinh khác nói, “Bỏ ra năm mươi ngàn đô la để nhân bản một con thú nuôi có vi phạm đạo đức không ạ, khi mà rất nhiều người trên thế giới đang chết đói?”
Bellarmino thầm rên rỉ. Làm cách nào để hắn đổi đề tài đây? “Thầy không hứng thú gì về quy trình cả,” hắn nói. “Nhưng riêng thầy thì không cực đoan đến nỗi gọi đó là phi đạo đức.”
“Chẳng phải nó phi đạo đức sao? Vì nó tạo ra một quan điểm cho thấy nhân bản con người là chuyện bình thường?”
“Thầy không nghĩ nhân bản thú nuôi có tác động gì đối với những vấn đề liên quan tới nhân bản người.”
“Nhân bản người có vi phạm đạo đức không?”
“May mắn là,” Bellarmino nói, “vấn đề đó còn xa trong tương lai lắm. Hôm nay, thầy hy vọng chúng ta có thể xem xét những vấn đề có thật, đang hiện hữu. Có người bày tỏ lo ngại về thực phẩm biến đổi gien; có người lo ngại về liệu pháp gien; rồi tế bào gốc; và đây là những vấn đề có thật. Có ai trong các em có cùng qua n điểm lo ngại đó không?” Một cậu bé ở phía sau giơ tay lên. “Em nói đi!”
“Thầy nghĩ là ta có thể nhân bản con người không?” cậu bé hỏi.
“Có. Thầy nghĩ chuyện đó có thể làm được. Bây giờ thì không, nhưng cuối cùng sẽ làm được.”
“Khi nào ạ?”
“Thầy không muốn đoán già đoán non. Các em có câu hỏi nào về đề tài nào khác không?” Một bàn tay nữa. “Em nói đi!”
“Theo ý kiến thầy thì nhân bản con người có vi phạm đạo đức không ạ?”
Một lần nữa, Bellarmino ngập ngừng. Hắn nhận thức rất rõ là câu trả lời của hắn sẽ được phát sóng trên truyền hình. Và ai mà biết được nhà đài sẽ chỉnh sửa lời nhận xét của hắn như thế nào chứ? Họ chắc sẽ cố gắng hết sức làm hắn trông càng tệ càng tốt. Mấy tay phóng viên có thành kiến rõ rệt với những ai có đức tin. Mà những lời hắn nói còn có trọng lượng về mặt chuyên môn nữa, bởi lẽ hắn đang điều hành một bộ phận ở NIH mà.
“Các em chắc đã nghe nhiều về nhân bản vô tính rồi, nhưng đa số những gì các em nghe đều sai hết. Với tư cách nhà khoa học, thầy phải thừa nhận là thầy thấy nhân bản vô tính tự nó chẳng có gì là sai trái cả. Thầy không thấy có vấn đề gì về đạo đức cả. Nó chẳng qua là một quy trình gien nữa thôi mà. Các thầy đã thực hiện quy trình này trên nhiều con vật khác nhau, như thầy lúc nãy đã đề cập. Tuy nhiên, thầy cũng biết là quy trình nhân bản có tỷ lệ thất bại rất cao. Nhiều con vật phải chết trước khi chúng ta tạo được một con vật nhân bản. Rõ ràng là làm vậy với con người thì không thể chấp nhận được. Vì vậy, hiện tại thầy xem chuyện nhân bản không phải là một vấn đề.”
“Không phải nhân bản vô tính chính là đóng vai Chúa Trời đấy sao?”
“Thầy thì không xác định vấn đề như vậy,” hắn nói. “Nếu Chúa tạo ra con người, và tạo ra phần còn lại của thế giới, thì rõ ràng Chúa cũng đã tạo ra các công cụ phục vụ cho việc chuyển đổi gien. Vì vậy, theo nghĩa đó, Chúa đã tạo sẵn khái niệm chuyển đổi gien rồi. Đó là tác phẩm của Chúa, không phải của con người. Và như thầy luôn nói, sử dụng những gì Chúa trao cho ta sao cho khôn ngoan là tùy vào ta.” Hắn thấy đỡ hơn sau câu trả lời này; đó là một trong những câu trả lời chuẩn bị sẵn của hắn.
“Vậy thì nhân bản vô tính có phải là một cách sử dụng khôn ngoan những gì Chúa đã trao cho ta không?”
Ngược lại với mọi bản năng của mình, hắn lấy tay áo khoác lau trán. Hắn hy vọng người ta sẽ không phát đoạn phim này, mặc dù hắn tin chắc họ sẽ phát. Mấy đứa nhóc làm viện trưởng NIH vã mồ hôi hột. “Một số người nghĩ họ biết Chúa có mục đích gì,” hắn nói. “Nhưng thầy không tin là mình biết. Thầy tin không ai biết được điều đó cả, trừ Chúa ra. Thầy nghĩ ai nói mình biết mục đích của Chúa đều là những người muốn thể hiện thái quá cái tôi của con người thôi.”
Hắn muốn liếc nhìn đồng hồ trên tay, nhưng hắn không xem. Bọn trẻ lúc này trông có vẻ đăm chiêu chứ không có vẻ gì là mê mẩn, đúng như hắn đã tiên liệu.
“Có rất nhiều vấn đề về di truyền,” hắn nói. “Ta hãy tiếp tục nào.”
“Thầy Bellarmino,” một đứa bên trái nói, “em muốn hỏi về chứng rối loạn nhân cách phản xã hội. Em đọc sách thấy nói là có gien chi phối chứng rối loạn này, và nó có liên quan tới bạo lực và phạm tội, hành vi rối loạn nhân cách...”
“Phải, đúng như thế. Gien này xuất hiện trong hai phần trăm dân số toàn thế giới.”
“Còn New Zealand thì sao ạ? New Zealand gồm có ba mươi phần trăm dân da trắng, và sáu mươi phần trăm dân Maori...”
“Người ta có báo cáo như vậy, nhưng em phải thận trọng...”
“Nhưng như thế chẳng phải có nghĩa là bạo lực mang tính di truyền sao? Ý em là, chẳng phải ta nên tìm cách loại bỏ gien này sao, theo cách mà ta đã loại bỏ bệnh đậu mùa ấy?”
Bellarmino ngập ngừng. Hắn bắt đầu tự hỏi bao nhiêu đứa trong số bọn nhóc này có phụ huynh đang làm việc ở Bethesda. Trước buổi nói chuyện này hắn không nghĩ cần phải hỏi trước tên của đám nhóc này. Nhưng những câu hỏi từ đám nhóc này quá trí thức, không hề khoan nhượng. Một trong những đối thủ của hắn đang tìm cách hạ uy tín của hắn chăng, bằng cách sử dụng những đứa nhóc này? Toàn bộ kế hoạch thu hình này là một cái bẫy để làm xấu mặt hắn chăng? Bước đầu tiên để đẩy hắn ra khỏi NIH chăng? Bây giờ là thời đại thông tin; ngày nay người ta thường làm những chuyện như vậy mà. Sắp đặt để làm xấu bộ mặt của bạn, làm bạn trông có vẻ yếu ớt. Nài ép bạn nói điều gì đó ngu xuẩn, rồi xem những lời ấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt bốn mươi tám tiếng tiếp theo trên mọi chương trình thời sự trên truyền hình cáp và trên mỗi mục báo. Tiếp đó, bảo các nghị sĩ gọi điện yêu cầu bạn rút lại lời tuyên bố. Những cái lưỡi chậc chậc, những cái đầu lắc lắc... Sao hắn lại nhạy cảm đến thế nhỉ? Hắn có thật sự hợp với công việc này không? Ở chức vụ hiện tại, chẳng phải hắn là cái của nợ đấy sao?
Và rồi bạn rời khỏi cuộc chơi.
Mọi thứ diễn ra như thế đấy, ngày nay là như vậy.
Giờ đây Bellarmino đang đối mặt với một câu hỏi gợi mở một cách nguy hiểm về mã di truyền Maori. Hắn có nên nói những gì hắn tin và chấp nhận rủi ro bị tố cáo là hạ thấp danh dự một dân tộc thiểu số bị áp bức không? Phải chăng hắn đã giảm nhẹ đi những nhận xét của mình nhưng vẫn khó tránh khỏi bị chỉ trích vì tuyên truyền thuyết ưu sinh? Làm cách nào mà hắn nói được điều gì đó đây?
Hắn quyết định không thể nói được. “Các em biết đó,” hắn nói, “đó là một phạm vi nghiên cứu hết sức thú vị, nhưng chúng ta chưa có đủ kiến thức để trả lời. Còn câu hỏi nào nữa không?”
Trời vẫn mưa suốt cả ngày ở miền Nam Sumatra. Sàn rừng ẩm ướt. Lá cây ẩm ướt. Mọi thứ đều ẩm ướt. Các nhóm quay phim t khắp thế giới đã chuyển sang tiến hành những nhiệm vụ khác từ lâu. Giờ đây Hagar chỉ còn trở lại rừng với vị khách duy nhất: một người đàn ông tên Gorevitch. Một nhà nhiếp ảnh động vật hoang dã nổi tiếng từ Tanzania.
Gorevitch đứng bên dưới một cây sung khổng lồ, mở túi vải bố, và lấy ra một túi lưới ni lông, trông giống một cái võng. Ông ta đặt nó trên mặt đất một cách cẩn thận. Rồi ông ta lấy ra một hộp kim loại dài, bật nắp, lắp ráp một cây súng trường.
“Ông biết làm vậy là trái luật mà,” Hagar nói. “Đây là khu bảo tồn.”
“Cục cứt.”
“Nếu người gác rừng vào đây thì tốt nhất là ông đừng để họ thấy mấy thứ đó.”
“Không thành vấn đề.” Gorevitch sạc bộ phận nén, mở ổ đạn ra. “Anh chàng này có lớn không hả?”
“Nó là một con vật còn nhỏ tuổi, hai ba tuổi gì đó. Có lẽ nặng 30 kg. Cũng có thể nhẹ hơn.”
“Được rồi. 10 cc vậy.” Gorevitch rút một mũi tên ra khỏi hộp, kiểm tra mức độ, rồi luồn nó vào ổ đạn. Rồi một mũi tên nữa. Và một mũi nữa. Ông ta đóng ổ đạn lại. Ông ta nói với Hagar, “Lần cuối anh thấy nó là khi nào?”
“Mười ngày trước.”
“Ở đâu?”
“Gần đây.”
“Nó trở lại không? Đây có phải là phạm vi thường trú của nó không?”
“Hình như là vậy.”
Gorevitch nheo mắt xuống bộ phận nhắm của súng. Ông ta quơ súng theo hình vòng cung, đưa lên trời, rồi đưa xuống. Khi đã ưng ý, ông ta đặt súng xuống.
“Liều thuốc súng của ông vừa đủ thấp chứ?”
“Đừng lo,” Gorevitch nói.
“Còn nữa, nếu nó đang ở cao trên vòm cây, ông không thể bắn bởi vì...”
“Tôi nói là đừng có lo rồi mà.” Gorevitch nhìn Hagar. “Tôi biết mình đang làm gì. Liều này chỉ đủ làm nó loạng choạng thôi. Nó sẽ tự động đi xuống và một lúc lâu sau nó mới quỵ. Ta có thể phải theo dõi nó trên mặt đất một thời gian.”
“Trước đây ông làm như vậy rồi à?”
Gorevitch gật đầu.
“Với đười ươi?”
“Tinh tinh.”
“Tinh tinh thì khác rồi.”
“Thật á.” Giọng mỉa mai.
Hai người rơi vào một khoảng lặng không thoải mái. Gorevitch lấy máy quay và chân kiềng rồi dựng trên mặt đất. Rồi sau đó là một cái micro tầm xa có một cái đĩa dài 30,48 cm, ông ta gắn đĩa lên đỉnh máy quay bằng một thanh đứng. Một thiết bị nhìn rất vụng về nhưng lại rất hiệu quả, Hagar nghĩ.
Gorevitch ngồi xổm xuống và chăm chú nhìn về phía khu rừng. Hai người lắng nghe tiếng mưa và chờ đợi.
Những tuần gần đây, chuyện con đười ươi biết nói ấy đã mờ nhạt trên phương ti n truyền thông. Câu chuyện về nó có cùng kết cục với những bài viết về các loài động vật khác, đều thất bại: con chim gõ kiến ở bang Arkansas không ai tìm lại được, con dã nhân Congo cao 1m83 mà không ai có thể định vị mặc dù người bản xứ đã kể nhiều về nó, và con dơi khổng lồ có sải cánh dài 3m66 mà người ta nói đã nhìn thấy trong rừng rậm ở New Guinea.
Theo Gorevitch nghĩ, xu hướng càng ít người quan tâm đến những chuyện như thế này càng rất lý tưởng. Bởi vì khi con dã nhân cuối cùng bị phát hiện lần nữa, các phương tiện truyền thông sẽ chú ý hơn gấp mười lần lúc trước.
Nhất là khi Gorevitch định làm nhiều chuyện khác hơn nữa ngoài việc thu âm con dã nhân biết nói này. Ông ta định bắt sống nó mang về.
Ông ta gài chặt cổ áo khoác lại trước cơn mưa âm ỉ, rồi ông ta chờ đợi.
Lúc này là chiều muộn, trời bắt đầu sẫm tối. Gorevitch đang ngủ gà ngủ gật thì ông ta nghe một giọng khàn khàn nói, “Alors, Merde”.
Ông ta mở mắt ra. Ông ta nhìn Hagar đang ngồi gần đó.
Hagar lắc đầu.
“Alors, Comment a va?”
Gorevitch chầm chậm nhìn quanh.
“Merde. Scumbag. Espère de con.” Đó là một tiếng khẽ, phát từ cổ họng, như người say ở quán rượu. “Fungele a usted.”
Gorevitch bật máy quay lên. Ông ta không biết tiếng nói phát ra từ đâu, nhưng ít ra ông ta có thể thu lại nó. Ông ta lia chầm chậm ống kính theo hình vòng cung, vừa lia vừa theo dõi cường độ âm thu vào micro. Vì đây là micro định hướng nên ông ta có thể xác định được âm thanh đó đến từ... phía Nam.
Cách chỗ ông ta đứng hướng chín giờ. Ông ta nhắm vào ống ngắm, phóng to lên. Ông ta không thấy gì cả. Khu rừng mỗi lúc mỗi tối dần.
Hagar chỉ đứng bất động gần đó quan sát.
Lúc này có tiếng đâm sầm vào cành, và Gorevitch thoáng thấy một bóng đen vụt nhanh qua ống kính. Ông ta nhìn lên và thấy cái hình thù ấy di chuyển càng lúc càng lên cao, đu đưa từ cành thấp lên cành cao trong khi nhảy vụt vào vòm cây lá trên đầu. Chỉ sau vài khoảnh khắc, con đười ươi đã ở trên không trung cách đầu họ 21m33.
“Gods vloek het. Asshole wijkje. Vloek.”
Ông ta tháo máy quay ra khỏi kiềng đỡ, tìm cách quay phim. Chỉ một màu đen. Không thấy gì cả. Bật chế độ quay về đêm lên. Ông ta không thấy gì ngoài những vệt xanh lá cây xuất hiện khi con thú chui ra chui vào đám lá dày đặc. Con đười ươi đang di chuyển cao hơn và theo phương thẳng.
“Vloek het. Moeder fucker.”
“Nó có cái miệng sạch thật.” Nhưng tiếng nói càng lúc càng yếu ớt.
Gorevitch nhận ra ông ta phải quyết định, và phải quyết định nhanh. Ông ta đặt máy quay xuống rồi với lấy cây súng trường. Ông ta đưa súng lên và nhìn qua kính ngắm. Chế độ dạ thị quân đội, màu lục sáng, rất rõ. Ông ta thấy con dã nhân, thấy cặp mắt phát lên những đốm sáng trắng...
Hagar nói, “Đừng!”
Con đười ươi nhảy sang một cây khác, lơ lửng trên không trung trong một thoáng.
Gorevitch bắn.
Ông ta nghe có tiếng ga bị xì và tiếng mũi tên ghim qua đám lá.
“Trượt rồi.” Ông ta lại nâng súng lên.
“Đừng làm vậy...”
“Im đi.” Gorevitch ngắm, bắn.
Trong lùm cây bên trên, có một khoảng ngừng ngắn ngủi trong tiếng chuyển cành.
“Ông bắn trúng nó rồi,” Hagar nói.
Gorevitch chờ.
Tiếng cành lá lại bắt đầu xào xạc. Con đười ươi đang di chuyển, gần như ngay trên đầu.
“Không, tôi trượt rồi.” Gorevitch nâng súng lên lần nữa.
“Ông bắn trúng rồi. Nếu ông bắn nữa thì...”
Gorevitch bắn.
Một tiếng khí vụt qua gần tai ông ta, sau đó không có tiếng động gì. Gorevitch hạ súng xuống nạp đạn, mắt vẫn chăm chú nhìn vòm cây trên đầu. Ông ta cúi xuống mở hộp kim loại ra, rồi mò tìm thêm băng đạn. Lúc nào ông ta cũng để mắt nhìn lên trên.
Yên lặng.
“Ông bắn trúng nó rồi,” Hagar nói.
“Chắc vậy.”
“Tôi biết là ông đã bắn trúng mà.”
“Không, anh không biết đâu.” Gorevitch bỏ thêm ba băng đạn vào súng. “Anh không biết đâu.”
“Nó có đi được nữa đâu. Ông bắn trúng nó rồi.”
Gorevitch vào tư thế, nâng súng lên, đúng lúc đó ông ta thấy một hình thù tối đen lao xuống. Đó là con đười ươi, rơi thẳng xuống từ vòm cây cách đầu họ hơn 45m72.
Con thú đâm sầm xuống đất ngay dưới chân Gorevitch, bùn văng tung tóe. Con đười ươi không cử động. Hagar rọi đèn pin xung quanh.
Ba mũi tên nhô ra từ cơ thể nó. Một mũi ở chân, hai mũi ở ngực. Con đười ươi đang nằm bất động. Mắt nó mở to nhìn lên.
“Tuyệt,” Hagar nói. “Hay lắm.”
Gorevitch quỳ gối xuống đám bùn, đặt miệng mình lên cặp môi dày của con đười ươi và thổi không khí vào phổi nó, để làm nó tỉnh lại.
Hết phần 51. Mời các bạn đón đọc phần 52!