Chỉ nghe thấy “xoạch” một tiếng, bả vai phải rung lên, một vật cứng sắc nhọn đâm mạnh, tiếp đó là cảm giác đau thấu tim. Tôi đã bị trúng một nhát dao.
Tôi kêu lên một tiếng, tay trái bám chặt lấy lan can, nhảy lên phía trên. Chỗ xương cốt bị lưỡi dao phạm phải, không ngừng kêu răng rắc.
Vừa ra khỏi cửa cầu thang, một cơn gió mạnh cuốn theo những hạt tuyết tạt thẳng vào mũi tôi, gần như không thở nổi, vô cùng khó chịu. Tôi vội quay người lại, ho vài tiếng, day day mũi rồi dựng cổ áo jacket cho đỡ lạnh, tiện đà đánh mắt nhìn lên trên.
Chợt tôi nhìn thấy một bóng người đứng trước cửa sổ nhà ông Từ, đầu nghiêng nghiêng, hai tay bám vào song cửa, đang dán mắt nhìn theo tôi. Ánh sáng trắng hắt ra từ sau lưng khiến dáng người hiện lên mờ tối, trông hệt như một bức tranh thủy mặc. Do khoảng cách xa nên tôi không nhìn rõ mặt, nhưng nhìn hình dáng thì đúng là ông Từ. Có lẽ do phát hiện ra tôi quay đầu lại nhìn, hai tay ông vội kéo tấm rèm cửa lại, quay người bước đi, sau đó ánh đèn cũng vụt tắt.
Tôi ngây người đứng nhìn một lúc, sau đó lắc đầu quay đi, từ từ rời khỏi khu chung cư đang chìm trong gió tuyết.
Lúc đó đúng mười một rưỡi đêm, trời tối đen, tuyết ngày càng dày, nhưng gió đã nhẹ hơn. Đường phố vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người hay xe cộ.
Tâm trạng rối bời, tôi không muốn bắt xe mà vừa khoanh tay ôm hai vai chậm rãi bước từng bước trên vỉa hè vừa ngẫm nghĩ lại những lời nói ban nãy của ông Từ. Bên tai ngoài tiếng tuyết rơi, bốn bề đều vô cùng yên tĩnh.
Ánh đèn đường trên đỉnh đầu hắt xuống yếu ớt, khắp nơi đều một màu vàng ảm đạm, tuyết lớn làm giảm bớt tầm nhìn, khiến khung cảnh phía xa mờ mờ ảo ảo. Dưới chân, tiếng lớp tuyết bị giẫm vỡ kêu lạo xạo, trong đầu cũng không một phút thảnh thơi, cứ tưởng lần này sẽ có thêm thu hoạch, không ngờ lại thêm một mớ nghi hoặc vào đầu.
Những bông tuyết to bằng móng tay cứ thế rơi vào đầu, vào mặt, vào áo jacket, rồi lại nhanh chóng tan đi. Càng đi, tôi càng thấy lạnh, cơ thể như bị đóng băng, ngón chân vừa tê vừa đau, không chịu nổi nữa, tôi liền dừng lại, định gọi chiếc taxi. Thế nhưng đúng giây phút dừng bước, tôi đột nhiên nghe thấy một tiếng động nhỏ rất lạ.
Tiếng động phát ra từ sau lưng, cực ngắn và nhỏ, như thể dừng lại theo đúng nhịp bước chân tôi. Trong thoáng chốc, tôi đã xác định được nguồn gốc của tiếng động.
Đó không chỉ là tiếng động được phát ra do bước chân người giẫm lên tuyết, mà còn là âm thanh phát ra khi chân đã chạm hẳn xuống, sau đó lập tức dừng phắt lại.
Tim tôi đập loạn xạ, tâm trí cực kỳ hoảng hốt khi phát hiện ra có kẻ theo dõi!
Vốn dĩ phản xạ đầu tiên phải là quay đầu lại, nhưng tôi lập tức dừng ngay lại, trong đầu suy luận rất nhanh: Là ai chứ? Là lính đặc công do Bộ Công an cử theo? Không, không thể nào, họ chỉ phụ trách bảo vệ Tiểu Đường, tôi chẳng qua là đối tượng ăn theo, nếu không phải họ, thì chắc chắn đó là hung thủ giấu mặt, xem ra chúng đã theo đến tận Thẩm Dương.
Những suy nghĩ đó hiện ra rất nhanh chỉ trong chớp mắt, không có nhiều thời gian để phân tích kỹ, tôi lập tức điều chỉnh động tác quay đầu của mình, cố tình làm ra vẻ tự nhiên, tiện đà giơ cổ tay lên xem đồng hồ.
Tôi vờ như tìm ánh sáng, giơ cánh tay lên một góc đặc biệt phía trước lông mày, ánh sáng đèn đường vừa vặn chếch 45 độ, hình ảnh phía sau lưng phản chiếu lên mặt đồng hồ giúp tôi quan sát được cơ bản tình hình.
Trên mặt đồng hồ, mờ mờ hiện ra một bóng người đen sì phía sau, những hạt tuyết theo gió rơi liên tục xuống đầu, xuống vai người đó...
Tôi vốn có nghề trong việc khám nghiệm hiện trường hình sự, nên khả năng nắm bắt cự ly, phương hướng khá chính xác. Tuy hình ảnh trên mặt đồng hồ chỉ mờ mờ, nhưng kết hợp với góc độ phản chiếu ánh sáng, khoảng cách dự đoán bằng mắt và độ sáng tối của không gian lúc đó, trong đầu tôi nhẩm tính rồi đưa ra nhận định cơ bản về hình dáng của người này: Cao khoảng một mét bảy, chiều cao và cân nặng xấp xỉ tôi, so với đàn ông thì thuộc dạng gầy nhỏ, cách tôi khoảng 15-16 mét.
Thấy bóng đen đứng im bất động, tôi từ từ hạ tay xuống, một ý nghĩ thoáng qua đầu, xem ra tôi lại bị theo dõi rồi. Đang định giả vờ gọi xe để tranh thủ quan sát, nhưng suy nghĩ lại, tôi quyết định phải bắt sống.
Tôi giả vờ hà hơi vào tay cho ấm, sau đó nhấc chân đi tiếp, tinh thần căng thẳng tột cùng, con ngươi đảo liên tục, nhìn quanh tứ phía, chuẩn bị tìm thời cơ và địa điểm thích hợp để ra tay.
Tuyết hôm đó rất nhiều, từng bông tuyết cứ thế tới tấp rơi xuống, kết thành vô số những đường kẻ màu trắng dài trên không trung rồi cắm thẳng xuống lớp tuyết dưới đất, phát ra âm thanh bộp bộp. Phía xa thỉnh thoảng quét qua mấy tia sáng yếu ớt, tiếp đó là tiếng còi ô-tô vọng lại, còn lại xung quanh hết sức yên tĩnh vắng vẻ.
Tôi cố tình giảm nhịp thở, hai tay đút vào túi áo, nhấc cao chân rồi hạ nhẹ xuống, cố gắng làm giảm lực giẫm của đôi chân để không phát ra âm thanh quá to, đồng thời căng tai lắng nghe động tĩnh sau lưng.
Rất nhanh, tôi phát hiện ra trong khoảng thời gian chân tôi nhấc lên và hạ xuống, bóng đen dường như cũng giữ tốc độ bước giống tôi, tiếng bước chân giẫm xuống ngắn, dứt khoát và đều đặn, đồng thời cũng rất nhỏ.
Tôi nuốt nước bọt đánh ực, trong lòng bắt đầu thấp thỏm, đây chính là thuật theo dõi đêm tuyết đây. Còn nhớ hồi học đại học, tôi đã được học điều này trong môn Kỹ thuật Thực chiến, điểm cốt lõi trong thuật theo dõi đêm tuyết là phải hạ chân xuống trong khoảng giữa nhịp chân của người đi trước, như vậy vừa có thể tránh phát ra âm thanh lại có thể che giấu được hành vi của mình. Xem ra người này chính là một cao thủ theo dõi.
Tôi từ từ tiến về phía trước, cố gắng giữ yên đầu, nhưng hai mắt thì quét đảo sang tứ phía, trong đầu phân tích rất nhanh tình hình trước mắt, chỉ mong có thể tìm ra cách khả dĩ để khống chế hắn.
Đi được khoảng hơn hai trăm mét, tôi nhìn thấy bên đường có một vườn hoa, bên ngoài không có hàng rào bảo vệ, bên trong trồng những cây thông cao vút, đỉnh thông vương đầy hoa tuyết, nặng trĩu, xòa cả ra ngoài đường. Phía trước không xa, có một lối rẽ sang phải.
Tôi lập tức nghĩ ra một kế, liền rút điện thoại trong túi áo ra, vừa đi vừa nhấn số lung tung, đồng thời cố tình so vai lên không để cho kẻ đằng sau đoán ra ý đồ thật của tôi, lần bấm cuối cùng tôi ấn và giữ phím #, điều chỉnh điện thoại về chế độ yên lặng.
