Thiên Long Bát Bộ Hồi 133: Thiên lý mang mang nhược mộng

Ruổi rong muôn dặm đường xa,

Cứ đi mà chẳng biết là đi đâu.

Kẻ thù như thể bóng câu,

Chạy theo chỉ thấy một màu khói sương.

Hai người lập tức xuôi nam, từ sơn lĩnh vòng qua Nhạn Môn Quan đến một tòa tiểu thị trấn, tìm một căn khách điếm. A Châu không đợi Kiều Phong mở lời đã bảo điếm tiểu nhị dọn hai mươi cân rượu. Gã tửu bảo thấy hai người vợ chồng không ra vợ chồng, anh em chẳng phải anh em đã kỳ lạ, lại nghe sai dọn hai mươi cân rượu, càng thêm ngạc nhiên, ngơ ngẩn đứng nhìn hai người, không đi lấy rượu, cũng chẳng đáp lời.

Kiều Phong trừng mắt nhìn y, không giận mà có uy, gã tiểu nhị hoảng hồn vội lật đật quay đi, miệng lẩm bẩm:

- Hai mươi cân rượu? Chắc để tắm hay sao?

A Châu cười nói:

- Kiều đại gia, chúng mình đi tìm Từ trưởng lão, xem chừng chỉ chừng hai ngày là người ta sẽ phát giác ngay. Trên đường gặp đâu đánh đó, gặp ai giết nấy, tuy cũng vui thật nhưng e Từ trưởng lão nghe hơi gió đã chạy cong đuôi, thì làm sao kiếm ông ta được.

Kiều Phong cười ha hả nói:

- Nàng đừng có đưa ta lên, trên đường ví như gặp ai đánh nấy, kẻ địch càng lúc càng đông, chúng mình rồi thể nào cũng bỏ mạng…

A Châu nói:

- Nói đến hung hiểm thì cũng không đến nỗi nào, có điều bọn chúng nghe hơi gió đã cụp đuôi chạy hết thì thật là hỏng việc.

Kiều Phong nói:

- Thế theo cô thì mình phải làm cách nào? Chúng mình ban ngày ở trong khách điếm, ban đêm ra đi có được chăng?

A Châu mỉm cười nói:

- Muốn bọn họ không nhận ra mình thì thật dễ. Chỉ có điều Kiều đại hiệp danh mãn thiên hạ, không biết có chịu hóa trang hay không?

Nói đi nói lại, nàng cũng đi đến "dị dung cải trang." Kiều Phong cười nói:

- Ta không phải người Hán, quần áo người Hán đây vốn đã không muốn mặc nữa rồi. Thế nhưng nếu mặc quần áo Khất Đan thì ở Trung Nguyên đi lại thật bất tiện. A Châu, nàng thử nghĩ ta nên mặc thế nào cho phải?

A Châu đáp:

- Đại gia thân thể cao to, đi đâu cũng khiến người ta chú ý, tốt nhất là cải trang thành một giang hồ hào sĩ hình mạo tầm thường, trên người không có điểm gì đặc biệt. Những người như thế trên đường mỗi ngày người ta gặp cả trăm, chẳng ai thèm để ý đến ông là ai đâu.

Kiều Phong vỗ đùi nói:

- Hay lắm! Hay lắm! Uống rượu xong nàng giúp ta cải trang là xong.

Ông uống hết hai mươi cân rượu rồi, A Châu liền ra tay ngay. Bột mì, hồ dán, a dao đủ các loại nhồi nặn, bao nhiêu điểm khác người của Kiều Phong đều biến mất. A Châu lại thêm cho ông ta một bộ ria mép khiến Kiều Phong soi gương cũng còn không nhận ra mình là ai. Sau đó A Châu cũng tự cải trang thành một hán tử trung niên.

A Châu cười nói:

- Hình dáng bên ngoài của ông đã thay đổi rồi, thế nhưng khi nói năng, hay uống rượu người ta nhận ra ngay.

Kiều Phong gật đầu:

- Ừ, thế thì nói ít đi, uống cũng bớt.

Thành ra trên đường xuôi nam, Kiều Phong quả thật ít khi mở miệng, mỗi bữa ăn cũng chỉ uống hai ba cân, hết sức giữ ý. Hôm đó đến Tam Giáp Trấn ở Tấn Nam, hai người ghé vào một cái quán mì, bỗng nghe ngoài cửa có hai gã ăn mày nói chuyện với nhau. Một gã nói:

- Từ trưởng lão chết thật thảm thiết, trước ngực sau lưng, gân cốt đều đứt hết chắc là gã ác tặc Kiều Phong hạ độc thủ.

Kiều Phong kinh hoảng nghĩ thầm: "Từ trưởng lão chết rồi sao?" Ông liền đưa mắt cho A Châu. Lại nghe một gã ăn mày nói:

- Ngày mai tại Vệ Huy Hà Nam phát tang, trưởng lão trong bang, cùng các anh em đều đến tế viếng, để bàn tính làm cách nào bắt được Kiều Phong.

Kế đó gã ăn mày liền nói mấy câu ám ngữ, Kiều Phong nghe qua hiểu ngay, y nói là Kiều Phong thanh thế rất lợi hại nên không thể nói năng lung tung để thủ hạ của y nghe được.

Kiều Phong và A Châu ăn mì xong liền rời Tam Giáp Trấn, đi ra ngoài thành. Kiều Phong nói:

- Chúng mình nên đi Vệ Huy xem sao, không chừng kiếm được chút đầu dây mối nhợ.

A Châu đáp: Bạn đang đọc chuyện tại Truyện.YY

- Đúng đó, Vệ Huy thì phải nên đi. Kiều đại gia, những người đến phúng điếu Từ trưởng lão đa số là cựu bộ thuộc của đại gia cho nên cử chỉ ngôn ngữ chớ có để lộ chân tướng.

Kiều Phong gật đầu:

- Ta biết rồi.

Hai người liền quay sang hướng đông, đi về phía Vệ Huy.

Đến ngày thứ ba đã đến Vệ Huy, trong thành đầu đường xó chợ đâu đâu cũng toàn là đệ tử Cái Bang. Kẻ thì vào tửu lâu ngồi bàn ăn uống nhồm nhoàm, đứa thì nơi đường hẻm mổ heo giết chó, có người vòi vĩnh cướp giựt ngay ở ngoài đường. Kiều Phong trong lòng đau xót, thấy đại bang vẫn được coi là số một trên giang hồ nay chẳng còn qui củ gì, không thể nào bì với năm xưa khi mình còn chấp chưởng bang chủ kỷ luật nghiêm minh, khí tượng hưng vượng, mới chẳng bao lâu đã bị người đời coi rẻ. Vẫn biết Cái Bang với ông nay đã thành địch chứ không còn bạn bè gì nữa, thế nhưng bao nhiêu tâm huyết của mình bỏ ra chỉ một ngày tan ra mây khói, lòng ông không khỏi ngậm ngùi.

Bỗng nghe mấy đệ tử Cái Bang nói với nhau mấy câu mật hiệu, ông biết được linh vị của Từ trưởng lão để tại một khu vườn hoang nơi phía tây thành. Kiều Phong và A Châu mua ít nhang đèn, vàng mã và cái đầu heo đi theo người ta đến nơi đó, khấu đầu trước bài vị Từ trưởng lão.

Chỉ thấy trên linh bài của Từ trưởng lão bôi đầy máu tươi, đó là tập tục của Cái Bang ý nói người chết bị ám hại, người trong bang phải lo việc trả thù rửa hận. Trong nhà quàn ai nấy ngoạc mồm thống mạ Kiều Phong, có ai ngờ đâu ông đang ở ngay bên cạnh. Kiều Phong thấy chung quanh toàn là những nhân vật thủ não của Cái Bang, e ngại có người nhìn ra mình nên không dám lần khân, lập tức sóng vai A Châu đi ra, nghĩ thầm: "Từ trưởng lão chết rồi thì trên đời này biết được "đàn anh đứng đầu" lại bớt đi một người nữa."

Bỗng thấy nơi đầu hẻm tít đằng xa có bóng người thoáng một cái, đó là một người đàn bà thân thể cao to. Kiều Phong tinh mắt nhận ra ngay đó là Đàm bà, nghĩ bụng: "Hay quá, chắc là mụ ta đi điếu tang Từ trưởng lão đây, mình đang muốn đi tìm." Lại thấy thêm một bóng người vụt qua nữa, khinh công cực kỳ cao siêu, chính là Triệu Tiền Tôn. Kiều Phong ngạc nhiên: "Hai người này thập thò lén lút không biết có cái trò gì đây?"

Ông biết rằng hai người vốn dĩ là sư huynh muội, tình ái dây dưa đến nay chưa dứt, nghĩ thầm: "Hai người đều sáu bảy mươi tuổi rồi, không lẽ lại còn tư tình, giăng dện với nhau hay sao?" Ông bản tính vốn không hay xen vào chuyện riêng của người khác, nhưng Triệu Tiền Tôn biết được "đàn anh đứng đầu" là ai, Đàm công, Đàm bà chắc cũng biết, nếu như bắt thóp được chuyện gì thì có thể thừa cơ ép buộc hai người thổ lộ, nên ghé tai A Châu nói:

- Nàng ở khách điếm chờ ta.

A Châu gật đầu, Kiều Phong lập tức đuổi theo hướng Triệu Tiền Tôn vừa chạy. Triệu Tiền Tôn chọn toàn những nơi ẩn khuất mà đi, hết náu dưới góc tường phía đông lại lẻn trên mái nhà phía tây, cử chỉ hết sức ngụy bí đi ra phía cửa đông. Kiều Phong theo xa xa, trước sau không để y phát giác, thấy y chạy đến bờ sông, khom người chui vào khoang một chiếc thuyền gỗ lớn. Kiều Phong đề khí chạy tới, nhún nhẩy mấy cái đã đến bên thuyền, nhẹ nhàng nhảy xuống mui, ghé sát tai vào thuyền lắng nghe.

Trong khoang thuyền, Đàm bà thở dài một tiếng nói:

- Sư ca, hai người mình tuổi tác cũng đã cao rồi, những chuyện ngày xưa có hối cũng đã muộn, nhắc lại có ích gì đâu?

Triệu Tiền Tôn nói:

- Cuộc đời ta coi như bỏ đi rồi, có hối cũng đâu còn kịp. Ta hẹn nàng ra đây cũng chẳng có chuyện gì, Tiểu Quyên, chỉ mong được nghe nàng hát lại mấy câu ngày xưa nàng vẫn thường hát mà thôi.

Đàm bà nói:

- Ôi, sư ca quả thực si mê nực cười. Thằng chả đó tới Vệ Huy thấy sư ca đã không lấy gì làm vui, y tính lại đa nghi, sư ca không nên chàng màng tiểu muội là hơn.

Triệu Tiền Tôn đáp:

- Sợ gì cơ chứ? Mình sư huynh muội quang minh lỗi lạc, nói chút chuyện xưa, có gì mà không được?

Đàm bà thở dài một tiếng, nhỏ nhẹ nói:

- Mấy khúc hát năm xưa, mấy khúc hát năm xưa…

Triệu Tiền Tôn thấy bà ta đã động lòng, lại càng năn nỉ, nói:

- Tiểu Quyên, hôm nay hai đứa mình gặp nhau, không biết sau này tới chừng nào mới lại trùng phùng, e rằng mạng ta cũng chẳng được bao lâu, nàng dẫu có muốn hát lại cho ta nghe ta cũng chẳng có cái phúc mà đến nghe được nữa.

Đàm bà nói:

- Sư ca chớ có nói thế. Nếu như quả anh muốn nghe, thì tiểu muội sẽ hát nho nhỏ một khúc cho sư ca nghe.

Triệu Tiền Tôn vui mừng nói:

- Hay quá, đa tạ sư muội. Tiểu Quyên, cảm ơn nàng.

Đàm bà liền khoan thai hát:

Năm nao chàng ghé thăm nhau,

Thiếp đang giặt lụa bên cầu dưới khe…(21.1)

Mới hát được hai câu, nghe có tiếng lách cách, khoang thuyền mở tung, một đại hán xông vào. Kiều Phong cải trang rồi nên Đàm bà và Triệu Tiền Tôn không nhận ra. Hai người đang hoảng hốt, thấy không phải là Đàm công nên cũng yên tâm, quát hỏi:

- Ai đó?

Kiều Phong lạnh lùng nhìn hai người, nói:

- Một gã khinh bạc vô hạnh, dụ dỗ đàn bà có chồng, một người dâm đãng vô sỉ, trốn chồng đi gặp tình lang…

Ông chưa nói dứt lời, Đàm bà và Triệu Tiền Tôn cùng ra tay, chia hai bên đánh tới. Kiều Phong thân hình hơi nghiêng qua, lật một cái đã nắm ngay được cổ tay Đàm bà, kế tiếp cùi chỏ thúc ra, hậu phát tiên chí, tấn công vào sườn bên trái Triệu Tiền Tôn.

Triệu Tiền Tôn và Đàm bà đều là những cao thủ hạng nhất trong võ lâm, những tưởng chỉ ra một chiêu đã khống chế được kẻ địch, đâu có ngờ rằng con người hình mạo thật bình thường kia võ công lại cao siêu đến như thế, vừa ra tay đã đổi thủ thành công. Trong khoang thuyền chật hẹp, không thể thi triển tài nghệ, thế nhưng Kiều Phong đánh xa cũng hay, đánh gần cũng giỏi, sử dụng toàn cầm nã thủ và đòn nhập nội mà thôi, trong khu vực chưa đầy một trượng của khoang thuyền vẫn cực kỳ linh động. Đấu đến hiệp thứ bảy, hông Triệu Tiền Tôn bị trúng một chỉ, Đàm bà kinh hãi ra tay chậm lại, bị ngay một chưởng vào lưng, sụm ngay xuống.

Kiều Phong lạnh lùng nói:

- Xin hai vị ở đây nghỉ ngơi, trong khu vườn hoang trong thành Vệ Huy đang có rất nhiều anh hùng hảo hán đến viếng linh vị Từ trưởng lão, ta đi mời họ tới để họ bình phẩm xem đúng hay sai.

Triệu Tiền Tôn và Đàm bà hoảng hốt, cố gắng vận khí nhưng huyệt đạo đã bị phong rồi, đến đầu ngón tay cũng không cử động được. Hai người tuổi tác đã cao, vốn không có ý niệm tình dục gì, hẹn nhau ở đây, chẳng qua để kể lể tình xưa nghĩa cũ chứ có chuyện gì ra ngoài vòng lễ giáo đâu. Thế nhưng lúc đó đang thời Bắc Tống, lễ pháp ai ai cũng coi rất nặng, anh hùng hảo hán giang hồ phạm vào nữ sắc ắt bị người đời cười chê. Một nam một nữ lén lút gặp gỡ nơi thuyền này, nào có ai tin rằng hai người chỉ gặp nhau để hát cho nhau nghe vài câu? Nói với nhau vài câu chuyện tầm phào? Nếu ai ai cũng biết đến thì còn làm người sao được? Ngay cả Đàm công cũng chẳng còn mặt mũi nào.

Đàm bà vội nói:

- Vị anh hùng kia, chúng tôi có làm gì đắc tội với các hạ đâu, nếu có thể dung tình một chút, ta… ta ắt có đền đáp.

Kiều Phong nói:

- Đền đáp thì không cần. Ta chỉ hỏi một câu, các ngươi cũng chỉ đáp lại ba chữ. Nếu như nói thực, tại hạ lập tức giải khai huyệt đạo cho hai người ngay, phủi tay đi thẳng. Chuyện ngày hôm nay nhất định không một ai nhắc đến nữa.

Đàm bà nói:

- Nếu như lão thân biết được thì nguyện sẽ phụng cáo ngay.

Kiều Phong hỏi:

- Có người từng viết thư cho Uông bang chủ của Cái Bang, nói về chuyện Kiều Phong, người viết thư đó người khác gọi là "đàn anh đứng đầu", kẻ đó là ai?

Đàm bà còn ngần ngừ chưa trả lời, Triệu Tiền Tôn lớn tiếng nói:

- Tiểu Quyên, không được nói, nghìn lần vạn lần không thể nói.

Kiều Phong trừng mắt nhìn y, hỏi lại:

- Ngươi thà chịu thân bại danh liệt nhưng không chịu nói hay sao?

Triệu Tiền Tôn đáp:

- Lão tử thà chết thì thôi. Vị "đàn anh đứng đầu" này có ơn với ta, ta nhất quyết không thể nói tên ra được.

Kiều Phong hỏi thêm:

- Thế dẫu cho Tiểu Quyên thân bại danh liệt, ngươi cũng không cần, phải không?

Triệu Tiền Tôn đáp:

- Nếu Đàm công biết chuyện hôm nay, ta lập tức tự vẫn trước mặt y, lấy cái chết tạ tội, thế là xong.

Kiều Phong quay sang Đàm bà:

- Người đó chưa chắc đã có ơn gì với bà, vậy bà nói ra đi, tất cả sẽ bình yên vô sự, bảo toàn được danh dự cho cả Đàm công Đàm bà, cũng bảo tồn cả tính mệnh cho sư ca của bà nữa.

Đàm bà nghe thấy ông ta đem tính mạng Triệu Tiền Tôn ra uy hiếp, không khỏi rùng mình nói:

- Được, thôi để ta nói cho người nghe, người đó là…

Triệu Tiền Tôn vội kêu lên:

- Tiểu Quyên, nàng chớ có nói ra, nhất định không thể nói ra. Ta van xin nàng, van xin nàng! Gã này chắc là thủ hạ của Kiều Phong, nàng mà nói ra, tính mạng của vị "đàn anh đứng đầu" kia thể nào cũng nguy hiểm.

Kiều Phong đáp:

- Ta chính là Kiều Phong, các ngươi không nói ra hậu hoạn sẽ không biết đâu mà lường.

Triệu Tiền Tôn giật mình:

- Thảo nào công phu của ngươi ghê gớm thế. Tiểu Quyên ơi, trong đời ta chưa từng cầu xin nàng việc gì, đây là việc duy nhất ta xin nàng, dẫu thế nào chăng nữa mong nàng bằng lòng cho ta.

Đàm bà nghĩ đến ông ta mấy chục năm qua thương yêu ái mộ, tình sâu nghĩa nặng, mình phụ ông ta đã nhiều, tấm lòng mong mỏi được lấy nhau xưa nay chưa từng thổ lộ, vậy mà lần này vì muốn che dấu cho ân nhân, thà chết thì thôi, không thể nào làm hỏng cái nghĩa cử của sư ca được nên đáp:

- Kiều bang chủ, việc ngày hôm nay, làm điều thiện cũng tùy ông, mà làm điều ác cũng tùy ông. Hai sư huynh muội chúng tôi tự vấn lương tâm không điều gì đáng hổ thẹn, có đất trời chứng giám. Việc các hạ muốn biết, xin tha thứ lão thân không thể cáo tri được.

Mấy câu nói của bà ta nghe ra có vẻ khách khí, nhưng lời như chém đinh chặt sắt, nhất định cách nào cũng không thể nói ra.

Nguồn: truyenyy.com/doc-truyen/thien-long-bat-bo/chuong-133/


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận