Thiên Hạ Kiêu Hùng
Tác giả: Cao Nguyệt
Quyển 15: Phong Khởi Vân Dũng Hà Đông Đạo
Chương 627: Nội chiến Tây Tần
Nhóm dịch: Quan Trường
Nguồn: Mê truyện
Điều càng khiến Lý Kiến Thành lo lắng là việc phụ hoàng không hề có chút thái độ ác cảm gì với bản tính này của Lý Thế Dân, ngược lại còn có thái độ bỏ mặc không quan tâm tới. Lúc này Lý Kiến Thành bắt đầu cảnh giác lên, y nhận thức được bản thân mình không thể giống như trước đây nữa, một mực phục tùng mà y cũng cần phải thể hiện được năng lực bản thân. Lý Kiến Thành cũng biết hiện nay phụ hoàng đang rơi vào tình trạng bị động, suy sụp, cần nhanh chóng thoát khỏi thế bất lợi này. Lý Kiến Thành lại càng nhận thức được thời cơ của mình đã tới, cuộc thi lần này y đã nắm lấy cơ hội, đưa ra kiến giải của riêng mình, giành được sự khen ngợi của phụ hoàng.
Nhưng sáng kiến về khoa cử lần này vẫn chưa đủ, y vẫn cần phải tiếp tục đưa ra ý kiến có sức thuyết phục hơn nữa, để có thể có kế hoạch cụ thể nhằm thoát khỏi cục diện khó khăn này.
Lý Kiến Thành thấy phụ hoàng đang hết sức chăm chú nghe đề nghị của mình, y không chút hoang mang liền nói:
- Phụ hoàng, đề nghị thứ hai của nhi thần chính là chủ trương giảng hòa với bắc Tùy, nhằm xóa bỏ tình trạng thù địch giữa chúng ta và bắc Tùy.
Lời đề nghị này Lý Kiến Thành từng suy nghĩ rất lâu, y đã nhiều lần muốn nói nhưng thời cơ chưa đến, quận Hoằng Nông thất bại thảm hại, y càng không có cơ hội nói ra. Quận Hoằng Nông thất bại thảm hại, kích động đến rất nhiều người, nó bị người đời xem là đầu hàng một cách hèn nhát. Hiện nay cùng với sự thay đổi của thời cuộc, bóng đen thất bại của Hoằng Nông đã phai nhạt. Lý Kiến Thành cho rằng thời cơ đã chín muồi. Hôm nay nhân cơ hội nà trịnh trọng bày tỏ một ý kiến quan trọng với phụ hoàng.
Vẻ mặt Lý Uyên vô cùng trang nghiêm, giảng hòa với bắc Tùy, điều này quả quyết là thừa nhận sự chiếm cứ của bắc Tùy với Hà Đông. Nó khiến cho y khó lòng mà chấp nhận được. Lý Uyên chắp tay sau lưng đi tới trước cửa sổ, đứng thật lâu mà không nói gì.
Lý Kiến Thành lại tiếp tục nói:
- Phụ hoàng, sở dĩ Hoằng Nông thất bại là do chiến lược sai lầm của chúng ta, hoặc có thể nói chiến lược của chúng ta không rõ ràng. Rốt cuộc là phải Đông tiến hay là khôi phục Hà Bắc, tự chúng ta cũng không phân biệt cho rõ ràng. Nếu chỉ là vì đông tiến thì chúng ta không nên đặt trọng binh ở bến Bồ Tân, uy hiếp Hà Đông. Điều này càng khiến cho Dương Nguyên Khánh nghĩ rằng mục đích đông tiến của chúng ta chỉ vì muốn đoạt lại Hà Đông, nên hắn mới bắt tay với Vương Thế Sung, làm chúng ta thất bại. Nhưng nếu là vì muốn chiếm lại Hà Đông thì không nên chiếm quận Hoằng Nông, mà chỉ cần từ bến Bồ Tân tiến quân vào là được, còn cứ một mực muốn chiếm lấy quận Hoằng Nông càng khiến cho Vương Thế Sung cảm nhận được sự uy hiếp. Phụ hoàng, đây chính là nguyên nhân thất bại căn bản của Hoằng Nông.
- Ta cũng biết!
Giọng nói của Lý Uyên trầm xuống hết mức. Mặc dù y không bao giờ thừa nhận nhưng trong lòng y hiểu rõ, chính là do chiến lược sai lầm của mình mà dẫn đến thất bại của Hoằng Nông, làm cho kế hoạch đông tiến của đại Đường vấp phải một sự đả kích lớn.
- Phụ hoàng, chiến lược của Dương Nguyên Khánh đã rất rõ ràng rồi. Hắn muốn đoạt lấy Hà Bắc, nên mới liên minh với Vương Thế Sung, ổn định phía nam. Gần đây nhi thần có nghe được một số ý kiến, không ít người cho rằng có thể nhân cơ hội Dương Nguyên Khánh tiến công Hà Bắc, chúng ta tấn công Hà Bắc từ phía sau. Nhi thần cho rằng, đây là ý tưởng cực kì mạo hiểm. Nếu chúng ta không đối mặt với hiện thực, cứ tiếp tục giao chiến với Dương Nguyên Khánh, vậy kết cục cuối cùng là cả hai đều bị thương. Cơ nghiệp của chúng ta sẽ bị hủy trong chốc lát, mà biến thành một thế lực khác.
Lý Uyên im lặng một lúc lâu, trong số không ít người mà Lý Kiến Thành nói đến cũng bao gồm cả y, nhưng đó đã là quá khứ rồi. Từ sau thất bại Hoằng Nông, cái suy nghĩ ấy của y ngày càng mờ nhạt. Từ sau bắc Tùy thành lập, y đã nhận thức được mình tạm thời vẫn chưa có đủ khả năng xóa bỏ vương triều mới tồn tại song song với nhà Đường. Cũng như vậy, bắc Tùy cũng chưa đủ khă năng tiêu diệt hoàn toàn nhà Đường. Hai chính quyền này sẽ cùng tồn tại trong cùng một khoảng thời gian, vậy lấy gì để cùng tồn tại chính là chiến tranh lạnh hoặc là giống như Lý Kiến Thành nói, tạm thời hòa giải. Lý Uyên quả thật vẫn chưa có quyết định.
Lý Kiến Thành có thể nhận ra sự do dự của phụ hoàng, y lại khuyên:
- Hòa giải được với Dương Nguyên Khánh, thì chúng ta càng có thể tập trung tinh lực để xử lý nội chính, tiêu diệt Tiết Cử. Phụ hoàng, chúng ta cũng cần có thời gian.
- Nhưng hắn cũng nhất định sẽ đưa ra yêu cầu không được phép đặt chân tới Hoằng Nông, vậy kế hoạch đông tiến của chúng ta thì sao?
- Phụ hoàng, cái này trên thực tế chỉ là ngưng chiến giảng hòa, chứ không phải là điều kiện liên minh gì đó, chỉ cần thời cơ của chúng ta tới thì chúng ta có thể vứt bỏ cái hòa giải này bất cứ lúc nào, không cần bị nó ràng buộc nữa. Trên thực tế, Dương Nguyên Khánh cũng giống như vậy, đợi việc Hà Bắc của hắn hoàn thành, hắn cũng sẽ qua mặt đối phó với chúng ta, chỉ là trong thời gian này mọi người duy trì một sự hòa giải mà ai cũng ngầm hiểu. Như vậy, có lợi cho việc phòng ngừa một vài hiểu lầm không cần thiết. Còn về kế hoạch đông tiến, chúng ta có thể đến Vũ Quan để tiến vào Nam Dương kì thực thì cũng như nhau.
Lý Uyên trầm tư rất lâu, nhẹ nhàng thở dài:
- Lời con nói rất có lý, bây giờ ta quả thật không muốn làm kẻ thù với Dương Nguyên Khánh. Sự kiện Đông Quan là một đòn đả kích quá lớn đối với quân đội chúng ta, chúng ta cần có thời gian tu bổ. Như vậy đi! Trước tiên phái người đi sứ Thái Nguyên, đi lại với Dương Nguyên Khánh, xem xem thái độ của đối phương, sau đó mới xác định tới khả năng hòa giải...
Nói đến đây, Lý Uyên quay lại nhìn đứa con cả:
- Con cho rằng phái ai đi là thích hợp nhất?
Đối với việc chọn người này Lý Kiến Thành sớm đã có dự liệu, y vội nói:
- Chuyện này vẫn chưa trở thành nghị quyết của triều đình, tốt nhất nên giữ bí mật một chút, không nên phái triều thần đi, đồng thời để tỏ rõ sự coi trọng và thành ý của phụ hoàng thì nhi thần đề nghị Thần Thông thúc phụ đi là tốt nhất.
Lý Uyên suy nghĩ một chút, phái tộc đệ Lý Thần Thông đi, quả là thích hợp nhất, y liền gật đầu đồng ý:
- Được rồi! Vậy cho ông ta đi Thái Nguyên.
....
Từ sau khi bị liên quân Lý Uyên và Lý Quỹ đánh bại, bá vương Tây Tần Tiết Cử vẫn chưa thể khôi phục lại nguyên khí. Mặc dù trước mắt y vẫn đang chiếm lĩnh năm quận như quận Bao Hãn, quận Tây Bình, quận Tiêu Hà, quận Hà Nguyên và quận Tây Hải, lãnh thổ quốc gia mở rộng. Nhưng dân số thì lại hết sức thưa thớt, khiến việc bổ sung binh lực trở thành một vấn đề lớn.
Tiết Cử đã nghĩ đủ mọi cách, thậm chí còn trưng tập hơn hai mươi nghìn quân ngoại tộc như Khương, Để, Thổ Dục Hồn, vậy mà quân đội của y cũng chưa vượt qua con số năm mươi ngàn. Con số này mà so với một trăm ba mươi ngàn quân của y lúc hưng thịnh nhất thì chỉ bằng có một phần sáu.
Điều khiến Tiết Cử thêm đau đầu đó là, việc y trưng tập Tây Nhung làm quân đội, lại làm cho thế lực của người Thổ Dục Hồn và người Khương càng mở rộng về phía đông,... phần lớn người Hán lại di chuyển xuống vùng Thiên Thủy, Kim Thành và Lũng Tây mà bên đó nay đã trở thành địa bàn của nhà Đường. Không chỉ có người Hán di cư xuống phía đông mà nhiều Hán thần trong triều đình của y cũng lần lượt không từ mà biệt, đầu hàng nhà Đường. Tổn thất lớn nhất đó là tướng quốc của y, thượng thư dân bộ triều Tùy trước Tiêu Vũ treo ấn mà đi.
Chỉ nội trong một tháng ngắn ngủi, số triều thần của y đã giảm đi một nửa. Chuyện này khiến Tiết Cử chịu một đòn đả kích rất lớn, phần lớn thời gian y đều mượn rượu giải sầu, đắm chìm trong tửu sắc, múa hát, không hỏi han gì tới việc triều chính.
Mà chính cũng trong lúc này, hai con trai của y là Thái tử Tiết Nhân Cảo và Tấn vương Tiết Nhân Việt lại nảy sinh nội chiến tranh quyền đoạt lợi. Tiết Nhân Cảo nhận được sự ủng hộ to lớn của đại tướng Tông La Hầu, trong tay có tới hai mươi nghìn quân. Trong khi đó, Tiết Nhân Việt nhận được sự ủng hộ của Lương Sư Đô, cũng có trong tay hai mươi nghìn quân. Hai bên đấu đá lẫn nhau, tranh giành dân số và lương thực của nhau, cuộc nội chiến hết sức ác liệt, làm suy yếu một cách lớn lao thế lực của Tây Tần.
Đối với việc nước Tây Tần xảy ra loạn lạc Tiết Cử coi như không thấy. Ngay cả việc người thân cận nhất với y là mưu sĩ Hách Viện kiến nghị thu hồi binh quyền, ngăn chặn cuộc chiến huynh đệ tương tàn, y cũng ngoảnh mặt làm ngơ. Không lâu sau, Hách Viện buồn giận sinh bệnh mà chết, lại càng không có người dám khuyên can Tiết Cử.
Ban đêm tại huyện Hoàng Thủy, quận Tây Bình, trong hoàng cung của Tiết Cử sênh ca múa hát khắp nơi, tiếng cười duyên dáng thỉnh thoảng lại truyền tới tiếng cười phóng túng vô độ của Tiết Cử. Các vệ sĩ đều nhíu mày cười khổ, cảm thấy bất lực trước sự sa sút của chủ công. truyện copy từ tunghoanh.com
Cách huyện Hoàng Thủy hai mươi dặm về phía nam, một đội quân đang lặng lẽ tiến tới gần kinh đô. Đó là hai mươi nghìn quân do Tấn vương Tiết Nhân Việt đi đầu. Y không nói không rằng đến kinh đô của nước Tây Tần.
Tiết Cử đem quân đội của mình chia làm ba, lệnh cho thái tử Tiết Nhân Cảo và đại tướng Tông La Hầu dẫn hai mươi nghìn quân đóng giữ quận Bao Hãn, lại lệnh cho thứ tử Tấn vương Tiết Nhân Việt cùng với đại tướng Lương Sư Đô dẫn hai mươi nghìn quân đóng giữ quận Tiêu Hà và quận Hà Nguyên.