Tôi áp điện thoại lên tai, đợi vài giây, sau đó cất cao giọng, giả vờ cấp bách:
- Alô... ừ... là tớ đây... vừa mới ra... đen đủi quá, không gọi được xe. Trời lạnh chết khiếp đi được, cóng hết cả người rồi. – Vừa nói chuyện, tôi vừa tăng tốc bước vào lối rẽ.
Liếc thấy những cành cây đã đủ che khuất, tôi liền dừng lại, khẽ xoay gót nhẹ nhàng quay người lại, đứng yên giữa trời tuyết, nhanh chóng cắt điện thoại, rồi chuẩn bị sẵn sàng ôm cây đợi thỏ.
Lúc đó tôi cứ ngỡ mình đã triển khai không để lọt sơ hở nào, nhưng đến hôm nay nghĩ lại, tôi mới thấy mình đúng là chứng nào tật nấy, lại vẫn giữ thói tự tin võ đoán.
Sau khi dừng lại, tôi dán mắt nhìn ra phía đầu đường, hai tay nắm chặt, người hơi khuỵu xuống, sẵn sàng tư thế tấn công. Thế nhưng đợi hơn chục giây, tôi nhận ra chẳng nghe thấy tiếng bước chân nào cả.
Trong lòng bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, rồi chợt ngộ ra, bóng đen cố ý bám theo tôi nên đồng thời cũng sẽ lắng nghe động tĩnh của tôi, sau khi rẽ sang đường nhánh tôi chợt đứng im, tiếng động cũng mất theo, chắc chắn điều đó khiến cho đối phương nghi ngờ, và chắc chắn hắn cũng dừng lại, thậm chí đã chạy mất từ lâu.
Tôi thầm nguyền rủa mình đúng là đồ óc lợn, sao có thể phạm phải sai lầm nghiêm trọng như vậy chứ, tôi quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội trước mắt, hai chân liền bật dậy, chạy như bay băng chéo qua chỗ rẽ đầu đường. Như vậy vừa có thể quan sát đối phương lại vừa có thể chủ động giữ một khoảng cách nhất định, tránh bị hắn ta mai phục tấn công. Thế nhưng nhìn quanh một lượt, tôi ngẩn người ra, trên vỉa hè chỉ có ánh đèn đường hắt xuống ảm đạm, những bông tuyết đua nhau rơi xuống và hai hàng dấu chân mà chẳng thấy bóng người đâu.
Mẹ kiếp, tên khốn đó biến mât rồi chắc? Tôi vừa kinh ngạc vừa tức giận, chạy nhanh đến, quỳ xuống quan sát tỉ mỉ dấu chân trên mặt đất.
Dấu chân đầu tiên ở góc đường, mũi chân hướng về phía trước, khoảng cỡ 37, nhìn hoa văn đế giầy để lại thì chính là giầy của tôi, không có dấu vết gì khác. Dấu chân thứ hai cũng vậy, không có vấn đề gì, dấu chân thứ ba... dấu chân thứ tư... Tôi lần ngược theo dấu chân, cứ thế từ từ giật lùi về sau, mãi đến dấu chân thứ mười bảy, quả nhiên phát hiện ra điều bất thường.
Viền xung quanh dấu chân này nứt rộng ra rõ ràng là bị dấu chân khác đè lên, hoa văn bị vỡ lung tung chứng tỏ có kẻ đã giẫm lên. Xem tiếp dấu chân thứ mười tám, cũng lại như vậy.
Tôi từ từ đứng thẳng người lên, dậm dậm đôi chân đang tê cứng, đưa tay lên bóp trán, trong lòng hoang mang tột độ, chẳng lẽ kẻ đó bám theo đến đây rồi đột nhiên biến mất?
Bỗng nhiên, như nghĩ ra điều gì đó, tôi vội quỳ xuống nền tuyết, cúi thấp người tiếp tục quan sát. Mép bên phải trong dấu chân thứ mười tám nghiêng một góc khá lớn, tôi thò tay chạm nhẹ, hạt tuyết rất xốp. Vị trí lòng bàn chân hơi sâu, vị trí gót chân lại rất nông, xem ra người này nhất định đã quay người sang phải, cho nên mới để lại dấu chân như thế.
Tim tôi bỗng thót lại, chợt cảm thấy có gì đó bất ổn. Nhưng chưa kịp nghĩ ra thì đuôi mắt tôi đã liếc thấy giữa lùm cây trong vườn hoa có một bóng người đen sì đang đứng thẳng, ánh đèn đường chiếu hắt qua, giữa cơ thể hắn, một tia sáng dài và nhỏ đang di chuyển nhanh...
Dao!
Thoáng chốc, bóng đen vụt xông ra, nhành cây bị va quệt mạnh kêu rắc rắc, lớp tuyết dày phủ trên cành cây rào rào rơi xuống. Hắn xông đến trước mặt tôi, cánh tay giơ lên vụt giáng xuống, con dao vạch một vệt hình vòng cung sáng lóa, nhằm thẳng vào mặt tôi.
Cự ly quá gần, lại không kịp đề phòng, tôi quỳ sụp xuống đất, tuyết dày đường trơn, không trợ sức được. Loáng thấy nhát dao sắp đâm trúng mặt, tôi sợ hãi toàn thân vã mồ hôi lạnh.
Thế nhưng đúng lúc nguy cấp như thế, sức mạnh bản thân chợt được khơi dậy, hai tay chống xuống đất, cuộn mình lăn sang làn đường dành cho xe đạp. “Bịch!” gáy tôi đập mạnh vào vỉa hè lát đá đau điếng, mắt nảy đom đóm.
Chưa để tôi kịp đứng dậy, bóng đen lại xông đến, giơ chân phải lên định đạp mạnh vào mặt tôi. Tôi nghiêng người né được cú trời giáng vào mặt nhưng vai lại bị hứng một cú khá đau, tôi lăn tiếp mấy mét ra giữa lòng đường. Trong tình thế cấp bách, tôi tiện tay nắm lấy hai nắm tuyết, vo chặt rồi ném mạnh về phía hắn.
Hắn giơ cánh tay để đỡ, những hạt tuyết vỡ ra bay tung tóe, phút chốc làm thành một lá chắn nhỏ. Thấy bóng đen bị chặn lại, tôi liền bò chồm lên, đứng chính diện với hắn.
Dưới ánh sáng mù mờ của ngọn đèn đường, lúc này tôi mới nhìn rõ: Đầu cua, mũi quặp, mặt dài, đúng là gã lùn đã giao đấu với tôi bên bờ sông Linh Hà tối hôm đó.
Mặc dù bất ngờ về thân phận của bóng đen, nhưng điều khiến tôi khó hiểu hơn cả là lần trước thấy hắn khá đù đờ tại sao hôm nay lại trở nên linh hoạt như vậy, lại còn nắm vững được thuật theo dõi cực kỳ cao siêu nữa.
Thấy hắn tiếp tục vung dao lao tới, tôi biết tay không chắc chắn không đánh nổi, liền quay người co chân bỏ chạy. Gã lùn bám đuổi riết theo sau, con dao lăm lăm trong tay.
Đêm khuya tuyết lớn, đường phố vắng vẻ, chúng tôi một trước một sau rượt đuổi nhau. Những bông tuyết rơi xuống mặt lập tức bị mồ hôi làm tan chảy, tiếng thở hổn hển của hai bên nghe thấy rõ, lớp tuyết dưới chân bị đạp vỡ lạo xạo.
Mấy lần tôi suýt bị hắn đuổi kịp, lưỡi dao sắc lạnh lướt qua tai, chém phải tóc rơi lả tả, nếu không né nhanh, có lẽ tôi đã bị đâm chết từ lâu.
Tôi lấy hết sức bình sinh, chạy thục mạng dọc theo con phố, miệng thở hồng hộc, hít từng hớp không khí lạnh toát vào phổi, người nóng hầm hập, vô cùng khó chịu.
Chạy một hồi lâu, vẫn chẳng thấy một bóng người, tôi sốt ruột chửi rủa, trật tự trị an Thẩm Dương là cái kiểu quái gì đây, rượt đuổi chém người giữa đường một lúc lâu mà chẳng có cảnh sát nào xuất hiện? Nhưng đột nhiên tôi lại nghĩ, lần trước tôi đuổi theo hắn, bây giờ hắn đuổi theo tôi, trong khi tôi lại là cảnh sát, điều này chẳng phải quá ư nực cười sao?
Trên đường thỉnh thoảng có mấy chiếc xe lao qua, nhưng nhìn thấy cảnh tượng này, không những không dừng lại giúp đỡ mà tất cả còn tăng tốc vọt đi, khiến tôi tức điên lên cứ thế chửi thầm trong bụng: Mẹ nó chứ, cầu cho chúng mày bị lật xe hết đi!
Chạy được gần một ki-lô-mét, tôi hoàn toàn kiệt sức sau quãng đường dài, thực sự mệt không chịu nổi, tim đập loạn xạ, ngực đau như muốn nổ tung, tức hết mạn sườn.
Bỗng nhiên, tôi nhìn thấy phía trước có mấy cái nhà ống tối tăm tồi tàn, nằm san sát nhau. Trong tình thế cấp bách, tôi lao luôn vào đó, luồn lách một hồi rồi chui vào gầm cầu thang tối om.
Chạy vào không gian kín đáo vốn là điều tối kỵ khi đang muốn thoát khỏi sự truy đuổi, nhưng tôi vẫn chui vào vì trong đầu nảy ra một kế hoạch khác. Chẳng là tôi đã nhận định, những căn nhà cũ kiểu này lâu rồi không được sửa chữa, đèn hành lang chắc chắn đã bị hỏng hết, vì thế trước khi xông vào tôi đã ước đoán trong đầu tình hình xung quanh và đoạn đường phía trước, rồi nhắm mắt xông vào trong gầm cầu thang, một lúc sau mới mở mắt ra, vì thế nên không cảm thấy quá tối.
Khi cảm nhận thấy chân giẫm lên chiếu nghỉ cầu thang tầng một, tôi mới giơ tay ra bám lấy lan can đề phòng bị trượt chân, rồi chạy thẳng lên tầng hai. Cùng lúc đó, tôi nghe thấy sau lưng mình gã lùn cũng đã đuổi đến, nhưng tiếng bước chân đã chậm và nhẹ hơn rõ rệt.
Tôi mừng thầm trong bụng, trong căn nhà tối om như thế này, gã lùn đó nhất thời sẽ không nhìn rõ mọi vật, liền quay phắt người lại, vịn vào lan can lao xuống, định tấn công bất ngờ nhân lúc hắn không kịp đề phòng.
Không ngờ vừa lao gần đến nơi, thì bỗng nghe một tiếng “tạch”, gầm cầu thang lóe lên rồi một ngọn lửa xanh lét tỏa sáng từ chiếc bật lửa.
Do không gian nhỏ hẹp, ánh lửa lập tức chiếu sáng gầm cầu thang tối om, soi rõ bộ dạng của cả hai người.
Thấy tôi lao xuống, gã lùn sững người, nhưng ngay lập tức hắn nhếch mép cười khả ố rồi vung con dao trong tay lên.
Tôi nhủ thầm trong bụng đúng là đen tới số, vội quay người lại, nhưng đã không kịp nữa. Chỉ nghe thấy “xoạch!” một tiếng, bả vai phải rung lên, một vật cứng sắc nhọn đâm mạnh, tiếp đó là cảm giác đau thấu tim. Tôi đã bị trúng một nhát dao.
Tôi kêu lên một tiếng, tay trái bám chặt lấy lan can, nhảy lên phía trên. Chỗ xương cốt bị lưỡi dao chạm phải, không ngừng kêu răng rắc.
Vừa lên được vài bậc thang, cổ áo bỗng bị thít chặt từ phía sau, tôi đã bị hắn tóm gọn. Tôi gắng sức giật mạnh khỏi tay hắn, rồi theo đà nằm sấp xuống, xoay người mặt đối mặt với gã lùn.
Hắn phản ứng cũng rất nhanh, nhảy lên phía trước một bước, chân phải giẫm lên tay trái tôi, ép nửa người trên xuống, giơ con dao nhọn trong tay lên, nhằm tôi đâm tới.
Lúc này, tôi một tay bị thương, một tay bị giẫm, hoàn toàn mất đi khả năng phòng vệ. Thấy con dao chuẩn bị đâm vào mặt, tôi nghiêng đầu né rồi dùng hết sức bình sinh, co đầu gối lên thúc mạnh vào háng của hắn.
Đầu gối cứng như đá của tôi huých một cú như trời giáng vào đúng giữa háng hắn, mạnh đến nỗi tôi cũng cảm thấy đau điếng người.
Gã lùn kêu lên một tiếng thảm thiết, người nhảy dựng lên, “coong... coong...” con dao nhọn và chiếc bật lửa rơi xuống đất, hắn ôm đũng quần ngã lăn ra đất. Lực giẫm dưới chân hắn bỗng mạnh hơn, vừa day vừa nghiến, gần như giẫm nát bàn tay tôi.
Tôi cố nén đau, chống hai cùi chỏ lên bậc thang, lùi lên phía trên để tránh bị hắn tấn công tiếp.
Gã lùn cố bò dậy, miệng không ngừng rên rỉ, đứng dựa vào tường. Ánh lửa chiếu vào mặt hắn trông vô cùng dữ tợn và đáng sợ. Hắn há miệng mấy lần nhưng không phát ra tiếng gì, mấy lần định vồ lấy tôi nhưng lại không dám.
Cầm cự một hồi lâu, gã lùn đột nhiên hai tay ôm chặt đũng quần, loạng choạng chạy ra khỏi khu nhà.
Mắt tôi nhìn theo trân trân, để mặc hắn bỏ đi, không dám đuổi theo, sau đó co người lại nằm xuống đất, há miệng thở dốc, trong bụng vẫn còn run sợ. Nếu lúc này hắn đâm cho một nhát, thì ngày mai tôi chỉ còn là cái xác chết cóng thôi.
Tiếng rên rỉ xa dần rồi mất hẳn, chiếc bật lửa dưới đất vẫn đang bật cháy, hình như là loại zippo vỏ inox. Gió lạnh lùa sát nền đất, ngọn lửa chập chờn, phát ra tiếng kêu phụt phụt, hình ảnh xung quanh cũng chập chờn theo ánh lửa.
Tôi dựng tai lắng nghe, khi chắc chắn hắn đã đi xa mới từ từ bò dậy, ngồi thần người trên bậc thang. Mông cứng ngắc lạnh toát còn vai và bàn tay thì đau rát như thiêu đốt, tôi không dám động đậy, chỉ tựa nhẹ vào lan can cầu thang.
Lúc này, từ trong cánh cửa sắt của hộ gia đình bên cạnh chợt vọng ra tiếng chửi rủa của một người đàn ông trung niên:
- Ngoài kia kêu gào cái đ. gì thế, nửa đêm nửa hôm, còn làm ầm nữa tao báo cảnh sát đấy.
Tôi nhổ phì một cái, trong bụng thầm đắc ý: Ai bảo theo dõi tao. Mẹ kiếp! Hôm nay cho tiệt giống nhà mày...
Không đúng! Tôi chợt sững người lại, một ý nghĩ đáng sợ vụt lên trong đầu, đại não chợt tê dại, một cảm giác lạnh toát chạy dọc sống lưng đến tận gót chân. Không đúng, không đúng, hắn không phải... không phải là đàn ông!
Vừa nãy khi đầu gối thúc vào háng hắn, tôi có cảm giác hoàn toàn chỉ là xương va vào nhau, chỗ háng của hắn không hề có cái ấy, vậy chắc chắn không phải đàn ông rồi. Thế nhưng khuôn mặt hắn, dáng vẻ hắn, lại còn giọng nói nữa, chẳng giống phụ nữ chút nào.
Tôi xoa đầu gối, cố hồi tưởng lại cảm giác lúc nãy, có lẽ hắn không phải đàn ông thật, mà là nữ giả nam, thế nhưng sao lại giống như vậy được.
Nghĩ lại trước đó trên đầu mẩu thuốc lá không tìm được dấu vân tay, tôi vịn vào lan can đứng dậy, rút khăn mùi soa bọc con dao và chiếc bật lửa trên mặt đất lại, nhét vào túi áo, sau đó từ từ bước ra khỏi khu nhà.
Vết thương sau vai nhức lên từng cơn, máu chảy ồ ạt không cầm được, chảy dọc theo sống lưng vào cả trong quần; nhưng theo kinh nghiệm, tôi đoán chắc chỉ là vết thương ngoài da, không nguy hiểm lắm. Tôi cắn chặt môi, nghiêng đầu sang một bên, khuỷu tay choãi mạnh về phía sau giống tư thế người bẻ lưng cho đỡ mỏi, tay còn lại với đến chỗ bả vai, bịt chặt chỗ vết thương, ngăn không cho máu chảy ra.
Bên ngoài tuyết vẫn gầm gào, nhiệt độ xuống rất thấp, ít nhất cũng âm hai mươi độ. Tôi đứng bên đường hồi lâu, tuyết rơi đầy đầu, lạnh đến nỗi răng va vào nhau lập cập, người cóng như que kem, mãi mới bắt được chiếc taxi đi đến bệnh viện gần nhất.
Vừa đi được một đoạn ngắn, tôi chợt giật thót mình khi nghĩ đến một việc: Gã lùn (cũng có thể là phụ nữ) bám theo tôi suốt cả quãng đường, chắc chắn có ý đồ không tốt, nay lại bị hớ như vậy, lẽ nào sẽ quay ra hạ thủ ông Từ không? Nghĩ vậy, tôi vội bảo lái xe quay lại đường cũ.
