Thiên Hạ Kiêu Hùng Chương 35 0: Thôn nhỏ ở Chương Nam

Thiên Hạ Kiêu Hùng
Tác giả: Cao Nguyệt
Chương 350: Thôn nhỏ ở Chương Nam

Nhóm dịch: Quan Trường
Nguồn: Mê truyện









Thấm thoắt trôi qua đã đến tháng tám năm Đại Nghiệp thứ sáu, bánh xe của vương triều Đại Tùy đã lăn qua năm Đại Nghiệp cường thịnh nhất. Một năm này, Hoàng đế Đại Tùy thân chinh tới tộc Thổ Dục Hồn, khi tộc Thổ Dục Hồn đại bại ở Phúc Viên Xuyên, suốt mấy ngàn dặm biên cương hướng về tây bố trí các quận như quận Tây Hải, quận Hà Nguyên, quận Thiện Thiện, quận Thả Mạt, quận Y Ngô, quận Bắc Đình.

Đại Tùy Hoàng đế Dương Quảng lập tức cử hành đại hội giao dịch vạn quốc ở Trương Dịch, Quốc vương đến từ hơn mười quốc gia Tây Vực tiến đến triều kiến Khả Hãn thánh nhân Thiên triều, đưa Vương triều Đại Tùy lên tới đỉnh cường thịnh.



Nhưng dường như điềm báo của ông trời dành cho vương triều Đại Tùy cực thịnh mà suy, khi xe ngựa của Hoàng đế đi qua Đại Đấu Bạt Cốc, giữa mùa hè tháng bảy đột nhiên có bão tuyết đổ xuống, đội ngũ của Hoàng đế trong một đêm chết lạnh mấy chục nghìn người, lừa ngựa đều chết rét hầu như không còn. Công chúa Nhạc Bình Dương Lệ Hoa thân thể suy nhược cũng không may mắn trong lần bị bão tuyết này, thân thể nhiễm bệnh nặng, cuối cùng không thể trở về Trung Nguyên, bệnh chết bên hồ Thanh Hải.

Vương triều Đại Tùy đã đi qua giai đoạn cường thịnh, bắt đầu nhanh chóng từ thịnh thành suy. Năm Đại Nghiệp thứ sáu, một trận hạn hán trước nay chưa từng có ập xuống hơn mười quận Sơn Đông suốt hai mùa xuân hạ, thiên tai trải rộng hai bờ Hoàng Hà và đại địa Hà Bắc. Đây là một đại hạn trăm năm không gặp, thiên tai ác liệt đang thử thách Vương triều Đại Tùy.

Quận Thanh Hà ở huyện Chương Nam cũng gặp phải đại hạn trăm năm không thấy này, đất đai khô cằn, sông cũng khô kiệt, cỏ cây chết khô, đào giếng sâu tới mấy trượng cũng không thấy nước, cả người lẫn vật muốn có được nước uống khó khăn nghiêm trọng, mọi người chỉ có thể mang nước từ kênh Vĩnh Tế cách đó hơn mười dặm.

Ở phía nam huyện Chương Nam có một thôn trang gọi là Lưu Gia Truân, rất nhiều đèn đuốc được đốt sáng, đây là người trong thôn phải tự đi tới kênh Vĩnh Tế cách đó hai mươi dặm kiếm nước.

Ở đầu phía đông của thôn có một hộ nhân gia bậc trung, có hơn mười gian phòng lợp ngói. Thoạt nhìn gia cảnh không tồi, cũng giống như những nhà khác trong thôn, canh ba đã sáng đèn.

- Đại lang, con không đi lấy nước sao? Nếu không, hôm nay để Thuận Nhi đi thôi!
Có tiếng nữ chủ nhân trong phòng quan tâm nói.

- Thôi đi, hôm qua nó bị ngã, chân còn chưa khỏe, vẫn là ta đi đi!

Giọng người nam hơi ồm ồm, lập tức ánh ngọn đèn chiếu rọi bóng một nam nhân cao lớn khôi ngô trên tường, gã lại hỏi:
- Mẹ Thuận Nhi, trong nhà còn bao nhiêu gạo?

- Gạo hết từ lâu rồi, nhưng vẫn còn hơn năm mươi cân lúa mạch và hơn một trăm cân đậu đen.

- Ừ! Hôm nay thím Trương tới muốn mượn ít gạo, nàng đưa cho bà ấy mười cân lúa mạch. Còn có nhà Lưu Vũ ở đầu phía tây thôn, mẹ góa con côi, nghe nói cũng hết lương thực, đưa cho nó mười cân đậu đi.

