Hôm qua tôi nghe tin má Kim Ngọc qua đời. Tôi nhớ cái tuồngBóng hồng sa mạc, tuồng cải lương mà mẹ tôi và tôi hay nghe trong những lúc ngủ trưa. Giờ thì tiếng còn đó, mà người đã về với cát bụi. Tôi nói gì về điều này hay bất cứ ai nói về điều này cũng sẽ chỉ là sáo ngữ. Nhưng từ sự ra đi của người nghệ sĩ đó, tôi giật mình nhận ra nhiều thứ. Thời gian má sống trên đời là sáu mươi bảy năm. Tôi đã hai mươi ba, nghĩa là đã đi qua một phần ba cuộc đời mình. Chúng ta đã làm được gì? Đã có những gì? Đã mất những gì? Và đã biết yêu cuộc sống này chưa?
Não chúng ta có mười hai bộ luật. Một trong đó là: “Chỉ nhớ và tập trung vào những gì bạn say mê”. Khoa học đã nói và chứng minh như vậy, nhưng chúng ta còn e dè với nhiều thứ lắm.
Chúng ta không dám thi vào ngành nghề mình thích, vì ba mẹ chúng ta bảo phải làm nghề khác nó mới sang. Chúng ta không dám hát trên đường đi về nhà, vì sợ người đi đường nói chúng ta bị khùng. Chúng ta không dám bước xuống xe đỡ giúp một người té xe, vì chúng ta nghĩ sẽ có người làm điều đó thay mình.
Tôi đi mua bánh mì. Tôi thấy anh chàng bán bánh mì có những điệu bộ rất dễ thương. Anh tung hứng ổ bánh, tay chân liến thoắng, xịt tương ớt thôi mà cũng có dáng vẻ một nghệ sĩ. Đó là điều anh ấy say mê, cho dù chỉ là công việc phải làm để kiếm sống. Ai dám bảo nghề của anh là thấp hèn, là không nghệ thuật?
Thời gian để yêu. Vâng. Tôi thích lắm cái tựa đề này của nhạc sĩ Đỗ Bảo. Thời gian là để yêu bạn à! Yêu đời, yêu người, yêu bạn bè, gia đình, yêu những gì bạn làm. Yêu chính bản thân mình nữa! Đó là điều quan trọng nhất! Tôi viết những dòng này vì đã là lúc tôi đứng lên mạnh mẽ sau những suy sụp. Tôi bắt đầu chăm sóc tâm hồn, cơ thể và lắng nghe những tiếng nói tâm hồn mình. Tôi chợt thấy chính tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu hết về con người mình, vậy thì làm sao dám hiểu một ai khác?
Hãy tung mền và thôi biếng nhác, ngoài kia nắng đã về…