Trên đường đi, tôi rút điện thoại gọi vào máy điện thoại bàn nhà ông Từ. Cảm ơn trời phật, bồ tát phù hộ, ông cụ vẫn bình yên vô sự, vừa đánh răng rửa mặt lên giường đi ngủ, nhưng ông có vẻ ngạc nhiên khi nhận cú điện thoại lúc nửa đêm của tôi.
Vì đang trên taxi tôi không tiện giải thích, chỉ nói là nhớ ra vài việc quan trọng, muốn gặp và trao đổi trực tiếp với ông, bảo ông nhất định phải chờ, ngoài tôi ra thì ai gọi cửa cũng không được mở.
Ông Từ không hỏi thêm gì, vui vẻ nhận lời. Lúc cúp điện thoại, tôi nghe láng máng bên cạnh có tiếng người nói gì đó, sau đó điện thoại cắt hẳn.
Mặc dù giọng nói đó không rõ ràng, cũng không phân biệt được là nam hay nữ, nhưng tôi cứ có cảm giác cực kỳ quen tai. Lúc đó, tôi cứ mặc định trong đầu đấy có thể là giọng của vợ ông, nên cũng không nghĩ ngợi gì thêm.
Trong lòng tôi vẫn luôn có một tảng đá đè nặng trĩu, giờ tôi đang bị thương nếu lại gặp phải kẻ nào đó tấn công, chắc sẽ không chống chọi nổi. Nghĩ một lúc, tôi rút điện thoại ra gọi cho Tiểu Đường, báo cho cô bé địa chỉ nhà ông Từ, nói rằng mình đang gặp một số chuyện rắc rối, bảo cô mau đến.
Lúc đó trong đầu tôi tính toán rằng, bên cạnh Tiểu Đường luôn có lính đặc công của Bộ Công an bảo vệ, lúc cần thiết, cũng coi là có người trợ giúp mình, mà nếu họ không giúp thì cũng coi như cổ vũ mình.
Trong xe không bật điều hòa, lạnh cóng, chẳng biết là do hỏng hay là muốn tiết kiệm xăng. Máu đã cầm lại, vai tôi chuyển sang cảm giác tê tê ngứa ngứa, cứ như có một đàn kiến bò lung tung trên đó, hết sức khó chịu, nhưng lại không dám gãi.
Tôi xoay người, ngồi nghiêng trên ghế, cố gắng ngồi bất động, trong đầu cứ suy nghĩ miên man. Gã lùn sao lại có thể là phụ nữ chứ, lần trước ở Cẩm Châu chỉ là muốn hại tôi, sao lần này lại muốn ra tay sát hại? Chẳng lẽ lần này việc tôi gặp gỡ ông Từ đã khiến chúng lo lắng nên cố tình diệt cỏ tận gốc?
Nghĩ đi nghĩ lại, đầu tôi lại càng rối tung lên.
Bên ngoài trời lạnh cóng, cửa sổ xe phủ một lớp băng dày, không nhìn rõ đang đi đến đâu. Tôi đưa tay quệt vài đường trên cửa kính xe, ghé trán vào nhìn ra ngoài.
Cái lạnh trên cửa kính ngấm vào da thịt, rồi nhanh chóng lan tỏa khắp người khiến cho cái đầu đang nóng bừng vì một mớ bòng bong của tôi bỗng trở nên tỉnh táo hơn.
Nhìn thành phố tĩnh lặng trôi chầm chậm trong đêm, đầu óc váng vất, đã có lúc tôi nghĩ đến việc đầu hàng, cảm giác như thế giới này có lẽ chưa từng thuộc về mình, tất cả đều lạ lẫm, không giống những gì mình đã nghĩ. Sự việc rồi sẽ đi về đâu? Số phận tương lai của tôi rồi sẽ như thế nào?
Ngẩn ngơ hồi lâu, tôi đột nhiên vỗ mạnh vào đùi, vì chợt nhớ ra một chuyện quan trọng. Hồi trước thầy liệm trang Mã Trấn Quốc mất tích bí ẩn, khóa cửa không hề bị cậy phá, chứng tỏ hung thủ nhất định là người quen gọi cửa, còn bây giờ ông Từ Vạn Lý...
Tôi thầm kêu giời, xem ra mình lại sơ ý rồi, ngong ngóng gọi điện lại cho ông Từ, mặc dù chỉ cách có mười phút mà không sao liên lạc được. Lòng tôi như lửa đốt, luôn miệng giục tài xế lái nhan hơn nữa.
Anh tài xế bị tôi giục nhiều, bực mình quay lại lườm một cái, giọng bực bội:
- Chị ơi, đừng đùa nữa, bằng lái của tôi đã bị phạt chín điểm rồi, chị còn muốn tôi kiếm cơm hay không hả?
Trên đường lớp tuyết rơi rất dày, xe rất khó đi, liên tục trượt và chết máy, không thể tăng tốc hơn được, hơn nửa tiếng sau mới đến nơi.
Vừa nhìn thấy khu chung cư nhà ông Từ ở phía trước, tôi rút vội ra năm mươi tệ, đặt lên bệ lái, rồi không đợi lấy lại tiền thừa, cứ thế đẩy cửa nhảy vội xuống xe.
Tôi lảo đảo chạy đến cổng khu chung cư, vừa đúng lúc cánh cổng tự động bật mở, bên trong hắt ra hai chùm ánh sáng trắng, có lẽ có xe đang đi ra.
Tôi tránh người sang một bên, chạy một mạch đến chân tòa nhà, ngửa mặt nhìn lên cửa sổ nhà ông Từ, thấy rèm cửa kéo kín, phòng ốc tối om, liền giơ tay ấn chuông.
Tiếng chuông cửa chết tiệt cứ réo liên hồi nhưng mãi chẳng thấy ai trả lời, tôi sốt ruột cuống cả lên, liên tục trách mình phản ứng chậm chạp, ông Từ chắc chắn xảy ra chuyện rồi.
Đang ân hận giày vò, đột nhiên có một bàn tay vỗ lên vai tôi. Cái vỗ đó trúng ngay vết thương khiến tôi đau điếng người, suýt nữa kêu thành tiếng. Tôi sợ hú hồn, tưởng có kẻ đánh lén, liền nhảy vội sang một bên, quay đầu lại nhìn.
Hóa ra tôi đã lo hão, người đó là Tiểu Đường, cô bé mặc chiếc áo lông vũ màu trắng trông đáng yêu như một chú gấu con, chớp chớp mắt, nhìn tôi đầy nghi ngờ. Sau lưng còn có ba người đàn ông cao to, mặc áo da màu đen, cắt đầu cua, vẻ mặt lạnh lùng, ánh mắt tinh nhanh, chắc chắn là lính đặc công của Bộ Công an. Bọn họ xuất đầu lộ diện như thế này, chắc là do Tiểu Đường yêu cầu.
Tôi cũng không có thời gian khách sáo nữa, vội thuật sơ qua chuyện vừa xảy ra cho bọn họ nghe, và cả những suy đoán của tôi nữa.
Tiểu Đường tuy là người bề ngoài lạnh lùng nhưng thật ra lại hết sức nhiệt tình, nghe tôi kể xong liền rút điện thoại ra, nói:
- Chị Tiêu Vi, chị còn nghĩ ngợi gì nữa, mau báo cảnh sát đi!
Không đợi tôi đáp lời, người đàn ông khoảng 48, 49 tuổi, để râu ngắn, trông có vẻ như là đội trưởng liền lắc đầu, nói khẽ:
- Không cần phiền phức như vậy đâu, để tôi xem khóa cửa xem sao.
Người đàn ông đó đi đến trước cánh cửa, khuỵu gối xuống, vuốt vuốt ổ khóa, tay phải rút từ trong ngực áo ra một cây kim màu trắng khá dài và mảnh trông hơi giống chiếc kẹp tóc, đoạn đầu có chia nhánh, nhẹ nhàng cắm vào ổ khóa, xoay xoay mấy cái, cánh cửa sắt liền khẽ phát ra một tiếng “cạch”.
Tiểu Đường chen lên trước mấy bước, tò mò hỏi:
- Ôi, Lão Mục, hóa ra chú cũng biết mở khóa à? Nhưng có vẻ như không mở nhanh bằng chị Lan Lan.
Lão Mục rút cây kim loại ra, quay đầu nhìn Tiểu Đường mỉm cười, vuốt vuốt râu, không nói gì.
Mặc dù chưa nhìn thấy Lan Lan ra tay mở khóa bao giờ, nhưng tôi thấy cách thức mở khóa của Lão Mục vô cùng điêu luyện, xem ra người lính đặc công này thực sự là một tay có hạng. Thế nhưng mở khóa và theo dõi đều là những kĩ năng bắt buộc trong nghề này, nên tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên.
Sau khi mở được cánh cửa sắt, chúng tôi vừa định xông lên gác thì Lão Mục vội ngăn chúng tôi lại, thăm dò xung quanh một lượt rồi quay sang nói với một thanh niên đi cùng:
- Cậu canh chừng ở lối đi dưới, nếu sau khi chúng tôi lên gác, có người mở cửa vào thì nhớ đừng làm họ giật mình, chỉ cần đi theo lên là được.
Người thanh niên đó không chút chần chừ, tuân lệnh đi xuống. Thấy Lão Mục sắp xếp như vậy, tôi khẽ gật đầu, nghĩ bụng người này cũng thật cẩn thận chu đáo.
Chúng tôi bước nhanh theo Lão Mục lên gác. Cửa nhà ông Từ đóng kín, ổ khóa còn nguyên vẹn, bề mặt không thấy dấu vết cậy phá, gõ cửa hồi lâu không thấy người ra mở. Lão Mục lại chọc cây kim loại vào, lắc lắc mấy cái, ổ khóa liền mở ra.
Theo thói quen, tôi nhấc chân phải lên, định đạp cửa xông vào. Lão Mục chặn ngay lại, lắc đầu khẽ nói:
- Đừng vội, những căn nhà kiểu cũ này đều là loại cửa kéo đấy.
Nói đoạn, anh ta lại vê vê đầu ngón tay, đầu cây kim loại chĩa sang hai bên, bám chặt lấy ổ khóa. Anh ta nắm lấy đuôi kim loại, kéo cánh cửa ra để hở một khe nhỏ, lách người về phía bản lề cửa.
Tôi thầm khen giỏi, đúng là trình độ của lính đặc công cao siêu thật, mở cửa cũng rất cẩn thận.
Luồng khí nóng ùa qua khe cửa, trong phòng tối om, không có một tiếng động gì.
Cánh cửa được kéo rộng hơn, Lão Mục đứng dậy, khom lưng thò đầu vào trong quan sát cẩn thận, kiểm tra xem có người mai phục không. Sau mấy giây, anh ta đột nhiên thò tay vào trong, mò công tắc điện bật đèn lên rồi bước vào trước.
Tôi chau mày, anh ta hành sự thật quá chủ quan, đang định nhắc là phải giữ lại dấu vân tay, thì bỗng kịp hiểu ra: Nếu là người quen gọi cửa thì trên công tắc đèn sẽ chỉ lưu lại dấu vân tay của người trong nhà, hơn nữa tên hung thủ thân phận không rõ ràng, cho dù có tìm thấy dấu chân thì phỏng có ích gì.
Nghĩ vậy, tôi bắt đầu thấy thán phục Lão Mục, trong thời gian ngắn mà suy nghĩ chu đáo, hành sự quyết đoán như vậy, quả thực không đơn giản.
Phòng khách cũng không có gì khác thường, mặt sàn rất sạch sẽ, không có bất kỳ dấu chân dính bùn dính tuyết nào cả.
Tôi dẫn bọn họ vào trong phòng ngủ. Sau khi đèn bật sáng, chúng tôi thấy trên giường có hai bộ chăn gối, rõ ràng hai vợ chồng ông Từ đã đi ngủ; thò tay vào trong chăn, vẫn còn hơi ấm; trên tủ đầu giường còn để một lọ thuốc an thần và nửa chai nước.
Tôi và Lão Mục đưa mắt nhìn nhau, nhanh chóng chia ra tìm kiếm cẩn thận mọi ngóc ngách của căn phòng nhưng không phát hiện thấy gì. Tôi đoán chắc vợ chồng ông Từ đã bị người quen bắt cóc. Mẹ kiếp, lại đến muộn mất rồi!
Tôi ngồi phịch xuống mép giường, day mạnh huyệt thái dương, thấy dằn vặt ghê gớm, vừa nãy sao cứ chần chừ không nói rõ mọi việc cho ông. Bây giờ ông Từ cũng bốc hơi giống Mã Kiến Quốc, tất cả những người trong cuộc đều lần lượt biến mất như thể đã thương lượng từ trước, kế hoạch điều tra sau này sẽ triển khai thế nào đây?
Lão Mục vắt hai tay sau đầu, nheo mắt lại, bước từng bước vòng quanh căn phòng, nhìn quanh quất thăm dò xung quanh. Một lúc sau, anh ta từ từ đứng dậy, cúi đầu suy nghĩ rồi đột nhiên ngẩng mặt lên nói to:
- Không đúng, ông Từ không bị bắt cóc, mà là bọn họ cùng đi với nhau.
Tôi sững người, đứng bật dậy:
- Cái gì?
Lão Mục cười mỉm, nói rõ hơn:
- Từ Vạn Lý không hề bị bắt cóc, ông ta đã quyết định tự mình ra khỏi nhà.
Thấy chúng tôi đều tỏ ý nghi ngờ, Lão Mục vẫy vẫy tay, dẫn chúng tôi vào phòng khách, chỉ vào giá giầy bằng gỗ bên cạnh cửa, nói:
- Nhìn thấy gì không, giá trên cùng để hai đôi dép lê, một đôi to một đôi nhỏ, trông khá cũ, chắc là của vợ chồng ông ta. Mấy đôi khác đều để ở giá dưới cùng, màu sắc còn mới, chắc là để dành cho khách.
Lão Mục lại bước đến cửa sổ phòng khách, sờ sờ vào thân máy sưởi, rồi lại thò tay ra phía sau chiếc điều hòa hiệu Haier ở bên cạnh, nói tiếp:
- Hơi ấm không còn, nhưng trong phòng lại không lạnh. Mọi người không nghĩ rằng điều hòa đã được mở từ trước và cũng mới vừa tắt thôi sao?
Ngừng một lát, Lão Mục vuốt vuốt râu, khẳng định:
- Nếu là bắt cóc, giữa đêm hôm khuya khoắt, dù là người quen thì cũng phải có hành động đe dọa, sao có thể để cho hai ông bà kịp thay giầy, tắt đèn và điều hóa chứ?
Nhìn hai đôi dép lê, tôi nhớ loáng thoáng, hình như đó đúng là hai đôi dép mà vợ chồng ông Từ đã đi, hơn nữa trong phòng ấm hơn hẳn bên ngoài, chắc chắn là vừa tắt điều hòa xong. Con mắt của Lão Mục lợi hại thật, chỉ trong chớp mắt đã phân tích chi tiết đến thế, khả năng quan sát tinh tế nhanh nhạy và suy luận lô-gic như vậy, thực sự khiến người khác không khỏi ngỡ ngàng. So với anh ta, tôi chỉ như một con tép riu.
Trong phút ngỡ ngàng, tôi bỗng nhớ lại lúc ông Mã Kiến Quốc mất tích, đèn trong phòng vẫn chưa tắt, cây ba-toong vứt chỏng chơ dưới đất; còn ở đây tất cả mọi thứ trong phòng đều vẫn nguyên si, trên sàn nhà lại không phát hiện thấy dấu chân nào cả, cây ba-toong của ông Từ cũng chẳng thấy tăm hơi đâu, vậy hai ông bà đúng là tự ý rời nhà đi rồi.
Nghĩ vậy, trong lòng tôi lại càng nghi hoặc hơn, rõ ràng tôi đã dặn ông Từ ở nhà đợi, tại sao ông bà lại không nghe theo mà vô duyên vô cớ bỏ đi như thế, chẳng lẽ lại cố tình tránh né tôi, điều này hoàn toàn vô lý.
Tôi nhìn Lão Mục, khẽ hỏi:
- Lão Mục, anh thử nói xem liệu đây có phải là hiện trường giả do bọn bắt cóc dựng lên không?
Lão Mục suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Không giống lắm, mà cũng không cần thiết phải làm vậy. À, đúng rồi, cô thử nhìn xem trong phòng có bị mất gì không?
Tôi vỗ vỗ đầu, lập tức nghĩ đến cuốn nhật ký của ông Từ, vội bước vào thư phòng, kéo cánh cửa tủ sách, những cuốn nhật ký vẫn đặt nguyên si ở đấy.
Mặc dù không biết là có giúp ích được gì không nhưng tôi vẫn rút cuốn nhật ký ghi lại những lời nói mớ của cậu, thử lật giở vài trang, chắc chắn đúng là cuốn sổ đó, tôi liền nhét vào trong ngực áo, định bụng có thời gian sẽ nghiên cứu xem thế nào.
Một lúc sau, Lão Mục vội vàng bước từ ngoài vào, giọng điệu có chút khác lạ:
- Tôi nghĩ việc này có gì đó không bình thường!
Hóa ra, bọn họ tìm thấy chiếc áo khoác của hai ông bà treo trên mắc áo trong phòng khách, bên trong có cả tiền, chìa khóa... nếu họ vội ra ngoài, sao có thể đi tay không được. Kết hợp với những chi tiết khác như tắt điều hòa, thay dép lê, tất cả đều bất thường, cứ như thể một đi không quay về nữa.
Tôi cũng cảm thấy vô cùng băn khoăn, chẳng lẽ chuyến thăm bất ngờ của tôi đã khiến cho hai ông bà bỏ nhà ra đi sao? Tôi sốt ruột đề nghị:
- Chúng ta thử kiểm tra nhật ký cuộc gọi và băng ghi hình trong camera giám sát khu chung cư xem sao, không chừng phát hiện ra được điều gì.
Lão Mục lắc đầu, khẽ nói:
- Chuyện đó để sau đi. – Sau khi dò xét một vòng, anh ta chau mày, ngập ngừng nói tiếp. – Tôi cứ có cảm giác ông cụ muốn nói với chúng ta bí mật nào đó, nhưng sợ điều gì đấy nên không nói ra được, vì vậy mới cố tình bày ra tình huống thế này.
Tôi sững người một lúc rồi nhìn quanh quất khắp phòng, trong đầu dần nảy sinh cảm giác bất an, có vẻ như chuyện này đã gặp ở đâu đó rồi thì phải. Cái kiểu ám hiệu này quá quen thuộc, bức tranh mà cậu tôi vẽ hồi đó chẳng phải cũng như vậy sao?
Tôi kể sơ lược những tình tiết sự việc trước đó cho Lão Mục nghe, anh ta nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Khả năng này rất có thể xảy ra, chúng ta thử tìm kỹ lại lần nữa xem sao.
Thế là, chúng tôi kiểm tra cẩn thận một lượt căn phòng với hi vọng có thể phát hiện ra dấu hiệu nào đó mà ông cụ để lại.
Với kinh nghiệm của mình, tôi kiểm tra phòng khách và thư phòng. Nhớ lại chuyện trước đây cậu tôi đã dùng tranh của mình để ra ám hiệu, theo lập luận tương tự, tôi tập trung quan sát những bức tranh treo trên tường.
Bộ sưu tập của ông Từ vô cùng phong phú, trên tường treo kín mít những bức tranh lớn nhỏ khác nhau, tổng cộng có tới hơn hai mươi bức, đóng khung cẩn thận, đa số đều là phong cảnh thủy mặc.
Tôi chẳng có chút hiểu biết gì về những tác phẩm nghệ thuật này, ngắm nghía một hồi lâu vẫn chẳng nhận ra điều gì khác thường, lòng rối như tơ vò, tôi ngồi bệt xuống nền nhà, mặt mày đờ đẫn.
Lão Mục thì không ngừng lật giở những bức tranh thư pháp, nghiêng đầu kiểm tra mặt trước mặt sau, ngón tay sờ sờ vuốt vuốt liên tục lên mặt tranh.
Nghe tiếng tranh sột soạt, trong đầu tôi cứ nghĩ, chẳng lẽ hướng điều tra dùng tranh làm ám hiệu lại sai? Đột nhiên, tôi nghĩ đến một điểm bất thường: Ông Từ là họa sĩ sơn dầu nổi tiếng, tại sao trong thư phòng của ông lại chẳng thấy bức tranh sơn dầu nào mà lại đều là quốc họa[1]?
[1] Dòng tranh thủy mặc hoặc thư pháp của Trung Quốc.
Vừa nghĩ đến đó, tôi liền lao đến quan sát tỉ mỉ từng bức tranh.
Dần dần, tôi phát hiện thấy có một điểm kỳ lạ, ở góc dưới mỗi bức tranh đều có ghi chữ Từ Vạn Lý bằng chữ phồn thể, trên đóng dấu triện vuông đỏ với niên đại khác nhau, xem ra ông cụ không chỉ yêu thích tranh quốc họa mà còn sáng tác không ít.
Nghĩ lại, tôi mơ hồ cảm thấy lập luận này không đúng lắm, liền quay ra nhìn kỹ mốc thời gian ở góc dưới bức tranh, bức sớm nhất là năm 1990, bức muộn nhất là năm 2008, tức là năm kia, tất cả có mười chín bức, trải dài suốt mười chín năm,
Năm 1990, là năm đầu tiên hoàn thành bức tranh panorama Cẩm Châu, cũng có nghĩa là, kể từ sau năm đó, ông Từ bắt đầu sáng tác tranh quốc họa, cho đến tận năm 2008. Thế nhưng tại sao chỉ có mười chín bức, tại sao năm 2009 và năm 2010 lại không vẽ tiếp, chẳng lẽ niên đại đề ở đây có ẩn ý gì đó?
Tôi bóp nhẹ trán, vắt óc suy nghĩ, cố huy động các nơ-ron thần kinh nối kết các mối liên tưởng. Giả sử niên đại tranh quả đúng là có ẩn ý, vậy nếu bỏ qua những bức tranh ở các năm giữa, thì năm 1990 Trung Quốc tổ chức Á vận hội, năm 2008 tổ chức Thế vận hội, đây là hai sự kiện lớn cả thế giới biết đến, chẳng lẽ ông Từ muốn ám chỉ...
Tôi thở dài, tự thân cảm thấy ý nghĩ này quá ư hoang đường, nếu suy đoán theo hướng này thì Từ Vạn Lý chắc chắn không phải họa sĩ mà là nhà tiên tri.
Mặc dù vậy, tôi vẫn không muốn bỏ cuộc. Tiến lên trước mấy bước, tôi khoanh tay, nghiêng đầu dán mắt nhìn vào bức tường, càng nghĩ càng thấy chuyện này hết sức ly kỳ. Bỗng nhiên, một cảm giác quen thuộc chợt hiện về, cậu tôi đã từng khoét tường để giấu tấm Long Bản, bên ngoài che giấu bằng một bức tranh thư pháp, có lẽ nào ông Từ cũng làm như vậy?
Tôi vội bê chiếc ghế gỗ bên cạnh lại, đứng lên mặt ghế, lật từng bức tranh ra xem xét.
Màu sắc chỗ tường được tranh che phủ trông khá phạt, chứng tỏ các bức tranh này đã được treo ở đây từ lâu. Tôi gõ nhẹ tay, dỏng tai lắng nghe âm thanh phát ra.
Tôi cứ gõ mãi, cho đến khi ngón tay tê dại đi mà vẫn không nghe thấy tiếng gì đặc biệt, có vẻ như bức tường này không có chỗ nào rỗng cả. Vậy là vẫn phải bắt tay tìm kiếm đầu mối từ chính những bức tranh rồi.
Tôi gỡ từng bức tranh xuống, chuyển cho Lão Mục, dặn anh ta phải xếp cẩn thận theo thứ tự thời gian. Lão Mục lập tức hiểu ra ý đồ của tôi, liền đưa tay đỡ những bức tranh, xếp theo thứ tự niên đại trên mặt sàn.
Khi tất cả các bức tranh được gỡ xuống và đặt ngay ngắn trên sàn nhà, trong phòng đã chẳng còn lối đi nào. Chúng tôi quỳ xuống, di chuyển nhẹ nhàng, ngắm vuốt từng bức tranh rồi lại sờ nắn cạnh khung tranh với hi vọng tìm ra bí mật ẩn chứa trong đó.
Mặc dù giấy vẽ tranh rất mỏng mềm, lâu ngày còn bị ố vàng, nhưng vẫn được bảo quản khá nguyên vẹn, hầu như không thấy có vấn đề gì. Quay ra ngắm nội dung bức tranh, tất cả đều là tranh phong cảnh, có núi có sông, có cây có đá, có đình có gác, có...
Có tháp!
Tôi chợt giật mình, lấy tay ra dụi mắt, sau đó lại vội quét mắt nhanh qua dãy tranh. Đúng là có tháp!
Trong tất cả các bức vẽ đều thấy tòa tháp xuất hiện ở những vị trí khác nhau, hoặc là chủ thể hoặc là bối cảnh. Trong đó có một bức với tựa đề Linh Ba giang tháp đồ, vẽ một con sông lớn chảy xuyên qua dãy núi, tòa tháp ẩn mình giữa núi sông, bên trên có mây vờn quanh, bên dưới có nước sông hắt bóng, rất khó để nhận ra, chỉ thấy một hình ảnh lộn ngược méo mó hiện trên mặt sông.
Tôi hít sâu một hơi, đột ngột chuyển hướng suy nghĩ đến người chiến sĩ trong bức tranh của cậu, trong đầu dần hiểu ra vấn đề, có khi đây là ám hiệu mà ông Từ để lại, ý muốn nói bí mật đang ở trong tòa tháp? Nhất là khi tham gia vào tổ sáng tác tranh panorama, cậu tôi lại phụ trách vẽ đúng khu vực Cổ Tháp, kết hợp những chi tiết đó lại, thì chắc có lẽ ám hiệu của ông Từ chính là ở đây. Nhưng có một điều tôi nghĩ mãi không ra, đó là tại sao hồi chiều khi tôi đến thăm, ông cụ lại không trực tiếp nói luôn? Còn bây giờ lại ra đi vội vã, chuyện này thật là kỳ bí.
Tôi liền quay ra nói những suy đoán của mình cho Lão Mục nghe, anh ta thấy rất hứng thú, sau khi quan sát tỉ mỉ, khẽ gật đầu nói suy đoán này rất có lý, rồi cùng tôi quan sát từng tòa tháp trong các bức tranh.
Tranh thủy mặc của Trung Quốc thường đòi hỏi ý cảnh hài hòa, chỉ với vài nét vẽ là có thể lấy giả tả thực, mười chín tòa tháp to có nhỏ có, vẽ rất có hồn, nhưng lại chẳng khác nhau mà đều chung một vẻ.
Tôi lấy làm lạ, quay ra di ngón tay đếm số tầng tháp, không nhiều không ít, vừa đúng mười chín tầng.
Mười chín bức tranh, mười chín tòa tháp, mười chín tầng tháp, tất cả đều là con số mười chín!
Xem đến đây, tôi và Lão Mục quay sang nhìn nhau, mãi lâu chẳng ai nói lời nào. Điều này không thể nào nói là trùng hợp được, chắc chắn là ám hiệu cố tình để lại. Thế nhưng tại sao lại đều là mười chín thì không tài nào đoán ra được. Xem ra cấu đố ông Từ đưa ra quả là khó giải.
Lúc này, Tiểu Đường và chàng đặc công trẻ tuổi kia cũng từ ngoài bước vào, nghe chúng tôi kể lại điểm đặc biệt trong các bức tranh, bọn họ đều tỏ ra hiếu kỳ, vội ngồi xuống cùng quan sát.
Tiểu Đường đưa tay chạm vào một tòa tháp cao, khi ngón tay vừa chạm mặt giấy, cô bé liền kêu to:
- Ôi, đây là khắc hình mà!
Cùng lúc, Lão Mục cũng thốt lên sau lưng tôi:
- Không đúng, là hai mươi tầng!
Tiếng kêu kinh ngạc của hai người họ khiến tôi sững người, mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Tôi là người đầu tiên bừng tỉnh, khắc hình mà Tiểu Đường nói chắc chắn có ý chỉ tòa tháp cao kia không phải được vẽ bằng bút, mà là tác phẩm khắc hình trong nghệ thuật xăm hình. Thế nhưng hai mươi tầng tháp mà Lão Mục nhắc tới là sao, điều này tôi chẳng thể hiểu nổi.
Lão Mục vuốt vuốt râu, ngoắc tay ra hiệu cho Tiểu Đường nói trước. Tiểu Đường chạm vào một lượt mười tám bức tranh còn lại, nét mặt càng lúc càng trở nên khó hiểu. Cô bé đứng dậy nói với chúng tôi, những tòa tháp cao này đều được một nghệ nhân nào đó dùng kim khắc lên giấy vẽ, là nghệ thuật khắc hình cực kỳ cao siêu. Thấy Lão Mục và mọi người vẫn chưa hiểu, cô bé lại giảng giải sơ qua những kiến thức về xăm hình.
Trong bức tranh thủy mặc lại ẩn chứa nghệ thuật khắc hình, điều này hoàn toàn tương đồng với khay sứ Thanh Hoa và tấm Long Bản. Nhưng mọi chuyện đến quá bất ngờ, nhất thời không thể đưa ra nhận định chính xác, tôi quay lại hỏi Lão Mục, tại sao lại thừa ra một tầng tháp?
Lão Mục cười cười, chỉ vào bóng tháp hắt trên mặt nước, nói:
- Mọi người nghĩ xem, nếu đây là bóng tháp, thì chắc chắn nó phải giống y hệt tháp thật. Điều này có nghĩ là trong bức tranh này, còn ẩn chứa một tòa tháp thật khác.
Tôi vội cúi xuống nhìn lại, quả đúng như vậy, hai tòa tháp sáng tối ngược nhau, giống như đối xứng nhau qua gương, bất giác khẽ gật đầu. Nghiền ngẫm lời của Lão Mục, có vẻ như câu nói của anh ta khá xác đáng, xem ra chỗ này chắc chắn có ẩn chứa một bí mật nào đó.
Suy nghĩ một lúc, đầu tôi bắt đầu căng ra, hình ảnh già nua của ông Từ dần dần hiện ra trước mắt, mờ ảo xa xôi.
Tạm gác lại những nghi ngờ về vụ mất tích của ông Từ, chúng tôi quay ra hỏi Tiểu Đường làm thế nào nhận biết được hình khắc. Những tòa tháp đó hòa chung với cảnh vật xung quanh, nhìn qua không có gì khác biệt, rất giống với hình ảnh được vẽ bằng mực tàu.
Tiểu Đường lắc đầu, với tay chọn lấy một bức tranh, đầu ngón tay di di trên thân tòa tháp trong tranh, nức nở khen ngợi. Cô bé cho chúng tôi biết, theo quan sát của cô, những tòa tháp trong tranh đều sử dụng thuật châm kim mềm trong nghệ thuật khắc hình, tức là chạm khắc hình ảnh hoa văn trên những đồ vật có chất liệu mềm như giấy, vải... khác hẳn với thuật châm kim cứng, đây là một kỹ thuật vô cùng cao siêu, sau khi khắc xong, nhìn không khác gì đồ thật. Nói đoạn, cô đứng dậy định tìm nghiên mực để biểu diễn cho chúng tôi xem.
Tìm khắp cả căn phòng, ngoài những dụng cụ vẽ tranh sơn dầu ra, thì chẳng thấy bút mực giấy nghiên đâu, thậm chí cũng chẳng có đến một tờ giấy vẽ nào cả.
Chúng tôi quay lại thư phòng, người đứng người ngồi, mặt mày ủ rũ, chẳng ai nói gì, tất cả đều nhìn chăm chăm vào những bức tranh vứt lung tung trên mặt sàn, vẻ mặt vô cùng thất vọng và buồn chán.
Lão Mục cúi người cầm lên một bức tranh, ngắm nhìn hồi lâu, khẽ gật đầu rồi lẩm bẩm như nói một mình:
- Nghề nào cũng có trạng nguyên, ông Từ cả đời mê tranh sơn dầu, tôi nghĩ ông ấy chắc không thể đạt tới trinh độ cao siêu trong lĩnh vực tranh quốc họa như thế này...
Tôi giật mình, ý của Lão Mục rõ ràng muốn nói mười chín bức tranh quốc họa vẽ hình tháp này chưa chắc do ông Từ vẽ, mà được vẽ dưới bàn tay của người khác. Thế nhưng tại sao tên và dấu triện ở góc tranh đều là của ông ấy? Lại còn những tòa tháp được khắc hình nữa, chẳng lẽ ông Từ vốn dĩ là thợ xăm thân khắc hình nên đã hòa trộn hai loại hình nghệ thuật ấy với nhau?
Lúc đi do vội vàng nên Tiểu Đường không đem theo túi xách, cô bé liền tìm một chiếc kim khâu trong hộp đựng đồ lặt vặt trong nhà bếp. Mặc dù khó có thể so được với cây kim xăm chuyên nghiệp, nhưng dù sao có còn hơn không. Thế nhưng trong tay không có mực, chất liệu mực của tranh sơn dầu lại dính quá, nên cô bé không thể biểu diễn cho chúng tôi xem cái gọi là thuật châm kim mềm được.
Tôi tìm kiếm khắp nơi, đang thấy nan giải thì chợt nhớ đến vết thương sau vai, tôi liền cởi áo jacket bên ngoài ra. Lúc này vết thương đã ngừng chảy máu, máu đông lại thành cục trên bả vai.
Lúc này bọn họ mới biết tôi bị thương nặng, ngạc nhiên hỏi sao lại để xảy ra cơ sự này. Tôi giải thích qua loa vài câu vết thương ngoài da không mấy nghiêm trọng, rồi bảo Tiểu Đường gắp cục máu đông, bỏ vào cốc nước sôi cho tan ra để làm mực.
Tiểu Đường khuấy đều cốc nước máu, gật đầu nói có thể dùng tạm được. Cô bé cầm lấy cây kim, chấm một ít “mực”; ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa tay phải giữ nhẹ đuôi kim giống như động tác cầm bút lông, ấn nhẹ vào hình tòa tháp hắt bóng dưới nước.
Động tác của Tiểu Đường cực nhẹ cực nhanh, đầu kim chạm xuống rồi rút ra ngay, trên bề mặt hơi ố vàng của bức tranh lập tức hiện ra một chấm đỏ nho nhỏ.
Tay phải của Tiểu Đường dừng lại một lúc, cổ tay lắc nhẹ, rồi từ chấm đỏ đó liên tục châm tiếp những mũi kim tiếp theo, rất nhẹ nhàng, không hề phát ra một tiếng động nào dù là nhỏ nhất. Một lúc sau, một đường cong mảnh màu đỏ dần hiện ra trên giấy.
Nước máu thấm vào giấy v 254e ẽ, đường cong đỏ hơi nhòa trông rất giống với nét vẽ bằng bút lông, thậm chí còn tạo thành những vết tơ bút và hất bút y hệt với phong cách vẽ mười chín tòa tháp trong tranh. Nhìn kỹ lại, giấy vẽ vẫn nguyên vẹn như lúc đầu, không mảy may bị rách hỏng.
Tiểu Đường gật đầu tỏ ý hài lòng, cô bé đặt kim sang một bên, ngẩng đầu nói với chúng tôi:
- Thuật châm kim mềm của Tiểu Đường vẫn chưa học được đến nơi đến chốn, mới chỉ học qua những bước cơ bản. Nhưng mọi người hãy tin ở cháu, những tòa tháp này thực sự đều là tác phẩm khắc hình đỉnh cao, cháu không thể nhìn nhầm được.
Tiểu Đường nói chắc như đinh đóng cột lại còn biểu diễn cụ thể nữa, chúng tôi không thể không tin trong mười chín bức tranh sơn thủy này đúng là có ẩn chứa nghệ thuật khắc hình. Trong nhà ông Từ có mười chín bức tranh khắc hình, góc dưới đều đề tên ông, điều này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến việc ông Từ bề ngoài là họa sĩ sơn dầu, nhưng thực chất rất có thể là một thợ xăm thân khắc hình, quả là đáng sợ.
Nhìn từng tòa tháp trong các bức tranh, tôi bất giác nghĩ đến hình xăm người chiến sĩ trên lưng cậu, có thể nào do cùng một người xăm không, chẳng lẽ lại là ông Từ? Nhưng xem ra giả thuyết này không đúng lắm, những gì ông Từ kể lại cho tôi lúc ban ngày hoàn toàn không giống lời nói dối, hơn nữa ông ta cũng không có lý do gì để gạt tôi, vậy phải lý giải điều này như thế nào đây?
Hai vợ chồng ông Từ bất ngờ bỏ đi, trong nhà không phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu của hành vi cưỡng ép nên không thể coi là vụ án hình sự; đồng thời cũng không thể công khai truy tìm người mất tích bởi chúng tôi một là không có lý do đi báo án, hai là không muốn đánh rắn động cỏ, đành âm thầm cuộn những bức tranh lại, tắt điện đóng cửa cẩn thận rồi ngậm ngùi đi xuống lầu.
Hai giờ sáng, mưa tuyết đã tạnh, mây đen trên đầu dần tan, vầng trăng sáng trong dần hiện ra, hắt bóng khu chung cư thành một khoảng tối đen như mực, còn phía xa tuyết phản chiếu ánh trăng, sáng đến lóa mắt. Gió bấc gầm rít ầm ầm, xoáy tung bụi tuyết thành từng đám mù mịt như sương.
Vừa đi được vài bước, Lão Mục đột nhiên kéo tay chúng tôi lại, giọng khẽ rít:
- Đứng im, mau nhìn xuống chân!
Tôi vội đứng lại, cúi đầu xuống nhìn. Có hai hàng dấu chân kéo dài từ cổng khu chung cư đến tận cửa cầu thang, phía trước là một đám dấu chân lộn xộn, lớp tuyết trắng xốp bị dẫm thành một vệt tròn, lõm hẳn xuống so với xung quanh, chứng tỏ đã có người loanh quanh ở khu vực này.
Tôi sốt ruột, giữa đêm hôm khuya khoắt, lại đúng hôm trời đổ tuyết lớn, nếu là người của khu chung cư này thì tại sao họ lại loanh quanh ở đây mà không vào nhà, chắc chắn đây không thể là do mộng du rồi. Người đó có thể là ai chứ, là tên hung thủ giấu mặt chăng?
Nghĩ đến đây, tôi và Lão Mục quay sang nhìn nhau, cùng bước nhanh đến, quỳ xuống nền tuyết, tỉ mỉ quan sát.
Hai hàng dấu chân một ra một vào, khoảng cách bước chân khá ngắn, độ sâu giống nhau, hoa văn dưới đế giầy lưu lại khá rõ nét, chứng tỏ người này không to cao và dấu chân được lưu lại khi tuyết đã tạnh. Thế nhưng không ai trong chúng tôi biết tuyết ngừng rơi từ khi nào, vì thế không thể đoán được thời gian chuẩn xác người đó có mặt ở đây.
Do cánh cửa cầu thang luôn đóng kín, anh chàng đặc công trẻ tuổi lại chỉ canh cửa từ bên trong, nên cũng không thể biết chuyện đã xảy ra như thế nào. Tôi nghĩ một lúc bèn quay sang nói:
- Có thể xem lại băng ghi hình của camera giám sát.
Lão Mục lắc đầu nói:
- Không cần phải phiền phức như vậy đâu.
Nói rồi anh ta lại rút cây kim loại giống chiếc kẹp tóc ra, nhẹ nhàng khều lấy một ít bụi tuyết ở quanh mép dấu chân, không thấy tuyết bị vỡ hay sụt xuống, sau đó anh ta lại đi đến phía đầu xe, cúi xuống kiểm tra lớp tuyết dưới gầm, thấy cao hơn hẳn so với nền tuyết xung quanh. Lão Mục mỉm cười hài lòng, quay lại nói với tôi:
- Nếu tôi đoán không nhầm thì sau khi chúng ta vào khu nhà được một lúc thì tuyết tạnh, người này đến ngay sau đó ít phút và đợi ở ngoài khá lâu, có lẽ đến khi nhìn thấy chúng ta tắt điện mới bỏ đi.
Theo dõi, lại là theo dõi! Đó là ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu tôi, thế nhưng nghĩ kỹ lại, tôi thấy không hợp lý chút nào. Tên lùn không rõ là nam hay nữ kia đã bị tôi huých bị thương, cho dù may mắn không phải nằm viện thì ít nhất cũng phải nằm liệt giường mười, mười lăm hôm, hắn không thể liều lĩnh bám theo đến đây được. Còn nếu nói có kẻ khác bám theo đuôi đội Lão Mục và Tiểu Đường thì có vẻ cũng không thực tế lắm, hơn nữa với năng lực của đội Lão Mục, chắc chắn họ đã sớm phát hiện ra rồi.
Loại trừ hai khả năng này thì chỉ còn khả năng cuối cùng là bọn người đã đưa vợ chồng ông Từ đi. Thế nhưng cũng lại không ổn, nếu chúng muốn theo dõi hành động của chúng tôi, sao lại phải chạy ra chạy vào như thế, cứ nấp một chỗ là được rồi. Mà cho dù nhất thời nảy ra ý định theo dõi chúng tôi, thì tại sao lại mạo hiểm đến gần như thế, ngộ nhỡ bị phát hiện thì không phải là rất dở hơi sao?
Trong đầu tôi cứ mải suy nghĩ mông lung, chân bước lung tung khắp nơi, lớp tuyết bị tôi giẫm phát ra những tiếng lạo xạo, trên mặt đất phủ đầy tuyết xuất hiện thêm một vòng tròn dấu chân tôi ngay bên cạnh đám dấu chân trước đó.
Tôi từ từ dừng chân, cúi đầu quan sát, bằng trực giác tôi mù mờ đưa ra phán đoán như thế này: Người này không hẳn có ác ý, có thể hắn chỉ muốn đi vào để nói cho chúng tôi điều gì đó, nhưng không hiểu vì sao đến chân cầu thang lại bắt đầu do dự, cuối cùng vẫn lựa chọn việc bỏ đi.
Đồng thời, hôm nay cuối cùng gã lùn cũng đã quyết tâm hạ thủ tôi, nhưng tại sao chỉ có mình hắn ra tay mà không có đồng bọn hỗ trợ? Xét về quy mô và tính chặt chẽ trong tổ chức của chúng, chuyện này không hề khó. Hồi ở Cẩm Châu theo dõi tôi, bọn chúng đã huy động đến mấy nhóm người cơ mà.
Càng nghĩ tôi càng thấy khó hiểu, mọi ý nghĩ tưởng thật hóa giả thi nhau bật ra, sự việc ngày càng trở nên phức tạp tới mức khó dự đoán được điều gì, mỗi người trong cuộc đều ẩn chứa bí mật của riêng mình, còn tôi thì gần như biến thành một con ngốc, ngày càng thêm lún sâu vào mà mãi không tìm ra được manh mối nào rõ ràng cả. Nghĩ đến đây, dây thần kinh đa nghi trong đầu lại bắt đầu hoạt động, tôi bất giác ngẩng lên nhìn Lão Mục và Tiểu Đường. Họ đều đang đứng sấp bóng, ánh trăng dịu dàng tỏa sáng sau lưng, đổ bóng dài trên nền tuyết. Khuôn mặt hai người họ mờ mờ nhưng ánh mắt lại lấp lánh ánh sáng, nhìn tôi không chớp mắt.
Tôi ngây ngô nhìn họ, đột nhiên thấy một cảm giác bất an dội lên trong lòng, Lão Mục và Tiểu Đường lẽ nào cũng ẩn giấu những bí mật nào đó không thể cho người khác biết?