- Ai! Tuy nói là mượn, nhưng ai cũng không trả được. Nếu vào mùa thu hoạch thì cũng không sao, nhưng năm nay đại thiên tai, lúa vụ hè một hạt cũng không có, hiện giờ trông cậy vào chút đậu, phỏng chừng tới vụ thu cũng chỉ thu hoạch được mấy chục cân là cùng. Chàng đưa như vậy mùa đông chúng ta làm sao bây giờ?

- Ta biết, nhưng chúng ta cũng không thể trơ mắt nhìn người ta chết đói! Nốt lần này nữa thôi, lần sau vậy nữa, nàng phải đưa đi đi!

- Cái gì mà lần sau không vậy nữa, lúc nào cũng lần sau không vậy nữa !
Nữ nhân thở dài đứng dậy.

Lúc này, cửa lớn đã mở, nam chủ nhân đẩy một chiếc xe đẩy ra ngoài, trên đó có mười mấy thùng nước, người này thân cao chừng sáu thước hai, lưng hùm vai gấu, khôi ngô cao lớn, chừng ba mươi sáu ba mươi bảy tuổi.

Người này tên Đậu Kiến Đức, tự xưng là hậu duệ của Phụ An thành hầu Đậu Sung của Hán Cảnh đế Thái hậu, không có nửa điểm quan hệ với gia tộc Đậu thị trong quý tộc Quan Lũng. Trong nhà gã cũng có chút tài sản, từ nhỏ tập võ dũng mãnh khỏe mạnh, hơn nữa, đối nhân cũng sảng khoái nghĩa hiệp. Ở huyện Chương Nam cũng rất có danh vọng, khi còn trẻ từng được đề cử chức Lý trưởng.

Gã có một trai một gái, đều đã trưởng thành, con gái năm ngoái xuất giá, đứa con lớn Đậu Thiên Thuận năm ngoái cưới vợ, ngày hôm qua đứa con đi lấy nước bị trật chân, hôm nay Đậu Kiến Đức chỉ có thể tự mình đi.

Nhìn thoáng qua ánh trăng, chỉ thấy trăng có màu đỏ, rất quỷ dị, gã nhớ tới một câu tục ngữ “Trăng màu đỏ, đại tai tới”, ý nói, đại hạn tất đại lụt, nếu mùa thu năm nay có lũ thì làm sao bây giờ?

Gã thở dài, vừa đẩy xe đi, sau lưng có tiếng gọi:
- Đậu đại ca, ta biết hôm nay huynh muốn đi, vẫn đứng đây chờ huynh đây!

Đậu Kiến Đức quay lại, đó là một tên vô lại nổi danh trong thôn, tên Lưu Hắc Thát, tuổi tác cũng ít hơn gã một chút. Từ khi còn là thiếu niên đã ăn trộm, không làm việc đàng hoàng, bởi vì y cũng cao lớn cường tráng, từ nhỏ cùng Đậu Kiến Đức tập võ, cũng luyện được một thân công phu tốt. Đáng tiếc công phu đó không được dùng theo chính đồ, hai mươi tuổi rời khỏi gia hương lang thang kiếm sống, mười mấy năm gặp gỡ kết giao với không ít bạn bè hư hỏng, vẫn là hai bàn tay trắng quay về.

Tuổi tác lớn dần, y cũng dần sửa đổi tâm tính, quay về quê nhà cưới vợ sinh con. Chỉ có điều không có gia nghiệp, dựa vào hơn mười mẫu ruộng thuê của Đậu Kiến Đức sống tạm. Đậu Kiến Đức cũng miễn địa tô cho y, chuyện này y vẫn luôn mang lòng cảm kích.

Lưu Hắc Thát cũng đẩy một cái xe, trên xe có vài thùng nước, y bước nhanh hơn, cười nói:
- Đậu đại ca, chân Thuận tử có khá hơn chút nào chưa?

- Còn hơi sưng đỏ, ta cho nó uống thuốc rồi, phỏng chừng nghỉ ngơi vài ngày sẽ không sao. Ôi! Tiểu tử này từ nhỏ không chịu luyện võ, giờ mới biết khổ!

Đậu Kiến Đức cười cười, lại quan tâm hỏi y:
- Trong nhà còn bao nhiêu lương thực?


Lưu Hắc Thát cười bồi:
- Còn mười, mười lăm cân lúa mì, phỏng chừng năm nay cây đậu còn có thể thu hoạch được một chút. Mùa đông thật sự không ổn ta sẽ lại tới Hoa đại ca mượn một chút!

- Huynh đệ mình không cần nói chuyện vay mượn. Tóm lại ta còn một miếng, sẽ không để ngươi đói. Đi thôi!

Hai người đẩy xe, nương theo ánh trăng hồng, đi tới kênh Vĩnh Tế cách đó mười dặm. Ngoài ra còn có hơn mười người cùng thôn họ ra lấy nước, cũng đều đẩy xe đẩy, Đậu Kiến Đức đức cao vọng trọng, ai nấy đều chào hỏi gã.

- Kiến Đức, nghe nói ngày mai ngươi muốn đi tới huyện nha thương lượng chuyện làm kênh dẫn nước, thật sao?

- Ừ! Khi xuân hạn ta đã đi rồi, Huyện lệnh không chịu, hè ta lại đi, vẫn không chịu, mai ta lại đi xem lão có chịu không!

Nhắc tới chuyện làm kênh dẫn nước, Đậu Kiến Đức có hơi tức giận. Mùa xuân gã đã biết năm nay sẽ có đại hạn, bèn đi tìm Huyện lệnh, đề xuất dẫn một con kênh từ kênh Vĩnh Tế ra nối thẳng tới mấy xã bọn họ, có thể giải quyết được vấn đề nước tưới cho lương thực và cả nước cho người lẫn vật uống, ban ơn cho hơn chụ ngàn hộ dân. Gã nguyện ý dẫn đầu động viên bà con xuất lực góp tiền làm kênh, không ngờ Huyện lệnh từ chối luôn. Mùa hè lại đi, vẫn bị từ chối. Mắt thấy năm nay sẽ có thảm kịch nạn đói chết người, khiến gã cũng hơi tức.

Lưu Hắc Thát hừ một tiếng:
- Huyện lão gia này không phải không chịu, mà là không dám. Lão dám đào kênh Vĩnh Tế, triều đình biết được, mũ ô sa của lão sẽ không giữ nổi.

Bà con bốn phía đều thở dài tức giận, mùa đông năm nay sẽ phải trải qua thế nào đây! Lưu Hắc Thát cười nói:
- Đừng có ngây ngốc nữa, chúng ta không xin được ở đây thì tới phía nam xin, bên đó không có hạn hán. Hoặc tới quận Ngũ Nguyên, nghe nói bên đó chiêu mộ lưu dân, cho lương thực chia đất đai, khẳng định đói cũng không chết.

Có người thở dài:
- Cho dù đói không chết nhưng cũng là gần người Đột Quyết nhất, cũng sống không nổi. Ta không đi tới đó đâu.

Đậu Kiến Đức lại có chút hứng thú với quận Ngũ Nguyên, liền cười hỏi:
- Hắc Thát, ngươi biết khá nhiều, còn từng đi qua kinh thành, đã gặp qua Dương Nguyên Khánh chưa? truyện copy từ tunghoanh.com

- Khụ! Năm ấy ta đưa Tôn An Tổ tới Kinh thành tham gia Võ cử, đại khái là sáu năm trước gì đó! Ta không gặp Dương Nguyên Khánh, nhưng Tôn An Tổ gặp được, nó nói tiễn pháp của Dương Nguyên Khánh quả thực thiên hạ vô song, ngoài một trăm năm mươi bước bắn đứt sợi dây nhỏ như sợi tóc, lại có thể một tên bắn vỡ chuông vàng. Tiễn pháp như thế này nó nằm mơ cũng không tưởng được.

- Ngoài một trăm năm mươi bước bắn trúng sợi tóc, sao có thể vậy được?
Có người kinh ngạc.

- Thật là đồ nhà quê. Nói chuyện với các ngươi không được. Thôi đi, ta không nói nữa!

Lục Hắc Thát mất hứng, vung tay không nói nữa. Đậu Kiến Đức khẽ mỉm cười, tuy ngoài trăm bước gã cũng có thể bắn trúng tiền bằng đồng, nhưng bắn trúng một sợi dây nhỏ thì tuyệt đối làm không được. Gọi là tóc khẳng định là có chút khoa trương, trong lòng gã dâng lên một suy nghĩ, có cơ hội gã cũng muốn thưởng thức tiễn pháp của Dương Nguyên Khánh một chút.

Không lâu sau, bọn họ đã ra tới ngoài quan đạo, nông dân khắp nơi tới lấy nước cũng đã ra tới, hình thành một đại quân chậm rãi lấy nước đi.

Đúng lúc này, từ bầu trời đông mơ hồ vang lên tiếng sấm rền, Đậu Kiến Đức kinh ngạc nhìn về hướng đó, chỉ thấy phía xa xa mây đen quay cuồng đen thui như mực che trời phủ đất đang tràn tới đây.

Bốn phía vang lên tiếng hoan hô, đám mây đen này, đối với những nông dân vừa phải chịu trận hạn hán nửa năm này quả thực là đám mây cứu mạng đang tiến đến.

Đậu Kiến Đức quay đầu về phía tây, ánh trăng lại càng thêm đỏ, phủ một tầng sương mù, lại càng như nhuộm máu!

Gã quát to một tiếng:
- Không tốt!
Cao giọng hô với mọi người:
- Các vị hương thân, đại hạn tất đại lụt, phải chạy lũ. Nhanh chóng quay về thu dọn đồ đạc đi thôi.

Trong đoàn người có rất nhiều lão nhân có kinh nghiệm, bọn họ thấy mặt trăng đỏ tới quái dị liền biết sẽ có thiên tai lớn, rất nhiều người bỏ luôn cả xe đẩy quay đầu chạy về nhà.

Một lúc lâu sau, mây đen che kín trời, mưa to trắng xóa che trời phủ đất ào xuống. Trận mưa to này kéo dài ba ngày ba đêm, nước sông dâng cao bất ngờ làm vỡ đê, nước lũ mãnh liệt quét tới hướng huyện Chương Nam, nuốt hết ruộng tốt, cướp hết hy vọng cuối cùng của người nông dân cuồn cuộn vào trong cơn hồng thủy.



Lúc này, trong ranh giới huyện Lâu Phiền ở xa ngàn dặm, một đội quân khoảng chừng ba trăm ngàn hộ vệ long giá Đại Tùy Hoàng đế rời cung Phần Dương, chậm rãi tới ngoài biên cương phía bắc tuần tra.

Trên chiếc xe người kéo do ba ngàn quân sĩ di chuyển, Thiên tử Đại Tùy Dương Quảng ngồi trên long đài trên cao, cách một tầng lụa mỏng, liếc xuống đại quân đông mút tầm mắt, cái tâm ngạo mạn đế vương của thiên hạ đã bắt đầu nhanh chóng bành trướng, ánh mắt tràn đầy ngạo mạn và đắc ý.

Dương Quảng đăng cơ suốt sáu năm, đối với quyền lực cũng đã leo lên tới đỉnh núi của nhân sinh, đại quyền thiên hạ nắm chặt trong tay, hoàn toàn ngồi vững trên ngai Hoàng đế, bắt đầu thi hành một loạt pháp lệnh, hạ lệnh thiết xoa, câu liêm, đao kiếm gì đó trong dân gian đều là đồ cấm, nghiêm cấm người dân chứa chấp.

Đồng thời ban chiếu thư, quy định dân chúng thiên hạ màu sắc quần áo dựa theo cấp bậc mà may đo. Quan viên ngũ phẩm trở lên đều mặc áo tím, quan viên dưới lục phẩm mặc áo màu lục, quan nhỏ mặc áo xanh, thứ dân mặc đồ trắng, đồ tể thương nhân mặc đồ đen, sĩ tốt áo vàng, ai sai quy định sẽ bị trị tội năm mươi trượng.

Lúc này, Dương Quảng đang nghĩ đến quý tộc Quan Lũng, trả qua gần hai năm phân liệt tan rã, những quý tộc này đã bị chia rẽ, lấy Nguyên thị và Độc Cô thị làm trung tâm, chia làm hai phe căm thù nhau nghiêm trọng. Hiện tại đã hoàn toàn giải quyết nguy cơ quý tộc Quan Lũng.

Dương Quảng trầm tư thật lâu, quay sang hạ chỉ cho Nội sử xá nhân Phong Đức Di bên cạnh:
- Truyền ý chỉ của trẫm, tuyên tổng quản Phong Châu Dương Nguyên Khánh đến diện Thánh.

Đối phó với quý tộc Quan Lũng, cho tới bây giờ Dương Nguyên Khánh vẫn là một cây khoái đao của ông ta.

Nguồn: tunghoanh.com/thien-ha-kieu-hung/quyen-7-chuong-350-gECaaab.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận